Niềm Tín Thác – Chương XI: CHÚA GIÊSU RẤT ĐẦY ĐỦ CHO NHỮNG LINH HỒN ĐỒNG NHẤT VỚI NGÀI

I.  CUỘC SỐNG CỦA LINH HỒN ĐỒNG NHẤT VỚI CHÚA GIÊSU LÀ MỘT SỰ LUÔN LUÔN CHẠY LẠI VỚI SỰ ĐẦY ĐỦ THẦN LINH CỦA NGÀI.

– CUỘC SỐNG ĐÓ RẤT ĐẸP LÒNG THIÊN CHÚA.

– LINH HỒN SẼ LUÔN LUÔN VUI VẺ VÀ TÍN THÁC.

– CHÚA GIÊSU THỎA MÃN NHỮNG NHU CẦU CỦA NÓ VỀ ĐỀN TẠ.

Cuộc sống của linh hồn đồng nhất với Chúa Giêsu là một sự luôn luôn chạy lại với sự đầy đủ thần linh của Ngài.

– Chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đầy đủ của chúng ta là một điều ngọt ngào. Điều này đem ánh sáng huy hoàng của Chúa Giêsu vào cuộc đời tối tăm và buồn rầu của chúng ta. Tuy nhiên những linh hồn quảng đại và thân mật của Chúa Giêsu còn có một cách chạy đến khác nữa, đó là luôn luôn chạy đến với Chúa Giêsu đang ở trong linh hồn họ, và sự chạy đến này có những lợi điểm và những niềm vui riêng của nó. Không phải đi đâu xa, không phải đi ra khỏi bản thân mình, linh hồn thấy ngay trong đáy lòng mình tất cả mọi sự phong phú của Chúa cứu thế. Chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, tuy là việc có thể làm bất cứ lúc nào, nhưng tự nhiên chỉ xứng hợp vào những giờ phút hiếm hoi chúng ta ở trước nhà Tạm. Còn như chạy đến với Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, đang sống trong các chi thể của Ngài là tất cả chúng ta, thì có thể dễ dàng làm được ở mọi nơi và mọi lúc, nhất là trong những lúc chúng ta gặp khó khăn.

Thật ra đối với những linh hồn đã đạt tới mức thân mật với Chúa Giêsu, đã luôn luôn cố gắng trở nên đồng nhất với Ngài, biến đổi thành hình ảnh sống động của Ngài, thì tất cả cuộc sống sẽ là luôn luôn chạy đến với Chúa Giêsu, Đấng vô cùng đầy đủ cho họ trong mọi sự. Mỗi giờ phút trong ngày, cách minh nhiên hoặc tiệm nhiên, họ kết hiệp với những tâm tình thánh thiện của Chúa Giêsu. Họ hoà tiếng nói yếu ớt của họ vào những lời cảm tạ, ngợi khen và tôn thờ mà Chúa Giêsu hằng dâng lên Cha chí ái của Ngài. Cuộc sống của họ là một thánh thi của lòng mến yêu luôn được cùng với Chúa Giêsu ca lên, để tôn vinh Thiên Chúa Cha.

Họ luôn luôn sống trong tinh thần hiệp thông sâu xa với Đấng là tất cả của họ. Họ biết rằng đời sống của họ không còn là cuộc đời của họ nữa : nơi bản thân họ, một cuộc sống đồng nhất với Chúa Kitô đã thay thế cho cuộc sống thân mật với Ngài. Một hôm, Chúa Giêsu đã đề nghị sẽ sống hoàn toàn một mình ở trong họ. Ngài cho họ hiểu rằng nếu họ muốn yêu mến đến cùng, họ phải hiến dâng tất cả, không giữ lại chút nào. Khi đó họ đã hiểu cuộc đời riêng của họ đã chấm dứt, từ nay họ sẽ không có một sợ hãi nào, không có một ước ao, một niềm vui, một nỗi buồn nào của bản thân nữa, y như thể họ đã chết thật rồi. Trong một sự hiến dâng trọn vẹn, họ đã hiến thân cho Chúa, trọn vẹn là của Ngài, y như thể không còn con người của họ nữa. Họ đã vĩnh viễn từ bỏ quyền hưởng đời sống của mình, và nay lý tưởng của họ là trở thành không, để Chúa Giêsu trở thành mọi sự trong họ, để Ngài sử dụng cuộc đời của họ theo ý Ngài, để Ngài trở nên như linh hồn mới của họ, một linh hồn đã được thần linh hóa và luôn chỉ sống cho Chúa.

Ôi những linh hồn được Chúa Giêsu mời gọi sống kết hiệp như thế, thật diễm phúc dường nào ! Chắc chắn đó chưa phải là cuộc sống lý tưởng mà các linh hồn thánh thiện mơ ước, bởi vì cuộc sống đó vẫn còn pha trộn những niềm vui ty tiện nho nhỏ, những niềm vui riêng của bản thân, và những lo nghĩ tư kỷ có hại cho đời sống của Chúa Giêsu ở trong họ. Nhưng, trong những nét chính của nó, cuộc sống như thế của họ đã là cuộc sống của Chúa Giêsu, và họ có thể đến với Chúa Cha với hình ảnh Chúa Giêsu.

