HAY NGƯỜI VÌ TÔN GIÁO…
Mùa hạ đã bắt đầu, khí trời nóng nực thêm. Lúa ngoài đồng đã chín, hứa một vụ gặt vui tay. Một ngài hưu lễ nọ, Chúa Giêsu và đoàn môn đệ của Ngài đi qua một cánh đồng lúa chín, thoảng đưa mùi hương thơm. Đoàn môn đệ thấy đói, các ông lảy lấy một ít nhánh, vò trong tay, ăn cho đỡ mệt.
Việc đó đối với quan niệm Do Thái không có gì đáng trách cả, cũng như họ không trách những ai vì đói, hay khát, lúc qua đường hái vài trái vả hay một chùm nho, ăn cho quên khổ lúc đi đường. Nhưng hôm ấy lại là ngày hưu lễ (tức là ngày thứ Bảy, Sabbat) ngày nghỉ việc, phải kiêng mọi việc chân tay. Ngày đó theo quan niệm Biệt Phái, lảy bông lúa lúc qua đường, hái một trái vả hay lượm một chùm nho cũng là trái phép, vì cũng là gặt hái, cũng làm việc chân tay, nên nhất định phải cấm. Thế nhưng thấy môn đệ của Chúa lảy lúa trong ngày hưu lễ, họ tức giận lắm. Họ lại gần, kéo tay áo Chúa vừa chỉ vừa hoa tay:
-Kìa Thầy coi, môn đệ của Thầy đã làm việc cấm ngày hưu lễ . Thế có phải chính Thầy đã cho phép không ?
Nhưng câu hỏi sấn sổ của Biệt Phái, chỉ được Chúa cười mỉa mai và Ngài trả lời bằng một câu chuyện xa xôi:
-Các người có đọc chuyện phưu lưu của Đavít và toán quân của Ngài không ?..Một ngày kia Ngài và đám tùy tùng đói lã mà không có gì nhét bụng, phải tìm vào một Đền thờ Chúa và được Thầy Thượng phẩm Abiathar cho phép dùng những bánh dành riêng để tế lễ. Thế mà các người biết họ không có quyền ăn những bánh ấy, vì chỉ có các đạo trưởng mới được ăn thôi. Vậy họ có lỗi luật không ? Không. Vì đó là trường hợp tối khẩn. Thế cũng vậy, ngày hưu lễ đã được đặt ra vì loài người, chứ đâu phải loài người được dựng lên vì ngày hưu lễ.
Ý Chúa muốn nói: Ngày hưu lễ đặt ra là để tiến ích cho loài người, vì thế nếu ngày đó trở nên một ngày thống khổ hơn các ngày khác, một ngày không giúp đỡ nâng cao người ta lên và giải thoát người ta khỏi ách mệt nhọc trong tuần, thì ngày đó đã mất mục đích của nó. Vậy các môn đệ bứt mấy bông lúa để trợ đói trong ngày hưu lễ mà lỗi luật ư ?..Luật nào lại chấp nê một cách khắt khe như thế ?… Chúa nói tiếp thêm:
-Các người không đọc thấy trong luật rằng: Ngày hưu lễ, các Đạo trưởng trong Đền thờ được lỗi ngày ấy để bận vào việc tế tự mà không có tội ư ?…Thế các người phải biết rằng, ở đây có Người còn cao cả hơn Đền thờ nữa… Nếu các người hiểu Thánh kinh hơn,
hẳn các người không lên án những người vô tội, vì trong Thánh kinh Chúa tuyên bố Ngài muốn thấy các người xử nhân từ với anh em của các người hơn là thấy các người luôn luôn tế lễ. Nhưng thôi, các người nên biết rằng. Con Người là Chúa cả ngày hưu lễ nữa.
Lời Chúa nói: Con Người là Chúa cả ngày hưu lễ nữa làm Biệt Phái đã tức giận càng tức giận thêm. Họ có cảm giác như đối phương của họ đã xưng mình là Thiên Chúa. Nên họ nhất định không đội trời chung với Chúa, và tìm cách lật Ngài.
Sau câu chuyện lảy lúa, Chúa vào một giảng đường kia. Ở đó, người ta đang đợi Ngài chung quanh một bệnh nhân tay liệt bại và khô cứng. Cũng ở đó mấy Luật sĩ và Biệt Phái đang chờ cơ để công kích Ngài. Họ rình xem Ngài có dám chữa bệnh ngày hưu lễ không ? Nhưng hình như Ngài lướt qua bệnh nhân và không muốn để ý tới. Nên họ sợ bỏ lỡ dịp và xô đến hỏi ngay:
-Thưa Thầy, Thầy nghĩ thế nào ? Người ta có được phép chữa bệnh ngày hưu lễ không ?
Biết ác ý của họ, Chúa tặng lại một câu oái oăm:
-Thế Ta cũng hỏi các ngươi, ngày hưu lễ nên làm điều thiện hay điều ác. Nên cứu sống người ta hay để người ta chết ?
Luật sĩ và Biệt Phái đứng lặng thinh không thưa. Chúa nói:
-Ai trong các người có một con chiên và thấy chiên mình rơi xuống hố ngày hưu lễ, mà không chạy vội đến cầm lấy chiên và lôi nó lên ư ?
Luật sĩ và Biệt Phái cứng họng vẫn đứng lặng thinh, và Chúa kết:
-Vậy người ta đáng giá hơn con chiên nhiều và ngày hưu lễ vốn được làm điều thiện như mọi hôm.
Nói xong, Chúa nhìn bọn Luật sĩ và Biệt Phái tựa hồ như buồn giận vì họ quá cứng lòng. Rồi Chúa đưa tay về phía bệnh nhân:
-Con hãy giơ tay ra và đến đứng ở đây.
Người bệnh vâng lời giơ tay và tay đã khỏi.
Phép lạ này làm dân phục Chúa hết sức. Họ nhiệt liệt hoan hô, nhưng Biệt Phái lại bực tức khôn tả. Họ về nhà hội họp bàn nhau, tìm cách liên lạc với những người thế lực trong triều Atipas để lập mưu giết Chúa !
Cũng chưa xong, chiều hôm ấy, Chúa lại đụng chạm lần nữa với tinh thần chấp nê của đối thủ. Chúa vào thuyết đạo trong một giảng đường kia, và gặp một người đàn bà kia có cái bướu ở trên lưng. Bà ta bị gù đến nỗi không thể ngước mặt lên được, và đã bị như vậy mười tám năm. Thấy thế, Chúa thương tình gọi lại và phán bảo cho bà được khỏi
Rồi Chúa đặt tay trên lưng, thoát chốc bà ta được khỏi, đứng thẳng lên và chúc tụng Chúa. Toàn dân hoan hô, xô đẩy nhau lại gần xem cho rõ. Nhưng giảng viên đường Trưởng khó chịu. Y cũng là người Biệt Phái, không hiểu sao ngày hưu lễ mà Chúa
dám chữa bệnh nhân. Cái đó cấm rồi mà ! Nhưng ông ta biết biện lý với Chúa Giêsu không phải là dễ, nên ông chỉ lớn tiếng bảo dân:
-Mỗi tuần đã có sáu ngày làm việc rồi. Vậy hãy đi chữa chọt trong những ngày ấy, còn ngày hưu lễ chớ có làm gì !
Nhưng vừa lớn tiếng xong, ông đã bị Chúa mắng:
-Hỡi người giả hình kia !.. Ai trong các ngươi không cởi giây cho con bò hay con lừa của mình và không dắt nó ra khỏi chuồng đi uống nước ngày hưu lễ? Vậy ngươi lấy làm trái phép vì ngày hôm nay Ta tháo cởi cho một đàn bà thuộc giống nòi ngươi, giống nòi của tổ phụ Abraham, đã bị đeo xiềng của bệnh tật từ 18 năm ư ?
Chúa dứt tiếng, dân chúng vỗ tay. Hoan hô nhiệt liệt làm đối phương của Ngài xấu hổ tìm cách rút lui…
Theo cuốn Sáng Thế Ký Chúa sáng tạo trời đất trong sáu ngày, và nghỉ ngày thứ Bảy. Ngày thứ Bảy đó có ý nghĩa tôn giáo tượng trưng, nghĩa là người ta phải tập đời sống cần lao theo gương của Chúa. Trong một tuần nên làm việc sáu ngày thôi, còn một ngày nên nghỉ. Nghỉ để trút gánh nặng trong cả tuần, để lấy lại sức, đưa đời sống lên cao và để có thì giờ làm việc thiện; như viếng thăm nhau, hầu gây được chữ hòa
và chữ vui trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Hơn nữa, nghỉ để thánh hóa linh hồn
bằng cách thờ phụng, kính ái Chúa, để giữ trọn chữ hiếu chữ trung. Đó là ý nghĩa vĩ đại
của ngày thứ Bảy, cũng gọi là ngày Hưu Lễ, mà Thánh Môi Sen đã ghi vào Bộ Luật.
Nhưng từ lâu, Biệt Phái đã hiểu xuyên tạc cả. Họ là những người quá thích hình thức bên ngoài và coi rẻ cái tinh thần bên trong. Luật cấm bằng một, họ cấm gấp mười và còn hơn nữa. Theo họ thì ngày hưu lễ, một đứa trẻ không được trèo lên cây hái một quả chín, một thiếu phụ không được soi gương, kẻo tiện tay nhổ luôn một sợi tóc hay xịt thoa một chút nước hoa lên đầu, cũng như người bộ hành không được mang một bầu nước nhỏ. Vì những cái đó là động tác cần lao. Ngặt hơn nữa, theo họ, ngày đó cũng không được săn sóc người bệnh tật. Ngày thứ Bảy, ông có bị té, và bị gẫy hay bị sưng cánh tay ! Thì ông được quyền nhúng chân vào nước. Nhưng nhất định ông không được thoa bóp và rịt thuốc, vì luật cấm ngặt !…
Với những kiểu cách hẹp hòi như vậy, quả họ đã biến tôn giáo thành một trò cười và đã thắt buộc người ta quá . Họ đã lấy hình thức tôn giáo vây người ta như những thép gai vây người tù. Bởi thế, Chúa đã buộc lòng thẳng lời trách họ và giảng thích tinh thần ngày hưu lễ cho dân. Chúa đã làm nhiều phép lạ trong ngày thứ Bảy hưu lễ. Những phép lạ đó làm họ tức giận đầy gan, nhưng lại làm cho dâ chúng vui mừng hớn hở. Cho hay: Tôn giáo vì người, chứ không phải người vì tôn giáo Và hơn nữa, tôn giáo là an vui cao cả, chứ đâu bé nhỏ hẹp hòi, hằn lên những nét sầu muộn đau thương…
Lm. Lâm Quang Trọng