Truyền giả Chúa đến tòa vua Hêrôđê, ông Philatô tưởng mình đã thoát một việc rầy rà. Ngời đâu hai giờ sau, quân lính lại đưa Chúa trở lại, và dân càng đông hơn, làm náo động cả dinh Tổng trấn. Chúa mặc chiếc áo thụng như kiểu những người điên, hai tay vấy máu và bị trói chặt, mặt mũi hốc hác coi rất đáng thương.
Nhận thấy vua Hêrôđê không xét xử, nhận thấy những lời tố cáo của các Thượng tế rất vu vơ và điệu bộ hiền từ hiên ngang của Chúa, ông Philatô nghĩ nếu quả thực Giêsu là một cách mạng gia, muốn mưu đồ lật đổ ông và La Mã, hẳn các Trưởng tế, Luật sĩ và dân phải theo ủng hộ Ngài, chứ sao lại muốn Ngài phải chết. Ông đâm nghi ngờ, cho rằng đây chỉ là trường hợp kẻ độc ác ghen tị người lương thiện, và biết đâu bọn sĩ phu Do Thái chẳng có thể lợi dụng cái chết của người lành để mưu một việc chính trị khác. Nên ông càng muốn tha Chúa Giêsu hơn. Ông hội riêng các Trưởng tế, Luật sĩ và đại biểu của dân và giải thích ý định ông cho họ: -Các người đã nộp người đó cho ta vì tội xui dân nổi loạn. Nhưng ta đã tra xét việc trước mặt các ngươi mà không thấy người đó can tội nào trong những tội ác các người đã tố cáo. Chính vua Hêrôđê cũng nghĩ như vậy, vì ta đã sai giải nộp cho ngài, nhưng ngài cũng không kết tội người đó, chỉ cho là người ngu thôi. Vậy người đó đã là vô tội, tất nhiên phải tha. Tuy nhiên, để đẹp ý các người, ta sẽ truyền đánh đòn rồi mới tha. Giả thích cũng không xuôi, Philatô lại lập kế khác. Theo quốc lệ, trong tuần lễ vượt qua. Quan Tổng trấn thường tha bổng một phạm nhân tùy ý dân lựa chọn. Tục lệ đó cũng là một mánh lới chính trị để chứng tỏ nhà cầm quyền vẫn khoan hồng đối với dân. Lúc bấy giờ trung ngục có một tướng cướp tên là Baraba. Y đã bị tống ngục về tội giết người. Ông Philatô nghĩ bụng: đem tên côn đồ này sánh với Giêsu, người vẫn được dân kính trọng như một vị cứu thế, hẳn họ sẽ xin tha Ngài. Ông liền truyền điệu Baraba, chỉ y cũng đứng một thềm với Chúa, rồi làm hiệu cho dân im lặng, lộ vẻ suy nghĩ và nói với họ: -Ta nhớ hàng năm về dịp lễ Vượt Qua này, có lệ tha một phạm nhân tùy ý dân lựa chọn. Năm nay và hiện giờ trong nhà lao có tên Baraba can án giết người. Vậy bây giờ các ngươi muốn tha ai ? Baraba hay là Giêsu cũng gọi là KiTô ? Nghe câu hỏi bất ngờ của quan Tổng trấn, toàn dân im lặng do dự một chút. Từ lúc đến giờ, người ta chỉ để ý đến một người bị cáo. Nhưng bây giờ, đột nhiên quan Tổng trấn lại nêu thêm một phạm nhân nữa, và phạm nhân này quả thực là một tên đã dấy loạn và sát hại nhiều người, nên dân do dự ồn ào chưa dám biểu quyết. Nhưng các Trưởng tế, Luật sĩ và Kỳ lão cùng những tay vận động của họ rải rác khắp sân đã xui dân xin tha Baraba và đòi giết Giêsu. Bởi vậy, lúc Philatô hỏi lại: trong hai người, các ngươi muốn tha ai ? dân liền đồng thanh kêu lớn: -Tha Baraba ! Tha Baraba ! Ông Philatô kinh ngạc và cau mày tức giận: -Thế ta sẽ làm gì cho Giêsu, vị cứu thế, vua của các ngươi ? Nhưng ông Philatô đã nói hớ. Danh từ cứu thế và vua của các ngươi lúc này càng có ý châm biếm và trêu chọc: Chà ! Một người bị Hêrôđê cho là điên khùng và hai tay bị trói chặt mà là cứu thế và là vua của họ sao ? Philatô muốn nhục mạ dân Do Thái chăng ? Dân chúng bừng bừng nổi giận và càng kêu to: -Đóng đinh nó đi ! Đóng đinh nó đi ! Đóng đinh nó trên thập ác ! -Nhưng người ấy là gì ác đã chứ ? Ta không không thể kết án người vô tội.Vậy ta truyền đánh đòn rồi tha. Dân chúng càng nổi giận, họ kêu gào đến khan cổ: -Đóng đinh nó đi ! Đóng đinh nó vào khổ giá ! Thấy dân càng gào thét và huyên náo trong thủ phủ, Philatô nghĩ có lẽ những vết thương đầy máu của trận đòn nơi mình người bị cáo sẽ làm cho dân nguôi và bằng lòng tha cho người vô tội. Nên ông hạ lệnh tha cho Baraba, một tên phiến loạn giết người, và truyền quân lính đánh đòn Chúa Giêsu, rồi với bộ dạng bất bình, trở vào nội phủ. |