Từ ngày ông bà nguyên tổ chúng ta phạm tội, sự đau khổ đã thành điều kiện cần thiết để thành công, trên bất cứ phương diện nào.
Đây, một cậu học sinh, nếu muốn một ngày kia đỗ đạt hoặc có một học vấn kha khá, thì cậu không thể không phải hy sinh, không thể không phải chịu đau khổ: thức khuya dậy sớm, hy sinh bao nhiêu thú vui… có khi phải hy sinh cả bao nhiêu tình bạn bè… biết bao nhiêu lần, cậu đứng trước những thử thách đủ thứ, nhất là về nhục dục, nhưng, vì muốn đạt được lý tưởng, cậu phải gạt bỏ những quyến rũ, những đòi hỏi của thể xác, của tình bạn… cả những thú vui tự nó chính đáng…
Cách đây ba mươi năm, tôi có đi tìm thăm một người bạn. Anh ta ở một ngõ hẻm khuất khúc tại thành phố Hà Nội. Tìm mãi mới ra. Nhưng, khi đã lên được cái thang hẹp, thì tôi thấy cửa phòng đóng. Ở ngoài, có mảnh giấy dán: “Không tiếp khách”.
Mấy hôm sau, tình cờ gặp anh, tôi có nói lại truyện đến thăm anh và hỏi sao anh lại không tiếp khách. Anh xin lỗi tôi và tiếp: “Anh tính, ở cái thành phố này, mình muốn học thì phải tìm chỗ hẻo lánh nhất, và cũng phải thất lễ cả với bạn bè, không vậy, thì đừng mong học được anh ạ”.
Đây, một nhà nông, nếu muốn rồi đây ruộng của ông ta đầy những bông lúa chín vàng, nếu muốn rồi đây trong gia đình được ấm no… ông phải chịu khó, phải hy sinh nhiều, rất nhiều. Có khi bốn giờ sáng đã phải bỏ giấc ngủ, có những ngày mười giờ đêm chưa được đặt lưng xuống giường… rồi bao nhiêu nhọc nhằn do mưa nắng, bao nhiêu mồ hôi dưới ánh nắng mặt trời… Ông đâu còn tưởng đến truyện nay lên tỉnh xem xi-nê, mai lên tỉnh đi dự các cuộc dạ hội v.v…
Đây, một người thợ, một người lao động, họ đâu có ngồi yên một chỗ, rồi ngủ trưa, rồi say sưa, mà làm nên sự nghiệp, hoặc đủ mặc, đủ ăn. Bạn đã chẳng thấy họ đổ mồ hôi, tràn nước mắt mới hy vọng kiếm được của nuôi thân, nhiều người vẫn chỉ được bữa sớm lo bữa chiều. Đổ mồ hôi, có khi đổ cả nước mắt nữa, để đổi lấy manh áo bát cơm, cho mình, cho vợ con, cho gia đình: đó là đời sống hằng ngày của họ.
Vì không ai hiểu bằng ông bà ta xưa đã từng nói:
Giầu đâu đến kẻ ngủ trưa,
Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày.
Đây, một nhà buôn… thì Bạn đã chẳng thấy có những nhà buôn quanh năm phải bôn tẩu ngược xuôi, chẳng mấy lúc được ngồi yên để hưởng thú vui đầm ấm của gia đình; nào Bạn đã chẳng thấy có những người đã liều chết để cho cái quỹ gia đình khỏi càng ngày càng hao hụt… nào Bạn đã chẳng thấy có những người đã bị đưa vào nhà lao, chỉ vì quá lo cho cuộc sinh sống… Đói ăn vụng, túng làm càn…
Đây, một toán binh sĩ, ngày ngày phơi sương giãi nắng… nhiều khi cơm trộn lẫn với cát… tính mệnh của họ như treo lơ lửng bằng một sợi chỉ mỏng. Họ đau khổ, họ xa mọi thứ thú vui, cả đến những thú vui chính đáng trong gia đình. Họ lại còn liều chết nữa, để làm gì? Để giữ vững bờ cõi giang sơn… và có lẽ đối với một số người, đó là con đường tiến thân của họ.
Nhưng, thôi, Bạn hãy kể cho tôi nghe có một hạng người nào trên đời, muốn thành công mà không phải hy sinh, không phải chịu khó, không phải đau khổ? Nếu có, thì cái muốn ấy, chỉ là cái muốn vờ, cái muốn giả hiệu thôi.
Còn Bạn, còn tôi, chúng ta đều muốn thành công tất cả… nhưng đây là nói đến cái thành công trên đường siêu nhiên, thành công trên đường thánh thiện, thành công trên con đường về Thiên quốc… thành công trên con người cứu các linh hồn. Không lẽ chỉ có đường thiêng liêng, muốn thành công lại không cần chịu khó, không cần hy sinh, không cần chịu đau khổ?
Những kết quả trên đường thiêng liêng này, do những đau khổ chúng ta chịu, tôi đã và sẽ còn lần lượt trình bày với Bạn trong quyển sách nhỏ mọn này.
Ở đây, tôi chỉ cần xin Bạn in sâu vào tâm khảm chân lý này: Muốn thành công bất cứ phương diện nào, chúng ta phải hy sinh, phải chịu khó, phải chịu đau khổ, phải đổ mồ hôi, phải tràn nước mắt, nhiều khi phải đổ tràn máu nữa. Thành công càng lớn lao, càng rực rỡ, thì sự hy sinh, sự đau khổ cũng càng phải lớn lao, càng phải nặng nề.
Không muốn hy sinh, không muốn chịu khó, muốn gạt đau khổ ra ngoài cho hết sức, tức là Bạn đã từ chối không muốn thành công.
Nhưng, tôi chắc Bạn muốn thành công, phải không Bạn? Vậy thì đây, tôi chỉ cho Bạn cái bí thuật thành công ấy: nhẫn nại chịu đau khổ, tập cho biết vui chịu đau khổ. Chính Chúa cũng đã qua đường đau khổ, để bước vào chốn vinh quang kia mà, Bạn? Chúc Bạn thành công nhiều trên đường thiêng liêng của Bạn. Chúc như thế, cũng là chúc Bạn biết chịu đau khổ, biết vui chịu đau khổ, như Chúa xưa, như các môn đệ trung tín của Chúa từ xưa đến nay.
Gắng lên bạn !
Lm. Nguyễn Văn Tuyên, DCCT