Hoành thánh của nhà Kiều Trọng Sơn làm ăn rất ngon, đã có nhiều quan khách bạn bè đến xin ăn nên rất khổ não.
Một hôm, ông ta bỏ trước các bàn của thực khách một tờ giấy và nói với khách: “Sau khi ăn xong mới có thể mở tờ giấy ra”.
Các khách ăn xong thì mở tờ giấy ra coi, té ra trong giấy viết cách nấu hoành thánh, khách cười lớn và đi về. từ đó không còn người khách nào đến xin ăn hoành thánh nữa.
(Cổ kim tiếu sử)
Suy tư:
Có người khi đi xin thì rất dễ thương, có người khi đi xin thì làm cái mặt hách hách khó coi và mất cảm tình.
Con người ta ai cũng rất dễ động lòng trước cảnh ăn xin của người túng thiếu, bởi vì họ khổ cực và nghèo nàn, bởi vì ai cũng có một quả tim biết nhạy cảm trước vấn đề khổ đau.
Đi xin mà không được gì vì thái độ xin của họ không mấy khiêm tốn…
Có những người Kitô hữu khi cầu xin với Chúa Giêsu hay với Đức Mẹ thì kể công kể lễ khoe khoang mình làm nhiều việc lành phúc đức và đòi Chúa Giêsu ban cho những gì mình đã giúp cho tha nhân; có người khi cầu xin thì hết nói chuyện của người bên đông lại tố khổ người bên tây để chứng tỏ mình là người yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức hơn những người ấy…
Thiên Chúa không phải là người keo kiết nhưng là Đấng không thích người kiêu ngạo và luôn yêu thích người khiêm tốn, sở thích này của Thiên Chúa chỉ có những người Kitô hữu mới biết được mà thôi, do đó mà trong cuộc sống dù làm bất cứ việc gì, thì họ -người Kitô hữu- cũng luôn có sự khiêm tốn để sống đẹp lòng Thiên Chúa hơn.
Đi xin mà cứ vỗ ngực ta đây thì ai mà giúp đỡ, cũng vậy, khi cầu xin với Thiên Chúa mà hết phán đoán người này đến chê trách người nọ thì Chúa Mẹ nào mà nhậm lời chứ!
Lm. Giuse Maria Nhân Tài