CHO ĐẾN BÀN TIỆC VÀ NHỮNG CÂU NÓI RẤT Ý NGHĨA…..
Trong Đế quốc La Mã, thành Caphanaum là một thương cảng vĩ đại và cũng là nơi thu thuế, thu thuế hàng và nhất là thuế cá ở hồ Tibêrát tải đi các nơi. Cũng như ở khắp mọi nước, bọn thu thuế ở đây thường đòi nặng quá số ấn định, nên dân chúng ghét và thường tặng cho họ những tên không đẹp, như là tụi gấu dữ, tụi nội công, tụi vô nhân đạo
Trong số những người thu thuế ở Caphanaum hôm ấy, có một người, y phục và cử chỉ cũng giống như các người khác. Tên là Lêvi (ông cũng có tên là Mathêu, con ông Alphêô) đã được Chúa gọi làm môn đệ.
Hôm ấy sau khi chữa người tê bại. Chúa Giêsu xuống biển hồ rồi trở lại Caphanaum,
Thấy ông Lêvi ra đón bọn thương khách, để thu thuế những hàng chở từ Đamas tới. Chúa gọi ông rằng:
-Lêvi ! Hãy theo Ta.
Lời Chúa ngọt ngào có một mãnh lực bí nhiệm khiến ông Lêvi xếp sổ sách và theo Ngài. Cái nhiệm lực đó, có lẽ một phần đã được chuẩn bị trước bằng những phép lạ Chúa làm, như phép lạ chữa người tê liệt chẳng hạn, và một phần khác, có lẽ do dáng điệu và cử chỉ của Chúa tỏ ra lúc đó (theo ý kiến Thánh Giêrônimô) Vì những cử chỉ và dáng điệu nơi Ngôi Hai Thiên Chúa có thể có một sức hấp dẫn mạnh hơn sức nam châm hút sắt. Do vậy ông Lêvi đã đứng dậy và theo Ngài.
Nhưng đã theo vậy, mà còn phải tỏ ra cách nào biết ơn mới thỏa, ông nghĩ thế…Và ông đã tìm ra được một cách…Ông quyết định sẽ đặt một bữa tiệc tặng Ngài.
Và chiều đến, quả ông đã dọn một tiệc thịnh soạn. Ông mời Chúa với các môn đệ Ngài và một số đông những người quen biết, trong đó có nhóm thương chính và cả mấy người ít có thanh danh mà dân quen gọi là người tội lỗi.
Đó là một bữa tiệc ý nghĩa. Về phía ông Lêvi, ông dọn tiệc để tặng Chúa và các môn đệ của Chúa mà ông mới được hạnh phúc nhận làm anh em, đồng thời cũng để từ biệt những bạn hữu cũ. Về phần Chúa, Chúa đến dự tiệc để hợp vui cùng ông và cũng để có dịp giảng giáo, cứu chữa kẻ tội nhân. Nhưng đám Biệt Phái không muốn hiểu như thế. Sẵn lòng ghen ghét, họ đến dù không được mời, họ đến để tìm dịp bắt bẻ Chúa và làm mất uy thế của Ngài. Đến nơi, họ thấy mọi người đều theo Chúa. Máu tức và ghen tị của họ vận lên, họ chỉ trích ngay rằng:
-Ô, kỳ thật ! Ông này khoe mình là Người của Chúa mà lại ngồi ăn với bọn hạ lưu như vậy ư ? Ô, ông này làm nghề tiên tri như thế đấy !..
Cũng chưa thỏa, họ còn gọi mấy người môn đệ đi ngoài đi ngoài sân và trách nữa:
-Các anh làm gì đó ? Các anh dám cả gan cùng với Thầy các anh đến đây ăn uống với tụi thương chính và tội nhân ư ?
Họ cố nói to cho Chúa ngồi xa cũng nghe nữa. Và quả Chúa đã nghe thấy thật, Ngài đứng dậy bênh đỡ cho môn đệ và nói với họ:
-Không phải những người lành mạnh cần nhờ Thầy thuốc mà chính là những bệnh nhân. Cũng một lẽ ấy, Ta không đến để hoán cải kẻ lành, mà chính là để cải biến người tội lỗi.
Rồi Ngài đẩy cuộc tranh luận đi xa hơn:
-Xưa kia tiên tri Hôsê có lời rằng: Ta muốn lòng khoan hậu hơn của Lễ Lời đó nghĩa là gì các người hiểu chứ ? Lời đó có nghĩa như sau đây: Của lễ trên bàn thờ là quý thật, nhưng tình khoan dung nhân hậu còn quý hơn. Chính đức bác ái mới là cái hồn của việc phụng sự Chúa. Sự hiền từ của người ta đối với kẻ có tội còn đẹp ý Chúa hơn những việc giữ lễ nghi cách tỉ mỉ mà kiêu căng, coi khinh nhữ kẻ không làm như mình.
Những lời đó đáng cho Biệt Phái suy nghĩ lắm. Họ là những người khoe mình nhân đức thánh thiện, nhưng thực ra họ chỉ có cái vỏ nhân đức thánh thiện mà thôi. Họ giữ tỉ mỉ mọi hình thức bên ngoài của một người nhân đức, nhưng lòng họ vẫn xa Chúa, kém đức thương yêu, hay chỉ trích người khác, và còn gọi những người không giống họ là tội lỗi nữa. Tâm hồn họ thực là khô rỗng, vì đã bị những con mọt kiêu hãnh đục khoét tứ tung. Trái lại những người mà họ cho là tội lỗi, vị tất đã tội lỗi như họ, và giả như có đích thật là tội lỗi nữa, thì lớp người đó chỉ đáng thương chứ đâu đáng ghét và đáng bỏ rơi.. Nên Chúa bảo cho họ hay: Chúa đến trước nhất là để cứu những người bị coi như tội nhân và bị bỏ rơi kia (trong số đó có ông Lêvi và chúng bạn của ông chẳng hạn) chứ không phải đến để cứu những người kiêu căng cậy mình có nhân đức mà tựu trung không có nhân đức nào cả, như Biệt Phái chẳng hạn. (Sự thực Chúa cũng đến cứu cả Biệt Phái nữa, nhưng ơn cứu chữa của Chúa thứ nhất, sẽ đến với những người khiêm nhường biết nghe lời Chúa)
Nhưng tụi Biệt Phái có hiểu cho đâu. Càng nghe Chúa nói họ càng tức bực, và họ thầm chửi trong bụng: Lại con cái kỳ khôi; cải hóa kẻ có tội là ngồi ăn chung với chúng nữa ! Rõ thật …
Tuy nhiên lời chỉ trích của bọn Biệt Phái hình như cũng gây một ảnh hưởng nhỏ. Mấy môn đệ của ông Gioan có mặt đấy, nghe Biệt Phái chỉ trích việc ăn uống, liền chổi dậy trong lòng một ít thắc mắc mà các ông giải không ra. Các ông đến hỏi Chúa:
-Thưa Thầy, chúng tôi là môn đệ của ông Gioan. Ông thường thúc dục chúng tôi ăn chay. Và kia nữa, cả những người thuộc Biệt Phái cũng ăn chay. Thế mà sao môn đệ của Thầy lại không ăn chay ?
Chúa Giêsu thấy các ông có một thắc mắc nhỏ như vậy mà không giải được. Ngài liền ôn tồn giảng nghĩa:
-Các ông nghĩ xem..đang ngày hôn lễ mà các bạn hữu của tân hôn lại ăn chay sao ?
Không được mà, ăn chay cũng phải tùy ngày chứ. Vậy đang lúc tân lang còn tại nhà thì đâu phải lúc ăn chay và tỏ mặt buồn như người đi đưa đám. Không ! Không ! Bao giờ tân lang vắng mặt và khuất đi, bấy giờ mới là lúc nên buồn và ăn chay chứ; các ông nghĩ sao ?
Ý nghĩa lời Chúa: Các môn đệ ngài dĩ nhiên cũng phải ăn chay, nhưng ăn chay tùy ngày theo lẽ phải, chứ không phải ngày nào cũng ăn chay như chiều nay chẳng hạn.
Trong số các môn đệ của ông Gioan có mặt ở đây, hẳn cũng có lần đã được nghe ông ví Chúa với một vị tân lang, một tân lang bởi trời xuống cứu lấy linh hồn nhân loại. Nên Chúa dùng lời tình nghĩa nói thích ứng ngay vào điều các ông đã nghe:
Các ông xem, ai lại ăn chay vào ngày hôn lễ bao giờ. Thầy đây là người tân lang mà ông Gioan đã nói. Thầy xuống trần để cưới linh hồn nhân loại, Thầy đang huấn luyện các môn sinh. Thời gian huấn luyện cũng không dài. Các ông ấy đang khó nhọc theo Thầy như người tâm phúc kia theo tân lang trong ngày cưới. Như vậy mà Thầy lại bắt các ông ấy ăn chay ư ?..Nhưng rồi đây sẽ có ngày các ông ấy buồn rầu và ăn chay, ấy là lúc Thầy phải đi xa và vắng bóng (chỗ này Chúa ám chỉ ngày Ngài sẽ chịu chết)cũng như một tân lang bỏ nhà đi mất tích, tự nhiên trong nhà sẽ có sự thay đổi và buồn phiền !
Nghe tới đây, các môn đệ ông Gioan mới hiểu ra. Nỗi thắc mắc của các ông cũng biến mất, các ông tỏ vẻ khâm phục Chúa và tin tưởng vào Ngài.
Trước cử chỉ đó Chúa Giêsu càng tỏ dấu yêu thương và Ngài nói rõ xứ mệnh của Ngài. Ngài xuống trần là để cải tổ thế giới, đem lại cho các linh hồn một tinh thần đạo đức mới, một tinh thần xây nền trên sự thật, chứ không câu nệ vào những hình thức giả dối của Biệt Phái. Cái tinh thần đó phải thành thật, sống động, sâu xa và mới mẻ. Nó không đi đôi với bộ dạng trá hình, hời hợt và cũ rích của Biệt Phái được. Ngài cử ra mấy ví dụ và giảng rõ:
-Chẳng ai lấy miếng vải mới còn mặc vá vào cái áo cũ rách, vì mới cũ không tương đắc nhau. Và trong trường hợp chung đụng nhau, hẳn cái mới sẽ lấn át, làm cái cũ rách càng thêm rách. Cũng tương tự như thế: Chẳng ai đổ rượu mới vào thùng cũ kỹ, vì lúc rượu mới lên men, thùng sẽ nổ vỡ. Vậy rượu mới phải đổ vào thùng mới.
Chúa ngụ ý nói: Cái tinh thần mới Chúa mang xuống không thể để vào cái hình thức giả dối hẹp hòi của Biệt Phái được. Nhưng phải để riêng ra, vì thế mà hiện nay Ngài đang hướng dẫn các môn đệ đi con đường mới với sự sáng suốt và chân thành, chứ Ngài không bắt các ông ấy theo những hình thức cũ rích giả dối của Biệt Phái.
Các lời đó đã làm cho môn đệ ông Gioan và môn đệ của Chúa hài lòng. Các ông còn muốn nghe Chúa giảng mãi, nhưng giờ đã muộn, bữa tiệc đã xong, người ta bắt đầu giải tán…Và Chúa cũng chấm dứt bài giảng của Ngài.
Lm. Lâm Quang Trọng