Tiệc Sinh Nhật

EM.

Tôi đến thăm Em chẳng thấy Em đâu. Mẹ Em ngồi khóc hức hức. Cha Em ngồi hút thuốc, mặt lầm lì, nhả khói bâng quơ. Thấy tôi tới, cha Em vứt mẫu thuốc xuống mương; mẹ Em hỉ mũi, lấy tay vắt, bôi vào chân cột, rồi ào tới đón.

– Có chuyện gì mà vợ chồng buồn hiu vậy?

– Con Thuý nó trốn đi hồi hôm.

– Nó đi đâu?

– Con không biết. Hu…Hu…

– Con biết. Lát nữa con sẽ đi kiếm. Ba Em trả lời bình tĩnh như thế.

Tôi ngồi tâm sự với cha mẹ Em. Uống hết một bình trà. Đốt hết nửa gói thuốc. Hiểu hết ngọn nguồn.

1. Đã lâu rồi Em cứ than thở là cha mẹ không thương. Tiếng than thở bắt đầu thống thiết từ một câu chuyện nhỏ mọn. Bạn Em mừng sinh nhật. Em nhận được thiệp mời. Bạn Em là con nhà giàu tổ chức sinh nhật mà mướn ban nhạc xịn đến giúp vui. Trong thiệp có thông báo chương trình “Chúng mình hát với nhau”. Em nghèo, nhưng được mời tha thiết, vì có giọng ca top-ten của trường.

Em đến ngồi bên mẹ. Ôm vai mẹ. Vuốt tóc mẹ. Xun xoe với mẹ.

– Mẹ cho con xin một trăm ngàn.

– Chi mà dữ vậy?

– Con mua quà sinh nhật tặng bạn.

– Sinh nhật tụi bây là con nít thì hai chục ngàn là được rồi.

– Quà hai chục ngàn thì con mất mặt với tụi nó sao?

– Cha mày chạy xe ôm, dầm mưa dãi nắng, mỗi ngày chỉ kiếm được có năm chục ngàn. Muốn đẹp mặt với bạn, mà không thương xót mồ hôi nước mắt của cha mẹ.

– Mẹ…

– Không mẹ…gì hết. Chỉ có hai chục ngàn. Không lấy thì thôi.

– Sao mẹ khó quá vậy…Giống như Taliban ấy.

– Không khó với bay, thì bay hư!

Em cầm tờ giấy 20.000 vứt vào lòng mẹ. Rồi chui vào buồng ôm gối đầu mà khóc. Bỏ ăn. Bỏ học…

2. Từ hôm ấy mặt Em lúc nào cũng giống như mặt đưa đám. Bầu khí gia đình căn thẳng. Cha Em thì nghiêm nghị. Mẹ Em thì chì chiết. Còn Em thì cúp cua liên miên. Không đi lễ. Không tập hát. Cứ thậm thọt, thù thì với cô Hà, chủ quán Cà phê Tình Yêu ở ngoại ô thị trấn.

– Ngoại hình của em ăn khách đấy. Chị tô điểm thêm cho em một tí nữa thôi là “năm bờ oăn” liền.

– Quần áo của em toàn là đồ cũ không à.

– Chuyện nhỏ. Khỏi lo.

– Mỗi tháng chị cho em bao nhiêu?

– Ăn ở: miễn phí. Lương căn bản: năm trăm ngàn đồng. Tiền thưởng của chị và tiền boa của khách thì tùy sự ứng xử khéo léo của em. Có đứa kiếm một đêm được cả trăm ngàn.

Em ngước mắt nhìn trời. Đầy tự tin. Em giũ bỏ quá khứ, nhìn về phía trước, quyết tâm làm nên sự nghiệp. Không thèm lệ thuộc. Không thèm năn nỉ. Không thèm ỉ ôi. Năn nỉ là hèn. Ỉ ôi là con nít. Em vỗ ngực bụp một cái, cuốn gói ra đi quyết tâm không bao giờ trở lại.

3. Cha Em chạy xe ôm, nên thuộc lòng mọi ngõ ngách của thị trấn. Cô Hà là ai, quán cà phê Tình Yêu sinh hoạt ra sao, khách quen của quán gồm những khuôn mặt nào, thì cha Em biết rành rẽ còn hơn là Em biết các mốt thời trang.

Cha Em đến đó để đón Em về. Em sẽ cự nự. Em sẽ gào lên để chống đối. Nhưng…về đi Em. Về đi, vì cha mẹ Em vẫn thương Em vô vàn.  Về đi, vì tôi có rất nhiều điều phải nói với Em.

3.1 Em hãy nhìn lại chân dung của cha Em. Đen đúa quá chừng! Chỉ vì thương vợ thương con mà suốt ngày phơi nắng ngoài đường. Em còn nhớ đêm hôm ấy không? Cha Em đưa khách đường xa, mười giờ khuya mới về tới nhà. Mẹ Em sợ hết hồn.

– Anh đi đâu mà về trễ dữ vậy?

– Hồi sáu giờ, tính về rồi. Về sớm cho nó khoẻ cái thân. Ai dè lại có khách đi Cái Đôi Vàm. Cái Đôi Vàm vừa xa, vừa vắng, ớn thấy mẹ. Tính từ chối, thì sực nhớ con Thuý chưa có áo dài mặc lễ Giáng Sinh. Thế là ôkê liền. Cực một tí cho con nó mừng.

– Em sợ quá à! Từ nay anh đừng đưa khách đường trường như vậy nữa. Lỡ…cái thì sao.

– Kể ra thì cũng có liều thật. Nhưng thương con thì hết biết sợ.

Cha Em như vậy đó. Lầm lầm lì lì. Không biết nịnh vợ chẳng biết nịnh vợ. Nhưng thương vợ thương con thì dám liều như thế đó.

3.2 – Bây giờ Em hãy nhìn ngắm mẹ. Mẹ Em xuýt xoát bốn mươi. Tuổi hơn lớn. Tuổi hồi xuân. Ở tuổi mẹ Em, người ta đua nhau chưng diện để níu kéo nhan sắc đang hối hả tàn phai. Mẹ Em thì chỉ biết trau dồi cho con, quên bẵng bản thân.

Mẹ Em lại còn rất vụng về trong phương pháp giáo dục. Trình độ văn hoá của mẹ Em chỉ là 5/12. Suốt đời chỉ lẩn quẩn bên vườn dừa. Cứ nhìn mẹ Em vắt mũi chùi tay vào chân cột thì đủ biết. Nhưng lòng mẹ thì bao la như biển Thái Bình dạt dào. Không biết dạy con, nhưng thương con thì chẳng thua ai.

3.3 – Còn Em thì đang ở tuổi ô mai. Thôi làm con nít, nhưng chưa thành người lớn. Không còn ngu, nhưng chưa hết dại. Thích làm chủ đời sống của mình, nhưng thường bị người ta lợi dụng.

Em rất khổ tâm khi phải chìa tay xin tiền. Em rất bực bội, vì mỗi lần cho tiền, thì mẹ Em lại cằn nhằn, nhăn nhó.

Vì thế Em quyết định ra đi, để thấy mình được tự do, không lệ thuộc. Nhưng Em lại đang lệ thuộc vào đồng tiền đến độ sắp phải trả giá bằng chính cuộc đời của mình. Mỗi lần khác boa cho Em một cách hậu hĩnh, thì họ bắt đầu đòi Em phải trả giá. Gía gì? Cứ nhìn cặp mắt của họ. Cặp mắt của họ đang hau háu nhìn vào chỗ nào trên cơ thể Em, thì đó chính là cái giá mà Em sẽ phải trả.

Như vậy là hết ý rồi phải không Em?

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment