Niềm Tín Thác – Chương XVI: TÍN THÁC TRONG BUỒN SẦU CHÁN NẢN

I.  TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHỮNG CƠN BUỒN RẦU.

–   NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHÚNG LÀM TƯƠI NỞ.

–   NIỀM VUI CỦA LÒNG MẾN KHÔNG LUÔN CẢM THẤY: NHỮNG HÀNH VI “TRỰC TIẾP” CỦA LINH HỒN THÌ VÔ CÙNG QÚI GIÁ.

–   TỪ BỎ NIỀM VUI ĐƯỢC CẢM THẤY HOẠT ĐỘNG CỦA MÌNH.

Tầm quan trọng của những cơn buồn sầu.

– Đối với chúng ta, xấu hay tốt, thánh thiện hay tội lỗi, trái đất mà chúng ta ở một ít năm này, là một chốn lưu đầy, một thung lũng đầy nước mắt. Chúng ta gặp những đau khổ từng bước trên đường đời, dưới mọi hình thức. Nhưng có một thứ đau khổ dành riêng cho những linh hồn nội tâm, những người bạn của Chúa Giêsu. Đó là những lúc khô khan, những lúc chán nản mà chúng ta gọi bằng một tên chung là “những buồn sầu”. Chúng phát sinh do sự có vẻ vắng mặt của Chúa. Chỉ những người đã được hưởng những an ủi của Chúa mới hiểu thấu thế nào là buồn sầu thiêng liêng. Chỉ những tâm hồn đã cảm nghiệm sự ngọt ngào khôn tả của sự hiện diện của Chúa, mới hiểu được nỗi buồn sầu khi cảm thấy thiếu vắng Ngài. Tất cả chúng ta đều đã trải qua những thử thách thiêng liêng này, và đã khát khao mong chờ lúc Chúa trở lại.

Linh hồn vừa mới bước qua ngưỡng cửa của cuộc sống nội tâm, vừa mới cảm nghiệm ít lâu những sự an ủi ngọt ngào, và vừa mới tập dứt mình ra khỏi những sự vật thế gian, thì Chúa đã ẩn mình đi từng lúc. Ngài bắt linh hồn phải nếm vị thuốc cay đắng của sự buồn sầu chán nản, để linh hồn tự dứt ra khỏi bản thân mình và dứt bỏ những sự vui sướng thiêng liêng. Và chỉ mãi sau này, vào giai đoạn cuối cùng, khi linh hồn đã trải qua mây mù và giông tố để đạt tới đỉnh cao của sự thánh thiện, nghĩa là khi linh hồn đạt tới sự kết hợp trọn vẹn với Chúa, khi đó nó mới được hưởng niềm vui của một khung trời hoàn toàn trong sáng, không một đám mây mù.

Như vậy những buồn sầu chán nản chiếm một địa vị quan trọng trong đời sống thiêng liêng của ta, và chúng ta cần phải có những nhận định và những tâm tình đích đáng, để vâng theo thánh ý Chúa và bước đi theo sự hướng dẫn của Ngài.

Nhưng đáng buồn thay ! Chính trong những khi bị buồn sầu chán nản, niềm tín thác của ta thường bị suy sụp. Đúng thế, với những cơn thử thách khác, chúng ta còn có thể chịu đựng. Khi chúng ta được an ủi, chúng ta vẫn có thể vui chịu những đau khổ, vẫn sẵn lòng chấp nhận những thánh giá để làm vui lòng Chúa. Đúng như lời sách Gương Phúc : “Khi được ân sủng Chúa nâng niu, người ta phóng ngựa đi cách ngọt ngào”. Nhưng khi đức tin và đức mến xem như đã biến mất khỏi linh hồn ta, khi ta cảm thấy mình cô đơn trong tâm trạng buồn sầu và trầm cảm : khi đó thế giới trở nên lạnh lùng và tối tăm. Trong cảnh nhá nhem tối đó, mọi vật đều có bộ mặt ma quái và thù địch. Trái tim ta se lại và ta bị cám dỗ nghĩ rằng Chúa Giêsu đã bỏ rơi ta, hoặc ít ra tình thương của Ngài đối với ta đã giảm nhiều, đã trở nên lạnh nhạt.

Những cơn buồn sầu sẽ làm tươi nở các nhân đức.

– Thật ra, nếu ta biết sử dụng những cơn buồn sầu chán nản, chúng ta sẽ tiến mau lẹ trên đường trọn lành. Chúng ta sẽ được lợi ích nhờ những ân sủng qúi giá mà chúng mang lại cho ta. Có thể nói rằng, đối với những linh hồn quảng đại, những sự khô khan và những cơn buồn sầu là những mảnh vườn ươm cây nhân đức. Đó là nơi Thiên Chúa vun trồng các nhân đức khiêm nhường, tín thác, yêu mến thánh giá, chê ghét bản thân và yêu mến Chúa hết lòng.

Nếu không có sự luân phiên những lúc được an ủi và những lúc bị buồn sầu, sẽ không bao giờ ta thực sự có kinh nghiệm về sự bất lực căn bản của ta, và sự yếu đuối ghê sợ của ta. Một linh hồn phải cảm nghiệm trăm ngàn lần sự yếu đuối của mình, sự khốn khổ của mình, sự thiếu quảng đại của mình, rồi nó mới có một ý tưởng xác đáng về thân phận tội lỗi và yếu hèn của nó, và nó lệ thuộc vào ơn Chúa biết bao. Khi nó đã có kinh nghiệm về những giờ phút suy niệm nồng nàn yêu mến Chúa và như được nâng bổng lên bởi tâm tình mến yêu Chúa, rồi chỉ vài giờ sau đó, nó lại thấy mình quạu cọ, sợ đau khổ, chán nản…, thì nó sẽ có kinh nghiệm và thấy rõ sự yếu hèn của mình, hơn là nhờ những giờ phút suy niệm sâu xa…

Rồi phải nói gì về sự tương phản mà những linh hồn được ơn chiêm niệm cảm thấy trong một ngày ? Ban sáng là bình minh tươi sáng của ơn nguyện gẫm kết hiệp thắm thiết, linh hồn rạng ngời những ơn soi sáng, và khấp khởi vui mừng vì cảm thấy Chúa Giêsu hiện diện với những yêu thương tràn trề. Nhưng đến chiều, linh hồn có cảm tưởng như Chúa Giêsu đã bỏ ra đi. Sự hiện diện âu yếm và nồng thắm của Chúa đã nhường chỗ cho một sự trống vắng đau thương. Linh hồn có cảm tưởng như mình đã không yêu mến Chúa, và Chúa Giêsu cũng không thương yêu nó. – Nhưng điều này chẳng thấm vào đâu, nếu so với những sự buồn sầu ghê sợ, kéo dài nhiều năm, và đó là ngưỡng cửa mà các linh hồn Chúa kén chọn phải bước qua để đi vào cuộc sống thần bí. Các thánh gọi đó là “đêm tối của các giác quan”. Nhưng thử thách ghê sợ này vẫn chưa là gì so với những thử thách lâu dài mà Chúa dùng để thanh tẩy các linh hồn thần bí, trước khi dẫn đưa họ tới đỉnh cao của sự thánh thiện : những thử thách này có tên là “đêm tối của tâm trí”. Khi đó các linh hồn ở trong tình trạng của thánh Gióp, chìm ngập trong mật đắng của những đau khổ. Thật là như sống trong luyện ngục ở đời này.

Tất cả mọi thử thách này, buồn sầu đau khổ một giờ hay là chịu đau khổ chán nản nhiều năm, đều là việc làm của Thiên Chúa. Đó là phương tiện Chúa dùng để thực hiện nơi các linh hồn những điều mà ta không thể đạt được nhờ việc cầu nguyện, suy gẫm hoặc quyết chí. Chính Thiên Chúa làm công việc thanh tẩy này, để giúp ta có được đức khiêm nhường đích thực và sâu thẳm, giúp ta triệt để hết tin tưởng vào mình, hết muốn tự kiêu coi các hồng ân của Chúa là tài đức của mình. Nếu chúng ta thật lòng muốn sống khiêm nhường, chúng ta hãy qúi mến đón chào những cơn buồn sầu chán nản này, coi đó là chất bón rất tốt cho cây nhân đức khiêm nhường tăng trưởng tươi tốt.

Đức khiêm nhường là chị của nhân đức tín thác. Bởi vậy ta thường thấy đức tín thác tăng trưởng mau lẹ giữa những cơn khô khan và buồn sầu, nơi những linh hồn quảng đại. Còn nơi những linh hồn tầm thường, khi gặp buồn sầu chán nản, họ mất luôn chút ít tín thác mà họ đang có, vì lẽ đó, Thiên Chúa ít khi để cho họ phải buồn sầu chán nản. Trái lại, đối với những linh hồn quảng đại yêu mến Chúa, muốn chịu đau khổ để tỏ lòng mến yêu và tín thác, những buồn sầu lại được coi là những hồng ân, bởi vì chúng là cơ hội để họ chứng tỏ niềm tín thác nơi Chúa, khi mà mọi sự muốn làm cho họ mất tin tưởng.

Bản tính con người dễ nản, buồn sầu và ưa thích những niềm vui bên ngoài. Chúa Giêsu thì có vẻ như không tha thiết gì với ta nữa. Những khi đó, ta phải kêu lên với Chúa Giêsu rằng : “Ôi Chúa Giêsu, con yêu mến ! Con biết Chúa vẫn thương yêu con và thương yêu con mãi. Con tin vào tình thương của Chúa. Con tín thác nơi Chúa, dầu con hèn mọn và khốn khổ. Chúa muốn thử xem con tín thác đến đâu : vậy con xin thưa : “Lạy Chúa Giêsu, với ân sủng của Chúa giúp sức, con sẽ đi tới cùng. Con sẽ tin tưởng cho tới khi Chúa trở lại”. – Ôi, những tâm tình như thế của những linh hồn tận hiến, khi bị buồn rầu, sẽ an ủi Thánh Tâm Chúa Giêsu biết bao ! Đó là những bông hoa tím xinh tươi và thơm ngát, làm cho Chúa vui, bù lại sự thiếu tin tưởng của những linh hồn kém nhiệt thành.

Từ tâm tình tín thác đến sống tín thác chỉ có một bước. Thật không gì qúi báu bằng những thử thách thiêng liêng để tập cho ta biết sống trọn vẹn tín thác trong tay Chúa. Khi ta được an ủi, mọi sự có vẻ tiến bộ tốt đẹp. Chúng ta có cảm tưởng mình đang tiến bước trên đường trọn lành : mặt trời chiếu sáng, đường đi thì phẳng phiu và sáng sủa. Nhưng này ! Chúng ta bước vào con đường rừng. Không thấy lối đi nữa ! Cây cối um tùm che khuất hết. Thật là một thứ mê cung ! Và thế là ta rối trí, chán nản, buồn rầu. Chúng ta bị mất định hướng. Có cảm tưởng như dẫm chân tại chỗ. Chúng ta vẫn cứ muốn tự hướng dẫn mình. Nhưng đây là thời giờ của Chúa. Những linh hồn tận hiến phải biết đây là lúc phải trọn vẹn tín thác nơi Chúa, như những người mù hoàn toàn tín thác trong tay Đấng hướng dẫn thần linh : Ngài đã dẫn đưa họ vào rừng rậm, Ngài thừa biết cách dẫn dắt họ đi qua rừng để tiến lên.

Niềm vui ngọt ngào của những linh hồn sống tín thác : họ ước ao quên mình đi, và vì tin tưởng và yêu mến, họ sung sướng như người mù đưa tay cho Thầy Chí Thánh dẫn dắt tới sự kết hiệp. Để có thể trọn vẹn quên mình, họ không muốn biết gì về con đường họ đang đi, đã đi được bao nhiêu chặng, và còn bao nhiêu chặng trước mặt. Hiện nay họ đang ở đâu trên con đường nên thánh, đó là điều họ phải quyết tâm không được thắc mắc, không được tìm hiểu, để sống tín thác trọn vẹn. Nếu muốn vén màn của mầu nhiệm này, họ sẽ đánh mất niềm vui sâu xa họ có được, khi quên mình đi, để Chúa lo liệu.

Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, vị thánh gương mẫu của lối sống tín thác, thường nói rằng : “Tôi là đồ chơi, là trái banh nhỏ của Hài đồng Giêsu. Chúa muốn làm gì thì làm với trái banh nhỏ này. Ngài chơi với trái banh, hoặc thích lấy kim băng chọc lủng rồi liệng nó vào một góc nhà, thì trái banh nhỏ vẫn sung sướng, vì Chúa thích làm như vậy”. Thánh nữ còn ưa thích những lúc bị buồn rầu, bởi vì, hơn những khi được an ủi, đó là lúc chị thánh có được niềm vui sâu xa làm Chúa vui, dầu đây là niềm vui không cảm thấy. Không cảm thấy, nhưng chị thánh tin chắc Chúa vui và thương chị, vì chị đã chịu đau khổ, chịu mất vui để làm cho Chúa vui.

Để hoàn tất bó hoa những bông hoa tươi đẹp mà chúng ta đã hái được trên mảnh đất đầy gai góc của những đau khổ, chúng ta phải nói về đức ái là nữ hoàng các loài hoa, nữ hoàng các nhân đức. Đức ái cũng thường mọc lên và nở ra rất lớn và rất đẹp nơi có nhiều gai góc. Đó là hoa hồng, mà ta biết “không thể có bông hồng mà không có gai”. Có nhiều loại bông hồng, và thứ đẹp nhất là lòng mến đau khổ.

Không thể có lòng mến Chúa đích thực, nếu không biết yêu mến đau khổ. Điều này chúng ta đều biết và đều có kinh nghiệm. Nhưng có đau khổ nào lớn hơn và qúi trọng hơn đau khổ dứt chúng ta ra khỏi sự sung sướng vì cảm thấy mình được Chúa an ủi, được Chúa yêu thương ? Chúng ta có những đau khổ khác, khi mất tiền của, mất danh vọng, mất tình thương của những người thân, mất sức khoẻ. Còn những buồn sầu và những chán nản thiêng liêng, là vì chúng ta bị mất đi những của thiêng liêng vô cùng qúi trọng. Thật là đau khổ khi ta phải từ bỏ của cải, từ bỏ cha mẹ và bạn hữu, và từ bỏ mình vì Chúa. Nay ta lại “mất” Chúa thì còn gì đau đớn bằng. Sự buồn sầu thiêng liêng, sự mất những an ủi thiêng liêng không còn là cảnh lưu đày xa vắng cha mẹ, xa vắng quê hương, nhưng là xa vắng Thiên Chúa ! Những buồn sầu thiêng liêng, sự mất mọi an ủi thiêng liêng cho ta có cảm giác là ta sống xa Chúa, không còn có sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài. Đó là cảnh lưu đày, lưu đày thiêng liêng. Nếu tình trạng lưu đày này kéo dài, nó sẽ thật sự là một cuộc tử đạo.

Vậy chúng ta hãy yêu mến những cơn thử thách này vì đó là những cơ hội để ta tỏ lòng mến yêu Chúa Giêsu và chịu đau khổ vì Ngài. Nếu chúng ta không có thể thực hành những việc hãm mình lớn lao, chúng ta vẫn có thể chịu những cơn buồn sầu thiêng liêng một cách quảng đại, và như thế để chứng tỏ lòng mến nồng nàn và tinh ròng của chúng ta. Điều này còn tốt cho việc nên thánh của ta hơn là nhiều thử thách khác.

Vẫn còn một loài hoa nữa của đức mến, rất được qúi chuộng : nó có tên là yêu mến sự bé nhỏ và sự nghèo khó của mình. Những linh hồn đã tiến xa trong tình yêu mến tinh ròng biết rõ loài hoa này, một loài hoa mà nhiều người không biết đến. Khi các linh hồn này thấy mình yếu đuối, bất lực, thiếu quảng đại, xấu xa, họ cảm thấy một thứ vui thú vì sự khốn khổ của mình. Họ cảm thấy vui vì những sự khốn nạn, cả vì những lỗi lầm của họ. Họ không những cam chịu mà còn vui mừng thấy mình là hư vô và xấu xa tội lỗi. Tại sao thế ? Bởi vì lòng mến Chúa tinh ròng đòi hỏi phải có sự chê ghét bản thân mình. Cái mặt tiêu cực của lòng mến tinh ròng chính là sự chê ghét bản thân mình. Bởi vậy hạnh phúc thánh thiện gồm hai yếu tố : một là vui sướng ngắm nhìn và yêu mến những vẻ tuyệt hảo của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu, coi đó như là những nét tuyệt hảo của mình, – hai là niềm vui được gớm ghét những sự xấu xa của cái tôi, coi đó là những sự khốn nạn do kẻ thù để lại trong linh hồn ta.

Linh hồn yêu mến sẽ sung sướng vì niềm vui kép này. Nó vui sướng vì thấy mình xấu xa, tự bản thân nó rất bất toàn và tồi tệ, cái tôi mà xưa kia nó yêu chiều và qúi mến thì nay nó thấy rõ là đáng ghét. Và sự xấu xa của cái tôi càng nêu cao những vẻ đẹp vô cùng của Thiên Chúa. Nay chúng ta liệng thật xa cái tôi xấu xa đó, như một chiếc áo đầy chấy rận và hôi hám mà xưa kia chúng ta đã yêu chiều, và chúng ta đặt tất cả niềm vui và lòng mến yêu nơi vẻ đáng yêu vô cùng của Thiên Chúa mà chúng ta coi như cái tôi mới của mình. Bởi vậy chúng ta vui mừng khi thấy kẻ thù xưa kia bị vạch mặt và bị chê ghét. Lòng mến yêu Chúa khiến chúng ta vui mừng sung sướng vì kẻ thù chung của Chúa và của ta đã hiện nguyên hình trong sự xấu xa của nó, nó đã bị vạch mặt, và chúng ta không còn sợ bị dụ dỗ và lừa dối bởi những vẻ hấp dẫn dối trá của nó nữa.

Yêu mến sự yếu đuối và bé nhỏ của mình để càng gia tăng sự yêu mến Chúa vô cùng tốt đẹp là niềm vui mà chỉ một số linh hồn đã cảm nhận. Đó là những linh hồn bé nhỏ và khiêm nhường. “Cha đã mặc khải những điều đó cho những kẻ bé mọn”. Đó là một sự qúi mến và một niềm vui rất ít linh hồn biết cảm nhận. Qúi mến và vui vì sự xấu xa của mình ! Thường các linh hồn chỉ cảm thấy buồn và chán nản vì sự xấu xa của mình ! Thánh Phanxicô Salêsiô thích nói về niềm vui mầu nhiệm ta cảm thấy, khi nhận biết mình đáng chê ghét. Còn thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu đã viết những lời rất tốt lành về vấn đề này. Chị thánh thường nói : “Tôi đã có những sự yếu đuối, nhưng tôi vui mừng vì những chuyện đó. Cảm thấy mình yếu đuối và bé nhỏ là điều thật ngọt ngào.”

Đó là lòng mến yêu rất tinh ròng mà những buồn sầu  thiêng liêng cho ta có cơ hội thực tập. Nếu nó chỉ sinh ra có bông hoa này, bông hoa của lòng mến và của đức khiêm nhường, thì cũng đủ cho ta qúi mến những cơn mất an ủi đó. Bông hoa này rất đẹp lòng người làm vườn là Chúa Giêsu. Vậy chúng ta hãy xin ơn sủng mạnh mẽ này là ơn duy nhất có sức giúp ta cảm nghiệm được niềm vui thần bí khi chê ghét mình vì lòng mến Chúa. Hơn bất cứ ơn nào khác, ân sủng này sẽ giúp ta giết chết con người cũ ở trong ta.

Niềm vui của lòng mến không luôn luôn được cảm thấy. 

– Người ta sẽ vấn nạn rằng : Đúng, theo lý thuyết, sự mất an ủi có thể là dịp để ta thực tập nhiều nhân đức, nhưng trong thực tế, sự buồn sầu  không giúp ta thực hành các nhân đức đó, nhất là không thể vui khi thực hành các nhân đức đó. Vui vì sống tín thác, vui vì được đau khổ vì Chúa, vui vì đã quên mình vì Chúa Giêsu, vui vì chê ghét bản thân mình: Tất cả những niềm vui đó có thể có khi ta được an ủi, chớ không có khi ta bị buồn sầu  thiêng liêng.

Trước hết, ta đừng lộn, và phải phân biệt niềm vui cảm giác và niềm hạnh phúc sâu xa, rất hiện thực mặc dầu không nếm được bằng giác quan. Trong những lúc khô khan chán nản, chắc chắn chúng ta không cảm thấy niềm vui cảm giác vì đã sống tín thác, vì chịu đau khổ vì Chúa, vì đã sống quên mình, nhưng rõ ràng chúng ta thấy an vui nơi đáy lòng mình, và thỏa lòng vì đã biết hy sinh vì Chúa. Rồi chúng ta càng tấn tới trên đường thiêng liêng, càng dứt mình ra khỏi những vật hữu hình, chúng ta sẽ càng cảm thấy nơi sâu xa của tâm hồn mình sự bình an và hạnh phúc của lòng mến yêu tinh ròng.

Nhưng còn một điều khó khăn hơn và quan trọng hơn, đó là, khi không có niềm vui cảm giác, chúng ta không biết thực hiện những hành vi nhẫn nhục vâng theo ý Chúa, yêu mến Chúa. Đầu óc chúng ta nặng nề, và trái tim chúng ta mê mẩn : nói lên lời yêu mến Chúa, nói lên lời nhẫn nhục vâng ý Ngài, tỏ lòng tín thác nơi Ngài trong những giờ phút đó, xem ra qúa khó khăn, qúa đau lòng đối với ta. Có thể ví như muốn nâng lên một cái gì nặng ngàn cân ! Nhưng ta cũng biết một hành vi yêu mến và tín thác như thế sẽ rất đẹp lòng Chúa, làm Chúa vui vô cùng. Chúng ta có thể dâng lên Chúa những hành vi như thế cách đơn sơ, chỉ bằng một tâm tình, bằng một cái nhìn mến yêu, bằng một lời than thở.

Những hành vi “trực tiếp” của linh hồn thì vô cùng qúi giá. 

– Nếu những hành vi như thế được coi là qúa khó khăn, không thể thực hiện nhiều lần được, thì cũng nên biết có một loại hành vi khác, những hành vi “trực tiếp” của tâm hồn, nghĩa là những hành vi không phản tỉnh, không ý thức. Đó là những hành vi ta không ý thức, hoặc không hoàn toàn có ý thức. Thiên Chúa thấu suốt tâm can ta, chỉ mình Ngài thấy rõ những hành vi đó, và Ngài rất vui lòng. Đó là những tâm tình rất thầm kín và tự phát của tâm hồn ta. Những lời nói không cần được nói lên của tâm hồn ta, và được tâm hồn ta không ngừng nói lên để tỏ lòng yêu mến Chúa.

Một người mẹ hiền ân cần chăm lo cho đứa con đau yếu, phải chăng bà chỉ yêu dấu con bà khi bà vỗ về hôn hít con bà ? Không, tình thương nồng nàn của bà đối với đứa con đau yếu của bà đã luôn luôn nồng nàn đêm ngày. Từng phút, tâm hồn bà nghĩ đến đứa con với biết bao lo lắng và yêu thương. Nỗi buồn sầu, sự lo âu của bà là những biểu lộ của tình thương người hiền mẫu. Nhìn đứa con yêu với niềm lo âu là một hành vi yêu thương, một hành vi “trực tiếp”, không phản tỉnh.

Đối với chúng ta khi buồn sầu, mất an ủi thiêng liêng, cũng vậy : buồn sầu  vì thiếu vắng Chúa cũng là một hành vi yêu mến Chúa. Và hành vi này không ngừng phát ra từ tâm hồn yêu mến của ta, như một mạch phát ra từ một nguồn nước sâu thẳm và tràn đầy. Tất nhiên nước này chỉ làm mát cho Chúa Giêsu, chỉ Ngài được vui, còn chúng ta vẫn cảm thấy buồn. Nhưng điều đó có hệ chi đối với tâm hồn nồng nàn yêu mến Chúa ?

Hoặc là chúng ta sống tín thác trong tay Chúa, trọn vẹn tin tưởng vào tình thương của Ngài, mặc dầu cảm thấy mình như bị bỏ rơi. Nép mình vào Chúa, làm như muốn ngủ yên trong vòng tay Chúa, phải chăng đó không phải là những hành vi tín thác “trực tiếp”, không phản tỉnh, của lòng mến yêu ? Rồi, nếu đôi khi chúng ta có những hành vi mến yêu tỏ tường, có ý thức, thì đó là hành vi của đứa bé ôm hôm mẹ nó, để tỏ lòng mến yêu mẹ nó, trong khi vẫn được ngủ yên trong lòng của mẹ nó.

Những con đường mà Chúa dắt chúng ta đi qua là thế nào đi nữa, dầu là những an ủi, dầu là Chúa cất đi những an ủi, chúng ta hãy tin chắc rằng những ngày tháng chúng ta sống đều tràn đầy những hành vi có công trước mặt Chúa. Chúng ta hãy nhìn những cánh đồng lúa với từng ngàn cây lúa mang nặng những hạt lúa vàng : những cây lúa tốt lành đó đang đu đưa những bông lúa vàng nặng trĩu, mỗi khi gió thổi nhẹ. Chính Thiên Chúa săn sóc từng cây lúa đó, từng bông lúa và từng hạt lúa đó. Thiên Chúa đã vì thương yêu ta, làm cho những cây lúa này sinh ra những hạt lúa để nuôi sống ta. Vậy Thiên Chúa yêu thương linh hồn ta muôn ngàn lần hơn thế, lẽ nào Ngài không chăm lo cho linh hồn ta, để nó sinh những hoa trái tốt lành là các nhân đức ?

Nếu chúng ta yêu mến Chúa thì những ngày có vẻ trống rỗng nhất, những ngày linh hồn ta mất an ủi và sống buồn sầu, những ngày ta đau yếu, cũng vẫn là những cây lúa với những bông lúa đầy những hạt lúa vàng : đó là những hành vi nhân đức “trực tiếp”, không phản tỉnh, không ý thức rõ rệt. Điều duy nhất chúng ta phải lo giữ, là đừng cố tình chiều theo lòng tự ái. Bởi vì trong cánh đồng thiêng liêng của linh hồn, bên cạnh những hành vi “trực tiếp” của lòng mến Chúa, cũng có những hành vi “trực tiếp” của lòng tự ái : đó là những hạt lúa lép của lòng tự ái.

Nếu chúng ta hiểu được giá trị của những hành vi yêu mến “trực tiếp”, những tâm tình không nói lên đó, chắc chúng ta sẽ giữ được bình an những khi bị buồn sầu, những khi bị Chúa rút đi những an ủi. Và bây giờ chúng ta biết rằng những hành vi mến yêu tỏ tường, có ý thức, có phản tỉnh, chỉ là cách bày tỏ rõ ràng tâm tình của ta đối với Chúa, nhưng không vì thế mà đẹp lòng Chúa hơn và có công phúc hơn. Điều cần phải nhớ là phải từ bỏ niềm vui vì mình đã có những hành vi yêu mến đó. Phải từ bỏ niềm vui cảm giác của các hành vi nhân đức mà Chúa đã giúp ta thực hiện, và dành tất cả niềm vui cho Chúa Giêsu. Chắc chắc điều này không dễ, vì nó đòi hỏi phải từ bỏ mình, phải quên mình đi, và yêu mến Chúa nhiều.

Từ bỏ niềm vui vì hoạt động của mình. 

– Bởi vậy mà buồn sầu, mất an ủi thiêng liêng, là ơn rất qúi trọng. Nó bắt ta thật sự chết cho bản thân mình. Tính tự ái của con người vẫn thích cảm thấy mình thực hiện được những hành vi đạo đức. Sự thầm hài lòng về mình như thế là thứ rượu làm say mê lòng con người, và con người rất khó bỏ được sự ưa thích này. Bởi vậy không phải một hai cơn buồn sầu, mà cần cả trăm lần bị khô khan và buồn sầu, để hủy diệt tính tự ái mà ta thấy nơi sự hài lòng về mình đó. Cái thứ cỏ gấu rất khó nhổ này, nó đâm rễ rất sâu trong linh hồn ta, cho nên phải rất nhiều lần, chúng ta phải cảm nghiệm đi cảm nghiệm lại sự hoàn toàn bất lực của ta trong đời sống thiêng liêng, cảm thấy mình nặng nề và yếu đuối, thì rồi chúng ta mới nhổ tận rễ được nó. Để nhổ thứ cỏ tai hại này, để giúp ta thật sự chết cho bản thân mình, Chúa Giêsu sẵn sàng để chúng ta vướng vào những nết xấu, để cho chúng ta có những sa ngã nho nhỏ cho biết thân, và để cho chúng ta phạm vào những điều bất trung bổ ích cho ta. Ngài không coi gì là qúa, nếu cần phải như thế để tiêu diệt tính tự ái rất nguy hại cho ta.

Bởi vậy Ngài thường dùng sự buồn sầu, mất an ủi thiêng liêng, để ta không còn cảm thấy niềm vui, không còn cảm thấy tiến bộ, không còn hứng thú khi thực hành các nhân đức. Vậy chúng ta phải an vui và vững tin rằng chính Ngài rút lấy niềm vui và niềm an ủi của ta, để mưu ích cho linh hồn ta. Và Ngài vui khi thấy ra vâng theo ý Ngài và tiếp tục sống tín thác. Chúa rất vui thỏa, vì những hành vi “trực tiếp” của niềm tín thác, của lòng khiêm nhường và lòng mến của ta, bởi vì tâm hồn ta không ngừng phát ra những tâm tình đó trong những cơn thử thách đau đớn của ta.

II.  TÔI VẪN CÓ THỂ LÀM VUI LÒNG CHÚA GIÊSU. CẢ KHI TÔI CẢM THẤY NHƯ NGƯỢC LẠI.

–   PHẢI PHÂN BIỆT NIỀM VUI VÌ LÀM ĐẸP LÒNG CHÚA, VỚI NIỀM VUI VÌ CẢM THẤY MÌNH ĐẸP LÒNG CHÚA.

–   YÊU MẾN THIÊN CHÚA CỦA NIỀM AN ỦI, CHỚ KHÔNG YÊU MẾN NHỮNG AN ỦI CỦA CHÚA.

–   CÓ THỂ KHÁT KHAO MONG CHỜ CHÚA TRỞ LẠI.

Tôi vẫn có thể làm vui lòng Chúa Giêsu. 

– Nếu chúng ta khát khao yêu mến Chúa, khát khao quên mình đi để tận hiến cho Ngài, thì chúng ta còn cần điều gì nữa để sống an vui khi bị buồn sầumất an ủi ? Ước nguyện của ta ở đời này là gì ? Là làm vui lòng Chúa Giêsu, và kết hiệp với Chúa Giêsu để làm vui lòng Chúa Cha. Đó là ước nguyện tuyệt đối và vô điều kiện của chúng ta, và đó là ước nguyện mà Chúa Giêsu sẽ không đòi hỏi ta phải hy sinh cho Ngài. Ngoài ra, bất cứ ước vọng nào Ngài cũng có thể đòi hỏi ta phải hy sinh. Ngài có thể xin ta hy sinh một lối sống nào đó, hy sinh một ân sủng thần bí, hy sinh một cha linh hướng ta yêu qúi, hy sinh một công việc tông đồ, hy sinh những việc có vẻ thành công trong đời sống thiêng liêng của ta. Ngài có thể xin ta hy sinh một niềm an ủi thiêng liêng, một chương trình nên thánh v.v…. Nhưng không bao giờ Ngài đòi ta hy sinh niềm vui cao cả của linh hồn, là vui vì làm đẹp lòng Ngài. Niềm vui đó cũng là niềm vui lớn nhất của Thánh Tâm Ngài, Ngài chỉ ước ao ban cho ta thôi. Làm sao Ngài có thể từ chối ta ? Làm sao Ngài có thể cất lấy khỏi ta ?

Hỡi linh hồn yêu mến và chỉ ước ao một điều là làm vui lòng Chúa Giêsu, bạn hãy vui mừng ! Dầu chương trình của Chúa về bạn là thế nào đi nữa, dầu Ngài dẫn đưa bạn đi bất cứ con đường nào, trong an vui cũng như trong buồn sầu, bạn luôn có thể làm vui lòng Chúa và Chúa vui nhiều vì bạn. Làm vui lòng Chúa là lẽ sống của bạn. Không làm được như thế, bạn sẽ không có thể sống. Chúa Giêsu biết rõ điều này. Để làm vui lòng Chúa, chỉ có một điều phải làm : đó là làm hết sức để sống theo ý Chúa, sống tín thác trong tay Ngài. Và điều này thì bạn luôn có thể làm được. Cả trong những lúc buồn sầu tối tăm, bạn vẫn có thể làm được điều đó, làm theo sự có thể của bạn. Trong một niềm tin trần trụi, bạn có thể nhắm mắt tín thác cho tình thương của Chúa. Chúa Giêsu không đòi hỏi gì hơn. Chúa không bao giờ đòi hỏi bạn một việc gì qúa sức mình. Như vậy, vững tin như vậy bạn sẽ ở trong đại dương của bình an, vì biết rằng mình có thể mãi mãi làm vui lòng Chúa. Niềm xác tín này sẽ mang lại sự trong sáng và sự đơn sơ tốt lành cho đời sống thiêng liêng của bạn. Bởi vì bạn vững tin rằng, mặc dầu trăm ngàn dao động ở bên mặt, nhưng nơi sâu thẳm của tâm hồn, một niềm an vui rất phẳng lặng sẽ luôn luôn được giữ vững, vì bạn luôn luôn có thể làm vui lòng Chúa Giêsu vô cùng yêu mến.

Cả khi ta cảm thấy ngược lại. 

– Nói thế không có nghĩa là chúng ta cảm thấy niềm an vui đó, vì đây là một niềm vui mà linh hồn không cảm thấy khoái trá. Không, một niềm an vui cảm giác sẽ chỉ nuôi dưỡng tính tự ái của ta do được vui hưởng. Niềm an vui này thường chỉ là niềm vui thiêng liêng, hoàn toàn thiêng liêng, không cảm thấy, một niềm an vui ở tận đáy linh hồn và chúng ta không cảm thấy, không có ý thức, nhưng không phải vì thế mà không phải là một niềm vui hiện thực. Nên nhớ : trên kia chúng ta đã nói rằng Chúa Giêsu không bao giờ đòi hỏi chúng ta hy sinh niềm an vui cao cả là được làm vui lòng Ngài. Nhưng nhiều khi thoạt trông như chúng ta lầm rồi. Đúng thế, có những cơn thử thách ghê sợ và lâu dài, khi mà không những chúng ta không cảm thấy vui vì làm vui lòng Chúa và được Chúa yêu thương, mà còn cảm thấy mình không còn đẹp lòng Chúa nữa. Mình đang làm Chúa phiền lòng. Và Chúa Giêsu có vẻ đã ngoảnh mặt đi khỏi ta. Ôi ! Sự đau khổ lớn lao ! Ôi sự hoài nghi ghê sợ ! Tôi còn sống làm gì nữa, nếu Chúa Giêsu không còn sống ở trong tôi ? Những hy sinh của tôi, những sự hãm mình của tôi còn có ý nghĩa gì nữa, nếu chúng không làm vui lòng Chúa Giêsu ? Trầm hương của lời cầu nguyện của tôi và của lòng mến của tôi không bay lên tòa Chúa nữa sao ?

Hỡi linh hồn bị khủng hoảng và rất đáng thương, bạn hãy cứ tín thác, cứ sống tín thác luôn ! Dầu xác thịt nặng nề, dầu tâm hồn bạn chán nản, bạn hãy vững tin vào Chúa Giêsu, hãy tin rằng bạn vẫn sống đẹp lòng Ngài. Chúa Giêsu vẫn thương yêu bạn như trước, Chúa vẫn yêu thương bạn như những lúc thân yêu nhất trước đây. Hãy tin tưởng vào tâm tình sâu xa của bạn, rằng bạn chỉ sống chết vì Chúa. Có bao giờ niềm tín thác làm bạn thất vọng đâu ! Và giờ đây, niềm tín thác đó cũng sẽ không lừa dối bạn. Khi cơn giông tố này sẽ qua đi và bình an trở lại trong linh hồn bạn, bạn sẽ lại nghe thấy tiếng nói dịu hiền của Chúa Giêsu. Ngài sẽ nói cho bạn biết Ngài vẫn luôn ở trong tâm hồn bạn, Ngài đã rất vui lòng thấy bạn can đảm và đầy tin tưởng trong cơn thử thách. Và niềm tín thác trọn vẹn, nhắm mắt tín thác của bạn, đã làm Chúa hết sức vui lòng.

Đừng lẫn lộn niềm vui vì sống đẹp lòng Chúa với niềm vui vì cảm thấy mình đẹp lòng Chúa.

