Rượu Ơi

EM.

Em ngồi trước mặt tôi! Lặng lẽ, nhẫn nhục và tiu nghỉu như thằng ăn vụng bị bắt quả tang. Vợ Em thì tấn công tới tấp, không khoan nhượng, không thương xót.

– Hồi anh ấy đi hỏi con, con không đòi hỏi một điều gì hết. Con chỉ yêu cầu một điều là không uống rượu. Ảnh thề với con là nếu ảnh uống rượu, thì cho Bà Thủy bắt, cho trực thăng bắn, cho GMC cán. Thế mà bây giờ ảnh uống như hũ chìm. Như vậy thì làm sao con chịu được. Thà là ảnh ấy đánh bài chút đỉnh, thì con còn chịu được, chứ nếu không chừa rượu, thì con thôi anh ấy luôn. Hồi xưa cha con uống rượu, con khổ muốn chết. Mùi rượu hôi con không chịu được.

– Thế hồi đó con có hứa với vợ là không uống rượu không?

– Có.

– Thế tại sao lại lỗi lời hứa?

– Làm ăn thì phải uống với người ta. Tụi con đi nghe, phải giao dịch với Kiểm lâm, với Thuế vụ. Không uống thì lấy gì mà ăn. Vợ con nó không thấy xa, nó không chịu thông cảm.

– Anh thấy xa thì anh đi ên anh. Một là một, hai là hai. Anh muốn ở với tôi thì thôi rượu. Còn không thì…tùy anh. Bầu khí căng thẳng quá. Tôi mỉm cười với Em.

– Con chỉ yêu cầu chồng con một điều là không uống rượu, phải vậy không?

– Dạ.

– Vậy  thì cho hắn cờ bạc?

– Cũng được nữa. Đừng phá sản thì thôi.

– Cho hắn mèo mỡ một tí được không?

– Nếu chỉ sang qua thì con cũng cho luôn.

– Chơi đẹp quá ta!

– Nhưng mà uống rượu thì dứt khoát là không.

– Cho hắn uống một cốc thôi.

– Không.

Hai vợ chồng vui vẻ ra về. Vợ Em lấy ngón tay dí vào trán em, mắng yêu:

– Có cha làm chứng đó. Chừa nghen!

EM.

Tôi đã sống trên mảnh đất Cà Mau này đúng ba mươi năm. Tôi đã khắc ghi vào ký ức của mình rất nhiều hình ảnh về rượu, nhiều đến mức độ tôi đã hiểu và cảm nghiệm được cả mạnh lẫn mặt yếu của nó. Tôi yêu rượu, tôi cám ơn rượu, tôi sợ rượu và tôi khinh dể rượu. Rượu không xấu tự bản chất. Nó chỉ là chất kích thích dìu dắt mọi tâm tình lên cầu thang. Hỷ, cụ, nộ, ái, ố, ai, ái, dục đều được rượu tăng nồng độ cho tới mức hoàn hảo.

1.

Năm 1973 tôi đến thăm một họ đạo nằm sâu trong vùng giải phóng, trên mười năm vắng bóng linh mục. Được tin, bà con ùn ùn kéo đến. Mừng quá! Dâng thánh lễ, ngồi tòa, rửa tội…rồi liên hoan. Đàn ông uống rượu. Đàn bà uống rượu. Vui quá thì phải uống, càng uống càng vui. Tàn rượu, tôi ra về. Có tiếng lè nhè ở phía sau:

– Ông cố ơi, con thương ông cố quá. Ông cố cho con hun một miếng.

Tôi quay lại. Một bà lão già khằng, da nhăn nheo, chân bước loạng choạng…Áo bà quên cài nút. Tôi bảo bước. Im lặng. Giận giỗi.

Tôi gọi rượu ấy là rượu bầy hầy.

2.

Tôi đến thăm một vùng kinh tế mới. No cơm ấm áo, nhưng thiếu nhà thờ. Nôn nóng. Chờ đợi. Chờ lâu quá, nôn nóng quá chịu không nổi, bèn dựng lại một căn nhà làm nơi thừa tự. Làm chưa xong thì Công An tới lập biên bản. Ban Hành Giáo cố tình đi vắng liên miên. Công An đến từng nhà để mời từng người lên xã làm việc. Ở bất cứ nhà nào Công An cũng được nghe: “Bố cháu đi rừng rồi ạ”. Bầu khí căng thẳng khác thường. Bế tắc!

Người ta dọn cơm đãi tôi. Tôi mời Chánh Quyền, Chánh Quyền nhiệt tình đáp lời. Tôi mời Ban Hành Giáo, không ai dám từ chối.Chánh Quyền muốn gặp Ban Hành Giáo, hôm nay gặp được. Ban Hành Giáo trốn mặt Chánh Quyền, hôm nay trốn hết nổi. Tôi uống một cốc để chào Chánh Quyền. Tôi yêu cầu Ban Hành Giáo uống một cốc để xin lỗi về tội “ăn vụng”, làm nhà thờ mà không trình báo. Tôi yêu cầu Chánh Quyền uống một cốc để nhận lời xin lỗi của Ban Hành Giáo. Tôi chào nhiều lần. Người ta xin lỗi và tha cho nhau không ngừng…Ai nấy ra về, tay bắt mặt mừng. Nhà thờ không bị dỡ.

Rượu ấy là rượu tình.

3.

Có một bà góa tay cầm bó đuốc, vừa đi vừa vung. Lửa cháy bập bùng. Qua nhà nào bà cũng lên tiếng chào, lên tiếng gọi.

– Chế Tư ơi! Ngủ chưa?

– Đi đâu mà trễ dữ vậy?

– Út à! Chừng nào mày sanh?

– Biết đâu à.

Lên tiếng hoài, người đàn bà cảm thấy yên tâm. Mỗi ngôi nhà thân quen giống như một thiên thần hộ mạng trải dài trên đường đất gồ ghề, quanh co và tối om om. Bỗng có tiếng la thất thanh: “Cứu tôi với”. Bó đuốc tăt lịm. Cả xóm rối loạn. Hàng chục ánh đèn pin quét loang loáng rồi cũng chĩa vào một khuôn mặt đỏ ké, râu ria lởm chởm, nồng nặc mùi đế.

Đàn bà đua nhau chửi:

– Đồ qủy!

– Đồ mất dạy!

– Gìa mà còn mắc dịch!

Đàn ông xấu hổ, tắt đèn pin, lầm lũi đi về mò mẫm trong bóng tối, bỏ lại ông già mắc dịch đang muốn đâm đầu xuống rạch, chết quách cho rồi. Hổ thẹn vô cùng!

EM.

Em có thể uống rượu, vì rượu là tình.

Em không nên uống rượu, vì rượu bầy hầy  và hổ thẹn quá chừng.

Em đừng uống rượu nữa, vì vợ Em chỉ yêu cầu có bấy nhiêu thôi.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment