SAO LẠ CỦA NGÀI….
Trong khi bà Maria còn nặng mối lo âu, tưởng tượng thanh gươm ác độc ông già Simêon mới cho biết. Thì từ chân trời phía Đông, một đoàn người quyền quý đang vượt rừng xanh núi đỏ tiến về Bê Lem để thờ lạy Thánh Tử. Đó là những nhà chiêm tinh của Đông phương, tục gọi là Ba Vua ( Theo lời cổ truyền, Ba Vua thuộc dòng quý tộc ở nước Ba Tư, Babylon, hay Á Rập. Quí hiệu của Ba Vua là Gaspard, Melchior và Balthazar)
Sở dĩ tôn xưng như vậy, là vì một đàng không phải là hạng phù thủy bói khoa thường trơ mặt ở các vỉa đường trong thành phố, và một đàng khác, các nhà chiêm tinh đó có quyền cao chức trọng trong xã hội, và là bậc thông thái hay là danh y biệt tài, đang làm hay đã làm Tiểu vương một xứ…
Ở Đông phương, trời ban đêm nhiều hôm đẹp lạ thường và lấp lánh sao hơn ở Tây phương. Những buổi đẹp trời như thế, các nhà chiêm tinh thích vui cái thú ngắm sao với chén rượu nồng, để đoán biết tương lai và số mệnh. Ba Vua trong truyện này cũng là những kiệt tướng trong thuật chiêm nghiêm ấy. Nhờ cuộc tiếp xúc giữa các dân tộc gần nhau. Ba Vua biết rõ đạo Do Thái và ý họ mong đợi Chúa Cứu Thế đến để khai sáng một hoàng kim thời đại. ( Người Do Thái tin tưởng rất mạnh và hy vọng rất nồng nàn Chúa Cứu Thế sẽ đến. Lòng tin tưởng đó đã tràn lan qua các nước lân cận, và sang tận Tây phương, khiến Ciceron và Virgile cũng phải nói về vị Cứu Tinh Do Thái mong đợi. Ciceron viết: Sẽ có một tướng tối cao, vừa là thầy vừa là vua muôn dân sinh ra, Ngài sẽ tuyên bố một Luật bất di bất dịch (De Divinatate L.II – 134)
Ba Vua cũng biết câu tiên tri của Baalam (Baalam) : Một ngôi sao sẽ mọc trong nhà Giacóp (Jacob) Ngôi sao đó là dấu hiệu một Đại vương
Một đêm kia Ba Vua đang ngắm sao, xét một biến chuyển thế giới theo những nét mờ của vòm trời, bỗng hiện ra ở xứ Giuđêa một tia sáng lạ, có hình sao chổi đuôi dài. Đó là một ngôi sao chưa từng thấy. Một cảm giác mạnh chạy ran trong thân thể của Ba Vua, đồng thời những luồng tư tưởng khác nhau đột nhập lý trí. Ba Vua suy nghĩ mãi…. Sau cùng do nguồn ơn thiên ứng, Ba Vua mới đi đến một kết luận là Vua Do Thái đã giáng sinh. Không do dự nữa, Ba Vua quyết định lên đường tìm cho đến tận Jêrusalem là Thành Thánh của Do Thái để thờ lạy Đấng Cứu Thế mới sinh ra.
Ba Vua lên đường, đoàn tùy tùng theo sau, ngựa lừa đông số. Mọi người vui vẻ bước mau dưới ngôi sao lạ dẫn đường. Ba Vua càng vui hơn, tâm hồn ấm áp vì mộng đẹp. Đúng rồi ! Đại vương ông Đaniên (Daniel) nói tiên tri đã hiện ra. Ta quyết đi, ta quyết tìm Ngài để suy tôn thờ lạy. Có sao sáng chỉ về Ngài, thì âu Ngài cũng là một Áng Sáng, hay là chủ tể của ánh sáng ! Ngài tốt đẹp và cao trọng biết bao !
Ba Vua tới thành Jêrusalem, nơi có cung điện vua Hêrôđê. Thoát chốc ánh sáng hình sao chổi đuôi dài biến mất… Ba Vua vào thành dò hỏi.
Vua Do Thái mới sinh ra ở đâu ? Vì chúng tôi đã thấy sao lạ chỉ về Ngài mọc bên trời Đông, và chúng tôi đến đây để bái yết Ngài.
Bọn thám tử của vua Hêrôđê ở rải rác trong thành, thấy người quyền quý ở xa đến và đưa ra câu hỏi kỳ diệu, liền chạy vội về báo tin cho vua Hêrôđê và tường thuật mọi sự.
Vua này nghe tin như thế, lấy làm bối rối hoang mang. Và dân thành Jêrusalem cũng vậy.
Thời ấy nói đến Hêrôđê, không ai mà không biết tiếng. Người ta gọi Hêrôđê là một bạo chúa khét tiếng, hay là một yêu quái ngồi trên ngai !
Sau khi phạm một chuỗi tội ác: giết chúa, giết anh, giết vợ, Hêrôđê đâm mê hoảng. Ông tìm cách tiêu sầu giải muộn bằng lối phô trương. Ông truyền xây ở Jêrusalem một điện lộng lẫy ngang với điện Ba-la-đinh ( Palatin ) ở LaMã. Trong điện đó, nguyên phòng ngự ẩm, có tới một trăm giường bằng ngà, ấy là chưa kể chiếc long sàng bằng vàng khối.
Hêrôđê quả là ông vua xa xỉ. Lần kia sứ thần La Mã tới Jêrusalem, cũng phải kêu lên Xứ Giuđêa quả là bé cho người vĩ đại này
Nhìn chung quanh, Hêrôđê thấy mình đang ở giữa đường nguy khốn ; một mặt bị Do Thái ghét, một mặt bị La Mã rình mò. Nên muốn lấy lòng dân, ông truyền xây đền thờ
Jêrusalem lại với vẻ cực kỳ rực rỡ. Sau việc kiến trúc này, dân tặng cho ông chữ Magnus nghĩa là Đại Nhân. Đồng thời để mua lòng vua thượng vị Âugút (Auguste)
Ông cũng truyền đặt ở giữa cửa Đền thờ, một con Phượng Hoàng bằng vàng, là tiêu biểu đạo binh La Mã. Bốn mươi thanh niên Do Thái thấy vậy, tức khí trèo lên hạ con phượng hoàng La Mã xuống. Hêrôđê tức quá, lại lo thất thế với La mã, cùng bốc giận đùng đùng, hạ lệnh đốt sống đám thanh niên kia như bó đuốc sống trước những tượng thần La Mã.
Lại nói về tin Ba Vua làm chấn động kinh thành, ở khắp phố dân chúng xôn xao, có tiếng thì thào hỏi nhau bàn tán : Thế nào ? Hay một danh tướng mới sinh ra ? Sinh ra để hạ Hêrôđê quân ngoại chủng xuống ?… Cũng có người nghĩ : Thôi đích rồi ! Hay đó là Chúa Cứu Thế dân ta mong đợi.
Chúa Cứu Thế Danh từ này thời ấy thường được nhắc tới luôn luôn, vì các lời tiên tri về Chúa Cứu Thế đã ứng nghiệm cả, và nó lại tượng trưng cho lòng dân một vấn đề có tính cách tôn giáo lẫn chính trị. Nó hình dung một cuộc giải phóng dân khỏi ách đế quốc La mã và hứa hẹn một kỷ nguyên mới vinh quang, nên nó mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Do vậy, được tin khẩn báo, lại thấy dân chúng xôn xao. Hêrôđê liền truyền họp một hội đồng bất thường gồm các đạo trưởng và tiến sĩ luật của dân để dò hỏi cho biết Chúa Cứu Thế sinh ra đời.
Câu hỏi của nhà vua không làm các nhà trí thức Do Thái bối rối, nó chỉ nhuốm một vẻ bí mật. Theo dư luận của dân, khi Chúa Cứu Thế đến, người ta không biết được đích xác chỗ phát tích của Ngài. Ngài sẽ sống ẩn dật lâu lâu, rồi một ngày đẹp trời, Ngài mới ra ánh sáng một cách tưng bừng náo nhiệt. Lúc ấy ông Elia thứ hai long trọng giới thiệu Ngài với dân và đổ dầu thánh trên đầu Ngài, thứ dầu quen dùng để phong vương. Đó là đại khái những điều dân chúng nghĩ tưởng về Chúa Cứu Thế.
Đối với giới trí thức Do Thái, họ còn biết rộng hơn. Họ biết rõ Chúa Cứu Thế sẽ sinh vào gia đình vua Đavít. Thế mà Đavít phát tích ở Jêrusalem, như lời ông tiên tri Mi-kha
đã để lại. Nên Chúa Cứu Thế cũng phải sinh ra ở đó. Do vậy, sau một cuộc bàn luận không lâu, họ đã cử một đại biểu đứng lên, thưa thay hội đồng với nhà vua :
Chắc chắn Chúa Cứu Thế sinh ra ở Bê Lem xứ Giuđêa. Vì có lời tiên tri chép rằng :
Hỡi Jêrusalem trong đất Giuđêa người không phải là nơi bé nhỏ trong các đô thị xứ Giuđêa, vì do ngươi sẽ xuất hiện một danh tướng để thống trị dân ta, dân Israel.
Nghe câu trả lời Hêrôđê thỏa thích như cởi được tấm lòng, trút được gánh nặng, nhà vua cho hội đồng giải tán và ngẫm nghĩ :
Bê Lem cái thành nhỏ xíu, cách cung điện ta không có bao xa, có gia đình nào tô quý đâu ? Còn về dòng dõi Đavít thì hiện giờ không có gì quan hệ nữa. Những mầm mống sau cùng của gia đình đó đã mất tăm từ lâu trong dân, vậy hẳn những chuyện chiêm tinh kia với lời tiên tri nọ cũng là trò hề cả. Tin là tự giảm giá trị mình và còn bị thiên hạ cười chê
Nghĩ vậy đấy, nhưng ông vua đa nghi cũng muốn gặp 3 nhà chiêm tinh một lần nữa để hớt sạch cái váng do dự còn lại. Vì thế, nên ông cho mời Ba Vua vào mật hội, điều tra kỹ lưỡng về thời giờ sao lạ đã hiện ra. Điều tra, Hêrôđê cũng chỉ thấy rằng đó là một phát hiện tối cận chung quanh một Hài Nhi mới sinh ra, chả cần đến nỗi phải cho thám tử theo gót mấy nhà tướng số xa lạ nữa. Nên ông vui vẻ và với giọng gần như mỉa mai nói với ba nhà chiêm tinh :
Kìa là phía Bê Lem, các ngài cứ lên đường. Các ngài chịu khó điều tra cho ra con trẻ đó. Khi nào các ngài thấy rồi, phiền các ngài trở lại đây báo tin cho ta hay, ta cùng đi gọi là để tiến cống
Cáo biệt Hêrôđê ba vua lại lên đường….
Bê Lem chỉ cách Jêrusalem có mấy dặm….. Trời vừa tối. Bỗng sao lạ đã chiếu sáng bên trời Đông ( Nhiều nhà thiên văn cho sao đó là sao đài thiên văn, ở Jêrusalem đã xem thấy tháng 1 năm
1910 gọi là sao chổi Holley. Nó đi từ Đông sang Tây. Nó tắt đi mấy hôm, rồi hiện ra lấp lánh rực rỡ. )
lại hiện ra lấp lánh dẫn đường đi. Ba Vua mừng hớn hở, bước mau theo ánh sao lạ hướng về phương Nam. Đột nhiên sao dừng, đứng sững trên một căn nhà nhỏ. Ba Vua bỡ ngỡ, nhưng vẫn tin theo, mạnh bạo bước vào nhà, gặp thấy ở đấy Hài Nhi Giêsu với Mẹ Ngài là Bà Maria.
Lúc ấy ông Giuse và bà Maria không ở trong hang nữa, vì đã tìm được một nơi khác trú trọ. Nơi đó là một căn nhà nhỏ thuê với một giá hạ, để tạm trú cho qua ngày. Nhưng cảnh tiều tụy bé nhỏ không làm lung lạc đức tin của Ba Vua, một đức tin vững chải như bàn thạch và dẫy núi. Trái lại, với ơn trên soi sáng, Ba Vua hiểu biết Hài Nhi đó chính là Chúa Cứu Thế.
Ba Vua liền kính cẩn phủ phục suy tôn…
Phần bà Maria, thoạt tiên bà cũng ngạc nhiên về việc ba người quyền quý vào nhà. Nhưng rồi định tâm được ngay. Bà để cho Ba Vua được tự do kính lạy, trong bụng chỉ thầm nhẩm lại lời của sứ thần xưa : Chúa sẽ ban cho Thánh Tử ngai vàng vua Đavít và lời ông già Simêon Hài nhi này sẽ trở nên ánh sáng soi cho muôn nước
Theo tục lệ Đông phương, người ta không đến thăm người vị vọng với hai bàn tay trắng. Nên thờ lạy rồi, Ba Vua mở bao lấy vàng, nhủ hương, mộc dược tiến dâng cho Chúa… Và Ba Vua cảm thấy hoan hỉ vô song, tâm hồn như bừng sáng, mọi ước nguyện đều thỏa mãn….. Nhưng ngoài trời mỗi lúc mỗi tối thêm, mấy căn lều vải đã căng lên gọn gàng đón sẵn. Ba Vua và đoàn tùy tùng cùng đi ngủ, định sáng mai lúc còn sương mờ, sẽ trở lại Jêrusalem, thuật cho Hêrôđê biết việc khám phá đã thành công may mắn.
Nhưng chợt tỉnh dậy, ai nấy đều kể cho nhau nghe giấc mộng ban đêm, và nhận rằng trong lúc ngủ đã được ý trên cho biết không nên trở lại lối cũ, về với Hêrôđê nữa. Nên hừng đông vừa rạng, Ba Vua liền cấp tốc lên đường theo một lối khác trở về quê hương. Lối khác này có lẽ là con đường phía nam Biển Chết.