Niềm Tín Thác – Chương VI: CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ

I. HY LỄ LƯU TRUYỀN VẠN ĐẠI.

–   CHÚA GIÊSU LƯU TRUYỀN TRÊN BÀN THỜ  CUỘC HY SINH CỦA NGÀI TRÊN NÚI SỌ, ĐỂ CHIẾM LẤY TÌNH MẾN YÊU VÀ NIỀM TÍN THÁC CỦA TÔI.

–   NGÀI XIN TÔI DÂNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI CHO NGÀI ĐỂ NGÀI MẾN YÊU CHA NGÀI Ở TRONG TÔI.

Chúa Giêsu lưu truyền vạn đại hy tế Núi Sọ của Ngài trên các bàn thờ. 

– Dưới chân của Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, chúng ta được uống no nê niềm tin tưởng tín thác tuôn chảy từ các vết thương, nhất là từ Trái Tim được mở ra nơi cạnh sườn Ngài. Khi tắt thở trên thập giá vì yêu thương chúng ta, Chúa đã mang lại bình an cho tâm hồn ta, xua đuổi mọi sợ hãi, phá tan mọi nghi nan và củng cố niềm cậy trông của ta. Nhưng con suối chảy xuống từ Núi Sọ xưa, nay cũng chảy xuống từ các bàn thờ, nơi diễn ra hằng ngày cuộc hy tế không đổ máu của Chúa Giêsu! Chứng tích vô cùng lớn lao của tình thương, hy lễ của Núi Sọ, vẫn được Chúa Giêsu lặp lại hằng ngày cho đến tận thế, trong Thánh Lễ trên các bàn thờ, ở mọi nơi trên thế giới.

Sau những hy sinh và những sự hạ mình của máng cỏ Bethlêem, của cuộc sống âm thầm Nazareth, của những năm tháng giảng dạy dân chúng, và nhất là đau khổ khôn tả của cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, tình thương của Chúa Giêsu đối với chúng ta vẫn chưa được thỏa mãn. Tình thương của Ngài và sự khôn ngoan thần linh của Ngài vẫn còn tìm ra cách cuối cùng để chiếm lấy trái tim chúng ta : để chúng ta khỏi phải dùng trí tưởng tượng, vượt hai ngàn năm về đàng sau, để chứng kiến hy lễ đổ máu của Ngài trên Núi Sọ, Ngài đã dùng trí khôn ngoan vô cùng của Ngài để hiện tại hóa hy lễ này hằng ngày trên bàn thờ cho chúng ta. Ngài đã lập bí tích Thánh Thể để tái diễn và lưu truyền vạn đại cái chết và hy lễ của Ngài trên Núi Sọ. Ngài muốn tôi cũng có thể như Mađalêna và Gioan, nhìn thấy Ngài bằng mắt tôi, nhìn thấy Ngài hấp hối vì tình thương tôi và van xin tôi hãy mến yêu Ngài. Ngài muốn tôi, linh mục của Ngài, tôi có thể đụng đến chân tay cực thánh của Ngài. Đó là phép lạ đang diễn ra từng giờ, từng phút, một phép lạ vượt xa vô cùng tất cả các phép lạ Ngài đã làm để chữa lành các bệnh nhân và cho kẻ chết sống lại. Chúa đã làm phép lạ này vì yêu thương tôi và để chiếm lấy trái tim tôi.

Từ bàn thờ, cũng như từ Núi Sọ, hằng ngày Ngài vẫn nói với tôi : “Hỡi linh hồn Cha yêu dấu, con hãy xem Cha khao khát tình mến yêu của con. Trên bàn thờ, Cha đã lại sinh ra cho con; trên thập giá của bàn thờ, Cha lại chết vì thương yêu con, và để xin con hãy yêu mến Cha. Vậy con hãy dâng trái tim cho Cha, vì lòng mến yêu của con là hạnh phúc của Cha. Thiếu tình yêu mến của con, Cha sẽ không an vui. Hãy dâng cho Cha tình yêu mến của con, hãy tín thác nơi Cha, tín thác trọn vẹn và vững vàng. Làm sao con còn có thể nghi ngờ lòng nhân ái của Cha, một lòng nhân ái vô cùng lớn lao hơn các tội lỗi và các sự khốn nạn của con ? Con nghi ngờ tình thương của Cha, là con xúc phạm đến Trái Tim Cha, khi mà hằng ngày Cha vẫn chết cách mầu nhiệm trong Thánh Lễ vì yêu thương con và để làm cho con nên thánh. Cha còn có thể làm gì hơn nữa để được con yêu mến và chiếm được niềm tín thác trọn vẹn của con ? Con hãy nói đi, Cha sẽ làm cho con”.

Không, Chúa Giêsu không thể làm gì hơn nữa. Ngài đã làm tất cả những gì có thể làm được, để tôi tin vào tình thương của Ngài đối với tôi, đối với bản thân tôi. Ngài đã làm mọi sự cách cụ thể, cách hiện thực, để tôi thấy rõ tình thương của Ngài, và để tôi tín thác mọi sự nơi Ngài.

Ngài đã ban cho tôi tất cả những gì Ngài có, tất cả những gì Ngài có thể làm. Ngài đã ban cho tôi sự sống của Ngài, máu thánh và thân thể của Ngài. Ngài đã hy sinh đến điên rồ vì tôi. Sánh với những gì Ngài đã ban cho tôi đó, những gì tôi muốn xin Ngài không có đáng gì hết. Không một ân sủng nào, không một ân huệ nào đáng giá chút nào so với sự Ngài ban chính bản thân Ngài cho tôi. Vậy tại sao tôi không cầu xin các ơn đó với niềm tin tuyệt đối ? Tất cả những gì không hại đến ơn cứu độ và con đường trọn lành của tôi, chắc chắn Ngài sẽ ban cho tôi, nếu tôi tin cậy vững vàng nơi Ngài. Và nếu tôi muốn xin một ân sủng đặc biệt để trở nên khiêm nhường và trong sạch, để hoàn toàn chết cho mình, để được biến đổi nên giống Ngài hơn, sao tôi không cầu xin Ngài một cách hoàn toàn tin cậy ? Từ nơi bàn thờ, cũng như từ Núi Sọ xưa, Chúa Giêsu bảo tôi: “Con hãy xin tất cả những gì về lòng mến yêu mà con ước ao, dầu con xin cho con hoặc cho những người khác, con hãy tin chắc sẽ được Chúa nhậm lời”. Ồ, chúng ta đừng bao giờ sợ xin nhiều qúa. Chúa thương ta và rất quảng đại, cho nên không bao giờ là nhiều qúa. Vậy chúng ta hãy cầu xin với một niềm cậy trông tuyệt đối, vì tin rằng Chúa sẽ ban cho như lòng ước nguyện, và nhiều khi Chúa còn ban qúa lòng mong ước của chúng ta.

