Giới thiệu
Một thanh niên nọ có dịp học hỏi nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Trong các anh hùng người Việt, vị mà anh khoái nhất là Nguyễn Trãi, vì tinh thần ông rất dũng cảm, khí thế ông rất kiêu hùng. Anh ta thuộc lòng cả bài “Bình Ngô đại cáo” của ông.
Khi đọc bức thư ông gửi cho Tướng lãnh Trung quốc khuyên bảo họ nên rút quân xâm lược về, nếu không sẽ thảm bại nhục nhã, anh khoái nhất là chỗ vị quân sư của vua Lê Lợi đã phân tích sự việc dưới tiêu đề: “Lục đại bại và Lục đại thắng”, nghĩa là sáu nguyên do bất lợi khiến cho Trung quốc xâm lược phải thua và sáu nguyên do về thiên thời, địa lợi, nhân hoà, chính nghĩa, ái quốc khiến quân ta sẽ thắng.
Chàng thanh niên ấy đêm ngày cứ trầm ngâm suy nghĩ về “Lục đại bại và Lục đại thắng” mãi cho đến một hôm anh nảy ra một sáng kiến về thuật lãnh đạo, mà rồi, thấy hay hay , anh bèn bắt chước Nguyễn Trãi đặt tên cho là: “Thập đại bại và Thập đại thắng”. Anh lấy làm thích chí và vui vẻ đem ra giải thích cho các bạn mười lý do khiến người lãnh đạo thất bại và ngược lại mười lý do khiến người lãnh đạo thành công. Các bạn nghe qua cũng tạm được bèn tặng cho anh một biệt hiệu khiêm tốn nhưng cũng rất oai: “Nguyễn Trãi tí hon”. Tuy là sáng kiến của một “cậu bé tí hon” nhưng cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ :
Thập đại bại (của lãnh đạo)
1- Kiêu căng, xem người như máy móc, độc đoán, chẳng chịu nghe ai, bảo thủ ý kiến.
2- Băn khoăn, bi quan, khiến cho người khác cũng đâm hoang mang.
3- Không biết dùng người, không chọn người, không biết huấn luyện, không hoà mình, không khoan dung. Sống cách biệt, giữ óc địa phương.
4- Đa nghi đối với mọi người, mang bệnh “do dự mãn tính”, sợ mất lòng, thay đổi ý kiến như chong chóng.
5-Tự mình ôm đồm bao quát tất cả, lạc lõng trong những chuyện vụn vặt, phiền toái không phân biệt đâu là chính yếu đâu là phụ thuộc.
6- Miệng nói rất khéo, nhưng làm thì khác, cuối cùng chẳng ai tin. Tuyên bố rùm beng, nhưng sống và hành động không ra gì. Gặp khó khăn thì buông xuôi nản lòng. Thành công thì huyênh hoang tự đắc và cướp công, vô ơn đối với kẻ thành tâm giúp mình.
7- Dấn thân nửa vời, thịnh thì xu thời, “xông pha cứu trợ người thắng trận” trước ai hết; suy thì rút lui nhẹ nhàng không chịu trách nhiệm và đổ lỗi cho kẻ khác.
8- Không có chương trình và kế hoạch, hăng tiết theo cảm hứng, thích tấn công, khó chịu khi nghe sự thật mất lòng.
9- Ích kỷ, chỉ tìm danh lợi cho bản thân mình, sợ người khác hơn mình, giấu kỹ những kinh nghiệm của mình.
10- Không cầu nguyện, chỉ tin vào tài năng và mưu mô, thủ đoạn trần tục, trông cậy vào quyền thế.
– Đón nhận mọi ý kiến, nhưng không lệ thuộc ý kiến (ĐHV. 842).
– Có vô số ý kiến mà không quyết định là vô ích. Có ít tư tưởng mà thực hiện tất cả mới là lãnh đạo thực sự (ĐHV. 845).
– Biết giữ kỷ luật cá nhân, biết tổ chức đời sống, biết phân giá trị mọi việc. Đó là những điều kiện giúp con lãnh đạo cách hiên ngang, anh hùng, đem lại tin tưởng lúc mọi người rung động, loạn lạc… (ĐHV. 854).
– Con đừng quên rằng tùy viên của con là người, là một nhân vị, là con Chúa, nên chỉ có họ và Thiên Chúa có quyền đối với họ. Không ai được coi nhẹ như vật sở hữu, như máy móc sản xuất (ĐHV. 867).
– Lãnh đạo không gương sáng được vâng phục mà không kính phục. Lãnh đạo chỉ nêu gương sáng trong nhiệm vụ được kính phục mà không mến phục. Lãnh đạo nêu gương sáng trong mọi lãnh vực được vâng phục, kính phục, mến phục và toả ra một tầm ảnh hưởng rất sâu rộng (ĐHV. 869).
– Đặc điểm của lãnh đạo thiên tài: Tìm họ, khám phá họ, tiếp đón họ, chọn họ, huấn luyện họ, tín nhiệm họ, xử dụng họ, mến yêu họ. Không ai là nhà lãnh đạo lý tưởng cũng như không ai là cộng tác viên thập toàn (ĐHV. 870).
– Lãnh đạo phải trở nên mọi sự cho mọi người, trong bất cứ trường hợp nào, chấp nhận mọi thứ công việc , mệt nhọc, chống đối và khi cần phải hy sinh cả mạng sống còn để mưu ích cho đoàn thể, nhưng đừng bao giờ làm giảm sút sự lo lắng cho chính linh hồn con (ĐHV. 881).
Bị phản đối, được cảm phục rồi được luyến tiếc
Đó là trường hợp của Đức cha Hsu, Giám mục giáo phận Hồng-Kông.
Là một người ngoại đạo, gốc ở Thượng Hải, Francis Hsu đã học tại Đại học Oxford, Anh quốc, rồi về làm một công chức cao cấp tại Hồng Kông. Nhờ ơn Chúa soi sáng và hướng dẫn, ngài đã trở lại đạo Công giáo, dâng mình làm linh mục, sang học Đại chủng viện dành cho những người tu muộn ở Rôma.
Sau khi thụ phong linh mục, ngài trở về Hồng Kông, làm Giám đốc Caritas. Công việc đang phát triển tốt đẹp thì một ngày kia, Đức cha Biauchi thuộc Hội Truyền giáo Pime đã già yếu, muốn chọn cha làm giám mục phụ tá cho ngài.
Đa số giáo sĩ Hồng Kông, đều tỏ thái độ phản đối kịch liệt. Họ đưa ra nhiều lý lẽ thật vững chắc:
– Chúng tôi không muốn chấp nhận một người mới vào đạo làm Giám mục của chúng tôi. Francis Hsu mới hôm qua đây là công chức của Nhà Nước Hồng Kông ai cũng còn nhớ cả! Hơn nữa, ngài là người Thượng hải, mà tại Hồng kông đa số là người Quảng Đông, nói tiếng Quảng Đông; cha Francis Hsu nói tiếng Quảng Đông với giọng Thượng Hải, ngài giảng thì ai nghe cho được!
Người khác lại bảo:
– Hồng Kông thiếu gì linh mục đạo đức, anh tài mà lại chọn người mới làm linh mục có mấy năm, chưa biết công việc trong giáo xứ… lên làm Giám mục!
Cả một phong trào nổi lên rầm rộ. Họ còn viết thỉnh nguyện thư gửi sang Toà thánh, lại còn xin các Giám mục ở Đài Loan can thiệp giùm để tránh được sự khốn nạn là được một người “nước rửa tội trên trán chưa ráo” lên làm Giám mục của một giáo phận lớn lao và phức tạp như Hồng Kông.
Sau khi cân nhắc kỹ càng, Toà thánh cương quyết phong cha Francis Hsu làm Giám mục Hồng Kông . Ngài làm phụ tá hai năm rồi lên chánh toà. Vì đức tin và lòng vâng phục, hàng giáo sĩ Hồng Kông phải chấp nhận nhưng trong thâm tâm người nào cũng đầy thất vọng, lo lắng. Ai cũng chờ xem ông “đạo mới” hành động ra sao… Một ít lâu sau, họ bắt đầu thấy Đức cha Hsu bắt tay vào việc.
Ngài trùng tu ngôi nhà thờ Chánh toà cho khang trang và mỹ thuật, phù hợp với phụng vụ mới, phân phối lại các giáo xứ, mở thêm nhiều trung tâm Caritas để phục vụ giới nghèo, tạo điều kiện cho giới trẻ học nghề, học văn hoá bổ túc.
Các tổ chức trong giáo phận như Hội đồng Linh mục, Hội đồng Mục vụ, Tông đồ Giáo dân đều hoạt động sôi nổi, theo sát các sáng kiến và chỉ thị của Tân Giám mục. Ngài lắng nghe mọi người, học hỏi với những nhà chuyên môn, đi đến những xóm nghèo, những khu lao động để tìm hiểu thao thức nguyện vọng của giáo dân. Ngài tiếp đón mọi người. Phân phối cho ai nấy tuỳ khả năng và thiện chí. Tất cả đều diễn tiến một cách tốt đẹp, khiến cho mọi linh mục phải thốt lên: “Trước đây người ta phản đối việc tấn phong Giám mục cho Đức cha Hsu bao nhiêu thì ngày nay người ta lại phục sát đất các công việc và con người của ngài bấy nhiêu!”
Thật thế giáo phận Hồng Kông là một giáo phận vô cùng phức tạp: Phức tạp từ việc nhiều linh mục Trung quốc từ Lục địa đi ra thuộc đủ mọi giáo phận, gây lắm khó khăn cho sự hoà đồng, đến chuyện các tu sĩ thuộc các dòng vừa bị trục xuất cũng từ Lục địa Trung quốc ra mà đa số là những thừa sai ngoại quốc, những nhà chuyên môn với trình độ kiến thức cao, rất khó điều khiển! Hơn nữa, trong giáo phận lại có vô số dòng nam, dòng nữ, các Hội truyền giáo cũng nhiều, chỉ cần kể đến một ít tổ chức lớn cũng đủ thấy bao nhiêu là khó khăn, phức tạp: Dòng tên, dòng Đa Minh, Dòng Maristes, Hội Thừa sai MEP (Pháp), Hội Thừa sai PIME (Ý), Hội Thừa sai Maryknoll (Mỹ)…Thế mà, với một vóc người nhỏ thó, lanh lẹ, Đức cha Hsu đã làm nổi bật tài lãnh đạo sáng suốt, sự bình tĩnh phi thường trong tất cả các buổi họp. Vấn đề nào ngài cũng am tường, câu hỏi hóc búa nào cũng được ngài giải quyết cách dễ dàng, thực tế, và cho những quyết định thật sáng suốt hay ho. Không một ai qua mắt ngài nổi! Các linh mục ngoại quốc hết lời ca tụng ngài, dân Tây cũng như dân Tàu đều tỏ ra cảm phục, quý mến ngài. Giáo phận Hồng Kông thực sự hướng đến một tương lai huy hoàng, đầy lạc quan và tin tưởng.
Các vấn đề đối ngoại cũng được Đức cha Hsu giải quyết cách tốt đẹp. Ngài là một trong những ủy viên uy tín nhất của ban lãnh đạo Đài phát thanh Veritas ở Phi luật Tân. Chính ngài là người đã tổ chức các buổi họp Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Á châu ở Hồng Kông.
Làm sao một mình ngài lại có thể cùng một lúc thực hiện được nhiều công việc thuộc nhiều lãnh vực như thế? Thưa vì ngài biết dùng người, tin người và phân phối công việc cho mỗi người, mỗi Dòng cách hợp lý và chính xác. Thành quả rõ ràng nhất là ngài đã tổ chức, điều hành cách tốt đẹp, thoải mái, đâu vào đấy, nhiều phiên họp của Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Á châu tại Hồng Kông. Hồng y, Giám mục nào đến tham dự cũng đều thoả mãn, khâm phục.
Năm 1973, tại Hồng Kông xảy ra một vụ tổng đình công của toàn thể giáo sư, giáo viên trong nhiều tháng mà chình quyền bó tay bất lực, giải quyết không nổi. Cuối cùng cả hai bên đều nhất trí mời Đức cha Hsu đứng ra làm người hoà giải trung gian. Nên nhớ đại đa số giáo sư, giáo viên ở Hồng Kông đều là người ngoài Công giáo, điều ấy chứng tỏ uy tín của Đức cha Hsu lớn biết chừng nào. Suốt nhiều đêm ngày, ngài đã vất vả hội họp, gặp gỡ riêng từng nhóm giáo sư, giáo viên, nghiên cứu các yêu cầu của họ rồi thương lượng với Nhà Nước. Công việc đang tiến hành tốt đẹp, hai bên đã đi đến chỗ thoả thuận, ngày thành công huy hoàng sắp đến thì đùng một cái: trưa hôm ấy sau khi dùng cơm tại khách sạn Lee’s Gardens trong một buổi họp mặt vui vẻ với các giáo sư, lúc đứng dậy ra về bổng nhiên Đức cha Hsu ngã nhào xuống. Một giáo sư bác sĩ Y khoa có mặt trong buổi họp mặt vội chạy đến tìm cách cấp cứu. Nhưng than ôi, quả tim Đức cha Hsu đã ngưng đập! Vì tinh thần hy sinh, bác ái hoà giải; vì xót thương biết bao con em hiện đang thất học; vì quá lao nhọc trong suốt những ngày vừa qua, nên quả tim của nhà lãnh đạo tài ba phải ngưng đập một cách mau chóng, lôi kéo theo bao niềm đau đớn, tiếc thương.
Không một đám tang nào trọng thể như đám tang của Đức cha Hsu: ngoài giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân trong giáo phận khóc thương ngài, người ta còn thấy sự hiện diện của đông đảo các giáo sư, những người ngoài Công giáo đã được tiếp xúc, hiểu biết ngài. Ai ai cũng thương tiếc một vị thầy, một ngưuời bạn, một nhà lãnh đạo sáng suốt và trìu mến của xứ Hồng Kông.