Chúa tạo thành chúng ta đã thương cho một ơn đặc biệt, là cho chúng ta có hai đời. Một đời mau qua, và một đời bất diệt. Mỗi đời Chúa muốn chúng ta dùng một cách. Hai đời ấy, là đời này và đời sau. Đời này Chúa muốn chúng ta dùng để chịu khó, chịu khó cho nên, cho nhẫn nại, đời sau Chúa muốn chúng ta dùng để hưởng mặt Chúa, để sống một đời hạnh phúc hoàn toàn.
Nhưng, Bạn đừng quên: hai đời ấy liên lạc với nhau rất chặt chẽ, rất mật thiết. Đời này là bước đầu để chúng ta tiến đến đời sau, ta có đến được đời sau hay không, là tùy ta có biết đi, có biết dùng đời này hay không. Vậy đời này Chúa đã chỉ cho chúng ta làm những gì? Đời này Chúa chỉ cho chúng ta chịu khó, nhất là chịu khó. Đời này không phải để hưởng khoái lạc, khoái lạc chính đáng và vô tận là phần của đời sau.
Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu nói: “Đời này quả thật đầy đau khổ, nhưng tại sao ta lại tìm hạnh phúc ở đời này? Vì đời này chẳng qua chỉ là như “một đêm trọ trong một cái quán hôi hám chật hẹp” như lời Thánh Têrêsa Cả nói”.
Đã đành, đời này chúng ta có thể gặp ít nhiều vui thú, Chúa muốn vậy, vì thương ta, để ta khỏi chán nản, nhưng nó chỉ là những quà nhỏ mọn cha mẹ thường cho con cái, nhất là những đứa nhỏ, để chúng nó làm việc, hoặc chịu khó. Những thú vui ấy cũng ví như những viên đường, người ta dùng để uống thuốc. Mục đích không phải để hưởng những chất ngọt của đường, nhưng là để uống thuốc cho dễ. Những vui thú Chúa cho ta gặp trên đời cũng vậy, không phải để ta dính bén vào nó, Chúa dùng nó để giúp ta chịu khó dễ hơn.
Bạn thân mến, chúng ta chỉ là khách bộ hành. Khách bộ hành thì lúc nào cũng nhìn đến chỗ quê hương, chỗ mà họ mong chóng tới. Bởi thế trên đường, họ có thể gặp những cảnh tươi đẹp, những bóng mát, nhưng có đâu họ đứng lại cả đêm cả ngày để hưởng những thú vui ấy. Không, họ không đứng lại lâu, họ chỉ nhìn qua và hưởng mấy phút, rồi họ đi, mặc dù đàng trước họ, còn bao nhiêu cái khó chịu, bao quãng đường nguy hiểm, bao vũng bùn lầy, bao khúc nóng như thiêu. Họ cam lòng đón lấy hết cả những đau khổ ấy, con mắt họ chỉ đăm đăm nhìn vào cõi xa xăm, cõi mà lòng họ lúc nào cũng nghĩ đến và mong cho chóng đến. Chính sự mong ước ấy giúp họ đủ can đảm chịu đựng hết những nỗi khổ cực họ còn gặp trên quãng đường họ đi.
Vậy còn gì vô lý bằng người bộ hành chỉ chăm tìm những thú vui vô ích, họ có thể gặp trên đường, nhất lại là những thú vui tục tằn khả ố, và vì thế làm họ chậm hoặc hỏng ngày về quê.
Chúng ta cũng vậy, không gì vô lý bằng sống đời này, để về quê thật đời sau mà chúng ta lại mải mê tìm những thú vui vô ích, những thú vui làm ngăn trở ta trên đường tiến đến quê thật là nước Thiên đàng. Làm như thế, chúng ta còn dại dột hơn người bộ hành nữa, vì người bộ hành đi tìm những thú vui ấy, thường chỉ làm chậm ngày đến quê, còn chúng ta, nếu đi tìm những thú vui hư hèn ấy, thì chúng ta còn liều hỏng mất cuộc đời bất diệt, cuộc đời hoàn toàn hạnh phúc của ta nữa.
Cũng vì biết tính nết hư hèn của ta, hay tìm những thú vui nguy hiểm cho cuộc đời sau, nên Chúa thường gieo rắc trên đường đời chúng ta những chông gai, những đau khổ, để chúng ta luôn luôn chú ý, để chúng ta nhắc nhủ mình: đời này, ta chỉ là khách bộ hành, ta phải mau mau đi tới quê thật, không được đứng lại, để hưởng những thú vui, đôi khi Chúa cho gặp trên đời.
Bạn có thấy không, tiền tài đã làm bao người đau khổ, thế mà người ta vẫn ham mê tiền tài, có người đã đành bán linh hồn, đã đành chối Chúa để kiếm mấy đồng bạc.
Tình yêu đã làm bao người đau khổ đến quyên sinh, thế mà người ta vẫn đi tìm tình yêu và vẫn bám lấy tình yêu, có người hai chân đã kề miệng lỗ, cũng không chịu bỏ cái tình chỉ một chốc nữa sẽ đẩy họ xuống hỏa ngục.
Tôi chỉ nói về tiền tài, với tình yêu, chứ bất cứ cái gì có thể làm thỏa mãn dục vọng người đời, đều có thể làm họ say mê đến quên cả linh hồn, dù những cái thỏa mãn ấy, biết mấy phen đã đem lại cho họ bao cay đắng, bao hận lòng.
Vậy nếu Chúa không pha giấm chua mật đắng vào các sự vui thú ở đời, thì còn ai nghĩ đến linh hồn? Còn ai nghĩ đến Chúa??? Cho nên những thú vui Chúa dành để cho ta ở trên đời, không phải là những cái chúng ta được dính bén vào nó, vì nếu dính vào nó, nó sẽ ghì ta lại, không cho ta tới cõi hằng sống nữa.
Một lần Chúa phán với thánh Têrêsa Cả lời này: “Hỡi con, con hãy tin nhận rằng: ai được Cha Ta yêu hơn cả, thì người ấy sẽ gặp nhiều Thánh giá nặng nề hơn cả”. Để minh chứng lời ấy, Thánh Têrêsa Cả, trên đường sửa Dòng Kín, thường phải nay đây mai đó; một hôm vào buổi chiều mùa đông, Bà lạc vào một khu rừng. Sau nhiều giờ phiêu lưu, Bà đã tìm ra được tu viện Bà có ý đi thăm. Bà giật chuông nhưng không ai ra mở cửa. Bà giật, giật mạnh, không may trượt ngã làm gẫy chân. Lúc ấy một nữ tu mới ra mở cửa. Bà than thở cùng Chúa: “Lạy Chúa, Chúa làm gì vậy? Con sẽ bị giam ở đây, không có y sĩ chăm nom, mọi công việc của con sẽ bị chậm trễ”. Chúa đáp: “Đó là cách Cha xử với những linh hồn Cha yêu”. Bà liền đáp: “Chính vì vậy, mà Chúa ít bạn hữu trên mặt đất”.
Nhất là Bạn hãy nghe lời sau đây đã được ghi chép trong sách Chân phúc Henricô Sudô: “Con hãy nghe lý do tại sao Cha thử thách những đầy tớ của Cha và con hãy ghi sâu vào tận đáy lòng con những lời con sắp nghe sau đây. Cha ngự trong linh hồn như ngự trong thiên đàng đầy vui thú và Cha không chịu được cho nó tìm vui thú ở ngoài Cha, Cha không chịu được cho nó bám lấy các loài thụ sinh. Cha muốn chiếm lấy nó và muốn nó trong sạch thanh tịnh, nên Cha vây quanh nó bằng một hàng rào đau khổ, để nó không thoát khỏi được tay Cha. Cha gieo rắc trên đường đời nó đầy chông gai, để nó khỏi nằm yên trên những cái hèn hạ thụ sinh và để nó chỉ tìm hạnh phúc nơi các sự toàn thiện của Cha. Chính con cũng đã có kinh nghiệm là tất cả các thánh giá Cha gửi đến cho con, bất cứ là thứ gì, thì nâng lòng con lên, và giúp con kết hợp với Cha mật thiết hơn, sâu xa hơn, mạnh mẽ hơn tất cả những thánh giá con tự chọn lấy. Nếu con được tắm gội đắm chìm trong nguồn yên ủi êm ái thiêng liêng, nếu những ơn trên trời đốt cháy lòng mến của con, thì con phải biết, những lúc ấy con không được công nghiệp bằng khi con chịu thử thách, bị lạt lẽo thiêng liêng. Nhờ những sự phiền muộn quấy nhiễu, con trở thành con yêu của Cha và con chiếm được quyền lợi ăn phần gia tài trọng hậu thiên đàng: Cha ban phát ơn lành cho kẻ lành, cả kẻ dữ, nhưng Cha dành thánh giá cho kẻ Cha đã chọn riêng. Con hãy suy xét, hãy so sánh đời tạm với đời đời; con sẽ hiểu thà chịu thiêu đốt trăm năm trong lò lửa cháy, còn hơn bị mất một thánh giá bé nhỏ nhất Cha có thể và muốn ban cho. Nào không phải rằng: vui vẻ nhận lấy những sự cực phiền, tức là dành để cho mình một phần thưởng bất diệt ? Thánh giá là một món quà quý giá đến nỗi con nên biết rằng: dù cả một trăm năm con sấp mặt xuống đất xin Cha ban cho ơn ấy, con cũng không đáng được”.
Cho nên Bạn đừng ngạc nhiên khi nghe các Thánh ca tụng Thánh giá, ca tụng sự đau khổ.
Bạn hãy nghe một lời sau đây, có thể thu tóm hết mọi lời khác.
Sách Gương phúc nói: “Không gì đẹp lòng Chúa, không gì ích lợi cho chúng ta ở đời này bằng vui lòng chịu đau khổ vì Chúa Giêsu Kitô”.
Vậy Bạn ơi, đứng trước trăm nghìn sự đau đớn Bạn sẽ gặp trên đời, Bạn hãy nhìn qua những quãng đời đau đớn ấy, để nhận cho ra, đâu là quê nhà, rồi hăng hái bước mạnh đi. Khách bộ hành đứng trước quãng đường lầy lội, họ có đứng yên mà nhìn đâu, họ nhìn qua những quãng đường ấy, rồi họ nhìn quãng đường xa tắp trước mặt họ, họ bước liều để qua quãng đường khó đi.
Chúng ta cũng phải làm như vậy. Là vì ở đầu đường bên kia, chúng ta sẽ có cả một cuộc sống đời đời, để hưởng hết những cái thú vui thanh cao và sẽ hưởng đời đời.
Ta có phúc hơn người bộ hành, vì dù sao, người bộ hành cũng có thể lỡ đường, không về đến quê, do những tai nạn bất ngờ có thể xảy đến. Nhưng, chúng ta thì khác, chúng ta chắc sẽ về tới quê, tuy không biết ngày nào, và cũng không cần biết, chỉ biết chắc là nếu ta cố đi, thì thế nào cũng tới.
Tôi xin chúc Bạn lúc nào cũng nhớ đến quê thật đời sau, luôn luôn nhắc cho mình rằng: “Tôi có một quê, và rồi đây không sớm thì muộn, thế nào tôi cũng phải đến nơi”. Cùng với ý tưởng ấy, Bạn hãy bảo mình: “Nhưng tôi lại phải vui lòng lĩnh nhận hết các sự gian nan đau khổ sẽ đến, vì đó là điều kiện tối cần để đến quê nhà. Không qua đường khốn khó, không về được quê. Không qua núi Sọ không thể tới núi cây Dầu là chỗ Chúa đã lên trời… ”.
Can đảm đi, Bạn, hăng hái đi, Bạn !
Tôi thành thực cầu chúc Bạn lòng hăng hái ấy, lòng can đảm ấy!
Lm. Nguyễn Văn Tuyên DCCT