Chúa đã dạy các tông đồ phải trở nên muối đất, nghĩa là một mặt phải gìn giữ thế gian khỏi gương xấu, và những ảnh hưởng khốc hại cho gương xấu; một mặt khác phải đưa thế gian vào con đường lành, con đường thánh thiện. Nhưng các ông phải hành động cách nào để chu toàn bổn phận thiêng liêng ấy ? Các ông có được theo lối Biệt Phái, trao tội nhân cho dân chúng đả phạt không ? Tỷ dụ có nên nộp một dâm phụ cho tòa án nhân dân, để rồi dân chúng ném đá cho dâm phụ đó chết không ? Hẳn là không. Vì đạo Chúa lấy chữ Yêu Thương làm cốt lõi, quảng độ làm nền. Bởi vậy Chúa lại dạy các tông đồ cách thế phải sửa dạy tội nhân như sau đây:
-Nếu người anh em con có lỗi với Chúa Trời, con hãy sửa trách một cách khôn ngoan: Trước tiên con hãy thực tình mách bảo, mách bảo riêng một mình con với một mình người có lỗi. Nếu người đó nghe con mà sửa lỗi, ấy là con đã cứu được người anh em con. Nhưng nếu chẳng may con không làm được việc, nghĩa là người đó nhất định không nghe con, lúc ấy con hãy đem lại hai ba người đến với con, để nhờ sự chứng kiến của mấy người này, công việc của con được chắc chắn. Vậy con hãy thực tình khuyến dụ anh em con, hãy dùng tiếng nói của lòng nhân từ và vận động mọi cách để chinh phục người có lỗi, nhưng không được tiết lộ và tuyên truyền làm mất phẩm giá của người ta.
-Sau cùng nếu con đã hành động thế mà người ấy vẫn không thèm nghe, vẫn công khai làm tổn thương Giáo Hội bằng lỗi lầm và gương xấu, bấy giờ con hãy thưa với Giáo Hội, để Giáo Hội cảnh tỉnh, Nhược bằng phải dùng đến phương thế đó nữa, nó cũng không chịu hối hận, không chịu phục quyền Giáo Hội, bấy giờ vì vinh dự của đoàn thể, Giáo Hội sẽ ly khai nó, để các phần tử Giáo Hội khỏi phải lây vết nhơ của nó, và để tỏ rằng Giáo Hội không phải là kẻ đồng lõa với nó. Bấy giờ quả nó không còn là một phần tử của Giáo Hội nữa, và con có thể kể nó như một người ngoại giáo hay một người thu thuế.
Với những lời trên đây, quả Chúa đã dạy các tông đồ một lối rất khéo léo để cải hóa tội nhân, một lối cải hóa đầy nhân từ quảng độ. Tuy nhiên trong những trường hợp đó có liên hệ đến uy danh của đoàn thể, Ngài cũng dạy phải đem việc đến cấp trên, nghĩa là đến tòa án Giáo Hội. Quyền hành của tòa án này, trước đây Ngài đã hứa cho ông Phêrô là lãnh tụ Giáo Hội, nay nhân dịp Ngài cũng hứa cho các vị cộng tác của ông Phêrô tức là các Tông Đồ khác nữa. Nên khi đặt rõ vấn đề về quyền hạn trong Giáo Hội, Ngài lại tuyên bố:
-Hỡi các con, quả thực Thầy bảo các con, hễ điều gì các con cầm buộc ở dưới đất, ở trên trời cũng sẽ cầm buộc. Và hễ điều gì các con cởi mở ở dưới đất, ở trên trời cũng sẽ cởi mở.
Những lời Chúa phán trên đây phải hiểu về những lỗi phạm đến Chúa, những lỗi phạm làm tổn thương công ích và danh dự của Giáo Hội. Đối với những lỗi đó, Chúa thấy đôi lúc Giáo Hội cần phải dùng phép thẳng để sửa phạt mới trông có hiệu quả và phá được gương xấu. Song ngoài trường hợp đó ra nghĩa là khi nói về lỗi lầm giữa người này với người khác, giữa các nhân với cá nhân. Chúa dạy các Tông đồ và những người tin theo Ngài, phải có một thái độ khác, ấy là phải sửa lỗi anh em, nhưng nhất là phải sẵn lòng tha thứ, thực tình và tha thứ luôn luôn. Bởi thế, Ngài lại phán:
-Nếu anh em con lỗi phạm điều gì, con hãy sửa bảo, và anh em con hối hận, con hãy thứ tha. Giả thử trong một ngày anh em con sai lỗi đến bảy lần và bảy lần đến thú lỗi, con cũng hãy thứ tha.
Ông Phêrô vội ngắt lời:
-Thưa Thầy, vậy nếu anh em tôi phạm đến tôi, tôi phải tha cho họ bao nhiêu lần ? Tha có bảy lần có đủ không ?
Ông Phêrô nghĩ rằng tha tới bảy lần đã là khoan hồng lắm rồi, nên ông vội trình bày với Chúa, nhưng Chúa cho như thế cũng chưa đủ. Chúa muốn phải tha luôn luôn, chứ không phải kể lần nữa. Ngài đáp lại:
-Thầy không bảo con đến bảy lần, mà đến bảy mươi lần bảy.
Rồi nhân dịp Chúa giảng một dụ ngôn để răn những kẻ cứng lòng không muốn tha sự lầm lỗi cho người khác. Ngài dạy:
-Người ta có thể sánh ví công việc của Nước Trời với thái độ của một vị Vua nọ muốn tính sổ với những người thừa hành. Ông mở sổ và gặp trường hợp một người mắc nợ với ông mười ngàn khối bạc, ông cho đòi người đó đến và bắt trả. Ông liền chiếu luật buộc nó bán mình cùng thế tử và cả gia tài để trả nợ. Nhưng người đó phục xuống lạy ông và kêu rằng: Xin khất cho tôi ít bữa, tôi sẽ trả hết cho ông. Thấy vậy, ông động lòng thương người ấy, tha cho anh ta về và tha cả nợ nữa. Quả thật ông là người rất đại lượng và đã tỏ ra một thái độ khoan nhân hiếm có.
Nhưng người được ông tha nợ lại rất bợm bịp và bất lương. Hắn vừa ra khỏi đền đã gặp một người bạn, mắc nợ hắn một trăm đồng tiền nhỏ. Hắn liền túm lấy cổ bạn, vừa bóp vừa nói: Trả nợ tao. Bấy giờ người bạn hắn phục xuống và van rằng: Xin anh hoãn cho ít bữa, tôi sẽ trả hết cho anh. Nhưng hắn không nghe và còn bỏ tù người bạn cho đến lúc trả hết nợ. Những người thừa hành khác trong đền vua nghe biết chuyện đó, bừng bừng tức giận. Họ đem câu chuyện thuật với nhà Vua. Vua liền cho gọi hắn đến và mắng quở: Thằng bất nhân ! Thằng tệ bạc ! Tao đã tha hết nợ cho mày vì mày đã xin tao. Vậy mày phải thương hại bạn mày như tao đã thương mày chứ ? Rồi ông nổi giận và trao hắn cho tòa án để tòa bắt hắn trả nợ….
Kể dụ ngôn xong, Chúa còn thêm một câu để các Tông đồ ngẫm nghĩ và hiểu rõ rệt hơn nữa.
-Vậy nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình. Cha Thầy ở trên Trời cũng sẽ xử với các con như thế.