Niềm Tín Thác – Chương XVII: TÍN THÁC TRONG NHỮNG ĐÊM TỐI

I.   THẦN BÍ KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ PHI THƯỜNG.

–   NHỮNG GIAI ĐOẠN LỚN CỦA CUỘC SỐNG THẦN BÍ.

–   NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐÊM TỐI CÁC GIÁC QUAN.

–   MỤC ĐÍCH CỦA THIÊN CHÚA GIẢI THÍCH NHỮNG ĐAU KHỔ CỦA ĐÊM TỐI.

Thần bí không có nghĩa là phi thường. 

– Những gì chúng tôi trình bày trên đây để an ủi và nâng đỡ những linh hồn bị buồn sầu, đều có giá trị cho tất cả mọi thứ thử thách thiêng liêng được gọi chung là buồn sầu, mất an ủi. Nhưng còn một loại thử thách dành cho những linh hồn thần bí, những thử thách đặc biệt ghê sợ vì cường độ và thời gian kéo dài của chúng. Những linh hồn bị thử thách như vậy thật rất đáng thương. Họ phải được an ủi, nâng đỡ, được khích lệ luôn và cách đặc biệt, để có thể chịu đựng những thử thách rất đau đớn này.

Đây là cuộc sống thần bí. Đối với nhiều người, chỉ nghe nói đến thần bí là đã làm họ sợ hãi lắm. Vậy ngay từ trước khi vào đề, cần phải có một giải thích để ngăn ngừa những sai lầm và đánh tan những ngộ nhận.

Trước hết, cuộc sống thần bí không phải là một cuộc sống phi thường như nhiều người tưởng tượng. Một vị đại thánh của thời đại chúng ta, thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu đã đạt tới những đỉnh cao nhất của cuộc sống thần bí và của sự thánh thiện, nhưng điều phi thường nhất trong cuộc đời của chị thánh, là xem ra không có gì phi thường hết. Chị thánh thường nhắc đi nhắc lại đến nhàm chán rằng : con đường nên thánh của chị là con đường tín thác trìu mến, con đường thơ ấu thiêng liêng, chẳng có gì là phi thường hết. Người ta đã không thấy nơi chị thánh những thị kiến, những mặc khải, và như chúng ta biết, đã không có những sự xuất thần nào hết. Đó là một cuộc đời rất bình thường và phần lớn trải qua trong khô khan và buồn sầu, mất an ủi.

Bản chất chủ yếu của cuộc sống thần bí không ở tại những hiện tượng đôi khi xảy ra trong nơi các vị thánh như các thị kiến, các sự xuất thần, các lời nói siêu nhiên. Đời sống thần bí ở tại sự triển nở đầy đủ những hồng ân của Chúa Thánh Thần, giúp linh hồn trở nên hoàn toàn thụ động dưới sự tác động của ân sủng, luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa. Sự triển nở này là hiệu qủa của những ân sủng đặc biệt và nhưng không của Chúa, có tên là “những ân sủng tác thành”. Những ân sủng này ở ngoài tầm tay của chúng ta : chúng ta chỉ có thể dọn tâm hồn để đón chờ, chứ không có thể tạo ra cho mình.

Và nên nói ngay về sự chiêm niệm thần bí mà chúng ta không nên đồng hóa với cuộc sống thần bí. Chiêm niệm thần bí là một ánh sáng Chúa phú bẩm cho trí tuệ và một lòng kính mến Chúa phú bẩm cho ý chí con người, dưới ảnh hưởng của những hồng ân khôn ngoan, thông minh và hiểu biết của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, chiêm niệm thần bí là một cái nhìn đơn sơ và trìu mến, có tính tổng quát và mờ mờ về Thiên Chúa và các phẩm tính của Ngài. Nó chỉ thường diễn ra trong các giờ cầu nguyện, hoặc cũng có thể thấm nhuần một số hành động nào đó của ta, và cũng có thể diễn ra suốt ngày của ta, làm cho ta kết hiệp cách trìu mến với Chúa một cách ít nhiều liên tục.

Vậy cuộc sống thần bí không có gì để ta phải hoảng sợ. Có nhiều linh hồn thần bí không có gì bề ngoài khác những người khác. Có khác chăng là họ có vẻ trầm mặc hơn chúng ta. Không ai có thể ngờ rằng họ đã qua con đường thần bí. Các bạn hãy đọc tiểu sử thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu : nếu bạn không rất chú ý, bạn sẽ không thấy gì là cuộc sống thần bí. Phải có con mắt khá từng trải mới nhận ra những dấu chỉ… Như vậy, không những thường chúng ta không nhận ra những linh hồn thần bí đang sống bên cạnh chúng ta, mà chính những linh hồn đó cũng không ý thức về cuộc sống của họ, nhất là vào giai đoạn khởi đầu đời sống thần bí. Có thể họ sẽ rất thành thực chối cãi, nếu ta bảo họ là thần bí.

Những giai đoạn lớn của đời sống thần bí. 

– Đâu là những giai đoạn lớn của cuộc sống thần bí theo như các linh hồn thường gặp, và theo như thánh Gioan Thánh Giá, vị đại thánh tiến sĩ thần bí, đã mô tả cách tuyệt diệu trong cuốn “Đêm tối tăm” của Ngài ? Trước hết có “đêm tối của các giác quan” mà mục đích là dứt linh hồn ra khỏi tất cả những gì con người có cảm giác, để dần dần đưa nó vào việc chiêm niệm. Đêm tối này có thể kéo dài nhiều năm. Sau đó thường có một thời gian bình an và những an ủi mạnh mẽ. Rồi linh hồn được Chúa chọn để đi tới kết hiệp trọn vẹn với Ngài, sẽ bước vào “đêm tối của tâm trí” mà mục đích là thanh tẩy phần thiêng liêng của linh hồn hầu dẫn đưa nó tới bậc thánh thiện.

Chúng ta hãy nói qua về mỗi giai đoạn này, đồng thời phải nhắc cho mọi người nhớ rằng Thiên Chúa không buộc phải giữ luật lệ nào hết, và trong thực tế, các trường hợp đã diễn ra cách vô cùng khác nhau. Phải nhớ kỹ điều này để khỏi những nhận định sai lầm.[1]

Vào lúc khởi đầu đời sống thiêng liêng, Thiên Chúa thường ban (không luôn luôn) những ơn an ủi lớn lao, và Chúa càng dự tính đưa linh hồn lên cao, thì Ngài càng ban cho nó, những niềm an ủi tràn đầy và mãnh liệt, để dứt nó ra khỏi những niềm vui trần gian, vì những niềm vui này sẽ bị coi là hư vô sánh với niềm vui sâu xa của tình yêu Thiên Chúa. Rồi khi Chúa thấy linh hồn đã bỏ được những sự an ủi trần thế, Ngài bắt đầu rút đi những niềm vui thiêng liêng cảm giác. Dần dần Ngài cất đi cả những hứng thú mà linh hồn thường cảm thấy khi làm các việc của nhân đức bác ái, nhân đức khiêm nhường và những việc hãm mình. Rồi Chúa còn lấy đi cả những niềm vui của việc cầu nguyện. Chưa nhận ra những thay đổi ở trong mình, linh hồn bắt đầu cảm thấy khó suy gẫm, khó cầu nguyện bằng lý trí như trước đó. Và linh hồn bắt đầu cảm thấy chán.

Dưới sự tác động của Thiên Chúa, tất cả cuộc sống thiêng liêng của linh hồn trở thành đơn giản. Hoạt động thiêng liêng của nó xem như giảm đi một cách lạ thường. Thay vì thích cầu nguyện với nhiều tâm tình khiêm nhường, hãm mình, tín thác, quên mình, yêu mến như trước kia, thì nay nó tự nhiên thấy mình muốn thưa chuyện với Chúa một cách rất đơn sơ, hoặc chỉ đơn sơ ngồi bên cạnh Chúa trong thái độ tin tưởng và trìu mến như một trẻ nhỏ trong vòng tay của mẹ nó. Nó cảm thấy không thích và không dễ có những hành vi suy nghĩ. Từ từ và một cách âm thầm, Thiên Chúa ban cho nó hồng ân cầu nguyện phú bẩm, tức ơn chiêm niệm. Trong khi cầu nguyện, hoặc ở một lúc khác, bỗng nhiên nó cảm thấy mình được kết hiệp với Chúa bằng một cái nhìn trìu mến, một cái nhìn tổng quát và mờ mờ về Thiên Chúa nó mến yêu.

Chính sự chuyển biến đau đớn từ đời sống bình thường sang đời sống thần bí, từ suy gẫm sang chiêm niệm, được gọi là “đêm tối các giác quan”. Đó là những ngày đau khổ âm thầm, lột xác đau đớn. Linh hồn mất đi những niềm vui thiêng liêng cảm giác, lại chưa biết hưởng những niềm vui thiêng liêng tinh tuyền hơn và sâu xa hơn do chiêm niệm mang lại cho nó. Cho nên nó cảm thấy khô khan, buồn sầu. Nó thấy mình không hoạt động, nhàn rỗi, gần như sống theo thói quen.

Những năm tháng của đêm tối các giác quan đó lại càng khổ sở cho linh hồn, vì nó không nhận ra hành động của Thiên Chúa. Nó rất ước ao sống gần Chúa để kết hiệp với Ngài, nhưng nay nó thấy mình ngày càng có vẻ xa Chúa. Còn đâu những giờ cầu nguyện sốt sắng không một phút lo ra ? Còn đâu niềm ước ao chịu đau khổ vì Chúa, và còn đâu những phút say mê mến yêu Chúa ? Thậm chí cha linh hướng của nó, vì không nhận ra một biến chuyển căn bản đang hình thành trong nó, đã càng làm nó xao xuyến, bởi vì ngài khuyên nó hãy quảng đại như những ngày đầu xưa kia. Bởi vậy, có khi vì luyến tiếc sự sốt sắng nặng nề về cảm giác xưa kia, nó đã có những nỗ lực đau đớn để trở về với những cách cầu nguyện trước kia, với nhiều giờ suy gẫm và với hoạt động thiêng liêng bất an và hăng say. Nhưng những hoạt động này chỉ càng gia tăng sự bất an và đau khổ của nó, vì những hoạt động này đi ngược lại với hành động của Chúa.

Và điều làm cho tình trạng này thêm căng thẳng và đau đớn, là linh hồn có cảm tưởng như không bao giờ nó thấy ló rạng bình minh ngày được giải thoát.

Cơn thử thách này sẽ kéo dài bao lâu ? Làm sao mà biết được. Nhưng ít ra linh hồn có biết đây chỉ là một sự thử thách chăng ? Ôi ! Nếu ít ra nó biết chắc điều đó, nó sẽ được an tâm và an ủi biết bao ! Và cơn thử thách cứ kéo dài… Kéo dài vô tận ! Có thể kéo dài nhiều năm, kéo dài bao lâu tùy kế hoạch của Chúa. Cường độ của đêm tối, mức trọn lành mà Chúa muốn dẫn đưa linh hồn tới, sự linh hồn ngoan ngoãn vâng theo hành động thanh tẩy của Chúa, mức nặng nề của những điều bất toàn mà nó cần được thanh tẩy đó là những nhân tố có thể quyết định cho thời gian dài ngắn của những đêm tối.

Tất nhiên những đêm tối không luôn luôn ghê sợ. Đôi khi những cơn gió cũng nhẹ dần, nhưng trái lại đôi khi nó gia tăng cường độ như vũ bão. Nói chung, thường cơn thử thách đau đớn này kéo dài nhiều năm. Linh hồn không thể làm gì để chấm dứt tình trạng này. Không một luận lý nào, không một kế hoạch nào có thể giải thoát nó. Thiên Chúa thanh lọc nó như luyện vàng trong lò lửa : khi nào Ngài thấy nó đã đạt tới mức trong sạch như Ngài muốn, lúc đó mây mù sẽ tan biến, ánh sáng rực rỡ sẽ chiếu tỏa và Thiên Chúa sẽ lại ban cho linh hồn những niềm vui tuyệt diệu của tình thương của Ngài. “Này mùa đông đã qua, những trận mưa đã xa rồi. Các bông hoa đã xuất hiện trên đất của ta. Hỡi người bạn tình của ta hãy chỗi dậy và lại đây !”. (Dc 2,11-13).

Theo lời thánh Gioan Thánh Giá, Thiên Chúa  thường để cho linh hồn được nghỉ ngơi nhiều năm[2]. Ngài lại cho nó được hưởng những sự an ủi ngọt ngào, những niềm vui cao hơn, tinh tuyền hơn, ít cảm giác hơn. Chúa tỏ mình ra cho nó nơi phần cao nhất của tâm hồn : nơi đó, qua một đường lối mà các giác quan chưa từng biết tới, Ngài đổ đầy linh hồn bằng những ánh sáng thiên phú và làm cho nó say mê vẻ đáng mến thần linh của Ngài. Ngài lại cho nó cảm thấy sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài, một cách sâu thẳm hơn trước kia. Bởi vậy nhiều khi linh hồn lại say mê yêu mến, và nhiều khi không cầm nổi những xúc động của mình, nó đã rung động lên vì mến yêu nồng nàn. Những khi khác, nó an nghỉ rất bình an và đầy trìu mến trên lòng Chúa. Như vậy mỗi ngày nó mỗi kết hiệp chặt chẽ hơn với Chúa.

Và niềm tín thác đã cùng lớn lên với tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa cho linh hồn cảm thấy sự ngọt ngào của tình thương của Ngài, cho nên linh hồn sung sướng thề thốt trung thành và trọn vẹn tư tưởng nơi Ngài. Đó là những năm tháng an vui hạnh phúc để linh hồn lo dự trữ thật nhiều niềm tín thác cho những năm khô héo sau này. Nó lấy sức để đương đầu với cơn thử thách lớn lao sẽ xảy đến cho nó, nếu nó được kêu gọi lên cao hơn trên con đường thánh thiện. Nói thế, vì như thánh tiến sĩ thần bí đã viết, con số những linh hồn trải qua đêm tối các giác quan thì lớn, những con số những linh hồn quảng đại và trung thành, được Chúa dẫn đưa tới cuộc thử thách gay go cuối cùng, để lên tới bậc kết hiệp trọn vẹn, thì bé nhỏ.

Vậy khi đến giờ Chúa đã định, linh hồn lại bước vào đêm tối, lần này là đêm tối ghê sợ của tâm trí, sự thanh tẩy thụ động đích thực. Chỉ những linh hồn đã trải qua những cơn hãi hùng của đêm tối ghê sợ này, mới biết nó đau đớn dường nào. Theo lời thánh Gioan Thánh Giá, đó là luyện ngục ở đời này, thay cho luyện ngục sẽ chờ đợi ta ở đời sau[3].

Bây giờ linh hồn sẽ được thanh tẩy nơi phần linh thiêng nhất của nó : trí tuệ, trí nhớ và ý chí. Các nhân đức hướng thần của nó, đức tin, đức cậy và đức mến, sẽ được ơn thông minh của Chúa Thánh Thần thanh tẩy khỏi những khiếm khuyết và những bất toàn nhỏ mọn nhất. Linh hồn phải chết cho mình, nghĩa là từ bỏ những cách suy nghĩ và hành động theo loài người. Nay đúng là lúc nó ăn no bánh đau thương, và uống mật đắng của những cơn gian truân. Linh hồn có thể mượn lời vua thánh Đavid để than rằng : “Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con vì nước đã dâng lên tới cổ họng, con bị lún sâu xuống sình lầy, chẳng biết đứng vào đâu cho vững. Con chìm sâu trong dòng nước thẳm, sóng dạt dào đã cuốn con đi. Con kêu hoài kiệt sức, họng con đã ráo khô. Đôi mắt con mòn mỏi, trông chờ Thiên Chúa tới” (Tv 68,2-4).

Nhiều khi đêm đen tối qúa, màn đêm dầy đặc qúa, linh hồn muốn nhớ lại những ngày đầy ánh sáng mà không được. Thay vì cảm tưởng của sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa khi xưa, nay linh hồn chỉ cảm thấy sự vắng bóng của Ngài. Và thay vào những lúc chuyện vãn thân tình với Chúa, nay chỉ là một sự thinh lặng buồn sầu. Nó tìm kiếm Chúa đủ cách, nhưng vô ích. Nó tha hồ kêu gọi Ngài, vẫn chỉ là vắng lặng : “Tôi đã tìm Người lòng tôi yêu mến, nhưng không gặp”. (Dc 3,1).

Còn hơn ở thời kỳ đêm tối các giác quan, nay linh hồn có cảm tưởng và ý thức rằng mình đang lùi lại. Đôi khi nó có cảm tưởng như mình đang rơi xuống vực thẳm. Nó thấy chóng mặt. Nó tưởng như mình sẽ sa hỏa ngục. Những nghi nan và lo sợ này chỉ là những trường hợp tối đa, ít khi xảy ra, nhưng trong đa số các trường hợp linh hồn có cảm tưởng như mình không còn đẹp lòng Chúa. Chúa giận nó. Chúa không thèm lòng mến yêu của nó… Và nó thấy nó nghĩ đúng ! Làm sao Thiên Chúa có thể dành tình yêu hiệp nhất cho một linh hồn xấu xa như nó ? Làm sao Thiên Chúa có thể kết hiệp thân mật với một linh hồn kiêu căng và ích kỷ như nó ? Đúng rồi, Thiên Chúa không còn yêu thương nó nữa, nó cảm thấy rõ ràng, không thể sai lầm được. Và đáng buồn thay ! Chính nó hình như cũng không còn yêu mến Chúa nữa ! Ngọn lửa đức ái thần linh thiêu đốt linh hồn nó xưa kia, nay đã tắt. Điều này nó thấy rõ hơn ban ngày, và nó đã cố gắng thắp lại ngọn lửa đó mà không thành.

Nhưng nếu tình yêu của Thiên Chúa không còn là tình yêu dễ cảm thấy nữa, thì Ngài lại đặt vào linh hồn đó một tình yêu bao la, một lòng mến yêu qúi mến[4]. Tuy linh hồn thấy Chúa vắng bóng, vì Ngài đã ẩn mình đi, nhưng nó vẫn thấy Chúa vô cùng đáng mến. Linh hồn không còn cảm thấy sự ngọt ngào của lòng mến, nhưng nó vẫn bị thu hút bởi tính đáng mến vô cùng của Ngài. Nó muốn yêu mến Chúa đến điên dại, vì nó thấy Ngài vô cùng đáng qúi yêu và thương mến. Nhưng từ vực sâu của đêm tối phát ra một tiếng nói ghê sợ : “Ngươi không đáng yêu mến Ngài. Ngài không thương yêu ngươi nữa, và ngươi cũng chẳng mến yêu Ngài nữa. Không còn yêu thương gì nữa”. Đáng buồn thay! Đó cũng là điều linh hồn cảm thấy, dầu nơi đáy linh hồn nó, vẫn còn leo lét một ánh lửa cậy trông, khiến nó tin ngược lại, nhưng nó vẫn không hoàn toàn tin tưởng.

Ôi ! Những áy náy của lòng mến nơi linh hồn này ! Một cực hình cho nó. Những niềm ước ao mến yêu bao la, những đau khổ trong lòng mến, đó là tình mến yêu rất lớn lao. Nhưng vì bị lóa mắt bởi ánh sáng chói chang của hình vi thanh tẩy của Chúa. Giống như chim cú bị lóa mắt bởi ánh sáng ban ngày, cho nên nó không nhận ra (chính vì ánh sáng qúa mạnh, mà mắt của linh hồn còn qúa yếu, bị lóa, cho nên thử thách này có tên gọi là “đêm tối”). Các cha linh hướng của nó có thể thấy rõ đấy, và có dạy bảo nó, nhưng làm sao nó có thể tin lời các ngài, vì nó thấy các ngài nói sai sự thật. Nó yêu mến Chúa hết lòng, yêu mến nhiều lắm, nhưng đồng thời nó cảm thấy không có tình yêu nào hết. Nó có thể kêu lên như Angêla đệ Fôlignô : “Thật vậy, khi tôi nhìn vào lòng Chúa thương tôi, tôi thấy lòng mến của tôi chỉ là một trò đùa vô duyên và một sự dối trá đáng chê ghét”[5]. Đó, cái đau khổ của đêm tối là thế : thấy mình không được Chúa thương và hình như mình không yêu mến Chúa ! Bên cạnh sự đau khổ này, tất cả mọi đau khổ khác đều không đáng kể nữa. Thật vậy, đau khổ này giống như án phạt trong hỏa ngục. Nó phản ảnh những hình khổ của hỏa ngục. Đau khổ này giống như đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá xưa, khi Ngài phải than rằng : “Lạy Chúa Trời của con ! Ôi Chúa Trời của con, sao Chúa bỏ rơi con ?”.

Và đêm tối thứ hai này cũng kéo dài nhiều năm. Sự thường, trong một thời gian dài, linh hồn chỉ cảm thấy mật đắng thuần túy. Không có một giọt an ủi nào. Nhưng sau khi cuộc thanh tẩy ghê sợ này kết liễu, linh hồn bắt đầu thở được[6]. Thỉnh thoảng bình minh ló rạng nơi chân trời. Thỉnh thoảng Thiên Chúa ẩn mình trước đây lại tỏ mình ra, làm cho linh hồn nhảy mừng hoan lạc. Nó bắt đầu cảm thấy lòng mến bao la của nó đối với Thiên Chúa, nó lại bắt đầu có ý thức về lòng mến của nó, đối với Thiên Chúa. Những áy náy, những lo âu của nó về lòng mến Chúa đã tan biến, nhưng linh hồn vẫn cảm thấy bị thương tích trong tình yêu Thiên Chúa. Nỗi đau khổ hiện nay và từ nay về sau của nó là, tuy yêu mến Chúa hết lòng, nó vẫn thấy chưa yêu mến Ngài được phần nào như Ngài đáng mến yêu. Cho nên nó sẽ ra sức yêu mến Ngài, và làm cho nhiều người yêu mến Ngài qua việc tông đồ. Niềm ao ước mến yêu không nguôi đó sẽ là như hình khổ luôn luôn thôi thúc nó, và sự tương phản giữa những vẻ tuyệt hảo của Chúa và sự xấu xa ghê tởm của nó sẽ giúp nó hoàn toàn từ bỏ bản thân mình. Như vậy, công việc thanh tẩy sẽ dần dần kết thúc, và đêm tối sẽ dần dần đổi thành ban ngày đầy ánh sáng huy hoàng của sự kết hiệp biến đổi của tình yêu thần linh. Linh hồn bước ra khỏi cơn thử thách, hoàn toàn đổi mới và như được thần linh hóa. Nay Thiên Chúa sống viên mãn trong linh hồn và thay đổi các hoạt động của nó bằng những hoạt động của Ngài.

Những đặc điểm của đêm tối các giác quan.

– Chúng tôi sẽ không đi vào những chi tiết của các sự thanh tẩy thụ động. Nếu họ muốn, và có sự ưng thuận của cha linh hướng, họ có thể đọc cuốn Đêm tối tăm của thánh Gioan Thánh Giá. Đây chúng tôi chỉ đưa ra một vài suy nghĩ thôi.

Trước hết làm sao phân biệt giữa trường hợp đó là đêm tối các giác quan, và trường hợp bị khô khan là do sự nguội lạnh của mình… Thánh Gioan Thánh Giá chỉ cho ta ba dấu hiệu khá đặc trưng, nhưng phải sử dụng chung cả 3 dấu hiệu thì mới có thể đạt được sự chắc chắn mong muốn.

Dấu chỉ thứ nhất : Trong đêm tối tăm các giác quan, linh hồn không cảm thấy ngọt ngào và an ủi trong các việc đạo đức, nhưng đồng thời cũng không cảm thấy vui sướng nơi các vật thọ tạo và các sự thế gian, bởi vì ơn hiểu biết của Chúa Thánh Thần đang tác động trong linh hồn, làm cho nó thấy rõ tính hư vô của các sự thế gian.

Dấu chỉ thứ hai : Trong đêm tối tăm các giác quan, linh hồn vẫn nhớ đến Chúa với một niềm ân cần và lo sợ mình đang lùi lại phía sau, vì thấy mình không còn cảm thấy hứng thú trong các việc đạo đức. Đây là lúc ơn kính sợ Chúa, một ơn của Chúa Thánh Thần, sẽ hành động trong linh hồn. Sự lo sợ này cho thấy sự khô khan của nó không do tính nguội lạnh hoặc do bệnh tật phần xác, nhưng do Chúa làm, vì “Ngài muốn chuyển mọi ơn lành và sức mạnh từ lãnh vực giác quan sang lãnh vực tinh thần”. Các giác quan không còn nhận được gì nữa, nhưng tinh thần bắt đầu được nuôi dưỡng bằng một thức ăn mới. Thoạt tiên linh hồn không thấy ngon ngọt gì hết, vì nó chưa quen với thứ vị lạ và qúa tinh vi này. Thức ăn linh thiêng mới này là khởi đầu của việc chiêm niệm tối tăm và khô khan.

Dấu chỉ thứ ba : Đó là linh hồn cảm thấy khó suy gẫm như trước kia, bằng suy luận và bằng trí tưởng tượng. Lý do là vì Thiên Chúa bắt đầu tỏ mình ra cho linh hồn không qua các giác quan, hoặc qua lý luận nữa, nhưng qua tinh thần thuần túy, mà tinh thần thuần túy thì không dùng suy luận : Thiên Chúa tỏ mình ra cho linh hồn qua một sự chiêm niệm đơn giản. Ở đây, chính ơn thông minh của Chúa Thánh Thần sẽ khai tâm cho ta về một cách nhận biết Chúa tốt hơn. Bởi thế, linh hồn cảm thấy muốn và dễ dàng ở bên Chúa cách rất đơn sơ. Nó sung sướng được ở một mình với một mình Chúa, nhìn Ngài với tất cả lòng mến yêu trìu mến, không suy nghĩ gì hết, và cũng không có ý tưởng nào hết.

Khó suy gẫm là điểm chủ yếu của dấu chỉ thứ ba. Nó thường xảy ra thường xuyên và ngày càng rõ rệt. Nhưng nó không xảy ra đều đặn, mà là lúc hơn lúc kém. Có những ngày nó rất mạnh, nhưng có những lúc lại nhẹ hơn.

Nơi tình trạng này của đêm tối các giác quan, chúng ta thấy hai yếu tố tiêu cực : một là sự khô khan, tức mất hết các sự an ủi cảm giác, hai là khó suy gẫm. Đồng thời cũng có một điểm tích cực, đó là linh hồn bắt đầu biết chiêm niệm do ơn Chúa phú bẩm, và linh hồn rất khát khao yêu mến Chúa. Sự khát khao này do chiêm niệm sinh ra. Chính yếu tố tích cực này là nguyên nhân của hai yếu tố tiêu cực kia : sự khô khan và khó suy gẫm như thế là do nay ân sủng đã mang một hình thức mới, tinh thần hơn, vượt trên các giác quan và cả trí tưởng tượng. Thiên Chúa cất thức ăn cảm giác đi và ban cho linh hồn một thức ăn mới, tốt hơn nhiều, nhưng nó chưa cảm thấy ngọt ngào, vì chưa quen ăn. Cũng như đứa bé mẹ nó không cho bú nữa : nó bắt đầu mọc răng, nó qua những ngày đau ốm, nhưng dần dần nó tập ăn những thức ăn mạnh hơn, và cũng dần dần nó cảm thấy ngon.

Như vậy chúng ta mới hiểu tại sao trong đêm tối các giác quan, tuy chỉ cảm thấy chán ngán và khô khan trong việc cầu nguyện, linh hồn vẫn luôn nhớ đến Chúa và khát khao Ngài. Nó vẫn luôn tưởng nhớ đến Chúa. Điều này chứng tỏ sự khô khan của nó không do nó nguội lạnh với Chúa.

Mục đích của Thiên Chúa giải thích lý do những đêm tối này.

– Điều quan trọng là ta phải biết mục đích Thiên Chúa theo đuổi trong những đêm tối này và đừng bao giờ quên lãng. Thiên Chúa cần phải gột rửa linh hồn sạch khỏi tất cả những gì nghịch với sự kết hiệp[7].  Ngài muốn dẫn đưa nó tới sự kết hiệp trọn vẹn. Bởi vậy Ngài phải gạt bỏ đi tất cả những gì cản trở sự kết hiệp đó, tẩy rửa nó sạch mọi tì vết. Như thánh Gioan Thánh Giá đã nói : “Để đạt được tất cả, cần phải bỏ đi tất cả”.

Đối với những linh hồn mà Thiên Chúa đã gỡ ra khỏi những hứng thú trần gian bằng những niềm an ủi thiêng liêng, thì chính những an ủi thiêng liêng dễ cảm giác này cũng vẫn là dịp cho những lưu luyến hỗn độn : thay vì tìm kiếm Thiên Chúa, linh hồn chỉ bám vào những hồng ân của Ngài. Đúng như chân phước Suso đã chứng minh cách tỏ tường trong cuốn sách về mười tảng đá của ngài, sự ham muốn những an ủi thiêng liêng là một chướng ngại lớn lao cho việc kết hiệp với Chúa. Bởi vậy, trong đêm tối các giác quan, Chúa cai sữa linh hồn, cất đi tất cả mọi an vui cảm giác, mọi ngon ngọt của tình yêu Thiên Chúa. Ngài để cho linh hồn bị khô khan, để bắt nó làm quen dần với một đời sống thiêng liêng thoát khỏi các giác quan, khỏi trí tưởng tượng và mọi suy luận.

Ngài còn muốn giải thoát linh hồn khỏi các cách hành sử loài người. Linh hồn còn cứ nhận thức và yêu mến theo cách đó, sẽ không thể kết hiệp với Thiên Chúa là Đấng vô cùng đơn sơ. Bởi vậy, Ngài tập cho linh hồn sống đơn sơ, giúp nó từ bỏ hoạt động tự nhiên của nó và thay vào đó một sự thụ động ngày càng lớn. Thay vì nhận biết Thiên Chúa và cầu xin Ngài bằng suy gẫm và qua những dữ kiện cảm giác, linh hồn phải nhận lấy một cách thức nhận biết siêu việt, nhận biết Chúa bằng ánh sáng thiên phú của chiêm niệm. Nó không còn nhận biết Thiên Chúa như những người khác, dựa vào những dữ kiện của giác quan và dựa vào mặc khải, nhưng nó nhận biết Chúa cách thiên phú và mầu nhiệm, nhờ một ánh sáng chiếu thẳng xuống linh hồn, không qua trung gian các giác quan. Thay vì một lòng mến yêu chủ động như trước kia, nay sẽ là một sự yêu mến thụ động, do thiên phú, một hồng ân nhưng không của Chúa. Vậy các tài năng tâm linh của nó phải được tẩy sạch cách hành động đã quen xưa nay, và phải mặc lấy cách thức thần linh, nghĩa là phải được thay đổi, phải được thần linh hóa. Tóm lại, Thiên Chúa chuẩn bị linh hồn cho cuộc sống thần linh, cho sự kết hiệp trọn vẹn, bằng cách thay thế dần dần hoạt động của nó bằng hoạt động thiên phú và thần linh của Ngài, thay sự sống nhân loại của nó bằng sự sống thần linh của Ngài.

Điều này giải nghĩa tại sao việc cầu nguyện lại trở thành khô khan như thế trong đêm tối các giác quan. Linh hồn không thể suy gẫm và luận lý nữa, hoặc chỉ có thể thực hiện cách khó khăn. Những giờ nguyện gẫm của nó trở nên trống rỗng và luôn lo ra. Thiên Chúa lấy đi khỏi trí tuệ và ý chí những đối tượng tự nhiên của chúng, rút ra từ những sự vật hữu hình, và Ngài chỉ thay thế dần dần bằng những ánh sáng yếu ớt đầu tiên của việc chiêm niệm. Linh hồn đáng thương hại chẳng biết gì về những thay đổi này, nó mất thế dựa vào giác quan, nhưng lại chưa đủ thế dựa vào việc chiêm niệm mới khởi đầu. Các giờ nguyện gẫm của nó trôi qua trong buồn chán và tẻ nhạt, bất lực.

Đàng khác, vì qúa quen với những sự việc cảm giác và sờ thấy được, nên linh hồn lúc đầu rất ít ham những ánh sáng siêu nhiêu nhiên qúa đơn sơ mà thật ra nó ít khi ý thức. Xa lạ với cách thức nhận biết và yêu mến này, nó tỏ ra bực rọc và khó chịu. Nó có cảm tưởng như mình không hoạt động gì hết, và nó muốn trở lại với những phương pháp trước kia, như chúng tôi đã nói trên đây.

Sau này, trong đêm tối của tâm trí, vì một lý do khác, chính sự chiêm niệm sẽ trở thành một nguyên nhân đau khổ của linh hồn. Trong ánh sáng chói chang, linh hồn thấy rõ sự tương phản giữa những vẻ tuyệt hảo của Thiên Chúa và cái tôi xấu xa của nó. Rồi, nhờ nhìn đi nhìn lại vẻ đáng chê ghét của bản thân, linh hồn sẽ chán ghét mình và sẽ hoàn toàn dứt bỏ mình để hoà mình vào trong Thiên Chúa.

II. ĐIỂM THEN CHỐT LÀ NIỀM TÍN THÁC. KHÔNG GÌ CÓ THỂ LÀM NẢN CHÍ LINH HỒN : DẦU LÀ THỜI GIAN QÚA DÀI CỦA THỬ THÁCH.

–   DẦU LÀ NHỮNG LO RA VÀ KHÔNG HOẠT ĐỘNG TRONG CẦU NGUYỆN.

–   DẦU LÀ SỰ KHÔNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG.

–   NHỮNG SẦU KHỔ LÀ SẦU KHỔ CỦA LÒNG MẾN.

–   NHỮNG ĐẶC ĐIỂM ĐÁNG AN ỦI CỦA NHỮNG ĐÊM TỐI NÀY.

–   MỘT SO SÁNH CỦA THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ.

–   HOÀI NIỆM CỦA NHỮNG GIỜ PHÚT AN ỦI.

–   CHÚA GIÊSU LẠI SỐNG LẠI CUỘC KHỔ NẠN CỦA NGÀI Ở TRONG TA.

Điểm then chốt là niềm tín thác : Không gì có thể làm nản chí linh hồn : dầu là thời gian thử thách quá dài. 

– Chúng tôi không tính đến việc muốn an ủi linh hồn trong đêm tối các giác quan đâu, càng không nghĩ đến việc giải thoát nó khỏi những đau khổ[8]. Thiên Chúa là nghệ sĩ nhẫn nại, Ngài mài dũa viên kim cương của Ngài cho tới khi các mặt của nó rực sáng, cho nên không ai có thể giải cứu linh hồn khỏi những đau khổ bổ ích đó. Nhưng chúng tôi chỉ có thể nói với những linh hồn rất đáng qúi mến và cũng rất đáng thương cảm đó rằng : “Hãy tín thác! Hãy luôn luôn tín thác, nhắm mắt tín thác nơi Chúa ! Ở đây cũng như ở mọi nơi mọi lúc, niềm tín thác đã không bao giờ và sẽ không bao giờ lừa dối ai”. “Lạy Chúa, con đã trông cậy nơi Ngài, con sẽ không hổ ngươi muôn đời”.

Nơi đáy linh hồn bị Chúa thử thách như thế, vẫn có như một tiếng nói thầm, bất chấp mọi sự có vẻ ngược lại : “Hãy tin tưởng và tín thác ! Mọi sự đều tốt lành. Đây có bàn tay Thiên Chúa ! Chính Ngài đang rèn luyện ngươi theo ý Ngài. Ngươi hãy vui lên ! Đây là một sự thử thách cần thiêt để dẫn đưa ngươi tới sự hiệp nhất”. Đúng thế, hỡi linh hồn yêu qúi của Chúa, bạn hãy tin vào tâm tình thầm kín sâu xa này. Vâng, mọi sự đều tốt lành. Tuy nhiên bạn đừng ước ao thấy điều đó tỏ tường, đừng suy luận liên miên để tự thuyết phục mình. Bạn hãy bước đi trong đức tin trần trụi và trong tin tưởng tín thác. Mọi sự đều tốt lành, nhưng bạn không thể thấy điều đó. Đúng vậy, bây giờ bạn không thể thấy điều đó, vì bây giờ là đêm tối. Khi ánh sáng ban ngày trở lại, bạn sẽ xem thấy và sẽ hiểu. Và bạn sẽ chúc tụng Chúa vì bạn đã nhất quyết tín thác.

Nhưng sẽ phải nghĩ sao, nếu sự thử thách này kéo dài ? Nếu xem ra nó kéo dài vô tận, thì phải chăng đó không phải là một thử thách, nhưng là một sự trừng phạt của Chúa ? Hoặc là, có thể đó là một sự thử thách, một ân sủng lúc đầu, nhưng rồi tôi đã đi lầm đường sau đó ? Có thể tôi đã làm hư tất cả do thiếu quảng đại và do không vâng theo ý Chúa ? Phải chăng tôi đã đánh mất những ơn trọng đại Chúa ban cho tôi ?

Nhiều khi chính các cha linh hướng cũng rối trí vì những sự thử thách kéo dài đó. Nó đã kéo dài nhiều năm quá ! Như vậy phần lớn cuộc đời đã diễn ra trong một thứ tình trạng bất hoạt động và uể oải thiêng liêng !

Không ! Không phải thế đâu ! Tình trạng uể oải không nên làm cho ta rối trí và nghi nan. Thánh Gioan Thánh Giá đã khẳng định : đêm tối các giác quan và đêm tối của tâm trí, cả hai loại đều có thể kéo dài nhiều năm, đôi khi rất nhiều năm, như ta thấy nơi nhiều vị thánh[9]. Và chúng ta đừng tưởng đó là những thời gian uổng phí đối với cuộc sống đời đời ! Thiên Chúa phán đoán khác hẳn. Ngài chỉ nhìn vào những biến chuyển đã thực hiện được nơi các linh hồn nhờ sự thanh tẩy thụ động này : chúng ta không thấy gì lắm về sự biến chuyển nơi đáy sâu thẳm của linh hồn, nhưng Chúa thấy rõ và Ngài rất hân hoan. Không, đó không phải là những thời gian uổng phí đâu, trái lại đó là thời gian vô cùng lợi ích và phong phú, mang lại nhiều kết qủa cho linh hồn với những hành vi yêu mến tinh ròng. Thiên Chúa dùng thời gian dài này để thanh tẩy linh hồn, chuẩn bị nó cho sự kết hiệp với Ngài.

Dầu là những lo ra và sự không hoạt động trong việc cầu nguyện. 

– Linh hồn chìm đắm trong đêm tối thường hay bị lo ra khi cầu nguyện, và đó là nguyên nhân thường sinh ra đau khổ cho nó. Nhưng chúng ta không có gì phải sợ, những sự lo ra này là điều rất tự nhiên. Khi ta chiêm niệm, chỉ có ý chí của ta kết hiệp với Thiên Chúa, và sự kết hiệp này chỉ chi phối rất ít và có khi không chi phối được trí nhớ, trí tuệ và trí tưởng tượng của ta, cho nên trong khi ý muốn của ta kết hiệp cách trìu mến với Chúa, thì trí năng của ta chạy sục sạo khắp nơi !

Thánh Phanxicô Salêsiô và thánh Têrêxa Avila đã mô tả đầy đủ sự khổ sở này của những linh hồn thần bí. Chính thánh nữ Têrêxa, vị thánh vĩ đại của chiêm niệm đã trải qua những đau khổ lớn lao. Trong nhiều năm dòng, thánh nữ không thể nguyện gẫm trong thời gian một kinh Lạy Cha mà không lo ra. Và thánh nữ đã để lại cho ta một bí quyết, không phải để thoát khỏi, vì không có cách nào thoát khỏi, nhưng để đừng bị thiệt hại vì những sự lo ra đó. Đó là “đừng bận tâm về những gõ gạc của trí tưởng tượng”. Hãy nhẹ nhàng bỏ qua đi, để mặc cho những lo ra qua đi ! Đó là những con ruồi quấy phá ta, hãy lấy tay gạt qua một bên, đừng dại đuổi theo chúng ! Thiên Chúa nhìn rõ đáy lòng ta, ý muốn của ta là kết hiệp với Ngài. Thế là đủ. Khi giờ của Chúa đến, Ngài sẽ dùng ánh sáng huy hoàng của Ngài để thu hút luôn các tài năng khác của linh hồn ta là trí tuệ và trí nhớ, để linh hồn ta trọn vẹn kết hiệp với Ngài.

Người ta sẽ vấn nạn rằng : Nhưng như thế các việc cầu nguyện của tôi đều vô ích, vì nó diễn ra một cách rất tệ. Tôi không thể để tâm suy ngắm những chân lý siêu nhiên. Tôi chán ngán nguyện gẫm. Tôi cảm thấy trống rỗng hoàn toàn, thật là khác xa với những giờ nguyện gẫm nồng nhiệt xưa kia ! – Chuyện này cũng không nên làm ta lo nghĩ, càng không nên làm ta lo sợ ! Đó là hậu qủa tất nhiên của hành động Thiên Chúa. Như đã nói trên đây, Thiên Chúa biến đổi cách cầu nguyện của bạn. Ngài dần dần loại bỏ hết hoạt động của bạn để thay vào đó hành động của Ngài, đó là một nhận thức thiên phú, một hình thức rất đơn sơ của chiêm niệm[10].  Bạn hãy an tâm. Những giờ cầu nguyện có vẻ rất trống rỗng đó lại thực sự đầy những hành vi trực tiếp của lòng yêu mến, những hành vi không phản tỉnh của lòng mến[11]. Bạn vẫn yêu mến Chúa luôn mà không nhận ra. Mỗi khi giờ cầu nguyện của bạn vẫn làm tươi nở trăm ngàn bông hoa trong tâm hồn bạn, mắt bạn không nhìn thấy, nhưng Chúa Giêsu thấy và Ngài rất vui lòng.

Dầu là sự không hoạt động của đời sống thiêng liêng. 

– Người ta còn vấn nạn thêm : Sự thiếu hoạt động mà tôi lo buồn trên đây xem ra bao trùm lên tất cả đời sống thiêng liêng của tôi. Nó làm tê liệt tất cả. Không những khó nguyện gẫm, tôi còn khó cầu nguyện bằng những lời cầu xin vắn tắt, những lời than thở, những tiếng lòng đầy lửa mến xưa kia. Tôi không có dịp thực hành đức khiêm nhường, đức nhẫn nhục, những sự hãm mình như xưa. Những cố gắng của tôi về một số vấn đề cũng có vẻ vô hiệu qủa. Tôi muốn sửa nết xấu này, tật xấu kia mà xem ra không thành công chút nào hết. – Chúng tôi cũng phải trả lời bạn như thế. Miễn là bạn làm hết sức mình, bạn đừng sợ sệt gì hết. Bạn hãy làm việc phải làm, hãy vâng theo ơn soi sáng và thúc đẩy của Chúa và đừng lo ngại gì về các hậu qủa, vì trong đêm tối bạn sẽ chẳng thấy gì. Cũng như việc cầu nguyện của bạn, các sinh hoạt hằng ngày của bạn cũng đầy những hành vi yêu mến, những hành vi nhẫn nhục và tín thác : chúng phát ra từ tâm hồn bạn, như những dòng nước tươi mát làm vui lòng Chúa. Còn như nếu những nỗ lực của bạn nhắm vào một số hướng đi đã không thành công, đó là vì Chúa muốn thể khác. Mà ta biết, hành động của Chúa thì luôn luôn phải thành tựu. Bạn không nhận ra đó thôi, Ngài đang làm cho bạn chán ghét sự hư vô của mình, tính tự ái xấu xa của mình. Dần dần và một cách bạn không nhận thấy, Ngài đang tiêu hủy tính tự mãn và tự ái của bạn. Hoạt động của bạn không đáng kể gì nữa, còn hoạt động của Chúa thì tuyệt diệu. Tính thụ động, luôn vâng theo hành động của Chúa, đó là hoạt động tốt nhất của bạn. Đó là hoạt động mà Chúa muốn thấy nơi bạn. Ngài muốn biến đổi sự hoạt động tự nhiên của bạn, biến nó thành thụ động hoàn toàn dưới sức tác động của ân sủng. Ngài làm cho bạn chết đi cho bản thân bạn, để Ngài sống và hoạt động trong bạn. Ôi ! Sự chết qúi trọng và đáng ước ao dường nào ! Vì nó biến thành sự sống thần linh…

Rồi khi sự buồn sầu trở nên nặng nề hơn, chiếc thuyền nan nhỏ bé của linh hồn bạn bị sống gió vùi dập, bạn hãy nhớ rằng Thiên Chúa không chờ gì khác nơi bạn ngoài một niềm tín thác đầy trìu mến. Đó là tất cả những gì bạn có thể làm, và đó cũng là tất cả những gì Chúa mong đợi nơi bạn. Vậy bạn đừng băn khoăn vô ích, lấy cớ là muốn lòng nhiệt thành. Điều Chúa mong đợi ở bạn lúc này là hãy đơn sơ nhìn nhận sự hư vô của mình, chúc tụng và cảm tạ Chúa đang yêu thương hướng dẫn bạn, và ngủ yên bên lòng Chúa, mặc cho sóng gió gầm thét. Chúa Giêsu ở trong thuyền với bạn. Như thế bạn còn sợ gì nữa ?

Những đau khổ của bạn là những đau khổ của lòng mến. – Đặc điểm đáng an ủi của những đêm tối này. 

– Một nguồn mạch sinh ra lo buồn cho linh hồn là nó không thể không cảm thấy như mình đang thụt lùi. Vì không hiểu tình trạng của mình và không hiểu hành động của Chúa, nó không thể không lo sợ vì những gì đang xảy ra nơi nó. Hoạt động sôi nổi của nó trong việc cầu nguyện trước kia, nay nhường chỗ cho một hoạt động âm thầm qúa giản dị, giống như một sự nhàn rỗi. Những tâm tình nồng nàn yêu mến Chúa trước đây nay chỉ còn là sự lạnh lùng. Nó không thấy ước ao hãm mình nhiều như xưa : tất cả những điều đó phải chăng là những dấu hiệu của sự nguội lạnh ? Rồi nếu cha linh hướng tìm cách trấn an nó, nó lại nghĩ rằng ngài không hiểu nó, và nó đã không biết cách trình bày mọi sự cho ngài. Nó cũng có thể nghĩ : ngài an ủi nó như thế, chỉ vì thương hại nó, chứ thật tình ngài nghĩ khác…

Ôi ! Linh hồn đáng thương ơi ! Bạn nên nhớ đây là đêm tối. Bạn hoàn toàn như một người mù. Bạn không thấy gì hết, cha linh hướng của bạn là đôi mắt của bạn, ngài nhìn thay cho bạn. Tình trạng của bạn không phải là sự nguội lạnh đâu. Lòng mến Chúa không chết, cũng không giảm đi trong bạn đâu : những lo âu, những buồn phiền của bạn, đó là dấu hiệu lòng mến Chúa của bạn. Tại sao bạn buồn? Tại sao bạn lo âu ? Đó chính là vì bạn mến yêu nhiều mà không biết. Đó là một điều chắc chắn, rõ ràng, để bạn an tâm. Bạn hãy tin như thế.

Biết bao lần bạn đã tự nhủ thầm mình : Ôi ! Nếu ít là tôi biết chắc mình vẫn đẹp lòng Chúa Giêsu, tất cả mọi đau khổ của đêm tối này sẽ không đáng kể đối với tôi. Sự lo sợ, những áy náy và đôi khi tôi hầu như thấy mình không còn được Chúa yêu thương nữa : đó chính là điều làm tôi đau khổ. – Bạn đâu có nói như thế, nếu bạn không yêu mến Chúa cách say mê mà không biết ? Bạn không có lòng mến Chúa ? Chắc chắn bạn không có lòng mến yêu cảm giác. Nhưng lòng mến yêu sâu xa của bạn đối với Chúa Giêsu làm Ngài rất vui sướng. Bạn nói không có lòng mến ? Đúng, bạn không có lòng mến yêu ngọt ngào, vui sướng. Nhưng bạn có một lòng mến yêu rất tốt lành, có thể là tốt hơn : đó là một lòng yêu mến đau khổ, thầm kín nhưng rất nồng nàn, nó làm cho bạn khát khao kết hiệp với Đấng lòng mình yêu mến. Có vui sướng vì mến yêu và cũng có đau khổ vì yêu mến. Bây giờ là lúc bạn đang uống no say đau khổ. Xưa kia bạn vui sướng vì mến yêu, nay bạn đau khổ vì yêu mến : đối với một linh hồn đã biết quên mình để chỉ yêu mến Chúa Giêsu cách tinh ròng, thì như thế không tốt hơn cho nó sao ?

Và bạn không ngờ rằng dần dần Chúa đã đặt vào tâm hồn bạn một tình mến yêu có tính qúi trọng : Ngài cho bạn thấy rõ sự xấu xa đáng chê ghét của bản thân mình, và sự thánh thiện vô cùng đáng qúi trọng và mến yêu của Chúa. Bình minh sẽ ló rạng : lòng qúi mến này sẽ khiến bạn sung sướng mến yêu Chúa tốt lành vô cùng[12] !

Không ai có thể hoàn toàn an ủi bạn, nhưng đây còn là một tư tưởng, nếu Chúa muốn, sẽ có thể khích lệ và nâng đỡ bạn vững lòng tín thác cho tới khi Chúa trở lại. Bạn tin chắc, hoặc bạn nghi ngờ rằng bạn đang đi lùi lại, thay vì tiến tới trên con đường trọn lành. Bạn tự trách mình như thế. Nhưng Chúa Giêsu có trách cứ bạn điều gì chăng ? Hay là bạn chỉ ý thức chung chung về sự bất xứng và bất trung của mình ? Bạn có thấy cần phải trách mình về một sai lỗi nào nhất định, một sai lỗi cố tình nào chăng ? Chắc là không. Bạn chỉ thấy sự xấu xa của mình nói chung và trăm ngàn những lỗi lầm sơ ý, do yếu đuối, chứ không cố tình… Bạn không thấy một lỗi phạm nào đáng kể…. Bạn nghĩ Chúa Giêsu có thể bỏ rơi bạn chỉ vì một sự bất trung vô ý sao ? Ngài rất ước ao lòng mến yêu của bạn và ước ao thấy bạn nên thánh, lẽ nào Ngài bỏ rơi bạn, đẩy bạn vào tình trạng kém cỏi chỉ vì mấy lỗi lầm do yếu đuối và sơ ý? Mà Ngài qúa biết chúng ta yếu đuối. Còn nếu như bạn sa ngã vào một lỗi lầm đáng kể, chắc Ngài đã khiển trách bạn cách rõ ràng… Chứ làm sao Ngài có thể lìa bỏ bạn mà không nói gì, không nói lời từ biệt, và rút đi khỏi bạn những hồng ân đặc biệt như thế ?

Chúa Giêsu không trách bạn điều gì đáng kể. Trái lại thì có. Vào những giờ tạm lắng dịu, tuy Ngài chưa trở lại, chưa ban cho bạn vẻ ấm áp của sự hiện diện của Ngài, nhưng bạn đã cảm thấy rằng Ngài không ở xa. Bạn cảm thấy như thế. Và phải chăng Ngài mời gọi bạn hãy sống bình an, hãy tín thác, chứ Ngài đâu có trách mắng bạn gì đâu ? Bạn hãy tin vào những giờ phút nửa sáng nửa tối đó, khi mà đêm có vẻ đỡ đen tối, và trong bóng đêm thấp thoáng có những luồng sáng chạy qua. Bạn hãy tin và hãy hướng tới những tâm tình tín thác tốt lành. Đó, chính tiếng nói của Chúa Giêsu đang thì thầm : “Con đừng sợ ! Cha đây mà” (Ga 6,20).

Nên nhớ kỹ điều này : tới một mức nào đó, đây là một đặc điểm của đêm tối các giác quan, và nhất là đêm tối của tâm trí : linh hồn ý thức sâu sắc về sự khốn nạn của mình và về sự bất xứng của mình, nhưng nó không có ý thức rõ ràng về một lỗi phạm vào nhất định, hoặc một sự thiếu quảng đại nào nghiêm trọng để đáng phải mất các ân sủng của Chúa. Bởi vậy nó không thấy Chúa Giêsu khiển trách nó về một điểm gì rõ ràng, cũng không thấy Ngài bảo nó đã mất ân sủng của Ngài vì tội này hay tội khác…

Tuy nhiên linh hồn vẫn cứ có cảm tưởng chung chung về sự bất xứng của mình, nhưng lại không thấy mình có mắc những sai lỗi nào nhất định. Nhất là trong đêm tối của tâm trí, linh hồn có cảm tưởng rõ ràng mình không còn đẹp lòng Chúa. Và đúng đây là chỗ ứng dụng câu nói của thánh Augustinô: “Lạy Chúa, Ngài đi tìm những kẻ chạy trốn Ngài và Ngài trốn những kẻ đi tìm Ngài”. Đó là điều linh hồn cảm thấy : Thiên Chúa không hài lòng vì nó. Ngài trốn bỏ nó. Nó không còn được Ngài yêu thương. Nó xấu xa qúa, làm sao đẹp lòng Ngài được ? Thiên Chúa không thương yêu nó nữa, và nó cũng không mến yêu Ngài nữa.

Cảm tưởng này phát sinh do những thay đổi lớn lao mà chúng ta đã ghi nhận nơi linh hồn : Chúa cất đi sự ngọt ngào của lòng mến yêu đặm mầu cảm giác, linh hồn thấy mình có vẻ không hoạt động gì hết, rồi nó lại thấy qúa rõ sự xấu xa của mình. Là một kẻ ăn xin, nghèo khổ và hèn hạ, làm sao nó dám nói chuyện yêu thương với Vua trời đất, làm sao dám mơ tưởng kết hiệp với Ngài ? – Đàng khác, trong đêm tối của tâm trí, Thiên Chúa còn dùng hành động của Ngài để tăng cường nỗi sợ hãi và những lo sợ của linh hồn. Ngài có ý làm cho linh hồn nghĩ rằng nó đã làm mất lòng Ngài. Ngài ẩn mình đi để khiến nó khát khao yêu mến Ngài, vì Ngài biết chắc rằng linh hồn sẽ đau khổ và khát khao Ngài. Nó sẽ kêu cầu Ngài trong tuyệt vọng, và những tâm tình đó của nó sẽ làm cho Chúa vô cùng vui sướng.

Một sự so sánh của thánh Gioan Thánh Giá. Nhớ lại những giờ phút an ủi xưa. 

– Tới lúc này, chúng ta chưa nói gì về những thử thách khác mà Chúa thường gửi đến cho các linh hồn vào thời gian những đêm tối, để gia tăng công việc thanh tẩy nó. Trong khi linh hồn đang phải chịu những buồn sầu và những lo sợ nội tâm, Chúa còn để cho nó gặp phải những chống đối, những bách hại, những phản bội của bạn bè, những hiểu lầm của các Bề Trên, và nhiều khi cả những cơn bệnh kéo dài liệt giường và đau đớn. Rồi từng lúc, nó còn bị quấy phá bởi những cơn cám dỗ nặng nề… Như vậy, ta thấy linh hồn cần phải có niềm tín thác vững vàng dường nào trong những ngày tháng đó. Và các cha linh hướng cần phải lo nâng đỡ các linh hồn đó dường nào ! Các linh hồn hãy nhớ mục đích của những đau khổ này, và hãy nghĩ đến sự kết hiệp với Thiên Chúa là phần thưởng của những cuộc chiến đấu đó. Nhớ đến Thiên Chúa vô cùng đáng mến, và nghĩ đến sự kết hiệp với Ngài, sẽ giúp họ can đảm chịu đựng mọi đau khổ để được thanh tẩy hết mọi vết nhơ, hết mọi điều bất toàn, để sau cùng được kết hiệp với Chúa.

Không ai nói hay hơn về các đêm tối giác quan và đêm tối tâm trí bằng thánh Gioan Thánh Giá[13].  Trong tác phẩm thời danh của Ngài, thánh tiến sĩ thần bí vĩ đại đã đưa ra một sự so sánh mà ngài triển khai rất đầy đủ để giúp các linh hồn biết chịu đựng và yêu mến những sự thanh tẩy rất đau đớn này, mà mục đích của Chúa là hủy diệt tất cả những gì có thể là trở ngại cho việc kết hiệp hoàn toàn của linh hồn với Ngài. Trong đêm tối các giác quan và trong đêm tối của tâm trí, lửa của đức ái thần linh và của ơn chiêm niệm thiên phú sẽ tác động lên linh hồn, để biến đổi nó thành giống hệt như Ngài, cũng như lửa vật chất tác động trên thanh củi để biến nó thành lửa. Lửa bắt đầu làm cho thanh củi còn ướt kia khô đi dần dần, khiến nhựa sống của nó chảy nước mắt ra. Sau đó, lửa làm cho nó trở nên đen như than, làm cho nó trở nên bẩn thỉu, xông ra mùi hôi, và như vậy làm lộ ra tất cả những gì là dơ bẩn có khả năng cản trở hành động của lửa. Sau cùng lửa đốt nó cháy thành lửa, sáng láng và nóng như chính bản thân lửa.

Như vậy, trước khi thực hiện sự hiệp nhất của linh hồn với Thiên Chúa, lửa mến của ơn chiêm niệm trìu mến phải thanh tẩy linh hồn sạch hết mọi thứ dơ bẩn của nó. Lửa sẽ làm lộ ra tất cả những sự xấu sa còn tiềm ẩn của nó, khiến nó trở nên tối tăm, và xem ra như nó xấu xa và bất toàn hơn trước kia. Linh hồn đáng thương hại sẽ lo sợ và than thở cách đau khổ. Lẽ ra nó phải thầm vui mừng vì nghĩ rằng cũng ngọn lửa của sự chiêm niệm trìu mến này, bây giờ có vẻ độc ác, làm cho nó đau đớn vì phải thanh tẩy khỏi những dơ bẩn của nó, thì một khi nó đã được thanh tẩy đủ rồi, lửa chiêm niệm này sẽ thiêu đốt nó trong tình yêu ngọt ngào, khiến nó quên đi tất cả những khổ cực đã qua. Nó sẽ vui sướng vì những đau khổ bổ ích và tốt lành đó, những đau khổ đã biến thành những ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa.

Sự nhớ lại những hồng ân mình đã nhận được xưa kia cũng có thể là một an ủi tốt lành, nếu ta biết sử dụng tốt. Tôi nhớ lại những năm tháng được Chúa Giêsu và Mẹ Maria ban cho dư đầy những ơn phúc, những âu yếm và ủi an trong yêu thương. Trong đêm tối tăm của tâm hồn, những hoài niệm này giống như những tia chớp loé lên trong đêm tối giúp ta nhìn thấy những thực tại mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa. Sau khi những ánh chớp qua đi, trời lại tối đen như trước, nhưng những gì ta vừa nhìn thấy vẫn tồn tại đó. Chúa Giêsu và Mẹ Maria vẫn ở đó. Tình thương của Chúa và sự âu yếm của Mẹ Maria đối với chúng ta muôn đời vững bền như trời đất. Tình thương đó, tuy tôi không cảm thấy lúc này, vì Chúa muốn như thế, nhưng tôi biết “Lòng thương xót của Chúa từ muôn thủa đến muôn đời” (Tv 102,17).

Tôi tin rằng Chúa vẫn thương yêu tôi cách dịu dàng và âu yếm như xưa, như khi Ngài ban phát vô vàn sự ngọt ngào và an ủi. Ôi ! Thật là tốt lành khi nghĩ lại những năm tháng đó : những tia chớp lóe lên kia đã giúp tôi hiểu phần nào những chân lý siêu cảm giác ! Như vậy, chúng ta sẽ được an ủi, và niềm tín thác sẽ thêm vững vàng khi ta thấy rằng cả trong đêm tối tăm và đau khổ, khi ta cảm thấy như mọi sự đã thay đổi, nhưng thật sự tất cả mọi sự vẫn như xưa.

Đúng thế, mọi sự vẫn tốt lành, không có gì đổ vỡ hết. Tình mến yêu của tôi đối với Chúa vẫn nguyên vẹn. Tôi tưởng mình không mến yêu Chúa nữa ! Xưa kia, lửa mến yêu của đức ái thần linh soi sáng linh hồn tôi, khiến nó như bị thiêu đốt bởi lòng yêu mến : khi đó Chúa muốn cho tôi thấu hiểu và như sờ thấy, như chạm tay vào những nhân đức siêu nhiên mà sự thường người ta không thể cảm nghiệm. Nhưng rồi đêm tối đã đến. Tôi không còn thấy gì nữa, nhưng tất cả những nhân đức siêu nhiên kia vẫn hiện hữu, vẫn hoạt động và rung động trong tôi một cách tàng ẩn và siêu cảm giác.

Tư tưởng này phải được coi là rất tốt lành. Nó mang lại an vui cho tâm hồn tôi và giúp tôi thêm tín thác vững vàng nơi Chúa.

Chúa Giêsu lại đang trải qua cuộc khổ nạn của Ngài ở trong ta. 

– Sự nhớ lại đêm tối các giác quan, một đêm tối kéo dài với bao nhiêu thử thách, nhưng cũng với muôn vàn hồng ân lớn lao của Chúa, sẽ có thể là một nâng đỡ cho linh hồn chìm sâu trong đêm tối ghê sợ của tâm trí. Bởi vì có những nét giống nhau giữa hai loại đêm tối này. – Đúng thế, hỡi linh hồn đáng thương, bạn hãy nhớ lại những thử thách hồi đầu. Hồi đó cũng như bây giờ bạn lo sợ và nghi nan tất cả, nhưng niềm tín thác vững vàng đã giúp bạn đứng vững cho đến khi trời lại sáng. Bạn hãy nhớ lại những ân sủng đã theo sau đêm tối : bạn đã thấy lại sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa Giêsu, Chúa âu yếm bạn hơn trước kia. Còn bây giờ cũng là đêm tối, và là đêm tối đau khổ hơn : mọi sự đều phải chết đi trong bạn để Chúa sống cách tròn đầy ở trong bạn. Nhưng cũng như xưa, rạng đông sẽ bừng lên, khi Chúa đã hoàn tất việc thanh tẩy bạn. Bạn hãy vững lòng tin tưởng và tín thác ! Chúa đã dắt đưa bạn qua con đường dài, gần tới nơi rồi, Ngài không thể bỏ rơi bạn đâu.

Rồi, trong đêm tối của tâm trí, bạn hãy nhớ rằng bạn đã từ lâu tận hiến cho Chúa, để Ngài sử dụng con người của bạn theo sở thích của Ngài, để Ngài yêu mến Cha Ngài ở trong bạn. Bạn đã hiến toàn thân cho Ngài, để Ngài hoàn toàn sống trong bạn, thế vào chỗ con người xấu xa của bạn. Bạn đã từ bỏ hưởng dụng cuộc đời của bạn, để Ngài sử dụng theo ý Ngài. Vậy bạn đừng ngạc nhiên vì phải chịu đau khổ nhiều như thế. Chúa Giêsu sống ở trong bạn thấy cần phải chịu đau khổ thêm nữa ở trong bạn và nhờ bạn. Đúng thế, Chúa Giêsu muốn chịu đau khổ ở trong bạn và nhờ bạn. Bạn phải để Ngài hoàn thành những đau khổ còn thiếu cho cuộc khổ nạn của Ngài. Như thánh Phaolô đã nói : bạn phải hoàn tất những gì còn thiếu cho cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Ngài muốn tái diễn cuộc khổ nạn của Ngài ở trong bạn : Ngài muốn lại sống những giờ phút hấp hối vô cùng đau đớn trong vườn cây Dầu, Ngài muốn sống những lo buồn và sợ hãi đó ở trong bạn. Và trong giờ phút vô cùng đau khổ và tối tăm, Ngài sẽ kêu lên ở trong bạn : “Lạy Chúa Trời, ôi lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con ?” (Mt 27,46).

Vậy bạn hãy luôn can đảm, hãy đứng vững trong niềm tín thác trọn vẹn của bạn. Bạn sẽ chết như Chúa Giêsu trên thập giá, trong một cơn hấp hối cùng cực. Nhưng Chúa Giêsu sẽ sống lại ở trong bạn. Bình minh của ngày hiển vinh sẽ bừng lên, Chúa Giêsu sẽ chia sẻ với bạn những niềm vui khôn tả của bản tính nhân loại được tôn vinh của Ngài. Ngay ở đời này linh hồn bạn sẽ tràn ngập ánh sáng và những niềm vui cao cả của thần tính của Ngài.

 

[1] Trong thực tế, sự đa dạng của các trường hợp lớn lao đến độ những nhà chú giải và những đồ đệ của thánh Gioan Thánh Giá đã chấp nhận rằng : Đêm tối của các giác quan có thể cùng tồn tại với Đêm tối của tâm trí. – Về cường độ của những thử thách thần bí này, nó cũng có thể khác nhau lắm. Nơi một số linh hồn, Đêm tối các giác quan xem ra đã không ghê sợ như thánh Gioan Thánh Giá mô tả. Người ta nghĩ rằng thánh nhân đã mô tả trường hợp của bản thân Ngài, và đó là một trường hợp rất nặng nề.

   Vì tính đa dạng của những thử thách như thế, cho nên chính thánh Gioan Thánh Giá đã cảnh báo trước rằng có thể có những linh hồn bị thử thách trong những đêm tối đó mà không gặp những điều ngài đã mô tả trong cuốn sách thời danh của Ngài là cuốn “Đêm tối tăm”.

   Đàng khác nên ghi nhớ rằng : nhất là nơi những linh hồn tông đồ, những thử thách bên ngoài của những đêm tối tăm đó (xem các trang 292 – 293) thường mạnh mẽ hơn và nhân đó sẽ bù cho sự thử thách nội tâm ít đau đớn hơn và ít thanh tẩy hơn.

[2] x. Đêm tối, cuốn II, ch.I

[3] x. Đêm tối, cuối II, ch.20

[4] x. Đêm tối, cuốn II, § 3

[5] Xem Angèle de Foligno, Livre des visions (cuốn cách ghi các thị kiến), bản dịch của E.Hello, ch XXXIII.

[6]     x. Đêm tối, cuốn II, § 2

[7] Thánh Gioan Thánh Giá nhấn mạnh, và ngài nhắc đi nhắc lại rằng đêm tối các giác quan và nhất là đêm tối của tâm trí đều tuyệt đối cần thiết cho việc thanh tẩy trọn vẹn, đòi phải có cho việc kết hiệp. Phải có thế mới hoàn toàn thanh tẩy đáy linh hồn ta.

[8] Cũng cần phải nhớ rằng linh hồn không thể một mình quyết đoán mình có thật sự ở trong đêm tối các giác quan và cả trong đêm tối của tâm trí chăng. Họ phải hỏi ý cha linh hướng. Vậy chỉ sau khi bàn hỏi với cha linh hướng và biết mình ở trong hai thứ đêm tối này, họ mới được áp dụng cho mình những điều của chương này.

[9] Thánh nữ Têrêxa thành Avila đã chịu những thử thách thanh tẩy đó mười tám năm. Thánh nữ Mađalêna thành Pazzi đã qua năm năm, rồi thêm mười sáu năm. Chân phước Suso chịu mười năm, và thánh nữ Angela thành Fôlignô chịu hai năm đêm tối của tâm trí. Những thử thách này có khi liên tục, có khi cách quãng.

[10] Thật ra Thiên Chúa không làm giảm sức hoạt động của tâm trí ta, nhưng Ngài giúp nó bỏ cách nhận thức tự nhiên của nó, và với hai ơn khôn ngoan và hiểu biết, Ngài cho nó có khả năng nhận thức siêu việt, không dùng quan niệm và hình ảnh nữa. Hoạt động của tâm trí không bị suy giảm, nhưng đã được đổi mới, được thần linh hóa. Linh hồn không trực tiếp nhận ra cách nhận thức mới này, nhưng nó nhận ra cách gián tiếp khi thấy mình mất đi cách nhận thức tự nhiên xưa.

[11] Xem chương : Tín thác trong buồn sầu, I, § III.

[12] Chính lòng mến yêu qúi trọng này khiến linh hồn, dầu chìm đắm trong đêm tối của tâm trí cũng không bao giờ coi những ước ao của mình trọng hơn những ước ao của Chúa Giêsu. Như vậy đâu có phải tại linh hồn nguội lạnh ? Xem Đêm tối tăm ch. XIII.

[13] Xem Đêm tối tăm (cuốn II, ch X).

Chia sẻ Bài này:

Related posts