Quyền Long Bao không hiểu ngày kỵ, có một lần hỏi phủ sứ : “Sao gọi là ngày kỵ ?”
Phủ sứ trả lời : “Kỷ niệm ngày cha mẹ chết thì gọi là ngày kỵ, trong ngày này phải mặc vải bố và ăn chay, tĩnh tọa một mình trong nhà không được ra ngoài”.
Lúc đến ngày kỵ mẹ của Quyền Long Bao, Quyền Long Bao bèn theo lời của phủ sứ mà ngồi thinh lặng trong nhà, đột nhiên có một con chó đuổi con chuột chạy vào phá đám cuộc tĩnh tọa của ông ta. Quy ền Long Bao giận dữ nói : “Con chó này phá đám ngày kỵ của mẹ ta, ngày mai ta bắt đầu lại vậy!”
(Cổ kim tiếu sử)
Suy tư:
Ngày kỵ ngày giỗ của cha mẹ đối với con cái rất quan trọng, bởi vì đạo hiếu cũng được thể hiện qua việc tổ chức ngày kỵ…
Ngày kỵ giỗ của người Kitô hữu thì khác với người khác, việc thứ nhất mà họ phải làm là dâng lễ cầu nguyện cho ông bà cha mẹ trong ngày giỗ chạp, việc thứ hai mà họ làm là đi ra phần mộ của ông bà cha mẹ làm sạch mồ mã như họ vẫn làm hàng năm, việc thứ ba họ làm là dọn một bữa cơm thân mật trong bà con thân tộc để cho con cái cháu chắt ở xa về đoàn tụ và… ra nhận nhau là anh em bà con họ hàng…
Có những người Kitô hữu việc thứ nhất lại đem làm sau và việc sau đem làm trước nên mất đi ý nghĩa của ngày kỵ ngày giỗ của ông bà cha mẹ. Ăn uống là chuyện nhỏ, cái chuyện lớn chính là đi dâng lễ cầu nguyện sốt sắng cho ông bà cha mẹ trong ngày kỵ giỗ, tệ hơn cả là lợi dụng ngày kỵ giỗ để nhậu nhẹt rượu bia xả láng gây phiền hà hàng xóm và bà con, sinh ra gương mù gương xấu ảnh hưởng đến công cuộc truyền giáo của Giáo Hội và giáo xứ…
Ngày kỵ ngày giỗ của người Kitô hữu là ngày mà họ phải hy sinh nhiều hơn, đền tội nhiều hơn, cầu nguyện và dâng lễ nhiều hơn để xin Thiên Chúa thương xót tha tội cho ông bà cha mẹ của mình.
Đó là việc làm của người con hiếu thảo hiểu rõ ngày kỵ vậy!
Lm. Giuse Maria Nhân Tài