Niềm Tín Thác – Chương I: BẢN CHẤT CỦA NIỀM TÍN THÁC

– SỰ CẦN THIẾT CỦA NIỀM TÍN THÁC

– ĐỐI TƯỢNG CỦA NIỀM TÍN THÁC

– NHỮNG LÝ DO CỦA NIỀM TÍN THÁC

Sự cần thiết của niềm tín thác. – Đức cậy trông, và niềm tín thác là sự phát huy và hoa trái của đức cậy, là như mặt trời dùng ánh sáng và sức nóng của nó để làm nảy sinh mọi thứ trong thế giới đạo đức, làm cho mọi thứ sống động, tăng trưởng và sinh hoa trái. Những chỗ mà các quang tuyến bị giá lạnh của nó khó soi tới, hoặc chỉ tới được mỗi năm một ít tháng thôi, thì người ta thấy sự tàn tạ, vắng bóng sự sống, có mặt sự chết. Thiếu niềm cậy trông, mọi sự sẽ rã rời, mọi thứ sẽ suy sụp, sẽ trở thành tiều tụy. Không còn phấn khởi, không còn hoạt động, không còn sự sống. Mọi thứ đều chết. Thiếu niềm tín thác, ngay cuộc sống trần gian này cũng không sống nổi. Hãy tưởng tượng hai vợ chồng không còn tin tưởng nhau, nghi ngờ nhau. Cuộc sống của họ không còn gì là vui sướng, không còn gì là dịu dàng, không còn gì là tình yêu. Một đứa bé không tin tưởng và tín thác nơi mẹ nó sẽ như thế nào ? Nó sẽ sống làm sao ?

Về đời sống thiêng liêng cũng thế. Chúng ta là những đứa con bé nhỏ của Thiên Chúa, những đứa trẻ yếu đuối, bất lực, không thể sống, tăng trưởng và phát huy, nếu nhân đức hướng thần rất tốt đẹp là đức cậy không mạnh mẽ trong tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta không có một niềm tin tưởng tín thác thật lớn lao và vững vàng nơi Thiên Chúa, chúng ta chỉ có thể sống èo ọt. Nếu thay vì tìm kiếm nơi Chúa những ân sủng, những sự trợ giúp, những thức ăn của đời sống thiêng liêng, chúng ta lại chỉ dựa vào sức mình và tìm cách sống tự lập, thì chúng ta sẽ như những trẻ sơ sinh đã mất mẹ.

Vậy điều hết sức quan trọng là chúng ta phải lo gia tăng, lo cho đức cậy trông, niềm tín thác của chúng ta nơi Thiên Chúa lớn thêm mãi lên. Đức cậy càng vững vàng, càng mãnh liệt, thì đời sống thiêng liêng của chúng ta càng tươi nở, càng tròn đầy, nhịp tim của chúng ta càng phấn khởi và tình mến yêu Chúa càng bừng cháy trong tâm hồn chúng ta.

Đối tượng của đức cậy trông. – Vậy trước hết, niềm tín thác là gì ? Thánh Tiến sĩ thiên thần nói đó là một hình thức của đức cậy trông, và ngài định nghĩa “tín thác là một niềm cậy trông được vững mạnh nhờ một sự xác tín vững vàng[1].  Ở một chỗ khác, thánh nhân còn nói: “Từ tín thác có nghĩa là niềm cậy trông mà ta có vì tin vào lời của ai đó đã hứa giúp đỡ ta[2]. Vậy có thể nói, như chúng tôi đã nói trên kia, rằng niềm tín thác là sự phát huy và hoa trái ngon ngọt của đức cậy[3].

Vậy trước hết phải biết chúng ta có thể cậy trông những gì nơi Thiên Chúa. Nói cách khác, đối tượng của đức cậy là gì ?

Điều này chúng ta đã biết từ hồi còn nhỏ. Sách giáo lý đã dạy chúng ta rõ ràng. Chúng ta không cậy trông nơi Thiên Chúa điều gì khác ngoài chính mình Ngài, vì Ngài là sự Thiện tối cao, là Hạnh phúc muôn đời của ta, và chúng ta cũng hy vọng nhận được tất cả mọi phương tiện dẫn tới Ngài. Thiên Chúa đã tạo thành chúng ta vì Ngài, để chúng ta có được Ngài phần nào ngay ở đời này bằng đức tin và đức mến, để chúng ta sống nhờ Ngài và cho Ngài, để một ngày kia chúng ta có được Ngài cách trọn vẹn ở trên trời. Như vậy chúng ta cậy trông đạt được cùng đích tối hậu của chúng ta ở nơi Ngài.

Mấy lời ngắn ngủi trên đây thật là đơn giản, nhưng chúng che khuất cả một chân trời vô biên. Chúng ta là những tạo vật đáng thương hại, những hạt bụi bé nhỏ trước mặt Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã gọi chúng ta hãy lên với Ngài, hãy kết hiệp với Ngài là sự Toàn Thiện vô cùng, và Ngài cho chúng ta tìm thấy một sự ngây ngất của tình yêu diễm phúc trong việc chiêm niệm cách yêu mến các phẩm tính thần linh của Ngài.

Đó là ý định của Thiên Chúa về chúng ta, đó là niềm ước ao của Ngài, kế hoạch của Ngài. Và để chúng ta luôn hướng về Ngài, Ngài đã đặt nơi đáy lòng chúng ta một sự khát khao không nguôi đối với Ngài. “Lạy Chúa, Ngài đã tạo thành chúng con vì Ngài, cho nên trái tim chúng con bất an cho tới khi được nghỉ yên trong Ngài[4]. Chúng ta thèm khát Thiên Chúa ; ngay từ khi sinh ra, chúng ta đã được Thiên Chúa ghi dấu ấn thần linh trên chúng ta. Ý thức hay không ý thức, là thánh nhân hay là người tội lỗi, tất cả chúng ta đều bị lôi cuốn cách kỳ diệu bởi Thiên Chúa, như một thứ nam châm hằng hữu và phổ quát. Chúng ta bị thu hút rất mạnh mẽ bởi Đấng là sự Thiện tối cao, đến nỗi sự khao khát hạnh phúc này cũng đồng thời là niềm khao khát hạnh phúc đã trở thành động lực vô thức và bí ẩn của tất cả mọi hành động của ta.

Chính sự thỏa mãn tròn đầy và trọn vẹn niềm khát khao sâu xa và nồng nàn này, không những đã được Thiên Chúa cho phép, mà Ngài còn truyền dạy người kitô hữu phải trông chờ ; cho nên khi họ lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, không những Ngài đã ban cho họ sự sống siêu nhiên, Ngài còn đặt vào linh hồn họ đức cậy siêu nhiên cùng với đức tin và đức mến.

Nhân đây xin nói rằng niềm khát khao siêu nhiên này gồm hai tâm tình : 10 niềm ước ao hạnh phúc siêu nhiên mà Chúa đã đặt làm đích điểm và cùng đích tối hậu của cuộc đời ta, 20 sự vững tâm sẽ đạt được niềm hạnh phúc đó nhờ nhận được từ Thiên Chúa tất cả những gì cần thiết để đạt tới.

Hai yếu tố này phát triển đồng thời, mặc dầu đôi khi yếu tố này hoặc yếu tố kia xem ra trội hơn, tùy những hoàn cảnh và những đường lối mà Thiên Chúa dắt chúng ta đi. Thật là một niềm an ủi lớn lao cho ta, khi biết rằng sự chúng ta quí mến đức trọn lành, những ước ao nồng nàn nên thánh đôi khi làm tâm hồn ta rung lên hoặc héo hon, là dấu hiệu quí giá cho biết đức cậy của chúng ta đang phát huy và, nhờ ơn Chúa, đang rất sống động.

Trong những cơn thử thách thiêng liêng lớn lao, nhất là trong những đêm tối thần bí, yếu tố thứ hai của đức cậy, tức sự vững tâm đạt được hạnh phúc muôn đời và nhận được những phương tiện cần thiết để đạt tới, sẽ bị thanh luyện trong lò những gian truân. Khi đó chúng ta thấy sự vững tâm này qúa ít ỏi và lung lay. Nhưng đó chỉ là một dáng vẻ thôi. Sự mãnh liệt của những ước ao thánh thiện làm nên yếu tố thứ nhất sẽ là một bảo đảm quí giá để khích lệ và nâng đỡ chúng ta. Cơn thử thách sẽ qua đi, và yếu tố thứ hai, tức sự vững tâm nên thánh, sẽ lại xuất hiện, mạnh mẽ hơn và vững vàng hơn bao giờ hết.

Những lý do để tín thác. – Nếu chúng ta cậy trông Thiên Chúa và tất cả những gì đưa ta đến với Ngài, thì chúng ta cũng phải cậy trông mọi sự ở nơi Ngài. Không những Thiên Chúa là đối tượng, nhưng Ngài còn là lý do và sự nâng đỡ đức cậy của chúng ta. Chúng ta đặt tất cả niềm cậy trông của chúng ta ở nơi Ngài và chỉ ở nơi Ngài mà thôi, bởi vì Ngài vô cùng quyền năng và không có một sự gì khó đối với Ngài. Nhưng nhất là chúng ta cậy trông Chúa vì Ngài là Cha rất yêu thương ta. Ngài vô cùng tốt lành và đầy lòng thương xót. Sau cùng chúng ta cậy trông Chúa vì Ngài tuyệt đối trung thành với những gì Ngài đã hứa.

Nên ghi nhận ngay điều này : chúng ta cậy trông nơi Thiên Chúa vì Ngài tốt lành và quyền năng, chớ không phải vì chúng ta tốt lành, dễ thương, hoặc vì chúng ta có khả năng gì. Đức cậy xây nền trên cảm tưởng hoặc ý thức về sức mạnh của mình không phải là đức cậy kitô-giáo và siêu nhiên. Một sự tự tin như thế chỉ là một cách tính toán về khả năng của mình và không phải là đức cậy, một nhân đức hướng thần rất tốt đẹp. Sau này chúng ta sẽ có dịp thấy rằng : than ôi ! Cỏ lùng của đức cậy giả dối có thể được trộn lẫn vào hạt giống tốt, và sự cậy vào sức mình là con ký sinh trùng có thể sống bám vào và làm hại bông hoa tươi đẹp là đức cậy kitô-giáo.

Ngay từ bây giờ, chúng ta phải hiểu rằng : muốn cậy trông vào Thiên Chúa bằng một đức cậy mãnh liệt, thực hành, vững vàng, chúng ta cũng phải có một ý tưởng mãnh liệt, và không chỉ lý thuyết, nhưng là một ý tưởng thực hành về các phẩm tính của Thiên Chúa, nhất là Quyền năng, sự Tốt lành và Tình yêu đầy thương xót của Ngài. Nếu biết bao người thiếu lòng cậy trông vào Chúa, thì một trong những lý do chính là vì họ chỉ có một ý tưởng trừu tượng và mờ nhạt về Thiên Chúa. Quyền năng, Nhân hậu và Tình yêu thương xót của Thiên Chúa là những từ không gợi lên một xúc động nào trong tâm hồn họ. Bởi vậy những sự tốt lành đó của Thiên Chúa phải trở thành những thực tại sống động cho ta, những thực tại ta sờ thấy được và hết lòng yêu mến. Tóm lại, đức tin của ta phải mãnh liệt hơn, phải chiếu nhiều ánh sáng hơn vào những phẩm tính thần linh đó của Chúa. Vì đức tin của ta yếu kém, cho nên dĩ nhiên đức cậy của ta cũng không hơn gì. Một điều chắc chắn là : nhận thức của ta về Thiên Chúa và các phẩm tính của Ngài, cũng như nhận thức của ta về Chúa Giêsu càng sống động, cụ thể và phong phú, thì niềm tín thác của ta cũng sẽ càng mạnh mẽ và vững vàng.

Muốn được thế, chúng ta phải thường xuyên suy gẫm các sách thánh : các Thánh Vịnh là những thánh thi tuyệt hảo ca tụng lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa ; – Các Phúc Âm với những hoạt cảnh rất cụ thể và sống động, diễn lại trước mắt ta cuộc đời đầy yêu thương, đầy nhân hậu và lòng thương xót của Chúa Giêsu. Ta cũng phải năng đọc các sách thần bí để làm phong phú thêm cho nhận thức của ta về các phẩm tính thần linh của Thiên Chúa. Các nhà thần bí đó là những bạn chí thân của Thiên Chúa : các ngài đã tới gần Thiên Chúa hơn những người khác. Một chút ánh sáng của những phẩm tính thần linh của Chúa đã soi tới tâm hồn các ngài, khiến các ngài choáng váng và đưa các ngài vào tình trạng xuất thần yêu mến. Tiếp xúc với những tác phẩm còn nóng ran của các ngài, còn rung động vì cảm xúc, chúng ta cũng sẽ cảm thấy tưng bừng, và những sự tốt lành của Thiên Chúa mà trước đây ta vẫn thấy là mờ nhạt và lạnh lùng, thì nay rực sáng lên với những mầu sắc huy hoàng, rất gần gũi và rất sống động.

Nhưng nhất là nhận thức của tôi về Thiên Chúa phải là một nhận thức thực hành, do kinh nghiệm sống của tôi và liên hệ đến bản thân tôi. Với bất cứ giá nào, tôi phải thoát ra khỏi lãnh vực của những học thuyết để đi vào hiện thực cụ thể. Tôi phải nhờ việc nguyện gẫm, chiêm niệm và tất cả cuộc sống thiêng liêng, cùng với những đấu tranh, những thất bại cũng như những chiến thắng để nhận thấy và cảm thấy rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của tôi, Chúa Giêsu là Đấng Cứu chuộc của tôi. Dần dần và bằng nhiều cách, tôi phải cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa rất tốt lành đối với tôi, Ngài thương yêu tôi, Chúa Giêsu đã chịu chết vì tôi, vì yêu thương tôi. Sau cùng, tôi phải cảm thấy rằng : ở đời này cuộc sống của tôi và ân sủng của Chúa Giêsu quấn lấy nhau, như cây dây leo quấn lấy cây sồi nâng đỡ nó.

Những điều kiện của tín thác.– Đức cậy có những điều kiện của nó. Thiên Chúa tốt lành vô cùng và đầy lòng thương xót, nhưng Ngài không quá hiền lành. Ngài ghen tuông về vinh quang của Ngài. Nhất là vì sự thánh thiện và vì sự khôn ngoan của Ngài, Ngài không thể để người ta uổng phí các ân sủng của Ngài. Ngài không gieo hạt giống trên những mảnh đất khô cằn. Và Ngài làm thế, vì chính lòng nhân hậu của Ngài, vì Ngài quá biết rằng mọi ân sủng bị từ chối và mọi hồng ân bị lạm dụng sẽ kêu đến sự công chính của Ngài, và Ngài phải trừng phạt. Vậy niềm tin cậy và tín thác của ta phải sáng suốt và khôn ngoan : chúng ta đừng cậy trông cách dại dột những điều không được cậy trông.

Nên nhớ đối tượng của đức cậy là gì : đó là sau cùng được kết hiệp với Thiên Chúa, tức là hạnh phúc muôn đời và tất cả những gì giúp ta đạt tới hạnh phúc đó. Ngoài ra, chúng ta không được cậy trông gì khác. Cho nên sức khỏe, sự thịnh vượng vật chất, thành công trong công việc làm ăn, được người khác quí trọng, cũng như những hồng ân trong đời sống thiêng liêng, như những sự an ủi của Chúa, được chấm dứt thử thách này hoặc cơn cám dỗ kia, tất cả đều tùy vào sự đạt được cùng đích tối hậu của ta là ơn cứu độ. Cậy trông khác đi sẽ không phải là đức cậy kitô-giáo nữa, mà là sự khờ dại. Một người mẹ yêu thương con đến mấy, và chính vì bà yêu thương con mình, nên không thể đưa cho con một con dao để chơi, càng không thể đưa cho nó gói thuốc độc mà nó đòi uống. Và Thiên Chúa sẽ không khôn ngoan khi vì yêu thương mà ban cho ta một hồng ân sẽ có hại cho ơn cứu độ của ta.

Bởi vì thường chúng ta không biết điều này điều kia có tốt cho ta không, ân sủng nọ ân sủng kia có vẻ rất tốt cho ta, nhưng thật sự có ích lợi cho linh hồn ta không, vì chúng ta không rõ những kế hoạch của Chúa và đường lối Ngài muốn dẫn đưa chúng ta, cho nên trong đa số các trường hợp, chúng ta phải điều kiện hóa lời cầu xin và niềm tín thác của ta. Cậy trông cách tuyệt đối vào những gì có thể nguy hại cho ta sẽ là dại dột và sẽ đưa tới chán nản.

Chúng ta thường lãng quên điều quan trọng đó. Nhất là trong lãnh vực đời sống thiêng liêng,   chúng ta thường không nghĩ phải điều kiện hóa niềm tín thác của mình. Chúng ta coi là quá hiển nhiên phải xin được ơn an ủi này, phải được ơn chiêm niệm kia, phải được kết hiệp yêu mến với Chúa, phải được cha linh hướng kia vì ngài hết sức ích lợi cho ta… Đúng rồi, theo những kế hoạch nên thánh của ta, sự thể là như thế đấy, nhưng các kế hoạch của chúng ta không phải là những kế hoạch của Thiên Chúa. “Trời cách xa đất bao nhiêu, thì những đường lối của Ta cũng cách xa đường lối của các ngươi bấy nhiêu” (Is. 60,9).

Những kế hoạch của sự khôn ngoan loài người thiển cận thường không phù hợp với những kế hoạch khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Bởi đó, biết bao nhiêu lo âu, biết bao nhiêu cay đắng, biết bao nhiêu thất vọng được coi là những nhát búa đập phá nền cậy trông tín thác của ta ! Chúng ta đã cậy trông Chúa, đã cầu nguyện nhiều và với niềm tin tưởng mãnh liệt, lẽ ra chúng ta phải được Chúa nhận lời chứ !… Nhưng, thương hại thay ! Chúng ta đã không cậy trông đúng cách ! Lẽ ra chúng ta đã phải điều kiện hóa niềm cậy trông của mình, lẽ ra chúng ta đã phải chỉ cậy trông vào Chúa, vào đối tượng duy nhất của niềm cậy trông của chúng ta.

Xin cũng đừng quên rằng một số ân sủng, một số hồng ân ta ước ao, cũng nằm trong các kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta, nhưng không đúng vào ngày giờ mà chúng ta ước ao, không theo cách mà chúng ta dự trù. Chẳng hạn, Chúa không ước ao gì hơn sự nên thánh của ta. Ngài luôn luôn lo mọi cách giúp ta. Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng rằng Ngài sẽ ban ơn nên thánh cho ta, nếu chúng ta cũng làm hết sức mình và cầu nguyện cách kiên trì và trong những điều kiện Ngài muốn. Nhưng ta phải để Thiên Chúa, để cho sự khôn ngoan vô cùng của Ngài chọn và định đoạt những phương tiện nên thánh của ta. Nếu Chúa trì hoãn một chút, không đáp lại lời cầu xin của ta ngay, ta không nên vì thế mà mất niềm tín thác chút nào. Thánh Phaolô đã nói : “Tôi biết tôi tin tưởng vào Đấng nào” (2 Tim 1,12). Tôi biết tôi tín thác nơi Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc tôi. Và lời Thánh Vịnh: “Tôi cậy trông vào Thiên Chúa, tôi sẽ không tủi hổ bao giờ” (Tv 30,2).

Có thể chúng ta đã có dịp nhìn ngắm những họa sĩ khi họ đang thực hiện những công trình của họ. Chúng ta thấy họ khéo léo đặt những nét trên khung vải. Chúng ta không bao giờ nghĩ đến việc hỏi họ về nghệ thuật của họ, và mỉm cười hỏi họ về ý nghĩa của những vết sơn trắng và xanh dương không ra hình thù gì hết, rồi chỗ nhiều mầu sắc quyện vào nhau kia : sau cùng các chấm sơn và những nét vẽ kia đã cho ta thấy xuất hiện trên nền vải một khung trời với những đám mây, những ngôi nhà và những con người. Thiên Chúa là nghệ sĩ thần linh cũng dầy công phu vẽ nên bức họa kỳ diệu là đời sống của ta. Chúng ta đừng vội hỏi Ngài về các kế hoạch của Ngài, và đừng muốn đưa ra các ý kiến của ta, bắt Ngài phải chấp nhận. Ngài thừa biết cách pha các mầu, phối hợp những chỗ sáng và những chỗ tối để thực hiện một kiệt tác xứng với Ngài.

Sau khi đã có sự dè dặt này, đã giữ điều kiện này, bây giờ thử xem những điều kiện để ta được tha hồ tín thác vào Chúa.

Điều kiện cần thiết hơn hết là một chút khiêm nhường, ý thức về sự bé mọn của mình, về sự bất xứng và bất lực của mình. Nếu chúng ta đến với Chúa với một cái gì gợi lên những tâm tình của người Biệt phái kiêu ngạo, thì chúng ta biết trước hậu quả của lời cầu nguyện của mình. Ngay ở trần gian này chúng ta cũng không thể chấp nhận một kẻ ăn xin dám đòi hỏi chúng ta phải rộng lượng với hắn. Thật không có gì hỗn xược hơn, khó coi hơn. Thiên Chúa càng không thể chấp nhận tính kiêu căng tự đại nơi chúng ta là những kẻ ăn xin khốn khó. Không có gì khiến Ngài ngoảnh mặt đi hơn. Nhưng nếu chúng ta không cậy vào công lao của mình, nhưng cậy vào lòng thương xót vô cùng, sự tốt lành vô biên và lượng khoan hồng của Ngài, nếu chúng ta không mắc cỡ tỏ cho Ngài thấy những nhu cầu về thân xác của ta và những ung nhọt của linh hồn ta, chúng ta có thể chắc chắn rằng Vua cả trên trời sẽ cúi nhìn chúng ta với đầy lòng thương xót, sẽ nâng đỡ ta, giúp đỡ ta và chữa lành ta.

Tâm trạng đáng quí nhất, dịu ngọt nhất và cũng dễ dàng nhất, là tâm trạng của một em bé đối với cha và mẹ nó. Đôi khi cũng nên đến với Chúa như những kẻ ăn xin rách rưới đến với Vua các vua, và khẩn nài Ngài mở rộng kho thiêng liêng của Ngài. Nhưng tốt nhất và vô cùng êm ái vẫn là đến với Chúa như một đứa bé đến với cha và mẹ rất yêu thương nó. Chúng ta hãy đến thưa Chúa rằng ta đói, ta khát, ta đau yếu, hãy nói với Chúa về những buồn phiền, những lo âu, những ước vọng của ta. Hãy thưa với Chúa như những đứa con thảo. Và hãy cố gắng tỏ lòng trông cậy Ngài ít ra cũng bằng ta tin tưởng nơi người cha trần gian của mình. Như thế đã là nhiều lắm rồi, nhiều hơn tâm tình mà ta thường có đối với Chúa, nhưng Ngài là người Cha vô cùng tốt lành hơn bất cứ những người cha tốt lành nào ở trần gian này, Ngài không đáng chúng ta yêu mến và tín thác hơn thế sao ?

Có thể người ta sẽ vấn nạn rằng : nếu phải có đức khiêm nhường để có thể tín thác trọn vẹn nơi Chúa, thì làm sao thực hiện niềm tín thác được, bởi đa số chúng ta là những người tội lỗi ? Đức khiêm nhường chẳng phải là điều chúng ta thiếu hơn cả sao? Chẳng phải đó là ơn chúng ta cần phải cầu xin sao ?

Ồ, chúng ta phải nghe và hiểu nhau. Tất nhiên không cần phải có đức khiêm nhường toàn hảo để đến với Chúa. Nhưng cần phải khiêm nhường một chút, và một chút khiêm nhường như thế không phải là khó gì, đối với chúng ta là những kẻ ý thức về tình trạng khốn nạn của mình, về những nhu cầu và những thiếu thốn của mình. Thiên Chúa không có quyền đòi một chút khiêm nhường rất tự nhiên đó sao ? Mà thật ra, chút khiêm nhường đó sẽ dần dần lớn lên, và cùng với sự tăng trưởng của đức khiêm nhường, niềm tín thác cũng tăng thêm. Tất cả các nhân đức ảnh hưởng lẫn nhau và trợ lực cho nhau. Theo mức tăng trưởng của đức khiêm nhường, niềm tín thác của ta cũng sẽ trở nên trọn vẹn hơn.

Cũng nên nói thêm rằng : ta phải thật lòng ước ao những gì ta cầu xin Chúa. Nếu những ước ao của ta mờ nhạt, uể oải, nếu chúng ta đến với Chúa vì thói quen, làm sao chúng ta có thể trông cậy Ngài ban ơn? Ân sủng ta cầu xin càng lớn lao thì ước nguyện của ta càng phải nồng nàn. Thiên thần Chúa khen tiên tri Đaniel là con người của những ước nguyện: “Phúc thay con người có những ước nguyện lớn lao”. Thiên Chúa nhìn thấu tâm can ta, Ngài thấy rõ những suy nghĩ sâu xa nhất, những khát vọng bí ẩn nhất của ta. Những khát vọng thánh thiện của ta sẽ là niềm vui của Ngài. Đó là như một lời cầu nguyện liên tục, một trầm hương bay lên từ tâm hồn ta tới tòa Chúa, mang theo những lời cầu khẩn tha thiết nhất của tâm hồn ta.

Đối với một số ơn ta muốn cầu xin, cần phải biết nài nẵng, phải có sự kiên trì thánh thiện trong việc cầu xin. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng : “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ mở ra cho anh em” (Mt 7,7). Đôi khi có vẻ như chúng ta phải quấy rầy Cha trên trời, nài ép Ngài cách thánh thiện. Chúng ta phải làm như người mà Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm : Người này quấy rầy bạn hữu của mình giữa đêm khuya, cho tới khi người đó chỗi dậy và cho anh ta ba ổ bánh mì mà anh ta cần. Đôi khi Thiên Chúa cũng làm ra vẻ nặng tai : chúng ta đừng bỏ đi khi thấy Ngài ra vẻ từ chối như thế. Thiên Chúa muốn ta cầu xin nhiều hơn, để ban cho ta nhiều hơn và cách vui vẻ hơn. Lời hứa của Ngài thật là dứt khoát và rõ ràng “hãy xin thì sẽ được”. Bà Monica đã cầu xin trong hai mươi năm, để con bà trở lại. Và đã có sự trở lại lớn lao dường nào! bà đã được Chúa ban cho con bà trở thành một vị thánh lớn là thánh Augustinô !

Chúng ta có một khuôn mẫu tuyệt hảo về những tâm tình phải có khi cầu nguyện : đó là người phụ nữ Samaria trong Phúc Âm. Chị là người ngoại giáo miền Tyrô. Chị đến xin Chúa Giêsu chữa con gái chị bị quỉ ám. Chúa nói đi nói lại rằng thời gian của các dân ngoại chưa tới. Có thể nói rằng người phụ nữ miền Tyrô này tới gặp Chúa Giêsu, đã được Chúa quan phòng thúc đẩy tới gặp Ngài, để Ngài có dịp dạy chúng ta một bài học tuyệt diệu và cụ thể về niềm tín thác.

Có thể tất cả chúng ta đã xúc động, đã rơi lệ, khi suy gẫm trang Phúc Âm cảm động này. Ôi ! Người phụ nữ này đã khiêm nhường, hạ mình xuống thẳm sâu, và ý thức rõ ràng về sự bất xứng của mình dường nào ! Chị thấy mình là một kẻ ngoại giáo, trước mặt một đại tiên tri Do thái ! Nhưng chị đã nài xin cách vững vàng dường nào ! Kiên trì dường nào ! Chị đến xin Ngài chữa lành con gái chị, và chị nhất định không bỏ đi cho tới khi nhận được điều mình xin. “Vâng, lạy Ngài, đúng thế, không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó, nhưng những con chó con cũng được ăn những vụn bánh rơi từ bàn ăn của chủ mình” (Mt 15,26-27). Và Chúa Giêsu rất thán phục đã nói với chị : “Hỡi người phụ nữ, đức tin của chị thật lớn lao : chị hãy được như lòng mong ước” (Mt 15,28).

Sau cùng, còn một điều kiện rất cần cho việc cầu xin được kết quả, và đáng tiếc thay ! Người ta thường bỏ quên. Đó là những lời cầu xin của chúng ta không xứng được Chúa nghe, cho nên, một cách tỏ tường hoặc trong tâm trí, chúng ta phải luôn cầu xin “nhân danh Chúa Giêsu” : Đó là thánh ý của Thiên Chúa : Chúa Giêsu phải là vị trung gian của chúng ta trong mọi sự. Bởi vì “ngoài danh của Ngài ra, không một danh nào đã được ban cho loài người để được ơn cứu độ” (Cv 4,12). Chính Chúa Giêsu cũng đã dạy : “Thầy là đường, là chân lý và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Trong bài nói rất thân tình của Ngài sau bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói cách tỏ tường rằng chúng ta phải cầu nguyện nhân danh Ngài. Vào giờ phút long trọng của những lời trối trăn sau cùng đó, Ngài đã để lại cho các môn đệ và cho chúng ta bí quyết thần diệu, giúp cho lời cầu xin của ta luôn được Chúa chấp nhận. Ngài nói : “Tất cả những gì anh em xin Cha nhân danh Thầy, Thầy sẽ làm để Cha được tôn vinh nơi Con. Nếu anh em xin điều gì nhân danh Thầy, Thầy sẽ làm cho anh em” (Ga 14,13).

Thế là rõ ràng và tỏ tường lắm rồi. Nhưng một lát sau đó, Ngài lại trở lại vấn đề quan trọng này : “Thật, Thầy nói thật, tất cả những gì anh em cầu xin Cha Thầy nhân danh Thầy, Ngài sẽ ban cho anh em. Cho đến bây giờ, anh em chưa xin gì nhân danh Thầy. Hãy xin thì anh em sẽ nhận được, để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (Ga 23,24)Chúa Giêsu không thể nói thế nào rõ ràng hơn. Bởi vậy Hội Thánh là Mẹ chúng ta, thấm nhuần tinh thần của Chúa, đã luôn tuân theo lời chỉ bảo căn dặn này của Chúa. Cho nên không bao giờ dâng một lời cầu xin lên Chúa, mà Giáo Hội không kết thúc bằng những lời đầy ý nghĩa : “Nhờ Chúa Giêsu-Kitô, Chúa chúng con. Amen”.

Đáng tiếc thay ! Những lời này có thể đã mất đi ý nghĩa sâu xa và đã trở thành một lời kết thúc đơn điệu và nhàm chán. Ít, rất ít linh hồn tốt lành có thể không phải trách mình về điểm này. Nếu trong khi cầu nguyện, nhiều linh hồn có cảm nhận khá sâu sắc về tội lỗi và sự bất xứng của mình, thì họ lại ít có cảm tưởng mạnh mẽ về sự trung gian toàn năng của Chúa Giêsu. Họ đến với Thiên Chúa một mình, không có Chúa Cứu Thế đi với họ, mà Ngài là sự nâng đỡ mạnh mẽ và đầy yêu thương để họ vững lòng tín thác. Có thể đây là vấn đề chúng ta cần phải xét mình, và sự xét mình này sẽ rất bổ ích cho ta.

Phúc thay những linh hồn không những đã biết cầu xin Chúa mọi sự nhân danh Chúa Giêsu, mà tất cả cuộc sống của họ hằng ngày diễn ra như một lời cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu, hết lòng yêu mến Chúa Giêsu !

Lý tưởng duy nhất của họ ở đời này là để Chúa Giêsu sống trong họ, họ hoàn toàn được đồng hóa với Ngài, được tan biến đi trong Ngài. Thấm nhuần Chúa Giêsu và Thần Khí thần linh của Ngài, họ luôn miệng kêu lên và lòng họ cũng không ngừng kêu lên, bằng khát vọng và bằng hành động, họ kêu lên rằng : Abba, Cha của con ! Họ tin chắc được Chúa nhận lời, vì chính Chúa Giêsu cầu nguyện trong họ. Như vậy làm sao Cha trên trời có thể từ chối họ điều gì, bởi vì làm sao Ngài có thể từ chối Giêsu Con của Ngài ?

 


[1]St. Thomas, Summa theologica, IIa, II ae, q. 60, art. 6, ad tertium.

 [2]Sđd, IIa, IIae, q. 129, art. 6.

[3]Từ tín thác được dùng 2 cách. Theo nghĩa chủ động thì đó là nhân đức cậy, còn theo nghĩa thụ động thì đó là toàn bộ những tâm tình bình an, vững tâm, từ bỏ mình, những hoa trái của nhân đức cậy.

[4]St. Augustin, Confessions, q.1, ch. 1.

Chia sẻ Bài này:

Related posts