Lạy Chúa, xin cứu con – Đem đức tin vào cuộc sống

Mời tham gia cộng đoàn Đức Tin Nhà Giao Ước

Giờ đây, các bạn biết Nhà Giao Ước không những những là một trung tâm tạm cư dành cho các trẻ – mà còn là một sứ mạng đã được Thiên Chúa khởi sáng và hướng dẫn, đồng thời  đã được hiến dâng cho Người. Đối với một số người rất đặc biệt, việc đọc để hiểu biết về các trẻ vẫn chưa đủ. Họ còn muốn tham gia vào công tác ấy, để được đích thân chứng kiến và cảm nhận những điều các trẻ đã trải nghiệm.

Chính vì những người ấy mà cộng đoàn Đức Tin Nhà Giao Ước đã được thành lập.

Cộng đoàn Đức Tin của chúng tôi là một nhóm gồm những người thiện nguyện toàn thời gian, đem đức tin vào cuộc sống bằng việc dành ra 13 tháng trong cuộc đời cho sứ mạng Nhà Giao Ước. Những con người phi thường này thuộc mọi hoàn cảnh cuộc sống, sống ở mọi miền của đất nước. Có những thanh niên mới 21 tuổi, có những cụ già đến 75 tuổi. Mặc dù có những khác biệt, nhưng những con người này đều có chung một mục đích: đó là làm cho thế giới của các trẻ em, và thế giới của tất cả chúng ta, trở thành một nơi tốt đẹp hơn so với hiện thời. Các thành viên của cộng đoàn sống chung với nhau để cầu nguyện, phụng sự Thiên Chúa, và phục vụ các trẻ em của Nhà Giao Ước. Những thành viên thiện nguyện thuộc cộng đoàn Đức Tin kết hợp việc hiến thân do đức tin thúc đẩy với một cam kết sâu xa để phục vụ các trẻ em Nhà Giao Ước.

Việc cam kết phục vụ các thiếu niên và thanh niên vô gia cư là một biểu hiện trung thực của Phúc Âm và là một kinh nghiệm làm phong phú các thành viên của cộng đoàn Đức Tin. Đời sống kết hợp giữa cầu nguyện và cuộc sống cộng đoàn trở thành một hỗ trợ cho cam kết phục vụ, một cơ hội để suy tư và phát triển trên phương diện tâm linh và nhân bản. Nếu các bạn đã trên 21 tuổi, xin hãy gia nhập nhóm người đặc biệt này.

Ann, một thành viên của cộng đoàn Đức Tin đã phát biểu:

Mãi cho đến năm ngoái, tôi vẫn là một nghiên cứu sinh rất bình thường theo đuổi học vị tiến sĩ và nghiên cứu về tình trạng nghèo nàn tại đô thị…. Giờ đây, tôi làm việc với các thiếu nữ ở tuổi 16 đã mang thai và những đứa trẻ ở độ tuổi của em trai tôi nhưng đang buôn bán và sử dụng ma túy, trong khi em trai tôi đang điều hành một hệ thống giao báo.

Ann còn nói:

Tôi về nhà mỏi nhừ cả người, không còn nhìn thẳng được nữa… nhưng đó lại là một năm đẹp nhất trong cuộc đời của tôi.

Xin các bạn hãy tiếp tục đọc loạt bài viết của hai thành viên của cộng đoàn Đức Tin chia sẻ về những câu chuyện của họ dưới đây.

Missy kể:

Tôi biết, nói thì nghe có vẻ nhàm, nhưng tôi tin cái số của tôi là đến với Nhà Giao Ước.”

“Lần đầu tiên tôi nghe biết về Nhà Giao Ước là khi nhóm bạn trẻ trung học của tôi (từ thành phố Whitehall, tiểu bang Pennsylvania) tổ chức một tour đi tìm hiểu về năm học đầu tiên ở đại học. Chuyến tour đến Nhà Giao Ước đã đem lại cho tôi ý tưởng sẽ trở thành một công nhân xã hội. Thời gian trôi qua, tôi đã nhận được những bức thư quyên góp từ Nhà Giao Ước gửi đến và tôi cũng theo học chuyên ngành về Công Tác Xã Hội tại đại học Ohio. Trong năm cuối của chương trình đại học, tôi đã tìm hiểu về cộng đoàn Đức Tin Nhà Giao Ước trong quyển Những Lựa Chọn (một tài liệu nhỏ viết về những cơ hội làm tình nguyện viên toàn thời gian). Tôi đã đến để được hướng dẫn – và tôi đã biết tôi nên gia nhập cộng đoàn này.

“Tháng Chín năm 1995, tôi đã đến New York để gia nhập một cộng đoàn mà tôi không biết mình có thích hợp hay không. Kinh nghiệm của tôi khởi đầu với chương trình đào tạo, một chương trình kéo dài ba tuần lễ, gồm những buổi học hội và thảo luận. Tôi dành trọn thời gian để nhìn lại bản thân. Tôi đang ở đâu với đức tin của mình? Tôi đối xử với tha nhân như thế nào? Tôi sẽ ứng xử thế nào trước thái độ đối nghịch hoặc tẩy chay từ phía đám trẻ? Tôi có phù hợp với tình yêu thương và cuộc sống cộng đoàn hay không? Tôi sẽ sống một đời sống giản dị, thanh sạch, với một số tiền ít ỏi như thế nào?

“Tôi đang thực hiện một cam kết sống cầu nguyện hằng ngày với những người trước đây tôi chưa hề quen biết. Tôi đang thực hiện một cam kết mà sau đó tôi nhận biết là phải yêu thương vô điều kiện. Điều đó thật khó khăn – suốt ba tuần lễ đầu là một cuộc hồi tâm liên lỉ. Nhưng tôi vẫn còn áy náy một nỗi, ‘Không biết mình có thể làm việc với những đứa trẻ Nhà Giao Ước hay không?’

“Khi chương trình đào tạo kết thúc, tôi đã sẵn sàng bắt tay vào công việc. Tôi muốn làm việc trong chương trình của cộng đoàn Đức Tin, một tổ chức của Nhà Giao Ước, chuyên giáo dục và huấn luyện hướng nghiệp tại các địa phương. Tôi thích công việc này bởi vì theo tôi, những chương trình như thế có thể giữ các trẻ tại địa phương chúng đang sống mà không cần tập trung chúng vào một trung tâm cải huấn nào cả.

“Công việc đầu tiên của tôi tại Nhà Giao Ước là làm cố vấn nội trú tại một trung tâm cải huấn, làm việc với các thiếu nữ. Mỗi lúc đều có khoảng chừng 35-40 thiếu nữ. Lúc tôi được phỏng vấn trước khi được nhận vào công việc ấy (mặc dù là một tình nguyện viên, nhưng tôi vẫn phải qua một cuộc phỏng vấn như những thành viên khác), người ta đã hỏi tôi một câu hỏi hệt như câu hỏi mà trước đó tôi đã tự đặt ra cho mình trong thời gian ba tuần của chương trình đào tạo: ‘Điều gì khiến bạn nghĩ rằng bạn có thể làm được loại hình công việc này?’ Tôi đáp: ‘Tôi không biết. Tôi chỉ biết là tôi muốn học biết mà thôi.’

“Trong mấy tuần lễ đầu tiên, tôi dành hầu hết thời giờ để quan sát. Dần dần, tôi bắt đầu đảm trách nhiệm vụ. Tôi được ủy thác làm một cố vấn cho những đứa trẻ mới đến. Lúc đầu, công việc cũng khó khăn vì thỉnh thoảng tôi cũng thấy sợ hãi trước vẻ ngổ ngáo bề ngoài của một số đứa trẻ (đó là thái độ tự vệ tự nhiên của những đứa trẻ bị tổn thương vì chúng không tin tưởng vào bất kỳ ai). Điều thực sự khó khăn đối với tôi là phải thẳng thắn và đặt mình vào một hoàn cảnh phải biết nói ‘không.’ Tôi không biết điều gì xảy ra nếu như tôi đã làm như vậy. Tôi cảm thấy sợ hãi.

“Tự nhiên mà nói, tôi không phải là một người cứng rắn. Tôi là một người hiền dịu, muốn người khác cũng hiền dịu. Nhưng với sự khích lệ của người giám thị, tôi đành phải liều. Tôi bắt đầu ‘đối diện với chúng.’ Để nói ‘được,’ và nói ‘không.’ Để đặt ra các giới hạn và bắt chúng phải tuân giữ. Đồng thời, tôi trở nên tự tin, phát triển hơn về óc hài hước và khả năng nói đùa với những người chung quanh giúp đỡ tôi (tức là những đứa trẻ).

“Công việc tại trung tâm cải huấn trở nên một cơ sở trắc nghiệm rất tốt về tính năng động và sự dị biệt của ban điều hành và các thành viên sống ở đó. Tôi thường xuyên phải gắng sức và đối diện với thách đố.

“Hồi ấy là lễ Giáng Sinh đầu tiên tôi phải xa gia đình. Tôi sợ điều đó. Tuy nhiên, đó lại là Giáng Sinh đẹp nhất tôi đã từng được hưởng. Chúng tôi bắt đầu bằng một giờ cầu nguyện, một bữa điểm tâm tuyệt vời, và sau đó là giờ các trẻ mở quà Giáng Sinh. Đối với nhiều đứa trẻ, đó là Giáng Sinh đầu tiên chúng được người khác quan tâm. Nhiều đứa không tin nổi là chúng lại nhận được nhiều quà và những món quà lại tuyệt vời đến thế. Đứa nào cũng nói: ‘Đây là Giáng Sinh đẹp nhất trong đời tôi, và tôi chưa bao giờ nhận được nhiều quà như thế này.’ Một đứa trẻ đã nhường lại tất cả những gì nó nhận được cho những người vô gia cư khác tại đường số 41. Tôi rất ngỡ ngàng.

“Sau tám tháng làm việc tại trung tâm cải huấn, tôi có dịp đi làm việc tại trung tâm Cộng Đoàn. Vào cuối năm làm việc của tôi, có một vị trí còn trống người và tôi đã được mướn làm cố vấn đặc biệt. Chúng tôi giúp đỡ bất kỳ ai bước vào ngưỡng cửa nhà chúng tôi, hoặc trực tiếp, hoặc qua giới thiệu.

“Trong khi còn nhiều thách đố và những đau khổ gia tăng nơi các trẻ, tôi nhận thấy cộng đoàn Đức Tin rất hữu ích. Tôi may mắn được gặp tám thành viên khác trong cộng đoàn để chia sẻ kinh nghiệm. Nhiều ngày, tôi cảm thấy bế tắc và mệt nhoài. Cũng có những ngày tôi có những niềm vui để chia sẻ, và tôi thấy mình rất sẵn lòng giúp đỡ người khác. Công việc làm tôi thay đổi; và cộng đoàn đã nâng đỡ tôi. Tôi có nhiều bạn bè. Và tôi đâm ra yêu thích thành phố New York.

“Phải chăng tôi đã làm được một sự khác biệt? Có. Tôi tin là tôi đã làm được. Tôi khởi đầu một năm với tâm trạng nóng lòng muốn ra tay giúp đỡ, những rồi tôi khám phá ra rằng không phải là công việc tôi làm hoặc sự giúp đỡ của tôi, mà đơn giản chỉ là sự hiện diện của tôi. Chỉ cần hiện diện ở đó, tức là làm rồi vậy.”

Sally kể:

“Tôi cảm nghiệm một điều mà trước kia tôi chưa bao giờ biết đến.”

“Tôi đã gia nhập cộng đoàn Đức Tin Nhà Giao Ước được hai tháng. Tại sao tôi lại không thực hiện điều này trước đây 20 năm?

“Suốt 12 năm trời, tôi đã làm việc và thăng tiến trong lãnh vực quảng cáo. Là một người phụ trách khâu tiếp thị, tôi thấy mình đã đạt đến đỉnh cao chuyên môn và đâm ra ngao ngán về nó. Tôi có thể kiếm thêm nhiều tiền bạc hơn nữa. Tôi có thể trở thành một phó giám đốc. Tôi có thể điều hành thêm nhiều nhân viên thuộc quyền hơn nữa. Nhưng, phần sáng tạo, phần động não, thì đã biến mất. Địa vị càng cao, công việc của bạn càng ít tính cách sáng tạo. Tôi cũng xa rời đạo giáo. Một điều gì đó đã biến mất trong cuộc sống của tôi.

“Tôi thấy cần phải tái tạo lại các giá trị tinh thần, kể cả việc sống Phúc Âm. Một tu sĩ dòng Tên hướng dẫn tôi tìm hiểu Phúc Âm, yêu cầu tôi phải kiểm xét nếp sống bản thân. Tôi không thể phớt lờ điều buộc phải nhìn vượt trên cánh cửa của bản thân. Trong dịp tĩnh tâm tại một tu viện, quyển sách mang tựa đề Lạy Chúa, Chúa Có  Ở Đó Không? (Are You Out There, God?) của nữ tu Mary Rose McGeady đã hấp dẫn tôi. Khi tìm hiểu chương trình tình nguyện viên, tôi tự nhủ mình chỉ tò mò mà thôi. Thế rồi tôi thấy mình đến New York để tìm hiểu định hướng. Người giám đốc cộng đoàn Đức Tin đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Dường như tôi đang được hướng dẫn, một cách chậm chạp nhưng chắc chắn, đến một sự thay đổi lớn lao.

“Tôi phải chiến đấu suốt một năm với tâm trạng ngần ngại không muốn trở thành một tình nguyện viên. Vì như thế có nghĩa là phải dấn thân vào một hoàn cảnh hoàn toàn mới, từ bỏ những tiện nghi do thu nhập, nhà cửa, và bạn bè của tôi đem lại. Phấn đấu để vượt thắng tâm trạng lưỡng lự chần chừ của bản thân là một tiến trình lâu dài, nhưng một khi sức mạnh đã được khởi sự, thì tôi biết không thể ngưng lại được nữa.

“Giờ thì tôi đang ở đây, cảm nghiệm một điều mà trước kia tôi chưa bao giờ biết đến, kể cả trong những giờ phút hấp dẫn nhất hồi tôi còn làm việc trong thế giới quảng cáo. Đó là một cảm giác an bình và hợp nhất. Tôi tiếp xúc được với phần sâu thẳm nhất của bản thân. Tôi đang làm điều mà trái tim tôi thúc bách phải làm, chứ không trì hoãn nữa. Tôi có một cảm giác mình là một con người toàn vẹn, mặc dù đôi khi tôi bị nghẹt thở vì công việc.

“Mới đây, tôi phải mất một ngày khổ sở với một đứa trẻ tên Joe. Đáng lẽ ra Joe đã bị trả về nhà tù Rikers (một nhà tù tại New York) bởi vì nó đã bị trục xuất khỏi Nhà Giao Ước vì tội đánh nhau. Tôi suy tư, ‘Tôi tuy không thể giải quyết được nỗi đau của đứa trẻ này, nhưng dù sao, tôi cũng đang lo liệu cho nó. Làm sao bạn có thể đồng thời vừa cảm thấy hạnh phúc, bình an, lại vừa phiền não? Tôi không biết. Nhưng tất cả đã cùng xảy đến, và đó là một cách sống khác. Tôi cho rằng mình đã bị lừa!

“Tôi nhận nhiều hơn là cho, bởi vì những đứa trẻ này mạnh mẽ một cách khó hiểu – những gì chúng đã trải qua là những chuyện không thể tin được và chúng vẫn có khả năng ứng phó là một điều rất đáng kể. Mẹ của Joe qua đời vì bệnh suyễn khi nó mới 12 tuổi, và từ đó, Joe đã sống trên các đường phố và buôn bán ma túy. Tôi ngạc nhiên vì nó không hề mất hết lý trí.

“Tuần trước, Joe phải ra hầu tòa. Tôi đã đại diện Joe viết một bức thư gửi đến tòa án, và người ta đồng ý cho nó thêm một cơ hội. Joe sẽ sống với người chị của nó trong khoảng thời gian 30 ngày bị trục xuất khỏi Nhà Giao Ước nhưng hằng ngày vẫn đến dự các lớp học và lớp dạy nghề tại đây.

“Sau một tháng, Joe có thể trở lại Nhà Giao Ước, và chúng tôi có thể nói với tòa án rằng chúng tôi đã thành công. Đôi bên đã hợp tác một cách tuyệt vời.

“Kinh nghiệm này là một phần trong công việc chữa lành của tôi. Khi có tình yêu thương, thì không chỉ các đối tượng chúng tôi phục vụ được chữa lành, mà cả tôi cũng được chữa lành, bằng những cách thế mà tôi cũng không hiểu nổi. Hôm nay tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc mà không cần biết nguyên nhân tạo ra hạnh phúc. Chúng tôi đã bắt lên những bài hát với một đứa trẻ ngay trong cầu thang máy, và cảm nghiệm được niềm vui. Không có một nguyên nhân nào cho điều đó.

“Trong cộng đoàn Đức Tin, chúng tôi sống một cam kết gồm ba yếu tố – cầu nguyện, tức là chúng tôi sống tương quan với Thiên Chúa, đời sống cộng đoàn, và phục vụ. Đó là cam kết chúng tôi thực hiện trong khoảng thời gian 13 tháng. Khi biết người khác cũng thực hiện cam kết ấy, các bạn sẽ cảm thấy rất phấn khởi. Mỗi sáng, mỗi tối, chúng tôi cầu nguyện với nhau. Vào các tối thứ Tư, chúng tôi dùng cơm tối, hội họp, và dự thánh lễ với nhau. Chúng tôi quan tâm đến nhau. Tôi lo lắng mình không tìm được những điểm chung với những đứa trẻ, nhưng điều đó không đúng chút nào. Trong cộng đoàn này còn có những người đến 75 tuổi.

“Tôi có nhiều bạn thân ở California, nhưng điều đó thuộc về một bình diện khác. Tôi không chọn bất kỳ ai trong những người bạn ấy, nhưng tôi đã chọn được một điều tốt hơn, thực sự đó là một sự rất lạ lùng….

“Khi trao ban, là bạn đã được nhận lãnh.”

Chia sẻ Bài này:

Related posts