Thầy Quỳnh

Em.

Em đến gãi tai với tôi.

– Cha giúp con một việc.

– Việc gì nào?

– Vợ con ôm đồ về bên ngoại rồi.

– Cho hắn đi luôn?

– Không!

– Thì qua bên đó mời hắn về.

– Như vậy thì mình thua sao?

– Hai đứa là một, tại sao lại có chuyện thua và thắng, tại sao lại có chuyện bên mình và bên địch?

-?…

Nghe tâm sự rồi, tôi vội qua bên nhà vợ Em. Chừng đó vỡ lẽ.

1. Em là người đàn ông không tế nhị. Nhiều lắm, nhiều lắm…và lần ấy là giọt nước cuối cùng nhểu vào cái ly đã đầy nước.

Vợ Em xuất viện, nhưng vẫn còn xanh xao và tiều tuỵ. Hai vợ chồng đứng đón xe ở vỉa hè. Em ngoắt một chiếc xích lô rồi dìu vợ lên. Vợ Em ngồi nẹp một bên, để nhường nửa kia cho Em. Em ra lệnh cho xe lăn bánh, rồi ngoắt một chiếc xích lô nữa. Thế là mỗi đứa một cái, như hai người xa lạ. Về tới nhà vợ Em thắc mắc.

– Tại sao hai đứa không đi chung một xe cho đỡ tốn tiền?

– Ngồi với cô, tôi mắc cỡ với bạn bè: vừa xanh xao, vừa bèo nhèo như đụn giẻ rách. (Cười hóm hỉnh)

– Thì ra thế…

2. Vợ Em đùng đùng dọn đồ.

– Em dọn đồ đi đâu vậy?

– Tôi về với mẹ tôi.

– Tại sao vậy?

– Anh khỏi phải hỏi câu ấy.

Em thầm nghĩ trong bụng: Giận lẫy thì đi, hết giận thì về. Nhưng Em chờ một tháng rồi mà chưa thấy về. Nhớ quá, Em muốn qua bên ấy để rước vợ, thì cô Em chen vào: “Đàn bà biết đi thì phải biết về. Anh đi rước người ta là anh dưới cơ, là anh thua người ta, là hèn ơi là hèn…”. Cô Em đốc ra, Em chẳng dám đi đón. Ở bên kia giới tuyến, vợ Em cũng muốn vượt biên về bên đây. Nhưng hội đồng cố vấn bên ấy bàn ra tán vào, cứ nhao nhao như cãi lộn.

– Mày về là mày thua. Được đàng chân, nó sẽ lên hàng đầu.

– Chừng nào nó qua xin lỗi cha mẹ, thì mày mới về.

– Thà ở giá còn hơn làm vợ khúc gỗ.

– …

Toàn là người ngoài cuộc. Toàn là người vô trách nhiệm.

Em.

Tôi chẳng biết làm gì để giúp Em, vì tự ái của dòng tộc quá lớn. Nhưng có một người có thể giúp Em được. Người ấy là thầy Quỳnh. Chờ đấy!…

3. Thầy Quỳnh là thầy giáo lớp năm của Em ngày xưa. Tóc thầy đã hoa râm. Thầy xách xe qua nhà Em.

– Chào Thầy. Thầy có chuyện gì mà ghé em sớm thế?

– Hôm nay Chúa nhật, thấy em buồn chuyện gia đình, thầy muốn Em trưa nay qua bên thầy chơi. Thầy trò mình lai rai với nhau. Một két bia là hết sầu liền. Nhớ qua đúng 11 giờ nghen. Đúng 11 giờ. Không được sớm hơn. Em chưa kịp trả lời, thì thầy đã sang số, rồ ga, vọt đi.

4. Đúng 11 giờ, Em đẩy cửa phòng khách mà thầy Quỳnh. Vợ Em đang ngồi lù lù ở đó. Hai đứa nhìn nhau sượng sùng. Tẽn tò. Thầy Quỳnh vội đứng lên xô Em ngồi xuống bên cạnh vợ. Thầy gí hai đầu cụng vào nhau, rồi cười xuề xoà.

– Yến xuống bếp, tiếp cô chiên bánh xèo.

– Thầy cho Em về. Em gãi đầu gãi tai.

– Không! Ngồi xuống!

Thầy Quỳnh dạy Em như học trò bé nhỏ ngày xưa. Em lắng nghe. Em nuốt từng lời của thầy.

Bữa trưa hôm ấy, Em ngồi kế bên vợ. Vợ gắp đồ ăn cho Em. Hai đứa nhìn nhau, cười e thẹn. Ăn xong thầy Quỳnh gọi một chiếc Taxi. Hai đứa ngồi chung xe, cùng về nhà Em, nhà chung của hai đứa. Thế là êm

Em.

Vừa đúng hai mươi tuổi. Em đòi lấy vợ. Tuổi hai mươi là tuổi luật pháp cho phép lập gia đình, nhưng chỉ là tuổi tối thiểu. Hành trang vào đời của Em lép kẹp. Em mới chỉ thấy yêu, chứ chưa biết yêu. Em mới chỉ biết xoắn lấy người yêu; chứ chưa biết kính trọng người yêu. Em  mới chỉ biết hưởng thụ tình yêu, chứ chưa biết nuôi dưỡng tình yêu. Cũng như ngày xưa Chúa sáng tạo ra Eva để ban cho Ađam sửng sốt đón nhận món quà này. Ông nhận ra ngay ý nghĩa và giá trị của nó, bèn tuyên bố một lời bất hủ: “Đây là xương của tôi. Đây là thịt của tôi.”. Sau đó; ông soạn lời tuyên ngôn cho muôn thế hệ: “từ nay người nam sẽ từ biệt cha mẹ, để gắn bó với vợ. Cả hai chỉ còn là một thân thể”.

Ngày nay Chúa lại sáng tạo ra Yến để ban cho Em. Đó là một gói quà quý giá vô cùng. Em hãy cẩn trọng mở gói. Yến là của Em. Yến là Em. Nhưng Yến vẫn khác Em: Khác về thân, khác về tâm và khác về trí. Khác không phải là chống đối và tiêu diệt; nhưng khác để bổ túc và để xây dựng cho nhau. Khác về thân thì Em thấy rồi đấy. Dễ thấy vô cùng! Em đang hưởng lạc thú của cái khác ấy. Em mãn nguyện về sự khác biệt giữa hai thân của Em và của Yến. Em hãy cảm tạ Chúa về sự  khác biệt này.

Còn hai cái khác về tâm trí thì không dễ thấy. Em phải khám phá, Em phải tìm tòi. Cái khác về thân giống như cái vỏ đồng hồ: Thấy ngay, thích liền. Cái khác về tâm và trí giống như những bánh xe và những răng cưa nhỏ li ti ở bên trong. Tinh tế vô cùng, khéo léo vô cùng, nhịp nhàng đến tuyệt vời. Người thợ đồng hồ không thể dùng dao búa để ráp và điều chỉnh bánh xe đồng hồ được. Cũng không thể dùng dao búa để sửa đồng hồ được. Phải tinh tế, phải nhẹ nhàng, phải khéo léo, phải nhẫn nại lắm.

Em hãy đối xử với Yến của Em y như thế.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment