Trần Mạnh Hiền vốn không thích khách khứa đến nhà, từ trước đến nay cũng không lưu khách lại dùng cơm trong nhà, các đồng sự bèn làm tặng cho ông ta một câu chế nhạo :
“Hai mươi bốn tháng chạp,
táo quân của thiên hạ đều về trời yết kiến ngọc đế,
tất cả táo quân đều mặc áo đen,
chỉ có táo quân của một người là áo trắng.
Ngọc đế thấy kỳ quái,
Bèn hỏi : “Tại sao chỉ có ông là áo trắng ?”
Táo quân ấy trả lời :
“Thần là táo quân của nhà Trần Mạnh Hiền.
các vị táo quân khác ngày ngày đều ngạt khói cháy lửa,
tự nhiên là phải đen,
thần ở nhà của Trần Mạnh Hiền,
ông ta từ trước đến nay không mời khách,
thì áo của thần sao đen được chứ ?”
(Cổ kim tiếu sử)
Suy tư:
Táo quân thì phải…đen thui, nhưng thời đại ngày nay có những táo quân phải mặc áo trằng vì bếp của chủ nhà họ đều dùng…gas.
Nhưng quan trọng không phải là táo quân áo trắng hay táo quân áo đen nhưng chính là lòng hiếu khách của chủ nhà, nếu chủ nhà hiếu khách dùng bếp gas thì táo quân áo trắng, mà nếu chủ nhà nghèo hiếu khách dùng củi thì táo quân áo màu đen, chẳng có gì là lạ.
Người có tâm hồn hiếu khách thì có đông bạn bè nên họ cũng dễ dàng thành đạt trong cuộc sống, và quan trọng hơn, chính lòng hiếu khách của họ đã là một bằng chứng về việc truyền bá Tin Mừng của Chúa Giêsu cho mọi người rồi.
Người Kitô hữu không hiếu khách vì những mối lợi riêng tư, nhưng họ hiếu khách vì họ thực hành Lời Chúa Giêsu dạy: yêu người thân cận như chính mình, và bởi vì khi họ tiếp đón khách là họ tiếp đón Chúa Giêsu đang đến trong nhà họ vậy!
Tiếp khách là tiếp Chúa Giêsu, đó là câu châm ngôn sống của các tu sĩ dòng Biển Đức, và của một số người Kitô hữu đạo đức vậy…
Lm. Giuse Maria Nhân Tài