Tất cả các Thánh đều là những người có lòng sùng kính Đức Mẹ và ưa thích lần hạt Mân Côi, vì tràng hạt Mân Côi là lời kinh thân thiết với Mẹ Maria nhất, và là suối nguồn kéo đổ ơn thánh xuống trên cuộc sống tín hữu cũng như sinh rất nhiều ơn ích cho các linh hồn. Vì thế chúng ta hãy học nơi các thánh thói quen ưa thích lần hạt Mân Côi, tình yêu thương và lòng sốt mến của các vị đối với Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô, Mẹ Giáo Hội và là Mẹ chúng ta.
Thánh Phanxicô de Sales thường nhắn nhủ các con thiêng liêng của ngài phải ”cùng với Thiên Thần Bản Mệnh” lần hạt Mân Côi với tình yêu mến lớn lao. Thánh Phaolô Thánh Giá lần hạt Mân Côi với lòng sùng mộ lớn lao tới độ xem ra ngài nói chuyện với Đức Mẹ. Và thánh nhân hăng hái khuyên mọi người như sau: ”Phải đọc Kinh Mân Côi với lòng sốt sắng, bởi vì chúng ta nói chuyện với Đức Trinh Nữ Rất Thánh.”
Người ta kể rằng khi vị thánh trẻ thiên thần Stanislao Kostka lần hạt Mân Côi, thì người ”qùy trước mặt Đức Mẹ, cảm động vì sự tuyệt diệu; với kiểu cách dịu dàng và tràn đầy đức tin qua đó thánh nhân cầu khẩn Mẹ, người ta nói rằng người thật sự có Đức Mẹ trước mặt và trông thấy Đức Mẹ.”
Thánh Vinh sơn Palotti thì luôn luôn muốn người ta lần hạt Mân Côi một cách xứng đáng, trong nhà thờ cũng như tại tư gia, trong các nhà thương, cũng như trên đường phố. Một lần kia thấy có một linh mục lần hạt Mân Côi vội vã quá, thánh nhân tiến tới gần và dịu dàng nói với cha ấy: ”Nếu có ai đó có một chút đói thiêng liêng, thì với sự vội vã của mình cha sẽ ngăn cản người đó thỏa mãn cái đói ấy mất”.
Thánh nữ Catarina Labouré gây ấn tượng lớn cho những ai quan sát thánh nữ lần hạt Mân Côi, vì cái nhìn tình yêu sâu đậm mà thánh nữ nhìn Đức Mẹ và bởi dấu nhấn trầm tĩnh dịu dàng, khi thánh nữ đọc các lời Kính Mừng Maria.
Thánh Antonio Maria Claret thì ngay từ ngày còn trẻ đã lần hạt Mân Côi với nhiệt tình rất sống động. Thánh nhân khiến cho bạn bè cùng trường ước muốn đọc kinh như thế, và khi hướng dẫn buổi lần hạt Mân Côi, thánh nhân ”qùy gần bao lơn bàn thờ Đức Trinh Nữ chừng nào có thể, và có thái độ của một thiên thần Kerubim.”
Khi thánh nữ Bernadette lần hạt Mân Côi, thì ”đôi mắt đen, sâu và long lanh của chị trở thành mầu xanh của bầu trời. Chị chiêm ngằm Đức Trinh Nữ trong thần trí; xem ra chị còn đang xuất thần”. Người ta kể lại rằng thánh nữ Maria Goretti tử đạo cũng thế, chị lần hạt Mân Côi với ”gương mặt thanh thoát như thể có thị kiến từ trời cao”.
Cả thánh Pio X cũng lần hạt Mân Côi ”bằng cách suy niệm các mầu nhiệm, bị cuốn hút và như thể vắng mặt với hết mọi sự của trái đất, khi đọc các kinh Kính Mừng với giọng điệu khiến cho có người nghĩ rằng người trông thấy Đấng Rất Thanh Sạch, mà người khẩn nài với tình yêu nồng cháy.
Ai nghe đài phát thanh Vaticăng mà không nhớ Đức Giáo Hoàng Pio XII lần hạt Mân Côi như thế nào? Người loan báo mầu nhiệm, rồi ngừng thinh lặng một chút, chiêm ngắm, rồi đọc kinh Lậy Cha và các kinh Kính Mừng với lòng yêu mến.
Sau cùng chúng ta nhớ tới vị Tôi tớ Chúa Giuseppe Tovini, trạng sư, nhà xã hội học và là nhà văn, cha của mười người con, mỗi chiều lần hạt Mân Côi với gia đình, một cách thật là gương mẫu. Người con gái là nữ tu Cát Minh chứng thực với chúng ta rằng ông thân sinh chị ”qùy gập gối xuống để cầu nguyện, mông dựa trên ghế và hai tay chắp trước ngực, đầu hơi nghiêng thấp hay hướng nhìn về ảnh Đức Mẹ với tình yêu thương nồng nhiệt.”
Nhưng nói cho cùng, ai mà có thể nói lên được nhiệt tình yêu thương và sự tham dự nội tâm mà các Thánh đã có, khi đọc Kinh Mân Côi?
Thế còn chúng ta thì sao? Rất tiếc rốt cuộc thật đúng thật là chúng ta hết yêu mến Kinh Mân Côi rồi, cả khi bỏ đọc kinh mà chúng ta cũng không hối tiếc, chỉ vì chúng ta không biết đọc kinh một cách tốt đẹp thôi. Chúng ta lo ra và bị phân tán bởi hàng trăm thứ trong ngày sống và thời giờ lần chuỗi cũng không được cứu vãn khỏi sự lo ra liên tục ấy.
Đã thế, rất thường khi chúng ta lần hạt Mân Côi một cách vội vã, vào phút chót, có khi là nằm trên giường, mệt nỏi và buồn ngủ… Và rồi chúng ta than phiền là Kinh Mân Côi đã không sinh hoa trái nào và đối với chúng ta xem ra nó là một lời cầu nguyện cằn cỗi và buồn chán. Nhưng thật là vô ích yêu sách có hoa từ bụi rậm và qủa từ cây cằn cỗi.
Thiện chí và tình yêu thương, trái lại, khiến cho Đức Mẹ vui nhận cả các tràng Kinh Mân Côi mà thánh Alfnso de Liguori lần trên lưng lừa khi đi qua các cách đồng, mà thánh nữ Francesca Saverio Cabrini đọc trên các con tầu rẽ sóng xuyên Đại Tây Dương, mà thánh Massimiliano Kolbe đọc ban chiều trong các nhà ngủ, khi các tu sĩ lên giường nghỉ ngơi, mà thánh nữ Maria Bertilla lần bên cạnh các người bệnh trong nhà thương dưới trậm mưa bom, mà chân phước Orione đọc trên xe cam nhông trong các lần di chuyển và chạy trốn chiến tranh lan tràn, mà cha Pio thành Pietrelcina lần dọc các hành lang tu viện hay khi ngài chậm rãi đi xuống cầu thang, bị tín hữu dồn ép tứ phía.
Như thế, Kinh Mân Côi không chỉ được đọc trong thời bình, nhưng nhất là được đọc trong thời chiến tranh, giữa tiếng bom rơi đạn réo nữa. Kinh Mân Côi cũng có thể đọc ngay giữa tiếng ồn ào náo nhiệt. Thiện chí và tình yêu khiến cho Kinh Mân Côi phong phú cả khi các điều kiện bên ngoài không tạo thuận tiện cho sự cầm trí và việc vui hưởng tí nào cả.
Người ta kể rằng có một binh sĩ kia đang ở trong hầm chiến đấu viết một lá cho mẹ già giữa tiếng đại bác nổ ầm ầm. Một binh sĩ đồng đội hỏi anh ta: ”Làm sao mà chú có thể viết thư trong tiếng ồn ào như thế… Không ai biết chúng ta sẽ phạm bao nhiêu lỗi chính tả!…” Anh bạn kia trả lời: ”Đâu có sao, mẹ mình sẽ sửa các lỗi đó. Điều quan trọng là viết thư cho bà.” Anh bạn đồng đội nói: ”Chú có lý”.
Đúng thế. Tình yêu thương và thiện chí tự chúng là đủ để trao ban nội dung và giá trị cho Kinh Mân Côi, giống như là một bức thư dài và trìu mến chúng ta viết cho Mẹ trên trời, cả khi nó có nhiều lỗi, nhưng luôn luôn thân thương được Mẹ chấp nhận.
Vị Tôi tớ Chúa Đức Cha Pary, Giám Mục Algeri, kiên trì lần hật Mân Côi và lúc nào cũng có có tràng hạt Mân Côi trnog tay hay cuốn trên cổ tay. Một ngày nọ có người hỏi ngài: ”Thưa Đức Cha, làm thế nào mà Đức Cha luôn luôn chú ý lần hạt Mân Côi như vậy được?” Đây là một câu hỏi rất thực tế. Đức Cha Pery trả lời: ”Nếu trong biết bao Kinh Kính Mừng Maria mà tôi đọc, chỉ có một kinh tốt thôi, thì xem ra lại đã chẳng được lời biết bao nhiều hay sao?”
Khi về gìa và đau yếu thánh Phaolô Thánh Giá trả lời như sau cho những ai muốn ngài thôi đoc Kinh Mân Côi vì không còn tiếng nữa: ”Cho tới khi nào tôi còn sống, thì tôi muốn đọc Kinh Mân Côi, và nếu tôi không đọc được với tiếng của mình nữa, thì tôi đọc kinh với con tim”.
Có một lần nọ người ta hỏi cha Pio thành Pietrelcina: ”Làm thế nào để có thể chăm chú lần hạt Mân Côi?”, cha trả lời: ”Phải hướng sự chú ý tới Kinh Kính Mừng, tới lời chào hướng về Đức Trinh Nữ trong mầu nhiệm chúng ta suy gẫm. Mẹ đã hiện diện trong tất cả mọi mầu nhiệm, Mẹ đã tham dự vào tất cả các mầu nhiệm đó với tình yêu thương và sự đau đớn.” Như thế, từ từ chúng ta có thể khám phá ra các mầu nhiệm vui dịu ngọt, các đau khổ kinh khủng và các vinh quang thiên quốc của Đức Trinh Nữ Rất Diễm Phúc, và Mẹ sẽ khiến cho chúng ta tham dự vào tất cả các ơn thánh chứa đựng trong các mầu sự vui, trong các đau khổ và trong các vinh quang của Mẹ.
Như thế, lần hạt Mân Côi là cùng Mẹ Maria suy niệm và sống trở lại các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu Kitô trong tận cùng thẳm tâm hồn chúng ta, để cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót Thiên Chúa dành để cho chúng ta qua Con Dấu Yêu của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, đã nhập thể làm người, đã nhọc công rao giảng Tin Mừng cứu độ, đã chấp nhận mọi vất vả, khổ hình và cái chết bất công nhục nhã trên thấp giá và đã sống lại để mưu cầu ơn cứu rỗi cho toàn nhân loại.
(Thánh Mẫu Học bài số 371)
Linh Tiến Khải