Lần trước chúng ta đi tới kết luận lễ Sinh Nhật Đức Mẹ là lễ của sự tràn đầy và vơi nhẹ, vì nó được mừng bắt đầu vào mùa thu, nghĩa là sau cái nóng bức của mùa hè, khi khí hậu mát mẻ và dễ chịu hơn, và khi nho và nhiều thứ trái cây khác bắt đầu chín mọng.
Do đó lễ Sinh Nhật Đức Mẹ diễn tả hai ý niệm rất đẹp: thứ nhất là ý niệm về sự ”tràn đầy viên mãn của thời gian” và ý niệm sự vơi nhẹ mà Mẹ Maria đem đến cho loài người. Là thụ tạo tuyệt vời được Thiên Chúa tuyển chọn từ đời đời để trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế, biến cố Đức Maria chào đời mở màn cho việc thực hiện công trình cứu cuộc của Thiên Chúa. Trong thư gửi tín hữu Galát thánh Phaolô diễn tả thời điểm quan trọng biến cố Chúa Giêsu Kitô nhập thể như sau: “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật” (Gl 4,4). Nhưng trước khi Chúa Cứu Thế có thể sinh ra, đã phải có ngày Mẹ của Người là Đức Trinh Nữ Maria chào đời, đã phải có ngày Sinh Nhật của Mẹ. Vì vậy có thể nói thời gian viên mãn ấy đã bắt đầu với biến cố Đức Maria chào đời. Mẹ vào đời để bắt đầu hiện thực chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Mẹ là nước mát từ Trời đổ xuống trên trái đất khô cằn nứt nẻ vì tội lỗi của loài người, để cùng Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ lại biến nó trở thành vườn địa đàng, nơi ngày ngày Thiên Chúa gặp gỡ và chuyện vãn thân tình với con người.
Trong Thánh Kinh Cựu Ước tất cả đều quy hướng về thời điểm của biến cố nhập thể, và Thánh Kinh Tân Ước bắt đầu từ đó: Đức Trinh Nữ Maria xuất hiện chính trong thời điểm tràn đầy ấy. Khi giải thích bài đọc hai của Phụng vụ giờ kinh lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, thánh Anrê đảo Creta bình luận rằng Sinh Nhật Đức Maria giống như một đá mốc đặt giữa Thánh Kinh Cựu Ước và Thánh Kinh Tân Ước. Nó cho thấy sự thật tiếp theo các dấu chỉ và hình ảnh, và tân ước tiếp theo cựu ước” (Discorsi, 1, PG 97,810). Liên quan tới sự ”viên mãn của thời gian” phụng vụ lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria liên tục nêu bật nó với các giọng điệu khác nhau: trong bài đọc thứ nhất của Phụng vụ giờ kinh người ta báo trước thời điểm vĩ đại của sự xuất hiện và sự cộng tác thân tình của Đấng sẽ chiến thắng vĩnh viễn con rắn của hỏa ngục. Sự xuất hiện ấy được chỉ định soi sáng cho toàn Giáo Hội.
Trong lễ sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria đề tài ”ánh sáng” thường xuyên xuất hiện: ”hình ảnh của Người là ánh sáng cho toàn dân Kitô” (đáp ca hai bài đọc Kinh Thần Vụ); ”Trong thế giới đã thắp lên một ánh sáng khi Đức Trinh Nữ sinh ra” (điệp khúc hai Kinh Sáng); ”Từ ngươi đã sinh hạ mặt trời của công lý” (điệp khúc Kinh Chúc tụng Đức Chúa). Và cùng với đề tài ánh sáng hiển nhiên cũng có đề tài niềm vui nữa: ”Với đức tin và niềm vui chúng ta hãy cử hành việc sinh ra của Đức Trinh Nữ Thánh” (đáp ca 1 bài đọc Kinh Thần Vụ); ”Mọi tạo vật hát lên vì vui sướng, nhảy mừng và tham dự vào sự hoan hỉ của ngay này” (bài dọc hai của Kinh Thần Vụ); ”Lậy Mẹ Maria, với niềm vui chúng con cử hành ngày Mẹ sinh ra” (điệp ca 3 Kinh Sáng); ”Việc Mẹ sinh ra đã loan báo niềm vui cho toàn thế giới” (Điệp ca Kinh Chúc Tụng Đức Chúa).
Thời gian viên mãn, ánh sáng và niềm vui. Có lẽ chúng ta sẽ hiểu rõ hơn tầm quan trọng mà ngày sinh nhật của Mẹ có đối với nhân loại, nếu chúng ta chú ý tới điều kiện của một người bị tù. Ngày sống của người bị tù dài lê thê bất tận… Đêm cuối cùng ở trong tù anh ta đếm từng phút và sau cùng cửa tù rộng mở: giờ chờ đợi sự tự do biết bao nhiêu đã tới!… Các phút dài vô tận ấy, được đếm từng giây ấy đưa chúng ta trở về với trang Tin Nừng về gia phả của Chúa Giêsu. Các tên nối tiếp nhau với một nhịp điệu buồn buồn: ”Abraham sinh Igiaác, Igiaác sinh Giacóp, Giacóp sinh Giuđa… Giêssê sinh Đavít, Đavít sinh Salomon…. ” (Mt 1,2a.6ab). Sau cùng điểm giờ Thiên Chúa muốn: đó là thời viên mãn, khởi đầu của ánh sáng, bình minh của ơn cứu độ: ”Giacóp sinh Giuse, chồng bà Maria, từ bà đã sinh ra Đức Giêsu gọi là Kitô” )Mt 1,16).
Như thế chúng ta thấy phụng vụ thiết lập một sự song song giữa Chúa Kitô và Mẹ Maria. Phụng vụ không có thói quen cử hành ngày sinh ra của các thánh. Trường hơp trừ duy nhất là sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Nhưng phụng vụ cử hành cái chết của các vị và gọi là ”ngày sinh ra”, ngày các vị sinh vào Trời. Nhưng trái lại, khi đó là trường hợp của Mẹ Maria Rất Thánh, Mẹ Đấng Cứu Thế, của Đấng giống Chúa nhất, thì có sự song song hiển nhiên giữa Chúa Kitô và Đức Mẹ. Vì thế, cũng như biến cố thụ thai Chúa Giêsu được mừng ngày 25 tháng 3 và lễ Chúa giáng sinh mừng ngày 25 tháng 12, biến cố Đức Mẹ được thụ thai vô nhiễm được mừng ngày mùng 8 tháng 12 và lễ Sinh nhật Đức Mẹ mừng ngày mùng 8 tháng 9. Cũng thế chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu phục sinh và lên trời, và mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời và lễ Đức Maria Nữ Vương.
Thánh Anrê đảo Creta kêu lên: ”Ngày lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ là ngày, trong đó Đấng Tạo Dựng vũ trụ đã xây đền thờ của Người, hôm nay là ngày trong đó, bởi một dự án tuyệt vời, thụ tạo trở thành nơi ở được tuyển chọn trước của Đấng Tạo Hóa” (Discorsi, 1, PG 97,810).
Các bài đọc trong thánh lễ được đề nghị cho lễ Sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria là sách Mikha chương 5 câu 2 đến câu 5, thư gửi tín hữu Roma chương 8 câu 28 tới câu 30, Phúc Âm thánh Mátthêu chương 1 các câu 1 tới 16, và 18 tới 23. Chúng diễn tả công trình của Thiên Chúa trong việc xây cất đền thánh, nơi ở của Người. Thánh nữ Matilde nói rằng Thiên Chúa đã chăm sóc việc dựng nên tiểu vũ trụ là Đức Maria, hơn là săn sóc việc dựng nên đại vũ trụ là toàn thế giới. Như thế Đức Maria xuất hiện như là ”thời điểm cố định của cố vấn vĩnh cửu”, và người ta đặc biệt nêu bật đặc ân đồng trinh của Mẹ. Bài đọc thứ hai trích từ chương 8 thư gửi giáo đoàn Roma nhấn mạnh sự tiền định của Thiên Chúa và sự cộng tác của con người vào chương trình của Thiên Chúa, trong khi bài đọc thứ nhất và Phúc Âm nêu bật chức làm mẹ đồng trinh, được đặt định cho Đức Maria, để xứng đáng là Mẹ của Đấng Cứu Thế.
Trước hết là sự kiện Đức Maria là trinh nữ sẽ thụ thai. Văn bản sách ngôn sứ Mikha viết: ”Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Israel cho đến thời một phụ nữ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất. Chính Người sẽ đem lại hòa bình. Khi Assur xâm nhập xứ sở và giày đạp đất nước chúng ta, chúng ta sẽ đặt bảy mục tử và tám thủ lãnh chống lại chúng. Họ sẽ dùng gươm mà cai trị đất nước Assur, lấy giáo mà cai trị xứ Nimrod. Nhưng Người sẽ giải thoát chúng ta khỏi Assur, khi nó xâm nhập xứ sở, và giày xéo lãnh thổ chúng ta” (Mk 5,2-5).
Văn bản trên đây của ngôn sứ Mikha là một trong các lời tiên tri cứu thế nổi tiếng nhất. Ngôn sứ đã loan báo sự tàn lụi của các vương quốc miền bắc và miền nam như hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên dân chúng vì họ đã bỏ Ngài để đi theo các thần linh ngoại giáo và tôn thờ chúng. Nhưng giữa các tối tăm của đổ vỡ tang thương ấy bừng lên một ánh sáng. Và luôn luôn xảy ra như vậy! Thiên Chúa sẽ để cho con cái Israel rơi vào quyền lực của những người khác cho tới khi vị có sứ mạng thống lãnh Israel xuất hiện.
Xem ra tác giả muốn làm như mình là một người mầu nhiệm, kỳ bí, bởi vì ông biết điều ông nói tới đã được mọi người biết rồi, và nói rằng từ Bếtlehem vùng Efrata sẽ xuất thân vị lãnh đạo, người hướng dẫn mới: ông thực sự nghĩ tới Bếtlehem, là quê hương của vua Đavít, và vì thế nghĩ tới Đấng Messia, thuộc dòng dõi vua Đavít, như là một lập lại trong lịch sử: người ta sẽ bắt đầu trở lại vối nột vua Đavít mới, với Đấng Cứu Thế Messia.
Đây cũng là điều được biết đến trong thời Chúa Giêsu, như thánh Mátthêu ghi lại trong chương 2 trình thuật ba đạo sĩ phương đông tìm đến bái lạy Đấng Cứu Thế mới sinh: ”Khi Đức Giêsu ra đời tại Bếtlehem, miền Giuđea, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem và hỏi: ”Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người. Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: ”Tại Bếtlehem, miền Giuđêa, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: ”Phần ngươi hỡi Bếtlêhem, miền Giuđêa, ngươi đâu phải là một thành nhỏ nhoi nhất của Giuđêa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2,1-6).
Kiểu nói của ngôn sứ Mikha không chỉ được hiểu trong nghĩa thần học của một ”bắt đầu trở lại trong lịch sử”, nhưng cũng được hiểu trong nghĩa địa lý cụ thể đích thật. Trong một cách thức xem ra kỳ lạ ngôn sứ Mikha không giới thiệu vị lãnh đạo, người hướng đạo mới, cho bằng người đàn bà sẽ cho vị đó chào đời. Về vị thủ lãnh đó ngôn sứ nói ông sẽ là một trưởng mục tử, sẽ cai trị với ơn thánh của Chúa, và vương quốc của người sẽ là một vương quốc hòa bình đại đồng. Về người mẹ ngôn sứ Mikha còn nói những điều kỳ diệu hơn nữa, bao trùm một ý nghĩa nhiệm mầu, nhưng cả những người thời đó cũng đã có thể hiểu và lượng định: ”… Cho tới khi một phụ nữ phải sinh sẽ sinh con” (Mk 5,2). Đương nhiên là ngôn sứ Mikha và cùng với ông là tất cả dân Do thái nghĩ tới lời sấm về người thiếu nữ của chương 7 câu 14, mà ngôn sứ Isaia đã nói tới trước đó khoảng 30 năm: ”Vì vậy chính Giavê sẽ ban cho các ngươi một dấu chỉ: Này đây, người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14).
Hiến chế về Giáo Hội của Công Đồng Chung Vaticăng II cũng thừa nhận rằng lời tiên tri của ngôn sứ Mikha được thành toàn nơi Đức Maria: ”Đây là Đức Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một Con Trai, tên Người là Emmamuel” (x. Is 7,14; Mk 5,2-3; Mt 1,22-23” (LG 55).
(Thánh Mẫu Học bài số 376)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV