Sau loạt bài về đề tài các vụ Đức Mẹ hiện ra, hôm nay chúng ta bước sang đề tài các cuộc hành hương đến các trung tâm thánh mẫu kính Đức Mẹ. Sự kiện Đức Mẹ hiện ra đó đây trên năm châu làm nảy sinh ra các nhà nguyện, nhà thờ, đền thánh và trung tâm thánh mẫu, lôi cuốn tín hữu hành hương cầu nguyện và kính viếng các nơi thánh này. Một đôi khi chính Đức Mẹ xin xây đền thánh kính Mẹ, và mời gọi tín hữu tới hành hương, rước kiệu, cầu nguyện để Mẹ ban các ơn lành hồn xác cho những ai tin tưởng chạy đến cùng Mẹ.
Tuy trong thời đại tân tiến ngày nay việc thực thi tôn giáo đã có nhiều thay đổi, nhưng sinh hoạt hành hương đã không bị che mờ phủ lấp, trái lại từ thập niên 1970 trở đi nó lại bùng nổ mạnh mẽ hơn. Sau một thời gian bị suy giảm vì sự thay đổi văn hóa, trong đó lòng đạo đức bị coi như một cái gì lỗi thời, là chuyện của người gia và đàn bà con nít, thì ngày nay người ra chú ý nhiều hơn đến các truyền thống lịch sử văn hóa và các lý do sâu xa hơn của nó. Cũng vì thế đã có các đại hội hay sách báo tài liệu ít nhiều trực tiếp liên quan tới đề tài hành hương, và các nghiên cứu này thường có tính cách liên ngành. Các nhà nghiên cứu xã hội học tôn giáo ghi nhận độ rộng rãi và ý nghĩa của hiện tượng hành hương, và phân tích hiện tượng học của nó trong bối cảnh rộng rãi hơn của lòng đạo đức bình dân. Cần phải nhìn hiện tượng này với rất nhiều chú ý, và không có các thái độ hiểu trước hay thành kiến, vì ngày nay có thể định nghĩa hành hương là một hiện tượng của tập thể đông đảo, và nó đặt ra các vấn đề nghiêm chỉnh ngang hàng với các tầm vóc quan trọng của nó.
Thật thế, hiện tượng hành hương liên quan tới nhiều khiá cạnh lý thuyết cũng như thực hành. Ở đây chúng ta chỉ hạn chế trong lãnh vực kitô, và giới hạn việc tìm hiểu: thứ nhất, vào lãnh vực nhân chủng học tôn giáo để xem xét các gốc rễ và các nét thường hằng nhân bản của nó; thứ hai, vào lãnh vực thần học kinh thánh nhằm tìm hiểu tính cách cứu độ và chiều kích kitô của nó; thứ ba, vào chiều kích lịch sử là lãnh vực được nghiên cứu nhiều nhất, để tiếp nhận các nét thường hằng trong tiến trình biến chuyển của nó qua dòng thời gian; thứ bốn, là để đi tới các đường nét thần học giúp giải thích hiện tượng kitô, đặc biệt là tình trạng hiện nay; và thứ năm là để đi tới kết luận mục vụ liên quan tới hiện tượng hành hương. Khi đề cập tới hành hương thì cũng luôn luôn phải nói về các đền thánh, vì chúng liên hệ mật thiết với nhau.
** Trên bình diện nhân chủng học tôn giáo, hành hương là một dữ kiện nền tảng: dưới các tên gọi khác nhau, nhưng trong căn tính của thực tại được sống, cử chỉ đi hành hương tạo thành qua các nền văn hóa các không gian, và trong hàng ngàn năm nó là một trong các thời điểm mạnh mẽ của kinh nghiệm tôn giáo cá nhân và tập thể. Như thế, hành hương không chỉ là một thực tại của Kitô giáo tây phương, nhưng là một hiện tượng đại đồng, hiện hữu khắp nơi trên thế giới. Ngoài các cuộc hành hương của tín hữu các tôn giáo khác thời xa xưa, chúng ta cũng có thể ghi nhận các hình thức đáng chú ý nhất, chẳng hạn như sự kiện các tín hữu hồi giáo đi hành hương La Mecca. Đây là một trong 4 cột trụ của Hồi giáo, và là tột đỉnh cuộc sống của tín hữu hồi. Giấc mơ của tín hữu hồi là ít nhất một lần trong đời phải hành hương đến La Mecca.
Thế rồi còn có các cuộc hành hương của tín hữu Ấn giáo tìm tới tắm tại sông Gange, và tại các đền thánh của họ, cũng như các cuộc hành hương của các phật tử đến các trung tâm và chùa chiền phật giáo. Đây là các thực hành đã đâm rễ sâu trong kinh nghiệm thiên tài tôn giáo của nhiều chủng tộc trên toàn thế giới.
Tính từ “peregrinus” trong tiếng Latinh – hay thường khi là danh từ – phát xuất từ động từ “peragare”, có nghĩa là “rong ruổi, đi khắp, vượt khắp, vượt qua”, diễn tả nghĩa mạnh của việc “đi xa” “peregre nghĩa là “ per agros” đi ra ngoài thành phố, đi vào trong miền quê đi qua các cánh đồng. Vì thế từ “peregrinus” ám chỉ “người làm một cuộc hành trình tới một xứ xa xôi hay đi ra ngoại quốc , tới vùng xa lạ để lưu lại đó”. Qua việc trải dài ý nghĩa nó cũng ám chỉ “người ngoại quốc”. Tất cả các ý nghĩa này đều bao hàm trong động từ “peregrinare” và trong danh từ “peregrinatio” hành hương tiếng Latinh. Hành hương một cách nòng cốt có nghĩa là một cuộc khởi hành, một cuộc ra đi.
Việc di chuyển trong không gian này cho chúng ta thấy người hành hương như là “người đi qua”, cả khi hôm nay họ ngừng lại, rồi ngày mai đi tiếp. Điều chúng ta chú ý ở đây là các không gian nhân bản mà họ đi ngang qua: họ không chỉ xa lạ với vùng đất đi qua, mà cũng xa lạ với các nhóm người sinh sống trong vùng đất đó, và xa lạ với cả chính mình nữa. Chứng tá của họ và ý nghĩa của cử chỉ kéo theo một nền tu đức và một sự khổ hạnh: ngoài việc ghi dấu tính cách đi qua của các tình trạng cuộc sống con người, nó cũng loan báo sự tách rời trong nội tâm và việc hoán cải, là cử chỉ tuyệt đối nhất trong cuộc sống của một người, đến độ nó kéo theo một cuộc tái sinh, bắt đầu một cung cách sống mới.
** “Nền tu đức trên đường”, “sống con đường” là các kiểu diễn tả ám chỉ rằng việc bứng rễ “khỏi xứ sở, khỏi quê hương, khỏi nhà mình”, như ông Môshê đã làm, khi nghe lời Thiên Chúa mời gọi ra đi, lên đường. Thuật lại ơn gọi của ông Abraham tổ phụ dân Do thái chương 12 sách Sáng Thế viết: “Thiên Chúa phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” Ông Áp-ram ra đi, như Chúa đã phán với ông. Ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kha-ran. Ông Áp-ram đem theo vợ là bà Xa-rai, cháu là ông Lót, và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Kha-ran. Họ ra đi về phía đất Ca-na-an và đã tới đất đó.” (St 12, 1-5). Ông Abraham đã từ bỏ thành Ur, từ bỏ cuộc sống định cư văn minh, sung túc, bảo đảm để lên đường ra đi, mà không biết tên miền đất sẽ đến. Ông chỉ tín thác nơi lời Chúa nói, và dấn bước phiêu lưu mà không có bất cứ chắc chắn bảo đảm nào trong tay. Việc ra đi của ông diễn tả thái độ tin tưởng tinh tuyền, trần trụi tuyệt đối của ông.
Việc ra đi, lên đường này đòi hỏi một cởi bỏ hai chiều: cởi bỏ đồ vật và cởi bỏ giác quan, để thừa nhận và trao trả lại sự tự do cho tinh thần, là thực tại mà ta không thể và không được phép giam hãm cản trở. “Đi về” cũng là một kiểu diễn tả hiện sinh việc thực hiện tôn giáo, và có nghĩa là chiến thắng trên không gian, và gia tăng việc tạo dựng năng động trên thực tại tĩnh.
Mặc dù có các dáng vẻ trái nghịch, nhưng con đường là điều kiện thực của con người, mà nền văn minh và văn hóa của chúng ta đang tái vẽ lại. Điều này cho phép tham dự vào một tâm tình vũ hoàn. Vì thế hành hương được giới thiệu như một một biểu tượng, hay như một bắt chước thảm kịch điều kiện lữ hành của “con người lữ hành – homo viator”. Để là dấu chỉ của việc tiếp xúc với các mẫu mực sâu thẳm, sức mạnh và phẩm chất của việc hành hương đạt độ cao tới nỗi các tôn giáo lớn đã phải thừa nhận giá trị “bí tích “ của nó, là dấu chỉ bề ngoài, nhưng tạo ra các ơn ích bên trong.
Hành hương và đền thánh làm thành các dữ kiện của cuộc “gặp gỡ” và việc “tham dự” vào sự thánh thiêng, rồi sau đó thiết lập một đơn vị có tổ chức giữa nhóm người hành hương và sự hiện diện của Thiên Chúa. Cả hai đều được ghi vào trong một hoạt động thành toàn, trong đó các diễn viên là con người tôn giáo, không gian và sự thánh thiêng, bằng cách soi sáng cho sự tiếp cận ba chiều: sự tiếp cận của thân xác con người với không gian, việc tiếp nhận hay tạo ra nơi thánh thiêng và cuộc gặp gỡ với thế giới bên kia, thế giới siêu việt.
Việc hành hương quy chiếu về đền thánh, được gọi là “nơi thánh”. Kiểu nói này diễn tả nguồn gốc ngoại giáo của nó. “Thánh thiêng” không quy chiếu về sự siêu việt. Trong các tôn giáo không do thái và kitô, ý niệm chuyển vận vòng tròn của các biến cố liên quan tới con người đã ảnh hưởng trên hình ảnh của đền thánh và việc hành hương, được coi như một nơi có hàng rào chung quanh, được tách rời, để thực thi tại đó, bên trong và bên ngoài, một cuộc rước kiệu, được hiểu như là đi vòng quanh hấp dẫn nhiệm mầu, hay đi vòng quanh để cầu khẩn.
** Quan niệm do thái về lịch sử như một đường thẳng liên tục, một lộ trình đi từ một điểm tới một điểm khác, bắt nguồn từ hình ảnh tiến tới của lịch sử cứu rỗi. Trong biểu tượng của việc đi hành hương và thời gian của nó, người ta không trông thấy một di chuyển vòng tròn chung quanh một khu vực có hàng rào nữa, mà là một chặng được sự thánh thiêng giải thoát: khoảng không gian tôn giáo quy chiếu về một lộ trình vượt quá nó, bằng cách gợi lên một tiếp cận cánh chung. Việc nhân hình hoá vũ trụ và nhân bản hoá không gian sẽ được thực hiện trong tình trạng kitô, qua một quan niệm tiến hoá và tiệm tiến của lịch sử. Nhưng việc hành hương kitô sẽ không thoát khỏi các luật lệ đại đồng của “việc thử nghiệm không gian” và các hình thức của nó sẽ có các dáng vẻ của tất cả các việc di chuyển cầu nguyện khác.
Tuy nhiên, cần đề phòng các quan niệm đa thần hay thờ vật linh tiềm ẩn trong đó, qua đó hầu như người ta coi các đền thánh như thể là các nơi canh giữ một sức mạnh thánh thiêng hay các quyền lực cứu rỗi, và làm như thể chúng tham dự vào quyền lực thiên linh được tích tụ qua các biến cố lạ lùng hay các biểu lộ thần thiêng. Một đàng là sự biểu tuợng mà các yếu tố thiên nhiên tràn đầy, đàng khác là việc linh hoạt siêu nhiên không được hiểu như một quyền lực tinh thần, nhưng phải là kết qủa cuộc gặp gỡ cá nhân, qua hai cử chỉ chính xác là ý muốn cứu rỗi đi trước của Thiên Chúa và ý muốn của con người, được diễn tả ra qua cử chỉ rộng mở, lắng nghe, hoán cải và dấn thân. Nơi chốn và các sự vật như: mồ mả, thánh tích, hình ảnh, núi đồi, hang hốc, suối nguồn vv… do sự diễn tả phong phú của chúng, hay vì chúng mang đầy tính cách lịch sử tôn giáo qua các thế kỷ nhờ sinh hoạt lễ nghi, chúng trở thành một trung gian. Mục đích cuộc hành hương hoạt động như “dấu chỉ tưởng niệm” giúp gắn liền với sự can thiệp của Thiên Chúa thành lập và còn hiện thực để cử hành ơn thánh cứu độ: ơn thánh được làm cho hiện diện trong cuộc hành hương, trong lúc tột đỉnh trở thành sự hiệp thông. Với các minh xác trên đây chúng ta có thể chấp nhận các yếu tố thiên nhiên cũng như các yếu tố lịch sử của việc hành hương và của đền thánh, và hiểu các lý do của nó một cách tốt đẹp hơn.
TMH 535
Linh Tiến Khải
RV