EM.
Bé Thy, con của Em đang nhảy dây trước cửa nhà tôi. Bụp bụp, bụp bụp…Rất nhịp nhàng. Rất dẻo dai. Mớ tóc óng ả bồng bềnh. Đẹp quá! Khoẻ quá! Tôi mừng cho tuổi trẻ ngày mai. Tôi mừng cho riêng cho Em.
Nhảy dây mệt rồi thì bé Thy kiếm ghế đá ngồi nghỉ, nhai chuối chiên nhóp nhép. Miếng chuối chiên to bằng bàn tay, vàng rộm, vừa thơm vừa béo. Hai đứa bạn ngồi chầu hai bên, nhìn trần vào miếng chuối chiên đang hết dần. Nước miếng ứa ra. Xót xa!
Tôi vỗ vai bé Thy
– Con chia cho bạn một miếng đi.
Nó nhìn tôi, ngúng nguẩy, nghênh nghênh, ra vẻ ta đây không thèm trả lời, cắn một miếng to hơn để khiêu khích.
– Mỗi ngày mẹ cho con bao nhiêu tiền?
– Mỗi sáng mẹ cho con hai nghìn. Ăn hết, chiều mẹ cho nữa.
– Con có nuôi heo đất để giúp người nghèo không?
– Không.
– Cha mua heo đất cho con nuôi nghen.
– Con hổng chơi. Mẹ cho nhiêu, ăn nhiêu.
– Nếu vậy thì cha thôi chơi với con luôn.
Tôi làm bộ hờn dỗi, vô phòng, đóng cửa cái rầm. Nhưng qua kẽ cửa tôi theo dõi thái độ của bé. Bé ngồi sụ mặt. Thôi nhai nhóp nhép một cách kiêu hãnh. Xé đôi phần còn lại của mảng chuối chiên đưa cho hai bạn ngồi hai bên, mỉm cười một cách thân thiện. Sướng!
EM.
Vợ chồng Em chỉ sanh một mình bé Thy. Sanh ít để nuôi và dạy con một cách chu đáo. Đúng thế. Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Quý hồ tinh, bất qúy hồ đa. Nhưng…
1. Bé Thy là con một. Không chị. Không anh. Không em. Hôm nay nhìn lên, chỉ thấy cha mẹ. Mai sau nhìn xuống, chỉ thấy con cái. Gia đình chỉ có hàng dọc. Có hàng dọc mà không có hàng ngang, giống như cây cột đứng trơ trọi một mình. Có cột mà không có xà thì không thể là mái ấm. Cấu trúc của gia đình một con giống như tấm áo khoác trên mình chỉ có sợi dọc, thiếu sợi ngang. Hở hang!
Tương quan hàng dọc là tình phụ tử và mẫu tử. Tương quan hàng ngang là tình huynh đệ. Hàng dọc làm vững hàng ngang. Hàng ngang làm cứng hàng dọc. Bé Thy không có được cái may mắn ấy.
Khi môi miệng của bé Thy không biết gọi lên những từ ngữ anh, chị, em thân thương thì con tim của bé Thy sẽ không cảm nghiệm được sự ấm áp của tình huynh đệ. Đến thời con cháu của bé Thy các từ ngữ ngọt ngào như chú thím, cô dì… chỉ còn là những tiếng kêu xa lạ, vô hồn, nằm cô quạnh trong cuốn từ điển tiếng Việt. Tình người mất mát. Tình người mai một.
2. Bé Thy là con một, nên được nhận mà không phải cho. Nhận rất nhiều, nhận tất cả mà chẳng cho đi bao giờ. Thy sướng quá, nhưng Thy chẳng làm cho ai được sung sướng. Hãy coi hắn ăn chuối chiên: ăn một mình, ăn nhóp nhép, ăn để làm khổ hai bạn nghèo. Thy sẽ lớn lên và sẽ vào đời y như thế. Nghão nghễ và ích kỷ. Người ích kỷ sẽ bị xã hội xô vào góc cô đơn chết đuối mà không được cứu. Bé Thy của Em ngạo nghễ và ích kỷ. Nhưng hắn đã biết hối hận. Hắn sụ mặt xuống rồi ngẩng đầu lên. Hắn buồn tủi rồi mỉm cười với bạn. Hắn sung sướng vì phần còn lại của mảng chuối chiên được chia cho bạn.
3. Bé Thy là mảnh đất hoang, nhưng rất phì nhiều và đầy hứa hẹn. Em hãy ân cần cuốc xới và trồng tỉa để bé Thy sẽ là vườn hoa rực rỡ.
3.1 Em nên kết thân với một gia đình tốt, ở đó có con trai và con gái. Ở đó có người lớn để Thy gọi bằng anh chị. Ở đó có người nhỏ xưng em ngọt sớt làm mát lòng bé Thy. Thy sẽ biết phải kính trọng người lớn, phải biết yêu thương và đùm bọc đàn em. Đó là sống với xã hội. Đó là sống cho mọi người. Người là con vật có xã hội tính. Không có hạnh phúc dành cho người cô đơn.
Lớn lên bé Thy sẽ chọn một người đàn ông để “sống với” và “sống cho” đến suốt đời mình. Gia đình Em không có con trai, Thy không có được điều kiện để hiểu tâm lý đàn ông ngay từ tuổi niên thiếu. Hành trang vào đời của hắn sẽ nghèo nàn một cách đáng tiếc.Bây giờ hắn thường xuyên đến chơi nhà bạn. Hắn chơi với con trai, hắn chơi với con gái. Hắn cãi nhau, hắn giận dỗi, hắn làm hoà, hắn lại yêu thương…Tất cả đều là những vốn liếng hắn đang thu góp để chuẩn bị cho ngày mai.
3.2 Được cha mẹ nuông chiều, bé Thy tưởng mình kà bà hoàng của thần dân, là rốn của vũ trụ. Bị tôi “thôi chơi”, hắn vỡ mộng. Hắn thức tỉnh và khám phá ra rằng muốn nhận được thì phải cho đi. Hạnh phúc của hắn chỉ no tròn, khi hắn ngồi nhìn ngắm hai bạn nghèo ăn nhỏ nhẹ mảng chuối chiên mà hắn vừa trao tặng. Trong hắn đã có hạt giống của lòng nhân đạo. Em hãy vun xới để hạt giống ấy nảy mộng và lớn lên. Để hỗ trợ kế hoạch này, tôi kể tặng em một câu chuyện.
Năm 1997 có một người đàn bà nằm xuống làm rung động cả thế giới. Đó là Mẹ Têrêsa, người nhận giải Noel Hoà Bình năm 1979. Rất nhiều người coi bà là người đàn bà vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Mọi người đều đồng ý rằng sở dĩ bà là người đàn bà vĩ đại nhất chỉ vì bà đã dành hết cả cuộc đời của mình để yêu thương và phục vụ những người khốn khổ nhất trần đời. Trong lúc mọi phương tiện truyền thông thế giới đang bùng vỡ trước cái chết của bà, tôi đến thăm Đức Tổng Mẫn. Ngài nói với tôi: “Sở dĩ có một Mẹ Têrêsa vĩ đại, vì đã có một người mẹ vĩ đại, đó là mẹ của mẹ Têrêsa”.
Cứ mỗi buổi sáng, mẹ cho Têrêsa một ít tiền để đi học. Lần nào mẹ cũng dặn dò với một giọng nói tha thiết: “Mẹ cho con tiền để ăn bánh và uống nước. Nhưng con chỉ được xài một nửa, còn nửa kia con chi cho bạn nghèo của con”. Lời dặn dò tha thiết ấy đã gieo vào con tim của Têrêsa một hạt giống lành. Hạt giống ấy đã nảy mần và lớn lên, trở thành một mẹ Têrêsa vĩ đại.
EM,
Tôi mơ màng thấy vào cuối thế kỷ 21 sẽ có một người đàn bà vĩ đại nữa. Đó là bé Thy, con của Em.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu