Caipha và các ủy viên Hội đồng Do Thái muốn giết Chúa trước ngày lễ Vượt Qua. Nhưng thời ấy, đã bị La Mã rút quyền lên án xử tử. Nên vừa tảng sáng ngày thứ sáu, Caipha đã họp Hội đồng để quyết định hẳn một chương trình vận động với vị Tổng trấn
phê chuẩn án tử cho người mới bị bắt ban đêm. Quan Tổng trấn La Mã bấy giờ hiệu là Philatô, thuộc quí tộc Phonxiô. Ông được hoàng đế Tibêriô đặt làm Tổng trấn xứ Giuđêa từ năm 26 đến năm 36. Ông thường đóng tại Xêxanêa bên bờ Địa Trung Hải. Trong những dịp đại lễ, ông đem quân về thành Jêrusalem chừng mười năm hay hai mươi ngày để giữ trật tự. Năm nay, dịp lễ Vượt Qua, dịp Chúa chịu chết, ông cũng đem quân về đóng ở giáo đô Jêrusalem trong một đồn kiên cố có 4 tháp cao, gọi là đồn Antônia. Đối với thượng vị Tibêriô và Thượng nghị viện La Mã, ông hết sức phục tùng. Nhưng đối với người Do Thái, ông tỏ thái độ kiêu căng khinh miệt, và giở những món ác mỗi khi hồ nghi Do Thái muốn lật đổ quyền bính ông. Ông không đếm xỉa đến tục lệ và lễ nghi tôn giáo của họ, vì thế đã hơn một lần ông đi sai đường lối chính trị đối với dân, làm bọn sĩ phu Do Thái oán hận. Một ngày kia ông lấy tiền trong ngân khố của Thánh đường để xây cất một ống dẫn nước. Cử chỉ đó làm các Trưởng tế vô cùng tức bực. Để dàn hòa, ông truyền cho quân lính lấy những thuẫn bằng vàng bắt được của các dân đem vào để ở Thánh đường. Ông tưởng thế là đẹp lòng dân. Nhưng trái lại, những thuẫn đó có khắc hình những tượng thần ngoại giáo, nên Do Thái cho là ông muốn vũ nhục Đấng Giavê. Các Trưởng tế và Kỳ lão liền mượn dịp này, sai người sang La Mã để phản đối, khiến La Mã lệnh cho ông phải thu hồi những thuẫn đó. Từ đó, sau cuộc thất bại này, ông đâm ra nhu nhược và do dự, ít dám đi ngược ý dân, nhất là trong những vấn đề tôn giáo. Vậy sáng ngày thứ sáu, ấn định xong chương trình, các Trưởng tế, Luật sĩ và Kỳ lão đem Chúa đến xử ở dinh quan Philatô. Chương trình của họ là biến vấn đề tôn giáo thành vấn đề chính trị, nghĩa là: Hẳn Chúa có tội với dân tộc và tôn giáo, nhưng nhất là có tội với thượng vị Rôma. Hôm ấy ngày áp lễ Vượt Qua, nên thủ đô Jêrusalem chật ních người, các đường phố tấp nập kẻ đi người lại. Khi quân lính điệu Chúa đến dinh ông Philatô, dân chúng nhìn xem và bàn tán mỗi người một cách. Người này nói: Kìa Giêsu, nhà tiên tri đã bị bắt và bị trói cả hai tay ! Người kia nói: Mà tất cả các Trưởng tế Luật sĩ và Kỳ lão đã kết án Giêsu, chắc Giêsu là một người dối trá mới bị thế. Người khác nữa: Nhưng này những phép lạ của hắn ở đâu, những phù pháp của hắn đã biến đi đàng nào ? Thôi đích rồi, xưa kia hắn chỉ huyền hoặc dân đen. Bàn tán thế, rồi họ bên phe kẻ mạnh và quay ra phản đối Chúa. Họ bước theo bọn đối phương của Chúa đến tận dinh ông Philatô. Nhưng đến dinh ông Tổng trấn, họ đứng ngoài sân, chứ không vào trong nhà, vì theo tục lệ của họ, vào nhà người ngoại là mắc nhơ, không còn được mừng lễ Vượt Qua nữa. Đã được báo trước, ông Philatô ung dung bước ra ngoài hiên để xử án. Đồng thời, hai tên lính áp điệu Chúa lên thềm cao và bắt Ngài đứng về phía tay phải. Philatô bệ vệ ngồi trên một chiếc ghế khắc chạm rất khéo, và không để mất thì giờ, ông quay nhìn xuống bọn nộp Chúa, đi thẳng vào vấn đề và lãnh đạm hỏi: -Người này có tội gì mà các ngươi truy tố ? Câu hỏi của Philatô như gián tiếp bênh người bị cáo, làm các ủy viên Do Thái bực tức, tất cả Hội đồng Cộng tọa và dân phải khó nhọc trong ngày áp lễ đến để xin ông xử cho một việc hệ trọng mà ông lại hỏi thế ư ? Hay ông hồ nghi về thái độ đoan trang của Ngài ? Cả bọn liền lên giọng bất mãn: Nếu không có tội, chúng tôi nộp nó cho quan làm gì ? Để ủng hộ câu nói trên, nhiều Trưởng tế, Luật sĩ và Kỳ lão cùng nhao nhao lên tố cáo, mỗi người nói một câu: -Nó đã sỉ nhục tôn giáo ! -Nó dám hăm đe sẽ phá Thánh đường ! -Nó mạo xưng là Chúa Cứu Thế ! -Nó dám tự nhận là Con Đức Chúa Trời ! -Nó dùng tà thuật để lừa dối dân đen ! Và nó đáng chết ! Thái độ của họ làm ông Philatô tức khí, ông nói dịu mát lại: -Thế các ngươi hay đem người này đi và xử theo lậut của các ngươi. Bọn đàn anh Do Thái cảm thấy trong lời nói đó một điều chua chát vì họ mất quyền lên án tử hình. Nhưng lúc hữu sự cũng phải nhún nhường, họ đáp lại: -Nhưng quan biết, chúng tôi không có quyền xử tử ai. Hai tiếng xử tử vang bên cạnh người bị trói có vẻ hiền lành đứng trước mặt ông Philatô, làm đầu óc ông nổi lên ý nghĩ về một việc tối hệ. Hai mắt ông ánh lên một tia nghi hoặc. Ông biết lắm, nhiều cái đối với Do Thái là trọng tội, nhưng đối luật Rôma, chỉ là vô tội hay là một tội thường không đáng kể. Nhưng bọn cáo già của Đền thờ hiểu biết: tố cáo Giêsu về vấn đề tôn giáo sẽ không được việc, song chỉ làm trò cười cho viên Tổng trấn. Họ chuyển sang địa hạt khác, truy tố phạm nhân về tội chính trị. Họ đồng thanh cáo buộc: Tội nó rất lớn, Chúng tôi bắt được nó tuyên truyền, xúi dân làm loạn, cấm dân nộp thuế, và muốn được tôn làm Cứu Thế, làm vua. Đó là những lời tố cáo khá rõ rệt và chi tiết. Tuy nhiên, những lời tố cáo đó hoàn toàn là vu oan. Chúa có giảng dạy thật. Nhưng không bao giờ Ngài xúi dân làm loạn cả. Ngài chỉ dạy người dân khổ sở lầm than biết cách tìm hạnh phúc đích thực, cũng như Ngài dạy Của Xêgia trả cho Xêgia chứ không bao giờ Ngài đả động đến người La Mã. Còn vấn đề Cứu Thế Ngài đã nêu rõ ý nghĩa siêu nhiên của danh từ đó, chứ không bao giờ Ngài tuyên bố theo ý nghĩa chính trị và phàm tục như họ gán cho Ngài. Sau cùng, lời tố cáo làm vua thật là vô lý quá, vì Ngài chẳng có quân binh khí giới và không màng chi đến của cải; trái lại có lần dân chúng muốn tôn Ngài làm vua, Ngài phải trốn tránh, và Ngài hằng sống với kẻ nghèo khó, chứ không lui tới lớp người giàu sang. Và quả thực, nếu những lời tố cáo trên đây có nền tảng chắc chắn, hẳn ông Philatô phải coi là trọng hệ. Nhưng càng tố cáo ông càng sinh nghi. Ông nghĩ người khôn ngoan và hiền lành đứng trước mặt ông không thể phạm những tội như thế được. Chắc hẳn đó chỉ là chuyện bịa đặt do lòng ác của dân chúng. Phải, ông lập luận: giới Đạo trưởng, Luật sĩ và Kỳ lão, lũ rắn độc của Đền thờ, rất ghét La Mã và ghét ông, hằng tìm cách lật đổ ông và quét sạch ảnh hưởng của người thống trị, không lẽ đã hóa dại, cùng nhau đến tố cáo ở tòa ông một người đồng bào có óc cách mạng đứng lên đả phá người La Mã. Bởi vậy, ông nghĩ đây chỉ là chuyện thù hằn, và muốn biết rõ chuyện hỏi người bị cáo là tốt hơn. Nên ông đứng dậy, lui vào nhà trong và truyền cho quân lính đem Chúa Giêsu vào. Ông bỏ qua những điểm phụ, đi vào điểm chính ngay, thân mật hỏi Chúa: -Ông có phải là Vua Do Thái không ? Nhưng Chúa không thưa, Ngài im lặng, vì quả thực rất khó làm cho một người La Mã, hơn nữa một người vô thần theo chủ nghĩa Pyrô, vẫn mù tịt về những lời hứa Cứu thoát của Đức Chúa Trời, hiểu ngay được cái ý nghĩa vĩ đại của một vì vương trong Nước Siêu Nhiên, Ngài sẽ lập, một nước muôn đời tồn tại, vượt trên mọi nước thế gian. Nhưng vẻ khẩn khoản như muốn chóng được nghe một tiếng không bởi miệng Ngài để tha ngay, ông Philatô hỏi lại nữa: -Ông là Vua Do Thái phải không ? Bây giờ im lặng nữa, tức là gián tiếp phản lại mình và chối là nói dối, Ngài cũng không muốn nói dối để thoát thân, Ngài liền đáp lại ông Philatô, nhưng với một câu ngầm phân biệt ý nghĩa tiếng Vua mà Ngài sẽ nhận: -Quan tự ý nói ra điều đó, hay có ai đã nói với quan về tôi ? Câu đó có nghĩa là : Quan hiểu tiếng Vua theo ý nghĩa nào ? Nếu quan tự ý nói tiếng Vua có nghĩa chính trị và người xưng mình là vua người là phản loạn. Nhưng nếu chính người Do Thái nói cho quan, tiếng Vua lại có nghĩa tôn giáo, chỉ chức vụ một nhà tiên tri hay một vị cứu thế, khác hẳn với người phản loạn. Nghe lời Chúa, ông Philatô đâm hoang mang, nhưng biết đích xác quan niệm người Do Thái về tiếng Vua và tiếng Cứu Thế Ông nhún vai trả lời Chúa giọng kiêu kiêu -Ta đây đâu phải là người Do Thái ? Ta chỉ biết dân tộc của ông và các Trương tế đã nộp ông cho ta. Thế ông đã hành động gì ? Nhưng không để ý đến câu thoái thác của Philatô. Chúa Giêsu trở lại vấn đề đã nêu ra, giải thích chức vụ của Ngài: -Nước của tôi không giống nước của thế trần này. Bằng chứng là, nếu tôi làm vua theo nghĩa thế tục hiểu, hẳn quân đội của tôi đã đánh tháo để tôi khỏi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng công việc đã xảy ra, vì quả thực vương tước của tôi không phải bởi thế gian. Nghe Ngài nói, Philatô cho là kỳ khôi quá: Thế ra lại có hai thứ quốc gia, một ở thế trần một ở trên trời ư ? Phải ! Người ta nói ở trên trời có thần minh và thánh chúa. Nhưng đó là chuyện hoang đường, còn nước ở thế trần này mới là cái gì có thực chứ ? Ông ngạc nhiên, tròn hai mắt nhìn Chúa và hỏi lại: -Thế ông thật là vua ? Chúa đáp lại: -Phải ! Tôi là vua theo ý nghĩa đã nói. Tôi sinh ra và xuống trần vì một nhiệm vụ: Làm chứng về sự thật…Tất cả những ai tìm sự thật, sẽ nghe lời tôi. Nói thế, Chúa đã giảng rõ nước của Ngài là Nước Trời, một nước thiêng liêng ở trong lòng mỗi người. Ai phục thiện, ai yêu chân lý, người ấy là công dân của Nước Trời. Sự thật là sự thật. Theo sự thật người ta phải lương thiện, công chính, bác ái, từ bi và khoan dung quảng độ, không tham lam, không ích kỷ đê hèn. Chức vụ của Ngài là tuyên giảng sự thật đó. Ngài giảng để cải hóa các linh hồn, và để đạt mục đích, Ngài không cần tiền bạc và quân đội như các vua chúa thế gian. Nhưng Ngài cần những lương tâm thiện hảo biết nghe lời Ngài, để Ngài đem lại cho ánh sáng sự thật, ngõ hầu kiến tạo nơi các linh hồn một nước Yêu Thương và Hòa Bình, vượt trên giới hạn thời gian và không gian. Nhưng Philatô là con người võ tướng kiêm chính trị, suốt đời quen dùng bạo lực và mưu mô, không thèm biết đến sự thật. Hay đối với ông, sự thật là sức mạnh, là cường quyền, là chính khoái lạc của đời sống. Nên nghe qua những danh từ vua của sự thật ông chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên và lãnh đạm. Rồi nghĩ bụng, hay người bị cáo đây là một triết gia muốn kéo ông vào một khu vực rắc rối đầy những huyền hoặc bí nhiệm, vượt khu vực ông không quen. Ông tỳ vào thành ghế, vừa đứng dậy vừa lãnh đạm hỏi: -Sự thật là gì ? Hỏi thế là để trốn thoát, và không cần đợi Chúa đáp lại, ông vội trở ra ngoài hiên. Sự hiện diện của ông làm cả công đình náo động. Ông chưa kịp nói, tứ các góc, nhất là phía các Trưởng tế và Kỳ lão, đã rầm rầm nổi dậy những lời khiếu nại, đòi ông lên án cho Chúa Giêsu mà quân lính vừa điệu ra đứng ở chỗ cũ. Ông bực mình quay nhìn Chúa và nói: -Ông có nghe thấy bao nhiêu chứng cớ buộc tội ông không ? Ông không thưa lại điều gì à ? Trước những lời truy tố, người bị cáo thường hay kêu lên hoặc múa may để chữa tội, minh chứng là mình oan. Nhưng ở đây, Chúa vẫn bình tĩnh thản nhiên, không thưa lại một lời nào, khiến ông bỡ ngỡ và thán phục. Ông có cảm tưởng nhà triết học này là đồ đệ của Platon: Hễ bị cáo gian là giở lối lặng thinh, không thèm thưa lại. Sau cùng ông nghĩ người bị cáo đây quả là vô tội và bọn sĩ phu Do Thái tố cáo Ngài chỉ để thỏa lòng oán giận hơn là vì công tâm công lý. Ông muốn tha Ngài. Ông giơ tay truyền mọi người yên lặng, tuyên bố với các Trưởng tế và toàn dân: -Ta không thấy người này có tội hay điều gì đáng phải kết án. Nhưng lời tuyên bố của ông bị phản đối kịch liệt, những tiếng huyên náo rầm rộ vang lên cả một góc trời. Cảm tưởng của họ như mồi ngon sắp chạy thoát. Những người truy tố Chúa nhao nhao lên tiếng: Sao ?…..Sao thế nào ? Quan định tha một kẻ giả mạo ư ? -Một kẻ xui nhân nổi loạn, một kẻ chuyên nói dối để kiến ăn, một kẻ làm náo động khắp miền Galilêa đến Giuđêa ư ?!…… Nghe nói đến Galilêa: ông Philatô mừng, vì những người ở xứ đó không thuộc quyền ông, nhưng thuộc quyền vua Hêrôđê và vua này hiện đang ở Jêrusalem. Ông liền điều tra xem Ngài có phải là người xứ Galilêa không để tìm một lối thoát. Mấy phút sau, biết rõ Ngài thực là người xứ Galilêa, ông liền sai giải Ngài đến tòa vua Hêrôđê để vua này xét xử. |