Trong các dụ ngôn Chúa kể, dụ ngôn đầy tớ trung thành và đầy tớ bất trung đã gây một ảnh hưởng rất sâu xa trong tâm hồn các tông đồ và lớp dân chúng được nghe Ngài giảng. Nhiều người đã quyết định xét lại đời sống và cải tự quá tân.
Tuy nhiên bọn Biệt Phái và Luật sĩ không thèm để ý đến lời của Chúa. Họ vẫn kiêu ngạo tự phụ, cho mình là thánh thiện và hoàn toàn, là bây tôi trung thành và khôn khéo nhất của Đức Giavê, là lớp người ưu tú của một dân tộc đã nhận biết và phụng sự Ngài, trước các dân tộc khác. Nên cố nhiên, theo ý kiến của họ, Thiên Chúa phải dành cho họ một phần thưởng xứng đáng với địa vị và công nghiệp của họ.
Thái độ và ý tưởng tự phụ đó thật đáng ghét. Nhưng tệ hại là không những Biệt Phái và Luật sĩ, mà nhiều người khác cũng tưởng lầm như vậy. Họ nghĩa vào đạo trước là có công nhiều nên không ra sức làm việc và nhiệt thành phụng sự Chúa. Bởi thế, Chúa lại kể dụ ngôn người làm thuê để dạy những sự thực tối hệ. Ngài phán:
-Muốn hiểu rõ Nước Trời, các người hãy nghe tỉ dụ sau đây:
-Một chủ nhà kia, lúc mới tảng sáng đã ra các ngã ba thuê thợ làm vườn nho cho mình. Ông mặc cả với họ với họ mỗi ngày một đồng bạc, rồi sai họ đi làm vườn nho.
-Khoảng chín giờ, ông ra ngoài thấy một bọn người vẫn đứng ở chợ, chưa có việc làm. Ông bảo họ: Các anh nữa, hãy đi làm vườn nho cho ta, rồi ta sẽ trả công xứng đáng. Họ nhận lời và đi…
-Khoảng giữa trưa và ba giờ chiều ông lại ra ngoài và cũng làm như vậy. Sau cùng khoảng năm giờ chiều, ông ra và cũng thấy một số người đứng nhàn rỗi. Ông hỏi họ, sao các anh đứng suốt ngày mà không làm việc ? Họ đáp: Vì không ai thuê chúng tôi Ông bảo họ: Thế các anh nữa, hãy đi làm vườn nho cho ta
-Đến tối, chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: Hãy gọi thợ và trả công cho họ, bắt đầu từ người làm sau cùng cho đến người trước nhất.
-Những người sau cùng tiến đến, và mỗi người được lãnh một đồng bạc. Họ bỡ ngỡ hết sức. Khi đến lượt những người trước hết. Họ tưởng mình sẽ được lãnh nhiều hơn, nhưng rồi cũng chỉ được lãnh mỗi người có một đồng bạc như các người khác. Nên họ vừa nhận vừa lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: Thế nào ? Những người này vào sau hết và chỉ làm có một giờ, thế mà ông trả cho họ cũng bằng chúng tôi, là những kẻ phải vất vả cả ngày dưới ánh nắng ư ?
Nhưng tính phân bì ghen tị không làm ông đổi thái độ. Ông trả lời cho một người nóng tính nhất trong bọn họ rằng: Này anh, tôi không làm đều bất công cho anh đâu. Sáng nay, anh đã không mặc cả với tôi một đồng bạc sao ? Vậy anh hãy cầm lấy tiền công mà đi về. Tôi không có quyền cho người đến sau hết cũng bằng anh ư ? Hay là tôi không được làm theo ý muốn trong việc xử dụng tiền bạc của tôi ? Hay vì tôi quá tử tế mà con mắt anh hóa xấu ?
Kể dụ ngôn xong, Chúa kết luận:
-Quả thực, những người rốt hết sẽ lên nhất, những người nhất sẽ nên sau rốt.
Với dụ ngôn trên đây, quả Chúa khéo vạch rõ cách thưởng công ở trên Trời. Đại ý của dụ ngôn: Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Thợ làm vườn là hết thảy mọi người ở thế gian. Vườn nho là Giáo Hội, là Tân quốc của Chúa Cứu thế. Chủ thuê thợ vào những giờ khác nhau, ám chỉ Chúa luôn luôn gọi người ta vào Giáo Hội, không cứ thời hạn nào; Lúc nào trong đời người theo đạo Chúa cũng con kịp. Những người được gọi vào làm vườn trước tiên, chỉ những người Do Thái. Họ được phúc nhận biết Chúa trước mọi dân. Nhưng họ lại tự phụ và không nhiệt thành giữ đạo. Nên Chúa bảo họ: Nhiều khi những người tự coi mình là nhất, sẽ trở nên chót hết, và ngược lại. Vì biết đâu những người đến sau chẳng lập công, bằng hay hơn những người đến trước ? Bởi vậy điều cần vào Thiên Đàng, là ở khiêm nhường, thi đua sốt sắng phụng vụ Chúa, và không bao giờ được tự đắc tự phụ.