NGÀI PHÁ TRẬN KHẨU CHIẾN VÀ TẶNG LẠI NHỮNG LỜI CHUA CAY
Sau khi rủa cây vả bên đường, Chúa Giêsu xuống thung lũng Cédron, rồi lên Jerusalem. Hôm ấy kinh thành ứ những người, vì lễ Vượt Qua đã sắp tới. Đi qua các phố trong thành, thấy từng đoàn chiên người ta mang đến để tế lễ trong dịp lễ. Ngài liên tưởng đến chính mình Ngài, là Con Chiên Thiên Chúa, vài ba ngày nữa, cũng sẽ bị tế trên thập giá với muôn khổ hình đau thương ! Càng tiến sâu vào trong thành, càng thấy cảnh tấp nập, đâu đâu cũng nhộn nhịp người và vật. Nhưng rồi một cảnh tượng làm Ngài bất mãn. Đó là cảnh tượng chung quanh Đền thánh. Ở đây ồn ào một cách quá đáng, tiếng người nói với tiếng chim kêu, làm nơi thờ Chúa mất cả vẻ uy nghiêm thánh thiện. Bước chân vào Đền Thờ, Ngài càng thấy khó chịu hơn. Người ta đã dùng Thánh đường làm nơi buôn bán. Ở đây là dãy những người bán chim câu, ở kia là từng đoàn chiên bò đông số, ở chung quanh cột và gần tường là những bàn kê ngổn ngang để đổi tiền, và ở khắp nơi tiếng người tiếng vật trộn lẫn với mùi hôi tanh. Đền thờ có vẻ một chợ phiên hơn là một nơi yên tĩnh để cầu nguyện và tế lễ. Hai năm trước đây, cảnh chợ phiên đó làm Ngài thịnh nộ, đánh đuổi tụi con buôn ra khỏi Thánh đường. Nhưng ít lâu sau chứng nào tật nấy, họ không quên được thói cũ. Nên hôm nay Ngài lại phải ra uy, thẳng tay ôn lại cho họ bài học hai năm trước. Ngài mắng và đuổi mọi thứ con buôn, Ngài xô đổ bàn ghế của bọn đổi tiền. Ngài cấm không cho chúng mang đồ đi tắt qua Đền thánh. Ngài nghiêm mặt và mắng bọn chúng rằng:
-Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện, mà các ngươi dùng làm hang trộm cướp ư ?…
Thấy Ngài có vẻ uy nghi quyền hành như vậy, và nhớ lại hôm trước đây lúc khởi hoàn vào thành, Ngài được toàn dân hoan hô là Chúa Cứu Thế, nên hết mọi người đều sợ, đành chịu rút lui, tìm cách trốn thoát.
Nhưng bọn đàn anh Do Thái, nói rõ hơn, giới Trưởng tế và Biệt Phái, vốn căm giận Chúa, lại cho việc Ngài làm là lộng hành, nên họ càng tức bực và quyết tâm diệt Ngài.
Nhưng hiện giờ việc đó chưa có thể. Dân còn đang tín nhiệm và theo Ngài; Ngài vừa đánh đuổi bọn con buôn, một số đông dân đã đến nghe Ngài giảng . Tuy nhiên, cũng phải sửa soạn. Nên họ rủ nhau mở cuộc khẩu chiến với Ngài, để buộc Ngài vào một hai tội, hay ít ra làm Ngài giảm giá mất tín nhiệm với dân. Vậy họ lại gần chất vấn Ngài:
-Ông hãy nói cho chúng tôi biết, ông lấy quyền đâu mà làm việc đó ? Và ai đã ban quyền ấy cho ông ?
Nhưng không thèm trực tiếp trả lời, Ngài hỏi họ lại một câu khác để chuyển đổi thế trận, làm họ lúng túng:
Thế Ta cũng chỉ hỏi các người một câu thôi. Nếu các người trả lời, Ta sẽ nói cho các người biết Ta lấy quyền ở đâu mà làm việc đó. Các người hãy nói cho Ta hay: Ông Gioan lấy quyền bởi đâu mà làm Phép Rửa, bởi Trời hay bởi người ta ?
Cảm thấy câu hỏi của Ngài hóc búa, họ quay ra bàn soạn với nhau Nếu chúng ta thưa bởi Trời, thì Ngài sẽ nói: Thế sao các người không tin ông Gioan làm chứng Ngài là Chúa Cứu Thế. Nhưng nếu chúng ta nói bởi người ta, thì dân sẽ ném đá chúng ta, vì hết mọi người đều tin ông Gioan là tiên tri. Thấy cả hai lối thưa cùng bất lợi, họ đành trả lời một cách bâng quơ:
-Chúng tôi không biết !
Bấy giờ Ngài đáp lại họ:
-Ta cũng không nói cho các người hay, Ta lấy quyền bởi đâu mà làm như vậy.
Nghe thế bọn cầm quyền Do Thái càng tức giận Ngài, nhưng Ngài vẫn thứ tha và chỉ mong cho họ biết đường hối cải. Nên Ngài còn lợi dụng dịp này, nói mấy dụ ngôn để bắt họ suy nghĩ. Ngài phán:
-Các người nghĩ thế nào về tích truyện này: Người điền chủ nọ có hai đứa con. Ông tìm đến đứa thứ nhất và bảo nó: Hỡi con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho Cha.
Nó thưa: Thưa Cha con rất vui lòng. Nhưng rồi nó không đi. Ông lại tìm đến đứa thứ hai và cũng bảo như vậy. Nó thưa: Con không đi. Nhưng rồi nó hối hận, lại đi. Vậy các người nghĩ, trong hai người con ấy, người con nào làm theo ý cha ?
Họ thưa:
-Đứa thứ hai.
Ngài nói với họ:
-Thế các người giống người con thứ nhất. Ta nói cho các người hay, những người thu thuế và những đàn bà xấu nết sẽ vào Nước Trời trước các người, vì Gioan Tẩy Giả đến chỉ vạch đường bổn phận cho mọi người, nhưng các người đã không tin theo sứ mệnh của Gioan Tẩy Giả và không hối cải. Còn những người thu thuế và những người đàn bà xấu nết, nghe lời Gioan nói và xem việc Gioan làm đã tin Gioan và cải thiện đời sống.
Ngài lại kể luôn một dụ ngôn sau đây:
-Các người hãy nghe một truyện khác: Người điền chủ nọ đã trồng một vườn nho. Tính ông cẩn thận, nên trước khi cho thợ lĩnh canh, ông đã rào giậu chung quanh, đặt chòi kiểm soát và để ở giữa một hầm ép rượu. Cho thợ lĩnh canh xong, ông trẩy đi phương xa trong một thời gian khá dài. Đến sau theo đúng kỳ hạn đã định, mùa quả đã đến, ông sai một người đầy tớ đến với bọn thợ làm vườn, để chúng nộp cho ông phần hoa lợi thuộc về ông. Nhưng buồn thay ! Bọn chúng đã quên mình là thợ lĩnh canh, coi vườn nho như thuộc quyền sở hữu của chúng. Chúng bắt người đầy tớ kia, đánh đập tàn nhẫn và đuổi về tay không ! Bấy giờ chủ lại sai nhiều đầy tớ khác đến một lượt, hy vọng chúng sẽ biết điều hơn. Nhưng bọn thợ càng đối đãi tàn tệ ! Chúng sỉ nhục người này, đánh đập người kia, và sát hại nữa ! Được tin đó, ông chủ rất buồn. Nhưng sẵn lòng đại độ dung thứ, ông nghĩ thầm rằng: Hay có lẽ việc đó xảy ra vì đầy tớ của ta xử trí kém chăng ? Vậy ta sẽ sai đến với chúng chính con yêu quý của ta, để ít ra vì tài đức của con ta, chúng phải kính nể, và trả phần hoa lợi cho ta. Nghĩ thế, ông chủ lại sai chính con ông đi. Nhưng bọn lĩnh canh ngu xuẩn quá. Chúng tưởng ông là người nhu nhược, vì từ trước đến giờ ông chưa dùng quyền. Nên vừa trông thấy con ông đến, chúng bảo nhau rằng: Thằng kia là người kế tự đó, chúng ta phải giết nó đi để chúng ta hưởng cơ nghiệp của nó ! Thế rồi chúng bắt người con ông chủ. Chúng sỉ nhục, ném đá và giết cùng vất ra ngoài đường cho mất tích. Vậy hỏi lúc ông chủ đến, ông sẽ xử thế nào về bọn lĩnh canh kia ?
Có người trong đám đứng nghe thưa rằng:
-Ông sẽ diệt chết bọn khốn nạn đó, và sẽ trao vườn nho cho những người khác lĩnh canh, để đến mùa sẽ nộp hoa lợi cho ông.
Lúc đó giới Luật sĩ và Đạo trưởng tức giận vô cùng, vì họ hiểu bài dụ ngôn của Ngài ám chỉ về chính họ. Họ muốn bắt Ngài lập tức, nhưng lại sợ dân.
Và quả bài dụ ngôn chỉ về họ thật. Ông chủ vườn nho ở đây là Thiên Chúa, vườn nho là dân Israel dân riêng Chúa đã chọn. Các đầy tớ ông chủ sai đến là các tiên tri, những đều bị bọn thợ lĩnh canh là phía cầm quyền Do Thái giết. Rồi đây chính con một ông chủ là Ngài đến, cũng bị chúng hành hình và giết nữa. Như vậy Thiên Chúa sẽ phải xử với họ cách nào ? Hẳn là hủy diệt họ đi.
Tức giận quá, họ la lên:
-Xin Đức Chúa Trời đừng có như vậy !
Nhưng Ngài nghiêm khắc nhìn họ và nói:
-Điều đó làm các người bất mãn sao ? Ta tuyên bố: Địa vị hướng dẫn trong Nước Trời sẽ cất khỏi các người, và sẽ được trao cho một dân tộc khác tỏ mình xứng đáng, biết sinh hoa lợi.
Đang ở trong thế mạnh, Ngài còn tiến nữa, Ngài còn tuyên bố những lời ngầm chỉ rằng tuy Ngài sẽ bị chúng giết, nhưng Ngài không hoàn toàn giống con ông chủ kia đâu, Ngài sẽ chết, nhưng không phải chết là hết. Ngài sẽ thắng sự chết và sống lại hiển vinh. Ngài chết để xây một tòa nhà thiêng liêng là Giáo Hội. Trong tòa nhà đó, Ngài sẽ là tảng đá góc tường, một tảng đá đối với quan niệm Do Thái, rất hệ trọng trong việc kiến trúc, để nâng đỡ và giữ vững cả tòa nhà. Ai mù quáng ngã vào tảng đá đó, sẽ bị giập nát. Ngài nhắc tới Thánh vịnh 118 và dõng dạc tuyên bố:
-Các người không đọc lời này trong Thánh vịnh sao: Viên đá mà bọn thợ xây loại ra, chính viên đá đó đã trở nên đá góc tường ? Đó chính là công việc của Chúa, công việc lạ lùng trước mắt chúng ta. Đối với viên đá đó phải coi chừng ! Ai ngã vào tảng đá đó, sẽ bị giập nát. Và đá đó rơi vào ai, người ấy sẽ bị đè bẹp…
Nghe đến đây, cơn giận của họ dâng lên mạnh như nước thủy triều. Giới Luật sĩ và Đạo trưởng biết rõ rệt Ngài chủ ý mắng và đe họ. Họ toan dùng võ lực để báo oán ngay, nhưng rồi lại bỏ vì biết chắc dân sẽ bênh Ngài. Tuy nhiên, họ quyết tìm một lẽ vững chắc để tố cáo Ngài trước vị toàn quyền La Mã, vì họ tin tưởng vị này có đủ quyền lên án tử hình cho Ngài mà không làm dân náo động.
Họ để Ngài ở lại và ra đi. Nhưng cũng do kế đó một lần nữa, Ngài thoát khỏi tay họ.