Giảng xong, Chúa bỏ núi Bát phúc trở về thành Caphanaum. Gần tới nơi, Ngài gặp một người bệnh hủi đến sấp mình dưới chân Ngài kêu van thảm thiết:
-Lạy Chúa ! Chúa hãy thương cho con được sạch…
Hủi ! Đây là thứ bệnh đáng sợ, lan tràn khắp Trung Đông và rải rác ở nhiều nơi khác.
Ông M.Lefebre để lại một trang khảo cứu về bệnh đó như sau:
Bệnh trạng đầu tiên là những chấm loang nhợt nhạt hay đo đỏ ở trên mặt da. Chung quanh những vết chấm ấy dần dần hiện lên những mấu to bằng hạt đậu hay trái bồ đào. Lúc đó thân mình bệnh nhân xấu xí khó coi: mặt mất sắc, mí mắt sa xuống, môi dầy ra, mũi và cằm có nhiều nốt nhỏ và tay co quắp lại. Tới đây còn là giai đoạn dễ chịu, và bệnh nhân muốn giai đoạn đó đứng lại mãi. Nhưng bệnh tình cứ tiến thêm: Sẽ có những mụn độc chảy mủ, há rộng miệng xông mùi thối tha !… Lúc đó bệnh nhân biến thành một đồ tởm gớm cho chính mình và cho người khác…Cũng chưa xong, lại còn ung thư ở trong mắt, làm mắt lõm xuống và các đốt ngón tay bắt đầu rụng, có khi cả một chân, hay tay biến đi mất !… Thôi, chúng ta đừng đi xa hơn nữa, vì khó chịu nổi những nét tả sau cùng của bệnh đó…Xin được gọi cho dễ hiểu đó là bệnh Cùi !
Người cùi phải khổ như thế, nhưng ở Palestine người đó càng phải khổ hơn ! Dân Do Thái coi bệnh cùi là hình phạt của Chúa và áp dụng mọi biện pháp nghiêm nhặt để cô lập người cùi. Họ chính thức tuyên bố người đó là người dơ và bắt buộc phải sống xa các thành phố. Bởi thế người cùi phải sống thiếu thốn, cô đơn, bị mọi người khinh chê,
ruồng bỏ, nhất là cảm thấy tủi nhục và mặc cảm bản thân bệnh tật; Mỗi khi có ai đi qua nơi mình ở, phải khua mõ và kêu la lên rằng: các ông hãy ý tứ, tôi đây là người nhơ bẩn, xin chớ đến gần
Nhưng người cùi trong truyện đây, đã nghe đồn về Chúa, nên rất tin tưởng vào lòng quảng đại và phép nhiệm của Ngài, nên thoạt biết Ngài đi qua, thay vì hô cho Ngài tránh, còn lăn vào chân Ngài, tỏ hết cử chỉ tín nhiệm và kêu van:
-Lạy Chúa ! Nếu Chúa muốn, Chúa hãy cho con được sạch.
Chúa cảm thấy trong tiếng kêu van đó như tiếng kêu đau của một tấm lòng bao năm bị xé rách. Ngài cảm động thương tình, và giơ tay động đến bệnh nhân:
-Phải ! Ta muốn lắm, con hãy được sạch.
Chúa vừa dứt tiếng, bệnh cùi biến ngay. Những dấu vết hôi tanh không còn nữa. Nước
da của người bệnh đã trắng mịn, hồng hào xinh tươi. Nhưng Chúa dặn:
-Con hãy giữ đừng nói với ai. Con chỉ đi gặp đạo trưởng, báo cho ông ấy biết con đã được lành, và dâng của Lễ như Luật ông Môi Sen dạy.
Chúa biết thế nào rồi bệnh nhân cũng nói trống phép lạ đã được. Vã thế, cũng là minh chứng cho dân biết sứ mạng của Ngài. Tuy nhiên, Ngài phải dặn thế để phá tan mọi bạo động cách mạng và làm yên lòng người, gieo vào dư luận cái quan niệm: Ngài đến không phải để phá đổ, nhưng để xây đắp trật tự thôi. Trước kia bệnh nhân đã bị chính thức tuyên bố là người dơ nay Ngài muốn người đó lại được đạo trưởng chính thức tuyên bố là sạch và đồng thời, người được phép lạ có dịp tạ ơn Thiên Chúa. Đó là lời dặn ý nghĩa rất sâu xa…
Nhưng hình như vui quá, quên cả lời dặn, người cùi đã vội vàng đi khắp nơi khoe mình được khỏi, thành ra danh tiếng Chúa càng lan rộng thêm. Từ nay Ngài đi nơi nào là dân chúng tuôn đến nơi ấy. Họ luôn luôn tìm để gặp Ngài, để nghe Ngài giảng thuyết, để xem Ngài chữa bệnh. Tuy nhiên Ngài vẫn tìm được chỗ tịch mịch để cầu nguyện.
Chúa Giêsu cũng còn chữa nhiều người cùi khác. Một ngày kia đang lúc vượt biên giới xứ Galilêa và Samaria để lên Jêrusalem, Ngài sắp vào một thị trấn, thì gặp mười người cùi chạy đến đón Ngài. Mười người đó đứng xa và kêu van:
-Lạy Thầy Giêsu ! xin thầy thương chữa chúng tôi.
Ngài nhìn họ và phán bảo:
-Các con hãy đi trình diện với các đạo trưởng.
Họ vâng lời đi ngay, và dọc đường, mười người đã được khỏi cả. Nhưng trong số đó,
chỉ có một người thuộc xứ Samaria trở lại cám ơn Ngài mà thôi. Người đó đến sấp mình dưới chân Ngài và tỏ hết tình tri ân. Thấy thế, Chúa phán:
-Nào mười người không khỏi cả sao ? Còn chín người kia đâu ? Sao chỉ có một người ngoại xứ đến cám ơn Chúa ? (Dân Do Thái coi xứ Samaria là thuộc dân ngoại )
Rồi Ngài nói riêng với người xứ Samaria:
-Phần con, con hãy chổi dậy mà trở về. Con tin, nên con đã được khỏi.
Lm. Lâm Quang Trọng