Ở Nhật có một phương pháp để nuôi chim hoàng anh rất đặc biệt: khi mùa xuân sắp đến, thì lên núi tìm những con chim hoàng anh vừa mới nở trong trứng ra. Lợi dụng trước lúc chúng chưa hề nghe qua bất cứ tiếng chim rừng nào hót, thì để một con chim hoàng anh lớn có tiếng hót nghe rất vui tai một bên, để cho con chim hoàng anh nhỏ ấy lớn lên từng ngày, đều nghe tiếng hót rất hay của con chim hoàng anh lớn ấy.
Qua một thời gian, thì đem con chim hoàng anh lớn ấy rời khỏi đó. Chim nhỏ sau khi lớn lên thì tiếng hót của nó nghe rất hay và vui tai như con chim hoàng anh lớn vậy.
Nhưng nếu đi bắt chim nhỏ về nuôi, thì nó đã nghe qua tất cả tiếng hót của các loại chim rừng, và tiếng hót của nó rõ ràng là khác rất nhiều.
Suy tư:
Giáo dục trẻ em là bổn phận của tất cả mọi người, nhưng quan trọng nhất và cần thiết nhất chính là gia đình, bởi vì gia đình chính là trường học đầu tiên của các em, mà cha mẹ chính là những thầy cô giáo trực tiếp dạy dỗ các em.
– Có những gia đình cha mẹ mãi lo kiếm tiền, và giao việc dạy dỗ con mình cho cái TV (truyền hình), thế là chúng nó mới mấy tuổi đầu đã nhiễn những thói xấu của truyền hình.
– Có những gia đình gia đình giàu có, cha mẹ coi tiền bạc danh vọng hơn cả con cái, thế là khoán trắng chúng nó cho nhà trường để rảnh tay kiếm tiền, rồi một ngày kia đau khổ vì con đã trở thành kẻ phạm pháp.
“Trăm năm trồng người”, nhưng trồng nơi đất xấu (gia đình) và cây con (con cái) xiêu vẹo, thì khi lớn lên khó mà uốn nắn lại được, bởi vì trẻ em như con chim hoàng anh mà người Nhật nuôi dạy khi chúng nó mới nở trong trứng ra, dễ dàng hấp thụ được những gì mà những người chung quanh nó làm.
Các lớp giáo lý ở nhà thờ là nơi lý tưởng nhất để con em mình phát triển cả nhân cách lẫn đạo đức, cha mẹ nên đem con mình “trồng” ở đó, vì Chúa Giê-su đã nói: “Hãy để con trẻ đến với Ta…”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài