Cái Tôi

Em,

Em và tôi cùng lên xe ở Chợ Lớn. Em không biết tôi. Tôi không biết Em. Tôi ngồi ở băng ba. Em đứng xớ rớ như đang chờ ai. Chủ xe hối:

– Em lên ngồi kế bên ông già đó.

Em nhìn tôi tỏ vẻ thất vọng.

– Chị cho em ngồi ở băng trên đi.

– Không được. Băng trên có đủ bốn người rồi. Người ta đi chung nhau mà. Lên lẹ đi, còn chần chừ gì nữa.

Em miễn cưỡng bước lên, gieo mình xuống ghế cái phịch. Hờn dỗi. Em giận dữ nhét balô xuống gầm băng, lấn sang địa giới của tôi. Tôi thu mình nhỏ lại. EM đùng đùng cởi áo gió. Cùi nhỏ Em gạt bay gọng kính của tôi. Không một lời xin lỗi. Tỉnh bơ, vô y như võ sĩ múa gậy rừng hoang. Tôi làm thinh, ngó ngay phía trước. Cũng tỉnh bơ, cũng vô tư y như người quân tử không thèm chấp nhất bọn tiểu nhân.

Xe lăn bánh. Đèn trong xe phụt tắt. Đèn đường vẫn rực sáng. Em yêu cầu tài xế cho nghe nhạc Trịnh Công Sơn để thương nhớ một nhân tài vừa mới nằm xuống. Em hát tỉ tê theo tiếng ca của Khánh Ly, đang rên rỉ vì cuộc đời mãi mãi chỉ là cát bụi:

Bỗng Em ngó ngang, nhìn trân vào mặt tôi.

– Chú dạy ở trường Đại Học nào vậy?

– Chú dạy ở trường học đại.

– Thoáng nhìn, con đường chú là ông hai lúa. Nhìn gần mới thấy tướng chú sang quá à. Tướng của chú là tướng của giáo sư Đại Học.

– Có lẽ là sang. Chắc chắn là nghèo. Ngày xửa ngày xưa chú có dạy học, nhưng bây giờ thì mất dạy rồi.

– Chú dạy môn gì?

– Chú dạy môn Văn.

– Vậy thì con nhận xét đâu có sai.

– Sai bét. Chú có dạy ở Đại Học bao giờ đâu.

Em xếp đồ gọn lại và ngồi nhích về phía tôi, y như đứa cháu gái ngồi sát bên ông nội, để chờ nghe chuyện cổ tích. Em tựa đầu vào vai tôi. Tin tưởng và trìu mến. Tôi không kể chuyện cổ tích cho Em nghe, nhưng Em kể chuyện về cuộc đời sinh viên.

– Con ở lưu xá. Lưu xá của con toàn là dân miệt ngoài. Tụi con chịu cực giỏi lắm. Mỗi đứa một tháng chỉ tốn ba chục ngàn tiền chợ. Gạo, mắm, chà bông, cà muối…thì cha mẹ gởi vô. Mỗi ngày mỗi đứa góp một ngàn đồng, mua một trăm gam thịt, một bó rau muống, xào lên rồi ăn chung với nhau.

– Còn con thì sao?

– Con á hả! Ăn sáng không thôi cũng hết mười lăm ngàn rồi. Hai bữa cơm và ăn vặt thì chưa tính.

– Con học giỏi không?

– Ở tỉnh nhà, con học cũng có hạng. Nhưng lên thành phố, gặp tụi nó thì con chịu thua.

– Gặp tụi nó thông minh, hay tại tụi nó cần cù?

– Con cũng thông minh chứ bộ. Nhưng phải công nhận là tụi nó cần cù, học chết bỏ.

– Con dám học chết bỏ không?

– Hổng dám đâu. Con gái mà học kiểu đó thì…làm con ve sầu, cho sâu nó dè. Dè rồi thì nó…de.

– Bộ con mót lấy chồng lắm rồi hả?

– Cũng chưa gấp gáp làm gì. Nhưng…cuộc đời cũng phải dó điểm dừng. Học ngày học đêm, học thêm Chúa nhật. Học đến cằn cỗi để có một mảnh bằng. Có bằng rồi lại đôn đoá đi kiếm việc làm. Có việc làm rồi thì lại phải bon chen để có tương lai. Bon chen mãu đến chết vẫn chưa hết bon chen.

– Nói vậy thì sao con không đi tu cho rồi.

– Con có người yêu rồi, đi tu sao được.

Em bộc bạch hết cả tâm lẫn tư của một cô sinh viên con nhà giàu, ăn trắng mặc trơn: yêu thì da diết; học thì không tha thiết; ăn xài thì không tiếc; trau dồi về ngoại hình hơn nội dung; sống với hiện tại hơn là hướng về tương lai; thích hưởng thụ hơn là dâng hiến…

Em,

Em là một tác phẩm được hình thành, được thiết kế do một quá trình đào tạo ngẫu nhiên. Em đã là thế, thì Em sẽ là vậy, không dễ gì thay đổi. Tôi chỉ lắng nghe và không góp ý gì với Em.

Xe tới Cà Mau vào lúc hừng đông sắp ló rạng. Tôi bắt tay giã từ Em vào lúc tranh tối tranh sáng. Tôi trìu mến Em. Em quyến luyến tôi. Chẳng biết Em còn nhớ tôi hay không. Nhưng tôi suy nghĩ rất nhiều về Em.

1.

Cha mẹ ngày xưa ở Năm Căn, nghèo khổ lắm. Vô từng đốn củi chán, thì đi đóng đáy mướn. Đóng đáy chán, thì làm rẫy, trồng bí. Gía bí thì lên xuống theo tình hình an ninh địa phương. Bí thu hoạch về, chất một đống cao như núi, phải bán giá chết cho vựa. Gía chết thì rẻ mạt. Cầm xấp tiền trong tay mà lòng quặn đau như cắt.

Sau mùa xuân 75, cha mẹ Em ra thành nhận công tác. Lý lịch thơm như múi mít. Con đường tiến thân thẳng tắp.

2.

Em ra mắt chào đời vào lúc cha mẹ Em vừa giàu sang, vừa có nhiều tiền, vừa có quyền cao. Em khóc oe oe để chào đời, y như chim hót véo von để chào bình minh.

Ôn lại cảnh nghèo khổ ngày xưa, cha mẹ Em tủi hận đến rơi lệ. Cả hai đều thề với lòng mình là sẽ làm cho Em được sung sướng. Con sung sướng để trả thù cái khổ của cha mẹ. Cha mẹ đã khổ chừng nào, thì con cái sẽ phải sung sướng chừng ấy. Thế là đời của Em trở nên cánh bướm, nhởn nhơ giữa ngàn hoa. Xinh đẹp và sang quý. Quên bẵng kiếp sâu lầm than. Quen hút mật hoa tinh khiết, ghê tởm con sâu gặm lá cây nham nhở.

3.

Em yêu một chàng sinh viên đồng hội đồng thuyền. Cha mẹ chàng cũng nương theo dòng lịch sử mà vươn lên. Cũng giàu sang. Cũng phú qúy. Cũng đang xây dựng tương lai để trả thù quá khứ.

Chàng và nàng vừa học vừa yêu. Yêu sướng hơn học. Yêu dễ như chơi. Học thì khó quá trời…Em và chàng hẹn thành hôn vào cuối năm thứ bốn. Đậu hay không là chuyện nhỏ. Sự nghiệp của cha mẹ là sự nghiệp của con. Chắc như đinh đóng cột. Cả hai cùng nhìn về tương lai, cùng giơ tay vẫy chào.

Nhưng…Em ơi,

Tôi mường tượng thấy cha Em đang dìu Em lên đỉnh núi. Cả hai cùng mỉn cười đón chào bình minh đang ló rạng ở bên kia đại dương. Nhưng tôi lại mường tượng thấy Em đang dắt con của mình đi xuống triền núi. Còn mặt trời thì đang lặn xuống sau lưng Em. Đời phải là một cuộc chiến đấu không ngừng. Hừng đông không phải là của người đi ngủ.

Chia sẻ Bài này:

Related posts