VÀ TÔI PHẢI BÉ XUỐNG …
Đang khi Chúa Giêsu ở Jêrusalem, ông Gioan Tẩy Giả vẫn tiếp tục dội nước ở Ainon ( Ainon gần Salim, một nơi cách thành Beisan chừng 8 cây số. Ainon trong tiếng Aramêô nghĩa là suối nước) gần Salim thuộc khu vực sông Jordan.
Một thời gian qua, Chúa Giêsu và đoàn môn đệ cũng bỏ kinh thành, đi về nơi thôn dã xứ Giuđêa. Ở đây danh Ngài bắt đầu rạng sáng. Ngài cho phép môn đệ Ngài làm Phép rửa như các môn đệ ông Gioan.
Giữa nhóm môn đệ khác Thầy, dần dần bóng tối ghen tị nổi dậy. Một người Do Thái mới được đoàn môn đệ Chúa Giêsu đổ nước Chàng theo óc phân bè, tìm đến thảo luận với môn đệ ông Gioan Tẩy Giả về giá trị phép rửa của ông. Cả hai bên cùng quyết liệt bênh Thầy, cuộc thảo luận khởi đầu để rồi không kết liễu. Đoàn môn đệ ông Gioan Tẩy Giả lấy làm bực tức, đem câu chuyện về phàn nàn với ông :
–Thưa Thầy ! Người xưa kia ở với Thầy bên bờ sông Jordan, Người mà Thầy nói là sứ giả của Chúa Người ấy cũng dội nước và thiên hạ hưởng ứng đến cùng Ngài nhiều lắm .
Theo tính kiêu hãnh, nhóm môn đệ ông Tẩy Giả thuật chuyện lại cách phẫn nộ với danh từ Người ấy chứ không nói rõ tên Chúa Giêsu, và ngầm để lộ lòng ghen trong câu chót và thiên hạ hưởng ứng đến cùng Ngài đông lắm
Nhưng đã quen với không khí khiêm cung thánh thiện, ông Gioan Tẩy Giả chỉ tỏ vẻ ôn tồn sung sướng và trả lời thẳng thắn cho đoàn môn đệ :
–Anh em hãy tin tưởng rằng mọi kết quả chính đáng đều do Thiên Chúa. Anh em hẳn còn nhớ lời tôi tuyên bố Tôi không phải là Chúa Cứu Thế, tôi chỉ là kẻ dọn đường của Ngài thôi. Tôi không thấy có lẽ gì mà phải ghen, cũng như người phù rể, không có lý gì mà ganh tị với người chú rể. Trái lại nếu thật chỗ tâm giao, người phù rể còn phải lấy làm vinh hạnh và sung sướng được ở gần chú rể và nghe chú rể ca điệu ái tình cho bạn trăm năm. Đã hẵn Ngài lôi cuốn thiên hạ hơn tôi. Nhưng chính vì vậy mà tôi mừng. Cần Ngài phải lớn lên và tôi phải bé xuống. Ai ở trên trời xuống, Người ấy cao cả trên hết mọi người. Ai ở dưới đất nhô lên, người ấy lệ thuộc vào đất và ngôn ngữ sặc mùi đất. Đấng ở trên trời, Ngài chỉ nói về những sự trên trời. Nhưng than ôi ! biết bao kẻ không tin theo ! Thế mà sự thực là cần phải tin theo Ngài. Vì ai tin Sứ giả của Chúa tức là tin Chúa, và Sứ nói tức là Chúa Thánh Thần nói. Vậy chúng ta nên suy nghĩ : Đức Chúa Cha yêu Đức Chúa Con và phó thác mọi sự trong tay Ngài. Nên ai tin Đức Chúa Con, người ấy sẽ được sống muôn đời. Và ai không tin Đức Chúa Con, người ấy sẽ không thấy đời sống tươi vui mà chỉ thấy cơn thịnh nộ Chúa đè nặng trên mình.
Cần Ngài phải lớn lên và tôi bé xuống Khẩu hiệu này đã rạng nghĩa trong những lời ông Tẩy Giả tuyên bố ở trên. Nhận biết Chúa Giêsu là một ánh sáng, ông Tẩy Giả tìm cách vùi dập mình đi, để ánh sáng kia được sáng tỏ và một ngày kia ông gánh nổi được những hy sinh cả thể hơn.
Mùa xuân năm ấy, ông Antipa, Tổng trấn xứ Galilêa, mới ở La Mã về. Ít lâu nay, ông mê bà Herôdiađê là cháu của Hêrôđê đại vương và là vợ Philiphê anh ông. Bà Herôdiađê đã kết nghĩa với ông Philiphê, nhưng ông đã già, kém duyên, kém chức, nên bà Herôdiađê chán ngán, coi ông như một vật thừa. Trái lại người em chồng lại trẻ trung, đẹp trai, phú quí, thích chưng diện xài to, từng ném ra nghìn vạn đồng vàng để xây điện nghỉ mát ở gần thành Jêricô. Nên bao nhiêu yêu thương bà đều dâng cho ông Antipa. Thời gian qua, giây ái tình được xe săn do một trường hợp. Những tin yêu thương thầm vụng bay đến tai bà vợ chính thất của ông Antipa. Trái tim đau đớn như vỡ ra trăm mảnh, bà phải mượn cớ xin về với cha mẹ ở xứ Petra. Được dịp tiện, ông Antipa liền tuyên bố ly dị người vợ cũ, và mời tình nhân mới về nhà, cùng nhau qua những ngày ân ái. Trong trường hợp đó đáng lý ra ông Philiphê phải phản kháng kịch liệt. Nhưng ông lại hiền lành quá, bình tĩnh viết ly thư cho người vợ bất trung !
Là môn đệ của sự thật, ông Tẩy Giả vẫn giảng giáo cho dân trách phạt những tính hư nết xấu. Được tin trong triều Antipa có cuộc tình biến loạn luân, ông liền tìm đến Antipa mắng ông này trước mặt đình thần:
–Đó là gương xấu quá ! Ông không có quyền chiếm người vợ của anh ông !
Nhân tiện ông Gioan Tẩy Giả còn mắng ông Antipa những điều khác nữa. Bà Herôdiađê căm giận vô cùng. Giá bây giờ giết được ông, bà cũng giết ngay, nhưng không có quyền. Ông Antipa cũng tức lắm, nhưng lại sợ. Ông là người sùng tín, ông tin rằng phạm đến tính mạng nhà tiên tri là mang họa lớn.
Nhưng rồi bọn địch thù của ông Tẩy Giả, nhất là nhóm Biệt Phái, lợi dụng ngay thời cơ, vu cáo ông nhiều điều rất nặng. Họ thuyết cho Antipa nghe : Tẩy Giả chỉ là một tên phản động. Ông ta nói về Chúa Cứu Thế là muốn xui dân chống lại chính quyền La Mã, phá rối trật tự và gieo nguy hại cho dân. Vậy vì sự an ninh, cần phải tống giam ngay tên phản động đó
Trước ông Antipa còn ngần ngừ, nhưng rồi lời vu cáo trên kia lại được bà Herôdiađê
dùng hết mánh khóe chứng thực và phóng đại ra. Nên để đẹp ý người yêu, ông đành biên thêm vào sổ tội ác một việc bất công ghê tởm nữa : Ông truyền tống ngục ông Gioan Tẩy Giả ( Theo nhiều sử gia, ông Gioan Baotixita bị giam ở pháo đài Macheronte. Pháo đài này do Herode đại vương xây trong xứ Moab, và sau ông Antipa dùng làm yếu điểm để chống với Aretas là Tiểu vương xứ Petra. )
Nhưng sau việc bất công này ông Antipa cảm thấy lương tâm cắn rứt, ăn không ngon, ngủ không yên, vì ông vẫn coi ông Tẩy Giả là một vị Thánh, do vậy nhiều khi chính ông đi tìm hỏi ý kiến người tù nhân của ông….
Còn phần ông Tẩy Giả, ông lại cảm thấy sung sướng được chịu giam trong ngục. Ông cho thế là đã thực hiện được một phần khẩu hiệu của ông :
CẦN NGÀI PHẢI LỚN LÊN, VÀ TÔI PHẢI BÉ XUỐNG
Lm. Lâm Quang Trọng