Tất cả cuộc sống của họ là sự tỏa sáng của con người Chúa Kitô, của lòng mến yêu vô biên của Chúa Giêsu đối với Cha Ngài. Chính Chúa Giêsu cố gắng trở nên khiêm nhường ở trong họ để tôn thờ Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu tỏ bày sự dịu hiền, lòng thương xót và lòng nhiệt thành đối với các linh hồn qua sự sống hằng ngày của họ. Các nhân đức của họ, mặc dầu còn những bất toàn và những bóng tối, được Chúa Cha coi là những tâm tình của Chúa Giêsu để tỏ bày lòng mến yêu đối với Cha chí ái của Ngài.

Một cuộc sống như thế rất đẹp lòng Thiên Chúa.

– “Cuộc sống mới này của Chúa Giêsu” rất đẹp lòng Cha Ngài. Chúa Cha coi đó như một sự nới rộng cuộc sống của Con Một Ngài, Con chí ái của Ngài. Ngài âu yếm nhìn những cuộc sống tràn đầy sự hiện diện của Con Ngài. Ngài âu yếm ôm lấy những linh hồn sáng chói hình ảnh Con Ngài, và thơm ngát những nhân đức thần linh của Con Ngài. Thánh Phaolô đã nói một cách chí lý : “Chúng ta là hương thơm của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa” (2 Cr 2,15). Chúa Cha vui sướng nhìn tạo vật bé nhỏ đầy những tâm tình của Chúa Giêsu Con chí ái của Ngài, y như một bánh thánh nhỏ chứa đầy Chúa Giêsu Con Một Ngài. Các thiên thần và các thánh cũng vui mừng nhìn ngắm sự biến đổi kỳ diệu này, một tạo vật bé nhỏ và Đấng tạo thành nó, cả hai đã gần như biến thành một !

Linh hồn sẽ luôn luôn vui mừng và tín thác.

–Những linh hồn đã đồng nhất với Chúa Giêsu, hoặc đang cố gắng để trở thành đồng nhất với Ngài, ý thức rằng mình được biến đổi và được thần linh hóa trong Chúa Giêsu. Nhất là có những lúc họ cảm thấy họ rất đẹp lòng Đức Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, mặc dầu họ vẫn còn vướng nhiều bất toàn. Đôi khi Thiên Chúa cho họ cảm thấy một cách khôn tả rằng họ được Ngài yêu thương và chính vì cuộc sống đồng nhất với Chúa Kitô đã làm cho họ được Thiên Chúa ban cho những hồng ân đặc biệt đó.

Như vậy trái tim họ nở rộng ra đến vô cùng và tâm hồn họ tràn ngập ánh sáng của niềm tín thác trìu mến, nay trở nên rất tự nhiên. Làm sao các linh hồn này không vui sướng và tín thác, khi họ đã như hoà nhập hoàn toàn với Chúa Giêsu, và họ đã hoà tan những sự thiếu thốn của họ với những nhân đức vô cùng toàn thiện của Chúa Giêsu ? Chúa Giêsu luôn nhắc lại với họ một cách yêu dấu : “Mọi sự của Cha là của con” (Lc 15,31). Vâng, họ đã trọn vẹn hiến thân cho Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu cũng đã trọn vẹn thuộc về họ. Giữa Chúa Giêsu và họ, không còn có sự phân chia nào nữa. Hỡi cô ăn xin rách rưới và cùng khổ, cô không còn khốn khó và nghèo hèn nữa, không đói khát và đau khổ nữa, vì cô đã trở thành hiền thê của Đức Vua trời đất, cô là nữ hoàng với các nhân đức và các kho tàng của Chúa trời đất !

Như thế có phải linh hồn không còn nhu cầu nào nữa chăng ? Ồ không phải thế đâu. Xưa kia là một kẻ ăn xin, linh hồn chỉ có những nhu cầu rất nhỏ mọn. Không cần gì nhiều lắm để thỏa mãn những ước vọng của nó, để thỏa mãn những khát vọng mến yêu và khát khao nhân đức của nó. Nay linh hồn đã mở rộng ra đến vô cùng, những nhu cầu của nó đã gia tăng rất nhiều. Là một nữ hoàng, linh hồn có những nhu cầu của một nữ hoàng. Những khát vọng và những nhu cầu xưa kia của nó, nay bị nó coi là nhỏ nhen và nực cười. Nay linh hồn có những nhu cầu lớn lao, và mỗi ngày mỗi lớn lao hơn, nhu cầu đón nhận thêm nhiều ân sủng, nhu cầu đền tạ, nhu cầu mến yêu Chúa và được Chúa thương yêu. Nhưng những nhu cầu lớn lao này sẽ luôn được thỏa mãn, nhờ sự hiệp thông vô cùng mật thiết với Chúa Giêsu là Đấng vô cùng đầy đủ của các linh hồn.

Chúa Giêsu luôn thỏa mãn mọi nhu cầu về cầu khẩn của linh hồn.

– Linh hồn cảm thấy những nhu cầu lớn lao về ân sủng, cho mình và cho những người khác. Xưa kia chân trời của nó rất nhỏ hẹp. Nó chỉ hiểu lơ mơ về sự thánh thiện và đời sống hiệp nhất với Chúa Giêsu. Nó ước ao trở nên khiêm nhường, hiền lành, quên mình, mến yêu Chúa. Nhưng nó chưa hiểu thế nào là khiêm nhường đích thực, là yêu mến tinh ròng. Nay linh hồn đã lớn lên nhiều, đã có những nhân đức mà nó đã mơ ước xưa, và nay nó có cái nhìn mới với những chân trời mới. Nó thoáng nhìn thấy những viễn ảnh của lòng mến yêu tinh ròng. Và nó khát khao tình yêu tinh ròng này, nó thấy mình chưa đạt được gì hết, vì lòng mến yêu tinh ròng này cao qúi như nó chưa hề nghĩ tới. Nó mơ ước sự trọn lành đó, lòng mến yêu đó, nó cảm thấy khát khao vô cùng, vì trái tim nó đã mở rộng đến vô cùng dưới sức ép của đức ái thần linh đang hoạt động trong nó. Ôi ! Có biết bao hồng ân nó cần phải cầu xin cho bản thân nó, biết bao ân sủng nó cảm thấy còn thiếu cho nó. Tuy nhiên những nhu cầu này không là gì hết so với những nhu cầu mênh mông hơn, và khẩn thiết hơn. Thật ra nó nghĩ đến bản thân nó ít, mà nghĩ nhiều đến các linh hồn… Biết bao linh hồn cần được cứu vớt ! Biết bao linh hồn nguội lạnh và trống rỗng một cách thảm hại ! Nó rất đau khổ khi thấy những linh hồn ở trong trạng thái đó. Nó muốn mang tình thương của Chúa đến cho họ. Nó muốn biến đổi những linh hồn đó, cũng như chính bản thân nó đã được biến đổi. Rồi biết bao tâm hồn cũng khát khao yêu mến Chúa như nó : nó muốn khẩn cầu Chúa vì những hy sinh và nhờ việc tông đồ của nó, ban cho các linh hồn kia cũng được vui thỏa uống suối ân sủng mà nó đang được uống.

Thầy chí thánh đã trao cho nó trách nhiệm về một số linh hồn, có thể là một con số khá lớn. Nhưng nó còn nhìn thấy muôn ngàn linh hồn rải rác khắp thế giới, họ đều là giá máu Chúa Kitô. Cùng một ân sủng của Chúa Giêsu lưu thông trong nó và trong tất cả các linh hồn đó. Cùng một sự sống thần linh làm cho nó và các linh hồn kia sống động. Nó đau khổ khi nhìn thấy những nỗi cơ cực của những linh hồn đó. Những sự khốn nạn về luân lý, những tội lỗi của họ làm nó đau khổ. Bệnh ung thư của những nết xấu của họ khiến nó rất khổ tâm. Nó ước nguyện dùng những lời cầu xin không ngừng và lòng nhiệt thành hy sinh, để xin Chúa Giêsu làm cho nó trở nên một trong những tế bào đầy sức sống thần linh, mau lẹ nhân lên nhiều, để chữa lành những chi thể bệnh tật của Chúa Kitô, và như thế đi đến chỗ lành mạnh hóa và cải tạo thế giới !

Linh hồn sống đồng nhất với Chúa Giêsu sẽ cảm thấy cần phải có những ân sủng lớn lao và rất nhiều để thỏa mãn những khát vọng thiết tha của nó. Những nhu cầu của nó thật là mênh mông ! Nhưng Chúa Giêsu sẽ không để cho linh hồn dấu yêu loanh quanh với những khát vọng nóng nảy đó của nó. Ngài luôn cầu nguyện ở trong nó và với nó. Ngài cầu xin Cha Ngài với nó. Ngài không chỉ cầu nguyện với nó như thế trong các giờ cầu nguyện chính thức, nhưng suốt ngày. Cuộc sống của linh hồn đồng nhất với Chúa Giêsu là một sự cầu khẩn không ngừng, một sự cầu khẩn được coi là tiếp nối việc cầu khẩn của Chúa Kitô xưa, khi còn sống trên mặt đất này. Những lời cầu xin của Ngài tại xứ Galilêa, tại xứ Giuđêa, cầu nguyện ban đêm trên những sườn đồi vắng vẻ, và nay Ngài cầu nguyện trong sự thinh lặng của linh hồn dấu yêu này, nơi Ngài được tự do hành động và cầu nguyện, tất cả vẫn chỉ là lời cầu xin của Con chí ái của Chúa Cha toàn năng.

Lẽ nào Chúa Cha không vui lòng ban cho linh hồn những hồng ân nó xin, vì tựu trung đó cũng chính là những lời xin của Chúa Giêsu. Khi linh hồn này ước ao điều gì, nó có thể tin chắc sẽ được Thiên Chúa nhận lời nó cầu xin, vì chính Chúa Giêsu đã nói : “Bất cứ điều gì anh em xin Cha Thầy nhân danh Thầy, Ngài sẽ ban cho anh em. Cho đến nay, anh em chưa xin gì hết nhân danh Thầy, anh em hãy xin thì sẽ được, để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (Ga 16,23). Làm sao nó không tin tưởng vào lời cầu nguyện của nó, bởi vì chính Chúa Giêsu cầu xin ở trong nó và với nó, mà Chúa Giêsu là Con chí ái của Thiên Chúa, đẹp lòng Thiên Chúa mọi đàng. Thiên Chúa từ chối nó sẽ là từ chối lời cầu xin của chính Chúa Giêsu ? Tất nhiên, nó không bị Chúa Giêsu quở trách, như Ngài đã quở trách nhiều người. Không những nó chỉ luôn luôn cầu xin nhân danh, và cùng với Chúa Giêsu, mà cả cuộc sống của nó cũng là sống với và trong Chúa Giêsu[1].

Chúa Giêsu thỏa mãn những nhu cầu lớn lao về đền tạ của linh hồn.

– Những nhu cầu lớn lao khác của linh hồn là nhu cầu đền tạ. Chúa Giêsu muốn sử dụng linh hồn này để tiếp nối cuộc sống trần gian xưa của Ngài, mà cuộc sống đó trước hết đã chẳng là một cuộc đời đền tạ sao ? Từ sự khó nghèo và thiếu thốn của hang đá máng cỏ, cho đến sự trần truồng và cái chết cực kỳ đau đớn trên thập giá, tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một sự đau khổ liên miên. Vậy Ngài muốn tiếp tục cuộc sống đền tội và chuộc tội này trong những linh hồn đã thánh hiến cho Ngài. “Tôi hoàn tất trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô” (2 Cr 1,24). Lời nói này của vị tông đồ vĩ đại đã được các linh hồn quảng đại và khẳng khái lặp lại ở mọi nơi và mọi thời, nhưng nhất là ở thời đại chúng ta, một thời đại của sự hưởng thụ điên khùng :

Vị sáng lập tu hội “Những bạn thân của người nghèo” đã kêu lên rằng : “Ôi cần phải có những tâm hồn biết cảm thương, và nhất là cần có những linh hồn quảng đại, sẵn sàng chứng tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu bằng việc đền tội”.

“Cần phải có những linh hồn như thế để thức tỉnh những tâm hồn đang say sưa và mơ màng trong cuộc sống chiều dưỡng xác thịt, chỉ lo đến tiện nghi và an nhàn bản thân. Cần phải có những linh hồn hiến thân làm hy lễ. Chúa Giêsu đang tìm kiếm những linh hồn như thế. Không thể chịu đau khổ nữa trong thân xác hiển vinh của Ngài, Trái Tim Ngài đau khổ vì thương các linh hồn bị hư đi, nên Ngài muốn có những linh hồn giúp Ngài xin Chúa Cha những ân sủng để mang ơn Phục Sinh đến cho những người đang nằm yên trong những ngôi mộ kinh hoàng…”

Chúng ta đang ở vào giờ phút quyết định. Những người lành thánh đã chịu đau khổ nhiều, những lời kêu van và những việc đền tội của họ đã gần xin được ơn thương xót. Nhưng để đạt được thành qủa tối hậu, để Chúa Giêsu Thánh Thể toàn thắng, cần phải có những vị tình nguyện tử đạo của tình mến yêu. Cán cân của lòng thương xót đang chờ có những người công chính anh hùng… Chúng ta hãy là những tấm bánh thánh đó, để Chúa Giêsu có thể hoàn tất cuộc khổ nạn của Ngài, hầu có thể cứu vớt thế giới đang hư đi trong tội lỗi…”

Đối với những linh hồn đồng nhất với Chúa Giêsu, khát vọng hiến thân chịu đau khổ làm hy lễ là một khát vọng tha thiết, không nguôi. Chị Xavérine de Maistre muốn được trở nên một thứ chất xốp để hút lấy các sự gian ác của thế giới để mang lên cho Chúa Giêsu, xin Ngài thiêu hủy. Đau khổ dưới mọi hình thức, những đau khổ không mấy ai để ý của cuộc sống hằng ngày, cũng như những đau khổ đặc biệt đau đớn, đã trở nên nhu cầu của những linh hồn tận hiến đó, như khí trời cần cho con người. Chị Consumata thường nói : “Đau khổ sẽ là điều thiếu duy nhất cho tôi ở trên trời”.

Có biết bao nhiêu sự bất trung, biết bao nhiêu sự gian ác, biết bao nhiêu tội lỗi cần phải được đền tạ! Chỉ nhìn vào bản thân mình, linh hồn đã thấy cần phải chịu đau khổ để tẩy rửa biết bao lầm lỗi và bất trung ! Còn nói gì khi nó đưa mắt nhìn tất cả thế giới đang chìm đắm trong tội ác và hận thù. Đôi mắt của nó luôn nhìn thấy sự công chính của Thiên Chúa sẵn sàng nổi cơn thịnh nộ và giáng những hình phạt ghê sợ xuống trên những con người cố chấp chống lại ân sủng của Ngài. Ôi, có biết bao điều cần được tẩy xóa, cần phải đền tạ. Mà linh hồn tận hiến tự cảm thấy mình chỉ là bụi cát bé mọn, làm sao nó có thể thực hiện công việc vô cùng lớn lao này ?

Trong lúc túng cực đó, linh hồn đã không quên Chúa Giêsu ở trong nó, đang cùng chịu đau khổ và đền tạ với nó. Đúng thế, những đau khổ của nó chẳng là gì hết, và không đủ để tẩy xóa và đền tạ ngay những sai phạm của bản thân nó. Nhưng nay nó biết rằng những đau khổ của nó cũng là những đau khổ của Chúa Giêsu ở trong nó và đồng nhất với nó. Chính Chúa Giêsu, Con Chiên vẹn sạch của Thiên Chúa đang hoàn tất cuộc khổ nạn của Ngài bằng những đau khổ của nó. Đó là niềm an ủi lớn lao của nó. Đó là điều đã biến đổi những đau khổ của nó, khiến nó ham chịu đau khổ, vui nhận tất cả những gì có thể đóng đinh nó vào thập giá của Chúa Giêsu, giúp nó hiệp thông với công việc đền tạ của Ngài. Nó ý thức rằng những hy sinh và những đau khổ của nó đã tan biến trong lễ hy sinh đền tạ của Chúa Giêsu, những hy sinh và những đau khổ để đền tạ của nó đã tan hòa trong lễ đền tạ vô cùng lớn lao của Chúa Giêsu, khởi đầu từ hang đá Bethleêm và sẽ chỉ chấm dứt vào ngày tận thế.

Chúa Giêsu nói với chị Thérèse Durnerin rằng: “Cha công bằng, cho nên khi một linh hồn đã hoàn thành nhiệm vụ của nó, Cha lấy phần dư của việc đền tội của nó và góp vào phần của Cha. Cha gom vào số công nghiệp lớn lao của Cha : sự gom góp các việc đền tạ của những linh hồn tốt lành và của Cha như thế sẽ làm thành một kho tàng vô cùng qúi báu. Đó là lý do tại sao nhiều linh hồn đã lãnh nhận những việc đền tội thái qúa, khiến đời sống của họ giống như những cuộc tử đạo không ngừng. Nhận thấy những nhu cầu cứu độ, Cha đã thúc giục những linh hồn tận hiến hãy gia tăng chịu đau khổ”.

II.  LINH HỒN ĐỒNG NHẤT VỚI CHÚA KITÔ CÓ KHÁT VỌNG MẾN YÊU VÔ CÙNG, VÀ ĐƯỢC CHÚA GIÊSU THỎA MÃN HOÀN TOÀN.

–   LINH HỒN LUÔN DÂNG CHÚA GIÊSU CHO THIÊN CHÚA.

–   LỜI KHUYÊN : HÃY SỐNG HOÀN TOÀN TÍN THÁC.

Linh hồn sống đồng nhất với Chúa Kitô có khát vọng mến yêu vô cùng, và được Chúa Giêsu thỏa mãn hoàn toàn.

– Khát vọng căn bản nhất, chủ yếu nhất của linh hồn sống đồng nhất với Chúa Kitô, khát vọng phát sinh ra các khát vọng khác, là khát vọng mến yêu. – Nếu một linh hồn sống thân mật với Chúa Kitô đã khát khao yêu mến Ngài đến độ niềm khát khao này đã trở nên một nỗi đau khổ, thì chúng ta sẽ nói gì về sự khát khao mến yêu của những linh hồn đã trở thành đồng nhất với Ngài ?

Để thiêu đốt linh hồn bằng lửa của đức ái thần linh của Ngài, và để gia tăng những khát vọng của linh hồn, đôi khi Chúa Giêsu chiếu dọi vào linh hồn những luồng ánh sáng thần linh của Ngài. Và đôi khi, trong các giờ chiêm niệm của linh hồn đó, Chúa Giêsu hé mở cho nó thấy những vẻ vô cùng đáng mến của Chúa Cha chí thánh. Với ơn hiểu biết và ơn khôn ngoan, Ngài làm cho nó trở nên như Ngài, để nó say mê và xuất thần vì được chiêm ngưỡng vẻ đẹp và tình thương vô cùng của Thiên Chúa. Nhờ đó mỗi ngày nó mỗi hiểu biết thêm về sự Thiên Chúa đáng mến yêu. Và nó càng hiểu biết thêm như thế, nó càng thấy Ngài đáng yêu mến vô cùng, hơn cái mức mà nó mến yêu Ngài hiện nay vô cùng.

Và sự hiểu biết này khiến nó khát khao yêu mến Thiên Chúa một cách không nguôi ; sự khát khao yêu mến này làm nó đau khổ và hao mòn. Bởi vì nó biết rằng, dầu nó làm gì đi nữa, không bao giờ nó có thể yêu mến Chúa cho xứng. Nó không bao giờ yêu mến Chúa cho xứng về phần nó, và muôn ngàn lần không xứng về phần những linh hồn nguội lạnh và bội bạc, khi nó nghĩ đến bổn phận phải yêu mến Chúa thay cho các linh hồn đó.

Tuy nhiên những khát vọng đó vẫn chưa là gì hết, khi so với khát vọng lớn lao nhất và tha thiết nhất của nó. Đúng, nó thấy phải yêu mến Thiên Chúa nhân danh nó và nhân danh những linh hồn khác, nhưng nhất là nay nó biết nó phải yêu mến Chúa Cha thay cho Chúa Giêsu, và nhân danh Chúa Giêsu, Con chí ái của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã muốn sống trong nó, đồng hóa nó với Ngài và Ngài với nó, để tiếp tục mến yêu Cha Ngài ở trong nó và với nó. Ngài luôn luôn nói với nó : “Con hãy để Cha được tự do mến yêu Chúa Cha ở trong con và với con”. Như vậy cuộc sống của nó phải tràn đầy tình yêu mến. Nó biết Chúa Giêsu muốn dùng miệng nó để thưa với Chúa Cha muôn ngàn lần rằng : “Cha ơi, con yêu mến Cha vô cùng”. Nó biết Chúa Giêsu muốn dùng trái tim nó để yêu mến và tự hiến thân cho Chúa Cha. Vậy làm sao nó có thể thỏa mãn sự nóng nảy khát khao yêu mến đó của Chúa Giêsu ?

Bây giờ nó mới hiểu tại sao trái tim nó bị thiêu đốt bởi một niềm khát khao yêu mến lớn lao như thế. Đó chính là lòng mến yêu của Chúa Giêsu đối với Cha Ngài, chính lửa mến yêu đó nung nấu trái tim nó. Đúng như thánh tông đồ đã nói : “Đức ái của Chúa Kitô thôi thúc chúng ta” (2 Cr 5,14). Chính lòng mến yêu của Chúa Giêsu đối với Cha Ngài đang thiêu đốt trái tim của linh hồn tận hiến. Chính lòng mến yêu đó khơi dậy trong nó những khát khao chịu đau khổ và hiến tế đền tạ. Chúa Giêsu yêu mến ở trong nó, và bởi vì nó đã hiến dâng trái tim của nó cho Ngài, Ngài đã yêu mến Cha Ngài bằng trái tim của nó, nay cũng là trái tim của Ngài. Cho nên ai có thể đoán trước được những tỏ bày lạ lùng của lòng yêu mến đó của Ngài? Vì Ngài được tự do sử dụng trái tim của nó để yêu mến Cha Ngài, ai có thể nói Ngài sẽ ngưng ở mức nào những tỏ bày vô cùng nồng nàn của Ngài đối với Cha Ngài ?

Linh hồn sẽ làm gì trong sự bất lực hoàn toàn của mình ? Nó sẽ lấy gì để đáp lại tình thương vô cùng của Thiên Chúa ? Ôi, nó tự cảm thấy mình thiếu thốn qúa ! Nhưng nó biết làm thế nào để thỏa mãn những khát vọng và những sự thiếu thốn của nó. Nó biết tìm ở đâu một lòng mến yêu lớn lao để đáp lại tình thương bao la của Chúa. Nó biết Chúa Giêsu đang sống ở trong nó, và Ngài muốn dùng nó để yêu mến Cha Ngài. Nó biết và đôi khi nó cảm thấy những tâm tình yêu mến của nó có thể là những rung động của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đôi khi nó tự cảm thấy mình chỉ là một đốm lửa bé nhỏ của lò lửa yêu mến lớn lao. Đúng là nó cháy yếu lắm. Lửa yêu mến thần linh của Thánh Tâm Chúa vất vả lắm mới làm cho cục đá nhỏ này nóng rực lên trong lò kia. Nhưng nó kể như biến mất trong lò than lửa lớn lao của Thánh Tâm. Ai còn có thể phân biệt nó với Chúa Giêsu, Đấng đã đồng hóa nó với Ngài ? Ai còn thấy cục đá đã trở thành cục than hồng trong lò than lửa ? Chắc không phải Cha trên trời, cũng không phải là thần thánh trên trời. Được đồng hóa với Chúa Giêsu như thế, và luôn sống kết hiệp với Ngài, nhiều lúc nó không còn cảm thấy sự bất lực của nó nữa. Khả năng yêu mến Chúa của nó đã được nhân lên gần như vô cùng, nhờ tình mến yêu của chính Chúa Giêsu. Nay lòng mến yêu của nó chính là lòng yêu mến của Chúa Giêsu, Thầy chí thánh của nó.

Nó không ngừng dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha.

– Yêu thương thì ban tặng. Ban tặng là một nhu cầu chủ yếu của yêu thương. Vậy linh hồn sẽ tặng gì cho Thiên Chúa để đáp lại tình thương của Ngài, và cho thỏa lòng nó ? Nó biết nó sẽ làm gì. Nó vô cùng nghèo khó, nhưng cũng vô cùng giầu có trong Chúa Giêsu Kitô. Qùa tặng nó dâng lên Thiên Chúa, chính là Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã ban cho nó nhiều, rất nhiều, nhưng tạo vật bé nhỏ của Ngài sẽ tặng lại Ngài nhiều hơn : nó tặng lại Ngài Chúa Giêsu, tất cả Chúa Giêsu, và nó chắc sẽ thắng trong sự thi đua quảng đại này.

Vâng, tất cả đời sống của nó sẽ là luôn luôn dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha toàn năng và khả ái. Đối với nó, sống là để dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha. Mỗi tư tưởng của nó, mỗi ước muốn của nó, mỗi hành vi của nó, đều là những hành vi dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha chí thánh.

Khi nó cầu nguyện, và nó cầu nguyện liên, nó dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha. Những việc tôn thờ sâu thẳm của nó, những lời tán tụng ngợi khen, những tâm tình đội ơn và đền tạ đầy mến yêu, tất cả đều là để Chúa Giêsu dùng nó mà thờ lạy và yêu mến Cha Ngài. Giữa nó và Thiên Chúa Cha luôn có một sự qua lại vô cùng mến thương : tình thương thần linh đổ xuống trên nó, và lòng mến yêu lại từ nó dâng lên Thiên Chúa trong Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu.

Như vậy, linh hồn đồng nhất với Chúa Giêsu sẽ ý thức sâu xa về sứ mạng và hạnh phúc của mình: có những ngày nó cảm thấy những khoái trá mênh mông của bình an và vui mừng của thiên đàng. Vâng nó có những khát vọng lớn lao về yêu mến, và như vậy nó chỉ vui mừng khi yêu mến và ban tặng. Nhưng chính khi mến yêu và tặng Chúa Giêsu cho Cha trên trời như thế, nó cảm thấy niềm vui nó vẫn ước mơ ! Nó kính tặng nhiều vô kể ! Nó dâng tiến nhiều vô cùng ! Tất cả cuộc đời nó diễn ra trong niềm hân hoan khôn tả, mặc dầu ít khi cảm thấy, bởi vì nó luôn dâng hiến Chúa Giêsu cho Chúa Cha chí ái là Thiên Chúa vô cùng đáng mến yêu.

Một linh hồn đã sống cách tuyệt hảo cuộc sống đồng nhất với Chúa Giêsu, mà người ta chỉ biết dưới bí danh “Consumata” (Nghĩa là Bị tiêu hủy), đã có lần phát biểu như sau về niềm vui rất thiêng liêng của mình : “Thưa Mẹ, làm thế nào để nói cho Mẹ hiểu về hạnh phúc của con ? Thiên Chúa vẫn ẩn náu, tất cả các thần thánh trên trời có vẻ như đang ngủ cả, cũng không thấy dấu hiệu nào về Đức Mẹ Maria, nhưng con có Thiên Chúa cách trọn vẹn, con ý thức rằng mình không ngừng dâng Ngài lên cho Ngài và tôn vinh Ngài vô cùng. Con ý thức rõ ràng về sự kết hiệp với Ngài. Con có cảm tưởng như mình có một báu vật gói kín, đem tặng tất cả cho người mình yêu, còn mình thì không hưởng gì hết. Hạnh phúc của mình khi dâng hiến tất cả như thế, không giữ gì lại cho mình, đã là hạnh phúc lớn lao, vượt xa niềm vui người ta có được khi hưởng báu vật đó. Hạnh phúc của con hiện nay, và điều con coi là tuyệt diệu, đó là con có thể yêu mến Thiên Chúa bằng một lòng mến yêu xứng với Ngài, vì đó là một lòng yêu mến vô cùng. Con thấy như nói một điều điên rồ, nhưng đó là sự thật, bởi vì Chúa và con là một, nên con có thể yêu mến Ngài bằng chính tình yêu của Ngài, và khi con hiến thân con thì cũng là dâng hiến chính bản thân Ngài. Đứng trước những mầu nhiệm của tình mến yêu và hiệp nhất như thế, đứng trước những sự cao cả mà Ngài làm nơi tạo vật bé nhỏ này, vì vinh quang của Ngài, con chỉ biết đắm mình trong sự khốn nạn của con và để cho niềm tri ân tràn ngập tâm hồn con”[2].

Lời khuyến dụ hãy sống tín thác trọn vẹn.

– Hỡi những linh hồn diễm phúc đã nghe tiếng Chúa kêu gọi sống cuộc đời đồng nhất với Ngài, các bạn hãy dấn thân vào sứ mạng cao cả này, hãy sống cuộc sống thần linh tốt lành này. Giữa những biến động của cuộc lưu đày này, các bạn đã tìm thấy sự bình an trong sáng và vững vàng của những hiền thê Chúa Giêsu. Các bạn hãy tập bỏ mình đi nhiều hơn nữa, để Chúa Giêsu đổ đầy sức sống của Ngài vào linh hồn các bạn, làm cho các bạn thấm nhuần mọi tâm tình và ý muốn của Ngài. Các bạn muốn dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha, các bạn muốn không ngừng dâng Ngài lên Cha chí ái của Ngài. Chính Chúa Giêsu sẽ đổ đầy linh hồn các bạn bằng thần lực của Ngài, để các bạn có thể dâng hiến Ngài lên, khi các bạn hiến dâng bản thân mình. Các bạn hãy an tâm, Chúa Giêsu sẽ vui sướng làm công việc đó của Ngài.

