Chúa Kitô phục sinh và Chúa Thánh Thần đồng hành với Phaolô cho tới cùng

** Mấy chương cuối cùng của sách Tông Đồ Công Vụ cho thấy Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đã đồng hành với thánh nhân cho tới phút cuối cùng trong cuộc đời nhân chứng.

Chương 26 trình thuật cuộc gặp gỡ và diễn từ Phaolô nói trước mặt vua Agrippa. Phaolô đã kể lại cho vua nghe cuộc đời của ông, từ kẻ bách hại Kitô giáo trở thành tông đồ chứng nhân của Chúa Kitô phục sinh mà ông đã gặp trên đường đến thành Damasco. Ông nói tiếp: “Từ đó, kính thưa đức vua Ác-ríp-pa, tôi đã không cưỡng lại thị kiến bởi trời. Trái lại, tôi đã rao giảng trước hết cho những người ở Đa-mát, rồi cho những người ở Giê-ru-sa-lem và trong khắp miền Giu-đê, sau đó cho các dân ngoại, kêu gọi họ sám hối và trở về cùng Thiên Chúa, đồng thời làm những việc chứng tỏ lòng ăn năn sám hối. Chính vì thế, người Do-thái đã bắt tôi khi tôi đang ở trong Đền Thờ và tìm cách giết tôi. Được Thiên Chúa phù hộ, cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn tiếp tục làm chứng trước mặt kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn; tôi không nói gì khác ngoài những điều các ngôn sứ và ông Mô-sê đã báo trước sẽ xảy ra, đó là: Đấng Ki-tô sẽ chịu đau khổ và là người đầu tiên sống lại từ cõi chết, để loan báo ánh sáng cho dân Do-thái cũng như cho các dân ngoại.”

Ông Phao-lô còn đang tự biện hộ như thế, thì ông Phét-tô lớn tiếng nói: “Ông Phao-lô, ông điên mất rồi! Ông hay chữ quá nên hoá điên! ” Ông Phao-lô đáp: “Thưa ngài Phét-tô đáng kính, tôi không điên đâu, nhưng tôi nói lên những điều hợp với sự thật và lẽ phải. Quả thế, đức vua biết rõ những điều ấy, và tôi mạnh dạn nói với người: tôi tin chắc rằng trong các điều ấy, không có gì mà người không biết, vì chuyện này đã không xảy ra ở một xó nào đó. Kính thưa đức vua Ác-ríp-pa, chắc là ngài tin các ngôn sứ? Tôi biết là ngài tin.” Vua Ác-ríp-pa nói với ông Phao-lô: “Chút nữa là ông thuyết phục được tôi trở thành Ki-tô hữu rồi đấy! ” Ông Phao-lô trả lời: “Chút nữa hay nhiều nữa, thì tôi cũng xin Thiên Chúa cho, không những ngài, mà hết mọi người đang nghe tôi nói hôm nay, được trở nên giống như tôi, trừ ra những xiềng xích này! “

Bấy giờ nhà vua, ông tổng trấn, bà Béc-ni-kê và cử toạ đứng dậy. Khi ra về, họ nói với nhau: “Người này không làm chi đáng chết hay đáng bị tù.” Vua Ác-ríp-pa nói với ông Phét-tô: “Đáng lẽ người này có thể được thả ra, nếu đã chẳng kháng cáo lên hoàng đế Xê-da.”

**  Khi có quyết định cho Phaolô đáp tàu sang I-ta-li-a, người ta giao ông và mấy tù nhân khác cho một đại đội trưởng tên là Giu-li-ô, thuộc cơ đội Au-gút-ta. Họ xuống một chiếc tàu của thành Át-ra-mýt-ti-on, sắp nhổ neo đi các cảng miền A-xi-a và ra khơi. Cùng đi với họ có anh A-rít-ta-khô, một người Ma-kê-đô-ni-a quê Thê-xa-lô-ni-ca. Hôm sau, họ cập bến Xi-đôn; ông Giu-li-ô xử nhân đạo với ông Phao-lô, cho phép ông đi thăm bạn hữu và để họ săn sóc ông. Từ đó, họ lại ra khơi và đi vòng theo đảo Sýp, vì gió ngược. Rồi tầu vượt qua biển Ki-li-ki-a và Pam-phy-li-a và tới My-ra miền Ly-ki-a. Ở đấy, viên đại đội trưởng tìm được một chiếc tàu của thành A-lê-xan-ri-a sắp đi I-ta-li-a, nên ông cho mọi người sang tàu đó.

Trong vòng nhiều ngày, tàu đi chậm, và vất vả lắm họ mới đến ngang Cơ-ni-đô. Vì không thuận gió, tầu đi vòng theo đảo Cơ-rê-ta, hướng về phía mũi Xan-mô-nê. Họ vất vả đi men theo mũi đó đến một nơi gọi là Bến Lành, gần đó có thành La-xai-a.

Tầu đã mất khá nhiều thời gian, và việc đi biển từ nay thật nguy hiểm, vì ngày ăn chay đã qua rồi. Ông Phao-lô khuyên họ: “Thưa các bạn, tôi thấy rằng chuyến đi biển này sẽ gây nhiều thiệt hại và mất mát, chẳng những cho hàng hoá và con tàu, mà còn cho tính mạng chúng ta nữa.” Nhưng viên đại đội trưởng tin tài công và chủ tàu hơn tin lời ông Phao-lô. Vì cảng không thích hợp cho tàu ở lại qua mùa đông, nên đa số có ý kiến lại ra khơi, để nếu có thể thì cập bến và qua mùa đông ở Phê-ních, một cảng khác trên đảo Cơ-rê-ta quay về hướng tây nam và tây bắc.

Một cơn gió nam thổi nhẹ, khiến họ tưởng rằng có thể thực hiện được ý định, nên nhổ neo và cho tàu đi men theo đảo Cơ-rê-ta. Nhưng chẳng bao lâu một trận cuồng phong, gọi là gió đông bắc, từ đảo thổi ra. Tàu bị cuốn đi, không thể chống chọi với gió, nên họ đành để cho trôi giạt. Khi chạy vòng phía sau một đảo nhỏ tên là Cau-đa, vất vả lắm họ mới ghì chiếc xuồng lại được. Kéo nó lên rồi, họ dùng các phương tiện cấp cứu, lấy thừng đánh đai con tàu. Rồi, vì sợ tàu bị mắc cạn trong vịnh Xiếc-ti, họ thả neo nổi và cứ để tàu trôi giạt. Tầu vẫn bị bão dữ dội, nên hôm sau thủy thủ ném hàng hoá xuống biển, và hôm sau nữa họ tự tay quăng đồ trang bị của tàu đi. Đã từ nhiều ngày, chẳng thấy mặt trời hay một vì sao nào xuất hiện, còn bão vẫn thổi mạnh, nên chúng tôi mất dần hy vọng được cứu.

** Từ lâu không ai ăn uống gì; bấy giờ ông Phao-lô đứng giữa họ mà nói: “Thưa các bạn, phải chi các bạn đã nghe tôi không rời đảo Cơ-rê-ta, thì đã tránh được những thiệt hại mất mát này. Nhưng giờ đây tôi khuyên các bạn cứ can đảm, vì không ai trong các bạn phải mất mạng đâu, chỉ mất tàu thôi. Thật vậy, đêm vừa rồi, một thiên sứ của Thiên Chúa là Chúa Tể của tôi và là Đấng tôi phụng thờ, đã hiện ra với tôi và bảo: “Này ông Phao-lô, đừng sợ! Ông phải ra trước toà hoàng đế Xê-da; vì thương ông, Thiên Chúa cho tất cả những người cùng đi tàu với ông được sống. Vì thế, thưa các bạn, hãy can đảm lên! Tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa: sự việc sẽ xảy ra đúng như lời đã phán với tôi. Nhưng chúng ta sẽ phải mắc cạn ở một hòn đảo.”

Đến đêm thứ mười bốn, tầu đang trôi giạt trên biển Át-ri-a, thì vào quãng nửa đêm, các thủy thủ có cảm giác như đang tới gần đất. Thả dây dò đáy biển, họ thấy sâu hai mươi sải; cách một quãng, họ lại thả dây dò lần nữa, thì thấy còn mười lăm sải. Sợ rằng tàu chúng tôi có thể đụng phải đá ngầm, họ thả bốn chiếc neo ở đằng lái và cầu mong cho trời mau sáng. Nhưng các thủy thủ tìm cách bỏ tàu mà trốn: họ hạ chiếc xuồng xuống biển, lấy cớ là để thả neo đằng mũi. Ông Phao-lô mới bảo viên đại đội trưởng và binh sĩ: “Nếu những người này không ở lại trên tàu, thì các ông không thể được cứu đâu! ” Lính bèn cắt đứt dây xuồng, cho nó trôi đi.

Trong khi đợi trời sáng, ông Phao-lô khuyên mọi người nên ăn uống; ông nói: “Cho đến hôm nay là mười bốn ngày, các bạn nhịn đói chờ đợi, không ăn gì cả. Vậy tôi khuyên các bạn nên ăn uống, vì có thế các bạn mới được cứu. Không ai trong các bạn sẽ mất một sợi tóc trên đầu.” Nói thế rồi, ông cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trước mặt mọi người, bẻ ra và bắt đầu ăn. Mọi người lấy lại được can đảm và họ cũng ăn uống. Chúng tôi ở trên tàu tất cả là hai trăm bảy mươi sáu người. Sau khi ăn no, họ đổ lúa mì xuống biển cho tàu nhẹ bớt.

Đến sáng, họ không nhận ra được đó là đất nào, nhưng thấy rõ một vùng có bãi cát, và tính chuyện cho tàu chạy vào, nếu có thể. Họ mới gỡ các neo, bỏ lại dưới biển, đồng thời tháo những thừng cột bánh lái ra; rồi căng buồm đằng mũi lên cho gió thổi, hướng thẳng vào bãi. Nhưng họ đụng phải bãi cát ngầm, nên cho tàu mắc cạn ở đó. Mũi tàu đâm vào cát, không nhúc nhích được, còn đằng lái thì bị sóng mạnh đánh vỡ tan.

** Bấy giờ binh sĩ nẩy ra ý muốn giết các người tù, vì sợ có người bơi được mà trốn mất. Nhưng viên đại đội trưởng muốn cứu ông Phao-lô nên ngăn cản họ thực hiện ý định. Ông ra lệnh cho những ai biết bơi thì nhảy xuống trước bơi vào bờ; còn những người khác thì bám vào ván hoặc mảnh tàu vỡ mà vào. Thế là mọi người vào được bờ và được cứu.

Được cứu rồi, chúng tôi mới biết đảo ấy gọi là Man-ta. Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh. Ông Phao-lô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông. Người địa phương thấy con vật lủng lẳng ở tay ông thì bảo nhau: “Chắc chắn người này là một tên sát nhân: hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống.” Nhưng ông giũ con vật vào lửa mà không hề hấn gì. Họ cứ đợi ông sẽ sưng phù lên hoặc lăn ra chết; nhưng đợi lâu mà không thấy có gì khác thường xảy đến cho ông, thì đổi ý và bảo ông là một vị thần.

Gần nơi ấy, có đồn điền của viên quan lớn nhất đảo, tên là Púp-li-ô. Ông tiếp đón chúng tôi và niềm nở cho chúng tôi trú ngụ trong ba ngày. Có ông thân sinh ông Púp-li-ô đang liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ. Ông Phao-lô vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên ông và chữa khỏi. Thấy thế, các bệnh nhân khác trên đảo cũng đến với ông và được chữa lành. Họ trọng đãi mọi người, và khi đoàn xuống tàu, họ đã đem tới những gì đoàn cần dùng.

Ba tháng sau, họ ra khơi trên một chiếc tàu đã qua mùa đông tại đảo; tàu này của thành A-lê-xan-ri-a và mang huy hiệu hai thần Đi-ốt-cu-ri. Họ ghé vào thành Xy-ra-cu-xa và ở lại đó ba ngày. Từ nơi ấy, tầu đi men theo bờ biển và tới thành Rê-gi-ô. Ngày hôm sau có gió nam nổi lên, và sau hai ngày tầu tới cảng Pu-tê-ô-li. Ở đây họ gặp được những người anh em, họ mời chúng tôi ở lại với họ bảy ngày. Đoàn đến Rô-ma như thế đó.

Các anh em ở Rô-ma nghe tin họ tới thì đến tận chợ Áp-pi-ô và Ba Quán đón chúng tôi. Thấy họ, ông Phao-lô tạ ơn Thiên Chúa và thêm can đảm. Khi vào Rô-ma, ông Phao-lô được phép ở nhà riêng cùng với người lính canh giữ ông.

** Ba ngày sau, ông mời các thân hào Do-thái đến. Khi họ đã tới đông đủ, ông nói với họ: “Thưa anh em, tôi đây, mặc dầu đã không làm gì chống lại dân ta hay các tục lệ của tổ tiên, tôi đã bị bắt tại Giê-ru-sa-lem và bị nộp vào tay người Rô-ma. Sau khi điều tra, họ muốn thả tôi, vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng vì người Do-thái chống đối, nên bó buộc tôi phải kháng cáo lên hoàng đế Xê-da; tuy vậy không phải là tôi muốn tố cáo dân tộc tôi. Đó là lý do khiến tôi xin được gặp và nói chuyện với anh em, bởi chính vì niềm hy vọng của Ít-ra-en mà tôi phải mang xiềng xích này.”

Họ nói với ông: “Về phía chúng tôi, chúng tôi không nhận được thư nào từ Giu-đê nói về ông, cũng chẳng có ai trong các anh em đến đây báo cáo hoặc nói gì xấu về ông. Chúng tôi muốn được nghe ông trình bày ý nghĩ của ông, vì chúng tôi biết là phái của ông đến đâu cũng gặp chống đối.”

Họ hẹn ngày với ông, và hôm đó đến gặp ông tại nhà trọ đông hơn. Ông trình bày cho họ và long trọng làm chứng về Nước Thiên Chúa; từ sáng đến chiều, ông dựa vào Luật Mô-sê và các ngôn sứ mà nói về Đức Giê-su, để cố thuyết phục họ. Nghe ông nói, người thì được thuyết phục, người thì không chịu tin. Khi giải tán, họ vẫn không đồng ý với nhau; ông Phao-lô chỉ nói thêm một lời: “Thánh Thần đã nói rất đúng khi dùng ngôn sứ I-sai-a mà phán với cha ông anh em rằng: Hãy đến gặp dân này và nói: Các ngươi có lắng tai nghe cũng không hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy;vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

“Vậy xin anh em biết cho rằng: ơn cứu độ này của Thiên Chúa đã được gửi đến cho các dân ngoại; họ thì họ sẽ nghe.” Ông nói thế rồi thì người Do-thái đi ra, tranh luận với nhau rất sôi nổi.

Suốt hai năm tròn, ông Phao-lô ở tại nhà ông đã thuê, và tiếp đón tất cả những ai đến với ông.Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giê-su Ki-tô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào.

Theo thư của linh mục Gaio thời ĐGH Zeferino thánh Phaolô đã bị hoàng đế Neron cho chặt đầu năm 67 và xác ngài được chôn tại nghĩa trang trên đường Ostiense, nơi hoàng đế Costantino cho xây một nhà thờ trên mộ thánh nhân năm 324, tức đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành hiện nay.

TMH 517

Linh Tiến Khải

RV

Chia sẻ Bài này:

Related posts