Trên Đồi Đá Trắng, Chúa Trời Tắt Thở!

U SẦU LẪN HOẢNG SỢ PHỦ KHẮP CÀN KHÔN…

Ở ngoại ô thành Jêrusalem, có một ngọn đồi người Do Thái gọi là Golgotha, nghĩa là núi Sọ, vì hình dạng nó giống một cái sọ. Đồi này bằng đất pha đá vôi nằm dài trên đường quan lộ về phía bắc thủ đô.

Người Do Thái chọn đồi này làm nơi ném đá những người bị xử, người La Mã cũng chọn đồi này làm chỗ đóng đinh các phạm nhân. Cả hai dân tộc cùng chọn điểm then chốt các ngã đường như vậy làm chốn pháp trường, cốt ý để khách vãng lai phải chứng kiến những hình khổ của các phạm nhân và sinh lòng khiếp sợ quyền bính của họ.

Golgotha cũng là chặng sau cùng đường khổ giá của Chúa. Khi gần đến chặng đó, theo một tục lệ người Do Thái quen giữ để an ủi các phạm nhân, quân lính đưa cho Chúa một cốc rượu để Ngài uống. Đó là thứ rượu mạnh làm bằng mộc dược nhũ hương và mật đắng có tính chất làm tê mê bộ thần kinh và do vậy giúp Ngài dễ chịu khổ hơn.

Thứ rượu này, mấy thiếu phụ có lòng mến Chúa, đã đưa cho quân lính để dâng Ngài. Nhưng vì muốn chịu hết mọi đau khổ Chúa Cha gửi đến, Ngài chỉ nếm chứ không uống,

Ngài muốn giữ nguyên vẹn bộ thần kinh để chịu khổ lâu và có ý thức về những sự khổ cực ấy.

Chúa bước tới đỉnh đồi, trời cũng gần đúng ngọ, Ngài sung sướng vì đường khổ giá đã vượt qua và trong mấy phút nữa sẽ được treo lên, để dâng cho Chúa Cha một hy sinh quý giá chuộc đền cho nhân loại. Bởi thế, tuy toàn thân Ngài đã biến thành một vết máu, chất nặng mọi đau thương, nhưng lòng Ngài thanh bình, sẵn sàng đón nhận mọi khổ cực mới. Cũng lúc đó, quân lính hì hục việc đóng đinh.

Chúng đã lột hết áo Ngài ra, để Ngài ở trần truồng. Mỗi chiếc áo bị lột, Ngài lại mất thêm một ít máu, chiếc áo sau cùng làm Ngài sứt một ít da và cảnh trần truồng, chứng tỏ thân Ngài, từ đỉnh đầu đến bàn chân, đã rách nát. Ngài giống một người hủi loang lỗ khắp mình, hay gần giống một con vật bị lột da mà toàn thân đầy những vết dao chích máu, phần lớn vết chích đã tím lại, và ít nhiều vết còn để chảy một giòng máu tươi. Ngả cây thánh giá su si xuống đất, quân lính xô Ngài nằm ngửa ở trên, đầu Ngài đập mạnh vào thập ác, chiếc mão gai bị lệch đi, và lưng Ngài chạm vào mấy bướu nhọn cùng giật mạnh. Cả đầu và lưng Ngài đều nứt máu. Hai hàm răng Ngài cắn chặt, mặt Ngài nhăn lên, rồi vụt đổi lại hiền từ đáng kính….Đôi mắt Ngài mở rộng, nhìn thẳng lên trời, rồi nhắm mắt lại như người âm thầm cầu khẩn với Đức Chúa Cha. Quân lý hình bắt Ngài dang hai tay và duỗi hai chân. Ngài vâng lời. Mấy đứa đè chặt lấy hai chân Ngài cho mấy đứa khác đóng hai tay Ngài vào hai cánh thập giá.

Ngài bị đóng đinh ở giữa gan bàn tay, bằng một thứ đinh lớn hơn đinh thuyền. Lý hình đóng mấy búa, đinh đã thâu qua làm chảy máu rồi cắm chặt vào khổ giá. Đóng xong tay mặt lại đóng tay trái. Nhưng tay này vì rét lạnh, hay vì phản lực của thần kinh đã co lại. Lý hình phải kéo thẳng ra mới đóng đinh được. Nhưng chúng kéo mạnh quá, mấy xương ngực Ngài dãn ra. Trong khi ấy, chúng tưởng Ngài kêu la vì đau đớn. Nhưng Ngài vẫn một mực im lặng, như đã im lặng trong các phiên tòa buổi sáng…Đóng xong hai tay, chúng kéo hai chân Ngài xuống ướm thử, chúng bắt hai gối Ngài cong lên, để hai bàn chân áp hẳn vào sườn khổ giá, rồi đóng mỗi chân một đinh. Những dấu đinh này làm Ngài hơi nhăn mặt, vì nó phạm và đau buốt hơn ở những dấu ở tay…Đóng đinh xong, viên đội trưởng ra lệnh cho Lý hình đóng thêm một bảng án trên đầu Ngài, bảng án mà Philatô đã viết bằng ba thứ tiếng: Latin, Hy Lạp và Do Thái. Câu trên bảng án là: Giêsu Nazareth Vua Do Thái.

Đóng đinh xong, quân lính dựng thập giá lên vừa lúc trời đúng ngọ, mười hai giờ điểm,

ánh nắng nhuộm khắp không gian và muôn vật một màu vàng vĩ đại. Cũng lúc ấy từ trong Thánh đường Jêrusalem vang lên ba tiếng kèn inh ỏi, báo hiệu giờ hiến tế của lễ Vượt Qua, từng nghìn con chiên ngã gục trong im lặng, máu tuôn lênh láng. Những con chiên đó đã xứng đáng biểu tượng cách sâu xa, một con chiên trinh bạch, mà Thánh Gioan Tẩy Giả gọi là Con Thiên Chúa, đang bị treo giữa Trời và Đất, giữa Thiên Chúa và Nhân loại trên đỉnh đồi Golgotha.

Khổ giá Chúa dựng lên giữa hai khổ giá của hai người đạo tặc cũng bị đóng đinh hôm ấy, một người bên hữu, một người bên tả. Trường hợp gây sỉ nhục đó đã làm ứng nghiệm lời ông Isaia nói tiên tri xưa: Người đã bị liệt vào hạng những người tội ác.

(Is. 53: 12) Dựng thập giá xong, bốn tên lính chia nhau áo sống của Ngài. Ngài có tất cả một áo lót trong, một áo khoác ngoài, một dây lưng, một mũ vải và một đôi giầy. Chúng chia làm 4 phần; còn áo lót trong là thứ áo không khâu từng mảnh lại, nhưng đan liền thành một tấm, nên chúng rút thăm; Ai được thì lấy cả. Công việc đã làm ứng nghiệm lời tiên tri ông Đavít để lại: Chúng đã chia nhau xống áo của Ta và rút thăm chiếc áo lót. (Tv. 22: 19)

Đang khi lý hình chia xống áo với nhau, lòng Đức Mẹ như bị xé trăm mảnh, Người nghẹn ngào nhìn Con, thương Con không kể xiết. Trước đây lý hình giơ búa đóng đinh tay chân Con, lòng Người đã cảm thấy như bị đóng đinh một trật. Bây giờ nhìn lên thập giá, lòng Người càng khổ sở đắng cay: Kẻ nghèo nàn nhất trên đời còn có mảnh áo; nhưng Con Người chẳng có một tấm giẻ để che thân song chỉ còn mão gai và đinh sắt !

Chỉ còn hình khổ với vết thương, chỉ còn trần truồng và sỉ nhục ! Người hành khất còn có một gối đá, một viên gạch để đỡ đầu, hay một khoảng đất để nghỉ lưng, nhưng đầu Con Người chẳng có nơi mà tựa, và giường nghỉ là thập ác su si đã dựng đứng ! Tay kia đã làm bao phép lạ đã cứu chữa loài người, mà rầy bị đóng đinh ! Thầy dạy sự thật, mà rầy bị nhục hình giữa hai người tội ác !…

Nhưng xác Chúa bỗng chuyển động. Xương và ruột Ngài như giùng xuống. Bởi xác nặng, những lỗ đinh ở chân tay nguếch rỗng ra. Một ít nước lẫn máu ròng ròng chảy xuống. Cảnh tượng mới này càng làm Đức Mẹ buồn rầu thảm thiết hơn, Người nhìn thẳng vào đôi mắt vấy máu của Con, như thể chia sầu trong nức nở. Bà Madalena đứng cạnh, vẫn sụt sùi, hai con mắt đỏ và sầu phiền man mác..Nhưng chính lúc đau khổ đến cùng cực ấy, mắt Ngài hiểu mắt Mẹ, lòng Ngài yêu nhân loại đã bốc cháy đến cực độ vô biên. Ngài nói một lời như quên hết mọi lỗi lầm của những kẻ giết Ngài và mọi thứ người trên trần thế:

-Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không hiểu việc chúng làm.

Lời Ngài trên đây, phản ảnh của một tình yêu sáng lạn. Tình yêu đó trương phủ hết mọi người và lúc này hướng riêng về những kẻ tham dự việc giết Ngài, về những quân lính, những lý hình, nhất là những Trưởng tế và Thượng tế. Phải ! Những người đó đã bị cơn giận ghét hay lòng ác độc làm mù quáng biết bao ! Tuy nhiên tình yêu của Ngài, không nỡ bỏ họ và lúc này Ngài dâng hết mọi khổ cực đang phải chịu cho Chúa Cha, để họ được tha thứ.

Nhưng than ôi ! Nghe lời khẩn nguyện đầy dung thứ của Ngài, họ lại càng tức khí. Những Thượng tế. Trưởng tế, Luật sĩ, Biệt phái và kỳ lão sung sướng đứng nhìn xem Ngài chịu cực, bắt đầu thi nhau chế nhạo và thóa mạ Ngài đủ cách:

-Kìa nó đã cứu bao nhiêu người khác, mà chẳng cứu được chính mình ! Kìa KiTô của Đức Chúa Trời hãy cứu mình đi !

-Nào KiTô Vua Israel ! Hãy xuống khỏi thập giá để chúng ta coi, để chúng ta tin nữa.

-Nó cậy nhờ Đức Chúa Trời à ? Nếu thế, Ngài sẽ cứu nó chứ ?

-Ngài hãy cứu nó bây giờ đi, vì nó xưng rằng: Ta là Con Thiên Chúa.

Dân chúng đứng xem và những khách qua đường cũng bắt chước các Đạo trưởng lắc đầu và chế nhạo:

-Hê ! Kẻ phá Đền thờ và xây lại trong ba ngày, hãy cứu lấy mình đi !

-Hê ! Kẻ xưng mình là Con Đức Chúa Trời, hãy xuống khỏi khổ giá !

Mấy tên lính đứng giữ trật tự cũng nói hùa theo:

-Nếu ông là Vua Do Thái, sao ông chẳng cứu lấy mình ! Chà ! Ông hãy tự cứu mình đi !…

Từ lúc dựng khổ giá lên, hai người đạo tặc cũng tỏ vẻ bất bình với Chúa lắm. Họ thấy Ngài cũng là một phạm nhân như họ mà sao lại được viên đội trưởng bắt ông Simôn vác khổ giá hộ và được nhiều người để ý. Nên họ ghen tị với Ngài ngay từ lúc vác khổ giá lên rới Golgotha. Bây giờ họ lại biết Ngài đã từng xưng mình là tiên tri, đã từng chữa bao người bệnh tật, cho cả người chết sống lại, thế mà sao Ngài lại chịu bó tay, không thi hành phép vạn năng để cứu Ngài và cứu họ. Nên không những là ghen, mà họ còn tức với Chúa nữa. Tuy nhiên, sau khi nghe Chúa nói Xin Cha tha cho chúng, vì chúng lầm chẳng hiểu Người đạo tặc bên hữu đã tỏ vẻ hối hận và kính phục Ngài. Ông nhận thấy trong câu nói của Chúa một lời cầu khẩn rất mới lạ, rất dị thường, đầy nhẫn nhục, đầy khoan dung, xứng một vị đại nhân và thánh thiện. Ông quay nhìn Chúa, tỏ dâu phục thái độ thầm lặng và anh hùng của Chúa giữa những cơn cực hình. Và hầu như ông đã nhận ở nơi Chúa một vẻ uy nghi cao cả nữa. Đôi mắt ông kết luận Ngài là một tiên tri đã bị oan, một tiên tri đã từng làm phép lạ để chứng thực về Nước Trời, một nước yêu thương đầy hạnh phúc.

Nhưng lúc mắt và lòng ông đang hướng mạnh về Chúa, như hướng về một vị cứu tinh uy hùng. Thì trái lại, người đạo tặc bên tả lườm Chúa, với con mắt tức giận và nặng lời thóa mạ Ngài như lối các Đạo trưởng:

-À ! Anh là KiTô ư ? Thế sao không cứu lấy mình và cứu chúng ta nữa ?

Tức giận, người đạo tặc kia liền trách hắn thay cho vị ông kính mến và hết lòng tín nhiệm:

-Câm mồn đi ! Đừng nói bậy ! Mày đang chịu cùng một cực hình với Người mà không biết kính sợ Đức Chúa Trời sao ? Đối với chúng ta, chúng ta chịu hình khổ thế này là rất công bình và xứng đáng với việc chúng ta làm. Còn phần Người, Người vô tội, chứ có làm điều gì ác ?

Đó là lời bào chữa rất đáng thưởng trong lúc mọi người đua nhau sỉ mạ Ngài. Lời bào chữa đó đã mang lại cho ông một ánh sáng mới. Nhận biết và tin thật Ngài là Chúa Cứu Thế Đức Chúa Trời sai xuống, ông cung kính nhìn Ngài và dâng lên một tấm lòng cầu khẩn:

-Giêsu ! Bao giờ khải hoàn về Nước Trời, xin Ngài hãy nhớ đến tôi.

Chúa Giêsu liền dịu dàng nhìn ông và nói qua nét mặt yêu thương vô tận:

Ta bảo thật với con, ngay từ chiều nay, con sẽ được cùng Ta về nơi hạnh phúc.

Đó là một phép lạ cuối cùng Ngài đã ban cứu rỗi một linh hồn trước khi Ngài nhắm mắt, phép lạ này phải nói là một đại đặc ân rất lớn Ngài ban ra.Và đó cũng chính là ơn Toàn Xá đầu tiên Ngài ban ra cho một tên đạo tặc biết hối lỗi ăn năn. Tình yêu của Ngài thật là quá bao la. Ôi ! một Tình Yêu tuyệt vời !

Trong những khổ cực Chúa phải chịu trên đường khổ giá và trên đồi Golgotha, đáng kể nhất là những khổ cực Ngài phải chịu khi thấy Đức Mẹ, vì yêu Ngài và vì nhân loại, đã phải lo buồn sầu khổ đắng cay. Từ 33 năm nay và nhất là từ mây ngày này, Đức Mẹ đã phải phiền sầu vô hạn; Trái tim Người như bị bao lưỡi gươm xuyên thâu, và đầu Người như đội một vòng gai nhọn…Giờ đây Người muốn cứu thoát Con mà không được, lại phải đứng giữa địch thù để nghe chúng chế nhạo, để lát nữa chứng kiến Con Một tắt thở trên thập giá trong dấu máu, trong đau thương, và để rồi trở về với tâm trạng vô cùng sầu tủi, sông hiu hắt một mình với nhớ thương, nhớ thương con đã chịu tử hình khổ cực trên thập giá…

Những hiểu biết đó đã làm Chúa thổn thức ngậm ngùi, cùng một trật như chịu hai khổ giá; một khổ giá mình, một khổ giá của Mẹ. Hai khổ gía đó Ngài cũng thấy hiện hình trên nét mặt sầu của Mẹ, vì Mẹ Ngài yêu Con hơn mình, và nỗi cực hình Con phải chịu ngoài thể xác hay trong lòng, cùng một trật lòng Mẹ Ngài cũng chịu những hình khổ ấy.

Mẹ Ngài thảm sầu vô hạn, và nỗi thảm sầu nhất là không được chết một trật cùng Con .

Thế nhưng Chúa lại biết Mẹ Ngài đang dâng cho Chúa Cha mọi khổ cực của mình, cùng với mọi khổ cực của Con, để đền tội nhân loại. Xưa kia, trong ngày Truyền Tin, Mẹ Ngài đã dâng tiếng Fiat rất anh dũng để Ngài ngự xuống trần, bây giờ Mẹ Ngài cũng dâng những tiếng Fiat đầy nhẫn nhục để Con Người được hiến tế cho Đức Chúa Cha. Ý nghĩ đó an ủi Ngài một phần, nhưng cũng làm Ngài càng đau khổ bởi ác tính của tội lỗi. Nên Ngài càng nhìn Mẹ Ngài với cặp mắt thiết tha, càng quyết định để lại cho Mẹ Ngài một nguồn an ủi, và đồng thời có thể biểu lộ được thiên chức cùng công trạng của Mẹ Ngài trong việc cứu thế, cũng như đồng thời đặt cả loài người và Giáo Hội dưới cánh tay từ ái của Người Mẹ có một không hai.

Bởi vậy Chúa cúi đầu về phía Đức Mẹ đang đứng gần ông Gioan, một Tông đồ rất trung thành và khiết tịnh, và giọng nói yêu mến thiết tha. Ngài nói với Đức Mẹ về ông Gioan:

-Thưa Mẹ ! Này là con Mẹ.

Rồi Ngài lại nói với ông Gioan về Đức Mẹ:

-Hỡi Gioan ! Này là Mẹ con.

Tuy sức Ngài đã kiệt, nhưng tiếng Ngài nói còn rõ lắm. Nên ông Gioan và các bà đứng chung quanh đó như bà Maria Madalena nghe rõ từng tiếng một. Ngài nói thế là ngụ ý trao cả loài người (do ông Gioan đại diện)làm con cái Đức Mẹ và đặt Đức Mẹ là Mẹ cả loài người, để trong đời sống siêu nhiên, Đức Mẹ ưng thuận coi sóc các giáo hữu và các giáo hữu được cậy nhờ vào quyền thế Đức Mẹ.

Và mầu nhiệm quá ! Ngụ ý của Ngài đã được Đức Mẹ và Thánh Gioan hiểu biết ngay. Nên sau lúc ấy, người ta đã thấy giữa Đức Mẹ và Thánh Gioan có một tình mẫu tử rất thiết tha chân thành tới nỗi, ngay sau lúc từ biệt Núi Sọ, Thánh Gioan đã được hạnh phúc đón Đức Mẹ về nhà.

Chúa chịu treo lên giữa lúc mặt trời đúng ngọ, tầng cao lộng lẫy thanh quang, và muôn vật ngập trong ánh vàng rực rỡ. Nhưng đột nhiên, một hiện tượng lạ đã xảy đến; Đồng thời với sự biến sắc của mặt trời và vẻ u sầu của không gian, ánh vàng kia đã đổi thành đỏ tím, hung hung rồi xám tối. Xám tối trương phủ cả mặt đất và dâng lên cao che khuất mặt trời. Xám tối chiếm đoạt không gian và kéo dài đến ba giờ trong thời gian, khiến các lữ khách và dân thành Jêrusalem đều khiếp sợ ! Họ tiên cảm sẽ có một đại họa xảy đến, như trời sập, đất động, núi lở hay biển trào lên. Nên ai nấy lo chạy về nhà, và lòng dạ hồi hộp hoảng hốt. Tuy nhiên, trên đồi Golgotha, vẫn còn một số người rán ở lại, đó là các Trưởng tế, Luật sĩ, Biệt phái và những người đồng lõa với họ. Họ ở lại để chứng kiến cuộc tử nạn của Chúa, cuộc tử nạn thê thảm chính tay họ đã gây lên !

Họ cũng ở lại để được thấy những người yêu của Chúa phải sầu phiền trong cái chết khổ nhục đó !

Nhưng trong lúc càn khôn hầu như rạn vỡ, Chúa ở trên thập giá vẫn giữ thái độ yên bình, âm thầm cầu khẩn Đức Chúa Cha thay cho nhân loại và thỉnh thoảng nhìn vào khoảng không đang u sầu tang tóc, gởi lại cho loài người một tiếng yêu thương, một câu tha thứ, một lời an ủi. Tuy nhiên, thái độ anh hùng và tình yêu cao cả của Ngài không ngăn cản xác thịt Ngài mòn mỏi và kéo kiệt dần trong đau thương. Linh hồn Ngài như một đỉnh núi chót vót, luôn luôn nhuộm hào quang chói lọi của ý chí anh hùng. Nhưng đối lại thân thể Ngài đã chịu đóng đinh, cũng tựa như một chân núi bị chìm ngập trong tăm tối, một cơn bão khổ cực đang gào rống chung quanh, cơn bão mỗi lúc mỗi thổi mạnh, tàn phá từng phần một và khắp thánh thể Ngài, khiến Ngài đau đớn quá sức. Và đau đớn còn dẫy lên mãnh liệt tới nỗi muốn lấn át cả ý chí chịu đựng, làm Ngài cảm tưởng như Chúa Cha đã từ bỏ. Nên trong cơn thảm sầu cực khổ ấy, Ngài kêu lên:

-Eli, Eli, Lama sabachthani Nghĩa là Lạy Chúa, lạy Chúa, Chúa bỏ con ư ?

(Lời Chúa nói trên, là câu đầu Ca vịnh 22, tiên báo cuộc thụ nạn và khởi hoàn của Chúa Cứu Thế, đồng thời cũng nhắc nhở loài người biết Chúa Cứu Thế thực là Chúa Cứu Thế chịu khổ hình và khổ hình Ngài chịu là tột bực !)

Ngài kêu làm Đức Mẹ biến sắc và tái nhợt một cách lạ; Rõ ràng một khổ cực mới và khó hiểu hiện trên khuôn mặt đáng kính của Ngài và trên nét mặt đầm đìa nước mắt của đám thiếu phụ đạo đức đứng xung quanh. Nhưng nghe Ngài kêu, bọn thù địch của Chúa tỏ dấu đắc chí một cách quái dị. Bọn lính canh tưởng Chúa gọi ông tiên tri Êlia đến cứu, liền chế nhạo:

-Kìa ! Nó gọi ông Êlia.

Nhưng lời chế nhạo của chúng vừa dứt, Ngài lại kêu lên:

-Ta khát !

Bấy giờ một tên lính động lòng trắc ẩn chạy đi lấy miếng bông để thấm vào giấm, rồi quấn vào đầu cây sậy giơ lên miệng Ngài. (đây là thứ rượu chua pha giấm hồi ấy lính La Mã hay dùng tục gọi là rượu Posca.) Mấy đứa khác và bọn Trưởng tế muốn can ngăn:
-Đệ kệ hắn, xem rồi Êlia có đến cứu hắn không ?
Nhưng nhất định tên lính ấy, cứ lấy bông bể thấm giấm và đưa lên cho Ngài. Trước nhã cử đó, như để thưởng lòng tốt của hắn, Chúa hơi nghiêng đầu nhấm một chút rồi Ngài phán:

-Mọi sự đã hoàn tất.

Câu nói đó có nghĩa là chén đắng Ngài phải uống đã cạn, phép công thẳng Đức Chúa Cha đã được đền bù cách đầy đủ, việc chuộc tội nhân loại đã được chu toàn, và quyền thống trị của ma quỷ trên nhân loại đã bị lật đổ. Bởi vậy nên Ngài mừng, vì chương trình giải phóng của Ngài đã được thực hiện từng nét. Cũng bởi vậy, một nguồn vui sướng lại chảy tràn trên tâm hồn Ngài, khiến Ngài mỉm cười với cái chết sắp đến để đưa Ngài về với Đức Chúa Cha. Nên phán xong lời đó, thánh nhan Ngài sáng láng khác thường. Thu hết tàn sức còn lại, Ngài ném vào khoảng không một tiếng kêu uy hùng đầy phó thác và tín nhiệm:

-Lạy Cha ! Con phó linh hồn con trong tay Cha !

Rồi Ngài từ từ nhắm mắt, cúi đầu và êm đềm thở hơi sau hết !
Bấy giờ khoảng ba giờ chiều….

Nhưng cái chết êm ái của Ngài đã gieo vào trời đất đang nhuộm màu tang một cơn bão kinh sợ và hoảng hốt. Cả vũ trụ như bị lung lay đến tận gốc. Một cơn lốc dữ dội khác thường nổi lên, làm bụi mù cả một khoảng trời đen tối, chốc chốc lóe ra những tia chớp đỏ gay. Trái đất chuyển mạnh, những tảng đá lớn nẻ toác ra và lở xuống. Mọi người khiếp sợ kinh hoàng; kẻ cắm cổ chạy vào thành tìm chỗ ẩn, người hốt hoảng chạy bỏ thành ra đi, mặt xám ngắt, chân tay run giật và tai nghe những tiếng sét đánh: Nhiều mồ mả ở những núi đá quanh thành bật cửa ra, nhiều linh hồn thánh chổi dậy hiển hiện về trong thành. Kinh hoàng hơn nữa; Chiếc màn ngũ sắc che nơi Cung Thánh của Thánh đường đã bị xé rách từ trên xuống dưới.

Thật là Chúa Trời chịu chết, muôn vật đã khóc thương, hết mọi cơ cấu trong vũ trụ đã bị lung lay rời rạc: Mặt trời đã mất ánh sáng, trái đất đã chuyển động, không trung nhuộm màu tang, gió đã lớn tiếng khóc than và núi đá trơ trơ đã cảm xúc trong cơn đau buồn tuyệt vọng…Dĩ chí chiếc màn vô tư của Thánh đường cũng tự động chia đôi !….

Nó chia đôi để tượng trưng Luật cũ của Do Thái đã bị Chúa Trời phế bãi, để chỉ Thánh đường Jêrusalem không còn phải là nơi Chúa Trời ngự trị, nhưng nơi đó chính là những linh hồn được hưởng cái chết thánh thiện và anh hùng của Chúa.

Những hiện tượng ly kỳ và khủng khiếp của thiên nhiên trước cái chết của Chúa, làm cả bọn Luật sĩ, Biệt phái và Trưởng tế cũng hoảng sợ. Họ vội tìm lối tắt trở vào thành. Nên trên đồi Golgotha chỉ còn lại có viên đội trưởng, mấy tên lính giữ việc canh gác các khổ nhân và một số ít khán giả. Những người này thấy mọi việc xảy ra, cho là Đấng Giavê muốn báo oán cái chết của vị tiên tri mà họ có liên can đến một phần nào, nên họ nhìn lên Chúa với cặp mắt van lơn, rồi lui về, tay đấm ngực và lòng ăn năn hối lỗi. Mấy tên lính trước kia hung hăng, bây giờ cũng sợ mất vía, đứng thu gọn lại như sợ ai trói buộc. Riêng viên đội trưởng, người đã để ý nhận xét những hiện trạng xảy ra và thán phục cái chết rất can đảm và bình tĩnh lạ lùng của Chúa, ông không thể cầm mình được và kêu lên:

-Quả thực vị này là Đấng Thánh, Con Đức Chúa Trời.

Câu nói cảm động và đột ngột của ông làm cho Mẹ Ngài, tông đồ Gioan và nhóm phụ nữ thánh thiện đứng đấy vô cùng cảm xúc. Trên mặt Đức Mẹ, đôi mắt buồn vô hạn của Người đang nhìn về phương trời xa, thoáng hiện lên một tia an ủi…

Cả vũ trụ ngậm ngùi trước cái chết khổ cực của Chúa; Trời đất sầu thương, nhân dân đã đấm ngực hối lỗi và trái tim sắt của La Mã trong viên đội trưởng đã xúc động đến nức nở cùng sa lệ. Nhưng tâm hồn bọn thủ lãnh Do Thái vẫn trơ trơ…và họ còn tưởng với cái chết ấy, công cuộc cứu thế của Ngài đã thất bại chua cay, không còn ai dám xưng mình là môn đệ của Ngài nữa, cũng như không còn ai muốn nhắc nhở đến công việc của Ngài nữa, trừ phi với ngụ ý mỉa mai !…Nhưng trái lại họ đã lầm. Chính cái chết cam đảm đầy đau thương của Ngài đã làm Ngài thắng trận vẻ vang, và đã mở cho Giáo Hội Ngài một kỷ nguyên vinh hiển. Ngài vừa tắt thở, một số người nhút nhát, trước kia vẫn lén lút theo Ngài, đã ra mặt công khai làm môn đệ. Trong số người đó đáng kể nhất, là hai người cao cấp trong xã hội và có ảnh hưởng lớn trong dân đó là các ông Giuse và Nicôđmô.
Là một người đoan trang chân chính, quê quán tại Arimathia, ông Giuse có chân trong Hội đồng Cộng tọa. Ông tin theo Chúa từ lâu và hằng trông đợi Nước Đức Chúa Trời. Trong phiên hội đồng đêm hôm trước, ông đã cực lực phản kháng cữ chỉ và bản án bất công của Hội đồng. Tuy nhiên ông vẫn còn sợ sệt, chưa dám công khai bênh Chúa. Nhưng giờ đây tâm hồn ông đã đổi hẳn, gặp được ông Nicôđêmô là người bạn cùng chí hướng và là một người vị vọng trong Hội đồng Cộng tọa, ông liền mạnh bạo, đặt những bước chân quả quyết vào dinh Tổng trấn, để xin đem Thánh Thể của Thầy về mai táng.

Theo luật La Mã, xác những người bị xử tử không được chôn cất, nhưng phải để nguyên trên thập ác hay vất ở pháp trường cho thú dữ và muông chim ăn thịt, trừ phi có người thân thuộc đến xin về và được quan trên cho phép. Nhưng hôm ấy ông Giuse là người vị vọng có thế lực, vừa ngỏ ý xin xác Chúa Giêsu, Philatô liền ưng ngay. Song ông bỡ ngỡ, không hiể sao Ngài chết quá mau, vì thường tội nhân bị đóng đinh còn ngắc ngoải tới hai ngày mới chết. Nên ông cho người đi khám nghiệm. Hôm ấy lại là ngày thứ sáu, chỉ còn mấy giờ nữa mặt trời lặn là bắt đầu đại lễ Vượt Qua, một ngày người Do Thái rất kính trọng và có tục lệ cấm để xác kẻ bị xử trên thập ác kẻo ngày Đại lễ bị nhơ. Vì thế theo tục lệ và lời yêu cầu các thủ lãnh Do Thái, mấy người khám nghiệm hôm ấy phải đánh dập ống chân các tội nhân để xác họ hết chỗ tựa, thòng lòng rủ xuống, tức khắc cả xác nặng phải níu vào sức cánh tay, gân ngực sẽ giãn mạnh và chóng chết vì ngạt thở. Nhờ vậy lý hình sẽ kịp có giờ tháo xác khỏi thập ác trước khi mặt trời lặn và vứt ở pháp trường. Bởi vậy mấy tên lính khám nghiệm đã đánh dập ống chân hai người đạo tặc cùng chịu đóng đinh với Chúa. Nhưng khi đến khám nghiệm Chúa, chúng nhìn kỹ và sờ tay thấu toàn thân Ngài đã cứng ngắc, chứng tỏ chắc chắn Ngài đã chết thật, không cần phải đánh dập ống chân Ngài nữa chúng mới thôi. Tuy nhiên một người trong bọn chúng, như để chắc dạ trăm phần trăm, liền lấy mũi giáo đâm vào cạnh sườn Ngài. Mũi giáo sắc nhọn đi thấu qua quả tim Ngài, và cả lớp màng bọc chung quanh, làm chút máu còn lại và nước cũng vọt chảy ra…Lúc ấy Chúa đã chết thật, xác không cảm thấy đau. Nhưng Mẹ Ngài có vẻ đau khổ tới cực độ…Người ta thấy lúc tên lính đưa mũi giáo lên, Đức Mẹ há miệng, rồi rùng mình thảm hại và nhắm mắt.

Dường như Đức Mẹ nức nở, một lối nức nở khó tả, chìm trong vực thẳm linh hồn. Tên lính xử dụng mũi giáo kia, quả đã làm một việc theo sở thích. Nhưng nhờ vậy đã ứng nghiệm mấy lời tiên tri mầu nhiệm chép trong Thánh Kinh xưa. Chúng không đánh dập xương Ngài nhưng Chúng chỉ nhìn xem người mà chúng đã dùng gươm đâm thủng

Ban khám nghiệm làm việc xong vào lúc chiều đã muộn. Hoàng hôn mở buồn trải rộng khắp khu đồi nâu đen. Cây Thập Giá hiên ngang in hình trắng nhợt trên nền trời xám. Tiếng gió rít từng cơn như tiếng nức nở nghẹn ngào của vũ trụ. Ánh lửa đỏ của mấy ngọn đuốc tỏ động lung linh. Hai ông Giuse và Nicôđêmô thi nhau phụng thờ thánh thể Chúa…

Được lệnh quan Philatô cho cất xác, hai ông đã cùng với ông tông đồ Gioan bắc thang lên tháo xác Thầy xuống và khiêng vào một mảnh vườn. Các ông kính cẩn tắm rửa sạch sẽ mọi vết máu, bụi lọ và mồ hôi. Trong khi ấy Đức Mẹ ôm chặt xác Con, bộ điệu sầu buồn cực độ: Hai mắt Người dòng dòng như suối nước; không quản ngại gai nhọn, thánh nhan Người áp mạnh trên đầu Con, và miệng Người không máy động, hay là thì thầm qua những tiếng nấc mạnh và buồn khó tả. Trong khi tâm hồn Người rất là sầu phiền và đau khổ…Đám phụ nữ thánh thiện cũng xúm đến xướt mướt, giọt vắn giọt dài, tay nâng đỡ Đức Mẹ, tay để trên những vết thương của Chúa, làm ba ông đã xúc động càng xúc động thêm. Không cầm mình nổi, các ông cũng đổ từng dòng lệ nóng trên tay trên chân và trên ngực Thầy. Các ông khóc, rồi lại rửa, lại lau, ông Gioan vừa lau vừa khóc, và khóc mãi, làm công việc tắm rửa bị kéo dài thêm.

Tắm rửa xong, các ông xức thánh thể Thầy với một trăm cân mộc dược pha lô hội do ông Nicôđêmô đem đến, và bọc di hài Thầy bằng tấm khăn trắng rộng, một khăn che mặt và một giây vải quý. Đó là cả bộ khăn niệm đắt tiền ông Giuse vội đi sắm khi vừa hay tin Thầy bị nạn. Cũng chưa xong, các ông còn theo tục lệ, xức xác Thầy bằng thứ dầu thơm rất quý, do đám phụ nữ mang theo rồi mới mai táng.

Nơi mai táng đây là khu vườn của ông Giuse cách chỗ Chúa thụ nạn chừng 40 thước. Trong vườn có một ngôi mộ mới chưa chôn. Ngôi mộ này ông Giuse đã đục sẵn để làm hậu phần cho ông. Nay ông nhường cho Chúa. Ngôi mộ lịch sử đây là một cái hang khoét sâu vào đá, chia làm hai ngăn, ngăn ngoài có cửa rộng đủ để khiêng xác vào có chỗ thắp đèn và dụng cụ cất xác; ngăn trong là nơi để xác. Ngoài cửa hang, có tảng đá lớn để lấp cửa hang và gắn kín lại sau khi mai táng.
Thời giờ gấp rút, các ông đã được phép Đức Mẹ cho táng xác Thầy trong hang đó giữa tiếng khóc thảm thiết của các bà Maria, Salômê và Madalena. Các bà vừa khóc vừa xem xét cửa mộ và coi ba ông táng xác ở đấy thế nào. Táng xác xong, ba ông vần một tảng đá lớn che đóng cửa mộ rồi lui về, lòng buồn vô hạn..Nhưng các bà còn đứng khóc lóc và kể lễ mãi trước cửa mồ, tới khi gió thổi mạnh và đêm sập đến mới chịu lui.
Các bà đem Đức Mẹ về nhà ông Gioan. Đức Mẹ buồn, nhưng vẫn nuôi một hy vọng lớn và tin chắc Con sẽ sống lại. Còn các bà chỉ biết buồn và khóc, hết khóc lại đi sắm sửa mọi thứ thuốc và dầu thơm, để hầu qua ngày Lễ Nghỉ, trở lại bên mồ khóc lóc đổ thuốc thơm !…

Chiều hôm ấy, trong khi ba môn đệ mai táng Chúa, những thù địch của Ngài hí hửng mừng lễ Vượt Qua. Họ cảm thấy sướng lạ, vì cho rằng cùng với cái chết nhuốc hổ của người họ ghét nhất, mọi trở ngại đã tiêu ma. Nhưng sáng hôm sau, là ngày Đại lễ, họ không được vững dạ như trước nữa. Họ nhớ lại xưa kia đã có lần nhà tiên tri Nazareth nói Ngài sẽ sống lại. Ô ! sống lại !..Điều đó họ có tin đâu. Đã chết, còn sống lại thế nào ?…Tuy nhiên họ biết lắm: Dầu Ngài đã chết, nhưng đảng của Ngài chưa chết, mà trái lại vẫn còn một số người tin theo, tỷ dụ Nicôđêmô và Giuse Arimathia, là những người có địa vị trong Hội đồng Cộng tọa. Biết đâu mai này chính những người đó chẳng lấy trộm xác Ngài, đem giấu ở chỗ khác rồi phao lên rằng Ngài đã sống lại, tiếp theo đó dân sẽ nghe theo, và bấy giờ càng rầy rà hơn trước. Vì thế họ quyết định phải canh giữ mộ Ngài, cẩn thận đề phòng việc lấy trộm xác.

Vậy họ ủy một số Trưởng tế và nhân viên đảng Biệt Phái vào trình với quan Tổng trấn:

-Thưa quan, chúng tôi nhớ lại lúc còn sống, tên ngụy trá đó đã tuyên bố rằng; khỏi ba ngày ta sẽ sống lại. Vậy chúng tôi đến yêu cầu quan ra lệnh để canh giữ mồ y thật cẩn thận trong ba ngày, kẽo nhỡ môn đệ y đến lấy trộm xác rồi huyền hoặc dân rằng y đã sống lại, và điều lừa bịp đó càng tệ hại hơn điều y đã xưng mình là cứu thế, là tiên tri.

Nhưng vẫn còn tức giận với họ, Philatô chỉ cho một toán lính nhỏ và lãnh đạm trả lời:
-Các ngươi cũng có cảnh binh riêng, các ngươi hãy đặt quân canh giữ như các ngươi muốn.

Nghe vậy bọn Trưởng tế và Biệt Phái hí hửng đi ra. Họ cho binh lính tràn vào mảnh vườn riêng của ông Giuse và bố trí canh giữ rất cẩn thận ở quanh mồ. Họ còn lấy giây buộc hòn đá nọ hòn đá kia đóng ấn vào hòn đá ở cửa mồ, để không ai có thể vào lấy trộm xác.

Chia sẻ Bài này:

Related posts