– Bởi vậy đừng lộn niềm vui vì sống đẹp lòng Chúa, làm Chúa vui lòng, với niềm vui vì cảm thấy mình sống đẹp lòng Chúa. Chúng ta có thể sống rất đẹp lòng Chúa, làm Chúa vui lòng, nhưng không có ý thức và cảm giác nào về việc đó. Đôi khi có thể chúng ta còn có cảm giác ngược lại, cảm thấy những nghi nan ghê sợ : đó là trường hợp “những đêm tối của các giác quan” và nhất là “những đêm tối của tâm trí”. Nhưng nếu lòng mến của ta chân thành và tinh ròng, chúng ta vẫn tin rằng mình sống đẹp lòng Chúa, đồng thời chúng ta hy sinh dâng cho Chúa niềm vui vì không cảm thấy. Thật ra, nếu ta chỉ quan tâm đến niềm vui của Chúa, chỉ chú ý làm vui lòng Ngài, thì cảm thấy hay không cảm thấy mình làm vui lòng Chúa có hệ gì lắm ! Miễn là Chúa vui, miễn là tôi làm vui lòng Ngài. Thế là đủ, và thế là tất cả đối với tôi. Tôi muốn có niềm vui của Ngài, chớ không phải niềm vui của tôi, và tôi sẵn sàng hy sinh cho Ngài niềm vui cao cả vì biết mình làm vui lòng Ngài, nếu Ngài đòi hỏi tôi điều đó.

Đó là điều thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu đã bày tỏ một cách rất dễ thương như sau. Lúc còn ở nhà Tập, chị thánh đã viết cho Mẹ Agnès : “Mẹ hãy xin Chúa Giêsu cho con lòng mến yêu vô tư. Con không ước ao có lòng mến cảm động. Chỉ cần Chúa Giêsu cảm thấy con mến Ngài là đủ”[1]. Chị Thánh còn viết cho chị Maria của mình như sau : “Con gái bé nhỏ của chị chẳng nghe thấy thiên thần ca hát gì hết, cuộc du ngoạn hôn lễ của nó rất khô khan. Chị sẽ tưởng nó buồn lắm phải không ? Không đâu, trái lại nó hân hoan bước theo Chàng chỉ vì yêu mến Chàng, chớ không phải vì các hồng ân của Chàng. Chàng tuyệt vời ! Cả khi Chàng im lặng, cả khi Chàng ẩn mình đi”[2].

Yêu mến Chúa của những an ủi, chớ không yêu mến những an ủi của Chúa. 

– Chúng ta có cảm tưởng mình không còn làm vui lòng Chúa, khi mình rơi vào những lúc bị khô khan, mất an ủi. Đó là một cảm tưởng sai lầm. Trên kia chúng ta đã chứng minh rằng chính những cơn buồn sầu, những lúc bị khô khan, là những cơ hội rất tốt lành để ta thực hiện những hành vi khiêm nhường sâu thẳm, nhắm mắt tín thác trong tay Chúa, và yêu mến thập giá Chúa Kitô. Đó là những cơ hội giúp ta chết hẳn cho bản thân mình. Cho nên đó là những cơ hội để ta làm vui lòng Chúa Giêsu.

Lợi ích lớn nhất của những cơ hội này là chúng cho ta có dịp yêu mến Chúa Giêsu bằng một lòng mến tinh ròng và vô tư. Đúng thế, những khi ta được an ủi, ta dễ bị cám dỗ yêu mình và tin cậy nơi bản thân mình. Chúng ta tưởng như có cánh để bay bổng, và chúng ta dễ tưởng đó là do sức của mình. Hơn nữa chúng ta cảm thấy niềm vui của lòng mến, cho nên ta dễ đi đến chỗ niềm vui của Chúa, những an ủi của Chúa, hơn là yêu mến Chúa của niềm vui và của những an ủi. Trái lại, khi ta bị buồn sầu, bị khô khan, mất an ủi, không thể xảy ra chuyện đó. Nếu ta tiếp tục yêu mến Chúa, thì sẽ là lòng mến tinh ròng : ta yêu mến Chúa vì Ngài mà thôi, không phải vì những hồng ân Ngài ban, không phải vì được an ủi. Khi đó, ta dứt mình ra khỏi những niềm an ủi, để chỉ yêu mến bản thân Thiên Chúa mà thôi.

Nguyên tư tưởng này cũng đủ thuyết phục chúng ta phải qúi mến những sự khô khan và những khi chán nản, bị mất an ủi. Nếu chúng ta ước ao yêu mến Chúa bằng một lòng mến tinh ròng, chúng ta phải vui vẻ đón chào những cơ hội để yêu mến Chúa như thế, những cơ hội mà Chúa gửi đến cho ta vì thương yêu ta. Tất nhiên, điều này không dễ chút nào. Nhưng không sao ! Chúng ta càng yêu mến Chúa, càng tấn tới trong lòng mến tinh ròng, chúng ta sẽ càng biết qúi mến những cơ hội đó. Thánh nữ Têrêxa thường nói : “Chúng ta hãy yêu mến Chúa Giêsu tới mức chấp nhận mọi sự Ngài muốn cho ta, cả những sự khô khan và những tâm tình có vẻ lạnh lùng. Yêu mến Chúa mà không cảm thấy sự ngọt ngào của lòng mến, đó mới là yêu mến nhiều. Nhưng đó là một thứ tử đạo… Vậy chúng ta hãy sẵn sàng tử đạo !”[3]. Như vậy chắc chắn chúng ta sẽ làm Chúa vui nhiều, nếu chúng ta vững lòng mến yêu và tín thác khi bị chán nản.

Bạn muốn là người bạn thân tín của Chúa Giêsu ? Bạn muốn an ủi Ngài thay cho biết bao người vô ân bạc nghĩa đối với Ngài ? Vậy bạn hãy quyết tâm yêu mến Ngài trong lúc chán nản cũng như khi được an ủi. Hãy yêu mến Ngài trên Núi Sọ cũng như trên núi Tabor ! Hãy yêu mến Chúa Giêsu bằng một lòng mến tinh ròng, thay cho những linh hồn chỉ yêu mến Ngài vì được an ủi, vì nhận được những hồng ân, và như vậy là họ tự yêu mình hơn là yêu mến Chúa.

“Thiện chí ! Yêu mến Chúa luôn, mọi nơi và mọi lúc ! Đó là tất cả chương trình của tôi từ lúc này. Chúa Giêsu sẽ lo mọi chuyện khác cho tôi. Tôi sẽ yêu mến Chúa luôn, yêu mến Ngài dầu có phải chịu đau khổ, chịu thiệt thòi, yêu mến Chúa mà không cảm thấy vui gì hết, yêu mến khi đau khổ, yêu mến trong chán nản, trong khô khan, trong tối tăm, trong nghi nan, trong những cơn cám dỗ, trong những viễn ảnh đen tối về tương lai : đó là phần dành cho tôi, bao lâu Thầy Chí Thánh muốn như thế. Tôi biết Ngài nhân lành, tôi biết Ngài thương yêu tôi. Tôi tin vào tình thương của Ngài. – Lạy Chúa Giêsu, được yêu mến Chúa như thế này, con vui sướng lắm. Để vui hưởng Chúa, con có cả một sự đời đời, nhưng để làm Chúa vui vì lòng mến của con, lòng mến được tỏ bày bằng đau khổ và hy sinh, con chỉ có cuộc đời ngắn ngủi này. Vậy Chúa hãy dùng đau khổ của con để làm vinh danh Chúa ! Hãy tận dụng khả năng chịu đựng của con, để khi chết, tất cả con người con biến thành mến yêu”[4].

Có thể khát khao trông đợi Chúa trở lại.

– Như thế có nghĩa là chúng ta không được khát khao mong ước Chúa trở lại chăng ? Không phải thế, những ước ao khát vọng đó là dấu hiệu của lòng mến thiết tha, và rất đẹp lòng Chúa. Tất cả các thánh đều đã cảm nghiệm những niềm ước ao nồng nàn đó, và các thánh đã khóc trong những khi bị buồn sầu, mất an ủi. Thánh Bênađô đã có những vần thơ rất đẹp như sau : “Ôi Giêsu rất dịu hiền của con, là hy vọng của linh hồn than vãn, những nước mắt sùng mộ của con tìm kiếm Chúa, từ đáy lòng tiếng kêu của con kêu gọi Chúa !”. Trong vấn đề này, chúng ta hãy theo sự thúc đẩy của ân sủng. Có những lúc, hãy sống tín thác và an bình ngủ đi trên chiếc gối êm dịu của niềm tín thác mến yêu. Có những lúc, ta thức dậy khỏi giấc ngủ, và mến yêu giơ hai tay lên với Đấng mà lòng ta nồng nàn yêu mến.

III.  SỰ BUỒN SẦU KHIẾN CHÚNG TA CHẠY ĐẾN CÁC KHO TÀNG CỦA CHÚA GIÊSU, ĐẤNG ĐẦY ĐỦ CHO TA, ĐANG SỐNG TRONG TA.

– Ý TƯỞNG ĐÚNG VỀ SỰ BUỒN SẦU : ĐÓ LÀ MÙA ĐÔNG, CŨNG CẦN THIẾT CHO ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG NHƯ SỰ AN ỦI LÀ MÙA XUÂN.

–   SỰ KHOAN DUNG CỦA CHÚA GIÊSU ĐỐI VỚI NHỮNG SỰ YẾU ĐUỐI CỦA TA TRONG NHỮNG LÚC BỊ BUỒN SẦU.

Sự buồn sầu khiến ta chạy đến các kho tàng của Chúa Giêsu. Đấng đầy đủ của ta, Ngài đang sống trong ta. 

– Nay chúng ta đã thấy : có nhiều lý do khiến ta phải qúi mến và yêu mến những cơn thử thách, những lúc bị buồn sầu. Nếu chúng ta xác tín điều đó khi còn được bình an và an vui, thì nó sẽ giúp ta rất nhiều khi bị buồn sầu, mất an ủi. Nhưng phải thú thật rằng : nhiều khi, rất nhiều khi, niềm xác tín đó cũng như những tư tưởng khác chẳng giúp gì cho ta, khi lâm vào đau khổ và bị thử thách. Đó là vì Chúa Giêsu muốn chúng ta chạy lại nương náu trong Thánh Tâm Ngài, vì đó là nơi nương náu an toàn duy nhất.

Khi chúng ta cảm thấy mình nghèo khổ, buồn phiền, lạnh lẽo, không có lòng mến ; Khi chúng ta thấy mình không có gì để dâng tiến Chúa…, cho nên quá mệt mỏi, chúng ta chỉ còn cách chạy lại Chúa Giêsu. Điều này đúng cho tất cả mọi người, nhất là đúng cho những linh hồn đã quen sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Những khi bị khô khan, và thấy mình nghèo nàn, đầy những sự xấu xa khốn nạn, tự nhiên họ chạy lại cầu cứu nơi Chúa Giêsu, Đấng rất đầy đủ cho họ, để tìm thấy nơi Ngài những tâm tình thờ lạy, đền tạ và yêu mến. Họ nhớ lại rằng họ không sống một mình và yêu mến Chúa một mình, nhưng có Chúa Giêsu sống trong họ và với họ. Họ tin rằng đời sống của họ chỉ là sự sống của Chúa Giêsu ở trong họ: Chúa Giêsu dùng họ để tôn thờ và mến yêu Chúa Cha.

Đôi khi trong những lúc được an ủi, họ đã thấy Chúa tỏ sự hiện diện của Ngài cách tỏ tường. Một tàn lửa mến yêu thần linh của Thánh Tâm Chúa Giêsu thiêu đốt con tim họ, gây nên một lòng mến nồng nàn và êm dịu khôn tả. Những khi khác, những khi mất an ủi, họ không cảm thấy lửa mến của Chúa nữa, nhưng họ biết Trái Tim Chúa vẫn đập và vẫn yêu mến Chúa Cha ở trong họ. Chúa Giêsu vẫn ở đó, Ngài không bỏ đi đâu hết. Bây giờ cũng như trước đó, linh hồn họ không một mình yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa. Chúa Giêsu chỉ ẩn mình đi nơi đáy linh hồn họ, cho nên từ trái tim họ, trầm hương của lòng mến thần linh của Chúa Giêsu vẫn không ngừng bay lên trước tòa Chúa Cha hằng hữu.

Bạn không còn cảm thấy rằng lòng mến yêu của Chúa Giêsu thấm nhập vào tâm trí và tâm hồn bạn để yêu mến Chúa Cha ? Thì có quan hệ gì đâu ! Chúa Giêsu vẫn ở đó, nơi đáy tâm hồn bạn thay vì quảng đại, khát khao hy sinh, và thay vì cảm thấy tín thác và mến yêu, bạn chỉ cảm thấy khô khan và chán nản. Nhưng có sao đâu ? Bạn vẫn có nơi đáy lòng mình những điều qúi giá gấp trăm ngàn lần những tâm tình mà bạn có khi được an ủi, bởi vì  bạn dễ bị cám dỗ tin tưởng vào bản thân mình. Còn bây giờ bạn vẫn có những sự toàn hảo khôn sánh của Chúa Giêsu đang sống ở trong bạn.

Đúng thế, thay vì những viên ngọc kém cỏi, những hạt kim cương giả, tức các nhân đức của bạn, bạn vẫn có thể dâng lên Thiên Chúa những viên ngọc và kim cương vô giá là các nhân đức thần linh của Chúa Giêsu. Bạn có thể dâng lên Thiên Chúa đức khiêm nhường vô cùng sâu thẳm, niềm tín thác trọn vẹn, sự quên mình hoàn toàn và đức mến vô cùng nồng nàn của Chúa Giêsu. Đó là niềm vui đích thực của bạn, dầu là một niềm vui không cảm thấy. Và đó cũng là cách thế để bạn làm đẹp lòng Chúa và dâng lên Ngài một hy lễ vẹn toàn thánh thiện, và đáng được Ngài chấp nhận. Sự buồn sầu sẽ trở thành những giây phút ơn phúc cho bạn, nếu trong cảnh bần cùng và khốn khó của mình, bạn biết nghĩ đến kho tàng vô cùng qúi giá của bạn là những nhân đức và công nghiệp của Chúa Giêsu đang sống ở trong bạn.

Ý tưởng đúng về sự buồn sầu : đó là mùa đông, cũng cần thiết cho đời sống thiêng liêng như sự an ủi là mùa xuân. 

– Chúng ta phải có một ý tưởng đúng và chính xác về sự buồn sầu, mất an ủi, dưới mọi hình thức của nó : những lúc khô khan, buồn nản, tối tăm, chán ngán các việc đạo đức, không muốn cầu nguyện v.v… Chúng ta nên biết : Chúa là người làm vườn, Ngài cần phải có sự thay đổi 4 mùa để cho cây cối tăng trưởng và sinh hoa kết qủa. Ngài là người thợ kim hoàn, Ngài cần phải thanh tẩy linh hồn ta khỏi những chất dơ bẩn còn bám vào nó, để làm cho nó trở thành viên kim cương tốt đẹp trước mặt Cha trên trời.

Nhiều linh hồn thiếu kinh nghiệm đã hiểu lầm rằng mất an ủi là một hình phạt, cũng như niềm an ủi là một phần thưởng cho những hy sinh của họ. Một ảo tưởng tai hại ! Đôi khi điều này có thể đúng, nhất là đối với những linh hồn mới bước vào đường nhân đức. Nhưng đại đa số các trường hợp thì, trong chương trình của Chúa, những cơn buồn sầu, mất an ủi, lại là dấu Chúa yêu thương linh hồn cách riêng : buồn sầu là một ân sủng đặc biệt Chúa dùng để đưa linh hồn lên cao hơn, đi tới sự kết hợp với Ngài.

Nếu ta không ý thức về một lỗi phạm hoặc một sự bất trung nào của mình, thì không nên tự làm khổ mình bằng những sự xét mình đi, xét mình lại như thế. Những lo âu đó là không chính đáng. Tốt hơn, ta hãy hạ mình trước mặt Chúa, xin lỗi Chúa vì tất cả những lỗi lầm xưa kia, và những gì quên sót, rồi hãy giữ tâm hồn thư thái trong niềm tín thác đầy mến yêu. Trong lúc này, chúng ta rất cần phải có niềm tín thác để đứng vững trong những quyết tâm của mình. Đừng thay đổi gì trong cách sống của mình. Đừng đi tìm nơi những tạo vật một sự an ủi nào, để bù vào những an ủi mà Chúa đã rút đi. Chúng ta cần đến tất cả nghị lực của tâm hồn mình, để đứng vững và lợi dụng tốt những thời gian qúi báu này theo thánh ý Chúa[5].

Nói chung, tình trạng mất an ủi không phải là sự Chúa phạt ta vì đã bất trung hoặc đã sao lãng trong đời sống đạo đức. Đó chỉ là một phương tiện qúi báu và cần thiết Chúa dùng để thanh tẩy ta. Những khi được an ủi và những lúc mất an ủi cũng giống như mùa xuân và mùa đông của đời sống thiêng liêng. Những sự an ủi của Chúa cho ta thấy những sự tuyệt hảo và sự đáng mến vô cùng của Chúa, để đốt lửa yêu mến của ta, trái lại những buồn sầu, mất an ủi cho ta thấy sự khốn khổ của bản tính con người, vẻ xấu xa của những nết xấu, khiến ta thật lòng chê ghét mình và gớm ghét cái tôi của mình : đó là những mùa xuân và những mùa đông không thể thiếu trong đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Những thay đổi kế tiếp nhau giữa các mùa như thế đã được Thiên Chúa xếp đặt cách khôn ngoan và đầy yêu thương, để dẫn đưa chúng ta trên con đường nên thánh và kết hiệp mật thiết với Chúa. Thiên Chúa thay đổi và kéo dài thời gian của mỗi mùa, tùy theo nhu cầu của mỗi linh hồn.

Vậy không có lý do gì để lo buồn, khi thời gian bị mất an ủi kéo dài. Chúng ta thường nghĩ lầm rằng như thế mình mất đi bao thời gian qúi báu. Ừ, mình đang tiến bước mau lẹ trên đường trọn lành, với sự đồng hành của Chúa Giêsu. Thế rồi, đùng một cái, Ngài biến mất. Chúng ta có cảm tưởng như Chúa Giêsu đã bỏ rơi chúng ta. Chúng ta không tiến bộ nữa. Nghĩ thế là sai lầm ! Không, không, Chúa Giêsu không bỏ rơi ta đâu. Ngài không quên ta đâu. Ngài ước ao sự trọn lành của ta hơn chúng ta nhiều. Ngài rất ước ao sự thánh thiện của chúng ta. Ngài làm ra vẻ bỏ quên chúng ta như thế là một ân sủng đặc biệt qúi trọng. Nay Ngài làm việc ở bề sâu, nơi đáy linh hồn ta, để loại bỏ những chướng ngại vật cuối cùng cho sự kết hiệp thần linh. Ngài làm việc không ngừng nghỉ, suốt ngày đêm, một cách vô cùng nhẫn nại và với một niềm mong ước lớn lao. Ngài tỉa những nhánh vô ích để cho cây thêm tươi tốt. Ngài để cho mùa đông tiếp theo sau mùa xuân. Ngài có ý để cho mấy bông hoa rụng xuống, và Ngài lặng lẽ hái mấy trái mà Ngài thấy đã chín. Ngài biết cây đang lớn lên và khi đến mùa hạ, Ngài sẽ có được những bông đẹp hơn và những trái ngon hơn trước, cho tới khi Ngài hái được những trái tuyệt vời của lòng mến yêu trọn vẹn.

Lòng khoan dung của Chúa Giêsu đối với những sự yếu đuối của ta trong khi bị buồn sầu.

– Sau cùng, đừng quên rằng Chúa Giêsu vô cùng nhân từ và khoan dung. Nếu trong những khi bị thử thách, bị mất an ủi, chúng ta có tỏ ra thiếu quảng đại cách nào, hoặc có sao lãng phần nào, chúng ta đừng nghĩ rằng Chúa Giêsu buồn giận ta và mọi sự đã hỏng hết. Chúa biết ta yếu đuối, ta gặp khó khăn, Chúa thấu hiểu tất cả, cho nên nếu chúng ta vẫn cố gắng giữ vững thiện chí và lòng trung thành, thì Chúa dễ dàng bỏ qua những sai lỗi nho nhỏ của ta.Vậy chúng ta đừng buồn và nghĩ rằng : “Tôi đã không quảng đại khi buồn sầu, mất an ủi. Tôi vác thập giá, nhưng đã không vác cách khẳng khái. Tôi đã vác cách nặng nhọc, gần như bị thập giá đè ngã qụy. Rồi tôi đã có những sai lỗi trong thời gian bị buồn sầu…. Tôi đã sống qúa tự nhiên, thiếu tinh thần siêu nhiên. Thật là khác xa với khi còn được an ủi !” – Chúa Giêsu biết rõ tất cả những chuyện đó. Ngài biết rõ hơn ta nhiều, vậy mà Ngài cứ gửi những thử thách đến cho ta, vì Ngài biết chúng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho ta. Ngài biết những lỗi lầm nho nhỏ đó của ta sẽ được đền bù cách rộng rãi bởi sự trung thành của ta, sự nhẫn nhục, lòng khiêm nhường và niềm tín thác của ta. “Diligentibus Deum omnia cooperantur in bonum. – Đối với những ai yêu mến Thiên Chúa, mọi sự đều mang lại những điều tốt lành” (Rm 8,28). Miễn là chúng ta trung thành yêu mến Chúa và ước ao ngày càng làm vui lòng Ngài hơn, thì dầu ta vẫn phạm phải những sai lỗi nho nhỏ, chúng ta hãy tin rằng những cơn thử thách thiêng liêng sẽ sinh ích cho ta và, chen kẽ với những khi được an ủi, sẽ dẫn ta tới đỉnh cao của con đường trọn lành. 

 

[1] Esprit de Ste Thérèse de l’Enfant Jésus (Tinh thần của thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu). Ch.III Lòng mến vô tư, tr. 35

[2] Histoire d’une âme (Tiểu sử một linh hồn) : Các thư, tr. 349.

[3] Esprit de Sainte Thérèse de l’Enfant – Jésus, § III. Amour désintéressé, p.36

[4] Jos. Schryvers, La bonne volonté, p. 53

[5] Về vấn đề này, chúng ta phải ghi nhớ lời dạy của thánh Inhaxiô, vị thầy vĩ đại của khoa tu đức, về những qui luật để biện biệt các tinh thần (luật số 5). Luật này dạy rằng : Những giờ phút chán nản, mất an ủi không phải là giờ phút tốt để phán đoán cách lành mạnh về mọi sự, bởi vậy không nên thay đổi những quyết tâm của mình hoặc cách sống của mình trước đó.

Chia sẻ Bài này:

Related posts