Bạn thân yêu, chúng ta phải mến Chúa, đó là nghĩa vụ chính của đời chúng ta. Đời không mến Chúa, tức là đời bỏ đi. Nhất là những người có nghĩa vụ phải mến Chúa thay cho người khác, hoặc muốn đi vào con đường ấy, thì càng phải mến Chúa hơn. Tôi chắc Bạn muốn vào sổ những linh hồn ấy.
Vậy Bạn phải làm gì? Bạn phải vui lòng chịu đau khổ cho nhiều, vì chỉ có thế, Bạn mới tỏ mình mến Chúa thật.
Nhưng, còn một nghĩa vụ đi liền với nghĩa vụ ấy cũng đòi hỏi phải chịu đau khổ nhiều. Bạn muốn biết nghĩa vụ ấy, thì hãy nghe lời Chúa phán: “Hết cả lề luật gồm trong hai việc: mến Chúa và yêu người”. Hai nghĩa vụ ấy, không lìa biệt nhau được, hễ mến Chúa, thì cũng yêu người, ai không yêu người, thì cũng không mến Chúa. Chắc Bạn đã hiểu điều ấy, tôi không cần giải thích ở đây. Tôi chỉ muốn nhân cái chân lý ấy nhắc lại một điều ít người quan tâm.
Bạn hãy nhìn quanh Bạn, Bạn sẽ thấy ngổn ngang những người, hoặc chưa biết Chúa, hoặc đã biết Chúa nhưng lại thờ ơ lãnh đạm với Chúa, hoặc khốn nạn hơn nữa là thù ghét Chúa.
Đây là mấy con số, giúp Bạn hiểu hiện trạng mà tôi cho là đáng thương của đạo Công giáo. Hiện nay trên thế giới có chừng 3 tỷ (3.000 triệu) người. Trong số ấy mới chỉ có chừng 540 triệu là công giáo. Như vậy là hãy còn ngót 2 tỷ rưỡi người chưa phải công giáo. Hoặc lấy tỷ lệ mà nói cho dễ hiểu, trong 100 người mới chỉ có 18 người là công giáo, hay nói cho già giặn lên, thì 100 người trên thế giới mới được 20 người là công giáo. (20 phần trăm). Con số ít ỏi lắm thay ! Còn những 80 phần trăm trong loài người chưa phải công giáo.
Nếu chúng ta cộng cả số anh em không công giáo, nhưng có tin Chúa Giêsu thì chúng ta sẽ được con số hơn 900 triệu. Đem con số ấy so với nhân số trên thế giới, thì chúng ta sẽ thấy: mới chừng 30 phần 100 trong số nhân loại nhận biết có Chúa Giê su.
Bạn nên nhớ đó là công trình vất vả mồ hôi, nước mắt và máu của ngót hai mươi thế kỷ giảng đạo.
Riêng về Á-châu, có 1.533 triệu dân. Trong số ấy mới chỉ có 30 triệu là công giáo, nghĩa là cứ 100 người Á châu thì mới có 3 người là công giáo.
Lúc này Giáo hội nói rất nhiều đến anh em ly giáo (nghĩa là những anh em cùng tin Chúa Giêsu, nhưng không nhận quyền Đ.G.H.) thì chúng ta thấy, số các anh em ly giáo cũng bằng 2 phần 3 số anh em công giáo.
Số 80 phần trăm chưa phải công giáo, số 2 phần 3 anh em ly giáo, cũng là những con số phải làm chúng ta bận lòng. Và mỗi người chúng ta phải thấy mình có bổn phận gì đối với các anh em ngoài công giáo ấy.
Cố nhiên, ngày đêm, Chúa khát khao cho họ chóng trở về với Chúa. Cả đời Chúa, nào không phải là để đi tìm chiên lạc ư? Còn gì làm cho Chúa sung sướng bằng một người có tội ăn năn trở lại! Chúa có thể làm việc ấy một mình, không cần đến ai. Công nghiệp Chúa đã dư đủ: Chỉ một lời Chúa than thở cùng Đức Chúa Cha, chỉ một giọt mồ hôi, cùng lắm chỉ một giọt máu, cũng đủ cứu chuộc thế gian này, và nghìn vạn thế gian khác. Nhưng không, Chúa không làm thế. Chúa đã muốn chịu hết các thứ hình khổ, cho đến chết, cái chết nhục nhã nhất trong lịch sử loài người. Như tôi vừa nói, dù công nghiệp Chúa đầy tràn vì nó vô cùng, nên không cần có ta cộng tác vào, để lo việc cứu thế, nhưng Chúa lại muốn chúng ta cộng tác vào việc cứu linh hồn anh em ta.
Chúa muốn thế, thật là một điều vinh hạnh cho ta. Một người lính được chịu khổ để chống giữ đất nước cho khỏi quân thù xâm lăng, thì vinh hạnh nào bằng!!!
Vậy ta được cộng tác với Chúa, để cứu các linh hồn anh em ta, thì còn gì sung sướng cho ta bằng, hỡi Bạn?
Nhưng cũng như Chúa đã đổ hết máu mình để cứu chuộc ta, thì ta, nếu muốn cứu chuộc anh em ta, nghĩa là nếu ta muốn đem người khác về cùng Chúa, nếu ta muốn thiên đàng thêm số kẻ hầu hạ ca tụng Chúa đời đời, thì đời này ta cũng phải bắt chước Chúa nghĩa là cũng phải chịu khó, vì đó là đường chắc chắn đem ta đến thành công, nghĩa là đem anh em ta lại cùng Chúa. Xin Bạn cầm trí lại mà suy điều ấy, nhất là hãy xin Chúa soi sáng cho Bạn hiểu được điều ấy, vì xác thịt tự nhiên không muốn và không thể hiểu được. (35)
Ôi! Còn gì sung sướng cho người mẹ bằng thấy một đứa con mình đã khó nhọc vất vả, liều chết cho bao lần, ngày nay đã thành danh phận. Bà không nói ra, nhưng mỗi lần nhìn thấy đứa con đau khổ của mình, Bà không khỏi ngậm ngùi, khi nghĩ lại tất cả những sự nhọc nhằn hy sinh mình đã chịu xưa cho nó, ngậm ngùi nhưng không đau đớn, ngậm ngùi mà cảm động.
Vậy còn gì sung sướng cho Bạn bằng sau này, Bạn thấy linh hồn ấy linh hồn nọ, nhờ Bạn đau khổ mà được ơn cứu chuộc và được rỗi linh hồn! Còn sung sướng nào bằng cái sung sướng ấy không? Chắc Bạn muốn lắm. Cái sung sướng ấy, nhiều người đã được, và tôi cầu chúc cho Bạn cũng sẽ được. Tôi cầu chúc cho Bạn, vì tôi chắc Bạn thật tình yêu các linh hồn như Chúa đã yêu và vẫn còn yêu. Vậy thì phải chịu hy sinh, hy sinh cho nhiều, phải chịu đau đớn, chịu đau đớn cho nhiều, chịu cho nhẫn nại, chịu cho can đảm, chịu vì lòng mến Chúa để cứu các linh hồn. Nếu chỉ chịu vì phải chịu, thì không ăn thua mấy. Nhưng tôi đâu dám nghĩ cho Bạn chịu khó mà lại lẩm bẩm, kêu ca phàn nàn, than thở.
Can đảm lên, Bạn!
Nhất là, xin Bạn chú ý, nhất là nếu trong những người tội lỗi khô khan kia, lại có một hoặc nhiều người trong gia đình Bạn, trong những người đã lấy máu đào mà tác thành nên Bạn, trong những người mà ngày đêm làm bận trí óc Bạn, nếu có những người ấy, thì Bạn ơi, Bạn càng phải vui lòng chịu đau khổ cho nhiều, để cứu vớt những linh hồn ấy. Linh hồn người ta quí trọng lắm, Bạn ạ. Cần phải đổ máu. Chúa đã đổ trước rồi, bây giờ đến lượt chúng ta, cũng phải đổ máu: “Không đổ máu, không có ơn cứu chuộc”, lời Kinh thánh đã dạy.(36)
Bạn đừng tưởng Bạn phải đổ máu như các Thánh Tử Đạo. Nếu Chúa ban ơn ấy cho Bạn thì còn hạnh phúc nào bằng và tôi thành thực mừng Bạn trước.
Nhưng Bạn nên nhớ, ở đâu cũng có máu và ở đâu cũng đổ máu được.
Bạn hãy nhìn bàn tay Bạn, nó lấm tấm máu.
Bạn hãy sờ lên ngực Bạn, nó đầy những máu.
Bạn hãy liếc nhìn cuộc đời Bạn, nó cũng máu là máu…
Máu, ấy là sự nhẫn nại của người vợ đối với người chồng tàn nhẫn, rượu chè, thất trung, lúc nào cũng bất mãn. Máu, là sự người chồng tha thứ người vợ bép xép, nhẹ dạ, đàng điếm, ăn chơi, hay chấp vặt quá đáng.
Máu, ấy là cách cư xử tàn tệ của một người cha vô liêm sỉ, một ngươi dì ghẻ, một người mẹ vô phúc chỉ biết hành hạ những đứa con nhỏ không biết tự vệ.
Máu, ấy là sự bỏ tất tưởi, nhục nhã, bị khinh chê, khốn khó mà các người già lão tàn tật phải chịu vì những con cháu bạc bẽo vô ơn.
Máu, ấy là những sự bất công chán chường, những sự khuynh gia bại sản, những sự bóc lột, những lời vu khống mà một số người vô tội phải chịu.
Máu, ấy là những công việc mà Bạn phải làm hàng ngày, ở gia đình, ở xưởng thợ, ở bàn giấy, ở lớp học, ở cạnh những người đau ốm và trẻ em.
Máu, ấy là những tang tóc cắt xé tim Bạn, ấy là tính nết hư đốn của một đứa con Bạn rất quý, ấy là sự bạc bẽo của một người mình yêu, ấy là cảnh biệt ly của một người thân ái.
Máu, là Bạn ở lặng lúc bị người ta vu oan, lúc bị người ta làm nhục; Máu, ấy là sự khôn ngoan cẩn thận để giữ đức thanh khiết; Máu, ấy là sự cố gắng để giữ lấy ơn Thánh hóa, ấy là những sự hy sinh Bạn bắt mình phải chịu để chu toàn bổn phận.
Máu, ấy là cảnh hàn vi thanh bạch với tất cả những sự nhục nhã, thiếu thốn, lo lắng kèm theo.
Máu, ấy là sự yếu đau, bất tài bất lực, khiến Bạn thấy mình vô dụng.
Máu, ấy là tư tưởng tối tăm của một ông chủ nhà, khi nghĩ đến cảnh túng quẫn của gia đình, vì ông chưa có công ăn việc làm độ thân.
Máu, ấy là sự sầu khổ của một số đông thiếu nữ, không được đi tu như lòng ước vọng.
Nếu Bà là người Mẹ Công giáo thì kìa Máu chảy tràn trong tim Bà. Nhưng Bà đừng quên, nhờ sự đau khổ mà triều thiên Bà được thêm quý báu. Muốn cho gia đình thêm vinh hiển tức là phải thêm đau khổ, thêm xé ruột, thêm thức khuya, thêm hy sinh, thêm nước mắt, thêm lo lắng, thêm hấp hối, thêm sầu muộn.
Máu, có thiếu đâu! Ở đâu cũng có máu! Chỉ thiếu những linh hồn biết lợi dụng sự đau khổ để cứu chuộc thế gian. Và thiệt hại chừng nào, khi người ta để hỏng bao nhiêu dịp cứu chuộc.
Hỡi Bạn, là Bà Mẹ Công giáo, Bà đang đau đớn vì con cái hư thân; hỡi Bạn, là người vợ đau đớn vì chồng phụ bạc; hỡi Bạn là người con đau đớn vì người cha tội lỗi, các Bạn đừng than thở kêu ca vô ích, hãy nghĩ đến Thánh Mônica. Những sự đau khổ của các Bạn sẽ mua được ơn trở lại cho người này, hoặc ơn vững vàng cho người kia.
Đức Mẹ có chức linh mục đâu, nhưng Người đã là Đấng Đồng công Cứu chuộc.
Bạn không được phúc tế lễ trên Bàn thờ, nhưng Bạn có thể dâng mình làm của lễ trên Bàn thờ, và như thế, cuộc đời của Bạn sẽ biến thành một lễ Misa liên lỉ, Bạn sẽ làm sáng danh Chúa, Bạn sẽ cứu được các linh hồn.
Bạn không được thay mặt Chúa giơ tay tha tội trong Tòa Giải tội, nhưng nhờ Bạn chịu khó, nhiều người tội lỗi sẽ được ơn tha tội: nhiều vị linh mục được hạnh phúc đem các linh hồn về cùng Chúa, nhưng biết đâu công lại không phải là của Bạn?
Bạn không được lên tòa giảng để rao truyền lời Chúa, nhưng cuộc đời nhẫn nại của Bạn lại không như một bài giảng về Chúa ư?
Bạn không được phong chức linh mục như các Giám mục, nhưng các sự đau khổ Bạn chịu lại không lôi kéo cho Giáo hội một số đông thanh niên ưu tú, lại không mưu ơn bền vững cho một số chủng sinh, lại không đổ tràn những ơn siêu việt cho một số linh mục ư ?
Bạn không được hân hạnh đi giảng Đại phúc, nhưng sự đau khổ của Bạn lại không tưới ướt được công việc các vị giảng thuyết ư?
Không khi nào Bạn được phong chức Giám mục, nhưng nhờ Bạn hy sinh, đau khổ, Bạn sẽ mưu được cho Giáo hội những vị Giám mục nhiệt thành, thánh thiện, biết dẫn dắt con chiên cho khôn ngoan xứng đáng.
Nói tóm lại, những sự đau khổ Bạn chịu hàng ngày có một giá trị rất cao cả, vì nó giúp Bạn cộng tác vào công cuộc cứu thế, cũng như Đức Mẹ xưa.
Và như thế, là Bạn có thể đổ máu một cách âm thầm, êm ái, nhưng vẫn có thể cứu các linh hồn được, cứu linh hồn ấy, linh hồn nọ, có lẽ là linh hồn Bạn yêu quí hơn chính mình Bạn, linh hồn đã làm Bạn đổ bao nhiêu nước mắt, mất ăn bao nhiêu ngày, mất ngủ bao nhiêu đêm. Bạn cần phải đổ máu, nghĩa là cần phải hy sinh nhiều. Bạn hy sinh đã nhiều rồi, tôi chắc vậy, nhưng linh hồn người ta quí lắm, linh hồn người thân yêu của Bạn quí lắm, quí quá sức Bạn tưởng tượng. Nên dù Bạn đổ hết máu Bạn để mua chuộc một linh hồn cũng không đủ, phải có công nghiệp vô cùng của Chúa mới chuộc được.
Thế thì những nỗi thống khổ đó, Bạn hãy lấy mà dâng cho Chúa, để nhờ vào công nghiệp vô cùng Chúa, Bạn hy vong và tin chắc ngày kia, ngày ấy là ngày nào tôi không biết, nhưng Bạn hãy tin chắc là ngày kia, con người mà Bạn đã bao năm chịu khó cầu nguyện và khóc lóc cho ấy, sẽ ăn năn trở lại cùng Chúa. Và Bạn càng chịu khó lâu, thì công nghiệp Bạn càng đầy, phần thưởng Bạn càng quí, Bạn có mất đi đâu mà sợ.
Đau đớn nhất là chính những người, hay chính người, Bạn hằng cầu nguyện, hằng chịu khó, hy sinh cho ấy, lại ngày ngày làm cực lòng Bạn. Tôi hiểu chỗ ấy lắm. Nhưng tôi cũng hiểu rằng: Chúa Giêsu đã chịu chết cho ta và cho Bạn nữa: còn chúng ta, và cả Bạn nữa, thì ngày nay phạm đến Chúa không biết bao nhiêu. Vậy thì đến lượt Bạn, Bạn cũng phải chịu khó cho chính người Bạn hằng thương yêu và cầu khẩn cho. Đó chỉ là làm việc chính Chúa đã làm cho ta, có gì lạ đâu, Bạn? Nếu Bạn mến Chúa thiết tha thì Bạn hãy chịu khó cho nhiều và Bạn hãy tin chắc: một ngày kia Bạn sẽ thấy nhiều sự lạ lùng, Bạn không ngờ rằng sẽ có.
Đến đây, tôi xin Bạn một điều. Tôi không biết Bạn còn sống mấy năm nữa. Nhưng tôi hãy nói: Bạn còn sống mười năm nữa. Mười năm hãy tính là 3.652 ngày. Vậy mỗi ngày Bạn chịu khó thì hãy dâng cho Chúa, để cứu lấy một linh hồn; và như thế trong mười năm Bạn sẽ cứu được 3.652 linh hồn. Bạn bằng lòng không?
Hay Bạn hãy làm như một người đàn bà nghèo khó mà Cha Faber đã kể truyện. Cứ mỗi buổi sáng, bà ấy quì trước một bức địa đồ, rồi đọc một bài đền tạ cho một nước.
Và để Bạn bằng lòng, tôi xin hiến Bạn ít nhiều truyện rất ly kỳ sau đây:
Một hôm Bà Thánh Catarina Siêna suy ngắm về tình thương yêu loài người, Bà không hiểu sao Chúa có thể thương yêu loài người đến nỗi chịu đau khổ cho loài thụ sinh hèn hạ đến thế.
Chúa liền hiện ra cùng Bà và cho Bà xem thấy một linh hồn có ơn thánh hóa đẹp đẽ chừng nào. Chúa phán với Bà: “Con hãy xem, nào chẳng đáng sống, đáng chịu đau khổ và chết cho một loại thụ sinh đẹp đến chừng ấy ru?”
Cũng trong sách truyện Bà Thánh Catarina Siêna có kể rằng:
Bà có một chị bạn Dòng Ba tên là Palmérina (Pan-mê-ri-na) không hiểu sao ghét Bà quá sức, và chỉ tìm dịp vu khống cho Bà, Bà Catarina đêm ngày cầu nguyện cho chị kia. Chúa nghe lời Bà mà cho chị bị bệnh trong xác để chữa linh hồn. Bà Catarina đến chăm sóc chị với một hy sinh tận tụy không bờ bến… Nhưng chị kia không hề thay đổi, và đã có lần đuổi Bà Catarina ra khỏi nhà. Chúa liền phạt và để cho chị ấy hấp hối, lo sợ không kịp chịu các bí tích sau cùng.
Thấy cơn nguy biến, Bà Catarina càng thêm hãm mình cầu nguyện. Chị Palmérina tỉnh lại, nên đã kịp chịu các Bí tích, và chết lành.
Lập tức Chúa cho Bà Catarina được thấy linh hồn ấy.
Bà kể rằng: “Linh hồn ấy đẹp làm sao, sáng làm sao, không có cách gì tả được”.
Chúa phán với Bà: “Con thân mến, đấy là linh hồn con đã chuộc lại cho Cha. Con hãy xem nó đẹp đẽ và quý báu chừng nào! Nếu chính Cha là sự Đẹp tuyệt đối, mà còn say mê vẻ đẹp của các linh hồn, cho đến nỗi bỏ thiên đàng xuống thế, để chịu chết chuộc tội chúng con, huống chi chúng con càng phải hy sinh chịu khó lẫn cho nhau, để không một linh hồn tốt đẹp thế phải hư đi”.
Sau, Bà Catarina thưa lại với Cha Giải tội rằng: “Nếu Cha có được thấy linh hồn sạch tội trọng đẹp đẽ nhường nào, thì Cha sẽ vui lòng hy sinh sự sống Cha trăm lần để cứu nó cho rỗi”.
Một hôm Thánh nữ Lutgarde (Lu-ga) trong một lúc ngây ngất tình yêu Chúa, đã xin chóng chết để về thiên đàng cho mau. Đức Chúa Giêsu hiện ra cùng Bà, và cho Bà xem những vết thương hãy còn đẫm máu của Chúa. Chúa phán: “Hỡi con thân mến, hãy nhìn và hãy nghe tiếng các vết thương Cha kêu với con, để máu Cha đừng chảy vô ích, để sự chết của Cha đừng hóa vô công hiệu”. Trinh nữ run sợ và âu yếm xin Chúa cho Bà hiểu vết thương Chúa kêu những gì. Chúa phán: “Vết thương của Cha kêu nài con hãy lấy đau khổ và nước mắt để làm nguôi cơn giận Đức Chúa Cha, xin Người đừng phạt kẻ có tội, và cho họ được ăn năn trở lại”.
Bà Maria Têrêsa, vị sáng lập Dòng Nữ tu Đền tạ, nói với Cha Lefèvre (Lơ-phe) những lời này: “Con vui lòng sống nghìn năm trong đau khổ, miễn sao cứu được vài linh hồn và dâng cho Chúa”.
Thánh Lutgard cũng có lần thưa Chúa: “Lạy Chúa, con sẵn sàng chịu hết mọi giống hình khổ, để cứu các linh hồn”.
Thánh Catarina còn can đảm hơn. Người xin Chúa phạt người, nhưng tha cho kẻ có tội.
Và nhất là truyện này:
Chân phúc Félix de Nicosie (Phê-li-xê Ni-cô-xi) ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, thức khuya để cầu cho kẻ có tội ăn năn trở lại, và rỗi linh hồn. Một hôm Cha Macaire (Ma-ca-ri-o) bất ưng vào phòng Chân phúc trong giờ nghỉ trưa, thấy Ngài đang đánh tội ghê gớm. Cha liền kêu lên: “Thôi đủ rồi, tôi cấm không được đánh nữa”. Chân phúc dừng lại rồi quay mặt nhìn Cha Bề trên, khóc lóc và xin: “Lạy Cha, xin thương cho con đánh tội… con không dám đánh mạnh quá nữa. Con đánh tội để cầu nguyện cho một người tội lỗi lúc này đang phạm tội. Lạy Chúa, nếu Chúa phạt người ấy lúc này thì khốn nạn cho người ấy quá!” Cha Macaire bắt buộc Thầy phải cho Người biết kín người tội lỗi ấy, rồi cho phép đánh tội như ý… Cách mấy ngày người tội lỗi ấy bị một địch thủ giết bất ưng. Được tin ấy, Thầy Félix lại càng thêm đánh tội làm khổ xác. Một hôm, linh hồn ấy hiện về cám ơn Thầy, vì dù bị chết bất ưng, không kịp lãnh nhận các Bí tích, nhưng nhờ Thầy, Chúa đã cho kịp ăn năn…
Có Đấng Thánh quả quyết rằng: Thánh Têrêsa Cả đã cứu được nhiều linh hồn không kém gì Thánh Phanxicô Xaviê là Đấng bao năm đã rảo khắp cõi Á đông này, và đã chịu bao sự khốn khó để cứu các linh hồn. Vậy mà Thánh nữ Têrêsa Cả chỉ hãm mình cầu nguyện trong dòng Kín.
Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã làm gì? Người đã sống trong dòng Kín có mười năm, thế mà ngày nay Đức Giáo Hoàng Piô XI, đã tôn làm Quan thầy các vị thừa sai và các xứ Truyền giáo ngang hàng với Thánh Phanxicô Xaviê.
Nhân vừa nhắc đến Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, tôi xin thuật lại cho Bạn vài cử chỉ của Thánh nữ để Bạn hiểu tâm hồn Người.
Có lần Bà đã than thở cùng Chúa: “Lạy Chúa, con xin Chúa tha thứ cho anh em của con. Bao lâu Chúa còn muốn thì con còn bằng lòng ăn bánh đau khổ. Vì lòng mến Chúa, con sẽ ngồi luôn ở bàn ăn cay đắng, là chỗ kẻ có tội ăn, con sẽ ngồi mãi cho đến khi Chúa lên hiệu đứng dậy… và nếu cần, thì con xin một mình con ăn bánh đau khổ cho kẻ có tội… và con sẽ ăn mãi cho đến khi Chúa đem con về nơi đầy ánh sáng…”
Lần khác Bà than thở cùng Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, được làm bạn trăm năm của Chúa, được làm Nữ tu Dòng Kín, tức là nhờ sự kết hợp cùng Chúa, con sẽ làm Mẹ các linh hồn. Lẽ ra bấy nhiêu con phải cho là đủ. Nhưng con vẫn còn thấy trong mình có nhiều ơn Thánh triệu khác: con muốn làm tiến sĩ, con muốn làm linh mục, con muốn làm tông đồ, con muốn làm chiến sĩ, con muốn chết vì Đạo… con thấy con có can đảm như một lính Nghĩa binh Thánh giá, con muốn được chết ngoài bãi chiến trường để bênh vực Giáo hội.”
“Con muốn làm linh mục… con muốn làm tiên tri… con muốn làm tiến sĩ… Nhưng nhất là con muốn chết vì Đạo. Chết vì Đạo, đó là chí nguyện của con lúc còn trẻ… nhưng đây mới lại là một sự điên rồ khác, con không muốn chịu một thứ hình khổ, con muốn chịu hết các thứ hình khổ mới thỏa lòng…”
Và Bà đã kể ra một chuỗi các thứ hình khổ một số các Thánh tử đạo đã chịu, và Bà muốn được chịu hết cả như các Đấng ấy, vì lòng mến Chúa và để cứu các linh hồn.
Cho đến những em bé cũng hiểu giá trị sự đau khổ đối với việc cứu các linh hồn.
Một em gái chưa đầy bốn tuổi, ốm nằm trên giường, em nhất định không muốn uống một thứ thuốc y sĩ đưa. Người mẹ lo lắng, không biết làm gì. Bà nói: “Con yêu của mẹ, con hãy uống một tí để cầu cho một người có tội”. Nghe câu ấy, em tỏ vẻ nghĩ ngợi. Em ngẩng đầu nhìn mẹ, nhiều giọt nước mắt lăn trên má em, em giơ hai tay nhỏ nhắn ra nâng lấy chén thuốc, run run, uống một ngụm, rồi một ngụm nữa, cho đến khi uống hết. Uống xong, em tỏ vẻ khoan khoái, quay lại nói với mẹ: “Như thế là con cứu được những người tội lỗi”… (37)
Tôi ước Bạn cũng hóa nên Thánh Têrêsa thứ hai. Sung sướng lắm, Bạn ạ. Bạn đừng từ chối cái danh dự đặc biệt ấy nhé. Khó thì khó thật, tôi cũng nhận thế. Nhưng không phải là không làm nổi. Chỉ cần Bạn cố gắng và nhất định. Bạn nghĩ sao?
Tôi đã định dừng lại ở đây. Nhưng tôi hãy còn mấy truyện rất ly kỳ và cảm động, tôi xin hiến Bạn, kẻo rồi đây, không còn cơ hội nào khác.
Tập “Tiếng vang Lộ đức” năm 1918, có thuật lại truyện này.
Một người không có niềm tin đã chịu cho đem đứa trẻ đến Hang Lộ đức. Ông ta nói: “Nếu tôi thấy con bé khỏi bệnh và đứng lên được tôi mới trở lại… ” Người ta đem đứa bé vào giếng.
Cha Bailly liền kêu lên: “Anh chị em, có người nào trong anh chị em, can đảm đủ để dâng mình hy sinh cho linh hồn này trở lại cùng Chúa không?”
Giữa cái yên lặng cảm động ấy, một bà tàn tật, chống nạng đứng lên: “Tôi xin vui lòng”. Cùng lúc ấy, một người mẹ, đứng gần chắn song trước Bàn thờ, đã ba năm bế con đến Lộ đức xin cho nó khỏi bệnh câm điếc, Bà ôm đứa bé giơ lên cho Cha: “Đây con xin dâng Cha con con, Cha hãy dâng nó cho Đức Mẹ, cho người kia ăn năn trở lại”.
Cùng lúc ấy, cô bé bất toại được khỏi bệnh.
Trước cảnh tượng anh hùng ấy, người cha đó liền quỳ gối kêu lên: “Lạy Chúa, xin tha tội cho tôi, tôi xin tin”.
Và một truyện khác.
Năm 1860 ở thành Liège (Li-e) bên nước Bỉ, Cha de Clanvière (La-ri-ve) có giao thiệp với một ông đại úy hưu trí, đã lâu năm không còn giữ đạo. Vị sĩ quan ốm nặng và không có hy vọng sống được. Cha đến thăm, và đánh bạo nói đến việc xưng tội. Nhưng ông ta gạt đi ngay. Cha lại đến, nhưng họ đóng cửa không cho vào.
Cha tự bảo mình: “Thường tôi thích uống cà phê sau cơm trưa lắm. Nhưng tôi sẽ kiêng, để ông ta ăn năn trở lại”. Cùng lúc ấy, có người giật chuông. Người ta mời Cha đến thăm một bệnh nhân ở phố ấy… số ấy… Cha nói: “Đúng ông ta rồi”.
Cha vừa đến, viên đại úy nói: “Thưa Cha, từ lúc nãy, một ý tưởng ám ảnh tôi: “Tôi phải xưng tội”. Xin Cha giải tội cho tôi”.
Việc hãm mình của cha đã sinh hiệu quả trông thấy.
Nhiều người trong chúng ta có nghe nói đến tên một nhà chính trị Pháp rất ghét đạo Công giáo, đến nỗi người ta đặt tên cho ông là Con Cọp… tên ông là Clémenceau (Cờ-lê-măng-cô). Trong lúc chính phủ Pháp đang chống đối các Dòng Tu của Đạo Công giáo, nhất là các Dòng tu chuyên cầu nguyện, và đuổi ra khỏi nước, thì đến lượt Dòng La Trappe (La-tờ-ráp). Nhà Dòng ủy Cha Chautard (So-ta) đi tiếp xúc với Con Cọp nói trên. Nhờ tài khéo léo, nhất là nhờ ơn Chúa, Cha Chautard đã thành công. Dòng La Trappe không bị di cư.
Nhưng, cái thành công lớn lao nhất, là cha Chautard và Con Cọp đã biến thành đôi bạn tâm giao. Tình tâm giao ấy đã hẳn có lợi cho Dòng La Trappe, nhưng nhất là có lợi cho Con Cọp.
Cách ít lâu, Cha Chautard được tin Con Cọp bị ốm nặng, phải đi điều dưỡng tại một nhà thương…Nhất là ít lâu sau nữa, ngài được tin Con Cọp đã thở hơi cuối cùng. Cha được yên ủi, khi nghe một nữ tu đã từng săn sóc Clémenceau (Sơ Théoneste) cho biết, khi gần chết, bệnh nhân đã đọc đi đọc lại nhiều lần mấy tiếng: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi!” (38)
Tại sao ông đã được ơn cao quý ấy? Bạn đoán được: Cha Chautard đã không thả mồi ngon Chúa gửi đến cho… Con Cọp – ta hy vọng thế – đã được cứu rỗi nhờ sự hy sinh và lời cầu nguyện của một nhóm con chiên hiền lành, là Cha Chautard và các tu sĩ dòng Người…
Ta không nên thất vọng về phần rỗi của một ai, khi người ấy đã là đích cầu nguyện hy sinh của một linh hồn đạo đức… và chính ta cũng hãy hy sinh cầu nguyện đi… nhiều linh hồn sẽ được nhờ.
Cha Plus (Pơ-luy) nói: “Qua các thế hệ, mỗi khi chúng ta nhận thấy ở đâu công việc truyền giáo đặc biệt có kết quả, ta không cần tìm mãi tận đâu xa cho thấy lý do của nó. Ta thấy ngay rằng: là vì ở chỗ ấy máu đã chảy. Không tất nhiên là máu trong mạch. Nhưng ít ra, luôn luôn máu bề trong, là sự đau khổ của quả tim, của ý muốn, của sự tự hiến thân”.
Đúng lắm! Máu Thánh Tê-pha-nô chảy ra đã chuộc được Saolê bắt đạo, và hóa ông thành vị Đại Tông đồ.
Máu ở “Năm dấu” của Thánh Phanxicô đã hoán cải được tâm trạng cả một thế kỷ.
Máu của Năm vị Tử đạo Dòng Thánh Phanxicô, đã hiến cho Giáo hội một vị Đại thánh: Thánh Antôn hay làm phép lạ.
Máu Thánh Jeanne d’arc (Gio-an-na Đắc), đã cứu vãn được nước Pháp, như một lễ Rửa tội thứ hai.
Thì cần phải tìm tận đâu xa: nào không phải Máu của tiền nhân chúng ta trong thế kỷ trước, đã đem lại cho chúng ta một quang cảnh công giáo phồn thịnh, khiến cả thế giới ngạc nhiên ư ?
Một vị linh mục đến than phiền với thánh Gioan Maria Viannê rằng: mình đã cố gắng hết sức mà chưa hoán cải được con chiên. Thánh Gioan đáp lại: “Nhưng Cha đã ăn chay chưa ? Cha đã mang áo nhặm chưa ? Bao lâu Cha chưa chịu đau khổ cho con chiên Cha, thì Cha chưa thể nói được rằng: Cha đã làm hết sức để đem họ về cùng Chúa”.
Có lẽ Bạn còn nghi ngờ và tự hỏi: tại sao những sự đau khổ của Bạn lại cứu được các linh hồn? Tôi xin đáp lại chỉ vài câu.
Một khi Bạn có ơn Thánh hóa Chúa trong linh hồn, nói cách khác, mỗi khi Bạn sạch tội trọng, mà chịu đau khổ để cứu các linh hồn, thì chính Chúa chịu đau khổ trong mình Bạn; bởi thế, các sự đau khổ của Bạn là những sự đau khổ của Chúa và tất nhiên cứu được các linh hồn.
Sau đây là những lời bà Elisabet Lơ-dơ (Lơ-dơ) viết cho một người bạn đau ốm: “Sự đau khổ là một thứ luật cao cả trên đường thiêng liêng. Càng linh hồn được Chúa yêu, càng không thoát được luật ấy. Họ phải trả nợ của người khác, và nhiều khi trả rất đắt. Sau này ta mới thấy những công việc chúng ta làm được, nhờ những đau khổ và hy sinh của chúng ta. Tất cả các sự hy sinh đau khổ ấy, đều đi thẳng vào Trái Tim Chúa, và trong ấy nó kết hợp cùng kho cứu chuộc, và sẽ đổ tràn ơn thánh xuống cho các linh hồn. Chúng ta có thể làm cho trở lại, có thể thánh hóa, có thể yên ủi mà không cần ra khỏi nhà, không cần phải băn khoăn. Mỗi khi chúng ta dâng lên cho Chúa những sự xé nát lòng chúng ta, những giọt máu của tâm hồn chúng ta, những giọt máu làm thành các thánh tử đạo thiêng liêng, thì chúng ta sẽ rất quyền năng trước mặt Chúa”.
Một hôm, thánh Phanxicô Xaviê đang giảng đạo ở miền Travancor (Tra-văng-cô), một toán quân man rợ tấn công anh em giáo hữu tân tòng. Thánh nhân liền cầm ảnh chuộc tội trong tay, giơ cao lên trước mặt bọn man rợ. Bọn man rợ thất đảm chạy tán loạn. Mỗi khi ta nhẫn nại chịu đau khổ, chúng ta cũng biến thành những tượng Chuộc tội sống, nên chúng ta sẽ đánh tan được đạo binh ma quỷ, và lôi được các linh hồn lại cho Chúa.
Bạn hãy tưởng tượng một thiên thần hiện đến nói với một người tham của: “Ngươi hãy nhẫn nại vác Thánh giá thì mỗi ngày Chúa sẽ thưởng cho ngươi một triệu bạc”, chắc là người ấy sẽ nhẫn nại lắm… Nhưng Chúa lại phán với Bạn rằng: “Con hãy vui lòng vác Thánh giá can đảm, thì Cha sẽ cho con các linh hồn”. Vậy Bạn có muốn nghe lời Chúa không? Một linh hồn quý hơn tất cả các thứ vàng bạc, hạt trai, đá ngọc, và quý gần như vô cùng. Bạn đã biết thế, phải không?
Vậy thì câu kết luận đã rõ ràng lắm rồi.
Rõ ràng hơn nữa, là nếu tôi kể cho Bạn nghe thêm truyện khác về Thánh Phanxicô Xaviê.
Thánh nhân là một bậc danh nhân ở kinh thành Paris hồi ấy. Đàng sau Ngài là cả một cuộc đời thơ mộng, một tương lai tươi sáng… Nhưng Phanxicô đã làm gì? Với một chiếc áo dòng cũ, Ngài đã vượt trùng dương với bao nỗi nguy hiểm của thời xưa… Ngài đã chạy ngang dọc bao nhiêu dân nước… Ngài đã xông pha bao nhiêu rừng rậm, đã từng sống lộn với bao nhiêu dân man rợ sẵn sàng dọn cho Ngài những đau khổ với cái chết bất ngờ… Vừa “đổ bộ” lên đất Ấn Độ, Ngài gặp ngay một thiếu phụ, tay bế một em bé hấp hối. Ngài vội vàng chạy lại lấy nước đổ lên đầu em bé. Em bé nhắm mắt… nhưng linh hồn bay thẳng về nhà Cha… Thánh Phanxicô liền quỳ xuống đất, mắt đẫm lệ và than thở cùng Chúa: “Lạy Chúa, thế là Chúa đã trả nợ con rồi, con vừa cứu được một đứa bé… ”. Ngài đã hy sinh cả mọi sự, liều cả sự sống… và Ngài cho là mình đã được đền đáp đầy đủ, khi thấy đã cứu được một linh hồn… Là vì Ngài hiểu một linh hồn có giá trị cao quý dường nào.
Đến đây, tôi mong ước cho Bạn rằng: ngày Bạn theo Chúa vào thiên đàng, Bạn sẽ được chứng kiến một quang cảnh rất yên ủi, là Bạn sẽ thấy trên thiên đàng, không phải một linh hồn, nhưng hàng trăm hàng nghìn linh hồn đã lên trên ấy trước Bạn, nhưng sở dĩ lên được, là vì đã nhờ Bạn giúp đỡ bằng sự đau khổ. Những linh hồn ấy, chính là những con nuôi của Bạn.
Cha Perreyve (Pe-rây) viết: “Các Bạn đừng tưởng công lao khó nhọc các Bạn chỉ là dã tràng xe cát, và những trận chiến đấu âm thầm của tình yêu nhẫn nại của các Bạn không làm ích gì cho thế giới. Các sự đau khổ của các Bạn là kho báu chung của tất cả mọi linh hồn, và đến ngày Chúa mở màn bí mật ra, các Bạn sẽ thấy người ấy người nọ, không khi nào các Bạn biết, thế mà ngày nay được trở lại và được hạnh phúc, là nhờ sự hy sinh của các Bạn”.
Còn gì sung sướng cho Bạn bằng được làm Cha, làm Mẹ thiêng liêng những linh hồn, mà nếu không có Bạn cộng tác vào ơn cứu chuộc, họ đã không được hưởng thánh nhan Chúa, ca tụng Chúa, và kính mến Chúa đời đời! Bạn ơi! Bạn không lấy thế làm sung sướng hay sao? Và nếu Bạn cho thế là sung sướng, thì lẽ đâu Bạn còn ngại chịu khó cho được cái hạnh phúc tuyệt đối ấy?
Tôi xin dừng ở đây, để Bạn có thời giờ suy nghĩ, và quyết định một lần cho xong. Bạn đừng ngần ngại, đừng lần lữa rầy mai, đừng nửa muốn nửa không nữa.
Tôi hy vọng rất nhiều ở Bạn, miễn là Bạn làm đúng lời tôi yêu cầu, và đó cũng là Thánh ý Chúa.
“Lạy Chúa Giêsu, là Đấng chúng con hết lòng kính mến, ước gì mỗi người chúng con hết sức chịu khó để cộng tác vào việc cứu chuộc các linh hồn! Ước gì chúng con từ nay chung sức với nhau, để cứu cho thật nhiều linh hồn. Việc ấy quá sức chúng con. Nhưng chúng con đâu dám dựa vào sức hèn mọn chúng con. Chúng con chỉ dựa vào sức vô cùng của Chúa, và vào lời Đức Mẹ chuyển cầu. Xin Chúa ban cho chúng con được như lòng chúng con sở nguyện. Điều chúng con sở nguyện, Chúa đã biết rồi. Ước gì được như vậy”.
(35) I Cor, 2, 14
(36) Héb. 9,22
(37) Và truyện em bé An-tô-ni-et-ta, xem TÔNG ĐỒ TÝ HON, cùng một tác giả.
(38) Images de Dom Chautard của E. Maire.
Lm.Nguyễn Văn Tuyên – DCCT