Ngài xin tôi dâng cuộc sống của tôi cho Ngài, để Ngài yêu mến Chúa Cha ở trong tôi.

– Trên đây chúng ta đã thấy Chúa Giêsu chịu chết vô cùng đau đớn trên thập giá vì yêu thương chúng ta, nhưng nhất là vì yêu mến Cha Ngài : Ngài muốn chiếm lấy trái tim chúng ta, linh hồn và cuộc sống của chúng ta, để Ngài sống ở trong chúng ta và yêu mến Cha Ngài bằng muôn triệu con tim của chúng ta. Chúng ta đã hiểu ước ao đó và yêu cầu đó của Chúa Giêsu. Nhưng để chúng ta thường xuyên nghe thấy lời van xin của Ngài, Chúa Giêsu đã muốn lặp lại lời van xin của Ngài trong Thánh Lễ mỗi ngày. Nếu chúng ta quên suy gẫm về cuộc khổ nạn và thập giá Chúa Giêsu, thì hằng ngày chúng ta có thể nghe tiếng nói đầy yêu thương của Ngài nói với chúng ta từ các bàn thờ : “Con ơi, Cha muốn có cặp mắt của con, miệng lưỡi của con, trái tim của con, tất cả linh hồn con, để yêu mến Chúa Cha ở trong con và nhờ con. Ôi ! Xin con hãy làm thỏa lòng mong ước của Cha, vì Cha khát khao yêu mến Chúa Cha bằng muôn triệu trái tim của tất cả chúng con. Cha cần có trái tim của con, cuộc sống của con để thỏa lòng mến yêu của Cha đối với Chúa Cha”.

Hỡi các linh hồn quảng đại, không từ chối Chúa Giêsu điều gì, những ước ao nồng nàn này của Ngài không phải là những ước ao của các bạn sao ? Mơ ước của các bạn chẳng phải là mất dần đi, biến dần đi, để Chúa Giêsu sống và sống cách đầy đủ trong linh hồn mình sao ? Chúng ta ước mong chết đi, để Ngài sống trong chúng ta và để chúng ta được sống lại trong Ngài. Vậy bạn hãy mở rộng lòng ra để đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể ! Hãy nói và hãy lặp đi lặp lại rằng bạn ước ao nên trọn lành, ước ao Chúa chiếm lấy linh hồn bạn và sống viên mãn ở trong bạn ! Chúa Giêsu sẽ vui sướng được nghe những ước vọng của bạn, vì đó cũng chính là những ước ao của Ngài.

Chính vì muốn được nghe bạn kêu xin Ngài, đôi khi Ngài làm thinh, đi trốn và để bạn ở một mình trong hưu quạnh. Nhưng bạn hãy tin rằng Ngài không để bạn phải chịu thử thách lâu. Chúa không bao giờ để ta bị thử thách qúa sức chịu đựng. “Thiên Chúa rất trung tín : Ngài không để anh em bị cám dỗ qúa sức mình. Cùng với cơn cám dỗ, Ngài sẽ ban sức cho anh em chịu đựng và thoát khỏi” (1Cr 10,13). Ngài để anh em chờ đợi, để anh em cầu nguyện tốt hơn. Ngài biết rằng mỗi tiếng kêu của anh em, mỗi lời cầu xin của anh em là như mỗi lần Ngài mắc nợ anh em. Ngài muốn những món nợ này ngày chất đống lên, vì Ngài biết có ngày Ngài sẽ trả cho anh em cả vốn lẫn lời cách quảng đại, vượt qúa mọi mong ước của chúng ta.

Vậy bạn hãy tỏ bày, hãy nói với Chúa Giêsu những mơ ước mến yêu của bạn. Hãy xin Chúa cho bạn ngày càng cảm nghiệm đầy đủ hơn về sự đáng mến thương vô cùng của Ngài. Những ước nguyện của bạn, niềm lo âu chưa mến yêu Ngài cho đủ, và tất cả những lời khẩn nài của bạn sẽ làm vui lòng Ngài, và sẽ được Ngài đáp ứng cách rất quảng đại vào thời giờ Ngài đã chọn.

II.  BÍ TÍCH TÌNH THƯƠNG. ĐỪNG GHEN TỊ VỚI CÁC TÔNG ĐỒ, HOẶC VỚI MAĐALÊNA.

–   THẦY ĐÃ ĐẾN VÀ GỌI EM. AI KHÁT HÃY ĐẾN MÀ UỐNG. NGÀI SAI TÔI ĐI XIN LÒNG MẾN YÊU NHƯ CÁC MÔN ĐỆ XƯA.

–   ĐÁNG TIẾC THAY ! NIỀM TÍN THÁC CỦA CHÚNG TA GIỐNG NHƯ MỘT CHIẾC PHONG VŨ BIỂU.

–   BIẾT BAO LÝ DO ĐỂ TIN CẬY TẤT CẢ NƠI CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ.

Đừng ghen tị với các Tông đồ hoặc với Mađalêna.

– Chúng ta đã nói : Với hy lễ lưu truyền vạn đại của Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đóng dấu ấn của Ngài trên tình thương của Ngài, nghĩa là Ngài đã dùng hết mọi cách thế để tỏ lòng thương ta. Nhưng không phải thế. Chúng ta đã sai lầm, Chúa Giêsu còn làm hơn thế nhiều. Để làm cho ta hiểu biết ngày càng sâu xa hơn về tình thương vô biên của Ngài, để chắc chắn mỗi người chúng ta cảm nhận được tình thương của Ngài, để chiếm lấy trái tim chúng ta, Chúa Giêsu đã làm nhiều hơn nữa : Thánh Thể không chỉ là hy lễ muôn đời của luật mới, nhưng còn là bí tích tình thương, trong đó Chúa Giêsu ban Mình Ngài cho ta cách khôn tả.

Chúa Giêsu Thánh Thể vẫn hằng ngày ở trên các bàn thờ của chúng ta, không những chỉ trong thờ gian ngắn ngủi của Thánh Lễ, mà Ngài còn ở lại đó suốt đêm ngày vì chúng ta.

Đôi khi, cũng như rất nhiều người khác, tôi thấy như muốn ghen tị với những môn đệ của Chúa Giêsu, luôn được sống bên cạnh Ngài : đó là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan, và cả Mađalêna nữa. Họ thật là có phúc !

Họ luôn được nhìn thấy Chúa Giêsu dịu hiền và vô cùng tốt lành, được nghe tiếng nói vừa dịu dàng vừa uy nghi của Ngài, tiếng nói đã làm say mê quần chúng. Họ được chứng kiến những phép lạ Ngài làm để chữa lành những người bệnh tật. Họ có thể nói chuyện thân mật với Ngài, trình bày cho Ngài thấy những nhu cầu của họ. Họ thật là diễm phúc vì đã sống đồng thời với Ngài và được Ngài chọn làm những bạn đồng hành của Ngài.

Nếu như tôi được ở bên cạnh Chúa Giêsu như mấy ông Tông đồ này, chắc tôi đã yêu mến Ngài rất nhiều. Và chắc chắn tôi đã trọn vẹn tin tưởng nơi Ngài, nếu tôi được chứng kiến các phép lạ Ngài làm. Và chắc tôi đã không bị Ngài quở trách như Ngài đã quở trách các ông : “Hỡi những kẻ kém lòng tin !” (Mt 8,26).

Nhưng này ! Nếu đức tin của tôi mãnh liệt, nếu tôi không sống theo giác quan, tôi sẽ không có gì phải ghen tị với các Tông đồ. Tôi cũng có Chúa Giêsu bên cạnh tôi như họ. Tôi có thể tới gặp Ngài bất cứ giờ nào. Tôi còn hạnh phúc hơn cả Mađalêna, vì không chỉ một lần, nhưng mọi ngày, nếu tôi muốn, tôi có thể lấy dầu thơm của lòng yêu mến để xức lên chân Ngài. Hằng ngày tôi có thể chứng kiến phép lạ vĩ đại nhất của Chúa, mà sánh với phép lạ này thì phép lạ Ngài làm tại tiệc cưới thành Cana chỉ là một hình bóng : đó là phép lạ Chúa thực hiện hằng ngày trên các bàn thờ khi làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu thánh Ngài.

Nếu đức tin của tôi không phải là một đức tin chết, nhưng là đức tin sống động, thì tôi biết rằng có Chúa Giêsu trong Nhà tạm, tôi không phải vất vả chen lấn để vào trước mặt Ngài, trình bày cho Ngài thấy những bệnh tật phần xác và phần hồn của tôi. Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế nhân hậu đã chữa lành thân xác và tâm hồn những bệnh nhân và những người đau khổ, đã an ủi những người sầu khổ, đã tha tội và ban ân sủng cho những kẻ chạy đến với Ngài, thì cũng chính Ngài đang chờ mong tôi đêm ngày trong Nhà Tạm, để chữa lành và an ủi tôi. Ngài vẫn ở đó với quyền năng và tình thương vô biên của Ngài để khiến tôi tin cậy và tín thác nơi Ngài, vì Ngài ở trong bí tích Thánh Thể để lắng nghe tôi và thánh hóa tôi.

Ôi ! Đức tin là nhân đức qúi trọng chừng nào! Bởi vì với một đức tin vững vàng và mãnh liệt, tôi mới cảm thấy Chúa Giêsu trong Thánh Thể với quyền năng vô cùng và tình thương vô biên. Thiếu một niềm tin như thế, tôi sẽ không thể mở rộng linh hồn ra để đón Chúa Giêsu, để Ngài ngự trị trong linh hồn tôi, và để tôi sống trọn vẹn niềm tín thác nơi Ngài và yêu mến Ngài.

Vậy tôi sẽ năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Tôi sẽ thưa với Chúa mọi điều mà không sợ chi. Không ai có thể nghe trộm những tâm sự của tôi với Chúa, những thú nhận của tôi trước nhan thánh hiền hậu của Ngài. Tôi sẽ nói hết những gì tôi nghĩ, những gì có thể đang đè nặng trên trái tim tôi, và tôi không dám than thở với ai. Chính đó là những gì Chúa Giêsu muốn nghe tôi tâm sự. Tôi sẽ thổ lộ hết tâm can tôi cho Ngài, và đó sẽ là như tặng phẩm qúi giá nhất mà tôi hiến dâng Ngài, để đáp lại hồng ân cao qúi vô cùng Ngài ban cho tôi trong bí tích Thánh Thể, vì Ngài đã ban chính mình Ngài cho tôi.

Ngài sai tôi đi xin lòng yêu mến như các môn đệ Ngài xưa.

– Biết bao lần trong cuộc đời, tôi đã cảm thấy cần có một người an ủi tôi, một người để tôi tâm sự! Tôi đã khổ đau, đã gặp những thập giá trên đường đời, và tôi đã đau khổ. Tâm hồn tôi cảm thấy nhọc nhằn, chán nản và phần nào ngã lòng… Những bạn hữu thân thiết nhất cũng chỉ hiểu phần nào cái phần thâm sâu của những đau khổ của tôi. Đó là những lúc tôi phải đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. “Thầy đang ở đó và gọi em”. Như Mađalêna, tôi đang khóc, nhưng Chúa Giêsu đang ở đàng kia. Nhà Tạm không ở xa lắm. Nhất là nếu tôi là linh mục hoặc tu sĩ, tôi có thể lập tức chạy đến với Chúa Giêsu và than thở với Ngài. Ngài sẽ hiểu những khát vọng sâu xa nhất của tôi, cũng như những buồn phiền bí mật nhất của tôi. Ngài hiểu sâu xa hơn chính tôi hiểu bản thân tôi.

Ngài vẫn là nguồn suối nước trong và mát, tuôn chảy ra cho đến sự sống muôn đời. Xưa Ngài đã nói : “Ai khát hãy đến với tôi mà uống !”. Lạy Chúa Giêsu, con khát, con đói, con đau khổ. Con mang tới trước mặt Chúa tấm thân đau đớn của con, trái tim đau khổ của con. Xin Chúa an ủi con, xin chữa lành con như Chúa đã thương chữa lành biết bao người chạy đến với Ngài.

Đôi khi sự việc ngược hẳn, các vai trò thay đổi. Có những ngày linh hồn tôi nồng nàn, rung lên vì yêu mến Chúa. Thần Khí của ân sủng đang thổi vào linh hồn tôi, một tâm tình an vui ngọt ngào của tình mến yêu thụ động và thiên phú làm cho tôi nhảy mừng. Trái tim tôi tràn ngập tình mến yêu. Tôi cảm thấy cần phải dâng lên Chúa Giêsu những dạt dào của lòng mến. Khi đó Chúa Giêsu Thánh Thể gọi tôi, và lần này tôi là người an ủi Ngài. Chính tôi sẽ dùng những tâm tình mến yêu nồng nàn của tôi để an ủi Ngài vì vẻ lạnh nhạt của nhiều linh hồn Ngài yêu thương mà không yêu mến Ngài. Chính Chúa Giêsu đang buồn rầu. Ngài khóc. Đây là lúc tôi phải an ủi Ngài, dâng cho Ngài trái tim mến yêu của tôi cùng với những tâm tình đền tạ. Tôi phải ôm lấy Ngài, ôm ghì Ngài trên trái tim tôi và nói với Ngài những lời yêu mến mà đức mến gợi lên trong tâm hồn tôi.

Chắc chắn những trao đổi tâm tình yêu mến, những sự an ủi nhau như thế giữa Chúa Giêsu và chúng ta sẽ mang lại sự thân mật và thêm niềm tín thác của chúng ta đối với Chúa. Được Chúa Giêsu an ủi, tất nhiên là tuyệt hảo để nuôi dưỡng niềm tín thác. Nhưng an ủi Chúa có lẽ còn là điều tốt hơn. Lần lượt an ủi Chúa, rồi lại được Ngài an ủi, yêu mến Chúa và được Ngài yêu thương, đó là cách làm cho tình mến yêu và niềm tín thác của ta ngày thêm thắm thiết và bền vững.

Nhưng lòng mến của tôi chưa làm thỏa lòng Chúa Giêsu. Ngài ước ao chiếm được trái tim của mọi người. Tôi cảm thấy như thế lắm. Cho nên nhiều khi Ngài sai tôi đi tìm kiếm các con tim, các tâm hồn. Ngài sai tôi đi, như đã sai các môn đệ Ngài xưa, để tôi lau nước mắt cho những người đau khổ, viếng thăm các bệnh nhân và nhất là chữa lành các tâm hồn, để xin họ hãy yêu mến Ngài. Có những ngày sứ mạng của tôi được chúc lành, đạt được những thành qủa tốt đẹp. Nhưng cũng có những ngày tôi không cảm thấy ơn trợ lực của Chúa, sự thiếu thành tâm thiện chí của người ta qúa rõ ràng. Sau những lần ra đi như thế, tôi đã về kể lại mọi sự cho Chúa Giêsu. Cũng như các tông đồ xưa, tôi đã kể lại cho Chúa nghe những thành công và những thất bại, những niềm vui và những nỗi buồn của tôi.

Và Chúa Giêsu đã chăm chú nghe tôi kể. Ngài hoan nghênh các kết qủa của tôi, khuyến khích tôi nỗ lực thêm, nhất là những khi xem ra tôi đã lao nhọc vô ích. Cũng có lần Ngài bảo tôi cũng như Ngài đã nói với các môn đệ Ngài xưa : “Thứ qủi này chỉ chịu thua việc cầu nguyện và ăn chay”. Ngài cũng dạy tôi phải chịu đau khổ, phải hãm mình để cầu xin cho những linh hồn cưỡng lại ơn Chúa. Để an ủi tôi, Ngài cũng dạy tôi rằng những lời cầu nguyện với niềm tín thác sẽ luôn được Chúa vui nhận và sẽ ban cho như chúng ta xin, hoặc ban cho cách rộng rãi hơn. Ngài cũng muốn tôi hiểu rằng sự thiếu thiện chí của các linh hồn nhiều khi là trở ngại khó vượt qua, nhưng khi ta kiên trì cầu nguyện và nài nẵng nhiều, thì sau cùng các linh hồn đó cũng nhờ ta mà nhận được các ơn của Chúa[1].

Ôi !  Chúa Giêsu Thánh Thể là người bạn vô cùng mến yêu, là lò lửa tình yêu mà chúng ta phải năng đến đắm mình trong đó, để hâm nóng tình mến yêu và để củng cố niềm tín thác đã bị hao mòn hằng ngày do những nghịch cảnh và những chuyện buồn của cuộc sống. Chúng ta đừng bao giờ sợ làm phiền hoặc quấy rầy Chúa Giêsu. Trái lại Ngài luôn mong chờ chúng ta đến với Ngài.

Người bạn trong Nhà tạm của chúng ta không như các bạn hữu trần gian. Nơi các bạn hữu thân thiết của ta ở đời này, niềm tin cậy của ta thường lâu ngày sẽ suy giảm. Xét cho cùng, các bạn hữu của ta không có nhiều khả năng như ta nghĩ lúc đầu : họ không có thể giúp đỡ ta như họ muốn và như ta trông đợi. Hoặc những nết xấu của họ dần dần lộ ra và làm ta dần dần xa họ. Thế là tình bạn bị nguội dần đi. Hoặc họ không để tâm và không dành thời giờ để luôn nghe ta tâm sự, vì họ còn nhiều việc phải to loan, nhiều nhu cầu cần phải giải quyết.

Trái lại, đối với Chúa Giêsu Thánh Thể, ta càng đến với Ngài, càng hiểu biết Ngài, thì niềm tin cậy của ta càng gia tăng. Muôn ơn lành Ngài ban cho ta sẽ không làm Ngài nghèo đi, và sau khi đổ muôn hồng ân xuống trong linh hồn ta, Ngài vẫn chưa thỏa mãn lòng quảng đại vô cùng của Ngài. Trái lại có thể thấy như những ơn Ngài đã ban sẽ kêu gọi Ngài ban thêm nhiều ơn hơn nữa, để bổ sung những chỗ còn thiếu thốn, hầu chúng ta được no đầy ân sủng của Ngài. Đúng thế, chúng ta càng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta càng cảm nghiệm được tình thương và lòng thương xót của Ngài, và nhờ đó niềm tín thác của chúng ta càng thêm trọn vẹn và vững vàng.

Đó là kinh nghiệm diễm phúc của những linh hồn sống nội tâm và siêng năng tới gặp Chúa Giêsu Thánh Thể, kinh nghiệm của những bài học hằng ngày của cuộc sống, kinh nghiệm của những biến cố do Chúa quan phòng gửi đến cho chúng ta, của những đau khổ và của những bệnh tật. Kinh nghiệm này diễn ra trong đáy lòng chúng ta, khi ta cảm thấy thì tâm hồn vui sướng và tràn ngập niềm sống tín thác.

Niềm tín thác của chúng ta giống như một chiếc phong vũ biểu.

– Bất hạnh thay ! Phải thú nhận rằng niềm tín thác thiếu vững vàng của chúng ta giống như một chiếc phong vũ biểu : nó hạ xuống khi trời mưa, và lên cao khi trời đẹp. Nếu dưới chân Nhà tạm, chúng ta cảm thấy tâm tình mến yêu Chúa Giêsu, cảm thấy được Chúa thương và ở bên Chúa, lập tức niềm tín thác của ta lên cao. Rồi một giờ sau đó, vừa rời xa bàn thờ để trở về với công việc làm của mình, trái tim ta đã trở lại mức bình thường. Có thể ta cảm thấy khô khan và lạnh lẽo. Mà có gì thay đổi đâu ? Chúng ta vẫn tin và mến yêu Chúa như thế. Mọi sự vẫn thế, chỉ có niềm tín thác đã khác đi.

Sau đó, nếu trời mưa, và nhất là nếu có gió bão, niềm tín thác của ta sẽ xuống thấp. Con thuyền nhỏ bé là linh hồn ta bị dao động, trái tim ta, niềm tín thác của ta bị quay cuồng khi nhìn thấy những vực thẳm… Ôi Chúa Giêsu ở đâu bây giờ ? Ngài đang làm gì ? Ngài ngủ chăng ? Sau biết bao kinh nghiệm, sau biết bao phép lạ của lòng nhân hậu Chúa, tôi hoảng hốt kêu lên như các tông đồ, vậy mà tôi cứ tưởng là mình can đảm lắm : “Lạy Chúa, xin cứu chúng con, chúng con chết mất !”.

Thật ra, niềm tín thác của chúng ta đã không sút giảm. Sự sút giảm chỉ là bề ngoài. Chúa Giêsu đã sàng sẩy nó, đã lọc kỹ nó và phân biệt nó với niềm tín thác tự nhiên : Chúa đã tách nó ra khỏi phần rác rưởi là sự tin cậy vào sức mình của ta. Chúng ta đã tưởng niềm tín thác của mình lớn lắm : nay chúng ta mới thấy thực tế nó là gì : một nắm hạt lúa tốt ở giữa nhiều hạt lép.

Nhưng chúng ta đừng sợ những thử thách này, những đêm tối này, những trận bão này. Chúng rất bổ ích cho ta. Chúng giúp ta phát hiện ra khuyết điểm lớn nhất trong đời sống thiêng liêng của ta : đó là sự tin tưởng vào sức mình. Niềm tín thác tử nhiên này thường có dáng điệu như niềm tín thác siêu nhiên và đích thực. Đối với nhân đức cậy trông và niềm tín thác đích thực, nó cũng như tính tự ái và sự yêu mình so sánh với đức ái. Cả hai tính xấu này đều rất tai hại. Điều đáng tiếc là chúng ta quên chống lại thứ tín thác pha phôi này, hơn là chống lại lòng mến yêu pha phôi. Bởi vậy Chúa nhận làm công việc này cho ta bằng những giờ phút chán nản, những cơn cám dỗ, những đêm tối mà không bao giờ chúng ta tự chọn lấy cho mình.

Chúng ta đừng để mình bị ảnh hưởng bởi những sự khô khan và những sự khốn nạn của mình, kể cả những sa ngã và những tội lỗi của mình. Chính bây giờ là lúc phải cậy trông vào Chúa, phải cho thấy chúng ta không cậy vào sức mình, không cậy vào những nhân đức nửa chừng của mình. Thay vì bực mình, thay vì cáu kỉnh với mình, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, như đứa bé chạy lại với mẹ nó. Sau khi té ngã, đứa bé chạy lại khóc trong lòng mẹ nó, xin mẹ nó xoa những vết thương của nó. Chúng ta cũng hãy làm như vậy với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài là Đấng nhân hậu vô cùng, Ngài biết rõ sự yếu đuối bẩm sinh của ta, Ngài không ngạc nhiên về những sa ngã của ta. Trong tình yêu đầy thương xót của Ngài, Ngài càng thương xót ta hơn, càng lo cứu giúp ta hơn. “Chúng ta hãy gieo mình vào vòng tay của Chúa ! Ngài sẽ không tránh ra để chúng ta té ngã đâu” (Th.Augustinô). Hãy chạy lại ôm lấy Chúa cách âu yếm, những sự tỏ bày lòng yêu mến như thế sẽ đền bù đầy đủ những lỗi phạm của ta.

Có biết bao lý do để ta cậy trông nơi Chúa Giêsu Thánh Thể.

– Một người thánh, một vị thần bí vĩ đại của thời đại chúng ta, một người đã sống ở Paris cách âm thầm dưới bí danh là Lucia-Christine, một hôm đã nhận được những ánh sáng kỳ diệu của Chúa để nhìn thấy lòng nhân hậu vô biên của Chúa Giêsu. Bà đã ghi lại mấy lời vắn tắt nhưng vô cùng ý nghĩa sau đây trong Nhật ký của bà : “Ngày 25 tháng 8 năm 1882. Cảm nghiệm lòng nhân hậu của Chúa Giêsu khi rước lễ. Chúng ta sẽ chết mà không nhận biết lòng nhân hậu của Chúa Giêsu, dầu đã có những phút hiệp thông khôn tả này”[2]

Đúng thế, làm gì mặc lòng. Chúng ta cũng không bao giờ hiểu thấu được lòng nhân hậu của Chúa Giêsu Thánh Thể, và không bao giờ niềm tín thác của chúng ta có thể đền đáp phần nào tình thương dịu dàng của Chúa đối với chúng ta. Chúng ta sợ xin qúa nhiều, sợ xin những ân sủng qúa đặc biệt. Chúng ta sợ không dám xin ơn được hoàn toàn chết cho bản thân mình, hoặc ơn chiêm niệm thiên phú, hoặc được dồi dào các ơn của Chúa Thánh Thần, dẫn tới cuộc sống thần bí, và giúp cho linh hồn biến đổi nên giống Chúa Giêsu, trở nên thánh thiện thật sự.

Mà Chúa Giêsu không ở trong Nhà tạm để ban phát các ơn đó cho ta sao ? Ngài không đang chờ ta đến xin Ngài các hồng ân đó sao ? Ngài cảm thấy muốn ban phát các ơn đó, và ban phát cách rộng rãi. Ngài cảm thấy khổ tâm vì sự trì hoãn của chúng ta, một sự trì hoãn do thiếu hiểu biết, do một sự khiêm nhường sai lầm. Như vậy do thiếu tín thác đích thực, chúng ta đã để mất rất nhiều ơn lớn lao.

Các thánh Giáo phụ qủa quyết : Thiên Chúa ban các ơn cho ta tùy theo mức cậy trông và tín thác của ta. Thánh Cyprianô nói : “Chiếc bình của niềm tín thác của ta càng sâu, lượng nước các hồng ân Chúa ban cho ta càng lớn. Người ta càng cậy trông nhiều, sẽ càng nhận được nhiều”. Ở thời đại chúng ta, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng nói : “Người ta không bao giờ cậy trông quá nhiều nơi Thiên Chúa. Người ta nhận được tất cả những gì người ta cậy trông nơi Ngài”. Thật chúng ta khờ dại một cách đáng thương hại qúa ! Vì một sự khiêm nhường sai lầm, chúng ta sợ xin nhiều qúa, thành thử chúng ta cứ nghèo hoài, trong khi lẽ ra có thể nên giầu có lắm. Thánh Bênađô nói : “Bạn có thể nhận được tất cả những gì bạn cầu xin với niềm tín thác. Nếu bạn cậy trông nhiều, Chúa sẽ ban nhiều cho bạn; nếu bạn trông cậy ít, bạn sẽ chỉ được ít”.

Tại sao chúng ta không tận niềm tín thác đi? Điều đó sẽ thay đổi hẳn cuộc sống của chúng ta. Con thuyền nhỏ linh hồn chúng ta sẽ căng buồm mau lẹ đi thẳng tới đích là kết hiệp thân mật với Chúa Giêsu ! Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu đã chỉ mau lẹ chạy trên con đường của tình yêu Chúa, từ sau khi niềm tín thác của chị thánh được củng cố. Từ sau hôm đó, cuộc đời của chị thánh đã hoàn toàn đổi mới. Phải chăng đó cũng là điều chúng ta phải làm? Ước chi tôi có thể thực hiện điều đó ngay hôm nay! Không trì hoãn ! Ước chi, trong một nỗ lực tối đa để đáp lại lòng nhân hậu vô cùng của Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi có thể gạt bỏ hẳn tất cả mọi sợ hãi vô cớ, mọi sự nhát gan và tất cả những gì do cái thứ tín thác giả hiệu, tín thác theo tính tự nhiên, dựa vào các nhân đức của tôi !

Từ nay, tôi chỉ cậy trông vào các nhân đức và công nghiệp vô cùng của Chúa Giêsu. Niềm cậy trông của tôi, niềm tín thác của tôi là sự dịu dàng vô cùng của Chúa Giêsu, lòng nhân hậu khôn ví của Chúa Giêsu Thánh Thể. Hay là tôi vẫn chưa tuyệt đối tin vào lòng thương xót và nhân hậu của Ngài ? Có thể tôi vẫn chưa tín thác nơi Ngài như nơi một người cha rất thương con và một người mẹ rất âu yếu con mình ? Nếu tôi biết chắc, khi tới kể cho má tôi nghe những đau khổ của tôi, tôi sẽ được an ủi, và nếu tôi tới kể cho cha tôi biết những vết thương của tôi, tôi sẽ được cha tôi lo chữa cho tôi, vậy sao tôi không chạy tới Chúa Giêsu Thánh Thể để được an ủi và chữa lành các vết thương của tâm hồn ? Chúa Giêsu vô cùng nhân hậu, và yêu thuơng ta vô cùng, lại không lo cho ta bằng cha mẹ trần gian sao ?

Đáng buồn thay ! Tôi phải nhận thức rằng tôi chưa có tin tưởng và tín thác nơi Chúa Giêsu Thánh Thể bằng một đứa con thảo tín thác nơi người mẹ hiền của nó. Tôi không biết do thiếu niềm tin, hoặc do không khí của chủ nghĩa duy vật, hoặc do một niềm tin tưởng ngu dại nơi các nhân đức và các nỗ lực của mình, mà tôi chưa có được niềm tin tưởng, tín thác trọn vẹn và tuyệt đối nơi Chúa Giêsu rất dịu hiền và đầy lòng thương xót của tôi.

Qúa khứ của tôi có làm giảm niềm cậy trông của tôi chăng ? Những bài học của bản thân tôi có làm nhụt khí, làm lung lay niềm tín thác của tôi chăng ? Có bao giờ tôi bị lừa dối vì qúa tin cậy vào lòng nhân hậu của Chúa chưa ? Hay là tôi đã đau khổ chỉ vì quá tin cậy vào sức mình ? Sau cùng, có bao giờ, có lần nào trong đời tôi, tôi đã nghĩ rằng mình tin cậy qúa nhiều vào Chúa Giêsu rất thương mến chăng ? Có lần nào tôi đã hối hận vì qúa cậy trông nơi Chúa Giêsu vô cùng tốt lành chăng ? Có lần nào trong đáy lòng tôi, Chúa Giêsu dịu hiền đã trách tôi vì tín thác qúa nhiều nơi Ngài chăng ? Không, không bao giờ ! Chỉ trái lại thì có. Biết bao lần, tôi đã nghe thấy Chúa trách tôi như đã quở trách các tông đồ xưa : “Hỡi người kém niềm tin, tại sao lại nghi ngờ ?” (Mt 14,31). Biết bao lần, tôi đã phải cay đắng trách mình rằng : Lần này cũng vậy, đáng lẽ tôi phải trọn niềm tín thác, nhưng một lần nữa tôi đã thiếu lòng trông cậy.

