Niềm Tín Thác – Chương VIII: CHÚA GIÊSU SỐNG TRONG LINH HỒN ĐÃ TRỞ NÊN GIỐNG HỆT NHƯ NGÀI

–  CUỘC SỐNG CỦA LINH HỒN TRỞ NÊN GIỐNG HỆT CHÚA GIÊSU LÀ GÌ ?

– SỰ CHUẨN BỊ MÀ CUỘC SỐNG ĐÓ ĐÒI HỎI. TIẾNG GỌI HIỆU NGHIỆM CỦA CHÚA GIÊSU.

–  PHẢI DỰ TRỮ NHIỀU TÍN THÁC.

Cuộc sống của một linh hồn đã trở nên giống hệt với Chúa Giêsu.

– Sau khi linh hồn đã tập sống một thời gian trong sự thân mật với Chúa Giêsu, và trong sự đồng hành liên lỉ như thế của Chúa, nó đã dần dần phù hợp với những ý nghĩ, những sở thích và những ước ao của nó với những ý nghĩ và những ước ao của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu sẽ mời nó tiến xa hơn nữa. Ngài nói với nói : “Hãy căng buồm ra khơi !” (Lc 5,4). Giai đoạn thứ nhất nay đã vượt qua, Ngài đề nghị với linh hồn trung tín một cuộc sống mới, không chỉ là sống thân mật với Ngài, nhưng là sống cuộc sống giống hệt như Ngài.

Bởi vì Chúa Giêsu Thánh Thể không chỉ đến trong linh hồn ta, để nhận lấy những sự tôn thờ của ta. Ngài không ở thường trực trong linh hồn ta, để nhận lấy những lời cầu xin và những lễ tế của tình mến yêu của ta mà thôi. Ngài đến và cư ngụ trong ta, nhất là để sống trong ta, với ta, để thánh hóa ta và biến đổi ta nên giống hệt như Ngài.

Thánh Phaolô đã nói rất rõ ràng về điều này. Đó là một trong những đề tài thường xuyên các bài giảng dạy của Ngài. “Nhờ phép thánh tẩy, chúng ta cùng chết và cùng sống lại với Chúa Kitô”. Chúa Kitô sống trong chúng ta để phát triển tới tuổi hoàn hảo. Chúng ta, những Kitô hữu, là chi thể của Chúa Kitô : “Anh em là thân thể Chúa Kitô, anh em là các chi thể của Ngài”. (1Cr 12,27).

Chúng ta phải mặc lấy Chúa Giêsu Kitô. “Anh em hãy mặc lấy Chúa Kitô” (Rom 13,14). Chúa Giêsu xin tôi, cũng như xin mọi người, hãy cho Ngài chỗ ở trong tôi, hãy để Ngài sống tự do và sống cách đầy đủ ở trong tôi. Cuộc sống trần gian của Ngài đã không chấm dứt tại Núi Sọ… Ngài muốn tiếp tục sống cách mầu nhiệm trong các Kitô hữu, và nhờ họ mà kéo dài cuộc sống ba mươi năm của Ngài. Ngài muốn tiếp tục tôn thờ, yêu mến và tôn vinh Cha Ngài ở trong họ và với họ.

“Chúa Kitô đã nhập thể vì lòng yêu mến Cha Ngài. Ngài đã sống ba mươi ba năm nơi trần gian này, luôn chỉ lo yêu mến và tôn vinh Cha Ngài. Giai đoạn đầy xúc động của tấm thảm kịch tình mến yêu này đã diễn ra trên đồi Golgotha. Nhưng Chúa Giêsu đã sống lại : Ngài đã chết nhưng Ngài vẫn sống. Tình yêu của Thiên Chúa làm người đã không bị tắt đi ở trong mồ. Tình yêu này vượt ra ngoài những giới hạn của cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu. Lời kêu la “Tôi khát” trên Núi Sọ vẫn được Chúa Giêsu hiển vinh cảm thấy hôm nay. Như thế nghĩa là gì ? Nghĩa là Chúa Giêsu không lấy việc yêu mến Cha Ngài trên thiên đàng và trong các Nhà tạm làm đủ. Không, mặc dầu tình mến yêu đó đã vô cùng lớn lao, nhưng chưa đủ để thỏa mãn niềm ao ước nồng nàn của Ngài. Chúa Giêsu muốn nhiều hơn nữa. Thảm kịch của tình mến yêu của Chúa Giêsu đối với Cha Ngài sẽ phải tiếp nối trên trái đất này. Qua mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu chuộc của Ngài, Chúa Giêsu Kitô đã tự tạo cho mình một thân thể mầu nhiệm, qua và trong Nhiệm thể này, Ngài sẽ tiếp tục sống, mến yêu và tôn vinh Cha Ngài. Ngài đã kết hiệp với những nhân tính mới, không phải cách bản thể như tại Nazareth, nhưng cách mầu nhiệm; một sự kết hiệp tuy mầu nhiệm, nhưng hiện thực, rất mật thiết và rất kỳ diệu. Chúa Kitô đầy đủ là Chúa Kitô hiệp nhất với toàn thể các Kitô hữu của Ngài, là Đầu kết hiệp với Nhiệm thể của Ngài. Và tình mến yêu đầy đủ của Chúa Giêsu là tình mến yêu của Trái Tim Chúa Giêsu kết hiệp với tình yêu mến của muôn triệu trái tim Kitô hữu sẽ yêu mến Thiên Chúa ngàn đời, cho đến tận thế. Đó là kỳ công kiệt tác của tình yêu Thiên Chúa. Chỉ tình mến yêu này mới làm thỏa lòng Chúa Giêsu trong tình mến yêu vô cùng của Ngài đối với Cha Ngài”[1]

“Chúa Giêsu yêu mến Cha Ngài vô cùng, yêu mến đến điên rồ. Ngài khát khao yêu mến Cha không chỉ bằng cuộc sống của Ngài, dầu là cuộc sống thần linh, và yêu mến Cha không chỉ bằng Trái Tim của Ngài, dầu là Trái Tim của Thiên Chúa làm người. Nhưng Ngài còn khát khao yêu mến Cha Ngài trong muôn triệu con tim của các Kitô hữu, chi thể của Ngài, cho đến tận thế. Tình mến yêu của Ngài muốn được biểu lộ đến vô cùng, nghĩa là Ngài muốn chúng ta hiến dâng trái tim của mình cho Ngài, trao cho Ngài được quyền hoàn toàn sử dụng để yêu mến Cha Ngài, cho thỏa lòng mến yêu vô cùng của Ngài. Ngài xin mỗi người chúng ta dâng hiến cho Ngài tất cả con người của chúng ta, thân xác và linh hồn chúng ta cùng với tất cả các tài năng của linh hồn ta, để Ngài nhận lấy làm của Ngài và có thể sống cuộc đời mến yêu Cha Ngài qua đời sống của chúng ta. Không! Ba mươi ba năm không đủ cho Ngài. Ngài muốn tiếp tục sống, cầu nguyện, yêu mến, chịu đau khổ thêm nữa. Ngài xin mỗi người chúng ta “thêm cho Ngài một tính loài người nữa”, như kiểu nói của chân phước Elisabeth Chúa Ba Ngôi, để Ngài tiếp tục yêu mến Cha Ngài nơi trần thế này. Ngài nói với mỗi người chúng ta rằng : “Con ơi ! Hãy dâng trái tim của con cho Cha, để nhờ trái tim đó, Cha kết hiệp với đời sống của con, và cùng với con, chúng ta yêu mến Chúa Cha hết lòng. Con hãy cho Cha môi miệng của con, để chúng ta cùng nhau hát lời ngợi khen Thiên Chúa. Con hãy dâng cho Cha tâm trí của con, đôi mắt của con, hai bàn tay của con, để chúng ta suy nghĩ và sống tình yêu Chúa Cha. Cha muốn sống thêm một cuộc đời thứ hai ở trong con, một cuộc đời chan chứa mến yêu, để bổ túc và kéo dài cuộc sống của Cha ở Nazareth xưa”[2]

Sự chuẩn bị mà cuộc sống này đòi hỏi. Lời kêu gọi hiệu nghiệm của Chúa Giêsu.

– Lời kêu gọi hãy sống đồng nhất với Ngài, Chúa Giêsu gửi tới hết mọi người. Ngài xin tất cả các Kitô hữu hãy kết hiệp với Ngài, hãy trở nên chi thể thật sự của Ngài, hãy sống như một chi thể của Ngài. Nhưng có một tiếng gọi mạnh mẽ hơn, tha thiết hơn, hiệu nghiệm hơn, được Chúa muốn cho một số linh hồn nghe rõ hơn. Lời mời gọi này, Chúa không thể gửi tới tất cả mọi linh hồn, vì như thế lời kêu gọi của Ngài không được lắng nghe và dễ bị quên lãng. Ngài chỉ dành lời mời gọi này cho những linh hồn quảng đại, đã biết chết cho bản thân và đã bắt đầu sống thân mật với Ngài.

Trước hết linh hồn đó phải dần dần từ bỏ những tâm tình và ý muốn riêng của mình. Nó đã phải nếm thử mùi cay đắng khi nhìn thấy sự xấu xa của mình, để cảm thấy chán ghét mình và dứt bỏ tính tự ái. Vào những giờ phút yêu mến thiết tha, Chúa phải vén lên một chút tấm màn che khuất thánh nhan Ngài, để linh hồn có thể say mê nhìn ngắm Ngài. Linh hồn phải nhiều lần nhận thấy sự đối nghịch giữa sự xấu xa của bản thân nó và sự tốt lành thần linh của Chúa Giêsu, để nó phải kêu lên lời nồng nàn này : “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô, và chết là một điều có lợi” (Philip 1,21). “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” (Ga 3,30). Bây giờ giảm đi, mất đi, chết đi, không còn là một mất mát, một sự cay đắng, một hy sinh. Nhưng đó là một điều có lợi. Đó là mơ ước của nó. Người phong cùi trên con đường đang được chữa lành sẽ không khóc, không nuối tiếc những máu mủ hôi tanh và những vảy da gớm ghiếc đang rơi xuống từ thân xác nó. Chết đi để được sống trong Chúa Kitô, thôi là bản thân mình để trở nên chi thể của thân xác Chúa Kitô, đó là hạnh phúc lớn lao của những linh hồn sẵn sàng sống cuộc đời đồng hóa với Chúa Kitô : “Mỗi Kitô hữu là một Chúa Kitô khác”.

Từ đáy lòng họ, Chúa Kitô kêu gọi các linh hồn hãy sống cuộc sống mới này, và lời mời gọi của Ngài rất tha thiết. Lời mời gọi này cũng là một lời hứa, một cam kết sắp bắt đầu và Chúa Giêsu sẽ không để dở dang : “Đấng đã bắt đầu công việc tốt lành này nơi anh em, Ngài sẽ hoàn thành cho tới ngày của Chúa Giêsu Kitô” (Philip 1,6).

Bây giờ Chúa Giêsu có thể kêu gọi linh hồn, vì Ngài đã chuẩn bị nó bằng nhiều ân sủng, nhiều lần viếng thăm và nhất là bằng nhiều nguyện vọng nồng nàn. Ngài đề nghị với linh hồn, vì Ngài biết nó cũng đang tha thiết ước ao. Những ước ao và những khát khao của Chúa Giêsu đã hòa nhịp với những khát khao của linh hồn đạo đức. Đó là bảo đảm chắc chắn nhất của sự toàn thắng sau cùng của Chúa Giêsu : Chúa sẽ dẫn linh hồn tới sự thánh thiện như lòng Ngài mong ước, và như chính linh hồn tha thiết cầu mong.

Phải dự trữ nhiều tín thác.

– Hỡi những linh hồn diễm phúc đã được Chúa Giêsu khuôn đúc theo ý thích của Ngài, trong sự giao tiếp thân mật lâu ngày với Ngài, Ngài đã gợi hứng cho các bạn ước ao một cuộc sống toàn thiện hơn, hoàn toàn chết cho bản thân mình để sống đồng hóa với Ngài, các bạn hãy vui mừng, hãy nhảy mừng : “Các bạn hãy vui mừng, tôi nói lại một lần nữa, các bạn hãy vui mừng !” (Philip 4,4). Các bạn hãy mở rộng tâm hồn ra, hãy trọn niềm tín thác nơi Chúa Giêsu, Đấng yêu thương các bạn rất nhiều. Chúa đã chẳng gợi hứng cho các bạn tha thiết ước mong nên thánh và nên trọn lành như thế, nếu Ngài không nóng lòng muốn lo cho các bạn nên thánh. Những khát khao này, những ước mong này, chính Ngài đã sống và cảm nghiệm trong các bạn. Đó là những khát khao của Ngài, khát khao yêu mến Cha Ngài ở trong và nhờ các bạn.

Có thể đã hơn một lần, các bạn cảm nghiệm thấy những tâm tình ngọt ngào này. Những khát khao yêu mến nồng nàn này, những vui sướng mà Chúa đã cho bạn được nếm thử khi chiêm ngưỡng Thánh Tâm Ngài, đó không phải là tình mến yêu của bạn, do tập luyện nhân đức và do những nỗ lực của bạn. Không, đó là chính tình yêu của Chúa Giêsu đang sống trọn vẹn ở trong bạn. Ngài sống, suy nghĩ và mến yêu ở trong bạn. Vậy bạn hãy chạy nhảy, hãy bay lên với niềm tín thác trọn vẹn, trên những nẻo của con đường trọn lành. Nếu các ý nghĩ và các nguyện vọng của bạn hoàn toàn phù hợp với các ước vọng của Chúa Giêsu, nếu bạn không muốn gì khác ngoài những điều Ngài muốn, thì Chúa còn ước ao gì hơn ?

Chúa Giêsu sẽ thỏa lòng, vì Ngài sẽ có thể yêu mến Cha Ngài ở trong bạn bằng một tình mến yêu bao la vô cùng… Rất đáng buồn là nhiều linh hồn không hiểu ý Ngài, không cho Ngài mượn trái tim để yêu mến Cha Ngài. Bạn là trong số những linh hồn diễm phúc đã làm theo ý Ngài. Bạn đã an ủi và đền bù cho Ngài rất nhiều. Ngài rất vui sướng, và Ngài càng yếu mến Cha Ngài hơn và đổ xuống linh hồn bạn nhiều hồng ân yêu thương, vì Ngài đã không thể làm như vậy với nhiều linh hồn khác. Vâng, bạn có thể cậy trông mọi sự nơi Chúa Giêsu.

Chị thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu yêu dấu của chúng ta đã đi qua con đường trọn vẹn tín thác nơi  tình thương của Chúa, và chị thánh đã không bao giờ bị thất vọng vì những ước ao táo bạo và liều lĩnh của mình. Vào buổi chiều của cuộc đời ngắn ngủi của mình, chị thánh đã có thể vui sướng kêu lên : “Ôi lạy Chúa, tình thương của Chúa đã ấp ủ con từ lúc lọt lòng mẹ. Tình thương đó đã lớn lên với con, và nay thì đó là một vực thẳm con không thể nào đo lường được”.

Các bạn hãy bắt chước chị thánh Têrêxa trong tình mến yêu quảng đại và niềm tín thác trọn vẹn của chị thánh. Hãy dự trữ nhiều tin tưởng và tín thác. Hãy lắng nghe tiếng nói rất dịu dàng của Chúa Giêsu vào những giờ phút diễm phúc, khi bạn cảm thấy Ngài ở trong tâm hồn bạn. Rồi sẽ đến những giờ phút, có thể là lâu dài, của đêm tối và của lo âu, khi ánh sao thân mến sẽ ẩn mình đi. Có vẻ như Chúa Giêsu không muốn được bạn yêu mến Ngài nữa. Có thể bạn sẽ tưởng như Chúa Giêsu đã bỏ đi, mặc cho bạn với thân phận đáng buồn của mình, như những người hành khất qúa xấu xa, không đáng kết hiệp với Ngài là Vua các vua… Bạn hãy dự trữ nhiều tín thác cho những ngày dài đó, có thể là những năm tháng dài của “đêm tối tâm trí”.

Hôm nay, khi bạn đang ở trong niềm an vui của tình thương ngọt ngào của Chúa, bạn hãy ghi sâu vào đáy lòng những ước ao của Chúa Giêsu và những lời đầy yêu thương của Ngài, bạn hãy hứa với Chúa rằng bạn sẽ không bao giờ nghi ngờ tình thương bao la của Ngài, không bao giờ thôi tín thác nơi Ngài, cả những ngày Ngài sẽ ẩn mặt đi để thử thách lòng mến yêu và niềm tín thác của bạn. Bạn hãy thưa Chúa như thánh Phaolô : “Ai có thể làm tôi xa rời tình thương của Chúa Kitô ? Những gian truân chăng ? Những lo âu chăng ? Những bách hại chăng? Tôi chắc chắn rằng dầu sống hay chết, dầu bất cứ quyền hành nào, dầu bất cứ tạo vật nào cũng không thể tách tôi ra khỏi lòng mến yêu Thiên Chúa, trong Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta” (Rom 8,35-39).

Còn các bạn, các bạn diễm phúc hơn trong  hạnh phúc không cảm thấy của mình, hỡi các bạn đang sống trong “đêm tối của tâm trí”, các bạn đang bước đi trong lo âu, hướng tới sự giải thoát sau cùng. Các bạn hãy nhớ những gì Chúa Giêsu đã nói với các bạn trong những ngày êm ái, khi các bạn được dựa đầu trên trái tim Ngài. Ngài đã đòi hỏi các bạn phải có một niềm tín thác mù quáng và không lay chuyển, một niềm tín thác trọn vẹn vào sự trung tín vô cùng của Ngài. Ngài đã nói với các bạn : “Con đừng sợ những sự khốn nạn và những bất toàn của con, vì Cha có thể thắng tất cả. Con đừng sợ gì hết, cả những khi mọi sự xem ra hỏng hết, bởi vì Cha có thể chọn cho con con đường con không thấy và con không ngờ, chính con đường đó sẽ đưa con tới đỉnh cao của sự thánh thiện và biến đổi con trong tình mến yêu”. Ngài đã nói như thế với bạn, và đáp lại, bạn đã hứa trung thành với tình mến yêu Ngài, cho dầu sẽ gặp gian nan và thử thách.

Vậy thì bây giờ là lúc phải chứng minh sự trung thành của bạn, phải cậy trông khi không còn gì để cậy trông, phải tin tưởng khi không có vẻ gì là nên tin tưởng, phải tin rằng Chúa Giêsu là Đấng trung tín vô cùng, Ngài yêu thương bạn và vẫn yêu thương bạn rất nhiều như xưa : Ngài yêu thương bạn không phải vì bạn tốt lành và dễ thương, nhưng chỉ vì Ngài là Đấng tốt lành vô cùng và yêu thương ta là con cái Cha trên trời và là em Ngài. Đừng sợ gì hết, đừng thay đổi những tâm tình của bạn trước đây. Đây là giờ phút của niềm tín thác tinh ròng và tuyệt đối siêu nhiên. Hãy can đảm lên ! Đêm tối có thể còn kéo dài và đau đớn, nhưng nó sẽ chấm dứt. Hừng đông sẽ ló rạng, chắc chắn sẽ ló rạng, có khi sắp ló rạng, và Chúa Giêsu, Mặt trời sáng láng và vô cùng mến yêu sẽ xuất hiện, huy hoàng hơn bao giờ hết.

 

[1] P. De Jaegher S.J, La vie d’identification au Christ- Jésus, Nhà xuất bản Cerf, Juvisy, 1931, tr. 23-24

[2] P. De Jaegher, Sđd. tr. 24-25

Chia sẻ Bài này:

Related posts