Kinh mân Côi hiện nay giúp tín hữu suy niệm 20 mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu: sau năm mầu nhiệm của sự vui và năm mầu nhiệm của sự sáng, là năm mầu nhiệm của sự thương khó cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu và năm mầu nhiệm sự mừng của vinh quang.
Đức Gioan Phaolô II viết trong Tông thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria: Các Phúc Âm gán cho các mầu nhiệm khổ đau của Chúa Kitô một tầm quan trọng lớn. Từ luôn mãi lòng đạo đức Kitô, đặc biệt trong Mùa Chay, qua việc đi Đàng Thánh Giá, đã dừng lại trên các lúc đặc biệt của cuộc Khổ Nạn, bằng cách trực giác được rằng đây chính là tột đỉnh mạc khải của tình yêu và chính đây là suối nguồn ơn cứu độ của chúng ta. Kinh Mân Côi lựa chọn vài lúc của cuộc Khổ Nạn, bằng cách thuyết phục người cầu nguyện dán cái nhìn của con tim vào đó và sống chúng. Như thế lộ trình suy niệm mở ra với vườn Giệtsêmani, nơi Chúa Kitô sống một lúc đặc biệt lo âu trước ý muốn của Thiên Chúa Cha, mà sự yếu đuối của xác thịt sẽ bị cám dỗ nổi loạn. Chính tại nơi này Chúa Giêsu đã đặt để tất cả mọi cám dỗ của nhân loại, và trước tất cả mọi tội lỗi của loài người, để thưa với Thiên Chúa Cha: ”Không phải theo ý con, mà là theo ý Cha” (Lc 22,42 và song song).
Tiếng ”xin vâng” này của Người lật ngược tiếng ”không” trong vườn Địa Đàng. Và sự gắn bó ấy với ý muốn của Thiên Chúa Cha bắt Người phải trả giá mắc mỏ chừng nào, nổi bật từ các mầu nhiệm theo sau, trong đó có việc leo lên núi Sọ, bị đánh đòn, bị đội mão gai, chết trên thập giá. Người đã bị ném vào trong sự khước từ lớn lao nhất: Nầy là người!
Trong sự khước từ đó không chỉ có tình yêu của Thiêm Chúa được vén mở, mà cũng được vén mở chính ý nghĩa của con người. Này là người: ai muốn hiểu biết con người, phải biết nhận ra ý nghĩa, nguồn gốc và sự thành toàn của nó trong Chúa Kitô. Thiên Chúa tự hạ mình xuống vì tình yêu ”cho tới chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Các mầu nhiệm thương đưa tín hữu tới chỗ sống trở lại cái chết của Chúa Giêsu, bằng cách đứng dưới chân thập giá bên cạnh Mẹ Maria để cùng Mẹ bước sâu vào vực thẳm tình yêu của Thiên Chúa và cảm nhận được tất cả sức mạnh tái sinh của nó (s. 22)
Việc chiêm ngắm gương mặt của Chúa Kitô không thể dừng lại ở hình ảnh của Chúa chịu đóng đinh. Người là Đấng Phục Sinh. Từ luôn mãi Kinh Mân Côi diễn tả ý thức này của đức tin, bằng cách mời gọi tín hữu đi xa hơn sự tối tăm của cuộc Khổ Nạn, để gắn cái nhìn vào vinh quang của Chúa Kitô trong sự Phục Sinh và Lên Trời. Khi chiêm ngắm Kinh Mân Côi, Kitô hữu tái khám phá ra các lý do đức tin của mình (x. 1 Cr 15,14), và sống trở lại niềm vui, không phải chỉ của những người mà Chúa Kitô đã tự tỏ hiện ra: các Tông Đồ, bà Maria Madalena, các môn đệ làng Emmaus -, nhưng cả niềm vui của Mẹ Maria, là Đấng đã phải sống một kinh nghiệm không kém sâu đậm về cuộc sống mới của Người Con được vinh hiển. Cùng với việc Lên Trời sự vinh quang này đặt để Chúa ở bên hữu Thiên Chúa Cha, và chính Mẹ cũng sẽ được nâng lên vinh quang này với việc Hồn xác lên Trời, và bởi đặc ân rất đặc biệt Mẹ đạt trước số phận dành cho tất cả mọi người công chính với sự phục sinh của thân xác. Sau cùng được đội triều thiên vinh quang – như xuất hiện trong mầu nhiệm vui cuối cùng – Mẹ rạng ngời như Nữ Vương các Thiên thần và các Thánh, là việc thực hiện trước và tột đỉnh điều kiện cánh chung của Giáo Hội.
Ở trung tâm lộ trình vinh quang của Con và của Mẹ, Kinh Mân Côi đặt trong mầu nhiệm thứ ba lễ Ngũ Tuần cho thấy gương mặt của Giáo Hội như gia đình được quy tụ với Mẹ Maria, được làm sống trở lại bởi việc đổ tràn đầy Thần Khí, sẵn sàng cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Việc chiêm ngắm mầu nhiệm này cũng như các mầu nhiệm vinh quang phải đưa tín hữu tới chỗ luôn ý thức sinh động hơn về cuộc sống mới của họ trong Chúa Kitô, bên trong thực tại của Giáo Hội, một cuộc sống mà cảnh Chúa Thánh Thần hiện xuống là ”hình ảnh” lớn lao. Như thế các mầu nhiệm vinh quang dưỡng nuôi nơi các tín hữu niềm hy vọng của mục đích cánh chung, mà chúng ta tất cả đều đang bước tới như là các thành phần của Dân Thiên Chúa lữ hành trong lịch sử. Điều này không thể không thúc đẩy họ tới một chứng tá can đảm của ”tin vui”, trao ban ý nghĩa cho toàn cuộc sống của họ. (s. 23).
Từ các mầu nhiệm sang Mầu Nhiệm: con đường của Mẹ Maria. Các chu kỳ suy niệm mà Kinh Mân Côi đề nghị chắc chắn không được đầy đủ, nhưng nhắc lại điều nòng cốt, bằng cách dẫn đưa tâm hồn tới chỗ nếm hưởng một sự hiểu biết về Chúa Kitô; sự hiểu biết ấy liên tục kín múc nơi suối nguồn tinh tuyền của văn bản tin mừng. Mỗi một đường nét riêng biệt trong cuộc đời Chúa Kitô, như được các thánh sử kể lại, rạng ngời Mầu Nhiệm vượt qúa mọi sự hiểu biết (x. Ep 3,19). Đó là Mầu Nhiệm của Ngôi Lời nhập thể, trong đó ”cư ngụ tất cả thiên tính sự tràn đầy một cách xác thể” (Cl 2,9). Vì thế Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh đến thế trên các mầu nhiệm của Chúa Kitô, bằng cách nhắc lại rằng ”tất cả trong cuộc đời của Đức Giêsu đều là dấu chỉ Mầu Nhiệm của Người”. Việc ra khơi của Giáo Hội trong Ngàn năm thứ ba được đo lường trên khả năng của các Kitô hữu ”bước vào trong sự hiểu biết toàn vẹn mầu nhiệm của Thiên Chúa, nghĩa là của Chúa Kitô, trong đó dấu ẩn tất cả các kho tàng của sự khôn ngoan và của khoa học” (Cl 2,2-3). Lời cầu mong của thư gửi các tín hữu Êphêxô được hướng tới từng tín hữu đã được rửa tội: ”Ước chi Chúa Kitô nhờ đức tin ở trong tim anh em và như thế được đâm rễ và xây dựng trên đức mến, anh em có thể … hiểu biết tình yêu của Chúa Kitô vượt mọi sự hiểu biết, để anh em được tràn đầy tất cả sự toàn vẹn của Thiên Chúa” (Ep 3,17-17).
Kinh Mân Côi phục vụ lý tưởng này, bằng cách cống hiến ”bí mật” giúp rộng mở một cách dễ dàng hơn cho một sự hiểu biết sâu xa và lôi cuốn về Chúa Kitô. Chúng ta có thể nói đó là con đường của Đức Maria. Đó là con đường gương sống của Đức Trinh Nữ thành Nagiarét, là phụ nữ của đức tin, sự thinh lặng và lắng nghe. Đó vừa là con đường của một lòng sùng mộ Đức Mẹ được linh hoạt bởi ý thức về tương quan không thể phân rẽ được gắn liền Chúa Kitô với Mẹ Rất Thánh của Người: các mầu nhiệm của Chúa Kitô, trong một nghĩa nào đó, cũng là các mầu nhiệm của Mẹ Maria, cả khi Mẹ không bị liên lụy một cách trực tiếp, vì chính sự kiện Mẹ sống vì Chúa và cho Chúa. Khi khiến cho các lời của thiên sứ Gabriel và của bà Elidabét trở thành lời của chúng ta, chúng ta cảm thấy được thúc đẩy luôn tìm kiếm Mẹ Maria một cách mới mẻ, giữa vòng tay và trái tim của Mẹ, “hoa trái được chúc phúc của lòng Mẹ” (x. Lc 1,42) (s. 24).
Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, mầu nhiệm của con người. Trong chứng tá năm 1978 về Kinh Mân Côi như là lời kinh được yêu mến nhất của tôi, tôi đã diễn tả một ý niệm mà tôi muốn lập lại. Hồi đó tôi đã nói rằng lời cầu đơn sơ của Kinh Mân Côi đập nhịp cuộc sống con người.
Dưới ánh sáng các suy tư đã được khai triển cho tới nay về các mầu nhiệm của Chúa Kitô, thật không khó đào sâu quan hệ nhân chủng học này của Kinh Mân Côi. Một quan hệ triệt để hơn lúc mới xem ra rất nhiều. Ai chiêm ngưỡng Chúa Kitô bằng cách lần theo các chặng cuộc sống của Người, thì không thể không nhận được nơi Chúa chân lý về con người. Đó là khẳng định lớn của Công Đồng Chung Vaticăng II, mà ngay từ đầu Thông điệp ”Đấng Cứu Độ con người” biết bao lần tôi đã lấy làm đối tượng cho huấn quyền của tôi: ”Thật ra, mầu nhiệm con người chỉ được thực sự soi sáng trong mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể” (GS 22). Kinh Mân Côi giúp rộng mở cho ánh sáng này. Khi bước theo con đường của Chúa Kitô, trong đó con đường của con người ”được thâu tóm”, vén mở và cứu chuộc, tín hữu tự đặt mình trước hình ảnh của con người thật. Khi chiêm ngưỡng việc sinh ra của mình, nó học biết tính cách thánh thiêng của sự sống; khi nhìn vào thánh Gia Nagiarét, nó học sự thật nguyên thủy của gia đình theo chương trình của Thiên Chúa; khi lằng nghe Thầy mình trong các mầu nhiệm cuộc sống công khai của Người, nó kín múc được ánh sáng giúp bước vào trong Nước Chúa; và khi đi theo Người trên con đường Núi Sọ, nó học biết ý nghĩa của khổ đau cứu rỗi. Sau cùng, khi chiêm ngưỡng Chúa Kitô và Mẹ Người trong vinh quang, nó trông thấy điểm tới mà mỗi người trong chúng ta được mời gọi, và để cho mình được Chúa Thánh thần chữa lành và biến đổi. Như thế, có thể nói rằng mỗi một mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, khi được chiêm ngắm tốt đẹp, đều dãi ánh sáng trên mầu nhiệm của con người.
Đồng thời, nó trở thành điều tự nhiên, khi đem vào cuộc gặp gỡ này với nhân tính thánh thiện của Đấng Cứu Chuộc biết bao nhiêu các vấn đề, tấn kích, mệt nhọc và dự án ghi dấu con đường đời sống chúng ta. ”Hãy trút bỏ cho Chúa sự mệt nhọc của ngươi và Người sẽ cho ngươi sự trợ giúp” (Tv 55,23). Suy niệm Kinh Mân Côi có nghĩa là trao phó các mệt nhọc của chúng ta cho con tim xót thương của Chúa Kitô và của Mẹ Người. Hai mươi lăm năm sau, khi nghĩ tới các thử thách đã không thiếu cả trong việc thực thi sứ vụ Phêrô nữa, tôi cảm thấy phải nêu bật, hầu như là một lời mời gọi nồng nhiệt gửi tới tất cả mọi người, để họ cũng lấy đó làm kinh nghiệm riêng: phải, đúng thật là Kinh Mân Côi ”đập nhịp của cuộc sống nhân loại” để hòa hợp nó với nhịp đập cuộc sống của Thiên Chúa, trong sự hiệp thông vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi, là số phận và là ngưỡng vọng của cuộc sống chúng ta”.
(Thánh Mẫu Học bài 359)
Linh Tiến Khải