Lạy Chúa Giêsu con mến yêu, xin tha thứ những sự thiếu tin tưởng và tín thác của con ! Xin Chúa thứ tha những lần con đã dại dột tin cậy vào sức mình : sự tin cậy ngu dại này đã bỏ rơi con trong các cơn nguy khốn. Xin Chúa thứ tha biết bao lần con đã nghi ngờ lòng nhân hậu của Chúa, đã không đáp lại tình thương vô cùng của Chúa bằng một niềm tín thác trọn vẹn. “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin Ngài giúp đỡ sự thiếu niềm tin của con” (Mc 9,24).

III. CHÚA GIÊSU, KHÁCH TRỌ CỦA TRÁI TIM TA.

–   HÃY DÂNG LÊN CHÚA CHA LÒNG MẾN YÊU CỦA CHÚA GIÊSU ĐANG HẤP HỐI VÌ VINH QUANG CỦA CHA NGÀI, RỒI CHỜ ĐỢI MỌI SỰ TỪ NƠI NGÀI.

–   NHỮNG NIỀM VUI KHÔN TẢ CỦA VIỆC RƯỚC LỄ.

–   CHÚA GIÊSU ĐÃ LÀM MỌI SỰ CHO TÔI, ĐÓ LÀ LÝ DO ĐỂ TIN TƯỞNG TÍN THÁC NƠI NGÀI.

Hãy dâng lên Chúa Cha lòng mến yêu của Chúa Giêsu đang hấp hối trên thập giá vì vinh  quang của Cha Ngài, rồi chờ đợi mọi sự từ nơi Ngài.

– Khi Chúa Giêsu tự hiến tế cách mầu nhiệm và không đổ máu trên bàn thờ, khi Ngài lặp lại sự hy sinh cao cả của Ngài xưa trên Núi Sọ, nếu tôi có ước nguyện, thì Ngài sẽ đến với tôi khi tôi rước lễ. Tôi đón nhận Ngài vào trong tôi giữa lúc Ngài vừa tự hiến thân làm hy lễ dâng lên Cha Ngài. Trái tim Ngài đang bừng bừng cháy lửa mến yêu Cha Ngài : Ngài là vị tử đạo vĩ đại của lòng mến yêu, Chúa Giêsu của tôi, Ngài là hy lễ của bàn thờ, hy lễ của mến yêu.

Có thể tôi đã thường quên nhãng khía cạnh hy lễ tình yêu của Chúa Giêsu, khi tôi rước lễ. Khi rước lễ, tôi chỉ thường nghĩ tới Chúa Giêsu là Chúa của tôi, là Đấng Cứu Chuộc tôi, là Thầy tôi, là bạn thân của tôi. Tôi cũng kêu van Ngài như Thầy thuốc của linh hồn đau khổ của tôi. Nhưng có thể tôi đã quên Ngài là hy lễ mến yêu dâng lên Cha Ngài, và Ngài đã chết để tỏ lòng mến yêu Cha Ngài và yêu thương tôi.

Nếu tôi nhớ thì điều này sẽ giúp tôi thêm tín thác biết bao ! Đó sẽ là dịp để tôi khẩn nài Chúa, xin Ngài ban thêm các nhân đức tin, cậy và mến cho tôi. Thật là ngọt ngào và vô cùng phấn khởi được dâng lên Thiên Chúa Cha lòng mến yêu vô biên của Chúa Giêsu Con Ngài, đã chết vì yêu mến Ngài. Được dâng lên Cha Ngài trái tim của Con Ngài đang đập một cách kỳ diệu ở trong tôi và đang hấp hối vì mến Cha Ngài ở trong tôi ! Tôi chắc chắn sẽ làm đẹp lòng Chúa Cha, khi tôi dâng lên Ngài của lễ tình yêu của Con Ngài. Ngài sẽ nhìn xuống tôi cách âu yếm khôn tả, vì Ngài nhìn thấy trong ngực tôi Người Con của Ngài là Chúa Giêsu đã hiến tế vì mến yêu Ngài.

Bây giờ, tất cả những gì tôi cầu xin với Chúa Cha, tôi chắc chắn sẽ được Ngài ban cho. Bất cứ hồng ân gì, dầu lớn lao đến đâu, sẽ chỉ là rất nhỏ bé sánh với của lễ mà tôi vừa dâng lên Ngài. Không, Ngài không có thể  từ chối tôi điều gì, bởi vì ít là lần này, dám nói là Ngài mắc nợ tôi…

Những niềm vui khôn tả của việc rước lễ.

– Sau việc tế lễ cảm động này, tôi đã dâng lên Chúa Cha hy lễ tình yêu vô biên của Chúa Giêsu Con Ngài, bây giờ tôi có thể thờ lạy, mến yêu và than thở giờ lâu với Chúa Giêsu mến yêu. Hoặc tôi có thể an nghỉ trong tình thương của Ngài, im lặng cảm nghiệm tình thương của Ngài.

Tôi thật là một vật thọ tạo bé nhỏ diễm phúc, vì nay Chúa Giêsu đang ở trong linh hồn tôi. Ngài ở trong tôi, cho một mình tôi. Đây cũng chính là Đức Giêsu thành Nazareth, đã sống tại xứ Galilêa và xứ Giuđêa xưa, nhưng tôi không gặp những đám đông, không phải chen chúc khó khăn để đến bên cạnh Ngài và xin Ngài chữa những bệnh tật của tôi. Tôi không bị những cặp mắt kiêu căng nhìn ngó, khi tôi muốn hôn chân Chúa và lấy những nước mắt thống hối của tôi để rửa chân Ngài. Tôi không phải lén nhìn giây phút thuận tiện để sờ trộm vào gấu áo Ngài. Tôi cũng không phải trèo lên cây vả để nhìn thấy Ngài qua đường giữa đám đông, hầu thấy được nét mặt vô cùng hiền từ và thương xót của Ngài. Chúa Giêsu Thánh Thể là của tôi, không một đám người nào, không một ai có thể cướp Ngài khỏi linh hồn tôi.

Qùy trước Nhà Tạm, tôi nhớ lại khuôn mặt vô cùng hiền hậu và thương xót mọi người của Chúa Giêsu trong Phúc Âm. Biết bao hoạt cảnh đầy cảm xúc lần lượt diễn ta trong trí tôi : người phụ nữ xứ Samaria, Mađalêna, người đàn bà ngoại tình. Làm sao tâm hồn tôi không chứa chan niềm tín thác ?

Chính Chúa Giêsu Thánh Thể đang nói với tôi: “Hỡi tất cả những ai đang lao nhọc và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ cho” (Mt 11,28).

Và cũng chính Ngài đã nói : “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai có thể đến với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Là thầy thuốc, Ngài có khả năng và vẫn muốn chữa lành những bệnh tật phần xác của tôi, nếu Ngài thấy đó là điều bổ ích cho tôi. Nhưng nhất là Ngài muốn chữa lành những bệnh tật thiêng liêng của tôi. Là người Samaritanô nhân hậu, Ngài đã đến để băng bó các vết thương của tôi, an ủi tôi, và khích lệ tôi. Là mục tử tốt lành, Ngài nâng tôi lên và ôm vào lòng Ngài, để làm cho tôi quên đi những ưu phiền của tôi.

Là người có tài làm say mê quần chúng, Ngài cũng có thể làm tôi say mê, và Ngài đã làm tôi say mê bằng những lời dịu dàng Ngài nói với tôi trong đáy tâm hồn tôi. Ngài cũng có thể trói buộc tôi, như đã trói buộc Mađalêna, bằng những sợi dây huyền diệu của sự yêu thương của Ngài, và ban cho tôi, cũng như đã ban cho Mađalêna, hồng ân của đức mến yêu thiên phú và thụ động và những đặc ân của chiêm niệm thần bí. Sau cùng, như Gioan, người môn đệ Chúa yêu thương cách riêng, tôi có thể ngả đầu trên ngực Ngài và tâm sự cách âm thầm với Ngài, không ai có thể nghe được.

Chúa Giêsu đã làm mọi sự cho tôi : đó là lý do để tín thác.

– Ôi ! Nếu đức tin của tôi sống động hơn và mãnh liệt hơn, nếu tôi hiểu biết nhiều hơn về lòng nhân hậu vô cùng của Chúa Giêsu, nếu tôi hiểu biết được như Mađalêna, tôi cũng sẽ trọn niềm tín thác nơi Chúa như cô ấy, một niềm tín thác táo bạo và trọn vẹn. Mà Chúa Giêsu có làm cho tôi ít hơn đã làm cho cô ấy sao ? Hỡi linh hồn tôi, hãy suy nghĩ cho kỹ ! Còn gì phải làm mà Chúa Giêsu đã không làm để chiếm được trái tim mi ? Ngài đã phải sinh ra trong máng cỏ khó nghèo, sống một cuộc đời đau khổ, chết trên thập giá, và dùng những sự đau đớn của cuộc khổ nạn để sinh ra mi trong cuộc sống siêu nhiên. Sau cùng, Ngài đã phải bỏ trời xuống thế, để trở thành lương thực của mi. Đó là những giai đoạn của con đường dài và vất vả Chúa Giêsu đã phải đi qua để đến với mi. Đó là những phép lạ của tình thương Ngài đã làm để chiếm lấy trái tim mi. Ngài còn phải làm gì nữa để chiếm được lòng mến yêu và niềm tín thác của mi ? Đúng thế, Chúa Giêsu có thể nói với tôi rằng : “Con yêu dấu của Cha, con đã tin vào tình thương của Cha chưa ? Sau cùng, con có tin cậy và tín thác nơi Cha chăng ? Hay con muốn Cha nói với con như đã nói với tông đồ Tôma, con hãy đặt tay trên những vết thương của hai bàn tay và hai chân Cha, hãy đặt tay trên Trái Tim Cha. “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27).

Đúng thế, tôi đã hiểu qúa ít về tình thương và lòng nhân hậu của Chúa Giêsu, cho nên tôi đã không yêu mến Ngài hết linh hồn và hết sức tôi, để đáp lại tình thương bao la của Ngài; tôi đã không trọn vẹn tín thác nơi Ngài, không chút nghi ngại; tôi đã vẫn còn nghi ngờ, khi cầu xin ơn gì, nhất là những ơn đặc biệt; tôi vẫn còn tưởng như Chúa vẫn buồn tôi vì những sự bất trung của tôi, và Ngài chỉ thương tôi phần nào thôi, vì tôi đã có những lỗi phạm và những ngỗ nghịch trước kia. Tôi vẫn chỉ dám đến với Ngài như một kẻ tội lỗi, một bệnh nhân, chứ chưa dám nói tôi yêu mến Ngài và ước ao mến yêu Ngài rất nhiều. Chưa dám xin Ngài làm cho tôi nên thánh.

Vậy bạn đừng sợ nói với Chúa Giêsu về lòng mến yêu. Chính đó là những gì Chúa mong và thích nghe bạn nói với Ngài. Ngài đã làm hết mọi sự để chiếm lấy trái tim bạn, chiếm trọn tình yêu mến của bạn. Ngài không muốn thấy bạn dành tình yêu cho một tạo vật nào khác. Ngài muốn tiêu diệt tất cả lòng tự ái của bạn. Bạn hãy nói bạn yêu mến, rất ước ao mến yêu Ngài như các thánh đã yêu mến Ngài nhiều nhất. Và bạn rất đau khổ vì đã nhiều lần làm phiền lòng Ngài, đã nhiều khi lạnh lùng với Ngài. Chúa Giêsu rất thông cảm và thương cảm với những buồn phiền và đau khổ của bạn, nhất là khi bạn đau khổ và buồn phiền vì đã không nồng nàn yêu mến Ngài như bạn ước ao. Nếu bạn cảm thấy nỗi buồn như những bạn thân nhất của Chúa, buồn vì chưa yêu mến Chúa nồng nàn, yêu mến đến điên cuồng, thì bạn hãy nói với Chúa về sự buồn phiền đó. Bạn hãy than thở ngàn lần với Chúa về nỗi buồn đó, Ngài sẽ thương yêu bạn vô cùng.

 

[1] Nên phân biệt lời cầu nguyện cho mình và cho người khác. Nếu những người mà ta cầu xin cho lại thiếu thiện chí và thành tâm thì có khi lời cầu của ta không kết qủa.

[2] Nhật ký của Lucia – Christine, do cha Poulain S.J. xuất bản, tr. 86-87

Chia sẻ Bài này:

Related posts