Em Bé Tò Mò

EM.

Em dẫn con đến để khoe với tôi.

– Mới năm tuổi mà nó khôn quá chừng cha ạ. Nó hỏi trăm thứ chuyện, con không biết đường nào mà trả lời. Con sợ nó…hư quá à!

– Tại sao?

– Mới bé tí mà đã tò mò chuyện người lớn.

– Ví dụ…

– Con không dám nói.

– Thế thì biết rồi.

– Sao cha biết?

– Bài bản mà. Dễ ợt!

EM.

Tôi kể chuyện người ta cho Em nghe. Chuyện thằng cu Hiếu, con của vợ chồng nhà Thảo.

1.

Thảo sanh được Hiếu thì tạm nghỉ sanh. Sanh ít, sanh thưa để nuôi dạy con chu đáo. Sanh thưa quá riết rồi làm biếng, không muốn sanh nữa. Bỗng một hôm cu Hiếu đổ quạu.

– Mẹ làm biếng sanh quá à. Thằng Hơn, con Nhanh…đứa nào cũng có em hết. Chỉ có mình con là chùi lủi, chẳng có em gì hết trơn.

– Được rồi, mẹ sẽ sinh con. Nhưng mà phải ngoan, phải thương em mới được.

– Hoan hô mẹ ! (vỗ tay) Mẹ sinh em gái cho con nghen!

Vợ chồng Thảo nhìn nhau. Trầm tư.

2.

Thảo mang bầu. Ột ệt. Cu Hiếu lân la, rờ rẫm, nhỏng mỏ hỏi mẹ.

– Bụng mẹ bự quá à! Tại sao vậy mẹ?

– Em con đó.

– Vậy hả? Mẹ sanh lẹ lẹ đi!

– Không được đâu. Phải đủ 278 ngày thì mới sanh. Sanh sớm, em con sẽ èo uột lắm.

– Vậy thì mẹ đừng sanh vội nghen…

Cu hiếu đành nhẫn nại chờ đợi. Và ngày ấy đã tới… Từ nhà hộ sinh, Thảo bồng con về. Cu Hiếu chạy ra đón. Nó nựng em, rờ mó, mân mê và nhéo mẹ. Nựng em đã, rồi nghển cổ hỏi mẹ:

– Em con chui ra ở chỗ nào hở mẹ?

– Ở lỗ nách. (cười đắc chí)

Cu iếu bằng lòng với câu trả lời sai bét ấy. Thảo vô tư.

EM.

Thảo trả lời gọn lỏn như thế, không thắc mắc gì. Còn Em thì la ầm lên: “Dang ra chỗ khác”. Tôi không hài lòng về câu trả lời của Thảo. Tôi cũng không đồng ý với cách trả lời của Em.

1. Thiên Chúa đặt ta vào vũ trụ. Vũ trụ không biên giới. Vũ trụ đầy huyền bí. Huyền bí nhiều đến mức độ Albert Einstein, nhà bác học vĩ đại nhất của thế kỷ 20 đã phải thốt lên rằng: “Nhuyễn huyền bí của vũ trụ, mà khoa học thế kỷ 20 khám phá được, so với những bí mật còn lại, thì giống như một giọt nước so với đại dương!” Con người có nhiệm vụ khám phá những huyền bí đó. Nó bắt đầu sự nghiệp này từ lúc lên năm tuổi. Như có một động lực huyền bí thúc đẩy, khiến trẻ lên năm thắc mắc và đặt câu hỏi liên tục.

– Tại sao ba có râu, mà mẹ không có:

– Tại sao con gà chỉ có hai giò, con chó lại có bốn chân

– Tại sao ớt cay?

– Tại sao mặt trời ban sáng thì to, ban trưa thì nhỏ?

– Tại sao trên trời có nước?

– Tại sao con gái hổng có con chim?

2. Cánh cửa Tạo Hoá mở ra để ta đi vào vũ trụ huyền bí, thì không ai có quyền khép lại. Mỗi câu hỏi của trẻ em, đều phải được trả lời thoả đáng. Khai mở trí tuệ là bổn phận của mỗi người và của mọi tập thể. Em là người đầu tiên có nhiệm vụ dắt con mình đi vào vũ trụ ấy.

Nhưng tiếc thay, Cả Em lẫn Thảo đều là những hướng dẫn viên rất vụng về. Thảo hiểu: “Em con chui ra ở lỗ nách”. Thảo xuyên tạc thiên nhiên. Thảo bẻ cong chân lý. Thảo ngang nhiên nói dối con mình. Thế mà Thảo vẫn cười một cách vô tư. Còn Em thì chặn họng con mình: “Tầm bậy! Dang ra chỗ khác!” Sanh con như thế là tầm bậy sao Em? Truyền sinh là một huyền nhiệm do Chúa an bài thế mà Em nỡ tâm phê là tầm bậy sao? Cả Thảo lẫn Em đều vô tình chậm bước tiến của con mình. Nói cách khác: cả Thảo lẫn Em đều không đồng cảm với Chúa trong công trình khai mở trí tuệ cho con cái của mình.

3. Em ơi, đừng hốt hoảng như thế. Thảo ơi, đừng vô tư như vậy. Tôi chẳng có gì để nói với Em, vì tôi chẳng có kinh nghiệm gì trong vấn đề này. Nhưng tôi muốn đọc cho Em nghe những gì tôi đã học được trong sách vở.

Những nguyên tắc giáo dục trẻ em lên năm tuổi.

3.1 – Năm tuổi là tuổi tò mò, bắt đầu tìm hiểu.

3.2 – Người giáo dục phải nhẫn nãi, bình tĩnh trả lời mọi câu hỏi một cách thỏa đáng.

3.3 – Không cho các em hỏi là bịt miệng chân lý, là chống lại trí tuệ.

3.4 – Không bao giờ nói dối. Không  bao giờ nói sai.

3.5 – Không được tự thú: “Không biết”. Nói như thế các em sẽ hiểu là ta nói dối.

3.6 – Mẹ đừng nói: “Mẹ không biết. Hãy hỏi cha con”. Nói như thế là gieo vào đầu các em tư tưởng phân biệt: Cha giỏi, mẹ dốt.

3.7 – Khi gặp sự thật không nên nói, thì đừng nói dối; hãy đánh trống lảng sang chuyện khác.

3.8 – Những câu hỏi vượt khả năng trả lời, thì lái sang tư tưởng khác. Ví dụ: bé hỏi tại sao ớt thì cay mà chuối thì ngọt? Trả  lời theo  khoa học thì quá khó đối với nhà giáo dục và đối với các em. Trong trường hợp này nên lái sang tư tưởng khác: “Chúa làm ra ớt cay để cha con ăn. Chúa làm ra chuối ngọt để con ăn”. Rõ ràng là lạc đề mà vẫn đúng và có ích.

EM.

Tôi trở lại câu hỏi hóc búa của bé: “Em con chui ra ở chỗ nào?”. Em không được nói dối nhưng Em đừng nói thật. Ở tuổi lên năm bé chưa lãnh hội được một sự thật có quá nhiều ý nghĩa như thế. Em nên đánh trống lảng: “Mẹ mệt quá con à! Con đi chơi, lát nữa mẹ sẽ nói cho con nghe”. Bé sẽ trở lại và hỏi chuyện khác, chớ không hỏi lại chuyện ấy nữa. Hoặc Em có thể nói: “Chúa làm nhiều  việc kỳ diệu lắm, khi nào con học cao lên, thì Mẹ mới nói cho con nghe được”.

Em cũng có thể nói hết sự thật ấy với điều kiện là bé Hiếu cảm nghiệm được Thiên Chúa quan tâm đến bé thật nhiều.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment