Có một vị mới tốt nghiệp đại học khoa Anh văn tự nhận mình nói tiếng Anh rất lưu loát, thế là anh ta gởi đi rất nhiều bảng lý lịch bằng Anh ngữ đến một vài công ty mậu dịch để kiếm việc làm.
Nhưng anh ta nhận lại rất nhiều câu đáp của họ là không cần loại nhân tài ấy. Thậm chí trong đó có một công ty viết cho anh ta một bức thư: “Công ty của chúng tôi không thiếu người, nhưng nếu chúng tôi cần người thì cũng không cần đến anh. Mặc dù anh tự nhận mình hiểu tiếng Anh, nhưng từ trong lá thư của anh gởi đến, chúng tôi phát hiện văn chương của anh viết rất tồi tệ, hơn nữa văn phạm cũng viết sai rất nhiều”.
Anh ta đọc thư xong thì rất giận dữ, dự định sẽ viết một bức thư thật độc địa gởi cho đối phương.
Nhưng khi anh ta ngồi thinh lặng thì ý nghĩ chuyển qua hướng khác: “Chắc là họ nói đúng đó, có lẽ mình dùng văn phạm và từ ngữ sai mà mình không biết !”
Thế là anh ta viết một tấm thiệp cám ơn gởi đến công ty ấy: “Cám ơn các bạn đã sửa chữa cái sai của tôi, tôi sẽ cố gắng thêm nữa”.
Mấy ngày sau, anh ta lại nhận được công văn của công ty ấy gởi đến thông báo: anh có thể đến làm việc.
Suy tư:
Khi chúng ta tự cao tự đại thì khó mà lắng nghe lời phê bình góp ý của người khác; khi chúng ta cứ dựa vào tài năng của mình thì khó thấy được cái sai lầm của mình để mà sửa đổi.
Một tấm thiệp cám ơn được viết ra trong lúc hồi tâm suy nghĩ, thì có giá trị hơn cả ngàn lần đem tài năng đi ứng thí, bởi vì tấm thiệp cám ơn được viết ra trong bình tâm suy nghĩ gồm có các yếu tố:
– Lắng nghe lời người ta phê bình về mình.
– Đối chiếu tài năng bản thân với lời phê bình.
– Khiêm tốn nhận ra cái sai của mình.
– Thành thật cám ơn vì lời phê bình góp ý ấy.
Chúa Giê-su dạy các môn đệ của mình nên tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi và cầu nguyện, bởi vì nơi thanh vắng con người ta thường dễ dàng thấy rõ con người thật của mình (nghỉ ngơi), và cũng rất dễ lắng nghe tiếng Chúa và thánh ý của Ngài (cầu nguyện).
Lm. Giuse Maria Nhân Tài