Dì Ghẻ

Em.

Em đeo bao lô lép kẹp, thất thểu đi vào nhà thờ. Em ngồi phệt trước cửa, nhìn bâng quơ. Con chó đến đánh hơi. Em tháo dép liệng thật mạnh. Con chó kêu ẳng một tiếng, rồi cúp đuôi bỏ chạy. Tôi lượm chiếc dép trả cho Em, rồi ngồi tâm tình với Em.

1.

Cha Em cưới vợ, sanh Em ra. Em vừa biết bò, thì cha mẹ thôi nhau. Cha Em lại cưới vợ. Mẹ Em lại lấy chồng. Em về ở với nội. Nội nuôi, nội thương, nhưng cháu vẫn èo uột và cặp mắt tủi hờn thích nhìn hai bàn chân hơn là nhìn người ta có cha có mẹ. Cha mải mê làm lại cuộc đời, quên bẵng đứa con. Mẹ vẫn thương con, nhưng chẳng dám thương nhiều. Tình yêu dấm dúi, tình yêu vụng trộm. Em lớn lên trong hoàn cảnh ấy. Bơ vơ, ngơ ngác…

Thế rồi cha Em trở về, dẫn theo một người đàn bà xấu xí. Đoàn tùy tùng gồm một thằng con trai liếng khỉ và một bé gái còn đang bú mẹ. Người đàn bà xấu xí kêu nội bằng mẹ ngọt sớt nhưng chẳng biết gọi Em bằng gì, chỉ nhìn một cái rồi đi dọn đồ. Em cúi mặt nhìn hai bàn chân…

– Khoanh tay thưa đi đàng hoàng. Dì cũng như mẹ, cha Em gằn giọng.
– Thưa dì mới tới. Em đến với người đàn bà xấu xí, cúi chào, mà lòng bâng khuâng. Hai giọt lệ lăn xuống.

Một tập thể chỉ có sau thành viên mà có tới hơn một chúc mối quan hệ khác nhau: Nội ruột, nội ghẻ; cha ruột, cha ghẻ; mẹ ruột, mẹ ghẻ; anh ruột, anh ghẻ; cháu ruột, cháu ghẻ; anh ghẻ, em ruột; em ghẻ; anh ruột, anh ghẻ. Một tập thể hổ lốn như thế mà thiếu một lãnh đạo anh minh thì phải tan rã. Và nó đã tan rã thật. Sau một trận đánh lộn và đập phá dữ dội, người đàn bà xấu xí ấy đã cuốn gói ra đi. Cha Em không hề tiếc nuối. Bây giờ cha Em thương Em nhiều hơn, nhưng lại cảm thấy cô đơn quá chừng!

2.

Cha Em làm thợ xây, mỗi tháng kiếm được trên dưới một triệu, đủ tiền nuôi ba miệng ăn. Em đi học, tiền trường do mẹ cung cấp. Em học hết lớp 9, thì cha Em biểu nghỉ học, để đi phụ hồ. Từ ngày Em nghỉ học, thâu thập tăng lên, gia đình Em khá giả hơn, cha Em nhậu nhiều hơn.
Thế rồi, bỗng cha Em dẫn về một người đàn bà tuổi 40, phừng phừng, hơn hớn.

– Đây là con dâu của mẹ.
– Ừa, bay lớn rồi, muốn làm gì thì làm, miễn êm cửa êm nhà thì thôi.
– Con lạy mẹ. Người đàn bà quì gối, kính cẩn.
– Con thưa dì đi, ba Em giục giã.

Em không chào, cười trừ, rồi lỉnh đi chơi. Thái độ khinh khỉnh của Em gây một ấn tượng xấu nơi người dì ghẻ mới tới. Dì ghẻ cư xử rất đẹp với chồng: Chăm sóc, hầu hạ, lễ độ, khéo léo còn hơn con gái. Dì ghẻ thương yêu cha Em và săn sóc còn hơn nàng hầu: Cơm rượu phủ phê, quạt nồng ấp lạnh…Nhưng dì ghẻ không muốn nhìn mặt Em vài coi Em như không có trong nhà. Đôi khi trên mâm cơm thiếu một cái chén và một đôi đũa.

Sáng ra, giường của nội và của cha thì được xếp dọn ngăn nắp và sạch sẽ, còn giường của Em thì dì làm bộ quên không thấy. Khi chánh quyền hỏi nhà có mấy khẩu, thì dì Em thường khai: “ba…ý quên: bốn”. Nội Em và cha Em được kính trọng và yêu thương: quyền lợi đầy ắp, nên không bén nhạy trước nỗi cô đơn của Em. Em càng trở nên cô đơn hơn. Đối với nội và cha thì căn nhà này là một tổ ấm chan hoà tình yêu. Nhưng đối với Em, thì mảnh đất thanh bình chỉ là bãi mìn tự động và ma quái.

3.

Nội và cha được dì rước về bên ngoại làm đám cúng cơm. Trước khi đi, dì và cha thù thù trong buồng.

– Em mang cái dây chuyền này, vì là quà cảu anh cho em. Còn mấy thứ kia em để lại hết.
– Thì đeo vô hết đi, kẻo người ta coi thường anh.
– Kệ người ta, miễn là hai đứa mình thương nhau là được rồi…Em sắm nữ trang đâu phải để chưng diện. Nữ trang chỉ là tiền bỏ ống để sau này lo cho mẹ…
– Em hiểu với mẹ anh, anh yên tâm vô cùng.

Ba người xuống vỏ lãi đón khách ở ngay sàn lảng của nhà.

– Trông chừng nhà đàng hoàng nghe cưng!

Lần đầu tiên Em thấy dì ghẻ kêu Em là cưng một cách niềm nở như thế.

Người tài công hạ chân vịt xuống nước, nước bắn tung toé. Chiếc vỏ lãi từ từ rời bến, rồi lao vút về hướng mặt trời mọc. Em thấy bàn tay mũm mĩm của dì đang ngoắt. Em linh cảm mình đang đi về miền đất hứa…

4.

Hôm sau, chiếc võ lãi ghé sàn lảng, Em chạy ra chào nội, chào cha, chào dì. Nội cười vui vẻ. Dì cười vui vẻ, dúi vào tay Em một bọc trái vải. Em lăng xăng xách đồ. Dì vội vàng vô buồng thay quần áo. Cả nhà rộn lên niềm vui. Bỗng dì khóc oà lên trong buồng.

– Chết tôi rồi!… Trời ơi là trời!
– Cái gì vậy? Cha và nội cùng la hỏi.
– Nữ trang của tôi không còn lấy một cọng. Hu hu…
– Thế thì ai lấy? Tìm lại coi! Cha Em giằng giọng.
– Vàng bạc để hết trong cái bọc này. Hôm qua anh thấy rõ, còn tìm kiếm gì nữa.
– Vậy thì thằng nào?
– Thì thằng con trai của anh chứ ai vào đây. Anh xét rương của nó coi.

Chiếc rương của Em bị lôi ra giữa nhà. Dì lôi ra quần áo, sách vở một đống. Cuối cùng thì …

– Đây nè: Một sấp ảnh trần truồng, lại một hộpbao cao su nữa. Ông thấy con của ông chưa? Cái cà rá của tôi đây rồi! Còn vòng vàng của tao thì mày cho con đ. nào rồi?

– Dì mày hỏi, tại sao mày câm miệng?
– Con có biết gì đâu!

Cha Em túm lấy áo Em, xáng một cái bạt tai nảy lửa, xô Em ngã ngửa, rồi bồi thêm một cái đạp…

Em.

Tôi chẳng dám phê phán gì. Nhưng tôi ước mong rằng phải chi:

1. Em đừng khinh khỉnh đối với dì, ngày di mới tới;
2. Nội Em đừng quá thoả mãn về số phận được ưu đãi, mà quên đi mánh mung của người con dâu quá khôn khéo.
3. Cha Em đừng quá hưởng thụ, đến độ quên cả số phận của đứa con đã quá bơ vơ
4. Dì Em đừng quỷ quyệt quá như thế, vì mánh mung nào cũng có đường cùng của nó.

Tạm thời tôi xin Em kiếm một chân phụ hồ, rồi từ đó mà đi lên. Con đường Em đi bị kéo dây chì, nhưng dây chì sẽ mục nát trước khi Em trưởng thành.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment