Từ ngày được theo hầu Chúa, các tông đồ thấy Ngài cầu nguyện luôn luôn. Nhiều lúc đang khi cầu nguyện nét mặt Ngài tỏa sáng tâm hồn Ngài dường như bay về một thế giới khác, một thế giới mầu nhiệm xa xôi. Thấy thế các ông muốn học cách Ngài cầu nguyện. Một ngày kia, vừa lúc cầu nguyện xong, các ông cùng đến bên Ngài và một ông mạnh bạo thưa Ngài rằng:
-Thưa Thầy, xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện như ông Gioan đã dạy các môn đệ của ông.
Chúa tỏ vẻ ưng thuận lời xin đó lắm. Ngài vui mặt và phán bảo:
-Khi cầu nguyện, các con đừng kể lể như thói người ngoại giáo. Họ nghĩ rằng cần phải nhiều lời mới được chấp nhận. Nhưng các con chớ bắt chước họ, vì Cha các con đã biết trước các con cần gì.
Ý Chúa muốn dạy: Người ngoại giáo chỉ nghĩ đến hình thức bên ngoài thôi. Họ lầm tưởng phải nói nhiều mới được việc, nói nhiều dường như một nguyên nhân sinh công hiệu. Nhưng các con đừng lầm tưởng thế. Cầu nguyện tệ hại nhất là ở lòng thành thật và tin cậy kính mến. Nhưng tâm tình này sâu xa nồng nhiệt, lời kinh càng dễ được chấp nhận. Vậy khi cầu nguyện các con hãy tận tình tín nhiệm vào Cha của các con. Đấng đã biết trước mọi sự.
Chúa lại cũng biết, khi cầu nguyện, người ta thường hay xin ơn nọ ơn kia và rất ít nghĩ đến vinh danh và công việc của Chúa. Xin ơn, đành là một điều tốt thật, nhưng nó cũng có tính cách vị kỷ làm cho người ta dần dần chỉ nghĩ đến mình và không lo đến việc của Chúa. Đó là một thái độ thiếu cao thượng và ít đẹp đẽ. Vì thế Chúa lại dạy các tông đồ một thể thức cầu nguyện, một thể thức rất ý nghĩa, nâng linh hồn lên cao, để người ta nghĩ đến Chúa trước rồi trình bày những nhu cầu sau .
Chúa dạy các tông đồ cầu nguyện rằng:
-Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển
-Triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
-Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày
-Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.
-Xin đừng để chúng con xa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
(Mathêu: 6: 9-13 )
Thế là Chúa đã dạy các tông đồ và qua các tông đồ, tất cả các giáo hữu…một lối cầu nguyện theo hai quan niệm sau đây:
Quan niệm thứ nhất: Phải xin cho thánh danh Thiên Chúa được thiên hạ nhận biết mến yêu và phụng sự, phải xin cho Nước Cha tức là Uy quyền của Chúa hay là Giáo Hội Ngài sẽ lập được lan rộng khắp nơi., được thống trị trong cả thế giới nhất là trong các linh hồn; phải xin cho thánh ý Cha được mọi người ở dưới đất tuân phục cách hoàn hảo cũng như các thánh ở trên trời hằng tuân phục.
Quan niệm thứ hai: Sau khi hướng lòng về Chúa, người ta có thể xin ơn nọ ơn kia cho mình theo thứ tự như sau: Xin cho được đủ của để nuôi mình hằng ngày; xin Chúa tha nợ tội lỗi, cái nợ tội lỗi đã làm phiền lòng Chúa; xin Chúa cứu khỏi những chước cám dỗ bất kỳ bởi đâu và cả những sự dữ, những tai ương ở trần gian nữa.
Hai quan niệm ở trên đây phải luôn luôn được di dưỡng bằng những tâm tình tin cậy yêu mến của người con đối với người Cha. Nên người cầu nguyện phải coi Thiên Chúa là Cha, một người Cha trên hết các người Cha. Vì thế để làm sống lại những tâm tình đó, mỗi người khi cầu nguyện, người ta phải kính cẩn và vui mừng đọc lên những lời rất ý nghĩa: Lạy Cha chúng con ở trên trời…….
Ngoài hai điều kiện rất cần cho việc cầu nguyện như đã nói trên, lại còn một điều khẩn thiết nữa, ấy là phải kiên tâm nhẫn nại và chờ đợi, đừng có nản lòng, đừng có nóng nảy bắt Chúa phải nhận lời ngay. Nên Chúa lại mượn mấy dụ ngôn nữa để chỉ dạy. Ngài phán:
-Và nữa, các con xử trí thế nào với bạn hữu của các con ? Giả thử nửa đêm người nọ đến nói với người kia rằng: Bạn ơi cho tôi vay ba tấm bánh, tôi có người quen mới tới nhà, mà không có gì thiết đãi cả. Nếu người kia ở trong nhà đáp lại: Đừng làm rầy tôi cửa đóng rồi, con cái của tôi đã vào giường với tôi, tôi không có thể dậy để làm theo ý muốn của anh, xin anh miễn cho. Nhưng người bạn cứ đứng lỳ ở ngoài cổng, cứ kêu ca. Lúc ấy các con nghĩ phải xử trí cách nào ? Thầy bảo thật các con, lúc ấy người ta không muốn giúp tình bạn hữu, người ta cũng phải dậy và đem bánh ra cho, kẻo cứ bị quấy rầy và mất cả ngủ.
Các tông đồ phì cười cho là rất phải. Chúa kể luôn một dụ ngôn vắn nữa:
-Các con hãy nghe câu chuyện nhỏ này: Trong thành kia, có một quan án tham tàn, không đếm xỉa đến lề luật và tín ngưỡng. Cũng trong thành ấy lại có một bà quả phụ. Bà này đến thưa với ông rằng: Xin ngài biện hộ cho tôi, vì tôi bị kẻ thù truy tố. Một thời gian lâu, quan án kia không chấp nhận và không muốn nghe gì nữa. Nhưng bà quả phụ cứ kêu ca không ngừng, cứ nhai đi nhai lại một điều nài nẵng mãi. Sau cùng quan án kia ngán quá. Ông tự nhủ: Con mẹ này làm ta loạn cả óc vì chuyện của nó. Thôi, đành rằng ta không sợ Chúa Trời và bất cần đến pháp lý, nhưng ít ra ta cũng phải giúp và xử việc nó cho xong, kẻo nó cứ quấy mãi, cứ lai nhai làm điếc cả tai.
Chúa kết luận:
-Vậy các con hãy nhận xét lối lập luận của viên quan án. Các con không tin rằng Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ sẽ nhận lời những kẻ nghĩa thiết đêm ngày hằng khẩn nguyện Ngài ư ? Thầy bảo các con, chắc chắn Ngài sẽ nhận một cách mau chóng. Vậy các con hãy kiên tâm bền chí trong lời cầu nguyện. Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ thấy; hãy gõ thì cửa sẽ mở. Bởi vì ai xin người ấy sẽ được, ai tìm người ấy sẽ thấy; ai gõ cửa, cửa sẽ mở ra. Tóm lại cần phải cầu nguyện luôn luôn. Kìa trong các con có người cha nào, khi con xin bánh, lại ném cho cục đá ư ? Hay nó xin con cá, lại cho nó con rắn thay vì con cá ? Hoặc nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp sao ? Thật không thể thế được. Vậy nếu các con dầu là những người độc ác đi nữa, cũng còn biết cho con cái của các con những sự lành, thì phương chi Cha của các con Đấng ngự ở trên trời, Đấng chí thiện, chí mỹ, càng biết ban cho các con những sự các con cần đến. Vậy các con hãy cầu xin, cầu xin với một lòng tín nhiệm, tín nhiệm của người con đối với người Cha Chí Thánh và vô cùng quảng độ.
Sau cùng, người cầu nguyện phải ở khiêm nhường trước mặt Chúa phải cậy nhờ vào lòng quảng độ của Chúa, chứ đừng cậy vào công nghiệp của mình, đừng cho mình là đạo đức đáng được Chúa nghe, và đừng khinh chê người khác, cho dầu đối với con mắt thế gian, người đó bị coi là người tội lỗi. Thế nhưng cái lối kiêu hãnh cậy công mình và khinh dể người khác đó. Chúa thấy ở nơi nhiều người, nhất là nơi các Trưởng tế và Biệt Phái. Nên trước khi kết thúc bài dạy về cách thức cầu nguyện, Chúa còn kể lại cho các tông đồ một truyện sau đây:
-Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người Biệt Phái và một người thu thuế. Người Biệt Phái y phục lịch sự, tiến lên gần Cung thánh, đứng thẳng người và hiên ngang, thỉnh thoảng trông lại đàng sau xem có ai để ý đến cách trang nghiêm bệ vệ và tín mộ của mình không ? Hắn cầu nguyện với Chúa những lời sau đây: Lạy Chúa, Đấng chí cao ! Tôi tán tạ Chúa về sự tôi không phải như những người khác; họ là những người trộm cướp, bất công và tà dâm….nhất là tôi không phải như người thu thuế đứng dưới kia chẳng hạn. Tuy luật chỉ buộc ăn chay mấy ngày trong một năm, nhưng tôi giữ chay một tuần hai lần, và hết thảy những cái tôi tậu được, tôi dâng một phần mười vào Đền thánh.
Trong khi đó, người thu thuế đứng ở cuối Đền thờ, không dám ngửa mặt nhìn lên, khiêm nhường đấm ngực và cầu nguyện: Lạy Chúa, Đấng chí cao, xin đoái thương tôi, xin tha thứ cho tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi khốn nạn…..
Kể xong chuyện, Chúa kết luận:
-Ta bảo thật các con, khi nguyện xong trở về nhà, người thu thuế đã được thánh hóa hơn người Biệt Phái kia. Vì ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống. Và ai tự hạ mình xuống, sẽ được tôn lên. Các con hãy nhận định, Thiên Chúa chẳng mắc nợ với ai. Nên các con hành động có kết quả đến đâu cũng chỉ là làm việc bổn phận. Các con hãy giả thử, ai trong các con có người đầy tớ giúp việc. Khi đứa đầy tớ đó đi cày bừa, hay đi chăn súc vật về, theo tục lệ, các con có phải bảo nó rằng: Nhanh lên, đến ngồi bàn mà ăn không?
Hẳn là không. Trái lại phải chăng các con sẽ bảo nó rằng: Hãy dọn cho ta ăn bữa tối, hãy thắt lưng và giúp ta ăn xong đã, rồi ngươi sẽ ăn sau ? Và trong trường hợp người đầy tớ làm theo lệnh của chủ như vậy, người chủ có mang ơn gì với đầy tớ không ? Hẳn cũng không. Vậy các con cũng thế, khi các con đã chu toàn mọi bổn phận của các con rồi, các con cũng hãy nói: Chúng tôi chỉ là đầy tớ của Đức Chúa Trời, chúng tôi chỉ đã làm việc phận sự của chúng tôi.
-Hỡi các con, các con hãy ở khiêm nhường, luôn luôn coi mình là đầy tớ vô ích. Các con có ở khiêm nhường, lời cầu khẩn của các con mới dễ được chấp nhận. Các con cũng ghi lòng tạc dạ điều này: Khi nào các con hợp nhau đông người mà cầu nguyện, mà xin với Chúa Cha một ơn gì, chắc chắn Người sẽ ban. Bởi vì ở đâu có hai hay ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở nơi đó, sẽ ở giữa họ, và Cha Thầy sẽ ban phát mọi ơn..