Niềm Tín Thác – Chương XXIV: THÁNH NỮ TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU VÀ NIỀM TÍN THÁC

I. NHỮNG NỀN TẢNG CỦA NIỀM TÍN THÁC CỦA CHỊ THÁNH : TỰ BIẾT MÌNH, NHỜ CÓ ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG, VÀ NHẬN BIẾT CHÚA, NHỜ CÓ NIỀM TIN MẠNH MẼ VÀ LÒNG MẾN NỒNG NÀN

Những nền tảng của niềm tín thác của chị thánh : tự biết mình, nhờ có đức khiêm nhường, và nhận biết Chúa, nhờ có niềm tin mạnh mẽ và lòng mến nồng nàn. – Rất nhiều lần trong tác phẩm này, chúng tôi đã minh họa những tư tưởng của mình bằng những gương sáng hoặc những lời của chị thánh, một vị thánh được công nhận là vị anh hùng vĩ đại nhất của niềm tín thác trọn vẹn. Sợ rằng mình lặp đi lặp lại quá nhiều lần, chúng tôi muốn tóm tắt lại đây những lời dạy của vị thánh đã được Thiên Chúa sai đến để dạy về con đường của tuổi thơ ấu thiêng liêng, cũng như của niềm tín thác trọn vẹn và mến yêu nơi Thiên Chúa. Chưa một ai đã có những lời nói cảm động và có sức thuyết phục về tình thương dịu dàng của Chúa như chị thánh. Và những lời dạy của chị thánh càng có sức lôi kéo chúng ta, vì chị thánh đã tuyên bố trước khi chết rằng : sứ mạng của chị sẽ là làm cho những linh hồn bé mọn và ước ao nên thánh hiểu biết hơn về tình thương đầy thương xót của Chúa. Và chúng ta thấy sứ mạng này của chị thánh đã được Chúa chứng nhận bằng vô vàn phép lạ, đến độ chị thánh đã được mọi người coi là vị thánh làm nhiều phép lạ nhất trong thời đại này.[1]

Trước hết chúng ta hãy xem đâu là những nền tảng của niềm tín thác kỳ diệu này. Rồi chúng ta sẽ tìm hiểu những phẩm chất của niềm tín thác đó.

Để có một niềm tín thác tinh ròng, siêu nhiên, trọn vẹn, trước hết người ta không được tin tưởng chút nào nơi bản thân mình. Trước khi xây những cái nền cho ngôi nhà của đức tín thác, chúng ta phải đào chân móng cho thật sâu. Và những chân móng này là đức khiêm nhường, thành thực nhận biết sự hư vô của mình, sự bất lực và những nỗi khốn nạn của mình. Phải khai quang mảnh đất để xây dựng, phải xúc đi, phải gạt bỏ khỏi tâm hồn tất cả những rác rưởi và những gì khiến cho ngôi nhà mất vững chắc.

Đó là điều chị thánh đã hiểu rất rõ. Niềm tin tưởng và tín thác của chị luôn thấm nhuần đức khiêm nhường. Bởi vì chị không trông đợi gì hết từ sự bất lực và sự khốn nạn của mình, nên chị đã trông cậy mọi sự nơi Chúa. Chính sự yếu đuối của chị đã là một lý do rất lớn để chị cậy trông.

Chị thánh thường nói : “Con chỉ là một đứa bé yếu đuối và bất lực, nhưng chính sự yếu đuối của con đã cho con đủ táo bạo để hiến thân làm của lễ cho tình yêu của Chúa đó, lạy Chúa Giêsu. Xưa kia chỉ những của lễ tinh tuyền, không tì vết, mới được Thiên Chúa uy quyền và toàn năng chấp nhận : khi đó cần phải có những hy lễ vẹn toàn để thỏa mãn sự công chính thần linh của Chúa. Nhưng lề luật của tình thương đã thế vào chỗ của lề luật kính sợ, và tình thương của Chúa đã chọn con làm hy lễ, con, một vật thọ tạo yếu đuối và bất toàn. Sự lựa chọn này không xứng với tình thương sao ? Vâng, để tình thương của Chúa được hoàn toàn thỏa mãn, tình thương đó phải được hạ mình xuống tới hư vô, để biến cái hư vô đó thành lửa mến”[2].

Sau khi đã tỏ bày ước muốn, rất ước muốn làm hiệp sĩ, làm linh mục, làm tông đồ, làm thừa sai, làm tiến  sĩ và chịu tử đạo, chị thánh đã kêu lên như sau, để thỏa mãn tâm tình say mê của mình : “Ôi lạy Chúa, Chúa sẽ đáp lại những đam mê điên rồ này của con thế nào ? Thử hỏi trên mặt đất này có linh hồn nào bé nhỏ và bất lực hơn linh hồn con ? Tuy nhiên, chính vì sự yếu hèn của con, Chúa đã vui lòng thỏa mãn tất cả những ước muốn con nít của con. Và hôm nay, Chúa sẵn lòng thỏa mãn những ước muốn lớn hơn vũ trụ của con”[3].

Chị thánh hiểu rõ tất cả cái giá của đức khiêm nhường, bởi vì nhân đức này dạy ta cảm  nhận sự hư vô của mình, và chuẩn bị cho ta bước vào đức tín thác. Chị thánh thường nói : “Đấng Toàn năng đã làm cho con những việc trọng đại, và ơn trọng đại nhất là Ngài đã cho con thấy rõ sự bé mọn của mình, và bất lực không làm được bất cứ việc gì lành”[4].

Chị thánh hiểu rất rõ tầm quan trọng của đức khiêm nhường và sự bé mọn của mình, cho nên ngược lại đại đa số con người ta, chị đã đi tới chỗ đặt tin tưởng vào sự bé mọn và vào những sự khốn nạn của mình. Chúng ta tin tưởng, hoặc ít ra chúng ta cố gắng tin tưởng mặc dầu thấy mình bất lực và khốn nạn. Còn chị thánh lại tin tưởng  thấy mình bất lực và khốn khó. Chị thánh biết Thiên Chúa không thể không muốn giúp đỡ những linh hồn nhận biết mình là hư vô, và đưa hai tay lên cầu khẩn Ngài. Chị thánh biết rõ chính sự yếu đuối của đứa bé làm nên sức mạnh của nó, khiến mẹ nó chăm lo cho nó, che chở nó, ẵm bế nó, nuôi dưỡng nó, bởi vì tự nó không có sức làm bất cứ điều gì. Chị thánh biết rằng vực thẳm của sự bé mọn và của sự khốn khó của ta luôn kêu gọi vực thẳm của quyền năng vô cùng của Chúa.

Đó là điều chị thánh đã nói lên cách tuyệt diệu trong trang sách chị nói về chiếc thang máy thần linh : “Thưa Mẹ, Mẹ biết con vẫn đã ước ao nên thánh, nhưng thảm hại thay ! Khi con so sánh mình với các thánh, con luôn nhận thấy giữa các ngài và con có một sự khác nhau như giữa một quả núi mà ngọn nó cao chạm tới những tầng mây và một hạt cát bị người qua đường đạp dưới chân. Nhưng thay vì thất vọng, con đã tự nhủ : Thiên Chúa không thể gợi hứng cho tôi có những ước ao không thể thực hiện. Vậy, dầu con bé mọn, con vẫn có thể khát khao nên thánh. Con không thể nào lớn lên. Con phải chấp nhận mình như hiện nay, với vô số những khuyết điểm của con ; nhưng con muốn tìm ra cách để lên trời bằng một con đường nhỏ, rất thẳng và rất ngắn, một con đường nhỏ hoàn toàn mới. Chúng ta đang ở trong thời đại của những phát minh : bây giờ người ta không còn phải mất công leo lên những bậc của cầu thang nữa, nơi những nhà giầu, chiếc thang máy đã thay thế cho cầu thang một cách rất tiện lợi. Con cũng muốn tìm thấy một chiếc thang máy để lên tới Chúa Giêsu, bởi vì con bé nhỏ quá, không leo nổi chiếc cầu thang dựng đứng của việc nên thánh.

“Khi đó con mở sách thánh ra để tìm chiếc thang máy mà con mong ước. Và con đã đọc được những lời này từ chính miệng của Đấng khôn ngoan hằng hữu : “Nếu ai rất bé nhỏ, thì hãy đến với Ta”. Vậy con đã tới gần bên Thiên Chúa, nghĩ rằng mình đã khám phá ra điều mình tìm kiếm. Vì muốn biết Chúa sẽ làm gì cho đứa bé nhỏ, con tiếp tục nghiên cứu, và đây là điều con đã tìm thấy : “Như một người mẹ vuốt ve con mình, Ta cũng sẽ an ủi con như thế. Ta sẽ ôm con vào lòng và sẽ ru con trên đầu gối Ta.

“Ôi ! Chưa bao giờ có những lời dịu dàng và êm ái hơn đã làm vui sướng tâm hồn con. Ôi ! Lạy Chúa Giêsu, chiếc thang máy sẽ đưa con lên tới trời là chính cánh tay Chúa. Như vậy, con không cần gì phải lớn lên ; trái lại, con phải cứ bé nhỏ mãi, và ngày càng trở nên bé nhỏ hơn. Ôi, lạy Chúa của con, Chúa đã làm quá sự mong đợi của con, và con sẽ ca hát lòng thương xót của Ngài”[5].

Đức khiêm nhường, tức sự chân thành nhận biết mình sẽ đào chân móng để ta đặt nền tảng cho ngôi nhà của đức tín thác. Những nền tảng này chính là sự chiêm niệm và hiểu biết những vẻ tuyệt hảo vô cùng của Thiên Chúa, khi ta có một đức tin mạnh mẽ và một lòng mến nồng nàn. Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu có một sự hiểu biết sâu xa lạ lùng về những vẻ tuyệt hảo vô cùng của Thiên Chúa, nhất là về “tình thương đầy thương xót” của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu. Chị thánh đã nói lên những lời hết sức mãnh liệt và hết sức ngọt ngào về “tình thương đầy thương xót” này.

Người ta biết chị thánh đặc biệt yêu mến cuốn Phúc Âm. Chị luôn ôm cuốn sách này ngày đêm trên ngực mình. Đó là cuốn sách duy nhất chị thích đọc những ngày tháng cuối cùng của đời mình. Chị thường ca tụng lòng nhân hậu đầy thương xót của Chúa được tỏ bày cách rất cảm động trong những bài dụ ngôn về người Samaritanô tốt lành, về đứa con trai hoang đường, về con chiên lạc, cũng như những cảnh cho thấy Chúa Giêsu nhân từ và đầy lòng thương xót cúi mình trên những bệnh nhân và những người tàn tật. Chúa thương xót lo cứu chữa các bệnh tật, các sự đau khổ, những đau khổ về thể xác và nhất là những đau khổ về linh hồn. Mà tội lỗi là đau khổ lớn lao nhất. Người phụ nữ xứ Samaria, người đàn bà ngoại tình và nhất là Maria Mađalena. Mỗi lần đọc những sự kiện này, chị thánh thường làm ướt những trang sách Phúc Âm bằng nước mắt dàn dụa của chị.

Một hôm, vào thời gian chị đã bệnh nặng, nhờ một chị em nâng đỡ để đi dạo trong vườn nhà dòng, chị dừng lại khi nhìn thấy một con gà mẹ xoè đôi cánh ấp ủ cho đàn gà con mới nở. Chị nghẹn ngào, đôi mắt đẵm lệ, chị nói với người chị em đang giúp chị : “Thôi, ta về phòng thôi…”. Về tới phòng của chị, chị thánh còn sụt sùi hồi lâu, không sao nói lên lời. Sau cùng, chị thánh nhìn chị bạn và nói : “Hồi nãy em nghĩ đến Chúa Giêsu, nghĩ đến lời Chúa so sánh tình thương dịu dàng của Ngài với sự ân cần của gà mẹ ấp ủ và che chở đàn gà con. Suốt đời em, Chúa đã làm như vậy cho em. Ngài luôn luôn ấp ủ em dưới đôi cánh của Ngài. Em không thể diễn tả những gì trong tâm hồn em. Vâng, Thiên Chúa đã muốn ẩn mình không cho em thấy Ngài, có vẻ như thỉnh thoảng Ngài mới cho em thấy sự dịu dàng và ngọt ngào của Ngài “qua những chấn song”, vì nếu không, em sẽ không thể chịu nổi sự âu yếm ngọt ngào của Ngài”[6].

Tiên tri Isaia đã có những trang rất hùng hồn về tình thương đầy lân ái của Chúa. Chị thánh vui thích nhất là lời sau đây của vị ngôn sứ : “Như một người mẹ vuốt ve con mình, Ta sẽ an ủi con, Ta sẽ ôm ghì con vào lòng, và sẽ ru con trên đầu gối Ta”. Nhắc lại mấy lời sách Thánh này, chị thánh nói với chị của mình rằng : “Ôi, chị rất yêu dấu của em, khi nghe những lời đó, em chỉ còn biết im lặng và khóc vì yêu mến và tri ân… Vâng, nếu những linh hồn yếu đuối và bất toàn như em cảm thấy những gì em đang cảm nghiệm, họ sẽ không bao giờ thất vọng về việc sẽ đạt tới đỉnh cao của núi thánh tình yêu, bởi vì Chúa Giêsu không đòi hỏi những hành động lớn lao, nhưng chỉ đòi hỏi ta phải sống tín thác và tri ân”[7].

Chưa một ai đã đào sâu tình thương đầy lân ái của Chúa như chị thánh, và chưa một ai đã nói về lòng thương xót của Chúa một cách ngọt ngào như chị. Thiên Chúa đã dùng những ánh sáng hết sức đặc biệt và lòng mến yêu nồng nàn mà tỏ bày cho chị thấy rất cả những nét tuyệt diệu của lòng Thương xót vô cùng của Ngài. Thiên Chúa cũng đã ban cho chị thánh sự hiểu biết sâu xa về lòng Thương xót vô biên của Ngài, để rồi trao cho chị sứ mạng đặc biệt là rao giảng và đổ xuống trên thế giới ơn tín thác vào tình thương đầy thương xót của Chúa, một tình thương xót quá ít người nhận biết. Có thể nói tất cả cuộc đời của chị thánh, cũng như tiểu sử cuộc đời của chị, đã là một bài thánh thi để ca ngợi tình thương đầy lân ái của Chúa.

Sau cùng, chị thánh đã hiến thân làm lễ hy sinh dâng lên tình thương đầy lân ái của Chúa. Chúng ta biết bản kinh dâng mình cho tình thương lân ái của chị. Đây chúng ta sẽ tìm hiểu trang sách thời danh, nơi chị nói cho ta biết tại đâu chị đã nghĩ ra việc hiến tế này, một việc hiến tế đã ghi dấu cuộc đời của chị và đã nêu gương cho nhiều linh hồn quảng đại làm theo chị.

Chị thánh viết : “Sau cùng tôi hiểu rằng các linh hồn không thể giống nhau hết, cho nên phải có những gia đình khác nhau, để tôn thờ những sự toàn hảo khác nhau của Thiên Chúa. Với tôi, Chúa đã ban cho tôi hiểu biết về lòng Thương xót vô cùng của Ngài, và tôi sẽ chiêm ngưỡng những sự tuyệt hảo khác của Chúa qua tấm gương kỳ diệu này. Khi đó, tôi thấy các sự tuyệt hảo của Thiên Chúa sáng chói tình thương : có thể ngay cả đức công minh của Chúa cũng có vẻ được phủ đầy tình thương. Người ta sẽ vui mừng biết bao khi thấy rằng Thiên Chúa công minh, nghĩa là Ngài chú ý đến tất cả những sự yếu đuối của ta, Ngài biết rõ sự yếu hèn của bản tính loài người chúng ta. Vậy thì tôi phải lo sợ gì ? Thiên Chúa là Đấng vô cùng công minh, Ngài đã hết lòng thương xót tha thứ những tội lỗi của đứa con hoang đàng, làm sao Ngài lại không công minh đối với tôi là kẻ luôn ở với Ngài ?

“Năm 1895, tôi đã được ơn hiểu rõ hơn bao giờ hết về sự Chúa Giêsu ước ao được yêu mến. Một hôm, nghĩ đến việc có nhiều linh hồn đã hiến thân làm hy lễ dâng lên sự công minh của Thiên Chúa, để xin Chúa đừng trừng phạt những người tội lỗi như họ đáng chịu, tôi thấy việc dâng mình làm hy lễ như thế thật là tốt lành và quảng đại, nhưng tôi không thấy muốn làm như họ.

“Và tôi đã kêu lên từ đáy lòng rằng : lạy Thầy chí thánh, phải chăng chỉ có đức công minh của Chúa mới đáng nhận được những hy lễ ? Lòng thương xót lân ái của Chúa không cần phải có những hy lễ sao ? Lòng thương xót của Chúa bị khắp nơi phủ nhận, chối bỏ… Những tâm hồn mà Chúa muốn tỏ lòng thương xót lại quay về hướng các vật thọ tạo, để xin chúng một chút hạnh phúc với một tâm tình đáng thương hại, thay vì gieo mình vào vòng tay yêu thương của Chúa, và nhận lấy tình thương vô cùng ngọt ngào của Chúa…

“Ôi lạy Chúa, không lẽ tình thương bị chê bỏ của Chúa sẽ cứ ở lại mãi trong Thánh Tâm Chúa ? Con nghĩ rằng nếu Chúa kiếm được những linh hồn hiến thân làm hy lễ toàn thiêu cho tình thương của Chúa, Chúa sẽ mau lẹ thiêu hủy họ trong lò lửa Thánh Tâm Chúa, vì Chúa sẽ vui sướng thấy không phải cầm hãm mãi những ngọn lửa của tình thương vô cùng dịu dàng trong Trái Tim của Ngài.

“Nếu sự công minh của Chúa thấy cần phải được thoát ra, mà chỉ thoát ra trên trái đất thôi, thì phương chi tình thương đầy lân ái của Chúa càng ước ao thiêu đốt các tâm hồn, bởi vì lòng thương xót của Ngài dâng lên tới trời cao. Vậy lạy Chúa Giêsu, xin cho con được làm hy lễ diễm phúc của Chúa ! Xin Chúa hãy thiêu hủy hy lễ bé nhỏ này bằng lửa của tình thương thần linh của Chúa”[8].

II.  NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA NIỀM TÍN THÁC CỦA CHỊ THÁNH : MỘT NIỀM TÍN THÁC TINH RÒNG VÀ SIÊU NHIÊN. ĐẦY TÌNH CON THẢO.

– KHÔNG MỎI MỆT. TÁO BẠO.

– TƯƠI NỞ TRONG CUỘC SỐNG TÍN THÁC VÀ TINH THẦN THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG.

Một niềm tín thác tinh ròng và siêu nhiên.– Chúng ta đã thấy nền tảng của đức tín thác trọn vẹn của chị thánh. Nay ta hãy tìm hiểu những phẩm chất của niềm tín thác thánh thiện này.

Trước hết, đó là một niềm tín thác tuyệt đối tinh ròng, hoàn toàn siêu nhiên. Đáng buồn thay, niềm tín thác của ta thường là một pha trộn giữa niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và một ít tư tưởng vào mình, bởi vậy mà nó bị ảnh hưởng bởi những khó khăn và những thử thách của cuộc đời. Khi mọi sự xem ra dễ dàng, trôi chảy, may lành, niềm tín thác của ta cũng tươi sáng. Nhưng khi mất an ủi, gặp buồn sầu, khi mà sự bất lực căn bản của ta bị phơi bày ra, khi mà những lỗi lầm và những sự khốn nạn của ta cho ta cảm thấy mình qúa yếu đuối, thì niềm tín thác của ta liền chao đảo, mất an.

Trái lại, càng thấy mình yếu đuối và khốn nạn, thánh nữ Têrexa càng tín thác vững vàng nơi Thiên Chúa hơn.

Mẹ Bề Trên đã chọn chị thánh làm chị giáo tập coi sóc các tập sinh, mặc dầu chị thánh còn qúa trẻ. Chị thánh ý thức rất sâu xa về trách nhiệm lớn lao đó, và chị thánh cảm thấy rõ sự bất lực của mình. Nhưng chị tin cậy nơi Thiên Chúa. Chị ghi lại trong cuốn tiểu sử một linh hồn như sau : “Thưa Mẹ, làm sao tuổi trẻ của con và sự thiếu kinh nghiệm của con không làm cho Mẹ sợ hãi ? Làm sao Mẹ không sợ con sẽ để cho các con chiên nhỏ của Mẹ đi lạc ? Có thể Mẹ đã hành xử như thế, vì Mẹ nhớ rằng Chúa thường ưa ban ơn khôn ngoan cho những kẻ bé mọn nhất. – Trên trái đất này, rất hiếm thấy những linh hồn không đo quyền năng của Thiên Chúa theo kính thước tư tưởng của mình. Thế gian muốn có khắp nơi những ngoại lệ, chỉ mình Thiên Chúa không có quyền làm những chuyện ngoại lệ chăng ?”[9]

Niềm hy vọng của chị thánh đã không bị cụt hứng. Trái lại, chị thường bỡ ngỡ thấy Chúa đã luôn linh hướng cho chị thấy những gì phải làm và phải nói :  đến các tập sinh tin rằng chị thánh đọc thấy mọi điều trong tâm hồn họ.

Những lỗi lầm của chị thánh cũng không chút làm cho chị bối rối. Trái lại, những sai lỗi đó đã trở thành những cầu nhảy để chị phóng mình vào Trái Tim đầy yêu thương của Chúa. Chị thánh đã viết cho chị Céline của mình như sau :

“Đúng là em không luôn luôn trung thành với Chúa, nhưng em không nản lòng. Em tín thác trong bàn tay Chúa. Ngài đã dạy em biết rút ra điều lành từ mọi sự lành dữ mà Ngài thấy nơi em”[10].

Bởi vậy chị thánh thật sự yêu quý những sự khốn nạn của mình, vì chúng cho chị thấy rõ sự hư vô của chị. Chị thường nói : “Đối với tôi, tôi cảm thấy rất vui mừng không những khi người ta thấy tôi bất toàn, mà nhất là khi chính tôi cảm thấy tôi bất toàn”[11].

Chị thánh đã viết cho chị Céline của mình như sau : “Chúng ta đừng tưởng có thể tìm thấy tình thương mà không có đau khổ. Bản tính của ta là thế, và ta không thể coi thường bản tính của mình. Nhưng nó mang lại cho ta biết bao kho tàng quý báu. Nó chính là kế sinh nhai của ta đó. Nó quý đến mức Chúa Giêsu đã bỏ trời xuống thế để có được nó. Chúng ta cứ muốn chịu đau khổ cách quảng đại, và thật nhiều ; và chúng ta cứ muốn không bao giờ sa ngã ! Thật là ảo tưởng lớn lao ! Mà nếu tôi sa ngã mỗi lúc thì có sao đâu ? Nhân đó tôi sẽ cảm thấy sự yếu đuối của mình và tôi tìm thấy ở đó một lợi ích lớn lao. Lạy Chúa, Chúa thấy con có thể làm gì, nếu Chúa bồng con trong vòng tay của Chúa ; còn nếu Chúa để con một mình, thì đúng là Chúa thích nhìn thấy con nằm xoài trên mặt đất… Vậy tại sao tôi phải áy náy ?”[12].

Chị thánh yêu quý những lỗi lầm của mình, vì chúng tỏ cho chị thấy những bản chất hư vô của mình. Chị càng yêu quý chúng, vì chúng cho chị thấy rõ sự dịu dàng vô cùng của Thiên Chúa.

Vài tháng trước khi qua đời, chị thánh bị một cơn sốt nặng. Giữa lúc đó một chị em nữ tu đến xin chị thánh đến giúp ngay cho một bức họa khó thực hiện. Như thế là xin một việc không thể làm được. Trong một phút, nét mặt chị thánh tỏ cho thấy cuộc chiến đấu nội tâm. Sau đó chị thánh đã tự trách mình về sự thiếu nhẫn nhục này. Ngay chiều hôm đó, chị thánh đã viết cho mẹ Agnès de Jésus, chị thứ hai của chị thánh, một bức thư đầy ánh sáng, bức thư được kết thúc bằng những lời tốt lành sau đây : “Ôi, Mẹ rất thương mến của con, con thú thật với Mẹ, con đã sung sướng vì thiếu nhẫn nhục, hơn là nếu được ơn Chúa nâng đỡ, con đã là một gương mẫu của đức nhẫn nại. Bởi vì con đã được thấy rằng Chúa Giêsu vẫn luôn luôn hiền hậu và dịu dàng với con. Thật đấy, điều đó khiến con có thể chết vì yêu mến và tri ân. Mẹ nhỏ của con ơi, Mẹ sẽ hiểu rằng chiều hôm nay, cái bình chứa lòng thương xót của Chúa đã đổ tràn xuống đứa con của Mẹ. Vâng, ngay từ bây giờ con nhận thấy rằng tất cả mọi mong ước của con sẽ được thỏa mãn !… Vâng, Chúa sẽ làm cho con những điều kỳ diệu, vượt xa mọi ước ao mênh mông nhất của con”[13].

Ôi, những lời như thế có sức an ủi ta dường nào, nếu ta hết lòng ước ao nên thánh. Nhưng đây là một nét như thế nữa : Một hôm, một chị đến xin lỗi chị thánh vì đã làm phiền lòng chị thánh. Thánh nữ đã hết sức cảm động, và sự cảm động này đã tạo nên một luồng sáng ân sủng trong tâm hồn chị. Chị thánh nói với chị kia rằng : “Ôi, nếu chị biết tôi đã cảm thấy những gì ! Chưa bao giờ tôi hiểu được như thế về tình thương của Chúa đối với ta, khi ta đến xin Ngài tha thứ một lỗi phạm. Nếu tôi, một vật thọ tạo nhỏ bé và hèn hạ, tôi đã cảm thấy rất yêu dấu chị, khi chị trở lại với tôi, thì khi chúng ta trở lại với Chúa, những gì sẽ xảy ra trong Trái Tim Ngài…? Vâng, chắc chắn là còn mau mắn hơn tôi vừa làm cho chị nhiều, Ngài sẽ quên đi tất cả mọi điều sai quấy của ta, không bao giờ Ngài nhớ đến nữa ! Ngài còn làm hơn thế nữa : Ngài sẽ yêu thương ta còn hơn cả trước khi ta sai phạm”[14].

Vậy chúng ta đừng chữa mình, thiếu tín thác vì quá nhiều tội lỗi, quá nhiều lần bất trung. Chúng ta thường bị cám dỗ nghĩ rằng : Ồ, chị thánh Têrêxa là một vị thánh, cho nên chị dễ dàng sống tín thác, còn chúng tôi đây đầy những tội lỗi… !  Chúng ta nên biết và nên nhớ rằng : Một lỗi phạm nhỏ mọn cũng bị chị thánh coi là xấu xa như ta nhìn nhận các tội lỗi của mình. Nhưng điều đó đã không làm giảm đi niềm tin tưởng và tín thác của chị, như chúng ta đã thấy, và như chính chị đã khẳng định cách tỏ tường trong một trang chân thành sau đây :

“Không phải vì tôi được Chúa giữ gìn không mắc tội trọng, mà tôi dễ dàng tín thác và yêu mến Chúa như vậy đâu. Vâng, tôi cảm thấy rằng nếu lương tâm tôi bị đè nặng bởi tất cả mọi tội ác người ta có thể phạm, thì tôi sẽ vẫn không đánh mất đi phần nào niềm tín thác của tôi. Tâm hồn tan nát vì hối hận, tôi sẽ tới gieo mình vào lòng Chúa cứu chuộc của tôi. Tôi biết Ngài yêu thương đứa con trai hoang đàng, tôi đã nghe những lời Ngài nói với thánh nữ Mađalêna, với người đàn bà ngoại tình, với người phụ nữ xứ Samaria… Không, không ai có thể làm tôi khiếp sợ : tôi biết tôi có thể vững tin vào tình thương và lòng thương xót của Ngài. Tôi biết vô vàn tội lỗi của tôi sẽ tan biến trong nháy mắt, như giọt nước rảy trên lò than hồng.

“Trong bộ sách viết về cuộc đời các thánh Giáo phụ tu rừng, có kể lại truyện một vị Giáo phụ đã giúp hối cải một phụ nữ tội lỗi công khai, mà hành vi xấu xa đã nên cớ vấp phạm cho cả miền đó. Được ơn Chúa lay động, người phụ nữ tội lỗi này đã đi theo thánh nhân về rừng để thực hiện một cuộc sống đền tội nhiệm nhặt. Nhưng, ngay trong đêm thứ nhất, còn đang trên đường đến hoang địa, chưa đến nơi để ăn năn khóc lóc và đền tội, những giây trói buộc chị với cuộc sống trần gian đã bị cắt đứt bởi niềm thống hối mãnh liệt đầy yêu mến. Và vị thánh Giáo phụ đã nhìn thấy linh hồn chị được các thiên thần rước lên gặp Chúa trên thiên đàng. Đó là một gương lành đầy ấn tượng về những gì tôi muốn nói lên mà không nói được, vì đó là những điều không có lời nào nói lên được”[15].

Một niềm tín thác đầy tình con thảo mến thương. – Niềm tín thác của thánh nữ Têrêxa là niềm tín thác của một người con đầy lòng yêu mến và thảo kính. Đó là niềm tín thác của một trẻ thơ đối với mẹ yêu dấu của nó. Niềm tín thác đó là tất cả lòng yêu mến. Đối với chị thánh, yêu mến là tín thác, và tín thác là yêu mến. Bởi vậy chị luôn lộn yêu mến và tín thác trong các lời chị viết.

Người ta hỏi chị thế nào là con đường nhỏ chị muốn dạy cho các linh hồn. Chị thưa : “Thưa Mẹ, đó là con đường của tuổi thơ ấu thiêng liêng, đó là con đường của niềm tín thác và sống hoàn toàn tín thác. Con muốn chỉ cho họ những cách thế nho nhỏ rất thành công đối với con. Con sẽ bảo họ rằng ở trần gian này chỉ có một việc phải làm : hãy tặng Chúa Giêsu những bông hoa của các việc hy sinh nho nhỏ, hãy làm Chúa vui thích bằng những sự vuốt ve. Chính đó là cách con đã làm Chúa vui thích, và nhờ đó mà con luôn được Chúa đón nhận”.

Chị thánh đã nói với các tập sinh của mình : “Nếu chị dẫn các em đi lạc đường với con đường nhỏ đầy yêu mến của chị, các em đừng sợ chị sẽ để các em đi lâu trên con đường đó. Chị sẽ hiện ra để bảo các em đi theo một con đường khác ; nếu chị không trở lại, các em hãy tin vào chân của những lời chị đã nói : Không bao giờ người ta tín thác quá nơi Thiên Chúa quyền năng và đầy lòng thương xót dường ấy. Người ta càng trông cậy nơi Ngài nhiều, thì càng nhận được nhiều”.

 Như vậy, đối với chị thánh, con đường nhỏ của yêu mến, con đường tin tưởng và tín thác cũng là một.

Mà có lạ gì đâu ? Lòng yêu mến không cho ta có cái nhìn tuyệt hảo về đối tượng được yêu mến sao ? Để trọn niềm tín thác, lòng mến đâu có cần phải có những lý do ? Niềm tín thác tự phát mà ! Đứa trẻ thơ có kinh nghiệm về tình yêu thương dịu dàng của mẹ nó. Nếu nó té đau, nó sẽ tự động chạy lại với mẹ nó để được chữa lành bằng một cái hôn của mẹ nó. Nếu nó có lỗi, nó sẽ vuốt ve mẹ nó, và biết chắc sẽ được tha thứ.

Những trang sách của chị viết thì đầy những cử chỉ nói lên niềm tín thác yêu mến của một đứa trẻ thơ đối với mẹ nó.

Một hôm, nghe cha linh hướng của chị nói với chị rằng những lỗi phạm của chị không làm Chúa phiền, chị đã nhảy mừng và reo lên : Ôi, tôi vui sướng quá khi nghe những lời đầy an ủi này. Chưa bao giờ tôi nghe nói những lỗi lầm không làm phiền lòng Chúa. Niềm tin này mang lại an vui cho tôi, giúp tôi nhẫn nại chấp nhận cảnh lưu đày này. Đàng khác, tôi thấy đó là âm vang những tư tưởng sâu xa của tôi. Đúng thế, từ lâu tôi đã vững tin rằng Chúa dịu dàng hơn một người mẹ, và tôi biết rất rõ trái tim của người mẹ. Tôi biết người mẹ luôn luôn sẵn sàng tha thứ những sai lỗi nho nhỏ và không cố tình của con mình. Tôi đã rất nhiều lần có kinh nghiệm ngọt ngào về điều này[16].

Về cuối đời, chị thánh đã nói một cách trong sáng như sau : “Tôi sẽ có quyền làm những chuyện dại dột nho nhỏ cho đến chết, mà không làm phiền lòng Chúa, nếu tôi khiêm nhường, nếu tôi bé nhỏ. Chị em hãy xem những đứa bé : chúng luôn làm đổ vỡ đồ đạc, làm rách quần áo, té đau, nhưng vẫn rất yêu mến cha mẹ chúng, và vẫn được cha mẹ yêu thương nhiều”[17].

Ít khi chị thánh được an ủi trong những lần cảm ơn Chúa sau rước lễ. Chị thánh viết như sau : “Tôi cho là vì tôi khô khan, ít yêu mến nồng nàn và ít trung thành. Tôi cũng thấy buồn vì nhiều khi đã ngủ trong giờ nguyện gẫm và trong khi cám ơn sau rước lễ. Thế nhưng tôi không nản lòng : tôi nghĩ những đứa bé làm vui lòng cha mẹ chúng khi chúng ngủ cũng như khi chúng thức. Và tôi nghĩ Chúa thấy rõ sự  yếu đuối của ta, Ngài nhớ rằng chúng ta chỉ là bụi đất”[18].

Người ta dễ thấy chị thánh luôn ý thức mình là một đứa con nhỏ bé của Thiên Chúa, và ý tưởng đó là linh hồn những lời nói của chị. Mà làm sao khác được, vì chị là người dạy ta con đường của tuổi thơ ấu thiêng liêng ?

Chị thánh thường nói : “Tôi không nghĩ phải sợ mình bị án phạt đời đời : các trẻ nhỏ không bị án phạt”. Người ta hỏi chị : “Vậy chị luôn tìm cách trở nên giống các trẻ nhỏ, nhưng xin chị nói cho chúng tôi biết chị làm gì để có tinh thần tuổi thơ ấu ? Sống như một trẻ nhỏ là gì ? – Là cứ là một trẻ nhỏ, chị thánh thưa lại. Đó là nhận biết bản tính hư vô của mình, chờ đợi mọi sự nơi Thiên Chúa, như một trẻ nhỏ trông chờ mọi sự nơi cha nó. Đó là không lo lắng gì hết, không lo kiếm tiền. Cả nơi những nhà nghèo, bao lâu đứa con còn nhỏ, người ta lo cho nó tất cả những gì cần thiết cho nó. Nhưng khi nó đã khôn lớn, cha nó không nuôi nấng nó nữa và ông bảo nó : Bây giờ con phải đi làm, con có thể tự lo cho mình. Đó ! Chính vì không muốn phải nghe như thế, tôi đã không muốn lớn lên, vì tôi tự cảm thấy mình không có khả năng tự kiếm sống lấy, kiếm được sự sống vĩnh cửu trên trời…

Sau cùng sống bé nhỏ là không ngã lòng vì những lỗi phạm của mình, bởi vì các trẻ nhỏ té hoài, nhưng chúng quá bé nhỏ, nên không bị thương nhiều[19].

Một niềm tín thác không mệt mỏi. – Một đặc trưng nữa của niềm tín thác của chị thánh, đó là niềm tín thác không mệt mỏi, cứng đầu, mù quáng. Những thử thách thiêng liêng, những sự khô khan, những đêm tối, tất cả chỉ càng làm cho niềm tín thác thêm sâu xa, và thêm vững bền.

Chị thánh nói chị ruột là Céline rằng : “Khi em bị khô khan, không còn khả năng cầu nguyện, em tìm những dịp nho nhỏ, những chuyện không đâu để làm vui lòng Chúa Giêsu của em… Nếu không có những dịp nho nhỏ thì ít ra em thường lặp lại với Chúa rằng em yêu mến Ngài. Điều này không có khó, và nó duy trì được lửa mến trong trái tim em. Cả khi lửa này xem ra đã tắt, em ném một ít cọng rơm trên tro nóng đó, và em chắc chắn lửa mến lại sẽ làm cháy lên”[20]. Sau đó một quãng, chị thánh viết thêm : “Em đã đọc trong sách Phúc Âm rằng Chúa chiên lành bỏ lại trong hoang địa tất cả các con chiên trung thành, để chạy đi tìm con chiên lạc. Em rất cảm động về sự tin tưởng này : chị hãy xem, vị mục tử tin chắc chắn nơi các chiên của mình. Chúng làm sao mà phải chạy trốn ? Chúng bị giữ chặt bởi tình thương của vị mục tử. Bởi vậy Chúa chiên lành rất thương mến của linh hồn chúng ta đã bỏ rơi chúng ta chốc lát để đi tìm an ủi những tội nhân. Nếu Ngài dẫn chúng ta lên núi Tabor, thì cũng chỉ trong chốc lát thôi, những thung lũng mới luôn luôn là nơi có những đồng cỏ cho chiên. Chính đó là nơi Ngài nghỉ trưa”[21].

Không, những sự khô khan không ảnh hưởng gì đến niềm tín thác mến yêu của chị nơi Chúa Giêsu. Trái lại, chị đặc biệt yêu thích chúng, vì chúng cho chị có cơ hội làm vui lòng Chúa Giêsu mà chính chị không cảm thấy vui gì. Có rất  nhiều linh hồn nhát đảm sợ hãi trong những cơn thử thách thiêng liêng. Những khi đó, niềm tín thác của họ bị teo lại. Những linh hồn đó làm phiền lòng Chúa Giêsu. Chị thánh thường nói : “Điều làm mất lòng Chúa Giêsu, điều làm đau lòng Chúa, đó là sự thiếu tin tưởng, thiếu tín thác”. Bởi vậy để an ủi và đền bù cho Chúa Giêsu, chị xin Chúa đừng có ngại gì với chị hết.

Ngay từ hồi còn bé, chị thánh đã rất thích lời này của ông Gióp : “Dầu Chúa có giết tôi, tôi vẫn sẽ cậy trông Ngài” (G. 13,15).

Năm cuối cùng trước khi qua đời, chị bị những cơn cám dỗ khinh khủng về đức tin. Chị thấy như chẳng có trời, chẳng có thiên đàng. Một bức tường dựng đứng trước mặt chị và che khuất mọi sự. Cùng với đau khổ về tinh thần như thế, chị đồng thời phải chịu những đau khổ dữ dằn của giai đoạn cuối cơn bệnh của chị. Nhưng niềm tín thác của chị vẫn kiên cường, vẫn bướng bỉnh đến cùng. Một hôm chị thánh nói với Mẹ Bề trên của mình : “Mẹ ạ, con muốn tâm sự với mẹ về tình trạng linh hồn con, nhưng con không thể làm trong lúc này, vì con quá xúc động”. Rồi chiều hôm đó, chị trao cho mẹ những dòng sau đây, viết nghệch ngoạc bằng bút chì, với bàn tay run rẩy : “Lạy Thiên Chúa của con, Chúa rất tốt lành đối với hy lễ của tình thương đầy lân ái của Chúa. Bây giờ, chính lúc Chúa thêm những đau khổ bên ngoài vào những thử thách trong linh hồn con, con vẫn chưa có thể nói rằng “Những lo sợ của sự chết đã bao quanh con”. Nhưng con kêu lên với niềm tri ân : “Con đã xuống tới thung lũng của bóng tối sự chết, nhưng con không sợ tai ương nào hết, bởi vì Chúa ở với con”[22].

Người ta đã cầu xin cho chị được lành mạnh, nhưng Chúa đáp lại bằng cách để cho những đau khổ  tâm hồn và thân xác chị gia tăng. Điều này đã khiến chị nói rằng : “Tôi nghĩ các thánh trên trời muốn xem tôi đẩy niềm cậy trông xa đến đâu”.

Một niềm tín thác táo bạo. – Như chính lời thánh nữ đã nói, niềm tín thác của chị là “một niềm tín thác táo bạo”.

Nhiều linh hồn sợ cậy trông nhiều quá. Họ không dám ước ao nên trọn lành, không dám ước ao nên thánh, chỉ vì một lý do rất đơn sơ : họ không dám ước ao nhiều quá. Quá khứ của họ còn đó để chứng tỏ rằng họ tiến tới quá ít trên đường nhân đức. Chị thánh Têrêxa nói với họ rằng : “Không bao giờ người ta tín thác quá nơi Thiên Chúa rất tốt lành dường ấy… Người ta càng cậy trông nơi Chúa, người ta càng nhận được nhiều hơn”[23].

Một chị nữ tu tâm sự với chị thánh về sự thấy mình không tiến tới trên đường nhân đức và cảm thấy ngã lòng. Chị thánh đã trả lời chị đó bằng những lời sau đây mà chúng ta nên ghi sâu vào tâm hồn mình : “Cho tới tuổi 14, tôi đã tập tành nhân đức mà không cảm thấy ngọt ngào gì hết : tôi đã ước ao chịu đau khổ mà không nghĩ rằng mình sẽ được một niềm vui bởi đó : mãi sau này, ân sủng này mới được ban cho tôi. Khi đó linh hồn tôi giống như một cây xinh tốt, nhưng các hoa của nó vừa nở ra là rụng xuống. Chị hãy hy sinh cho Chúa, không bao giờ hái trái, nghĩa là chấp nhận suốt đời cảm thấy ngại chịu đau khổ, chấp nhận bị khinh rẻ, chấp nhận nhìn những bông hoa thiện chí của mình vừa nở ra đã rụng xuống đất, không sinh được trái nào hết. Thế rồi, trong nháy mắt, vào lúc chị tắt thở, Chúa quyền phép vô cùng sẽ có phép làm cho những trái sinh tươi chín rộ trên cây linh hồn chị”[24].

Chị thánh ưa nhắc lại cho người ta rằng Thiên Chúa không cần thời giờ để thánh hóa một linh hồn. Đối với Chúa, một ngày cũng như là ngàn năm. Chị thường nói : “Chúa Giêsu có thể làm mọi sự, niềm tín thác thường làm những phép lạ”. Chị thánh còn nói : “Chúa Giêsu không cần đến công việc của chúng ta, nhưng Ngài chỉ cần lòng mến yêu của chúng ta”. Và trong một lúc nhảy mừng vì vui sướng, chị đã kêu lên : “Ôi, nếu những linh hồn yếu đuối và bất toàn như linh hồn tôi cảm thấy những gì tôi đang cảm thấy  đây, chắc không một linh hồn nào sẽ thất vọng trong việc đạt tới đỉnh cao của núi thánh tình mến yêu, bởi vì Chúa Giêsu không đòi hỏi những công việc lớn lao, nhưng chỉ đòi hỏi niềm tín thác và lòng biết ơn”[25].

Niềm tín thác của chị thánh đã hết sức táo bạo, cho nên những ước ao của chị đã gần như điên khùng : những ước nguyện nên thánh và làm việc tông đồ của chị đã bao hàm cả thế giới. Chị đã có lý để thưa Chúa Giêsu rằng : “Xin Chúa tha lỗi cho con, nếu con nói sảng vì những niềm cậy trông và những ước nguyện của con rộng lớn vô cùng… Xin Chúa tha lỗi cho con và hãy chữa lành linh hồn con bằng cách ban cho nó điều nó cậy trông.

Với những lời nói như thế, chị thánh đã thổ lộ hết tâm tình : chị đã cho biết hết sức ước ao làm linh mục, làm tiến sĩ, làm tông đồ và chịu tử đạo. Chị ước ao đi rao giảng Tin mừng ở khắp các miền trên thế giới, và chịu đủ mọi thứ tử đạo. Chị ước ao làm được tất cả các công việc của các thánh, để thỏa mãn những ước nguyện nồng nàn của mình. Chính lúc đó, chị mở các thư của thánh Phaolô ra, và chị thấy những ước mơ của mình được thực hiện. Trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu là Giáo Hội, chị sẽ là trái tim làm cho các cơ quan và các chi thể sống động : chị sẽ là tình thương mang lại sự nhiệt thành cho các tông đồ, chị sẽ là sự kiên cường bất khuất của các vị tử đạo. Như vậy, những mơ ước nên thánh và làm việc tông đồ của chị sẽ được thực hiện.

Những ước mơ mênh mông của chị thánh không chỉ thu hẹp vào cuộc sống hiện nay, nhưng còn bao trùm cả cuộc sống vĩnh cửu trên trời.

Chị thánh thường nói : “Điều lôi kéo tôi về quê trời, chính là tiếng gọi của Chúa, là hy vọng sẽ yêu mến Ngài như tôi hằng mong ước, và ý nghĩ rằng tôi sẽ có thể làm cho rất nhiều người yêu mến Chúa : họ sẽ chúc tụng Ngài muôn đời”[26].

Chúa đã cho chị thánh biết chắc rằng từ trời cao, chị sẽ tiếp tục làm rất nhiều điều tốt lành cho trần gian. Chúa nói cho thâm tâm chị biết rằng cuốn tiểu sử tự thuật của chị sẽ là dụng cụ được lòng thương xót vô cùng của Chúa chọn, để dạy cho từng trăm ngàn “linh hồn bé nhỏ” học biết con đường nhỏ của tuổi thơ ấu thiêng liêng mà chị dạy cho họ. Một buổi chiều, chị thánh tiếp mẹ Agnès là chị ruột với một niềm vui phấn khởi và nói : “Con cảm thấy sứ mạng của con sắp bắt đầu, đó là sứ mạng làm cho người ta yêu mến Chúa như con. Sứ mạng đó là dạy các linh hồn con đường bé nhỏ của con. Con muốn dùng thời giờ ở trên trời để làm ơn lành cho thế gian. Đó không phải là điều không làm được, bởi vì trong khi hưởng kiến Thiên Chúa, các thiên thần vẫn lo cho chúng ta. Không, con sẽ không nghỉ ngơi chút nào cho đến ngày tận thế. Khi thiên thần sẽ công bố rằng “Thời gian đã hết”, khi đó con sẽ nghỉ ngơi. Con sẽ có thể an nghỉ, bởi vì con số những kẻ được chọn đã đầy đủ”[27]

Niềm tin cậy tín thác của chị thánh thật là táo bạo và mênh mông. Bởi vậy những ước nguyện của chị cũng rất bao la. Nhưng Thiên Chúa đã thực hiện đầy đủ những ước nguyện lớn lao đó của chị, khiến chị kêu lên vào cuối đời chị, như một lời tiên tri : “Vâng, ngay từ bây giờ, con thấy rõ điều đó. Vâng, tất cả mọi mơ ước của con sẽ được thực hiện đầy đủ… ! Vâng, Chúa sẽ làm cho con những điều phi thường, vượt rất xa những ước nguyện bao la của con”[28].

Chị thánh đã không lầm, niềm tin tưởng của chị đã không phải là một ảo tưởng. Chúng ta thấy điều đó quá rõ. Lời nói thời danh của chị, mọi người trên thế giới đều biết, đã hoàn toàn được thực hiện. “Tôi đã luôn luôn dâng lòng mến yêu cho Chúa, và Ngài sẽ trả lại tình thương cho tôi. Sau khi tôi chết, tôi sẽ cho mưa xuống một trận mưa hoa hồng”[29].

Trận mưa hồng này, chúng ta tất cả đều biết đó là muôn vàn ơn lành đang đổ xuống trên thế giới.

Và một trong những ơn lành lớn nhất, là những ân sủng Chúa ban để xác minh lời nói của chị thánh, cho ta thấy rằng chị thánh đã không sai lầm khi dạy ta con đường của đức tín thác trọn vẹn và táo bạo. Thật là vô cùng khích lệ cho những người ước ao nên thánh như chúng ta. Từ trời cao, chị thánh nhìn xuống chúng ta và thấy rõ những ước nguyện tha thiết của chúng ta. Chị biết rõ sự yếu đuối và bất lực của ta, nhưng chị nhắn nhủ ta rằng : “Chúa Giêsu có thể làm tất cả mọi sự. Niềm tín thác có thể làm những phép lạ. Anh chị em biết đấy, tôi đã không sai lầm. Anh chị em hãy cậy trông mọi sự nơi Chúa và Ngài sẽ làm cho anh chị em trở thành những vị thánh. Đúng thế, người ta càng cậy trông nhiều nơi Thiên Chúa thì càng nhận được nhiều”.

Một sự kiện lạ lùng cho ta thấy cách hết sức rõ ràng Thiên Chúa đã thực hiện những ước ao nồng nhiệt của chị thánh và niềm tín thác của chị. Đó là việc Đức Thánh Cha Piô XI vừa tôn phong chị thánh nữ Dòng Camêlô làm bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê… Chúng ta biết chị thánh đã nồng nàn ước ao được đi rao giảng Tin Mừng cho các dân ngoại. Niềm ước ao này xem ra không thể nào thực hiện được vì tình trạng đau yếu của chị, nhưng một hôm chị đã thấy nó được thực hiện khi người ta cho hai vị thừa sai nhận chị thánh làm chị, để chị cầu nguyện, yêu thương và chịu đau khổ cho họ. Rồi những ước nguyện nồng nàn của chị thánh còn đựơc thực hiện một cách huy hoàng và trọng đại : bởi vì từ trời cao, nhà truyền giáo vô cùng nhiệt thành là chị thánh đã hoạt động rất mạnh mẽ và hiệu qủa bằng các ơn phúc do lời cầu bầu của chị thánh, cho nên Đức Piô XI đã tôn phong chị làm bổn mạng các xứ truyền giáo trên toàn thế giới. Chị Têrêxa, một nữ tu chiêm niệm mà lại trở thành bổn mạng các xứ truyền giáo trên toàn thế giới ? Vài năm trước đây, ai dám nghĩ như vậy ?

Niềm tín thác tươi nở trong một cuộc sống tín thác và theo tinh thần tuổi thơ ấu thiêng liêng. – Sau cùng, niềm tín thác của vị thánh nữ tu Camêlô đã là một niềm tín thác bao hàm tất cả mọi chi tiết của cuộc sống, và tươi nở như sự tín thác bình an và vui sướng của những trẻ thơ ngủ trong lòng mẹ chúng.

Trọn vẹn tín thác nơi tình thương rất từ mẫu của Thiên Chúa, chị thánh hiến thân cho Chúa mà không giữ lại phần nào, hoàn toàn tin tưởng nơi Đấng yêu thương ta vô cùng, yêu thương ta hơn cả chính ta yêu thương mình.

Chúng ta hãy lượm lặt một vài tư tưởng của chị về vấn đề này. Ngay trước khi bước vào đời tu trì, chị đã hiến thân cho Chúa Giêsu, để làm đồ chơi nhỏ của Ngài, làm một trái banh nhỏ, không có giá trị gì hết, để Hài Nhi Giêsu có thể chơi, hoặc ném xuống đất, lấy chân đá đi đá lại, làm cho nó bị hủy, quẳng vào xó nhà, hoặc ôm nó trên lòng mình, tùy sở thích của Ngài. Chúa Giêsu làm gì với trái banh, tùy ý Ngài, miễn là nó làm cho Chúa vui. Chị không ước ao gì hết ngoài việc làm cho Chúa vui.

Sau khi đã vào tu Dòng Kín, tâm tình tín thác này càng trở nên trọn vẹn hơn, trọn lành hơn. Chị Céline, chị ruột của chị thánh, cũng muốn cùng vào tu với chị, nhưng có những trở ngại không thể nào vượt qua được. Têrêxa đã xin Chúa ban cho một dấu hiệu là cha của chị lên thẳng thiên đàng, và xin cho các trở ngại qua đi. Và thật sự các trở ngại đó đã qua đi một cách lạ lùng. Khi đó, qúa vui sướng vì sự dịu dàng của Chúa Giêsu, chị thánh đã kêu lên : “Bây giờ tôi chỉ còn một ước nguyện là yêu mến Chúa Giêsu đến điên khùng. Vâng, chỉ tình thương đã lôi kéo tôi. Tôi không ước ao đau khổ, cũng không ước ao chết, tuy nhiên tôi yêu qúi cả hai thứ này. Từ lâu, tôi đã gọi chúng là những sứ giả của niềm vui…. Tôi đã đạt tới đau khổ, và tôi đã tưởng mình tới bờ trời cao. Ngay từ lúc còn rất nhỏ, tôi đã nghĩ rằng bông hoa nhỏ này sẽ được hái trong tuổi xuân của nó. Hôm nay, niềm tín thác là sự hướng dẫn duy nhất của tôi. Tôi không có la bàn nào khác. Tôi không biết phải xin gì khác một cách thiết tha, ngoài việc xin thực thi thánh ý Chúa cách trọn vẹn đối với linh hồn tôi”[30].

Cơn thử thách của những cám dỗ nghịch đức tin đã là một thử thách nặng nề Chúa gửi cho chị, không phải để thanh tẩy và thánh hóa linh hồn rất thánh thiện của chị, nhưng là để chị có thể đền tạ những tội gớm ghiếc của những tội nhân mà chị đã cứu vớt được khi còn sống và sau khi đã qua đời. Chị đã không ước ao được giải thoát khỏi những cơn cám dỗ ghê sợ đó. Chị còn ca hát niềm tín thác của mình qua những vần thơ trong sáng sau đây :

Sống trong tình thương, khi Chúa Giêsu ngủ thiếp đi,

Là sự an nghỉ của tôi trên ngọn sóng bão tố.

Ồ, lạy Chúa, Ngài đừng sợ con đánh thức Ngài :

Con bình tâm chờ cho thuyền tới bến thiên đàng.

Chị vui sướng khi nghĩ đến cái chết. Chị nói : “Nếu tôi không bị thử thách bởi những cơn cám dỗ nghịch đức tin, tôi nghĩ tôi sẽ chết trong niềm vui. Tôi vui sướng khi biết rằng mình sắp lìa bỏ trái đất này”. Nhưng rồi chị lại nói thêm : “Tôi không ước ao chết hơn là sống. Nếu Chúa cho tôi được chọn, tôi sẽ không chọn gì hết. Tôi chỉ muốn điều mà Chúa muốn. Tôi ưa thích những gì Ngài làm”[31].

Các chị em bạn đau lòng khi thấy chị đau đớn qúa như vậy, và họ sợ chị sẽ còn phải chịu đau đớn hơn nữa. Chị thánh đã an ủi các bạn như sau : “Ồ, chị em đừng khổ tâm vì tôi : tôi đã đi tới chỗ không còn đau khổ nữa, bởi vì mọi đau khổ đã trở nên ngọt ngào cho tôi. Đàng khác, chị em sai lầm khi nghĩ đến những đau đớn có thể xảy đến cho tôi trong tương lai : làm thế là chị em muốn làm chuyện sáng tạo…. Chúng ta là những người bước đi trên con đường của lòng mến, chúng ta không bao giờ được lo sợ về điều gì hết”[32].

Một chị em hỏi chị thánh rằng : “Chị có vui khi người ta báo cho chị biết mình sẽ chết trong vài ngày tới, hay là chị thích có thể chịu đau khổ nhiều tháng nhiều năm nữa ?”. Têrêxa đã trả lời : “Ồ không, tôi không thích đàng nào hết. Điều duy nhất làm tôi vui, là làm theo thánh ý Thiên Chúa”[33].

Nơi chị thánh Têrêxa, một linh hồn trọn vẹn tín thác nơi Thiên Chúa, chúng ta có thể áp dụng hoàn toàn những lời tốt đẹp sau đây của Đức Cha Gay : “Như một đứa bé nằm ngủ, hễ mẹ nó đánh thức thì thế nào nó cũng giơ hai tay ra ôm lấy mẹ nó, linh hồn tín thác nơi Chúa cũng luôn luôn mỉm cười mỗi khi Chúa muốn điều gì : nó ôm lấy Chúa với một niềm kính thảo dấu yêu. Sự vâng theo của nó thật là trọn vẹn và niềm tín thác của nó đầy tình yêu mến. Nó luôn luôn thưa xin vâng với Chúa. Mỗi tiếng thở than của nó, mỗi bước đi của nó là một hành vi mến yêu nồng nàn sẽ kết hiệp với lòng mến yêu Chúa trên trời”[34].

Chúng tôi thấy không thể kết thúc những suy niệm về niềm tín thác nơi Thiên Chúa và Mẹ Maria một cách nào tốt hơn, cho bằng một lời kinh, cầu xin thánh nữ Têrêxa, vị thánh gương mẫu của đức tín thác. Tất cả mọi lý luận cũng không thể ban cho ta nhân đức qúi trọng này, mặc dầu chúng có thể hướng dẫn ta. Điều chúng ta cần là những ân sủng mãnh liệt của Chúa, những ơn dồi dào của Chúa Thánh Thần, nhất là ơn đạo đức của tình con thảo. Chúng ta hãy hết lòng trông đợi những ơn này, nhờ sự chuyển cầu của chị thánh, vì chị đã hứa ở trên trời để ban ơn lành cho người dưới thế. Chị thánh sẽ vui lòng giúp chúng ta hiểu và thực hành những lời chỉ dạy của chị về đức tín thác và con đường thơ ấu thiêng liêng, để có thêm trăm vạn linh hồn sống tín thác như chị.

Lạy thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, chị đã dùng những lời nói và gương sáng để dạy chúng con con đường nhỏ của niềm tín thác mến yêu nơi Thiên Chúa, xin chị thánh từ trời cao tiếp tục chỉ cho chúng con thấy con đường đó, và nhờ lời cầu bầu mạnh thế của chị, xin cho chúng con được ân sủng của một niềm tín thác trọn vẹn. Chị thánh biết chúng con tha thiết ước ao nên thánh, nhưng chị cũng biết chúng con thường phải than khóc vì những yếu đuối và những điều bất toàn của chúng con. Ước gì nhờ lời cầu bầu của chị thánh, chúng con thấy thực hiện lời chị đã nói : “Thiên Chúa không bao giờ gợi lên những ước ao không thể thực hiện”. Xin cho chúng con có niềm tín thác và tin tưởng như chị đã nói rằng “người ta càng cậy trông nơi Chúa thì càng nhận được nhiều”. Và như vậy chúng con sẽ nhận được điều ước mong hơn hết là sự thánh thiện. Ước chi nhờ tình thương và lời cầu xin của chị, chúng con cũng được vững tin như chị rằng : “Dầu yếu đuối và bất toàn, không một ai trong chúng ta phải ngã lòng vì không đạt tới đỉnh cao của Núi thánh tình yêu mến”[35].

 

 

 

[1] Chúng tôi khuyên bạn đọc phải tìm đọc cuốn sách rất tốt lành “A l’école de sainte Thérèse de l’ Enfant Jésus” (Học với thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu), in lần 4, Lisieux. Mẹ đáng kính Agnès de Jésus, Bề trên Dòng Kín Lisieux và chị thứ hai của thánh nữ Têrêxa, đã gom lại trong cuốn sách nhỏ này những tư tưởng nổi bật nhất của thánh nữ về đức phó thác.

[2] Tiểu sử một linh hồn, chương XI, trang 216.

[3] Tiểu sử một linh hồn, trang 215

[4] Sđd, chương IX, trang 156.

[5] Tiểu sử một linh hồn, chương IX, trang 153-154.

[6] Tiểu sử một linh hồn, chương XII, trang 219

[7] Tiểu sử một linh hồn, chương XI, trang 209

[8] Tiểu sử một linh hồn, chương VIII, trang 147 – 148

[9] Tiểu sử một linh hồn, ch IX, tr. 155.

[10] Tiểu sử một linh hồn, thư thứ XVI gửi chị Céline.

[11] Sđd, Những lời khuyên và những kỷ niệm, tr.268.

[12] Thư thứ 5 gửi chị Céline.

[13] Thư thứ 8 gửi Mẹ Agnès de Jésus.

[14] Tiểu sử một linh hồn, Những lời khuyên và những kỷ niệm, tr.280.

[15] Tiểu sử một linh hồn, ch.X, tr. 204- 205

[16] Tiểu sử một linh hồn, chương VIII, tr. 136.

[17] Những lời nói ngày 7 tháng 8 năm 1897.

[18] Tiểu sử một linh hồn, ch. VIII, tr.132

[19] Tiểu sử một linh hồn, Những lời khuyên và những kỷ niệm, tr. 263 – 264.

[20] Thư 16 gửi chị Céline.

[21] Thư 16 gửi chị Céline

[22] Tiểu sử một linh hồn, ch. XII, tr. 252.

[23] Tiểu sử một linh hồn, ch. XII, tr. 246.

[24] Những lời khuyên và những kỷ niệm, tr. 267 – 268.

[25] Tiểu sử một linh hồn, ch. XI, tr. 209

[26] Thư thứ 8 gửi một vị thừa sai.

[27] Tiểu sử một linh hồn, ch. XII, tr. 245.

[28] Thư thứ 8 gửi Mẹ Agnès, chị thứ hai của chị thánh.

[29] Tiểu sử một linh hồn, ch. XII, tr. 245.

[30] Tiểu sử một linh hồn, ch VIII, tr. 145.

[31] Tiểu sử một linh hồn, ch. XII, tr. 237.

[32] Tiểu sử một linh hồn, ch. XII,  tr. 235.

[33] Lời nói ngày 30 tháng 8 năm 1897.

[34] Lời nói ngày 30 tháng 8 năm 1897.

[35] Tiểu sử một linh hồn, ch.XI, tr. 209

Chia sẻ Bài này:

Related posts