Bạn thân yêu, hai người yêu nhau tự nhiên muốn nên giống nhau, giống nhau từ lời ăn tiếng nói, đến cách cử chỉ ăn mặc.
Viết đến đây, tôi nhớ đến truyện mấy người học trò bắt chước thầy họ, trong hết mọi cái họ bắt chước được: lời ăn tiếng nói, cách viết văn, cho đến lối viết chữ. Hễ cái gì của thầy họ, là họ muốn biết và làm theo. Có những bức thư thật dài, họ cũng không ngại chép lại hết và học thuộc lòng.
Ấy là một tính cách của tình yêu.
Vậy nếu Bạn mến Chúa thật, thì thế nào Bạn cũng phải muốn nên giống Chúa. Không nên giống người yêu, không yêu cái người yêu yêu, thì tình yêu ấy không lấy gì làm vững chắc mặn mà.
Tôi chắc Bạn muốn nên giống Chúa, vì Bạn thực tình mến Chúa. Vậy Bạn có biết Chúa đã làm gì lúc còn sống không? Có phải Chúa đã sống một cuộc đời xa hoa lộng lẫy, một cuộc đời quý phái trưởng giả, có phải Chúa đã sống một cuộc đời lên xe xuống ngựa, nằm trên chăn bông, ngồi trên nệm gấm không? Có phải Chúa đã sống một cuộc đời yểu điệu kiều dưỡng hay ít ra cuộc đời tạm gọi là đầy đủ không? Không, sách Phúc âm đã nói trái lại, và chính Phúc âm cũng không tả hết cuộc đời đau khổ của Chúa. Sách phúc âm chỉ thuật lại một phần rất nhỏ như chính Thánh Gioan đã quả quyết [47]. Ấy thế mà khi đọc Phúc âm, ta thấy đời Chúa là một cuộc đời đau thương khổ não, một đời hàn vi thanh bạch, trăm đường phiền muộn. Từ khi giáng thai, trong lòng Đức Mẹ, cho đến khi chịu táng trong mồ, không giây phút nào là không đau khổ thiếu thốn: “Con cáo có hang, con chồn có tổ, Con Người không có nơi dựa đầu” [48]. Chính Chúa đã phán về mình như thế. Khổ hơn nữa, là vì Chúa có thể sống một cuộc đời lộng lẫy, Chúa có thể tránh được hết mọi sự đau khổ dù nhỏ đến đâu, nhưng vì không thèm những cái vui hèn, dù là những cái vui chính đáng, nên Chúa đã chọn lấy một cuộc đời tràn ngập đau đớn, đau đớn ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Chúa đã biến thành “Người đau khổ” [49]. Tôi không cần thuật lại sách Phúc âm, vì Bạn đã hoặc sẽ nghe đến nhiều lần. Tôi chỉ cần nhắc lại cho Bạn biết rằng: Chúa đã chịu đau khổ, và đau khổ không miệng nào, không bút nào tả được.
Không những thế, Chúa lại còn nhìn cuộc đời đau khổ với đôi mắt lạc quan.
Khi phán về sự thương khó, Chúa đã phán: “Ta phải chịu rửa bằng máu, và Ta khát mong chóng được rửa như thế chừng nào!” [50]. Và như tôi đã nói trong bài “tiếng lòng”, tuy Chúa tha phép cho phần cảm giác được rùng mình sợ hãi, nhưng lúc nào Chúa cũng tỏ ra Người yêu sự đau khổ. Trên Thánh giá, sau khi chịu hết các giống hình khổ, Chúa đã thốt ra lời: “Mọi sự đã hoàn tất [51]. Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” [52].
Khúc ca khải hoàn ấy, các bạn hữu Chúa cũng đã ca theo. Kìa, các Thánh Tông đồ khi bị tra tấn, sỉ nhục… ra khỏi tòa, các Đấng đã tỏ lòng vui mừng vì đã đáng chịu khó vì Chúa [53]. Kìa, các thánh Tử đạo, khi đến pháp trường thì vui mừng sung sướng như người khác đi ăn tiệc. Ấy là chưa nói đến các thánh Tu hành hãm mình trong rừng vắng, ấy là chưa kể đến các thánh Đồng trinh giam hãm mình trong bốn bức tường, hy sinh cho bạn chí thánh. Bà Bá tước thành A- lăng-xông (Alenson), thấy ngọn lửa tràn đến để thiêu Bà, Bà nói với vị nữ tu đứng bên cạnh: “Chị này, giờ tỏ lòng mến Chúa đã đến, ta hãy vui mừng”.
Thánh nữ Delphine (Đen-phin) một lần hỏi bạn người là Thánh Elzéar (En-dê-a) làm sao người có thể giữ mình bình tĩnh khi gặp sự sỉ nhục ghê gớm như thế, bạn Người thưa: “Khi người ta làm sỉ nhục tôi, tôi nghĩ đến Chúa Cứu Chuộc chịu nhục nhã trên Thánh giá, và tôi suy đi suy lại cho đến khi tôi thấy mình được bình tĩnh hẳn”.
Vậy tôi cũng xin nói với Bạn, nếu Bạn muốn nên giống Chúa, thì chỉ có một con đường phải theo là con đường đau khổ, con đường Thánh giá, con đường chông gai, con đường đi đến chỗ chết, chết dần chết mòn, chứ không phải chết dưới lưỡi gươm của đao phủ hoặc sau tiếng nổ của phát súng… đó là con đường ta phải đi theo. Nếu ta đi đường khác thì thế nào cũng lạc.
Nếu bạn thật lòng mến Chúa, thì Bạn hãy vui lòng can đảm bước lên chông gai; nếu cần, bạn hãy bước qua lửa, để đi đến cùng Chúa, Chúa đã đi trước, các môn đệ trung thành của Chúa cũng đã bước theo chân Chúa, và hết thảy chúng ta cũng phải đi theo, theo cho tới ngày gặp Chúa trên nơi hằng sống.
Hay ta muốn vừa mến Chúa, vừa không nên giống Chúa? Không, không được. Không nên giống Chúa, thì không thể nói là mình mến Chúa được. Cái ấy không cần phải minh chứng. Nếu ta không muốn nên giống Chúa, thì muốn nên giống ai? Nếu không muốn nên giống Chúa thì chỉ mến Chúa ngoài miệng, chứ không phải mến Chúa thật trong lòng. Mà những người chỉ mến Chúa ngoài miệng ấy, đáng nghe lời Chúa đã phán với dân Do Thái xưa: “Dân này kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng nó ở xa Ta” [54], và lời này: “Bay hãy xéo đi, Ta không biết chúng bay là ai” [55]
Bạn thân mến, tôi muốn thành thật và sung sướng nói về Bạn rằng: “Người này mến Chúa thật lòng, chứ không phải mến Chúa ngoài miệng, vì suốt đời đã nhẫn nại chịu đau khổ, đã hy sinh để đẹp lòng Chúa, và nên giống Chúa”. Tôi cầu chúc cho Bạn được ơn ấy, để ngày phán xét, Chúa phán cùng Bạn. “Hỡi con yêu quý, vì con đã giống Cha hoàn toàn, nhất là đã nhẫn nại chịu đau khổ khi còn ở thế gian, thì con hãy lại gần đây, để Cha hôn con lần đầu hết, và đem con vào chốn cả sáng đời đời, đã dọn cho những kẻ suốt đời ra sức nên giống Cha”.
Ôi, còn hạnh phúc nào cao quý và đáng ước ao bằng hạnh phúc ấy!
Bạn nghĩ sao?
Vậy ta hãy can đảm mà chịu khó đi, ta đừng phàn nàn năn nỉ nữa, ta hãy để Chúa trước mắt mà suy ngắm và hãy cố gắng nên giống Chúa: Yêu đau khổ, nhẫn nại chịu đau khổ và vui mừng chịu đau khổ. Ta hãy cầu nguyện cho nhau được vui lòng hy sinh chịu khó để nên giống Chúa ở đời này, đời sau ta sẽ cùng nhau nghe tiếng êm ái Chúa mời gọi vào chốn cực lạc.
[47] Gioan 21,25
[48] Matt. 8, 20
[49] Tv. 21,7
[50] Luca 12,50
[51] Gioan 19,30
[52] Luca 23,46
[53] CVTĐ 5,41
[54] Matt. 15,8
[55] Matt. 25,12
Lm. Nguyễn Văn Tuyên, DCCT