- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi: Chương II – Một Tin Vui

Phần 1

Nếu tôi tặng bạn một đồng: chắc bạn sẽ không cực kỳ phấn khởi ; bạn sẽ tự hỏi tại sao tôi lại cho bạn đồng này, và có thể phá lên cười .

Nếu tôi lại cho bạn một đồng nữa và tôi nói: “Làm quà cho bạn đây!” chắc bạn còn ngạc nhiên hơn . Và nếu tôi cứ tiếp tục đưa từng đồng cho đến khi bạn được 20 đồng, bạn càng khoái nhưng bạn chưa hiểu tôi đang muốn làm trò gì.

Nhưng nếu thay vì cho một đồng, tôi biếu bạn một ngân phiếu 1.000 đồng, tôi chắc bạn sẽ vui sướng ngay. Và nếu tôi tiếp tục đưa thêm cho bạn để được 100.000 đồng, bạn sẽ nhìn tôi ngây ngất : “ Sao mình gặp may quá vậy! Bạn sẽ nhảy nhót vui mừng và bạn muốn chạy đi kể lại những gì vừa xảy ra cho bạn. Thật là một tin vui ! Và còn sống ngày nào bạn còn muốn kể lại câu chuyện ấy.

“Anh còn nhớ câu chuyện lạ lùng 100.000 đồng trên trời rơi xuống ngày hôm  ấy đó mà”.

Và Chúa đã gởi cho ta biết bao nhiêu quà. Mỗi người vẫn có thể xin Chúa hay không xin. Chúng ta có lẽ đã nhận nhiều món quà giá một đồng. Nhưng mấy ai hí hửng trước một món quà một đồng !  Vì vậy chúng ta cũng đâu sung sướng đến nỗi phải khóc lên phải cảm tạ Chúa đã rộng tay ban phát ơn lành. Lỗi tại ai? Có phải lỗi Chúa không? Chắc  chắn là không. Vũ trụ chúng ta sống chỉ phát hành từng đồng thôi.

Nhiều người Kitô hữu thuộc hạng biết suy nghĩ, vẫn coi cuộc sống vĩnh cửu như  một món quà chỉ đáng một đồng. Họ nghĩ rằng chỉ cần sống  một cuộc đời đạo đức cho đúng giá món quà đó thôi, và họ cố gắng cho đúng mức nên họ mệt mỏi đến nỗi họ tự hỏi cần là người Kitô hữu không?

Vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy họ đâu có hớn hở đi báo tin vui cho người khác. Đối với họ, đời sống Kitô hữu là đi lễ ngày Chúa nhật, từ khước mọi khoái lạc của trần thếù, và hơn thế nữa là cả tuần đã khó nhọc lao tác lại còn phải góp tiền dâng cúng nữa.

Nếu đó là sự “cứu rỗi” thì quả nhiên tôi rất hiểu rằng tối nào bạn cũng ngồi xem Tivi, và không bao giờ bạn muốn chạy sang bên cạnh hay mời khách lạ qua đường đứng nghe nói về tình yêu Chúa cả. Bạn chỉ hiểu rằng món quà Chúa ban cho bạn chỉ đáng có một đồng bạc. Vậy đâu cần có thêm. Những thứ hàng rẻ tiền, không có cũng chẳng sao. Nhưng nếu là một món quà 1.000 đồng, bạn sẽ sẵn sàng đi lãnh  một món quà khác tương tựa như thế nữa. Và bạn sẽ chỉ dẫn  cho những người khác đi lãnh món quà của họ.

Ai  cũng thích những món quà 1.000 đồng. Người ta tiêu bạc triệu mỗi năm, với hy vọng chỉ cần đặt ít mà lại được lợi nhiều. Ai cũng muốn nhận những món quà có giá trị, điều đó hiển nhiên thôi.

Vậy thì  tôi có thể quả quyết với bạn những Hồng ân của Thiên Chúa có giá hơn cả bạc triệu. Và Chúa không chỉ tìm những người có hạnh kiểm tốt để thưởng đâu! Đức Kitô đã trả giá tất cả những món quà Chúa muốn ban cho ta rồi đó.

Chúa phán : “Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan, và trí thông thái của hạng thông thái, Ta sẽ thủ tiêu” (1 Cor 1/19) . Được tha thứ các tội khiên, đượïc sống đời, không giống những điều chúng ta thường gặp thấy thường ngày. Chúng ta hãy nghĩ rằng, mình chỉ nhận những gì mình đã đóng góp hay mình có thể mua được, Chúa có thể cho không chúng ta một ân thưởng nào đó : điều này thật khó nghĩ đến nỗi chúng ta phải tự bào chữa : “Mình chỉ có thể  lãnh được nếu mình có điểm này hay điểm khác.”

Thánh Phaolô viết : “Chính do tự Thiên Chúa mà anh em được có trong Đức Kitô Giêsu, Đấng do bởi Thiên Chúa đã nên sự khôn ngoan cho chúng ta, nguồn công chính, thánh thiện và cứu chuộc. (1 Cor 1/30).

Khi nghe tin vui đó, vấn đề của bạn là có thể chấp nhận được rằng Đức Kitô có thẩm quyền và quyền năng ban cho chúng ta sự sống đời đời hay không, mặc dầu chúng ta bất xứng. Và nếu chúng ta nghĩ rằng Ngài không có quyền năng và cũng không có thẩm quyền, vậy thì ắt hẳn bạn sẽ phải tự làm một cái gì để dàn xếp với Thiên Chúa. Suốt  cả đời, bạn sẽ phải cố vươn lên cho xứng đáng với đòi hỏi của Chúa. Nhưng  lời Chúa quả quyết rằng cho dù bạn cố gắng tối đa, bạn sẽ không bao giờ sống được như Chúa muốn cho bạn sống đâu. Vàø càng tự mình chứng minh cho mình,  bạn càng kết án Chúa về tội nói dối.

Qua Đức Kitô, chúng ta đã được hưởng lòng lân tuất của Thiên Chúa, mặc dầu chúng ta tội lỗi. Nhờ Ngài, chúng ta đẵ lãnh ân sủng và sứ vụ tông đồ để giảng truyền cho các dân ngoại những sự lạ lùng Chúa đã làm cho chúng ta . (Rom 1/5).

Phaolô đã đút túi vài ngân phiếu đáng giá bạc ngàn và ông rất vui sướng nên ông  muốn tuyên bố cho mọi người nghe.

“Tin vui đó là chính Chúa chuẩn bị chúng ta được sống với Ngài”. Ngài cho chúng ta được nên công chính trước nhan Ngài. Khi chúng ta tin và đặt niềm cậy trông của chúng ta nơi Đức Kitô (Rom 1/17).

Phaolô quả quyết rằng Thiên Chúa  chuẩn bị và cho chúng ta khả năng để nên công chính. Nếu Chúa ra tay làm, chắc hẳn việc Chúa làm là tốt đẹp. Ai còn có thể làm khá hơn  nữa đâu. Bạn có sẵn sàng ra đối diện với Chúa cuối đời bạn không ? Khi bạn để Chúa tạc hình bạn theo ý Ngài chưa?

Mặc dù bạn cố gắng một cách phi thường đi nữa, bạn không thể tự  mình làm cho mình nên “tốt” được đâu. Bởi chưng do tự việc làm của lề luật không xác phàm nào sẽ được giải án tuyên công. Càng biết lề luật Chúa, chúng ta càng nhận biết mình khôâng tuân luật Chúa (Rom 3/20). Bạn càng  biết điều thiện, bạn càng thấy mình xấu xa. Chỉ có một  âm trí tự phụ mới dám nhận là lòng mình nhân hậu. Chúa  Kitô là lực lượng duy nhất trên trần ai này người thoát khỏi ích kỷ và vô tội. Chính sự  hiện diện của Ngài nơi bạn biến đổi thành con người hoàn hảo hơn bất cứ tội nhân trứ danh của bất cứ thời đại nào khác, chứ còn không phải nhờ gì khác đâu.

Vậy con người còn hãnh diện ở chỗ nào ? Không  có chỗã nào hết. Vì chúng ta được cứu rỗi không phải là do công trạng cơ đồ của chúng ta. Mà là do Đức Giêsu Kitô đã hoàn tất mọi sự và nhờ ta tin vào Ngài. Ta tin rằng người ta trở nên công chính do đức tin mà không cần thi hành lề luật (Rom 3 / 27-28).

Thánh Phaolô nhận xét : Tín điều này không có gì là mới mẻ cả. Đâu phải vì làm việc thiện mà Abraham được Chúa chấp thuận, nhưng chỉ vì đức tin của ông Abraham cũng chưa phải là người “tốt” ngay cả khi so với tiêu chuẩn luân lý của thời đó. Khi ông du hành ở xứ người, ông biết rằng người ta có thể đoạt hành lý, súc vật và cả người vợ đẹp của ông nữa. Và để có thể tránh được hiểm họa đó, ông quyết định làm như thể Sarah vợ ông chính là em gái ông. Ông  tính toán rằng làm như thế thì tránh được nguy cơ mà còn có thể được phước lộc nữa. Và  đã xảy ra như vậy. Đức vua thấy  Sarah và đòi cưới. Bà đuợc đưa tới điện vua và Abraham được lãnh nhiều quà tặng.

Abraham đã làm gì? Có phải ông đã tìm cách cứu nguy người vợ ông không? Đâu phải. Ông đã cầu may và Chúa đã phải can thiệp vào vụ này và vạch rõ cho vua thấy là Abraham đã lừa nhà vua.

Bạn có sẵn sàng nhận Abraham như một thành phần của Giáo Hội bạn không? Hãy suy nghĩ đi rồi mới trả lời.

Thật ra Chúa đã chọn Abraham không phải vì ông đã xử sự lương thiện, nhưng vì ông đã tin vào Chúa. Đức tin của Abraham đã được Chúa chấp nhận thay cho các việc lành ông làm. Đối với chúng ta, Abraham không phải là một người tốt, nhưng đối với Chúa, Abraham tốt lành vì ông đã tin.

Bạn có thể nghĩ trong lòng là bạn khá hơn Abraham hay khá hơn ai đó mà bạn quen. Nhưng đối với Chúa, chúng ta chỉ là tội nhân mà thôi. Đâu có phải vì tỷ lệ bách phân của “diều thiện” hay “điều dữ” mà chúng ta được cứu rỗi hay sinh ích cho Nước Trời. Abraham không trả vé vào Nước Trời bằng những việc thiện của ông.

Phaolô viết: “Đối với người làm việc thì tiền công không kể là ơn, chỉ là nợ. Trái lại, kẻ chẳng làm gì, chỉ tin kính Đấng khiến mọi tội nhân trở nên chính trực thì đức tin của họ được kể như sự công chính tùy theo phần phúc Chúa ban. (Rom 4,5)

Chúng ta trở nên tốt lành trước mắt Chúa. Nếu bạn thực sự tin điều đó, bạn lại không muốn nhảy mừng sao? Bạn lại không tuyên bố rằng trở thành một Kitô hữu dễ lắm sao. Bạn nên nghĩ rằng có cả triệu người đang tưởng rằng mình phải ráng lắm mới nên Kitô hữu được. Và vì biết rằng có cố gắng đến đâu đi nữa thì cũng chẳng bao giờ đạt tới hạnh kiểm tốt. Vậy thì tương lai đen tối và buồn tẻ biết bao! Chính những người đó cần được nghe Tin Vui!

Chúa cho không chúng ta ơn cứu rỗi. Phaolô viết: “Chúng ta được cứu rỗi là nhờ lòng nhân hậu của Chúa chứ không phải do công nghiệp của chúng ta. Nhưng nếu là do ơn phước, đâu còn do việc làm, nếu không ơn phước đâu còn là ơn phước. (Rom 11,6). Tin Vui lẽ ra phải được loan truyền khắp chốn, nhưng lạ thay, nhiều người Kitô hữu lại cứng miệng khi phải loan truyền tin đó.

Đã có lần bạn nhờ một khách qua đường chỉ cho bạn trạm xe buýt hay tiệm bán bánh gần nhất. Lúc đó bạn đâu có tái mét mặt hay lo sợ bồi hồi. Nhưng tại sao bạn lại sợ sệt khi phải nói cho một người lạ những điều Chúa Giêsu đã làm cho người đó.

Chúa muốn chúng ta kể lại Tin Vui cho anh em. Chính Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ đi kể lại cho tới tận cùng thế giới những điều Chúa đã làm cho chúng ta. Bạn hãy nghĩ xem: có ai muốn giữ kín điều đó không?

Phải, có một kẻ thù đang rảo quanh chúng ta, và thủ đoạn của nó là gây sự sợ, gây hoang mang khi phải chia sẻ tin vui của những người lãnh quà. Nhưng nếu chúng ta chắc chắn rằng Chúa đã làm việc lạ, nếu chúng ta biết rằng mình đã được lãnh nhiều ngân phiếu trị giá bạc ngàn thì chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui, đi kể cho mọi người nghe.

Có những người vẫn còn lo lắng một khi đã được tha thứ và được Chúa cho không đời sống vĩnh cửu, Chúa còn bắt chúng ta phải có những đức tính nào nữa? Hãy đón nghe Phaolô: “Chúng ta cùng mổ xẻ vấn đề này: Hạnh phúc Chúa hứa có phải chỉ dành cho những người tin vào Đức Kitô và đồng thời cũng theo luật Do-Thái nữa, hay hạnh phúc đó cũng dành cho những người tuy không theo luật Do-Thái nhưng vẫn tin vào Đức Kitô? Hãy lấy trường hợp của Abraham. Chúng ta thấy ông được Chúa chúc phúc nhờ lòng tin của ông. Nhưng có phải chỉ vì tin mà thôi hay cũng tại ông đã theo đúng luật Do-Thái?” (Rom 4,9). Và Phaolô kết luận gọn gàng: “Abraham không có theo luật Do-Thái, vì lý do là lúc đó chưa có lề luật!

“Thật rõ ràng: không phải vì nhờ một luật nào, lời hứa đã đến cho Abraham hay dòng giống ông là được cả thế gian làm cơ nghiệp, nhưng là nhờ sự công chính của lòng tin” (Rom 4,13).

Đối với chúng ta cũng vậy, Chúa hứa một phần gia sản, không phải để thưởng chúng ta ăn ở tốt lành, nhưng để đáp lại lòng tin của chúng ta. Bạn có thể không đồng ý với cách thức làm việc của Chúa. Nhưng đó là lời giải đáp cho vấn đề của bạn.

Người Do-Thái nhất định không chịu chấp nhận rằng họ là kẻ có tội. Nhiều người Kitô cũng không hiểu được câu Chúa trả lời cho người Do-Thái. Chúa quả quyết rằng luật Chúa tinh tuyền hơn họ tưởng tượng. Ví dụ, họ cho rằng không có ngoại tình. Chúa Giêsu cắt nghĩa rằng một người đàn ông đã cưới vợ mà còn thèm muốn người đàn bà khác ( hay người đàn ông nào thèm muốn một người đàn bà có chồng) đã phạm tội ngoại tình rồi đó. Đức Giêsu còn thêm, thà rằng bị mù mắt còn hơn duy trì dịp phạm tội. Ngài biết rõ tư tưởng lòng người. Nếu ai đã quyết tâm không phạm tội thì sẽ khám phá trong thâm tâm mình một người thứ hai đang muốn phạm tội. Và chúng ta cứ quanh quẩn đấu tranh với chính mình.

Đức Chúa Giêsu muốn dạy bảo chúng ta điều gì? Ngài có dạy chúng ta phải cố gắng thêm nữa để chu toàn lề luật chăng? Chắc chắn là không. Ngài chỉ muốn chúng ta thấy chúng ta cần đến Ngài. Mỗi một dụ ngôn, một giáo huấn của Ngài chứng minh rằng chúng ta cần một Đấng Cứu Thế. Tin vào Đức Kitô, đó là phương thế duy nhất để thực thi lề luật. Thánh Phaolô đã tuyên bố như vậy.

Bạn có thể hành xác bạn, bắt nó phải phục tùng luật này, luật jia. Như vậy bạn đã làm được việc gì? Hầu như chưa làm được gì cả. Chúa Giêsu đã cắt nghĩa rõ ràng: Nếu bạn không tuân theo tất cả các lề luật thì cũng như là bạn đã vi phạm tất cả các lề luật rồi.

“Đức Kitô không tìm cách làm cho bạn nản lòng, nhưng Ngài muốn khuyến khích bạn đó! Ngài đã nói rằng, chính Ngài sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề của bạn”.

“Vì đích cùng của lề luật là Đức Kitô, nguồn công chính cho mọi kẻ tin” (Rom 10,4).

Khi Đức Kitô bước vào cuộc sống của bạn, xác thịt của bạn vẫn còn những ước muốn bất chính. Nhưng có một sự khác biệt lớn: “Ai ở trong Đức Kitô, kẻ ấy là tạo vật mới; cũ đã qua đi, và này cái mới đã thành sự” (2 Cor 5,17)

Bạn vẫn là người cũ, nhưng đồng thời bạn không còn như trước nữa. “Thân xác của bạn đã chết vì tội, nhưng thần khí là sự sống vì Chúa đã tha tội cho bạn” (Rom 8,10)

Trong thâm tâm bạn có một hữu thể thiêng liêng hoàn toàn mới, vì Đức Kitô từ nay cư ngụ trong bạn nhờ Chúa Thánh Thần. Thân xác của bạn sẽ chết một ngày nào đó, nhưng bạn, bạn sẽ không chết. Bạn sẽ sống mãi mãi với Đức Kitô.

Tôi đã có dịp nói chuyện với cả ngàn người đi lễ ở nhà thờ và tôi hỏi họ: “Theo ý anh, phải làm gì để được lên thiên đàng?” Tôi đã hỏi nhiều người ở Mỹ, toàn là những người đã học hỏi nhiều về Kinh Thánh, và 90% đều khai ra những điều phải làm: Tuân theo giới luật, đi nhà thờ, bố thí, đừng làm gì thiệt hại cho người khác … một danh sách vô tận về những điều họ phải làm.

Những người thường hay lui tới nhà thờ đã nghe và đã tin điều thất thiệt này: sự cứu rỗi của chúng ta tùy thuộc vào những điều chúng ta làm. Thế thì đâu có lạ nếu Tin Mừng được ít người đón tiếp! Ai lại muốn đến nhà thờ để lãnh được một đồng bạc, và lại nếu chỉ có thế thì loan tin đó làm gì?

Bạn còn nghĩ rằng ân huệ của Chúa chỉ đáng một đồng nữa thôi. Bạn còn nghĩ rằng, để đón nhận ơn lành của Chúa thì cần đức tin cộng thêm cái gì nữa phải không?

“Nếu bạn quả quyết rằng những phúc lành của Thiên Chúa chỉ dành riêng cho những người xứng đáng thì bạn coi thường lời hứa của Chúa và TIN đâu còn ý nghĩa gì nữa”.

“Vì chưng, nếu những kẻ nại vào Lề luật được thừa hưởng cơ nghiệp, thì tin là thành vô lối và lời hứa đã bị phế” (Rom 4,14)

“Vì luật tạo ra thịnh nộ. Còn ở đâu không có luật, thì cũng không có vi phạm” (Rom 4,15).

Như vậy có phải Chúa bất bình khi chúng ta làm điều tốt và giữ luật Chúa chăng? Chắc chắn là không. Nhưng Ngài thấu rõ lý do khiến chúng ta giữ luật Ngài. Nếu là vì chúng ta sợ bị phạt thì mọi cố gắng của chúng ta chả có giá trị nào cả.

Nếu chúng ta cố gắng vâng lời để được chúc lành thì cũng uổng công. Như vậy thì cố gắng để làm gì? Thà là cứ ăn ở xấu xa vì thế nào cũng được ơn cứu rỗi. Nói như vậy là phi lý. Chúng ta phải làm điều thiện, vì lý do duy nhất là chúng ta yêu mến Chúa và chúng ta làm đẹp lòng Ngài. Nếu chúng ta hiểu rõ Chúa ban cho chúng ta những món quà tuyệt diệu dường nào, thì chúng ta sẽ lấy tình nghĩa mà đáp lại tình yêu của Chúa chừng ấy.

Nhưng nếu bạn cứ nhất quyết nghĩ rằng phải làm điều tốt thì mới xứng đáng được Chúa chúc lành, bạn sẽ không bao giờ học cách yêu Chúa và thưởng thức các món quà của Chúa cả.

“Bây giờ Chúa chỉ cho chúng ta một lối khác để lên trời. Không phải một lối sống trơn tru với một hạnh kiểm tốt. Nhưng là một lối đi mới mẻ (tuy không mới mẻ mấy vì Kinh Thánh đã nói về vấn đề này từ lâu rồi). Chúa khẳng định rằng, Chúa chấp nhận chúng ta và đã tha thứ cho chúng ta. Chúng ta không còn là tội nhân nữa, nếu chúng ta trao mình cho Đức Chúa Giêsu Kitô để Ngài tẩy rửa tội lỗi chúng ta, chúng ta có thể được cứu vớt khi đến với Đức Kitô, mặc dầu quá khứ nặng nề tới đâu đi nữa” (Rom 3,21-22). Điều kiện là: “trao mình cho Đức Giêsu Kitô”. Nghĩ rằng mình xứng đáng hay đâu có đến nỗi tệ, là làm ngược lại.

Đức Giêsu Kitô đã làm gì cho ta?

“Thiên Chúa đã phái Đức Giêsu Kitô để Ngài mang lấy cái án do tội chúng ta gây nên. Thiên Chúa đã dùng máu Đức Kitô và lòng tin của chúng ta như những phương tiện cứu chúng ta thoát khỏi cơn thịnh nộ của Ngài (Rom 3,25).

Hai yếu tố này cần thiết, không thể thiếu một trong hai. Đức Kitô đã hoàn tất phần của Ngài, nhưng điều đó không đi đến đâu nếu chúng ta không tin. Nếu chúng ta lúng túng trong những “điều phải làm”, chúng ta sẽ không bao giờ được tự do để tin.

“Ngài đã bị phó nộp vì các lỗi lầm của ta, và đã sống lại để ta được giải án tuyên công” (Rom 4,25) … Tội đã ngự trị bằng sự chết. Ơn cũng ngự trị nhờ sự công chính cho đến sự sống đời đời, nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rom 5,21)

Một điều rõ ràng là chúng ta cần chọn giữa sự nhân hậu của Chúa, và sự phán xét công bằng của Chúa. Một bên thì được ơn nhưng không của đời sống vĩnh cửu, một bên là sự chết.

Phần 2

Tôi còn nhớ một cô nữ y tá quân đội trẻ đẹp, hành nghề ở Việt Nam trong một bệnh viện, nơi tôi làm tuyên uý. Lúc mới đến, cô đầy sức sống và hy vọng, nhưng dần dần nụ cười tắt hẳn trên môi cô. Cô không thể chịu được cảnh tượng những quân lính trẻ tuổi bị trọng thương người ta khiêng về từ chiến trường. Cô thường đến văn phòng tôi tâm sự. Một hôm cô hỏi tôi:

–  Làm sao có thể nghĩ rằng Chúa thương con người khi thấy bao khổ đau như vậy?

–  Cô nên giải bày cho Chúa tất cả những lo âu của cô về các bệnh nhân và tin chắc rằng Chúa lo cho họ. Chúa thương yêu những anh lính này hơn là tôi và cô có thể thương họ.

Cô nữ y tá lắc đầu.

–  Thưa cha, con không thể làm thế được. Có lẽ một ngày kia con làm được, nhưng bây giờ thì chưa được. Lòng con bị xé tan trước những đau khổ này. Con không thể cám ơn Chúa được.

Cô ít lai vãng đến văn phòng tôi hơn. Nét mặt vui vẻ của cô nhuộm vẻ u sầu và tôi có thể đoán là cô phải uống thuốc để chống cơn khủng hoảng tinh thần. Cô không còn thiết tha gì với sự vật bên ngoài. Cô được đổi đi nơi khác và tôi mất liên lạc với cô. Gần đây tôi nhận được một bức thơ của một phụ nữ đang ở tù tại miền tây nước Mỹ.

“Thưa cha tuyên uý. Sau khi con gặp cha lần chót ở Việt Nam, con đã lang thang trên những nẻo đường, và trên những quãng đường đó, con đã đánh mất những gì tốt đẹp nhất trong con. Khi ở Việt Nam về, con không tìm được bình an trong tâm hồn và con đã xuống dốc”.

“Câu chuyện bắt đầu khi ở bệnh viện con đã phải chứng kiến. Những cái chết phi lý hay những cuộc cắt xẻo trên cơ thể những quân nhân trẻ tuổi. Con lên án Chúa và bây giờ con hiểu rằng những oán trách của con chỉ tách biệt con xa Chúa và huỷ diệt chính con mà thôi. Hiện nay con không đủ nghị lực để tha thiết với bất cứ ai và bất cứ cái gì. Con sống một cuộc đời buồn tẻ, bất hạnh và rỗng tuếch”.

“Con biết rằng, Chúa là lời giải đáp”.

“Con không muốn chấp nhận điều này từ mấy năm nay, nhưng bây giờ thì con thấy rõ. Con muốn viết thư cho cha từ lâu, nhưng con hổ thẹn. Con hồi tưởng những lần đến thăm cha tại văn phòng tuyên úy. Lúc đó, con không muốn chấp nhận giải đáp. Con hy vọng rằng đã không quá muộn. Xin cha cầu nguyện cho con …”

Cô nữ y tá trẻ này đã từ chối món quà Chúa gởi cho cô. Bây giờ cô thấy hậu quả của thái độ đó. Bạn có thể thấy cô đã khổ sở chừng nào!

Đón nhận món quà của cuộc sống vĩnh cửu, đó là một trong những việc làm dễ nhất bạn có thể làm trong đời bạn. Có gì khó đâu. Đâu cần phải tốt lành hay thông minh. Một đứa trẻ thơ cũng còn làm được!

Thánh Phaolô viết: “Ơn cứu rỗi là do tin vào Đức Kitô … Chúng ta có thể đạt tới ơn cứu rỗi rất dễ dàng. “Vì lời gần bên ngươi, nơi miệng ngươi, và trong lòng ngươi”. Vì nếu ngươi tuyên xưng nơi miệng ngươi: Giêsu là Chúa! Và nếu ngươi tin trong lòng ngươi: “Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết, ngươi sẽ được cứu!” (Rom 10,8-9). Vậy thì sao có những người ngần ngại? Tại sao họ lại sợ? Cô nữ y tá kia sợ đặt niềm tin vào một Đức Chúa có thể để cho những binh lính phải chết trên chiến trường hoặc trở thành phế binh. Cô không tin vào tình thương của Chúa. “Nơi lòng mến, không có sợ hãi. Trái lại, lòng mến trọn lành thì xua sợ hãi ra ngoài, vì sợ hãi có liên quan đến hình phạt và kẻ sợ hãi ắt không được thành toàn trong lòng mến” (1Gioan 4,18). Thiên Chúa là tình yêu. Tất cả những gì Chúa làm là hoạt động của tình yêu.

Vấn đề là chúng ta có một cái nhìn rất hạn hẹp về tình yêu. Chúng ta đã bị phản bội và mang thương tích do những tình yêu con người gây ra. Một tình yêu biết tán thưởng khi chúng ta làm điều tốt, còn lại trừng phạt khi chúng ta làm điều quấy. Nhưng tình yêu của Chúa thì khác hẳn.

Trong bản văn Hy Lạp, Phúc Âm dùng hai từ khác nhau mà chúng ta đều dịch bằng chữ yêu.

–  Từ Philie: tình yêu huynh đệ có nghĩa là một lòng cảm mến sâu xa, riêng biệt và tự nhiên.

–  Từ Agapè: tình yêu Thiên Chúa.

Thánh Phaolô dùng chữ Agapè khi ông diễn tả tình vợ chồng. Đó là một sự trao hiến có ý thức, có quyết tâm, tự do và thiêng liêng không tuỳ thuộc vào xúc cảm nhất thời. Đó là một động tác yêu thương hữu ý, bắt nguồn trong ý chí. Tình yêu này không đổi thay, người ta có thể tin được. Người được yêu không phải lo mình đáng được yêu hay không.

Đó là cách Chúa yêu chúng ta. Chúa yêu chúng ta khi chúng ta phụ tình Người; khi chúng ta bất tuân; khi chúng ta nghèo khổ. Chúa yêu chúng ta khi chúng ta đã phí phạm cuộc sống, và Người luôn luôn sẵn sàng đón tiếp, tha thứ và ban cho chúng ta dư đầy niềm vui và sự  an bình của Người.

Món quà vô giá của Chúa là đời sống vĩnh cửu trong Đức Giêsu Kitô, và cuộc sống này gần kề chúng ta như môi miệng hay trái tim của chúng ta. Chúng ta chỉ cần đón nhận những gì Chúa Giêsu làm cho chúng ta. Tin trong lòng rằng Chúa đang sống và loan tin đó cho người khác. Có gì khó đâu. Nhưng vẫn có người không làm được, cho dù họ biết giá trị của món quà.

Ông Nicôđêmô, một người Do-Thái ngoan đạo đến gặp Chúa Giêsu vào một buổi tối để hỏi Người làm sao vào được Nuớc Trời. Ông biết rằng Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến và Người có câu trả lời. Chúa Giêsu phán: “Quả thật, tôi bảo ông: ai không bởi Trên sinh ra thì không thể thấy được Nước Thiên Chúa”.

–  Làm sao một người đã già rồi, lại có thể tái sinh? Há lại có thể vào lòng mẹ lại lần nữa mà sinh ra ư?

–  Quả thật, tôi bảo ông: ai không sinh ra bởi nước và thần khí thì không thể được vào Nước Thiên Chúa. Sự gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, và sự gì sinh bởi Thần Khí là Thần Khí (Gioan 3,1-6).

Ông Nicôđêmô biết Chúa Giêsu là ai rồi, nhưng điều này chưa đủ. Chúng ta phải hành động theo những điều chúng ta hiểu biết: đón nhận Đức Giêsu Kitô như Đấng Cứu Thế và mỗi người vào cuộc đời mình. Khi Người đến qua Thánh Linh, chúng ta được tái sinh. Chúng ta chỉ thông hiệp được với Chúa trong tinh thần. Vậy chúng ta có tái sinh mới biết được Thiên Chúa. Nếu chưa tái sinh chúng ta là những người chết về mặt thiêng liêng.

Phaolô viết: “Tôi đã cùng bị đóng đinh thập giá với Đức Kitô. Tôi sống, nhưng không phải tôi mà là chính Đức Kitô sống trong tôi. Đời sống của tôi lúc này trong thân xác, tôi sống nó trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và phó nộp mình vì tôi” (Gal 2,20).

Phaolô khuyên giáo hữu thành Côrintô: “Anh em hãy nghiệm xét chính mình. Xem anh em còn trong lòng tin không. Hãy hạch khảo chính mình! Hay là anh em không nhận thấy có Đức Giêsu Kitô ở trong anh em. Hay anh em giả vờ là Kitô hữu trong khi anh em không sống như thế” (2Cor 13,5).

Bạn có thật là Kitô hữu không?

Bạn đã tái sinh chưa?

Trong các nhà thờ có nhiều Nicôđêmô lắm. Họ học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện hằng giờ. Họ tham gia các nhóm học hỏi Kinh Thánh và các nhóm cầu nguyện. Họ là giáo lý viên. Có người là giảng viên nữa. Nhiều người đã sinh ra, lớn lên trong Giáo Hội và tự xưng là đạo gốc, là Tin Lành, v.v …

Họ đều biết đạo công giáo là gì.

Họ biết rằng Chúa Kitô đã chịu chết vì tội lỗi họ.

Họ biết rằng Chúa đã sống lại, nhưng họ chưa bao giờ phó cuộc sống họ cho Chúa, xin Người trở nên Đức Chúa và vị Cứu Thế của họ. Cả ngàn người đã đi lễ hàng ngày, chu toàn tất cả các bổn phận bề ngoài của đạo. Nhưng chưa bao giờ kinh nghiệm tự bên trong Chúa Kitô trong đời họ.

Món quà cứu độ và đời sống vĩnh cửu hoàn toàn nhưng không. Bạn không làm gì để xứng đáng được món quà đó đâu; nhưng bạn chỉ ngửa tay đón nhận để nó trở thành sở hữu của bạn. Trong tình yêu của Người, Chúa đã tiền định và thu xếp mọi hoàn cảnh để chúng ta cảm thấy cần đến Người, và do đó để cho người thu hút chúng ta.

Phần 3

Một hôm, anh binh nhì người công giáo, đến gặp tôi với một anh bạn cùng đơn vị. Anh bạn này đã bị bỏ tù vì nghiện ma tuý. Từ hồi còn trẻ, anh đã hút sách. Nhưng khi nhập ngũ, tình trạng còn tệ hơn trước. Anh đã sang Việt Nam và anh đã có dịp mua thuốc hút một cách dễ dàng.

–  Con đã phung phí tuổi xuân, nay thì quá trễ để có thể thay đổi được.

Cặp mắt anh đầy thất vọng.

Tôi hỏi ngay: “Vậy còn Chúa chứ? Ngài có thể thay đổi anh”.

Anh lính nhún vai.

–  “Tại sao Chúa lại làm điều đó? Tôi có bao giờ làm gì cho ông ấy đâu?”

–  “Người thương anh, đã phái Đức Giêsu đền những tội ác của anh. Người có thể chữa lành cho anh.”

Anh lính vẫn tiếp tục buồn bã nhìn tôi.

–  “Con đã nghe nói đến Giêsu. Con muốn xin Người cứu con. Nhưng con nghĩ rằng, bây giờ thì quá trễ rồi. Mặc dầu cố gắng nhiều, con vẫn không thể ngừng hút sách được. Con đã làm mồi cho ma tuý quá lâu.”

–  “Thiên Chúa có thể chữa anh lành bệnh. Anh không nghĩ rằng Chúa còn mạnh hơn cả á phiện sao?”

Anh lính suy nghĩ. …… Tuyên uý nói tiếp:

–  Anh có muốn thử không?

Anh lính gật đầu.

–  Con sẽ thử bất cứ cái gì, miễn là con thoát ra khỏi cái địa ngục này!

–  Như vậy thì anh hãy cám ơn Chúa vì những gì Chúa sẽ làm cho anh trong vài phút nữa. Và anh hãy cám ơn Chúa vì những gì đã xảy đến trong cuộc đời anh dẫn đưa anh đến đây.

–  Anh lính có vẻ bàng hoàng: “Sao có chuyện đó. Cha muốn nói rằng con phải cám ơn Chúa vì tất cả những gì đã xảy đến cho con, ngay cả tình trạng nghiện ngập này nữa sao?”

–  Chính vì anh nghiền ma tuý quá nên anh đã phải tìm đến Chúa đó phải không? Nếu Chúa chữa lành anh, tha thứ cho anh và ban cho anh một đời sống mới, đời sống vĩnh cửu trong Đức Giêsu. Anh có nghĩ rằng anh phải cảm tạ Chúa đã khiến anh cảm thấy còn cần Người đó sao?

Anh lính ngần ngại. Tuyên uý nói tiếp:

–  Anh có muốn tôi cầu nguyện cho anh không? Và anh ta bằng lòng. Tôi đặt tay lên đầu anh và cầu nguyện:

–  Lạy Cha trên trời, con cảm tạ Cha đã yêu mến chàng trai này và kéo chàng lại gần Cha. Xin gởi Thánh Linh Cha để giúp anh tin rằng Chúa đang hành động mỗi giây mỗi phút trong cuộc đời đen tối và cô đơn của anh, để dẫn anh đến với Đức Kitô.

Khi tôi dứt lời, mắt anh sáng lên. Anh nói:

Có một điều lạ lùng. Con không hiểu vì sao, nhưng con tin rằng Chúa đang biến đổi những tai vạ của đời con thành những điều hữu ích cho con. Rưng rưng nước mắt, anh cúi đầu và bộc phát cầu nguyện xin Chúa tha thứ cuộc nổi loạn của anh và xin Đức Giêsu hướng dẫn đời anh.

Tôi không thể tả được giây phút sau đó. Tôi đặt tay lên đầu anh một lần thứ hai. Tôi cầu xin Chúa chữa lành anh, lấy ra khỏi lòng anh mọi thèm muốn hút ma tuý và ban cho anh đầy lòng mến yêu. Tôi cảm thấy có một sức mạnh mới nơi anh lính trẻ. Nét mặt anh sáng lên như một đứa trẻ, và anh khóc sướt mướt.

Anh kêu lên: “Con không cần á phiện nữa. Chúa Giêsu sống trong con”. Đối với chàng thanh niên, đó là lúc tái sinh. Anh sẽ không còn là người cũ nữa. Anh đã tái sinh, không phải vì anh cảm được sự hiện diện của Chúa Giêsu, nhưng là vì anh đã quyết tâm trông cậy vào Chúa.

Nếu mối tương giao của chúng ta lệ thuộc vào cảm xúc của chúng ta, có lẽ chúng ta đã không chọn lựa như thế. Chúng ta đâu có làm chủ những cảm xúc của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể trông cậy, quyết định tin và xin đức tin. Thánh Kinh nói: Chúng ta được cứu rỗi nhờ lòng tin. Nhưng nhiều người trong chúng ta hiểu sai về lòng tin.

Họ nói: “Tôi không có đức tin để tin”. Như thế có nghĩa là: “Tôi không cảm thấy tôi tin”.

Đức tin và cảm xúc là hai bình diện hoàn toàn khác nhau.

“Tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng, là phương nhận thức các thực tại người ta không thấy. Đức tin cho thấy thực tại mà các giác quan không thấy được.” (Hipri 11,1)

Đức tin không phải là sản phẩm của cảm xúc hay cảm giác. Đức tin là do ý chí. Chúng ta nhất quyết nhận định như sự thật những gì giác quan không nhận định được.

Được cứu nhờ đức tin, nghĩa là chấp nhận Đức Giêsu Kitô như Đấng Cứu Thế: đó là một hành động của ý chí, chứ không phải của cảm xúc. Chúng ta được tái sinh trong đức tin, được cứu rỗi nhờ đức tin. Điều đó có nghĩa là lời Chúa hứa trở thành sự thật mỗi khi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu trong lòng mình. Chúng ta có thể không cảm thấy mình được cứu rỗi hay không cảm thấy mình đã được tái sinh, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta không được cứu rỗi thực sự.

Chúng ta đã nói nhiều lần rằng lý trí có thể làm cản trở cho lòng tin. Nhưng một nguy hại tương đương là lấy cảm xúc mà đo lường lòng tin. Từ lâu chúng ta có thói quen nghĩ rằng những điều gì mình cảm thấy đều là sự thật. – Tôi cảm thấy ốm đau – vậy là tôi đau. Nhưng cảm xúc của chúng ta thay đổi mau lắm; tuỳ khí trời, thức ăn, vì mất ngủ hay vì ông trưởng phòng khó tính. Cảm xúc của chúng ta là một hàn thử biểu ít trung thực khi ta muốn biết rõ sự thật. Như vậy, lấy nó mà đo lòng mến Chúa thì qủa thật là sai. Chúa Giêsu đã nói: “Cầu nguyện với lòng tin, nắm chắc rằng con đã được Chúa đoái nghe”. Làm sao cầu nguyện với lòng tin được khi chúng ta lại muốn lấy cảm xúc mà đo lường kết quả. Theo Thánh Kinh, chân lý của Thiên Chúa đôi khi thúc giục chúng ta đi ngược lại cảm xúc của mình.

Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu kẻ thù địch”. Sao Chúa lại không biết rõ tâm tình của mình đối với kẻ thù? Vậy mà Chúa muốn nói với chúng ta đừng để cảm xúc làm thầy ra lệnh cho chúng ta nói hay làm điều gì. Chúng ta tự do chọn yêu mến, ngay cả kẻ thù.

Chúng ta hoàn toàn tự do chấp nhận lời Chúa như một thực tại đối với chúng ta – gạt ra một bên nào cảm xúc, nào cảm giác, cả trí tuệ và tình cảm nữa! Cuộc sống mới trong Đức Kitô là một cuộc sống trong đức tin. Nói cách khác, là một cuộc sống tự do, thoát khỏi sự bạo ngược của cảm xúc, của trí tuệ và cảm giác. Chúng ta không cần để ý đến chúng.

Thánh Kinh ghi rằng chúng ta được cứu rỗi nhờ đức tin; chữa lành nhờ đức tin; được nên công chính nhờ đức tin; đứng vững nhờ đức tin; sống nhờ đức tin; thừa hưởng lời hứa củaChúa nhờ đức tin; chúng ta được giàu sang nhờ đức tin; chúng ta cầu nguyện trong lòng tin; thắng thế gian nhờ đức tin và ca tụng Chúa trong đức tin.

Kinh nghiệm của sự cứu rỗi trở nên thành sự khi chúng ta chấp nhận trong lòng tin. Chúa đâu có nhìn cảm xúc chúng ta. Chúa nhìn vào quyết tâm của chúng ta. Chúng ta có thể cảm thấy bị xâu xé bởi nghi nan, cảm thấy mình khốn nạn, nhưng khi chấp nhận Chúa Giêsu trong lòng tin, công việc đã được thoả thuận. Sau khi trao lại cuộc đời cho Chúa Giêsu, bạn có cảm thấy gì hay không cảm thấy gì, điều đó không quan trọng. Chúa đã chấp nhận sự đầu hàng của ý chí bạn. Bạn đã tái sinh trong Thánh Thần.

Tôi lo ngại khi người ta nói với tôi: “Con biết rằng hôm nay Chúa Giêsu chúc lành cho con, vì con cảm thấy điều đó”. Rồi vài ngày sau, cũng những người đó trở lại buồn sầu nói: “Con không chắc con được cứu rỗi. Con không còn cảm thấy Chúa hiện diện nữa”.

Tạ ơn Chúa, nếu người cho bạn cảm thấy ở gần bạn. Nhưng đừng để đức tin của bạn tuỳ thuộc vào tình cảm. Người Kitô hữu nào lấy cảm xúc của mình như một bằng chứng mình được cứu rỗi, sẽ bị nghi nan hành hạ.

Phần 4

Một phụ nữ viết thơ cho tôi:

“Con đã dâng cuộc đời cho Chúa Giêsu Kitô cách đây nhiều năm, nhưng hkông có gì xảy ra cả. Con không cảm thấy gì hết và sau một thời gian, con mất hy vọng và buông xuôi lời cam kết sống cho Chúa Giêsu. Từ đó cuộc sống của con trở thành thê thảm. Con xuống tinh thần đến nỗi cuộc sống gia đình con gần sụp đổ… Con đã đọc quyển sách của cha, tựa đề “từ nhà tù đến tạ ơn” và con thèm khát Chúa Giêsu. Con cầu xin ơn thathứ và con muốn trao phó cuộc đời con trong tay Chúa. Con đón nhận Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Tinh và con muốn gia nhập vương quốc của Người… Nhưng con vẫn không cảm thấy có gì thay đổi. Xin cha cầu nguyện cho con vì con không thể tiếp tục sống như thế này được nữa”.

 

***

 

Một chàng thanh niên đang bị ở tù viết cho tôi:

“Con tin Đức Giêsu Kitô và con cố gắng tin Người hết lòng. Cách đây hai năm, con đón nhận Người như vị Cứu Thế của con. Lúc đó con chân thành và trong hai ngày con cảm thấy mọi sự đều tốt lành. Nhưng sau đó, đâu lại vào đó. Từ đó đến nay, có những lúc con sống những phút ngây ngất, nhưng chỉ là những giây phút quá ngắn ngủi. Con muốn phụng thờ Chúa, nhưng con không tìm được Chúa. Con đã đọc quyển sách “Từ nhà tù đến tạ ơn”, và con biết rằng, con thiếu những điều cha nói trong sách đó. Làm sao tìm được Người? Cha có nghĩ rằng con chưa khao khát Người đủ phải không? Làm sao khao khát hơn nữa? Con đã phung phí cuộc sống của con, và nay sống với con không có ý nghĩa gì nữa. Con đã theo học nhiều lớp Kinh Thánh, nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Con rất muốn tìm được Chúa Giêsu. Con sắp được ra khỏi tù và con mong làm lại cuộc đời với tình yêu của Ngài trong lòng con. Xin cha cầu nguyện cho con để con tìm được Người và kinh nghiệm được niềm vui Người đã hứa trong Kinh Thánh …”

Tôi đã nhận được hàng trăm bức thơ tương tự, và bất cứ ở đâu tôi cũng gặp những người nói với tôi họ không biết đã gặp Chúa hay chưa.

Và lý do của sự nghi ngờ của họ luôn giống nhau: “Tôi không cảm thấy”. Họ là tù nhân của cảm xúc của chính họ. Và họ tin vào họ hơn là tin Chúa.

Khi chúng ta phó mình cho Chúa Giêsu, Người nói với chúng ta: “Ta ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ sẽ bị diệt vong. Không ai giựt chúng khỏi tay Ta được”. (Gioan 10,28)

Vậy phải làm gì để chiến thắng cảm xúc và nghi nan?

Phaolô viết: “Điều kiện để được cứu rỗi đó là anh em bền vững trong đức tin, có nền móng và vững chãi, không lay chuyển khỏi hy vọng của Tin Mừng: Chúa Giêsu đã chết cho anh em, và đừng bao giờ mất cái xác tín là Chúa cứu độ chúng ta. Đó là tin mừng tuyệt diệu đã được rao giảng cho mọi loài thụ sinh” (Col 1,23)

Khi những nghi nan và những cảm xúc tấn công đức tin của chúng ta, Chúa dặn chúng ta nên bám vững vào tảng đá của lời Chúa.

Tôi quen biết một bà kia có một cách cụ thể để làm điều đó.

Khi bà nghi ngờ điều gì, bà đi tìm một câu Kinh Thánh nói về chân lý liên quan đến điều đó. Bà ghi đoạn đó trên một mảnh giấy và khi cảm thấy nghi ngờ, bà lấy ra đọc.

Mỗi khi bà thấy tuyệt vọng, bà hay nghĩ: Mà chắc gì Chúa đã nhận lời bà, khi bà xin Đức Kitô trở nên Đấng Cứu Tinh cho bà. Bà tìm ra đoạn sau: “Đây lòng tin tưởng ta đối với Ngài. Vì hễ ta xin bất cứ điều gì hợp ý Ngài, Ngài sẽ nghe ta. Nếu ta biết rằng ta xin gì Ngài đều nghe ta, ta cũng biết rằng, ta cầu xin cùng Ngài điều gì tốt thì được như ý”. (1Gioan 5,14-15. Bà chép lại đoạn này và thêm: “Hôm nay 14.01.1969 tôi đã xưng tội và xin Đức Chúa Giêsu Kitô đi vào cuộc đời tôi như Đấng Cứu Thế và Chúa tể. Tôi làm điều đó, vì lời cầu xin của tôi cũng ở trong kế hoạch và điều Chúa muốn cho tôi.”

Bà đặt tấm giấy trên giường ở phòng bà, và mỗi khi bà cảm thấy nghi ngờ trong lòng, bà đi tìm miếng giấy và đọc lớn tiếng: “Tôi biết rằng tôi đã được tái sinh. Tôi biết rằng Thiên Chúa đã đón nhận tôi vì ngày hôm đó tôi đã xin Chúa Giêsu trở nên Đấng Cứu Thế của tôi. Và tôi không phải đặt câu hỏi để biết tôi được cứu rỗi hay không”.

Một hôm, bà cảm thấy mặc cảm tội lỗi sau khi đã xưng tội và bà nghĩ rằng Chúa chưa tha tội cho bà. Bà tìm lời giải đáp trong Kinh Thánh: “Nếu ta xưng thú tội lỗi ta thì Người trung tín và công chính đủ để tha thứ tội lỗi cho ta và tẩy sạch ta khỏi mọi điều bất nhân.”

Dưới đoạn Kinh Thánh đó, bà viết tội bà đã xưng, ghi ngày và hàng chữ: “Alleluia, tôi đã được tha tội”.

Dần dần bà bớt nghi ngờ và sau hết hẳn.

Bạn có thể chống lại các nghi nan và cảm xúc của bạn bằng cách lập danh sách các quyết định bạn đã làm trong giờ cầu nguyện, ghi rõ ngày và đoạn Kinh Thánh dẫn chứng lời hứa của Chúa.

Nếu bạn là một Kitô hữu lão thành và đôi khi bạn còn nghi ngờ về sự cứu rỗi hay về tình yêu Chúa, đừng để cho những nghi nan hay để xúc cảm của bạn lừa dối bạn nữa. Hãy tuyên xưng lại lời bạn đã hứa và viết trên mảnh giấy. Đừng quên ghi ngày. Có nhiều người giữ trong sách Kinh Thánh của họ những bước tiến quan trọng cuộc hành trình thiêng liêng của họ.

Cuộc đời Kitô hữu là một cuộc hành trình trong đức tin. Ghi chép những lộ trình cũng là một điều hay, vì nó sẽ nhắc nhở chúng ta trong những ngày đen tối khi chúng ta không chắc chắn đã tiến bộ.

Khi nhìn lại quãng đường đã qua, chúng ta có thể cảm tạ Chúa và ca ngợi Chúa vì đã tiến được đến đó.

Đức tin của chúng ta dựa trên lời Chúa hứa chớ không dựa trên tình cảm của chúng ta. Và Chúa hứa cho chúng ta được kinh nghiệm sự bình an và niềm vui của Ngài trên con đường của chúng ta.

Hãy vui mừng khi lòng rạo rực niềm vui nhưng cũng hãy vui mừng khi bạn cảm thấy khô héo và rỗng tuếch. Ơn cứu độ lúc đó vẫn là một thực tại tuyệt diệu. Lúc đó hãy lấy tất cả ý chí cương quyết mà nói: “Lạy Chúa, con muốn tin, con bám vào lời Chúa”.

Bạn hãy thử đi.

Bạn sẽ thấy ông “bạo chúa” cảm xúc sẽ không còn ghì chặt bạn nữa. Bạn sẽ được tự do để tin. Chúa Giêsu đã hứa: “Các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ cho các ngươi được tự do”. (Gioan 8,32)

Hãy đón nhận lời Chúa như chân lý và bạn sẽ được tự do.

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]