Nhất là các bạn hãy sống với tâm tình tín thác trọn vẹn, vì đó là tâm tình tự nhiên của các bạn. Các bạn luôn luôn tặng Chúa Giêsu cho Chúa Cha, cho nên bây giờ chắc chắn Chúa Cha yêu thương các bạn rất nhiều. Và Chúa Giêsu thì hạnh phúc và vui sướng lắm, vì các bạn đã giúp Ngài thỏa mãn ước nguyện thiết tha của Ngài, là nhờ các bạn mà yêu mến Cha chí ái của Ngài.

Vâng, các bạn hãy tín thác, hãy sống tín thác trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Nhất là vào những giờ phút các bạn cảm nghiệm thấy sự hiện diện của Ngài trong linh hồn các bạn, những lúc các bạn cảm thấy sự sống của Ngài lưu thông mạnh mẽ trong các bạn, các bạn cảm thấy không phải bản thân mình sống nữa, nhưng là Chúa Giêsu đang sống trong các bạn : vào những giờ phút đó, các bạn hãy sống rất đầy đủ niềm tín thác nơi Chúa Giêsu. Nhưng các bạn cũng hãy vững tâm, hãy củng cố niềm tín thác vào những giờ phút Chúa ẩn mình đi nơi đáy linh hồn các bạn, vào những giờ phút tối tăm và lo âu, khi các bạn tưởng như mình đã mất ơn nghĩa với Chúa Giêsu, đã đánh mất Ngài ! Các bạn hãy nhớ rằng và hãy tin rằng không bao giờ Ngài bỏ rơi các bạn. Hãy tin tưởng tuyệt đối nơi Thánh Tâm đầy lòng thương xót của Ngài, hãy tin rằng không bao giờ để các bạn sa ngã vào những lỗi phạm cố tình, dầu là những lỗi phạm nhỏ mọn nhất. Hãy tin rằng giữa muôn ngàn nỗi khó khăn, giữa muôn ngàn cơn cám dỗ nặng nề, Ngài sẽ ở bên các bạn, ở trong các bạn, và giữ gìn các bạn qua khỏi một cách an toàn. Chỉ cần các bạn hãy hứa với Chúa Giêsu, Đấng rất đầy đủ của các bạn, rằng không bao giờ các bạn quên chạy đến với Ngài, đổ tất cả mọi sự yếu đuối và bất trung của các bạn vào lò lửa Thánh Tâm Ngài, để mọi sự được tiêu hủy trong tình thương, cả những khi Chúa Giêsu ẩn mặt đi và các bạn có cảm tưởng như đã đánh mất Ngài.

Còn các bạn, những linh hồn từ lâu đã sống thân mật với Chúa Giêsu, nhưng chưa biết đến đời sống đồng nhất với Ngài, các bạn có ước ao sống cuộc đời đầy ánh sáng, vui tươi và hạnh phúc như các linh hồn đó không ? Chúa Giêsu đang mời gọi các bạn đó. Chắc đã nhiều lần các bạn tự hỏi mình có thể làm gì hơn nữa cho Ngài. Vậy thì bây giờ bạn hãy tận hiến cho Ngài đi ! Hãy từ bỏ mọi vui buồn, mọi đau khổ, mọi ước ao, mọi sợ hãi của riêng mình. Hãy từ bỏ mọi hạnh phúc thầm kín được sống cho mình, để từ nay Chúa Giêsu có thể tự do sống trong bạn. Hãy mở rộng cửa tâm hồn bạn cho Ngài. Hãy trao cho Ngài chìa khóa của ý muốn bạn. Hãy tận hiến con người của bạn cho Ngài, để Ngài hoàn toàn sử dụng bạn theo ý Ngài. Để Ngài yêu mến Cha Ngài nhờ bạn và với bạn, để Ngài tiếp tục nơi bạn cuộc sống trần gian xưa của Ngài.

Bạn đừng sợ gì hết ! Cuộc sống như thế rất cao siêu và thánh thiện, còn bạn lại thấy mình vẫn yếu đuối và nhu nhược, như kinh nghiệm bản thân cho bạn thấy rõ. Nhưng Chúa Giêsu sẽ làm tất cả. Bạn hãy thưa Chúa Giêsu : “Lạy Chúa Cứu Chuộc con mến yêu, con yếu đuối lắm, con không thể làm gì hết, nhưng xin Chúa ban sức cho con có thể thi hành những gì Chúa muốn con làm. “Hãy cho con đủ sức làm điều Chúa truyền dạy, và Chúa hãy truyền dạy những gì Ngài muốn”[3]. Bạn đừng sợ đau khổ, không bao giờ Chúa để bạn chịu qúa sức chịu đựng của mình đâu. Nhưng nhất là Ngài sẽ ban cho bạn yêu mến Ngài nhiều, rất nhiều đến nỗi bạn sẽ ước ao được chịu đau khổ nhiều hơn nữa, để đền đáp sự ngọt ngào của tình thương Ngài dành cho bạn.

 

[1] Xem La Vie d’indentification au Christ-Jésus, tr.49

[2] R.Plus. S.J. Vie de Marie-Antoinette de Geaser 1928, tr.236

[3] St. Augustin, Confess, liv.X, ch.29, 31, 37

Chia sẻ Bài này:

Related posts