EM
Một buổi chiều thật đẹp. Bờ sông bên đây là phố chợ, quán xá sầm uất. Bờ sông bên kia là rừng đước bạt ngàn, không bờ không bến. Em rời căn nhà chiếc tăm tối, bưng ly cà phê đá ra ngồi bờ sông hóng mát. Gío sông lồng lộng.
Em không thích uống cà phê cho bằng ngậm cục đá lạnh. Em lấy lưỡi đẩy nó từ bên này qua bên kia. Má bên này phồng lên, thì má bên kia hóp xuống. Em đang thưởng thức cái trò chơi rất trẻ con như thế, thì…bỗng dưng Em, ngoẽo đầu sang bên phải, đổ kềnh xuống đất, ói ra một bụm máu. Người ta bu lại, bồng Em lên để đưa xuống huyện cấp cứu. Nhưng không kịp. Em tắt thở hồi nào không hay.
Tôi đến để thắp cho Em một nén nhang, để nhắn nhủ vợ chồng Em đôi lời. Vợ Em gào lên một cách tuyệt vọng. Hai đứa con của Em ngơ ngơ ngáo ngáo như không có linh hồn.
Tôi ra về, buồn tê tái. Tôi cứ miên man nghĩ mãi về Em và về một gia đình không bao giờ có hạnh phúc. Em không còn hiện diện ở trong thế giới vật chất này nữa. Nhưng tôi tin hồn Em vẫn còn tồn tại ở trong một thế giới vô hình. Tôi muốn ngỏ bày tâm tư của tôi với linh hồn ấy, người Em thân mến của tôi.
1. Cha Em không giàu có, nhưng dư ăn dư xài. Được “ông thầy” khen có số đào hoa, thế là ông cưới ba bà. Em là con của bà Út. Từ ngày mở mắt chào đời, Em cứ còi cọc như người thiếu ăn.
Hai mươi tuổi, Em vẫn ốm tong teo như con khô kèo. Thế mà bỗng dưng con khô kèo ấy lại đòi lấy vợ. Cha Em cười bể bụng. Ông khoái chí đưa Em đi coi thầy. Thầy nói nhỏ bên tai cha Em:
– Thằng nay “ vô hậu. Cưới vợ để chơi cho vui vậy thôi.
– Nếu tôi khai thật với nhà gái như thế, thì chắc người ta không gả quá à.
– Chứ sao. Cái đó tùy anh.
2. Em đòi lấy vợ, khiến cha Em cười bể bụng. Bây giờ Em lại lấy được vợ đẹp, cả làng phải ngẩn ngơ. Thanh niên thì nói là “mèo ú vớ được cá rán”. Ông già thì bảo là “duyên số”. Con gái thì mỉa mai là “ham của”, là “tham thì thâm”. Ôi miệng đời! Nhưng dường như miệng con gái lại gần với hiện thực nhất!
Vợ Em sanh được hai đứa con. Đứa nào cũng không bình thường. Mười mấy tuổi đời mà chưa đứa nào biết đọc, biết viết. Cặp mắt thì dại dại. Nước da thì tai tái. Cặp môi thì thâm như chì. Trẻ con trong xóm đặt tên cho hai đứa là Đức ngố và Tài khùng. Tội nghiệp quá chừng!
3. Từ thế giới bên kia. Em hãy nhìn lại thế giới bên này, nhìn vào căn nhà thân thương mà Em đã vĩnh biệt ra đi.
3.1 Vợ Em mới xấp xỉ bốn mươi, tuổi hồi xuân. Tình dục đang phừng phừng như muốn bùng cháy. Bước thêm một bước nữa, thì số phận hai đứa trẻ ngớ ngẩn sẽ đi về đâu? Ở giá nuôi con thì…được không?
Cha Em hứa cho ba mẹ con ba công vườn và bốn công ruộng với lời nhắn nhủ rất truyền thống: “Con ráng thủ tiết thờ chồng, nuôi hai đứa con. Ăn ở có đức, Trời Phật sẽ độ”. Vợ Em cắn môi làm thinh. Nàng chẳng hứng gì mà ở thủ tiết. Lời ong tiếng ve vẫn dằn vặt nàng suốt mười mấy năm trường. Chồng chẳng ra chồng, con chẳng ra con. Chồng ho lao đến độ ói máu mà chết. Hai thằng con thật khùng chẳng bao giờ thành người lớn. Dư luận bảo đó là quả báo. Tội lỗi của mấy kiếp trước đổ hết lên đầu một người đàn bà. Chịu sao thấu!
Gia đình bên vợ đã biết chuyện ông thầy coi số. Hận vô cùng! Họ bắt vợ Em trả con cho bên nội để rảnh nợ mà đi một bước nữa. Tội ai nấy chịu, họ bảo thế.
3.2 Em chết là hết nợ trần. Vợ Em sẽ tái giá bỏ lại hai đứa con cho bên nội đền tội kiếp trước. Rồi nàng sẽ quên quá khứ để làm lại cuộc đời. Cả hai vợ chồng EM đều phải phủi tay ra đi, mỗi người một kiểu. Tội nghiệp hai đứa trẻ đầu xanh vô tội. Bơ vơ.
Chúng nó sẽ có cơm ăn, cơm của ông nội. Nhưng ai sẽ chăm sóc và yêu thương chúng nó. Tuổi thơ nào cũng cần tình yêu. Tình yêu là quyền tối thượng của tuổi thơ. Ai cướp mất tình yêu của tuổi thơ, thì người ấy phạm tội chống loài người”
Nuôi hai đứa trẻ ngơ ngơ, nuôi mãi ông nội đâm ra uể oải. Rồi ông nội lại ra đi, bỏ lại hai thằng đàn ông dở hơi, làm trò đùa cho con nít trong làng. Hai thằng đàn ông ăn mặc dơ dáy bẩn thỉu, đi lang thang từ sáng đến chiều, sống nhờ những chén cơm bố thí của những người từ tâm. Ban đêm chẳng ai biết họ ngủ ở đâu? Ăn hay ngủ chẳng giống kiếp người, nên người ta chẳng ai quan tâm làm gì. Vẫn chỉ là số kiếp. Ai cũng bảo vậy.
EM.
Một chuổi dây chuyền khốn khổ nối dài mãi không hết. Biết đến bao giờ mới hết? Có lẽ chỉ hết khi hai thằng đàn ông dơ bẩn không còn đi lang thang trên con đường làng nữa. Chuỗi dây chuyền này bắt đầu từ đâu? những bàn tay độc ác nào cứ nối thêm vào đó từ khoen này đến khoen khác?
1. Chính Em là đầu mối của chuỗi dây chuyền khốn khổ này. Phải chi Em đừng lấy vợ. Phải chi Em đừng sanh con. Lấy vợ là nhân quyền, chẳng ai dám cấm. Cấm Em lấy vợ là vi phạm nhân quyền. Nhưng Em vẫn có quyền tự nguyện chối bỏ cái nhân quyền ấy, vì ý thức trách nhiệm trước xã hội loài người. Ý thức trách nhiệm ấy thật lớn lao và đáng tôn quý. Đó là một người tự nguyện hy sinh để cứu nhiều người. Tuyệt vời!
2. Cha Em là người đồng loã thứ nhất của Em. Được “ông thầy” khen là có số đào hoa, thế là hứng lên cưới tới ba vợ. Gia đình vô tổ chức lây lan tới chuyện sanh con và nuôi con. Cha Em lại nghe lời “ông thầy” phán quyết Em là người vô hậu, đi cưới vợ cho con gọi là để chơi cho vui. “Ông thầy” là ai mà người ta dám gửi gắm hết tất cả cuộc đời của mình như thế nhỉ?
3. Con người có số. Ai mang số khổ, thì phải chịu khổ, chẳng ai cứu được. Thế rồi vô tư nhìn xem hai thằng đàn ông khốn khổ đi lang thang, ăn ngủ như con thú. Vô trách nhiệm và vô nhân đạo đến thế là cùng! Tin vào số kiếp để không cứu người, ấy là giết người.