Niềm vui sống Đạo – IV.Thập Đại Thắng

1 – Khiêm tốn trọng nhân phẩm của mỗi cá nhân, uyển chuyển, linh động, lắng nghe sáng kiến mọi người, rồi suy nghĩ lượng giá.

2 – Ý thức, tin tưởng sứ mạng của mình như một ơn Chúa, bình tĩnh trước mọi biến cố.

3 – Có thuật dùng người, chấp nhận đối thoại tìm hiểu từng người, tâm hồn quảng đại, biết quên bỏ những lầm lỗi của kẻ khác, lắng nghe bạn bè khuyên bảo, mà nhất là biết nghe kẻ thù chỉ trích.

4 – Tín nhiệm cộng sự viên; xem, xét, làm. Quyết định sáng suốt, thực hiện cho kỳ được.

5 – Chia sẻ trách nhiệm với các cố vấn, chuyên viên, cộng sự viên, luôn học hỏi, trau dồi thêm khả năng.

6 – Nói ít, làm nhiều, luôn luôn trọng kỷ luật, đi tiền phong, nêu gương sống trong mọi lãnh vực, nhìn thẳng thực tế, khách quan, khiêm tốn lúc thành công, chia sẻ niềm vui với cộng sự viên, kiên trì và nhẫn nại, không bao giờ thất vọng.

7 – Sẵn sàng hy sinh tất cả vì sứ mệnh, can đảm nhận trách nhiệm, cùng thành công cùng thất bại, không bao giờ làm tổn thương tình huynh đệ. Tình nguyện nhận điều khó cho mình, để cái dễ cho cộng sự viên.

8 – Trước mỗi việc đều có chương trình, kế hoạch, sau mỗi việc đều kiểm điểm chân thành, phê bình và tự phê, sợ tâng bốc thích nghe nói thẳng, nói thật.

9 – Chỉ tìm phục vụ, quên mình vì đại cuộc, xác tín rằng mình chỉ là khí cụ trong tay Chúa, nên chỉ tìm thánh ý Chúa, giữ vững lập trường, thấy ai hơn mình thì vui mừng, chuẩn bị cho tương lai, dọn đường và trao hết kinh nghiệm cho người kế vị mình.

10 – Trước mọi công việc, trong mọi khó khăn, biết cầu nguyện, tìm ánh sáng và sức mạnh nơi Chúa, bàn hỏi với Chúa trước hết, phó thác cho Chúa trọn vẹn. Hy vọng trong thất vọng, cứ vui vẻ tiến lên, ngày mai có Chúa lo.

Chắc các bạn cũng cảm nghiệm cái lý thú của “Thập đại bại và thập đại thắng” rồi chứ gì? Hoan hô “Nguyễn Trãi tí hon”!

Sáng kiến hợp thời và hữu hiệu mới lãnh đạo được (ÐHV. 843).

Con phải tin tưởng vào sứ mạng của con, cảm hoá và truyền thông lòng tin tưởng, bầu nhiệt huyết trong con cho kẻ khác (ÐHV. 838).

Con hãy dùng ý chí tập trung tư tưởng, can đảm quyết định và quyết định kịp thời (ÐHV. 844).

Chỉ trích cấp trên làm nhụt nhuệ khí, tạo chia rẽ giữa các tùy viên và mở đường cho họ bình phẩm phương pháp, bưới móc khuyết điểm của chính con (ÐHV. 848).

Lãnh đạo phải can đảm, có cái nhìn bình tĩnh trước mọi biến cố, ở mọi nơi trong mọi lúc. Chừng ấy con ổn định được tình trạng thử thách nguy hiểm nhất (ÐHV. 851).

Con đừng phí một giây, đừng dư một lời, đừng bỏ một dịp. Con sẽ nhận xét sâu xa hơn. Ý chí cương quyết hơn. Ðược người cảm phục hơn (ÐHV. 853).

Nhìn rõ, nhìn thật, nhìn đúng. Xét người, xét việc, xét cảnh. Ðó là óc thực tế con cần có để lãnh đạo, dựa trên các dữ kiện khách quan (ÐHV. 855).

Dùng toàn công thức là máy móc, ngủ trong thủ tục là lỗi thời, lạc trong chi tiết là chật hẹp. Con phải: Nhìn tổng quát, thích ứng dẻo dai, biến dỡ thành hay. Con cần: Cố vấn, chuyên viên, nhất là cần ý chí của con (ÐHV. 856).

Như Chúa Giêsu đã ở liên lỉ với các Tông đồ ba năm, con hãy hoà mình với các cộng tác viên của con, thông cảm, chia sẻ tâm sự, vui buồn và đoán biết tâm lý từng người. Con sẽ ngạc nhiên vì lúc ấy họ sẽ đoàn kết và cố gắng vượt mức (ÐHV. 862).

Chiếm được con tim của tùy viên, con có thể thấy họ dốc hết toàn lực để theo con, vì họ biết con yêu họ thành thực, đậm đà, hy sinh cho họ tận tụy. Nếu con không lãnh đạo họ bằng tình yêu, con phải sử dụng hạ sách “vũ lực” (ÐHV. 865).

Thiên Chúa là bí quyết của nhà lãnh đạo. Ngài ban năng quyền và không bỏ ai dựa vào quyền năng của Ngài để lãnh đạo. Tinh thần khiêm nhường và lòng bác ái là căn bản: Phúc âm của Ngài hướng dẫn nhà lãnh đạo (ÐHV. 871).

Nhà lãnh đạo không chỉ căn cứ vào báo cáo thôi, nhưng lo lắng đọc “sách đời sống” của mỗi tùy viên hơn: đọc trong lòng họ, trong thử thách họ (ÐHV. 872).

Lúc đối thoại, Chúa Giêsu không đóng miệng Phê-rô nóng nảy. Lời lẽ bồng bột chua chát của người khác không làm sụp đổ vũ trụ đâu. Con đừng sợ, cứ đối thoại với tất cả tâm hồn thay vì lý sự (ÐHV. 878).

Ánh sáng thế gian

Tháng 9 năm 1939, nhà độc tài Phát-xít Hitler xua quân xâm lược Tiệp Khắc, rồi tiếp đó thôn tính Ba Lan, thi hành những thủ đoạn cướp bóc, tàn phá, diệt chủng…

Với ý ngay lành và nhằm mục đích cứu vãn Giáo hội phần nào, một vị Hồng Y Giáo chủ Ðông-Âu đã có những lời tuyên bố có vẽ xu thời, xoa dịu, hoà hoãn với chính quyền Phát-xít và đã bị Hitler lợi dụng để xuyên tạc che mắt thế giới, cũng như gây bao hoang mang cho giáo dân đang quằn quại giữa lòng cuộc chiến ghê tởm.

Biết được tin ấy, Ðức Piô XI đánh điện tín khẩn trương mời vị Hồng Y Giáo chủ về Rôma. Ngài lắng nghe, thông cảm với ý ngay lành của vị Hồng Y, nhưng không nhất trí với thái độ và lập trường của nhà lãnh đạo ấy. Theo ý Ðức Thánh Cha, Hồng Y Giáo chủ phải là người lãnh đạo dân Chúa, phải là “ánh sáng thế gian” như lời Chúa dạy trong Phúc âm. Ngọn hải đăng không cần tuyên bố rùm beng, nhưng chỉ cần sáng lên giữa phong ba bão táp, kiên vững giữa gầm sóng vỗ, để người ta thấy rõ con đường trước mặt mà hăng hái tiến đi. Một người khác có thể nói lời hoà dịu với Hitler và ai hiểu sao thì hiểu; nhưng người lãnh đạo dân Chúa thì không được phép làm vậy, không thể có thái độ ba phải, dù phải gian nan klhổ cực, dù phải hy sinh mạng sống. Chúa Giêsu đã nói: “Ta là mục tử tốt lành… thí mạng sống mình vì chiên… Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng biết Ta” (Gioan 10). Nhưng nếu tiếng của ta mập mờ, sinh nhiều rối loạn, thì ai biết ngã nào mà theo nữa!

Hồng Y Giáo chủ nghe Ðức Thánh Cha giải thích đã hiểu được trách nhiệm của mình. Ngài cám ơn Ðức Thánh cha và hứa sẽ vâng lời Ðức Thánh Cha trong hết mọi sự, bất chấp mọi nguy hiểm đe đọa. Ngài đã trở lại quê hương, nói rõ lập trường của Giáo hội đối với những tội ác xâm lược, tàn sát người vô tội đến độ diệt chủng do nhà độc tài Phát-xít Hitler gây nên.

Thế giới lấy làm kính phục tâm hồn quả cảm của vị Hồng Y Giáo chủ ấy. Riêng Hitler, ông ta gầm thét căm thù, gây nên cho ngài nhiều chuyện khó dễ, rắc rối; nhưng vẫn kiên trì đứng vững, thinh lặng và sáng chói như ngọn hải đăng. Giáo dân vững tâm nhìn lên ngài như vị lãnh đạo tinh thần rất xứng đáng của họ.

Lãnh đạo là đấu hiệu hữu hình của quyền bính. Người lãnh đạo phải ý thức sứ mệnh chỉ huy của mình, sứ mệnh đại diện cho uy quyền và bổn phận làm cho kẻ khác trọng uy quyền của mình. Làm như thế là phục vụ quần chúng (ÐHV. 840).

Tai họa lớn nhất của con khi lãnh đạo là sợ nói và hành động như một nhà lãnh đạo (ÐHV. 841).

Không có hành động nào mà không phải là “thánh giá”, nếu không vác nổi thánh giá thì không được gì cả (ÐHV. 849).

Lãnh Ðạo là răn bảo trong yêu thương

Dòng Salésiens (Institut des Prêtres Salésiens, lấy tên Thánh Phanxicô Salêsi) do thánh Gioan Bosco thiết lập năm 1868 (với mục đích mở trường dạy các em mồ côi nghèo khổ) đã phát triển mạnh mẽ, có nhiều chi nhánh tại Tây Ban Nha. Một hôm trong giấc ngủ, cha Giám đốc của một trường thuộc nhà dòng nghe thánh Gioan Boscô nói về mình rõ ràng từng tiếng: “Con lãnh đạo nhà nầy, nhưng con sơ suất để nhiều học sinh lỗi luật, hãy cải thiện nếp sống trong nhà lập tức”. Lúc ấy thánh Boscô đang hoạt động ở nhà mẹ tại Turinô (Ý) nhưng Chúa hay ban cho ngài cùng một lúc có mặt ở hai chỗ.

Cha Giám đốc trường bận rộn nhiều công việc, vì thế tâm trí sao lãng, không nhớ lời thánh Boscô. Vài hôm sau ngài lại nghe tiếng thánh nhân bảo như lần trước. Nhưng rồi, ngài cũng quên nốt. Ít ngày sau, thỉnh thoảng ngài có nhớ đến chỉ thị của thánh Boscô, nhưng ngài lại tự nhủ: “Mình đã phấn đấu làm hết phận sự, lại được các tu sĩ khác cùng cộng tác, cùng chia sẽ trách nhiệm mà… Hay đây chỉ vì mình bị in trí, ám ảnh? Không nên vội tin những giấc mơ!”

Ðã mấy ngày trôi qua mà ngài chẳng khởi sự cải cách một điều gì cả! Sáng hôm ấy, ngài dâng lễ như thường lệ. Lúc bắt đầu đọc kinh Cáo mình, ngài nghe tiếng thánh Boscô nói rõ ràng: “Hãy mau cải thiện kỷ luật trong nhà, nếu không thì đây là Thánh lễ cuối cùng của đời con”. Kinh khiếp quá!

Lễ xong ngài liền bàn hỏi với các linh mục, tu sĩ phụ tá, ai cũng lo lắng, suy nghĩ, nhưng thảo luận suốt ngày mà vẫn không tìm được nơi nào hoặc học sinh nào lỗi luật cả. Tối hôm ấy, cha Giám đốc trằn trọc trên giường, thao thức, hồi hộp, không sao nhắm mắt được. Lời thánh Gioan Boscô phán bảo ban sáng vẫn còn vang vẳng bên tai: “… nếu không thì đây là thánh lễ cuối cùng của đời con!”. Ngài vắt tay lên trán, tính nhẩm từng giờ, từng khắc, từng phút đang trôi qua chầm chậm… “mai tôi còn sống để dâng lễ nữa không?”

Bổng chốc mắt ngài sáng rực lên: thánh Gioan Boscô đứng ngay cạnh giường từ hồi nào: Hãy chỗi dậy, mặc áo vào và đi theo cha!

Cha Giám đốc nửa mừng nửa sợ vâng lời chổi dậy, mặc áo vào và lẻo đẻo theo sau thánh Gioan Boscô. Ði tới đâu các cửa đã khoá đều tự động mở ra cả. Thánh nhân đưa tay chỉ từng phòng học, từng nhà ngủ, từng nhà chơi, phòng khách… chỉ đến đâu ngài phê bình đến đó: phòng nầy được, đáng khen, có lòng đạo đức, học hành tiến bộ; phòng kia kỷ luật lỏng lẻo, học tập lôi thôi… Cuối cùng, thánh nhân đưa cha Giám đốc tới một phòng và chỉ cho ngài thấy:

– Xem kìa, chúng nó thật vô kỷ luật: bỏ việc học hành, biếng lười lao động, xao nhãng kinh nguyện, thậm chí còn có đứa trẻ trở thành sa đọa, xấu xa…

Cha Giám đốc trông thấy rõ ràng từng đứa từng lỗi, từng việc xảy ra…thánh Boscô tiếp: Cha nhắc lại: Phải yêu thương chúng nó, hoà mình với chúng nó, tìm hiểu chúng nó, cùng ăn, cùng giải trí, cùng cầu nguyện, cùng đói thoại với chúng nó. Sự hiện diện đầy tình yêu thương của chúng ta khiến chúng được đặt vào một tình trạng không thể phạm tội. Phải cương quyết ngăn chận sự dữ với bất cứ giá nào…

Cha Giám đốc lúng túng cám ơn thánh Gioan Boscô đoạn hứa sẽ làm theo lời khuyên bảo của ngài. Thánh nhân đưa cha trở lai tận giường, chúc lành cho cha rồi vụt biến đi.

Vừa tảng sáng, cha Giám đốc triệu tập Hội đồng các tu sĩ trong nhà lại, thuật lại tỉ mỉ câu chuyện thánh Gioan Bosco đến thăm cùng nói lại những điều, những biện pháp thánh nhân đề nghị. Cả nhà nhất trí, phân công tác theo dõi các học sinh cách chặt chẽ. Họ đã bắt gặp quả tang mọi việc đúng hệt như thánh Boscô đã cho thấy. Họ thi hành kỷ luật ngay: một số ít bị loại ra khỏi nhà, số còn lại phải chịu kỷ luật nặng nhẹ tùy trường hợp. Từ ngày ấy trở đi, tinh thần trong nhà, từ tu sĩ đến học sinh đã có những bước cải tiến rõ rệt. Ngôi trường từ đó trở thành một gia đình hạnh phúc, gương mẫu.

Biết điều con muốn và muốn cách cương quyết. Nếu không cương quyết định đoạt, con sẽ làm các tuỳ viên tê liệt. Ðể các tuỳ viên tự do quyết định, con sẽ gây hỗn loạn (ÐHV. 846)

Lãnh đạo là sống kỷ luật, tìm hiểu lệnh trên, khôn khéo hành động theo mệnh lệnh. Lãnh đạo là tìm kiếm phương thế thực hiện và giàu nghị lực để thắng các trở ngại (ÐHHV. 647).

 

HY. Nguyễn Văn Thuận

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment