EM.
Em mời tôi ăn cơm tối. Bữa cơm thịnh soạn có nhiều bạn bè tham dự. Tôi được ngồi kế bên Em. Cơm đang ngon, chuyện đang vui, thì một bé gái ở trần, chui vào giữa Em và tôi, thò tay vào dĩa bốc thức ăn, nhai nhồm nhoàm. Mọi người sửng sốt. Tôi mắc cỡ giùm Em. Nhưng Em không mắc cỡ, cười nói vui vẻ: “Đây là cục cưng của gia đình. Cháu bị mát bẩm sinh”. Tôi bị hẫng. Thay vì mắc cỡ giùm Em, tôi lại xấu hổ cho chính mình.
Em thao thao kể chuyện về gia đình mình. Khách tiệc nhai uể oải, vừa chăm chú lắng nghe, quên bẵng chuyện mắc cỡ giùm Em. Em kể chuyện có duyên. Chuyện Em kể rành mạch.
1.
Vợ Em hí hửng báo tin ngày mai bác sĩ Billings bảo là vợ chồng Em có thể bắt đầu làm cha mẹ. Hai đứa đang khoẻ mạnh, và vui vẻ ở mức độ cao nhất. Hai đứa cầu nguyện thật sốt sắng, rồi xoắn lấy nhau như chưa bao giờ yêu nhau đến thế. Hai đứa nhìn nhau và thì thầm: “Chúng mình sẽ có một đứa con tuyệt vời: khoẻ mạnh, thông minh và đạo đức”. Em đặt tên cho bé ngay từ giây phút ấy. Tên bé là Minh Tuyết, vì: trí của nó phải thông MINH như bố, và ngoại hình của nó thì phải trắng như Tuyết, màu da của mẹ. Cả hai vợ chồng đều hài lòng và hãnh diện về cái tên ấy. Và dường như…hai đứa cứ càng ngày càng thương nhau nhiều hơn.
Em say mê theo dõi sự tănng trưởng của bé Minh Tuyết. Em nôn nóng chờ đợi ngày bé ra chào đời. Và…bỗng dưng Em cảm thấy vợ có bầu ột ệt lại đẹp hơn lúc còn thon thả. Em cảm thấy dường như mình có lãng mạn hơn trước. Cứ đi đâu về, thì việc đầu tiên là tìm vợ để nhìn ngắm và nâng niu cái bầu, mà Em gọi là “Minh Tuyết, con của bố”.
2.
Minh Tuyết vội vã chào đời, thiếu ngày thiếu tháng, khẳng khiu như con chàng hiu, chỉ cân được hai kí mốt. Cô y tá bồng bé đến, ân cần đặt bên hông mẹ. Mẹ mỉm cười nhìn con. Nụ cười tắt lịm. Quay mặt nhìn sang chỗ khác. Vỡ mộng! Bà ngoại gắt gỏng:
– Con của mày mà tại sao mày không nhìn?
– Ghê quá à!
– Trẻ sơ sinh thì đứa nào chả vậy.
Em thương vợ, thương con. Thương quá. Bây giờ Em mới giật mình nghĩ ra. Minh Tuyết đã được đậu thai tốt vì ngày ấy cả cha lẫn mẹ đều khoẻ, đều vui và yêu nhau tha thiết. Nhưng cái thai Minh Tuyết lại không được nuôi dưỡng tốt. Em đấm ngực ăn năn…
Vợ Em mang thai Minh Tuyết được năm tháng, thì tai hoạ đổ ập xuống. Bố vợ bị xe tải cán chết. Hoạ vô đơn chí. Sau đó hai tháng, thì mẹ Em ra đi. Vợ Em bị sốc, khóc vật vã. Mất ăn mất ngủ. Em cũng mất tinh thần, không còn đủ sức để vực vợ đứng lên. Em yếu đuối quá! Minh Tuyết là nạn nhân của sự yếu đuối ấy, cứ ngơ ngơ như người không có linh hồn.
3.
Bây giờ Em mới hiểu thế nào là tư cách của một người đàn ông, thế nào là sứ mạng của một người làm chồng, của một người làm cha. Em an ủi vợ, để vợ Em can đảm làm mẹ của một đứa con khuyết tật. Em yêu thương Minh Tuyết, yêu thương thật nhiều. Yêu nhiều để đền bù. Yêu nhiều để minh chứng cho mọi người thấy rằng Minh Tuyết vẫn là công trình sáng tạo đầy ý nghĩa của Thượng Đế. Minh Tuyết ngơ ngơ, nhưng Minh Tuyết là người, Minh Tuyết là con của Chúa. Minh Tuyết phải được loài người yêu thương và kính trọng. Đó là Đạo Trời. Đó là đạo làm người.
Tôi cảm phục Em. Tôi kính trọng Em như một đấng nam nhi tuyệt vời. Nhưng tôi vẫn cứ tiêng tiếc…
1. Phải chi trong thời gian tai hoạ đổ xuống trên gia đình, Em khôn ngoan và can đảm như hôm nay, thì Em đã cứu được vợ khỏi khóc vật vã, khỏi mang hệ luỵ cho Minh Tuyết. Tiếc quá! Tiếc vô cùng!
2. Phải chi Em nghiên cứu kỹ hơn về sứ mạng làm chồng và làm cha, thì Em đã đủ khả năng để đối phó với sự cố bất ngờ như thế. Bây giờ Em mới cảm thấy mình thiếu hành trang vào đời. Trễ quá!
EM.
Bữa cơm kết thúc, tôi ra về mang theo hình ảnh của Em và của Minh Tuyết. Ray rứt khôn nguôi.
Hành trang vào đời của giới trẻ chẳng có bao nhiêu. Cao nhất là có một nghề trong tay. Thấp nhất là chỉ có sự rạo rực của phái tính. Hạnh phúc và bất hạnh chỉ là may rủi, chỉ là phần số. Một ông bạn già đã khẳng định với tôi rằng: chỉ có 17% gia đình là có hạnh phúc thật. Phần còn lại thì hoặc là tan vỡ hoàn toàn, hoặc chỉ là “vui gượng kẻo là…”. Nếu thực trạng của đời sống vợ chồng là thế, thì quả thật là quá bi thảm. Tình trạng bi thảm của đời sống lứa đôi dẫn theo tình trạng thê thảm của tuổi thơ và giới trẻ. Thật là khôn lường!
Tôi kể tặng Em một câu chuyện, để Em tự an ủi mình và để Em xót xa cho đời.
Một cụ già bồng đến cho tôi một bé sơ sinh. Bé không có môi trên và ốm tong teo.
– Tôi cho ông cha thằng bé này.
– Bà lượm được ở đâu vậy?
– Cháu nội của tôi đó. Cha mẹ nó sanh ra nó tàn tật, đòi vứt xuống sông, sợ ma quỷ phá hết bày con về sau.
– Tại sao kì vậy?
– Biết đâu à. Người ta nói vậy đó.
– Đừng tin dị đoan. Thất đức quá à. Bà ráng nuôi cháu đi.
– Tôi nghèo quá nuôi không nổi.
Ở đầu thế kỷ thứ hai mươi mốt mà vẫn còn có những người cha người mẹ như thế! Và không biết có bao nhiêu đứa bé ra chào đời như vậy?
Chỉ vì chưa học làm chồng làm vợ. Chỉ vì chưa biết làm cha làm mẹ. Chỉ vì vốn liếng vào đời vỏn vẹn chỉ có hai chữ RẠO RỰC…
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu