Lời tiên tri của ông Simêon không bao lâu đã ứng nghiệm.
Trong lúc trẩy đi, Ba Vua được lệnh Hêrôđê phải trở về thuật lại. Nhưng cứ lời dặn trong giấc mộng, Ba Vua không thể theo ý Hêrôđê, và đã đi lối khác trở về quê quán. Thói thường, những ai hung ác, hơi bị phật ý là tìm cách báo oán. Hêrôđê nghe bọn nịnh thần nói ba nhà chiêm tinh đã chủ tâm lỗi lời sai hẹn, ông liền nổi giận bừng bừng mặt mày nóng ran, ông bực tức với cái ý nghĩ : Có lẽ họ phản mình, họ chủ tâm nhau bầu một người lên chiếm vị và che dấu dưới cái danh từ Chúa Cứu Thế Biết đâu sự thật không phải là mở đầu một cuộc cách mạng. Cách mạng, ừ cách mạng ! Mà cái đó ta phải bóp chết ngay còn trong thai và dìm trong vũng máu ! Ý nghĩ đó càng rõ rệt và thêm mạnh mẽ. Theo đà nghi kỵ, Hêrôđê hạ lệnh cho cảnh binh riêng của ông phải tới ngay Bê Lem và những vùng chung quanh, giết cho sạch mọi hài nhi từ hai tuổi trở xuống theo như ngày giờ ba nhà chiêm tinh đã nói về ngôi sao lạ hiển hiện.
Sắc lệnh truyền đi, quan sát nhân bắt tay vào việc. Một số nam nhi ( trẻ con nam ) đã bị làm mồi cho những lưỡi gươm tàn nhẫn, làm các sản phụ mất con đau đớn như điên như dại, than khóc dậy trời. Lời ông Giêrêmia nói tiên tri ngày trước quả đã ứng nghiệm: là ở Bê Lem vang lên những tiếng khóc than vì đau khổ. Đó là tiếng bà Rakiên (Rachel) khóc thương con cái. Bà thất vọng vì các chúng đã không còn.
Hêrôđê là một tay chuyên môn giết người, nên trong vụ sát hại hài nhi, ông đã áp dụng mọi cơ mưu độc ác :
– Ủy cho một ban cảnh binh riêng ; định rõ hạn tuổi hài nhi ; nơi hài nhi ở ; và truyền thực hành cấp tốc, không để thời giờ kịp thoát nạn.
Thật là nhà vua không bỏ sót một điều gì theo phương pháp nhân loại. Bọn vô thần không tin có siêu nhiên, nên họ phải hành động một cách vô cùng khôn khéo.
Nhưng ngờ đâu, họ đã quên rằng có Thiên Thần. Mà cái đó mới thực quan hệ. Vậy ban đêm, trước khi sắc lệnh Hêrôđê được áp dụng. Thiên thần đã hiện đến báo mộng cho ông Giuse :
Hỡi Giuse ! Hãy chỗi dậy và cấp tốc mang Hài Nhi với Mẹ Người sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi có lệnh mới, vì Hêrôđê đang tìm sát hại Hài Nhi
Được lên, ông Giuse liền chỗi dậy, và ngay trong đêm ấy, trốn đi, đem Hài Nhi và Mẹ Người cùng sang Ai Cập !
Thế là chương trình của Hêrôđê đã bị phá hỏng. Không một hài nhi nào ở Bê Lem thoát tay lý hình, chỉ trừ ra chính Hài Nhi người ta định mưu hại là Giêsu thôi ! Sự xảo trá của nhân loại đã thua Thiên Chúa một cách đau đớn và mỉa mai biết dường bao !
Bà Maria được gọi dậy bằng những tiếng sét đánh; Hêrôđê tìm sát hại Hài Nhi. Lòng bà tê tái. Lần đầu tiên bà cảm thấy mũi gươm nhọn ông già Simêon đã báo trước !
Bà mau mắn khoác chiếc áo ngoài vào, và ẵm chặt lấy Hài Nhi, mang thêm mấy chiếc khăn chiếc tã nữa để bọc ấm người con yêu trên cánh tay đang khóc vì vừa tỉnh dậy. Bà sẵn sàng ra đi. Ở ngoài ông Giuse cũng đã sửa soạn xong con lừa.
Một tiếng động khẽ…. Cánh cửa khép lại trong đêm tối. Và hai người bắt đầu lẩn trốn như có kẻ rình giết bên cạnh. Ông Giuse rảo bước, bà Maria với Hài Nhi ngồi trên con lừa hiền hậu. Nó hiên ngang như được vinh hạnh mang cả một cơ nghiệp và mối hy vọng của gia đình Thánh. Nó không hiểu gì và cũng không biết kể công mệt nhọc nếu phải qua một quãng đường dài khoảng 40 cây số. ( 40km )
Đêm tối gió lạnh thổi…. Nhưng thế mới tốt cho những người lánh nạn. Hai ông bà bồn chồn lo lắng, nhưng mặc, cứ tiến và phải tiến luôn ! Từ Bê Lem đến Ai Cập phải đi hai ba ngày đường kia mà….Đồng thời theo nguồn hiểu biết của Thiên Chúa, Hài Nhi Giêsu nhìn qua lần khăn bọc, thấy rõ dòng máu lai láng của các Thánh Trẻ chảy ra. Ngài ra chiều ngủ mệt, nhưng lòng Ngài vẫn thức. Ngài lấy thánh ân hộ trì các bà mẹ mất con đang khóc lóc và thêm can đảm cho các bà chịu khổ, cũng như Ngài an ủi thân mẫu Ngài, nhất là những lúc trái tim thân mẫu như bị mũi gươm đau khổ thâu qua.
Từ Bê Lem đến Ai Cập xa độ 200 cây số. Có lẽ hai ông bà đi theo con đường Bê Lem-
Gaza-Suez-Egypt. Đó là con đường gần, cách xa biển sa mạc, và có cái lợi là dễ kiếm nước, ít nguy hiểm và thấp thoáng có những bụi cây xanh để có thể tạm nghỉ chân.
Qua kinh Suyê ( Suez ) hai ông bà đến một thành gần đó tên là Hêliôbôlít ( Heliopolis ) rồi từ thành này đến Matariết ( Matarieh ) cách thủ đô Ai Cập ( Cairo ) 10 cây số.
Matariết là một hương thôn ở trong lãnh thổ nước Ai cập. Nhưng hồi ấy cũng hầu như khoảnh đất của người Do Thái, giống như Chợ Lớn ngày nay dưới tay Hoa kiều. Họ chiếm bằng nhân số và quyền lợi. Nguyên từ ngày vua Nabucôđônôsô ( Nabuchodonosor) tàn phá thành Jêrusalem, một số đông Do Thái sang lập cư bên Ai Cập. Rồi số kiều dân tăng lên mãi có tới một triệu, họ phải đi ở rải rác nhiều nơi. Họ đã xây ở Lêongtôbôlit ( Leontopolis ) một đền lộng lẫy ngang với đền Sion ở quê nhà. Tuy nhiên họ vẫn trung thành với cố hương và liên lỉ tiếp xúc với những anh em đồng đạo ở chính quán. Ngoài ra ở Alịchsandra ( Alexandria ) cũng có nhiều nhà trí thức Do Thái. Họ chuyên dịch sách cho thư viện Pharaong Paolemêo II. Trong số các bản dịch Thánh Kính, có bản dịch Bảy Mươi là nổi tiếng nhất.
Vậy Thánh gia bó buộc phải định cư ở Ai Cập, nơi đất khách quê người, trăm chiều túng thiếu. Giữa khung cảnh mới, ông Giuse đã sớm xoay nghề xưa, tra tay vào công việc cưa đục để kiếm ít đồng chi dụng.
Khung cảnh Ai Cập thật là ly kỳ, trên mặt sông Nilô cuồn cuộn sóng, những cánh buồm to tha thướt khắp nơi, nhẹ nhàng băng mình trên dòng nước nâu nâu giữa hai bờ tre sậy.
Ở đàng xa trên nền trời tím, thấp thoáng bóng Kim Tự Tháp đồ sộ. Trên mặt đất đó đây la liệt những di tích ; nào là văn bia của tiền đại Pha-ra-ông, nào là những dẫy đền chùa, nào những tượng thần trăm thứ, đứng sững trên những thạch trụ khắc chạm hình người với đầu ngựa hay bò xen với bầy yêu tinh. Phong tục và cách phục sức cũng lạ lắm. Người ta ăn mặc lố lăng, thích chưng diện và kiệu rước hàng trăm thứ tượng thần bằng đất sét. Người ta đua nhau sức thuốc thơm những tượng thần và thích thờ thần trong những núi đá nhỏ ở khắp nơi.
Trước khung cảnh trần tục và dị đoan ấy, Thánh gia cảm thấy buồn phiền và tịch mịch cô đơn !