Số Phận Nghiệt Ngã

EM.

Em là một  học sinh ưu tú của tôi. Môn văn, toán và sinh ngữ trên học bạ của Em tôi luôn phê: giỏi. Về tư cách thì Em nết na kiểu đàn chị. Cha mẹ Em có địa vị trong xã hội và có uy tín lớn trong họ đạo. Tương lai của Em sẽ rực rỡ, tôi vẫn thầm nghĩ như thế.

Sau hơn mười năm xa cách, tôi gặp lại Em ở Sài Gòn. Em kể chuyện về đời mình. Sau khi thi đậu Tú Tài Hai, Em lấy chồng. Chồng Em là một anh Trung Úy Hải Quân. Thật xứng đôi vừa lứa. Em hãnh diện với bạn bè. Tụi nó từ Cần Thơ lên chia vui với Em. Đầy một xe. Em đang tíu tít với bạn bè cũ, thì chồng Em gọi giật giọng:

– Em!

– ?

– Làm cái gì mà cứ đứng hoài ở đó? Bà con hai họ đang chờ muốn dài cổ ra kìa!

Em mất mặt với bạn bè. Chúng nó lên xe không một nụ cười từ giã. Còn Em thì lủi thủi đi vào, đứng bên cạnh người chồng vô tâm vô tình. Cúi đầu xá trước bàn thờ tổ tiên, mà cứ ngỡ đó là bàn thờ của người dựng nước lã. Tiệc tùng linh đình. Qùa tặng chồng chất. Chụp hình chung. Chụp hình riêng…Em vô cảm.

Khi màn đêm buông xuống, kẻ thân người thích đều ra sân chén thù chén bạc, để nhường cho tôi đôi tân hôn một không gian yên tĩnh và thân thương. Em không thèm thân, cũng chẳng cần thương. Em nhìn vào bức tường và trút cơn thịnh nộ lên nó.

– Mới ngày đầu mà anh đã làm nhục tôi rồi, thì làm sao tôi có thể ăn đời ở kiếp với anh!

– Anh xin lỗi được không?

– Hậu xét, bây giờ tôi cần ở một mình.

Em ở một mình trong một tháng trọn. Không động phòng. Phòng không động.

Em được một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế khuyên: nên hợp hôn, nên hoà hợp, vì đó là con đường tốt nhất, hoặc kém xấu nhất. Em miễn cưỡng vâng lời. Hy vọng đó là con đường tốt nhất. Nhưng hy vọng mỏng manh. Em cố gắng chiều chồng. Chồng Em cố gắng làm vui lòng vợ. Nhưng chỉ là “vui gượng kẻo mà…”

Một ngày Chủ Nhật, chồng Em mời Em đi dạo phố.

– Trang điểm lạ nghen!

– Cũng phải chu đoá một chút chứ.

Càng thắng bộ comlê trắng, cỏ đôi giày tây láng coóng, đi cồm cộp từ tầng trên xuống tầng dưới, nhỏng mỏ lên.

– Làm cái gì mà lâu dữ vậy?

Em cứ tưởng chàng sẽ đứng đợi nàng ở cửa, rồi đỡ tay nàng, cùng nàng nhẩn nha đếm bậc thang. Ai ngờ! “Làm cái mà lâu dữ vậy?” Không ga-lăng, thiếu tế nhị…Em thất vọng.

Em ly thân và chấp nhận sống cô đơn. EM tự thú: “Nếu lúc ấy con già dặn như bây giờ, thì con đã vượt qua. Nhưng tuổi học trò còn mơ mộng quá, không đủ sức chịu đựng. Bây giờ con mới hiểu rằng hôn nhân không phải là mộng mơ, nhưng là một bổn phận, một trách nhiệm nặng nề.

Tuổi trẻ phải đựoc chuẩn bị kỹ, trước khi bước vào đời sống hôn nhân”.

Để quên đi những kỷ niệm buồn, để làm lại cuộc đời ở một phương trời xa, Em quyết định vượt biên. Tôi mong Em tới bờ tới bến.

Hai năm sau tôi gặp cha Em ở một cổng nhà thờ.

– Con Thủy bây giờ ở nước nào?

– Chắc là nó bị đắm tàu. Con theo dõi tin tức từ hai năm nay mà không thấy tăm hơi. Số phận của nó nghiệt ngã quá!…

EM.

Em đã chìm xuống đáy biển Đông, mang theo tất cả hoài vọng của tôi về Em. Em không còn nữa, tôi bắt đầu suy nghĩ về Em.

1.  Học giỏi, con nhà giàu. Nết na và hơi nghiêm khắc. Em hơi khó tánh và đòi hỏi người khác phải hoàn hảo. Sống trong một thế giới tương đối, thì không nên đòi hỏi quá nhiều. Nghiêm khắc với bản thân và bao dung với mọi người, Em sẽ dễ hoà mình và dễ được chấp nhận. Hạnh phúc thích cư ngụ trong những tâm hồn bao dung, chứ không ưa ở trong những con người hoàn hảo.

2.  Cha Em là người đạo hạnh. Đúng, và Em có quyền hãnh diện về cha Em. Nhưng rồi Em sẽ không sống mãi với cha. Em phải sống với người đàn ông không được như cha Em. Em có nhiệm vụ xây dựng cuộc đời cho người ấy, giúp người ấy vươn lên.

3.  Tôi hoài vọng quá nhiều về Em. Tôi quên rằng Em là con gái. Người con gái lệ thuộc vào môi trường quá nhiều. Em là cành mai, nhưng chẳng ai có quyền cấm con cú vọ đến đó để đậu. Cũng chẳng ai dẫn được con phượng đến để đậu lên đấy.

“ Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ trước gió, biết vào tay ai?”

Tôi muốn rằng người con gái phải lật ngược thế cờ, chủ động việc quyết định cuộc đời của mình. Cứ làm tấm lụa đào nhưng đừng phất phơ trước gió. Nhưng…đến bao giờ?

4.  Dường như người ta học tập rất nhiều để trở thành cô thơ ký, cô thợ may, anh thợ máy, anh cầu thủ, nhưng cũng dường như chẳng có ai học tập để làm chồng và làm vợ. Để làm vợ không phải chỉ có: công, ngôn, dung, hạnh, mà còn phải hiểu biết thật sâu sắc về tâm lý đàn ông. Chính bản thân mình, người con gái phải tập chịu đựng nghịch cảnh, phải quen cho hơn là nhận, để rồi chính lúc cho là khi nhận lãnh.

5.  Cha Em bảo: số phận của Em nghiệt ngã quá! Mỗi người có một số phận. Nhưng số phận chính là nhân cách của Em. Nếu Em biết học tập để bớt nghiêm khắc, bớt đòi sự toàn hảo; nếu Em biết sống bao dung hơn và sẵn sàng chấp nhận lặng lẽ tương đối, thì cuộc đời của em đã không như thế: Nghiệt ngã quá!

Xin gởi đến linh hồn Em một kinh nguyện. Xin phó thác hồn Em cho vòng tay yêu thương của Chúa.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment