EM.
Kim Liên đến gặp tôi. Không chào. Hỏi ngay một câu
– Cha còn nhớ con Ảnh không?
– Ảnh, thợ may đó hả?
– Dạ. Bây giờ nó không như ngày xưa nữa đâu. Nó đi tìm bé người ta. Con hỏi nó: Mày có biết người ta có mấy vợ rồi không? Nó trả lời: Biết chứ sao không. Con hỏi: Mày biết, tại sao mày lúc đầu vô đó làm chi vậy? Nó nói một câu xanh rờn: Không làm bé người ta thì làm sao có cái nhà này, làm sao có xe hơi mà đi. Con hết biết nó rồi.
– Con nhỏ này hồi đó ngoan lắm.
– Vừa ngoan, vừa đẹp. Đẹp hơn con nữa.
– Bộ, con cũng đẹp lắm sao?
– Ý, quên.
Em.
Tại sao Em đổi đời đến thế? Em chịu làm vợ bé, vợ bé thứ năm. Không ân hận. Phải ôn lại quá khứ của em để lý giải.
1.
Tôi gặp Em ở Năm Căn. Một người con gái xinh đẹp, ngoan hiền, khiêm nhu, thông minh. Gặp Em lần đầu tôi đã nghĩ thầm trong bụng: Phúc cho thằng nào vớ được con nhỏ này làm vợ. Dì Ba đưa Em về Cần Thơ học khoá cắt may bình dân. Em đã trở thành một cô thợ may giỏi.
Cha Em là người có uy tín trong xã, mở cho Em một tiệm may ở kế bên nhà lồng chợ. Em vừa may, vừa dạy may. Học trò, khách đến đặt may, thanh niên đến chơi, nhà Em lúc nào cũng tấp nập. Con trai tăng bốc Em, nịnh bợ Em, chọc ghẹo Em…Em không giận, không mắc cỡ, Em chỉ mỉm cười bao dung như người chị già tay ấn không chấp nhất đàn em.
Em không muốn chọn Năm Căn làm quê hương. Mỗi Năm Căn nhiều hơn trấu. Bù mắt Năm Căn còn dữ dằn hơn muỗi. Người Năm Căn ô hợp, nguồn gốc từ tứ phương thiên hạ. Thanh niên Năm Căn uống rượu như hũ chìm…Em rùng mình, mắt đăm đăm nhìn về hướng Cà Mau. Say đắm.
2.
Em lấy chồng Cà Mau, thế là con hoàng yến không phải đậu cành mắm. Em mãn nguyện. Bên chồng trọng vọng Em, vì Em xinh đẹp và ngoan hiền. Em rất hạnh phúc vì đó là quyền của Em, quyền của người có nhan sắc.
Nhưng hồng nhan thì đa truân. Chồng Em bị bắt lính. Lính thời chiến lúc nào cũng đùa giỡn với tử thần. Em bồi hồi như ngồi chảo nóng. Sau 30-4 , Em chờ tin chồng. Chờ mãi. Chờ mãi. Bặt tin. Đành lập bàn thờ.
Chồng Em là ngụy quân. Cha Em là ngụy quyền. Con Em còn đỏ hỏn trong nôi. Không có chỗ dựa lưng. Không có nơi tựa đầu. Kinh tế khó khăn. Chiến tranh lại bùng nổ ở phía Bắc và Tây Nam. Bo bo và khoai mì lên ngôi. Cả nước phải khổ, huống hồ là Em.
Người đẹp phải nhai bo bo, Em tức tưởi đến ứa lệ. Tay nghề của Em ế ẩm, vì cơm chưa no, thì lo chi áo ấm. Em nhìn trước ngó sau, chẳng biết làm gì để nuôi con. Con bé thật dễ thương, nhưng mở mắt chào đời chẳng thấy cha đâu mà chỉ thấy bo bo và khoai mì. Em đặt tên cho nó là Lê Thị Mì, nhưng lại quen miệng gọi nó là con Bo Bo. Nó là dấu ấn của lịch sử.
3.
Cuối thập niêm tám mươi, phố xá bắt đầu mở cửa, kinh doanh tư nhân bắt đầu nở rộ, cơn bắt đầu ngon, áo bắt đầu đẹp. Em ra nghề…Mặc đẹp, ăn ngon, gái một con trông mòn con mắt. Thời vàng son của Em.
Có một nhà kinh doanh trẻ đến xây nhà lầu kế bên tiệm may khiêm tốn của Em. Căn lầu rộng rinh. Tầng trệt chỉ có một chiếc xe con nằm gọn lỏn ở một góc nhà. Nhà kinh doanh trẻ ghé thăm cô thợ may xinh, góp ý nhiệt tình.
– Tiệm may chật chội quá không tương xứng với tài nưang trẻ. Tôi cho cô mướn tầng trệt cảu tôi, để khuếch trương nghề nghiệp. Gía hữu nghị: 1 đồng tượng trưng.
– Em không có vốn.
– Tôi cho mượn vốn không giới hạn, không thời hạn. Không tính lời.
– Em không dám.
– Cô không dám thì tôi dám. Người tài là tương lai của Tổ Quốc. Tôi cho lính nó dọn nhà cô ngay ngày hôm nay…
Tầng trệt trống hoang bỗng trở thành tiệm may khang trang đến độ hoành tráng. Em nghiễm nhiên trở thành bà chủ của tiệm may. Ở tầng trệt, nhưng lại ăn ngủ ở tầng trên…
Bây giờ thì Em đã biết chồng Em rất “giàu lòng”, lòng đại dương. Đại dương không biên giới. Đại dương là không gian của mọi loài kình ngư. Em chỉ là một trong những con kình ngư ấy. Em vẫy vùng ở biển Cà Mau. Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Sài Gòn là hải phận của những con kình ngư khác. Mạnh ai nấy sống. Không ai bày đặt huyện ghen tuông.
Người đẹp ở Bạc Liêu là người Việt gốc Hoa có đôi má phúng phính, có hai lúm đồng tiền. Người đẹp ở Sóc Trăng là người Việt gốc Khơmer, có nước da mái mái, có cặp mắt đa tình, sâu thăm thẳm. Người đẹp ở Cần Thơ, xuất thân từ miệt cây trái, mái tóc óng ả, buông thả ngang lưng. Người đẹp ở Sài Gòn, môi đỏ chon chót, giọng Huế lâng lâng, làm thông dịch cho chồng…
Chồng Em là một nhà sưu tầm…vợ đẹp có một không hai!
Em.
Kim Liên nói nhỏ với tôi:
– Con Ảnh vẫn còn nhớ cha. Nó muốn mời cha đến thăm. Cha nó mất rồi. Nó muốn cha làm cố vấn cho nó.
– Không dám đâu!
Bố bảo tôi cũng chẳng dám đến thăm Em. Em hiểu? nhưng tôi tin rằng trong thâm tâm Em vẫn còn vang vọng tiếng nói của Chân Thiện Mỹ. Tôi gởi tới Em lời nhắn nhủ chân tình này:
1. Cái vốn liếng lớn nhất mà Em đang sở hữu chính là cái nhan sắc lộng lẫy của một thời cực thịnh. Nhưng hoa nào cũng sớm nở chiều tàn. Nhan sắc của Em sẽ tàn phai với nhịp độ chóng mặt. Câu ca dao sau đây có vẻ cường điệu, nhưng không xa hiện thực bao nhiêu. Tôi muốn Em nghe, không phải để răn đe, nhưng để Em ghi lấy ý nghĩa của cuộc đời:
Gái một con, trông mòn con mắt.
Gái hai con, vũ quặt đằng sau.
Gái ba con, đặt đâu ngồi đấy.
2. Đời Em sẽ qua đi như mây bay. Cái còn lại của Em trên đời này chỉ là con Bo Bo. Nhan sắc của Em không thêm gì cho hành trang vào đời của nó. Em hãy dành cho nó thật nhiều thời giờ để yêu thương, để chăm sóc, để đề phòng. Em phải lo cho nó gấp hai lần, để bù vào cái lỗ hổng do cái chết của cha nó tạo nên. Em hãy chiếu cố những ngươờ nghèo xung quanh Em. Làm phước, bố thí là cái đức Em để dành cho con. Bo Bo là tất cả của Em.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu