1- Tôi là ai?
– Tôi là người Công giáo Việt Nam đang sống ở hải ngoại.
1.1. Là người Việt Nam
Tôi tiếp nhận máu huyết của cha mẹ, ông bà; thừa hưởng gia sản văn hoá, giá trị đạo đức ngàn đời của tổ tiên Việt Nam.
Là người Việt Nam, tôi có một tổ quốc Việt Nam với non sông gấm vóc, lịch sử vẻ vang, đồng bào cần mẫn, hào hùng; tôi yêu quê hương Việt Nam và hãnh diện làm người Việt Nam.
Đức Thánh cha Gioan Phaolô II nhắc chúng ta: “Các bạn hãy hãnh diện làm người Việt Nam”.
Mỗi người Việt Nam phải xác tín mình là cái vốn đầu tư của Đất – Nước, nếu không thành công trong tư cách đạo đức, trí thức…thì chính chúng ta làm thiệt hại cho đất nước.
Tôi không có quyền chỉ trích, đòi hỏi người khác, khi chính bản thân tôi chưa làm gì cho đất nước cả.
Vì là người Việt Nam, tôi cần biết non sông đất nước, cần học hỏi về lịch sử dân tộc tôi; tôi phải hiểu được, nói được tiếng nói, chữ viết Việt Nam. Tôi có trách nhiệm truyền đạt tiếng nói, chữ viết Việt Nam cho con em, bạn bè, đồng bào tôi.
Nếu tôi không quyết tâm bảo vệ căn tính Việt Nam thì chỉ cần vài thế hệ số người nói tiếng Việt Nam ở hải ngoại ngày càng hiếm, và các kiều bào về thăm tổ quốc sẽ phải cần thông dịch viên.
Chúng tôi gặp nhiều bạn trẻ rất tha thiết biết Đất – Nước mình, nhưng họ ân hận, hổ thẹn vì không nói sành sõi tìếng Việt. Chúng ta thương mến các bạn trẻ đó; và bậc cha mẹ, đàn anh phải xét lại mình về trách nhiệm nầy
Đã là người Việt Nam, tôi có bổn phận dấn thân phục vụ đồng bào, trung thành bảo vệ và xây dựng quê hương tôi bằng tim óc, xương máu tôi. Tôi còn phải là niềm hãnh diện và hy vọng cho đồng bào, dân tộc Việt Nam của tôi.
“Cha mong giòng máu ái quốc sôi trào trong huyết quản con”.
1.2. Tôi là người Công giáo
Tôi đã được chịu phép rửa Chúa Thánh Thần qua Giáo hội đưa tôi vào sự sống của Thiên Chúa, là Cha chung của mọi người nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô.
Nhưng tôi chịu phép rửa tội, ghi tên vào sổ chưa hẳn đã thành người công giáo đúng mức. Người công giáo chân thật phải sống như Chúa Giêsu, sống theo Phúc âm.
– Đừng để thiên hạ xây dụng thế giới nầy mỗi ngày mà con không biết, không khám phá, không thao thức, không nhúng tay vào. Chúa đã cứu chuộc con và đặt con vào thế gian trong thế kỷ nầy, thập niên nầy, môi trường nầy. Đặt con, chứ không phải cục đá! Khác nhau lắm! Đừng làm “công giáo bù nhìn” (ĐHV. 621).
– Sự ly dị giữa cuộc sống đạo ở nhà thờ và ngoài xã hội, là gương xấu tai hại nhất trong thời đại chúng ta (ĐHV. 622).
Vì thế, cuộc sống tôn giáo phải giúp tôi trở thành người công dân Việt Nam tốt: tôi xác tín được rằng mọi người, người đồng bào tôi, tất cả là anh chị em của một Cha chung; tôi ý thức được trách nhiệm phải phục vụ những người bên cạnh, đồng bào tôi, xây dựng hoà bình và thịnh vượng cho đất nước.
1.3. Tôi đang sống định cư ở một quốc gia hải ngoại
Là người Việt Nam Công giáo đang sống tại hải ngoại, hằng ngày tôi sống với những người anh em tại quốc gia địa phương mà tôi định cư.
Thời gian hiện tại của thế giới hôm nay, không gian của xã hội, quốc gia định cư…, những thành tố cụ thể đó đang hoàn thành tiến trình phát triển con người và nhân cách của tôi. Tôi ý thức căn tính Việt Nam Công giáo của tôi để phát huy các giá trị cao đẹp truyền thống của tổ tiên tôi, để tiếp nhận chân lý cứu độ nơi Đức Kitô qua Giáo hội tôi.
Tôi xác tín rằng: các giá trị cao đẹp của tổ tiên và chân lý cứu độ của tôn giáo tôi trong bất cứ môi trường sống nào đi nữa cũng luôn linh hoạt. Tôi vừa là chứng nhân sống động của các giá trị ấy trong môi trường mà tôi đang sống, đồng thời vừa tiếp nhận, sáng tạo những điều mới lạ, hay, đẹp nơi xã hội trước mắt, đóng góp phần mình vào đà tiến chung của nhân loại.
Là người Công giáo Việt Nam hải ngoại, tôi không thể bằng lòng với khuôn khổ đóng kín, tự tách rời, của một lối tổ chức cộng đồng đã thuộc về quá khứ, không còn tiếp cận tâm tư của con người ngày nay. Tôi phải hội nhập với văn hoá của nơi tôi đến định cư mà không mất căn tính Việt Nam.
Giáo hội là đoàn người đang lữ hành, tiến bước, là thân thể sinh động của Chúa Kitô. Giáo hội ấy không “dậm chân tại chỗ”, không thành tượng đá, nhưng luôn phát triển, cập nhật hiện tại, hướng dẫn thế giới đi về tương lai. Tôi phải tìm hiểu và tham gia sinh hoạt của Giáo hội địa phương, nếu không cộng đồng của tôi sau nhiều năm vẫn còn là “Giáo hội di cư”.
Làm sao chụp hình Chúa
Một hôm thằng con trai tôi mới lên bốn tuổi, hỏi mẹ nó:
“Mẹ ơi ba là nhiếp ảnh viên,
tại sao ba không chụp cho con một tấm hình của Chúa?”
Chúng tôi ngạc nhiên nhưng nghĩ rằng:
đó chỉ là một trong bao nhiêu câu hỏi của trẻ con.
Thế rồi, bốn năm nữa đã trôi qua,
Tôi đã hiểu: thằng con tôi nói có lý.
Có Chúa, vậy “tại sao lại không chụp hình Ngài được?”
Với trình độ của tôi, tôi hiểu sự thật của con tôi.
Tôi nhìn thấy ánh sáng,
Một ánh sáng đã làm cho tâm hồn tôi rung động
Như ánh sáng đập vào cuốn phim.
Dần dần ánh sáng ấy sẽ mạc khải
Cho tôi thấy hình ảnh ấy trrong bản thân tôi.
Và tôi đã khám phá
Một điều kỳ diệu: cuộc đời của tôi
có nhiều điểm trùng hợp với kỷ thuật chụp hình.
Để in một tấm hình đẹp, cần phải có một âm bản đẹp;
Muốn có một âm bản đẹp, cần phải có một cái máy chụp hình,
một cuốn phim, và ánh sáng
có hình ảnh thấy được, có ống kính mở và đóng được.
Thế rồi sẵn sàng để in hình.
Thiên Chúa in hình ảnh không thấy của Ngài trong tâm hồn chúng ta.
Hình ảnh Chúa biểu lộ trong cuộc đời chúng ta,
Nhờ giáo dục và kinh nghiệm mỗi ngày.
Kể từ lúc con người mỗi lần ý thức hơn
sự hiện diện của hình ảnh ấy
Thế rồi cuộc sống thật của chúng ta bắt đầu,
cuộc sống của một người hiểu và biết mình được hiểu.
Và khi đến điểm ấy, tôi đã hiểu rằng
Để chụp được một tấm hình của Thiên Chúa
Công việc cần thiết độc nhất là có một âm bản của Thiên Chúa.
Âm bản ấy là chính tôi.
Hình ấy rõ hay mờ, đẹp hay xấu tuỳ âm bản.
2. Tôi phải sử dụng thì giờ và tài năng của tôi thế nào?
Tôi phải sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương.
Qua Sứ điệp Quốc tế giới trẻ XII, ở ngay phần đầu, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II nhắn gửi các bạn:
“Các bạn có thể gặp Chúa Giêsu, dọc theo những nẻo đường của cuộc sống mỗi ngày!…Đây là chiều kích nền tảng của sự gặp gỡ đó: Không phải các bạn gặp biến cố hay một sự vật gì đó, nhưng các bạn gặp một con người, đó là Thiên Chúa hằng sống”.
– Thể xác còn sống, bao lâu phổi còn hô hấp, tim còn nhịp đập, sự sống phải liên tục, không ngừng được, ngừng là chết. Không thể nên thánh từng khoảng cách. Chúa Giêsu nói: “Tôi luôn luôn làm những điều đẹp lòng Đức Chúa Cha” nghĩa là “Sống từng giây phút đầy mến yêu” – Chúa Giêsu không nói làm việc lớn hay việc nhỏ: Chỉ cần một điều: việc ấy đẹp lòng Đức Chúa Cha: “Đường Hy vọng dài thăm thẳm, Con đừng làm “Thánh lâm thời” : Phong ba dồn dập, nước sơn sẽ phai nhạt và tượng thánh sẽ hiện hình quỷ” (ĐHV. 44).
Trong Phúc âm, các Tông đồ muốn chọn con đường dễ nhất, khoẻ nhất: “Xin thầy cho dân chúng về, để họ mua thức ăn”…Nhưng Chúa Giêsu muốn hành động trong phút hiện tại: “Chính các con hãy cho họ ăn đi” (Lc. 9,1). Trên Thánh giá, khi người ăn trộm thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài khi về thiên đàng xin Ngài nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Hôm nay con sẽ ở cùng ta trên nước thiên đàng” (Lc. 23, 42-42). Trong tiếng “hôm nay” của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy tất cả sự tha thứ, tất cả tình thương của Ngài.
Cha Maximilianô Kolbê sống tinh thần ấy khi ngài khuyên các tập sinh trong dòng: “Tất cả, tuyệt đối, không điều kiện”. Tôi đã nghe Đức cha Helder Camara nói: “Cả cuộc đời là học yêu thương”. Một lần Mẹ Têrêxa Calcutta gửi thư cho tôi, Mẹ viết: “Điều quan trọng không phải là số công tác đã thực hiện nhưng là mức độ tình yêu ta đã để vào mỗi công việc”.
Làm sao yêu thương đến cao độ như thế trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày , mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung cả tâm hồn cho những gì là chính yếu. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là “đẹp nhất” của đời tôi. Tôi phải dành cho mỗi người tình yêu của tôi, nụ cười của tôi: tôi phải lo sợ đánh mất mỗ giây phút trong đời mình vì đã sống không ý nghĩa…
Cha đã viết trong cuốn Đường Hy vọng:
“Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại (x. Mt. 6, 34; Gc. 4, 13-15). Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó” (ĐHV. 997).
Kho tàng ở tầm tay bạn
Hãy dùng thời gian để suy nghĩ,
vì đó là nguồn mạch của sức mạnh.
Hãy dùng thời gian để chơi đùa,
vì đó là bí mật, của tuổi xuân trường cửu.
Hãy dùng thời gian để đọc sách báo,
vì đó là nguồn mạch của kiến thức.
Hãy dùng thời gian để yêu và được yêu,
vì đó là hồng ân của Thiên Chúa.
Hãy dùng thời gian để chọn bạn hữu,
vì đó là đường hạnh phúc.
Hãy dùng thời gian để tươi cười,
vì đó là âm nhạc của tâm hồn.
Hãy dùng thời gian để trao tặng,
vì đời quá vắn để sống ích kỷ.
Hãy dùng thời gian để mang Tin mừng,
vì đó là sứ mạng cao cả của bạn.
Hãy dùng thời gian để cầu nguyện,
vì đó là sức mãnh liệt nhất trên quả đất nầy.
3. Trạng thái Tâm hồn của tôi như thế nào?
Tôi phải sống ngày hôm nay như ngày cuối cùng của đời tôi
Mỗi giây phút tôi sống không bao giờ lặp lại; và không ai thay thế tôi để sống cuộc đời riêng tư, nhân cách có một không hai của tôi.
Tôi hoàn thành giá trị con người tôi trong khung cảnh của giây phút nầy, ngày hôm nay với những điều kiện hiện đang có; từng giây phút hiện tại đó tôi đưa cuộc sống Thần thánh của Thiên Chúa vào thời gian hiện tại của tôi; từng giây phút hiện tại tôi chuyển mỗi công việc nhỏ bé của tôi thành hành động của Thiên Chúa.
Tôi không chờ đợi trong ảo tưởng, nghĩ rằng rồi ra một ngày mai nào đó tôi sẽ thật sự bắt đầu sống, bắt đầu hoán cải, bắt đầu dấn thân…
Các tôn giáo đã cống hiến cho chúng ta câu châm ngôn:
“Hãy sống ngày hôm nay như ngày cuối đời mình”, để chúng ta trở về cõi thực, canh tân nếp sống.
Mẹ Tê-rê-xa có lần đã phát biểu:
“Tôi dâng lễ nầy như là lễ đầu tiên, như là lễ cuối cùng và như là lễ độc nhất của đời tôi”.
Thật vậy, nếu mình nhận thức được mỗi giây phút mình sống, mỗi cử chỉ, lời nói của mình là duy nhất, cuối cùng, thì cách cư xử mình sẽ tốt đẹp hơn biết bao nhiêu! Cuộc sống gia đình, bạn bè, sẽ tràn đầy yêu thương và hạnh phúc.
Những căn bệnh ảo tưởng, đợi chờ lại là mối nguy cơ, luôn đe dọa nhân cách chúng ta. Để cảnh tĩnh nguy cơ của căn bệnh “ngày mai rồi sẽ tính” nầy, người ta thường kể cho nhau nghe câu chuyện ngụ ngôn sau đây:
“Ngày kia Vua quỷ hỏi các quỷ cố vấn:
– Làm thế nào để người trên trần thế sa đọa và thua mình?
Các cố vấn đề nghị nên phỉnh gạt người ta rằng không có Thiên Chúa, hoặc không có trừng phạt gì ở đời nầy và đời sau. Vua quỷ suy nghĩ và chê các ý kiến đó không hữu hiệu. Sau đó một hồi lâu, một quỷ nhỏ lại lên tiếng đề nghị: “Xin Vua quỷ cứ nói với họ là ngày giờ còn rộng, còn dài, hãy thư thả rồi sẽ tính”.
Vua quỷ vội đứng dậy, vỗ tay khen hay:
– Đúng, mầy nói đúng, chỉ có cách nầy mới làm cho con người an tâm mà xa thần thánh và không lo sợ trừng phạt, bấy giờ ta sẽ mặc sức xúi dục chúng sa đọa theo ý của ta”.
Người Thánh dùng Thời gian của mình thế nào?
Các thánh cũng sống trên quả đất nầy như con,
Các ngài cũng sống cùng thời gian với các người khác,
Ai cũng một ngày 24 giờ.
Ngày của các thánh không dài hơn một phút.
Các thánh không sống lâu hơn con,
Phanxicô Xaviê 46 tuổi,
Têrêxa Hài Đồng 24 tuổi,
Rosa De Line 31 tuổi.
Nhưng thời gian của các thánh có một sự cô đọng, một tỉ trọng đặc biệt, vì nó có giá trị đời đời, nó có tính trường cửu.
Con có thể sánh một nông dân, một công nhân, một giờ lao động của họ đáng giá 1.000 đồng, 1.500 đồng, 3.000 đồng…
Nhưng một nhà kinh tế, kỷ nghệ, tài chánh, có khi một phút của họ, một quyết định đáng giá bạc triệu, bạc tỷ.
Chúa hành động trong các thánh, các thánh cộng tác với Chúa.
Một giờ làm việc của Chúa là vô giá!
Sự thánh thiện được xây dựng trong giây phút hiện tại.
Không ai có thể nên Thánh lui cho quá khứ.
Cũng không ai có thể nên Thánh trước cho tương lai.
Vì thế mà vị Thánh sử dụng phút hiện tại.
Mỗi giây phút, không bỏ lỡ phút nào, để đáp lại tình yêu Chúa với tất cả tâm hồn.
Vị Thánh sống trong hiện tại trong một đại dương bình an vô hạn,
Vì Ngài đã sống trong sự đời đời.
Mà đời đời là một hiện tại vĩnh cửu.
4. Tôi phải tìm nguồn Sinh lực của đời tôi ở đâu?
Tôi phải tìm từ Đạo
Mùa hè 1997, trên 1 triệu người trẻ từ các nước trên thế giới về Paris, Pháp; qui tụ bên Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Sự kiện đó được nhận ra như một dấu chỉ lớn của thời đại. Con số trên 1 triệu thanh niên tham dự vượt xa bất cứ một dự đoán nào của dư luận và của cả Ban tổ chức. Người ta thắc mắc: Cụ già gần 80 tuổi, đau, yếu nầy còn có gì hay để lôi cuốn được giới trẻ đến gần mình? Niềm tin tôn giáo còn hấp lực nào cho giới trẻ, đặc biệt giới trẻ tại các nước Tây-Âu, thế hệ sinh ra và lớn lên trong bầu khí “trần tục hoá”, để họ kéo nhau đến Paris đón chờ sứ điệp của một vị lãnh đạo tôn giáo?
Và sự kiện bất ngờ của mùa hè 1997 tại Paris đã làm người ta giật mình, ý thức được rằng dấu ấn khắc ghi nơi tâm hồn con người, tức là Niềm tin và khát vọng Sự thật, không thể có một yếu tố bên ngoài nào tẩy xoá được, nơi bất cứ ai vào bất cứ thời nào.
Niềm tin, và cao độ là niềm tin tôn giáo, phát xuất từ động lực nầy lôi kéo con người hướng về Chân -Thiện – Mỹ . Động lực đó là yếu tố chính của cuộc sống. Người trẻ hôm nay cũng do động lực của niềm tin đó thúc đẩy như con người của các thế hệ cha ông đi trước. Cách đây hơn 25 thế kỷ, Khổng Phu Tử đã từng nói: “Người mà không tin, thì không biết làm được điều gì!” (Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã) [Luận Ngữ II, 22]. Và khi đồ đệ Tử Cống hỏi về việc trị nước, Ngài trả lời rằng: Nước cần có đủ lương thực, đủ binh lực và niềm tin của dân. Tử Cống lại hỏi, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một trong ba điều, thì đành phải bỏ điều nào trước? Khổng Tử đáp ngay là phải bỏ binh lực. Người học trò lại hỏi dồn, nếu đành phải bỏ một trong hai điều còn lại thì sao? Ngài trả lời là bỏ lương thực, vì dân mất niềm tin thì nước không còn (xem Luận Ngữ XII, 7).
Vào thời tiếp theo, có lần người ta hỏi về việc cứu đời, Mạnh Tử đáp: Cứu người chết đuối dưới sông, thì cần đưa sào cho người ta níu, nhưng cứu cả thiên hạ cho khỏi loạn, thì cần đến Đạo.
Khi không còn niềm tin ở Thiên Chúa là tạo hoá là Cha của chúng ta thì chẳng còn sợ ai, chẳng chừa một loại thủ đoạn nào, gian trá độc địa nào, chẳng trừ một thứ tội ác nào.
Khi không còn niềm tin mọi người là anh em của ta, con một Chúa, thì chỉ áp dụng thuyết “cá lớn nuốt cá bé” – người bóc lột người.
Phát biểu tại Liên Hiệp quốc (5.10.95) Đức Thánh cha Gioan Phaolô II nói: “quý vị muốn viết lên một trang sử mới, tốt đẹp cho nhân loại, quý vị hãy sử dụng văn phạm mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: đó là lương tâm của chúng ta”.
Niềm tin tôn giáo thúc đẩy con người dấn thân một cách đại độ để phục vụ anh em đồng loại của mình, hoàn thành nghĩa vụ chính yếu là yêu thương.
Trong năm 1997, nhân dịp kỷ niệm lễ giỗ 20 năm nhà văn công giáo Raoul Follereau (1903-1977) tại Đại học Sorbonne, Paris, Pháp, tôi được mời nói chuyện về ông. Được thúc đẩy bởi niềm tin tôn giáo, Raoul Follereau xác tín rằng “không ai có quyền hưởng hạnh phúc một mình”; và vì thế cùng với bà Raoul Follereau, ông đã lên đường chăm sóc phục vụ những người bạn phong cùi trên thế giới, khắp các lục địa. Một hôm tại một trại cùi, Raoul Follereau đến trước một cô gái đang bị bệnh và đưa tay bắt; nhưng cô gái đứng khựng người lại, không phản ứng. Giám đốc trại nhắc Raoul Follereau rằng nội qui không cho phép người bệnh bắt tay khách. Raoul Follereau trả lời: “Cấm bắt tay nhưng có cấm hôn không?”. Vừa nói, ông vừa đến ôm hôn cô gái. Mọi người sững sờ; tất cả những người bệnh trong trại lúc bấy giờ nhào đến gần ông, một người trong họ nghẹn ngào lên tiếng: “Hôm nay tôi cảm thấy chúng tôi là người”.
Người phong cùi nhận ra được phẩm giá làm người của mình, còn Raoul Follereau thực hiện được một cuộc đời xứng đáng làm người vì yêu thương. Động lực thúc đẩy con người biết và thực hiện giá trị làm người đó là sức mạnh của niềm tin tôn giáo.
Sống đạo
Đạo không phải là một chủ thuyết,
để dựa vào đó
mà chỉ trích chống đối nhau,
hay bảo vệ lập trường
riêng tư của mình.
Đạo là sống theo Phúc âm
Chúa Giêsu cách trọn vẹn.
Thế gian nầy có người không biết
phải trái, phi lý vụ lợi
không can gì, cứ yêu thương họ.
Nếu bạn làm tốt, họ bảo rằng
bạn nhằm mục đích ích kỷ :
Không can gì, cứ làm điều tốt.
Bạn thực hiện chương trình,
bạn sẽ gặp nhiều người bạn giả dối
và kẻ thù đích thực :
Không can gì, cứ thực hiện.
Sự thanh liêm và trung thực
làm cho bạn dễ bị tấn công :
không can gì, cứ thành thực
và thanh liêm.
Công nghiệp bạn xây dựng nhiều năm
sẽ bị phá tan trong một ngày :
không can gì, cứ xây dựng.
Người được bạn giúp đỡ sẽ phản bội bạn :
Không can gì, cứ tiếp tục giúp đỡ
Bạn đem những gì đẹp nhất
của đời bạn cho thiên hạ,
họ sẽ đưa chân đá đuổi bạn :
Không can gì,
hãy cho mọi người những gì tốt nhất.
Hai ngàn năm trước đây
Chúa Giêsu đã làm như vậy.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
5. Chiều cao của đời tôi là gì?
Là trung thành với Thiên Chúa, với Hội thánh, với Tổ tiên, với Tổ quốc
Nhìn lên, tôi sống mối tương quan với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, và cao hơn cả là Đấng Tối cao – Thiên Chúa, Tổ của tổ tiên, người Cha chung của nhân loại.
Với Thiên Chúa tôi trung thành:
“Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12, 30).
Tôi tôn vinh những người được Thiên Chúa gửi đến để chuyển nguồn sống của Ngài đến cho tôi, cho tôi được làm người Việt Nam Công giáo hôm nay: họ là cha mẹ, ông bà, tổ tiên , và Giáo hội tôi.
Các tôn giáo của nước tôi, truyền thống văn hoá dân tộc tôi dạy tôi biết thảo kính cha mẹ, ông bà, tưởng nhớ biết ơn tổ tiên, tôn vinh tổ quốc, non sông đất nước, quê hương mà bao thế hệ cha ông đi trước đã đổ xương máu để vun trồng và bảo vệ. Đó là gia sản chung, niềm tin chung của truyền thống văn hoá đồng bào tôi qua Đạo Ông-bà.
Nhưng tôi “Tôi đã làm gì về ơn Phép Rửa của tôi?”
Đây là câu nói của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chuyển đến người Kitô hữu Pháp trong chuyến viếng thăm quốc gia nầy của Ngài vào dịp lễ Mừng kỷ niệm 1500 năm Vua Clovis chịu phép rửa. Vì đã nhận phép rửa tội, tôi được mang danh Kitô hữu, nhưng cuộc sống của tôi có phải là hình ảnh trung thực của Đức Kitô, là chứng nhân tình yêu Thiên Chúa mà Đức Kitô đã từng thực hiện, hay là tôi đã mang danh mà không sống thực, và lắm lúc tôi đã sống như kẻ phản chứng. Thánh Gandhi đã từng phát biểu thành thật rằng: “Tôi yêu Đức Kitô, nhưng không thích Kitô hữu”.
Làm Kitô hữu chân thực, tôi không thể không biết đến Đức Kitô là ai, hay không học hỏi Phúc âm, thờ ơ và dững dưng với giáo hội là thân thể sống động của Ngài!
Là Kitô hữu trung kiên tôi không thể không sống đạo, nghĩa là sống như Đức Kitô đã sống, bằng lời nói, việc làm để rao truyền Nước Thiên Chúa ở giữa mọi người.
Là Kitô hữu chí tình, tôi không thể nguội lạnh, không thấm nhập cuộc sống của Thiên Chúa trong Chúa Kitô qua các bí tích; và không thể chấp nhận làm một tế bào chết, ù lì, thụ động, không cảm xúc bên cạnh muôn ngàn tế bào sống động làm nên Giáo hội của Chúa.
Là người con của Tổ quốc Việt Nam, tôi không thể chỉ biết tôn vinh quá khứ của tổ tiên bằng lời nói, nhưng còn phải dấn thân phục vụ cuộc sống cộng đồng người Việt trước mắt, đóng góp sức lực của mình kiến tạo hoà bình và thịnh vượng cho đồng bào quê hương hôm nay cũng như tương lai.
Chỉ có Thiên Chúa
1- Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban đức Tin
Nhưng bạn có thể là chứng nhân của đức Tin
2- Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban đức Cậy
Nhưng bạn có thể mang tin tưởng đến cho tha nhân
3- Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban đừc Ái
Nhưng bạn có thể chỉ cho người khác biết bạn phải yêu thế nào.
4- Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban bình An
Nhưng bạn có thể gieo rắc sự hiệp nhất
5- Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sức mạnh
Nhưng bạn có thể ở bên cạnh để nâng đỡ người thất vọng.
6- Chỉ có Thiên Chúa là đường đi
Nhưng bạn có thể chỉ con đường ấy cho anh chị em
7- Chỉ có Thiên Chúa là ánh sáng
Nhưng bạn có thể làm ánh sáng đó toả rạng trước mặt tha nhân
8- Chỉ có Thiên Chúa là sự sống
Nhưng bạn có thể truyền cho người khác ý chí muốn sống.
9- Chỉ có Thiên Chúa làm được những điều dường như không thể được,
Nhưng bạn có thể làm những điều có thể được;
10- Chỉ có Thiên Chúa là Đấng tự hữu
Nhưng Ngài muốn nhờ vào bạn
6. Chiều rộng của đòi tôi là gì?
Là trưởng thành đối với gia đình, cộng đoàn và xã hội
Sách thánh hiền xưa viết: “Hữu bách tuế nhi đồng, hữu thất tuế như ông” (tạm dịch “có người trăm tuổi vẫn là trẻ con, có đứa bé mới có bảy tuổi đã là người trưởng thành”).
Đối với Hội thánh cũng như đối với Gia đình, Tổ quốc, chúng ta trưởng thành khi nhận lấy trách nhiệm suy tư cũng như hành động.
Những người thiếu trưởng thành mắc bệnh “đợi chờ phép lạ”. Họ không muốn đưa vai gánh vác, không mệt óc nghĩ ra sáng kiến, như trẻ con không đóng góp, nhờ người khác bế bồng, cầm tay dẫn đi, khuyên bảo, động viên khi lo sợ khó khăn. Khi một cộng đoàn, một xã hội gặp những người như vậy thì rối beng tùm lum, hoặc là xoay đổi quyết định như chong chóng khi bị những lãnh tụ rỡm lợi dụng.
– Sống trưởng thành là làm người có trách nhiệm với kẻ khác
Khi còn bé, tôi cần đến kẻ khác để sinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ tôi. Nhưng tôi phải trưởng thành để hoàn thành nhân cách. Người trưởng thành là người ý thức về sự hiện diện và tự do của kẻ khác; và hơn nữa là mang lấy trách nhiệm dưỡng nuôi, giáo dục, bảo vệ…kẻ khác. Người trưởng thành không mãi thụ động chờ đợi người khác phục vụ mình, ban cho mình các quyền lợi, nhưng ý thức trách nhiệm phải tích cực dấn thân gánh vác các công việc gia đình, cộng đồng, quốc gia và giáo hội.
– Sống trưởng thành là biết cân nhắc, suy xét và can đảm quyết định.
Chúng ta luôn cần có những cố vấn trong các công việc cá nhân hay tập thể, nhưng không ai có thể quyết định thay chúng ta. Cá nhân cần can đảm chọn lựa, quyết định để trưởng thành; đoàn thể cần tự quyết định để định hướng sinh hoạt; quốc gia cần quyết định để thể hiện độc lập và tự do của mình.
– Sống trưởng thành là dấn thân thực hiện công ích và thúc đẩy tiến bộ.
Trưởng thành là vượt qua thái độ tắc trách, tự tách mình ra khỏi trách nhiệm cộng đồng để mãi giữ lấy thái độ phê bình, chỉ trích, xoi mói, bàn tay sạch. Cuộc sống gia đình, cộng đồng, giáo hội hay quốc gia là nỗ lực đóng góp chung mà mỗi người dấn thân gánh vác phần của mình để xây dựng và kiện toàn. Cần chiến thắng nếp sống thụ động, tiêu cực và cố chấp hầu mở rộng lòng hầu đón nhận chân lý yêu thương của Phúc âm, cập nhật những điều hay tốt, mới lạ nơi các dấu chỉ của thời đại để định hướng bước đi của mình, thúc đẩy tiến bộ.
Mẫu mực yêu thương trưởng thành là tình yêu Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương đến hy sinh mạng sống. Chúa Kitô, kẻ vô tội, không đến để xét đoán, nhưng gánh lấy tội con người, tội xã hội để cứu độ. Vì yêu thương mà phải có trách nhiệm, trách nhiệm với mọi người, không trừ ai, dù là kẻ thù của mình:
“Cha của anh em, Đấng ngự trị trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn nầy phải hư mất” (Mt 18, 14).
Không rời vị trí, không bỏ trách nhiệm
Ở tại vị trí.
Đứng vững,
tại sao rời bỏ vị trí chiến đấu?
Ai bỏ vị trí?
Thường là những người quá khôn ngoan trốn tránh, những lính đánh thuê, những nhà thương mãi chỉ kiếm lợi, những người nhát sợ, ngững người ích kỷ.
Khó thật, nguy hiểm thật,
nhưng không rời một ly,
không rời một bước,
giữ vững, liều mạng sống.
Kẻ thù phải bước lên xác ta.
Mỗi người Kitô hữu là một chiến sĩ,
một người đi tiền phong.
“Nầy, Thầy lên Gierusalem
và con người sẽ bị nộp” (Mt. 20, 18).
“Thầy chẳng uống chén đắng
Cha ban cho Thầy sao? (Gioan 18, 11)
“Để thế gian hiểu biết Cha yêu mến Thầy
và Thầy yêu mến Cha,
chúng ta hãy đứng dậy và ra đi” (Gioan 14, 31)
Không phải giữ vị trí và kiếm cách yên thân,
mặc cho người khác phải hoạn nạn, tan tác.
Xin Chúa cứu chúng con
khỏi sự khôn ngoan thế gian,
không có trong bảy ơn Chúa Thánh Thần.
7. Chiều dài của đời tôi là gì?
Là Tín thành với bằng hữu, với mọi người
Một danh tướng của Pháp có lần đã nói: “Tất cả đều mất, trừ danh dự“ (Tout est perdu sauf l ‘honneur). Trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng gặp xuôi may; nhưng cuộc sống của ta còn đáng sống khi danh dự của ta còn. Trước tình trạng khủng hoảng, thế giới ngày nay mất hướng, trong Thông điệp Hào-quang Chân-lý (Veritatis Splendor), Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã từng trích lại câu thơ của thi sĩ Juvénal để nói đến giá trị của danh dự trong cuộc sống:
“Tội ác tày trời là coi mạng sống mình hơn danh dự
Và vì quá ham sống mà đánh mất những ý nghĩa đời người”
(Summum crede nefas animam praeferre pudori,
et propter vitam vivendi perdere causas) [Satires, VIII, 83-84]
Người không biết trọng danh dự là người thích tạo ra bầu khí nghi kỵ, chỉ trích, dối trá, không ai tín nhiệm vào ai, không ai còn hứng khởi tích cực xây dựng được một điều gì; phong cách đó, chế độ đó, nền văn minh đó đưa đến kết quả rõ rệt là các mối tương quan xã hội băng rã dần trong bầu khí bạn bè, gia đình, làng xóm, đoàn thể, quốc gia và ngay cả giáo hội.
Người biết trọng danh dự là ngưòi sống thành tín để bạn bè tín nhiệm được mình, là tâm hồn đại độ để có thể tin tưởng vào người khác. Nếp sống đó là chìa khoá để phục hồi niềm tin, canh tân và tạo an bình cho sinh hoạt gia đình, đoàn thể, quốc gia và giáo hội.
Người tín thành, trọng danh dự, luôn luôn giữ lời hứa, chu toàn phận sự, người ta có thể đặt niềm tin vào họ, lúc thịnh cũng như lúc suy, thành công cũng như thất bại họ luôn luôn có mặt bên cạnh bạn bè.
Người tín thành, mở rộng đôi cánh tay, để bắt tay mọi người thân ái, hai bàn tay bên là tín, bên là thành nối dài, nối dài vòng quanh thế giới. Không ai tín thành bằng người sẵn sàng chết thay cho bạn – phải vươn đôi tay tín thành lên khắp năm châu thì mới biến đổi được cái xã hội ta đang sống – nơi mà không ai tin ai, nơi người ta dò thám nhau, rình mò nhau, tố cáo nhau.
Phúc âm của Chúa Kitô dạy tôi, truyền thống văn hoá ngàn đời của dân tộc, tổ tiên Việt Nam nhắc nhỡ tôi: Hãy yêu mọi người, kể cả kẻ thù của tôi, vì mọi người đều là con cái của Cha chung: bốn bể đều là anh em.
Tình yêu cao cả đó thúc đẩy tôi thành thực và trung tín với người chung quanh.
Danh dự con người dựa trên lòng thành thật, vì thành thật tạo cho bằng hữu tín nhiệm.
Trung tín trong lời nói, ngay thẳng trong tâm tư, đại độ trong cách cư xử, đó là nhân cách của kẻ trọng danh dự.
Một người không danh dự, lật lọng, dối gạt bạn bè, và người thân sẽ gây cho gia đình, quốc gia đổ vỡ, bầu khí xã hội băng rã.
Một gia đình, một đoàn thể, một chế độ không lấy Sự thật và Tín thành để làm tiêu chuẩn, sẽ đẩy đưa nếp sinh hoạt của mình vào con đường thù hận, gian trá, thiếu danh dự, và con dân sẽ mất hướng.
Tôi còn nhớ câu đối quý giá của Sảng Đình (Linh mục J.M. Nguyễn Văn Thích) treo trong phòng ngài:
Phụng Chúa đức tam : tín, vọng, ái,
Thúc thân thành nhất : tư, ngôn, hành.
Thờ Chúa ba đức: tin, cậy, mến.
Tu thân toàn thành: suy, nói, làm.
Tín thành
Anh là thụ tạo cao sang
Em là lý tưởng vinh quang tuyệt vời.
Anh là đầu óc sáng soi
Em là tim chứa muôn lời yêu thương.
sáng soi anh dẫn đưa đường,
Yêu thương em toả kiên cường phục sinh.
Anh nhờ lý luận phân minh
em giàu nước mắt dịu hiền lung linh
Luận suy kiên vững hùng anh.
giọt châu biến đổi tâm tình đẹp xinh
Anh hùng anh thật quang vinh
Hy sinh em vẫn lặng thinh dịu huyền
Anh là đền thánh trang nghiêm
em là cung thánh thiêng liêng nhiệm mầu
Trước đền cất nón cúi đầu
Trong cung quỳ gối nguyện cầu thiết tha.
Anh thường suy nghĩ cao xa
Em luôn mơ mộng cỏ hoa thơm nồng
Suy tư anh thật tinh thông
Mộng mơ em chiếu một vòng hào quang
Anh là biển rộng mênh mông
em là sông nước sạch trong dịu dàng
Đại dương có ngọc điểm trang
sông hồ gió mát nắng vàng nên thơ
Anh là chim phương bay xa
em là hoàng yến hót ca giữa đời
Bay xa chinh phục khung trời
Hát ca quyến rũ lòng người trần gian
Sau cùng
anh chờ em ở chân trời
còn em, em đợi trước đài thiên cung.
(Cảm nghiệm của Thánh Thomas Aquinos)
8. Ánh sáng định hướng cuộc đời chúng ta là gì ?
Trong thiên niên kỷ thứ ba, chúng ta theo ánh sáng của Hy vọng
Ánh sáng định hướng đời tôi là Hy vọng. Lời kinh phụng vụ hát: Kính chào Thánh giá là Hy vọng “độc nhất của chúng tôi” (o crux ave spes unica). Thánh giá đem lại Hy vọng vì Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào đó để cứu rỗi nhân loại, người lại Phục sinh để đưa nhân loại vào thiên đàng.
Giữa thế gian đầy tội ác, bất công, đói khổ hôm nay, Chúa Giêsu bảo chúng ta làm gì?
– Người Công giáo là ánh sáng giữa đen tối, là muối sống giữa thối nát, và là hy vọng giữa một nhân loại thất vọng (ĐHV. 950).
– Yêu Chúa là yêu trần gian. Mẹ say Chúa là mẹ say trần gian. Hy vọng ở Chúa là hy vọng trần gian được cứu rỗi (ĐHV. 954).
Và Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tránh:
Thánh Phaolô hằng khuyên nhủ giáo dân đừng sống như những người không hy vọng (ĐHV. 951).
Ngài cũng phân tích cho chúng ta thấy những hạng người công giáo khác nhau, và chọn cho mình hướng đi đúng:
Có hạng “công giáo đợi chờ”, khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến.
Có hạng người “công giáo thụ động”, “trốn tránh, vô trách nhiệm”.
Họ chỉ biết “nhìn lên” đi kêu cứu, mà không biết “nhìn tới” để tiến, “nhìn quanh” để chia sẽ, gánh vác.
Niềm hy vọng đang ở giữa họ, mà họ không hay! (ĐHV. 966)
Làm một cuộc cách mạng: Đừng đem đời người công giáo xa lìa môi trường, để quây quần quanh cái việc thiêng liêng. Đẩy người công giáo mang niềm hy vọng của mình xâm nhập môi trường (ĐHV. 966).
– Không thể quan niệm được một Kitô hữu không mê say đem hy vọng ngập tràn thế giới (ĐHV. 972).
Ánh sáng ấy sẽ chiếu soi giúp ta vượt những thử thách,
– Con hy vọng luôn luôn, đừng chán nản vì những sự khó khăn nôi bộ, ngay trong việc tông đồ.
Như Thánh Phaolô: “Kẻ thì rao giảng Đức Kitô vì lòng mến, bởi biết rằng tôi đã được chỉ định lo bênh đỡ Tin mừng. Kẻ thì lại giảng truyền Đức Kitô vì ganh tị, ý định không tinh truyền, tưởng làm vậy sẽ gây thêm khổ cực cho cảnh lao tù của tôì. Cần chi! Dù sao đi nữa, bởi ý lành hay ý xấu, miễn là Đức Kitô được rao truyền thì tôi vui mừng và tôi cứ vui mừng luôn!” (ĐHV. 976).
Và đời ta sẽ là một đời hy vọng
– Chấm nầy nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút nầy nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp,
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng
Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng (ĐHV. 978)
Hướng đến năm 2000, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II gửi cho giới trẻ thế giới sứ điệp: Tuổi trẻ là chứng nhân của hy vọng.
Tôi xin tóm lược nội dung của cuộc sống chứng nhân, niềm hy vọng đó qua sơ đồ tóm lược sau đây, dựa vào mấy chữ đầu của tiếng La tinh SPES (= hy vọng); và tôi chuyển dịch qua tiếng Việt bằng bốn công tác dấn thân bắt đầu bằng chữ P.
S – Servire P – Phục vụ
P – Progressione P – Phát triển
E – Evangelisatione P – Phúc âm
S – Sanctificatione officii P – Phận sự
Khi chọn danh từ Hy vọng, tôi đã nghĩ đến 4P nầy, vì nó là chương trình hành động, cho chúng ta hôm nay; thực hiện đúng, nó sẽ thành hy vọng.
Muốn rõ thêm chi tiết tư tưởng và hành động đúng một chiến sĩ, mời các bạn nghiên cứu thật kỹ hiến chế Mục vụ của Công đồng Vatican II, có tên là Vui-mừng và Hy-vọng, mà tôi đã chọn làm khẩu hiệu và chương trình lúc tôi được chọn làm giám mục (1967).
Sau đây tôi giải thích 4P ấy :
* Phục vụ
Công đồng Vatican II đã cho chúng ta thấy Hội thánh hôm nay phải là “một Hội thánh phục vụ” – Khiêm tốn và làm ích cho trần gian như “Men trong bột” như “Muối dưới biển” như “Ánh sáng”, rất thinh lặng, người ta cũng chẳng để ý đến nhưng không thể thiếu cho sự sống được.
Chúa Giêsu nói: “Tôi không đến để được người ta hầu hạ, nhưng để phục vụ”. Và Ngài nói tiếp để giải thích sự phục vụ của Ngài: “Cha hiến mạng sống vì người khác”.
“Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Gioan 13, 14).
Hy vọng hoàn thành nhân cách, hy vọng trở thành người Kitô hữu theo gương Chúa Kitô, hy vọng để kiến tạo một nước Việt Nam hoà bình, hạnh phúc, một giáo hội qui tụ những người con Thiên Chúa… sẽ không dựa trên ước mơ đề cao, tự phụ về mình, đoàn thể mình; không sử dụng cường lực, bắt ép; không đòi hỏi mình được tôn vinh và đặc quyền náo đó cho mình; cho cộng đồng mình…; nhưng “rửa chân cho nhau”, làm kẻ phục vụ tôn trọng, yêu thương: đó là con đường hy vọng, hằng ngày canh tân cuộc sống cá nhân, tạo bầu khí lành thánh cho xã hội và giáo hội.
* Phát triển
Đức Giêsu bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn” (Mt 14, 16).
Chúa Giêsu Kitô, con Thiên Chúa mang thân xác làm người, thức tỉnh chúng ta biết giá trị cao cả của thân xác con người chúng ta. Làm sao có thể thực hiện tình yêu thương người bên cạnh, khi có kẻ thừa thải cơm áo, tiền của dư đầy, nắm hết tiện nghi của cải và quyền lực, bên cạnh đa số người anh em lâm cảnh đói rách, bị đối xử bất công, bị tước bỏ quyền sống, quyền được tự do…
“Hãy cho họ ăn“, của ăn thân xác và tinh thần, bằng nổ lực đóng góp vào cuộc sống kinh tế, phát triển khoa học để phục vụ con người, đào sâu các giá trị văn hoá; bằng việc dấn thân tranh đấu cho công lý, hoà bình để nước Thiên Chúa là tình huynh đệ nhân loại mỗi ngày một thể hiện rõ nét hơn trên trần thế.
Hội thánh phục vụ bằng cách phát triển toàn diện con người. Trong những năm 60 thế giới bắt đầu nói rất nhiều đến “Phát triển”, Đức Thánh cha Phaolô VI đã công bố Thông điệp “Phát triển các dân tộc” – trong đó Ngài công bố thành lập Ủy ban Giáo hoàng sau nầy trở thành Hội đồng Toà thánh Công lý và Hoà bình. Hội thánh nhằm lo cho con người sống xứng đáng địa vị làm con Chúa.
Phát triển đây không có nghĩa kinh tế mà thôi – nhưng là phát triển con người toàn diện, thể lý, trí thức, tâm linh…
Một điều quan trọng ở đây là đánh tan lối suy nghĩ sai lạc: Hội thánh chỉ lo phần linh hồn thôi, không lo phần xác. Lối suy nghĩ đó đi xa sự thật lịch sử: trở lại ngàn năm nay, đâu đó Hội thánh tổ chức trường học, viện cô nhi, dưỡng lão, trại bài phung, bệnh viện từ vườn trẻ đến đại học.v.v…
– “Phát triển là danh hiệu mới của hoà bình” (Đức Phaolô VI).
Mặc dù giúp đỡ anh em sung sướng bao nhiêu đi nữa, nếu con để họ thành” bộ máy tự động”, con chưa làm cho họ phát triển thực sự (ĐHV. 586).
– Chấp nhận những người chỉ biết nằm, biết ngồi, chỉ muốn lẻo đẽo đi theo, muốn được giúp, được cứu, được cho, để con được làm ảnh tượng, được luôn luôn cần thiết, thực dễ vô cùng! Nhưng con hãy luyện những con người trách nhiệm, những con người muốn đứng, những con người đáng làm người (ĐHV. 592).
Thực là khó! Nhưng con phải quyết tâm giúp cho người khác:
* Biết vùng dậy.
* Biết suy tư.
* Biết tổ chức.
* Biết chiến đấu.
* Biết chống ngược ý con khi cần. Con sẽ hạnh phúc thật vì anh em cùng thăng tiến với con (ĐHV. 593).
Nói tóm lại, Hy vọng là sức mạnh thúc đẩy chúng ta làm chứng về nổ lực dấn thân phát triển con người toàn diện.
* Phúc âm
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 18).
– Hội thánh phục vụ bằng cách Phúc âm hoá chính mình để rồi Phúc âm hoá xã hội. Không phải để lôi kéo người ta vào đạo, nhưng để giá trị của Phúc âm soi rọi cho chúng ta sống tốt đẹp hơn. Văn hào B. Pascal đã nói : “Khi tôi hiểu biết Thiên Chúa thì tôi cũng đã hiểu biết chính mình tôi”. Vì sao? Vì ý Thiên Chúa dựng nên tôi làm con Ngài, cao sang tốt đẹp hơn muôn phần, và những con người khác quanh tôi cũng cao cả như vậy.
Phúc âm là Lời đem đến ơn phúc, lời từ Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Lời đó, vâng theo ý Chúa Cha, để làm một việc là yêu thương con người, và yêu thương đến độ hy sinh mạng sống mình.
Kitô hữu chúng ta không có con đường nào để chọn, nguồn sinh lực nào để múc lấy, mẫu mực nào để bắt chước, mục tiêu nào để đạt được ngoài Đức Giêsu Kitô, được trao lại cho chúng ta qua các nội dung của Phúc âm.
Đức Giêsu Kitô là lời làm thân xác , ở giữa chúng ta, không phải là lời nói suông nhưng là một con người, một cuộc sống.
Ra đi rao truyền Phúc âm là nghĩa vụ thiết yếu của Kitô hữu và Giáo hội, trước hết là toả lan ánh sáng yêu thương, tinh thần hy sinh, phục vụ người anh em, kể cả kẻ thù mình, như Chúa Kitô đã thực hiện.
– Con chỉ có một Nội qui: Phúc âm. Đó là hiến pháp trên tất cả mọi hiến pháp. Là Hiến pháp Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ; không khó khăn, phức tạp, gò bó như các hiến pháp. Ngược lại linh động, nhân hậu, làm phấn khởi linh hồn con.
Một vị thánh ngoài Phúc âm là “thánh giả” (ĐHV. 986).
– Quả tim con phải rộng đủ để chức đựng và rung nhịp với tất cả chương trình Phúc âm hoá của Hội thánh (ĐHV. 331).
Khi chiếu sáng Phúc âm chung quanh ta là ta làm tông đồ.
– “Tông đồ bằng hy sinh và thinh lặng” như hạt lúa chôn vùi, nát thối để sinh muôn ngàn hạt khác nuôi nhân loại.
“Tông đồ bằng chứng tích”. Lời quả quyết suông không đáng người ta tin tưởng mấy, dù ngọt ngào trau chuốt đến đâu.
Tang vật đáng tin hơn.
Hình ảnh chụp được, tiếng nói ghi âm được, càng dễ đánh động người ta hơn.
Nhưng chính con người sống động bằng xương thịt, nếu cả cuộc sinh hoạt, nếu cả một lớp người, một lớp gia đình cùng sống một lý tưởng, thì chứng tích ấy có một sức mạnh thuyết phục lớn lao biết chừng nào! (ĐHV. 332).
– Bí quyết công cuộc tông đồ trong thời đại ta:
Tông đồ giáo dân! (ĐHV. 335).
Thật thế, tại ngay Rôma nầy, trong ba năm qua, từng ngàn giáo dân tình nguyện làm “thừa sai đô thị”, thăm viếng, mang tặng Phúc âm đến từng gia đình trong giáo phận.
– Đường lối của tông đồ thời đại ta:
* Ở giữa trần gian
* Không do trần gian
* Nhưng cho trần gian
* Với phương tiện của trần gian (ĐHV. 340)
* Phận sự
Mỗi người là một người con yêu quý của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Phẩm giá cao quí và độc đáo đó đi kèm với nghĩa vụ phải hoàn thành phận sự riêng, ơn gọi riêng của mình. Thay vì dành tất cả tài năng, sức lực để rình mò và chỉ trích việc làm của người bên cạnh, là một người anh em có những hoàn cảnh, khả năng, phận vụ riêng của người ấy, thì trước hết chúng ta mỗi người thành tâm, tích cực chu toàn trách nhiệm và phận vụ riêng của mình. Phận vụ đó muốn được thánh hoá để bắc nhịp cầu đến với người bên cạnh, thì cần thấm nhập tinh thần Đấng Thánh của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Phận vụ của Ngài là yêu thương, phục vụ cho đến chết và chết trên Thánh giá.
Hội thánh phục vụ bằng các phận sự trần thế. Đây là một linh Đạo mới. Thường ta có quan niệm người thánh là người làm các việc đạo đức, tham gia các hội đoàn… nhưng quên rằng “nên thánh là chu toàn phận sự của mình”; ông Thánh Giuse nên thánh nhờ làm thợ mộc tốt, Đức Mẹ nên thánh nhờ làm nội trợ tốt: làm tất cả vì Chúa Giêsu. Nguyên tắc rõ ràng hơn cả
– Thánh hoá bổn phận của con. Thánh hoá người khác nhờ bổn phận của con. Thánh hoá chính mình con trong bổn phận (ĐHV. 19)
Thánh hoá bổn phận của con: tôi là nhà báo, dân biểu, học sinh, làm bếp, tôi thánh hoá công việc của tôi, thay vì chỉ làm nghề lấy tiền, tôi làm thật tốt vì yêu mến Chúa – khác nhau lắm.
Thánh hoá người khác nhờ bổn phận con: qua tờ báo tôi viết tốt, bảo vệ sự thật, đem nguồn vui đến cho nhiều người; tôi làm dân biểu, phát biểu can đảm theo lương tâm, tôi thánh hoá người khác – Thế giới nầy không khá được, đất nước không đổi mới được – Vậy thì bao nhiêu nhà báo, bao nhiêu dân biểu, trí thức công giáo, tin lành,… ở đâu? Chúng ta sống như người vô tôn giáo. Và ta đã không thánh hoá người khác nhờ bổn phận.
Thánh hoá chính mình trong bổn phận: Dĩ nhiên khi làm như vậy ta phải hy sinh, can đảm, sáng suốt và bền chí, và ta nên thánh, đâu cần phải ăn chay, đánh tội… mà những người ở xung quanh không ai chịu nổi.
– Nếu ai cũng thánh hoá bổn phận, thì tâm hồn mới, gia đình mới, thế giới mới (ĐHV. 20
– Một vị thánh ngoài bổn phận là thánh ở xa xa thường hay “làm phép lạ” sái nơi, sái giờ. Đến gần thì gây lộn xộn, và hoang mang khó sống (ĐHV. 21).
– Giáo dân nghĩ: Thánh là sốt sắng kinh nguyện, giảng giải, xa lánh thế gian: họ hoá ra giáo sĩ, tu sĩ thời xưa. Tu sĩ nghĩ: Thánh là dấn thân giúp việc xã hội, hoạt động chính trị, tranh đua với giáo dân mà nhập thế. Loạn xà ngầu (ĐHV. 22).
– Các thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các ngài đâu làm gì lạ! Họ chỉ chu toàn bổn phận (ĐHV. 25).
Trong tinh thần hy vọng và sức mạnh Phục sinh của Chúa Kitô, thi sĩ Joseph Folliet (1903-1972) đã viết:
Vui mừng và Hy vọng
“Cuối đường bạn đi
không còn là đường, nhưng là đích điểm lữ hành.
Cuối dốc bạn leo,
không còn là dốc, nhưng là đỉnh cao tuyệt vời.
Cuối đêm tối tăm,
không còn là đêm, nhưng là hừng đông rạng rỡ.
Cuối mùa đông giá,
không còn là đông, nhưng là mùa xuân ấm áp.
Cuối giờ bạn chết,
không còn là chết, nhưng là sự sống vĩnh hằng.
Cuối phút thất vọng,
không còn là thất vọng, nhưng là hy vọng tràn đầy .
Cuối cùng của nhân loại,
không còn là người, nhưng là Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta“.
Chính Ngài là vui mừng và hy vọng của chúng ta
9. Động lực nào giúp chúng ta thay đổi và thăng tiến xã hội ta đang sống?
Tinh thần đoàn kết hiệp nhất
Nhà tư tưởng Pierre Teilhard de Chardin có nói rằng: “đăng giả hội“. Cái gì vươn lên thì sẽ gặp nhau. Chỉ khi nâng tâm hồn lên, vất bỏ đi đằng sau những cố chấp, tự mãn, tị hiềm nhỏ nhoi, thì mắt mới có khả năng nhìn về một hướng, tay có khả năng nắm chặt với nhau để cùng đi.
Cuối thế kỷ 20, chúng ta nhìn lui lại lịch sử nhân loại, và lịch sử của dân tộc ta để thấy rằng, không phải người ta đã không hô hào tình huynh đệ đoàn kết…, nhưng những đau thương, đỗ vỡ cho con người do ngay những chủ thuyết, phong trào nầy đem lại đều phát xuất từ một điểm: Các chủ thuyết đó, chưa thấy được tầm cao cả của con người và các người dấn thân chưa nâng tâm hồn mình lên đủ.
Đức Kìtô đã cho Kitô hữu chúng ta một bí quyết về tình liên đới và đoàn kết:
Ta hình dung Chúa Giêsu như mặt trời ở giữa phát ra các tia sáng quanh cả vòng tròn, càng ra xa trung tâm, các tia ấy, có khoảng cách xa nhau hơn nữa. Nhưng nếu ta đi ngược lại càng trở về trung tâm, càng xích lại gần nhau, cho đến lúc gặp nhau ở một trung tâm điểm là Thánh tâm Chúa Giêsu.
Tất cả đoàn kết, liên đới… đều ở xa xa cả, vi còn giữ kẽ, còn bảo vệ lợi ích của cái tôi, còn có chiến lược…
Các thánh phân biệt Tình thương tiếng Hy-lạp dùng Eros hoặc Philia, với Agapé đức Ái, là tình thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Gioan và Phaolô chỉ dùng danh từ Agapé khi nói đến Thiên Chúa: “Như Đức Chúa Cha đã yêu thương Thầy, Thầy yêu thương anh em” (Gioan 15, 9).
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em” (Gioan 13, 34).
Tình thương ấy khiến cho ta hiệp nhất như lời Chúa Giêsu cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Gioan 17, 21-22). Phải có cái nhìn của Chúa Giêsu đối với mọi người.
Căn tính của người công giáo là Đức Ái.
– Chúa chỉ bắt các tông đồ mang một đồng phục rẻ tiền mà khó kiếm:
“Người ta sẽ lấy dấu nầy mà biết các con là môn đệ Thầy: Các con thương yêu nhau (ĐHV. 748).
Nhưng yêu thương thế nào đây?
– Có loại bác ái ồn ào : Bác ái phong thánh.
– Có loại bác ái kể công : Bác ái ngân hàng.
– Có loại bác ái nuôi người : Bác ái sở thú.
– Có loại bác ái khinh người : Bác ái chủ nhân.
– Có loại bác ái theo ý mình : Bác ái độc tài.
Bác ái nhãn hiệu, bác ái giả hiệu (ĐHV.756).
– Bác ái không có biên giới; nếu có biên giới, không còn là bác ái nữa (ĐHV. 787).
– Hãy yêu thương nhau không bằng lời nói mà bằng việc làm. Hãy yêu thương nhau bằng tay mặt làm mà tay trái không biết.
“Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương chúng con” (ĐHV. 755)
Đức Kitô nâng tâm hồn lên với Cha Ngài, để chỉ biết có yêu thương: Yêu tất cả, yêu từng người, yêu người thân, yêu kẻ thù, yêu người lành thánh, yêu kẻ tội lỗi. Yêu bằng hy sinh mạng sống mình cho kẻ mình yêu.
Pascal đã từng nói: “Trái tim có những lý lẽ mà trí khôn bình thường không biết được“.
Lý của trái tim xem ra điên rồ: yêu đến hy sinh mình, yêu kẻ thù mình…; nhưng nâng trái tim nầy lên, bấy giờ liên đới, đoàn kết mới có sức mạnh và ý nghĩa.
Nâng tâm hồn lên, để cảm nghiệm được rằng lý thuyết có thể khác nhau, nhưng con người luôn có cơ may đến gần và hiểu nhau trong cuộc sống.
Nâng tâm hồn lên, mới thấy có những sức mạnh bên trong, bên trên có thể hoàn cải nếp suy tư, thay đổi những cơ chế mà người ta nghĩ rằng không còn cơ may cứu vãn.
– Bác ái là nối dài tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại (ĐHV. 792)
– Con phải nói được cách thành thực rằng:
“Tôi không xem ai là kẻ nghịch của tôi, kể cả những người căm thù tôi nhất, những người bắt bớ tôi, thề không đội trời chung với tôi” (ĐHV. 793).
Hiệp nhất, liên đới muốn thành hiện thực phải múc lấy sức mạnh cao siêu đó của bác ái.
Đoàn kết hiệp nhất
“Nếu nốt nhạc bảo:
Chỉ một nốt làm sao thành nhạc được
Thì làm sao có bản hoà tấu.
Nếu lời nói bảo:
Chỉ một lời làm sao thành trang sách
thì bao giờ có những pho sách.
Nếu viên đá bảo:
Chỉ một vên đá làm sao thành vách tường
thì bao giờ có nhà ở.
Nếu một giọt nước bảo:
Chỉ một giọt nước làm sao thành sông hồ
thì bao giờ có đại dương.
Nếu hạt lúa bảo:
Chỉ một hạt thóc làm sao thành đồng lúa
thì bao giờ có cơm gạo.
Nếu con người bảo:
Chỉ một cử chỉ yêu thương
thì làm sao cứu vớt tất cả nhân loại
bao giờ có công lý và hoà bình
hạnh phúc và vui tươi trên quả đất.
Như bản hoà tấu cần đến mỗi nốt nhạc
Như pho sách cần đến mỗi lời nói
Như ngôi nhà cần đến mỗi viên đá
Như đại dương cần đến mỗi giọt nước
Như cơm bánh cần đến mỗi hạt thóc
Như thế giới cần đến mỗi con người
Thiên Chúa và anh chị em cần đến bạn,
bất cứ ở đâu, bất cứ giờ nào,
bạn là người duy nhất, Chúa cần trong giây phút ấy
và vì thế không ai thay thế được.
10. Khi đã thực hiện được các ước nguyện trên đây, ta phải làm gì?
– Ta phải nhìn lên Chúa, nhìn chính mình, nhìn mọi người và mỉm cười
Người ta có lần hỏi mẹ Tê-rê-xa: Xin Mẹ để lại cho chúng tôi một sứ điệp? – Sau một hồi suy nghĩ, Mẹ Tê-rê-xa trả lời ngắn gọn:
“Hãy luôn mỉm cười“.
Khi mẹ Têrêxa nói đến nụ cười, mẹ muốn nói đến nụ cười có ý nghĩa thâm sâu, hạnh phúc vì được Thiên Chúa ở với mình, một nguồn vui không ai cướp được.
– Thay “nụ cười ngoại giao” của con bằng “nụ cười chân thành Kitô hữu” (ĐHV. 773).
– “Tôi không làm việc bác ái được vì tôi không có tiền!” Chỉ có tiền mới bác ái sao? – Bác ái của nụ cười, bác ái của bắt tay, bác ái của thông cảm, bác ái của thăm viếng, bác ái của cầu nguyện (ĐHV. 714).
Mẹ Tê-rê-xa mỉm cười và khuyên chúng ta mĩm cười vì Mẹ xác tín có Thiên Chúa trong cuộc sống mình, nơi tâm hồn những người chung quanh mình. Nụ cười ấy bảo chứng cho hạnh phúc của kẻ được Thiên Chúa ở cạnh mình, hoàn thành tốt đẹp đời mình, thấy được hình ảnh Thiên Chúa trên khuôn mặt anh chị em mình.
Ta nhìn lên Chúa và mỉm cười, vì Chúa là Cha đầy lòng thương xót, đã dựng nên ta, hằng tha thứ lỗi lầm và đón chờ ta về nhà Cha hạnh phúc muôn đời. Nhìn lại bản thân ta bé nhỏ, làm sao được Chúa thương vô hạn, cả cuộc đời ta đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác , làm sao Chúa chọn tôi làm con Chúa? Tôi chỉ biết cười sung sướng và hát vang “Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người”. Tôi nhìn đến mọi người mà vui cười, vì tôi biết được họ đều là anh chị em của tôi, con một cha với tôi, cùng nâng đỡ nhau, kề vai sát cánh tiến về nơi “không còn nước mắt”, không còn than khóc, vì mọi sự ấy đã qua đì. Tôi còn nhớ tiếng hát thuở bé thơ: “Nầy nầy anh em cất tiếng cười, cười mừng mộng đẹp tuổi xuân tươi, cười mừng tương lai đầy nghìn thắm, cười mừng vinh phước ở trên trời”. Đức Hồng y Daneels ở Bỉ đã nói: “Thách đố lớn nhất của thời đại ta là hy vọng” có nhiều người giàu có, thông thái, chức quyền, nhưng đau khổ vì không biết sau cuộc đời nầy họ sẽ đi về đâu? Họ sẽ bỏ mất tất cả! Chúng ta biết ta đi về hạnh phúc bất diệt, nên ta mỉm cười chia sẻ niềm vui với mọi người và muốn mọi người cùng được vui và khắp thế giới đều hát Allêluia.
Vì niềm vui lớn nhất là được Phục sinh với Đức Kitô.
Nếu vợ biết mỉm cười với chồng,
Chồng mỉm cười với vợ,
Nếu mỉm cười được với kẻ thù mình,
Vui cái vui của kẻ mình không thích…
Gia đình, xã hội, quốc gia sẽ thực hiện được cửa Thiên đàng nơi trần thế.
Không phải ta ảo tưởng, không biết đến những khổ đau chồng chất trong cuộc sống hằng ngày, nhưng như Thánh Augustinô từng nói:
“Yêu thương chẳng quản khó khăn
Gian nan cũng mến, nhọc nhằn cũng thương”.
Hạnh phúc của thời đại ta
1- Phúc cho ai biết nhìn mình mà cười
vì sẽ không bao giờ hết chuyện để giải trí.
2- Phúc cho ai biết phân biệt
quả núi khác viên sỏi
vì sẽ tránh được bao nhiêu phiền hà.
3- Phúc cho ai biết lắng nghe và lặng thinh
vì sẽ học được bao điều mới lạ.
4- Phúc cho ai biết quan tâm
đến điều người khác yêu cầu
vì được san sẻ bao là vui tươi.
5- Phúc cho ai biết chăm chú
đến việc bình thường
và bình tĩnh trước việc quan trọng
vì đời họ sẽ tiến lên xa.
6- Phúc cho ai biết đánh giá một nụ cười
và bỏ qua những lời lẽ vô lễ
vì đường họ đi sẽ huy hoàng ánh sáng.
7- Phúc cho ai biết giải thích
cách độ lượng thái độ của người khác
trái với vẻ bên ngoài
vì họ sẽ được xem là chất phát.
8- Phúc cho ai biết suy nghĩ
trước khi hành động
và cầu nguyện trước lúc suy tư
vì họ sẽ tránh được nhiều sự ngây ngốc.
9- Phúc đặc biệt cho ai biết
nhận thấy Chúa trong tất cả
những người mình gặp
Vì họ đã gặp chính sự sáng và sự bình an thật.